Hỏi: Nghe nói mặc dù đức Phật chủ trương lối tu trung đạo, tránh xa hai cực đoan gồm hưởng thụ khoái lạc (đối với người tại gia) và khổ hạnh đầu đà ép xác (đối với người xuất gia), cũng có tăng sĩ thời Phật, cụ thể và thầy Devadatta (Đề bà đạt đa) anh em bà con với đức Phật chủ trương 5 hạnh đầu đà? Quan điểm đức Phật về việc này?
Đáp: Dựa vào Tiểu phẩm thuộc Luật tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy (Cullavagga, V11.3), để lên kế hoạch ly gián tăng đoàn, làm giảm uy tín của đức Phật, Devadatta đề xuất 5 hạnh đầu đà bắt buộc, trong đó, 4 điều đầu đà từ 1-4 từ thế kỷ 5 sau CN được phát triển thành 12-13 hạnh đầu đà. Năm hạnh đầu đà của Devadatta gồm:
(1) Tỳ kheo phải sống trong rừng (āraññaka, a lan nhã, nơi hoang vắng). Đi vào thị trấn là phạm tội.
(2) Tỳ kheo phải sống dựa vào khất thực (piṇdapātika). Ai nhận thực phẩm được thỉnh mời tại nhà (trai tăng) là phạm tội.
(3) Tỳ kheo phải đắp y làm bằng vải vụn từ bãi rác (paṃsukūlika, y phấn tảo). Ai nhận y do Phật tử cúng dường là phạm tội.
(4) Tỳ kheo phải ngủ dưới gốc cây (rukkhamūlika). Ai ngủ trong phòng, trong chùa là phạm tội.
(5) Tỳ kheo phải ăn chay trường. Ai ăn cá hoặc thịt là phạm tội (Một số nguồn thay “sữa và bơ” thay vì “cá và thịt.”).
Lấy cớ đức Phật không chấp nhận các tăng sĩ tu hạnh đầu đà khổ hạnh, Devadatta đã từ bỏ đức Phật và tăng đoàn ở Ma kiệt đà, đi đến Vesāli (Sanskrit: Vaiśālī), thuyết phục 500 tăng sĩ gốc Vajji (Sanskrit: Vṛji) ly khai đức Phật và thành lập tăng đoàn riêng tại Gayāsisa.
Hành động chia rẽ tăng đoàn của Devadatta dựa vào 5 hạnh đầu đà do ông tự chế ra đã vi phạm hai điều cấm kỵ theo Luật Phật gồm (1) Phá hòa hợp tăng (壞和合僧), (2) Phá pháp luân Tăng (破法輪僧). Đây là điều được ghi trong mục Phá tăng kiền độ (saṅghabhedakkhandhaka, 破僧犍度) thuộc Luật tạng Pali của Phật giáo Nguyên thủy và 5 trường phái luật Phật giáo còn lại.
Nói cách khác, tu hạnh đầu đà khổ hạnh sẽ thu hút sự hiếu kỳ và thần tượng từ quần chúng, không phù hợp với con đường trung đạo của đạo Phật, đã từng xảy ra trong thời đức Phật. Devadatta đã bị trục xuất khỏi tăng đoàn vĩnh viễn vì chủ trương tu hạnh đầu đà khổ hạnh và phá hòa hợp tăng trong việc kéo theo 500 tăng sĩ thiếu hiểu biết đã ly khai đức Phật và tăng đoàn.
Hỏi: Ai là tác giả thực sự của 13 hạnh đầu đà?
Đáp: Dĩ nhiên tất cả các hạnh đầu đà, dù là 12 hạnh hay 13 hạnh, đều không phải do đức Phật quy định cho người xuất gia. Chính đức Phật đã nghiêm cấm Devadatta không được truyền bá 5 hạnh đầu đà. Chính đức Phật suýt chết về hạnh đầu đà và kêu gọi từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác.
Sách Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) của Buddhaghosa ra đời trong thế kỷ 5, tức hơn 10 thế kỷ kể từ khi đức Phật qua đời, đề cập đến 13 khổ hạnh vốn không thích hợp với con đường trung đạo của Phật nhưng thi thoảng vẫn có một vài tăng sĩ chọn tu theo, gồm:
(1) hạnh mặc y phấn tảo,
(2) hạnh mặc ba y,
(3) hạnh khất thực,
(4) hạnh khất thực từng nhà,
(5) hạnh ăn trong một lần,
(6) hạnh ăn bằng bát,
(7) hạnh không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong,
(8) hạnh ở rừng,
(9) hạnh ở gốc cây,
(10) hạnh ở đất trống,
(11) hạnh ở nghĩa địa,
(12) hạnh nghỉ chỗ nào cũng được,
(13) hạnh ngủ ngồi.
Phân loại nội dung của 13 hạnh đầu đà: (a) Liên quan ăn uