Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Ý nghĩa thuật ngữ Phật (佛) trong tư tưởng bình đẳng giới

Ý nghĩa thuật ngữ Phật (佛) trong tư tưởng bình đẳng giới

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Diệu Hạnh (Trần Thị Diễm Cần)
Học viên NCS Học viện PGVN tại TP.HCM

Giới thiệu
Khi đề cập đến thuật ngữ Phật, người ta liên tưởng tới các vị Phật, còn các tín đồ phật tử xưng, niệm danh hiệu của chư Phật nhằm mục đích tưởng nhớ và thực hành theo giáo lý của quý Ngài. Tuy nhiên, có mấy ai biết và hiểu rõ được thuật ngữ “Phật (佛)” có ý nghĩa thật sự như thế nào. Chính vì vậy, ở bài viết này tập trung nghiên cứu thuật ngữ “Phật” nhằm mục đích giúp cho người đọc hiểu rõ và sâu hơn về nguồn gốc cốt lõi của thuật ngữ này cũng như ý nghĩa của nó đối với đời sống của tín đồ phật tử, đặc biệt ý nghĩa của nó trong tư tưởng bình đẳng giới.
Phạm vi của nghiên cứu là kinh điển Phật giáo và những tài liệu liên quan. Phương pháp logic được sử dụng chủ yếu trong bài viết này.

1. Phiên âm dịch nghĩa

Trong từ điển tiếng Anh có thuật ngữ “Buddhism” (Phật giáo). Trong đó, Phật (chữ Hán: 佛), tiếng Hindi: बुद्धा (phiên âm: Buddha), hay Bụt (Chữ Nôm: ?) hoặc Bụt Đà (chữ Phạn: Buddhã) nghĩa là Bậc Giác Ngộ, tiếng Pháp: Boudha, tiếng Anh: Buddha. “Buddha” trong tiếng Phạn, là do hai từ gốc “budh” và “ta” ghép thành. Từ “budh” có nghĩa là “tỉnh” và “ta” là “biết”. Bởi vậy, “Buddha” có nghĩa là người đã thức tỉnh từ cõi mê, đã biết được chân lý và đã giác ngộ. Theo International Phonetic Alphabet (IPA) – Bảng mẫu tự phiên âm quốc tế, phiên âm cho chữ Buddha trong Phạn ngữ là [ˈbud̪d̪ʱə].

Theo hệ thống chữ cái của Ấn Độ và Nepal, Buddha được phiên âm là बुद्ध và Buddha là बुद्धा. “Phật” là từ gốc Hán, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán “佛” là but [1]. “Phật” bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “佛”. Theo Pulleyblank từ “Phật” trong tiếng Việt bắt nguồn từ âm fɦjyt của từ “佛”[2].

Theo nguồn ja.wikipedia.org của Nhật Bản, thuật ngữ Phật đà 仏陀 được định nghĩa như sau: 仏陀(ブッダ、梵:बुद्ध buddha)は、仏ともいい、悟りの最高の位「仏の悟り」を開いた人を指す。

Trong từ điển A practical Sanskrit dictionary [3] đã đề cập đến định nghĩa về chữ Phật:

“buddha [bud-dha] pp. (root; budh) awakened, fully awake; enlightened, wise; observed; m. enlightened person who is qualified by good works and knowledge of the truth for Nirvâna and reveals the true doctrine of salvation to the world before his decease”…

Trong từ điển Wilson Sanskrit-English Dictionary [4] đã phiên âm chữ Phật बुद्ध mfn. (-द्धः-द्धा-द्धं) Known, understood. m. (-द्धः); tạm dịch là sự hiểu, biết.

Theo Dictionnaire Sanskrit-Français de Gérard HUET [5] đã phiên âm chữ Phật như sau: बुद्ध Buddha [pp. budh_1] a. m. n. f. Buddha éveillé, éclairé, savant, sage — m. bd. personne ayant réalisé l’Éveil libérateur…tạm dịch là người uyên bác, thông thái, giác ngộ…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chu Phat

2. Ý nghĩa liên hệ với đề tài nghiên cứu

Thuật ngữ Phật hay ý nghĩa của thuật ngữ đã có không ít nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện. Hầu hết các nghiên cứu đều sử dụng thuật ngữ này gắn liền đạo Phật với ý nghĩa chỉ một cá nhân vô ngã hiếm có, đã thể nhập trực tiếp vào chất chân thật của thực tại, thành tựu bất thoái chuyển giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, cùng những khổ đau hệ lụy [6]. Thực tế, các tín đồ sử dụng từ ngữ Phật là đề cập đến “đức Phật”, một vị vị sáng lập Phật giáo, Siddhattha Gotama (Pāli, Skt. Siddhārtha Gautama). Ngài đã trở thành một vị đạo sư, giác ngộ viên mãn, thành tựu cả giới đức và trí đức của mình, là thành quả của nhiều tiền kiếp tu tập mà lãnh ngộ được. Ngài được mệnh danh là bậc khai sáng và là vị thầy của chân lý giải thoát, một sammā-sambuddha (Pāli, Skt. Śamyak-sambuddha, chính đẳng chính giác).

Chữ Phật luôn có mối quan hệ mật thiết với chúng sinh. Với tinh thần trung đạo, Phật là kim chỉ nam tạo động lực diệt trừ vô minh, phiền não trong đời sống con người thông qua các giáo lý như Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Tứ Như Ý Túc, Bát Chính Đạo … Những giáo lý này là phương pháp chữa lành tâm bệnh của con người thoát khỏi những khổ đau, bế tắc, điều này đã có những liên hệ mật thiết với vấn đề– Bình đẳng giới – và có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi đề cập đến Phật, giáo lý Phật giáo đã có nhiều đóng góp cho việc thực hiện bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng.

Trải qua hơn 2.600 năm nhưng những lời dạy của đức Phật vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay, có một ý nghĩa sâu rộng trong đời sống. Trước khi đức Phật xuất hiện, xã hội Ấn Độ bấy giờ chia thành 04 giai cấp, trong đó vị thế của phụ nữ trong xã hội không được xem trọng. Đến khi đức Phật ra xuất hiện ở thế gian, Ngài đã mang lại triết lý về tinh thần bình đẳng, Ngài là nhà cách mạng tiên phong trong công cuộc bình đẳng giai cấp, đặc biệt nâng cao vị thế người nữ. Ngài dạy chúng đệ tử đi theo con đường trung đạo, xa lánh hai thái cực dục lạc và khổ hạnh đưa hành giả đến chánh trí, giải thoát, niết bàn. Nói về tính chất bình đẳng của tăng chúng, trong Tăng Chi Bộ có đề cập một đoạn cho ta hiểu được, đức Phật không hề thiên vị một ai.

Trong giáo lý của Ngài, dù sang hèn, giàu nghèo, đẹp xấu; đang ở trong giai cấp nào, hoặc nam hay nữ… tất cả, sau khi xuất gia đều sống đời Phạm hạnh, cũng đều là Sa môn đệ tử Phật, bình đẳng không phân biệt như trăm sông đổ về biển:

“… có bốn giai cấp này: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”[7].

Khi đề cập đến BĐG, có thể nói rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên công nhận BĐG, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ ngay từ thời Phật tại thế, có thể kể đến việc Ngài cho phép nữ giới gia nhập tăng đoàn. Với sự xuất hiện của Phật giáo và quan niệm của đạo Phật, nam – nữ bình đẳng trên nhiều phương diện, và họ được xem là những cá nhân có quyền tự do theo đuổi nếp sống, ước mơ mà họ chọn.

Ý nghĩa chữ “Phật”

3. Chữ Phật giúp ích cho đề tài nghiên cứu

Chữ Phật là nền tảng giúp cho tâm trí con người vững tin, sáng suốt, tưởng nhớ Phật và niệm đức tính của Phật. Trong Đại thừa luận viết có bảy đức tính mà ai niệm Phật cũng phải tưởng nhớ (1) Trí tự tại, (2) Thân thường trú, (3) Tối vô lậu, (4) Vô công dụng hạnh, (5) Đại pháp lạc, (6) Ly nhiễm ô, (7) Thành đại sư [8]. Với tâm ý như thế, mong muốn thực hiện nghiên cứu gắn liền với những triết lý từ lời Phật dạy, nghiên cứu giúp xã hội hiện đại hướng đến một đời sống tâm linh vững chắc, cả cộng đồng tăng lữ hay giới nam và nữ trong xã hội này nhận thức được vai trò, quyền và trách nhiệm, ứng dụng vào việc đối nhân xử thế nhằm hướng đến một xã hội bình đẳng đúng theo tinh thần đạo Phật đã được thực hành, ứng dụng trong suốt các thập kỷ qua.

Phật pháp sinh ra là để giúp con người chuyển mê thành ngộ, giúp con người có đời sống an ổn, hạnh phúc. Học Phật là để biết được quy luật nhân quả bao trùm, người học Phật vun bồi trí huệ để chọn đường đi có từ bi, đặc biệt nhận ra được chủ vận mệnh của cuộc đời mình là chính mình chứ không ai khác. Trong giáo lý của đạo Phật, đức Phật đã lan tỏa tâm từ đến những người hữu duyên, những ai đã hướng về con đường giác ngộ thì không nên ỷ lại mà phải tự mình thoát ra khỏi phiền não trong đời sống thường ngày, giữ thân tâm an lạc, thanh tịnh giữa cõi nhân gian muôn ngàn dục lạc. Tất cả giáo lý đều đề cập tu Phật là tu tâm: “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tính mình mà tìm.. Tính mình mê tức là chúng sinh. Tính mình giác tức là Phật”[9]. Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật Thích Ca đề cập: “Anan, … các căn của ông, nếu hoàn toàn gỡ hết khắn chặt nơi trần cảnh, … trở về chân tâm rồi, … Ông liền chứng được quả Phật”[10]. Kinh Viên Giác có kệ: “Nếu người đoạn thương ghét/ Cùng với Tham, Sân. Si/ Chẳng cần tu gì khác/ Cũng đều đặng thành Phật”[11].

Đời sống của hành giả khi đạt được trạng thái giác ngộ, giải thoát được dùng hình ảnh, từ ngữ ẩn dụ để mô tả đó là Phật, cõi Phật, thoát luân hồi sinh tử là cõi Niết-bàn… Cuộc sống an vui, hạnh phúc viên mãn không bao giờ phiền muộn với bất cứ điều này xảy ra trong đời sống thường nhật khi vị ấy “cảm thọ tham ái được đoạn tận…cảm thọ sân đoạn tận … cảm thọ si được đoạn tận …Niết-bàn là thiết thực hiện tại…”[12].

Tóm lại, chữ Phật giúp cho các hạnh giả quán sát, xem xét, nhìn vào bên trong, hành trì theo lời dạy của đức Phật nhằm mang đến một đời sống với tư tưởng bình đẳng, thanh tịnh và an lạc tại thế gian.

4. Chữ Phật trong Phật giáo

Khi đề cập đến chữ Phật, nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề rằng chữ Phật là văn tự hay nghệ thuật, là kỹ thuật hay tiền đề, là chất liệu hay tư tưởng. Đối với vấn đề này, thiển ý của người viết chữ Phật vừa là văn tự vừa là nghệ thuật, vừa là kỹ thuật vừa là tiền đề, vừa là chất liệu và cũng là tư tưởng.

Thứ nhất, chữ Phật là sản phẩm phi vật thể, mang tính nghệ thuật. Chữ Phật thường được các học giả luyện viết thư pháp, trang trí tranh, ảnh trong nhà hoặc là mô hình kiến trúc ở các tháp, miếu, chùa. Chữ Phật nhắc nhở các hành giả tu học tỉnh thức, trong tâm luôn có Phật. Theo văn tự chữ hán, theo dạng phân từ thì thuật ngữ Phật 佛 có cấu trúc: 佛 = Bên trái có bộ Nhân đứng亻+ Bên phải có chữ Phất 弗,là đại diện biểu trưng cho nguồn năng lực bên trong của con người, là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực tìm đến hay vượt qua những phiền não, khó khăn cùng cực trong cuộc đời cho mình và cho người mà không bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Thứ hai, minh chứng cho thấy rằng thuật ngữ Phật là viết theo nghệ thuật, nhưng nó cũng vừa là kỹ thuật để trị liệu tâm lý, và là nền tảng vững chắc giúp con người chuyển hóa tâm thức, diệt trừ phiền não, tham, sân, si, mạn để sống tích cực hơn. Thật vậy, con người (亻) biết nhờ sợi dây (弓) trói buộc thanh bên trái 丿 một thanh bên phải 〡cho ngay thẳng song song không bị sai lệch, thì đây cũng mang hàm ý cho biểu tượng của sự tu sửa, cân bằng để vượt qua những chướng ngại của cuộc đời. Chữ 佛 còn là một biểu trưng để biểu hiện hành động một người đã tìm ra con đường Trung Đạo, con đường được nối tiếp qua nhiều thập kỷ, dùng nó để tu tập trong đời sống hằng ngày.

Cuối cùng, Phật (佛)là chất liệu để xây dựng một nền móng vững chắc cho con đường đến bến bờ giác ngộ. Thuật ngữ này biểu hiện tri thức khoa học về sự thật, về ý thức sống của con người tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới quan. Do vậy, người nào ý thức sống chân thật sẽ trở thành Phật: “muốn cầu Phật thà cầu tâm. Chỉ tâm tâm tâm ấy tức là Phật. Lìa tâm không Phật. Lìa Phật không tâm và tâm tức là Phật. Phật tức là tâm. Ngoài tâm không Phật. Ngoài Phật không tâm”[13]. Chữ Phật không phải là một danh từ riêng, mà là một danh hiệu. Trong truyền thống Phật giáo, có nhiều vị Phật trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Do đó thuật ngữ “Phật” được sử dụng để tán dương công đức các bậc giác ngộ hoàn toàn từ quá khứ đến hiện tại, trong đó đức Phật hiện tại là Phật Thích-ca Mâu-ni – tên thật của Ngài là Sĩ Ðạt Ta hay Tất Ðạt Ta, Phạn ngữ viết là Siddhārtha.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Y Nghia Chua Phat 1

Tóm lại, 佛 là một danh hiệu để chỉ những bậc đã giác ngộ hoàn toàn. Tuy nhiên, thuật ngữ Phật còn là một tĩnh từ để chỉ trạng thái của sự tĩnh lặng, là một trạng thái tâm chỉ người đã giác ngộ, là trạng thái tâm bất động, Niết-bàn, là Chân như v.v.… Trong suốt tiến trình của nghiên cứu chủ đề bình đẳng giới, người viết đã vận dụng những lời Phật dạy nhằm giúp các hành giả hóa giải những căng thẳng của cuộc sống hướng đến tinh thần bình đẳng về mọi mặt, đặc biệt là bình đẳng nam nữ.

5. Nguồn gốc của thuật ngữ Phật

Thuật ngữ “Phật” xuất phát từ chữ Phạn बुद्धा) đọc là Buddhā, dịch nghĩa đầy đủ là tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Câu hỏi được đặt ra, thuật ngữ này có nguồn gốc từ Ấn Độ hay Trung Quốc, hay của Việt Nam? Thuật ngữ này của cá nhân hay của cộng đồng. Qua quá trình tìm hiểu, người viết xin phép trình bày như sau:

Ngay từ buổi sơ khai, người Việt tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ, khi các nhà Sư Ấn Độ đi theo các nhà buôn bằng đường biển đến Vịnh Bắc Việt, truyền đạo vào kinh đô Luy Lâu của nước Việt bấy giờ. Người Việt nghe các nhà sư phát âm là Buddha, được người dân lúc bấy giờ phiên âm trực tiếp là “Bụt”(Chữ Nôm: ?). Chính vì lý do này, trong các truyện cổ tích Việt Nam thời Văn Lang trở đi ta hay thấy có hình ảnh của ông Bụt xuất hiện cứu giúp người hiền lành gặp cảnh oan trái, khổ đau [14]. Từ khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, trong tiếng hán Buddha được phiên âm thành Phật đà rồi rút gọn lại thành Phật. Vào thế kỷ thứ IV –V, do ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa đến từ Trung Quốc mà nước Việt dần dần thay thế bằng từ Phật thay vì Bụt dù cả hai từ cùng một nghĩa là chỉ bậc giác ngộ.

Phật không phải là một danh từ đặc biệt dùng để gọi mà là một danh hiệu dùng để miêu tả một vị với ý nghĩa tỉnh thức, giác ngộ. Theo truyền thống Đại thừa (Mahāyāna) cũng đề cập đến nhiều vị Phật hiện đang tồn tại ở các phương khác nhau của vũ trụ, tất cả các vị ấy được gọi là “Chính đẳng chính giác. Trong khi đó, Phật giáo Kim cang thừa (Vajrayāna) cũng công nhận các vị là những hóa thân thị hiện trên trần thế của chư Phật từ các quốc độ Phật khác. Vì thuật ngữ Phật không chỉ riêng cho một cá nhân duy nhất, đức Phật Gotama, nên Phật giáo ít tập trung vào đấng sáng lập mà cốt lõi trong Phật giáo là giáo pháp của (chư) Phật, và sự thức tỉnh hay giác ngộ.

Kết luận

Nhìn chung, có nhiều vị Phật được đề cập và tồn tại ở những thời đại xa xưa hoặc những vị sẽ xuất hiện trong tương lai. Từ điển tiếng Anh “Buddhism” (Phật giáo) đã minh chứng rõ ràng vấn đề Phật giáo có được nét đặc trưng là tôn kính đức Phật, chư Phật, Phật hay Phật quả. Thuật ngữ Phật như là biểu tượng của sự bình đẳng, là cầu nối đi đến sự thanh tịnh và giải thoát. 佛 là không những là văn tự mà còn là một sản phẩm nghệ thuật điêu khắc, không chỉ là kỹ thuật mà còn là tiền đề, là chất liệu là tư tưởng nhằm nhắc nhở, khuyên răn con người trưởng dưỡng tâm lành, chuyên tâm tu học, bảo vệ hòa bình, bình đẳng được thể hiện qua những triết lý của Phật dạy trong kinh điển. 佛 là một danh hiệu không phải của một cá nhân nào mà dùng để chỉ các vị giác ngộ – Chính đẳng chính giác – dạy cho con người biết cách chuyển hóa thân tâm, hành trì đúng pháp. Vì vậy, việc thực hành chính kiến, chính tư duy, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn trong thiền định nhằm phát triển tâm từ, bi, hỉ, xả theo tinh thần bình đẳng, bác ái.

Thích Nữ Diệu Hạnh (Trần Thị Diễm Cần)
Học viên NCS Học viện PGVN tại TP.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch (2019), Kinh Pháp Bảo Đàn, Nxb Liên Phật Hội.
2. Mã Minh (Chân Hiền Tâm dịch, 2004), Đại Thừa Khởi Tín Luận, Nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thích Duy Lực dịch (1990), Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nxb Từ Ân Thiền Đường, California, Hoa Kỳ.
4. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikàya. Tập I, II, III –Nxb. Thiền Viện Vạn Hạnh;
5. Thích Thiện Hoa dịch (1959), Kinh Viên Giác. Nxb Hương Đạo.
6. Edwin G. Pulleyblank (1984). Middle Chinese: A Study in Historical Phonology. University of British Columbia Press, Vancouver. ISBN 0-7748-0192-1, p.212.
7. Edwin G. Pulleyblank (1991). Lexicon of Reconstructed Pronunciation in Early Middle Chinese, Late Middle Chinese, and Early Mandarin. UBC Press, Vancouver. ISBN 0-7748-0366-5. P.21, 96.
8. Gérard Huet (2013), Dictionnaire Sanskrit-Français, London: Oxford University Press p. 73-100. https://www.sanskrit-lexicon.uni koeln.de/scans/WILScan/disp3/index.php, truy cập ngày 20/12/2022.
9. Gethin, Rupert M. L (2001). The Buddhist Path to Awakening: A Study of the Bodhi-Pakkhiya Dhamma, 2nd edition. Oxford: Oneworld.
10. Gómez, Luis O (1996). The Land of Bliss: The Paradise of the Buddha of Measureless Light. Honolulu: University of Hawaii Press.
11. Gregory, Peter N., ed (1987). Sudden and Gradual: Approaches to Enlightenment in Chinese Thought. Honolulu: University of Hawaii Press.
12. Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ dịch (2019), Phật điển phổ thông Dẫn vào Tuệ giác Phật (Guidance the insight from Buddha), Nxb Hồng Đức.
13. Macdonell, Arthur Anthony (1929). A practical Sanskrit dictionary, London: Oxford University Press, p.106. https://dsal.uchicago.edu/dictionaries/macdonell/, truy cập ngày 20/12/2022.
14. Nattier, Jan (1991). Once upon a Future Time: Studies in a Buddhist Prophecy of Decline. Fremont, CA: Asian Humanities Press, 1991.
15. Nattier, Jan (2000). “The Realm of Aksobhya: A Missing Piece in the
History of Pure Land Buddhism.” Journal of the International
Association of Buddhist Studies 23, no. 1 (2000): 71–102.
16. Norman, K. R. “The Pratyeka-Buddha in Buddhism and Jainism.” In Buddhist Studies Ancient and Modern: Collected Papers on South Asia, no. 4, ed. Philip Denwood and Alexander Piatigorsky. London: Centre of South Asian Studies, University of London, 1983.
17. Phan Mạnh Lương. Bụt hay Phật?. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a5115/but-hay-phat, truy cập ngày 20/12/2022.
18. Sponberg, Alan, and Hardacre, Helen, eds (1988). Maitreya: The Future Buddha. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
19. Stone, Jacqueline I (1999). Original Enlightenment and the Transformation of Medieval Japanese Buddhism. Honolulu: University of Hawaii Press.
TRÍCH DẪN
[1] Edwin G. Pulleyblank (1984). Middle Chinese: A Study in Historical Phonology, p.212.
[2] Edwin G. Pulleyblank (1991). Lexicon of Reconstructed Pronunciation in Early Middle Chinese, Late Middle Chinese, and Early Mandarin. p.21, 96.
[3] Macdonell, Arthur Anthony (1929). A practical Sanskrit dictionary, p.106.
[4]https://www.sanskrit-lexicon.uni koeln.de/scans/WILScan/disp3/index.php, truy cập ngày 20/12/2022
[5]Gérard Huet (2013), Dictionnaire Sanskrit-Français, p. 73-100.
[6]Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ dịch (2019), Phật điển phổ thông Dẫn vào Tuệ giác Phật, tr.13-31.
[7]Tăng Chi Bộ 1, tr.267.
[8]Đại Thừa Khởi Tín Luận, tr.167 – tr.198.
[9]Kinh Pháp Bảo Đàn, tr.75.
[10]KInh Lăng Nghiêm, tr.216.
[11]Kinh Viên Giác, tr.149.
[12]Tăng Chi Bộ I, tr.285.
[13]Kinh Pháp Bảo Đàn, tr.197.
[14]Phan Mạnh Lương. Bụt hay Phật?. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a5115/but-hay-phat, truy cập ngày 20/12/2022.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường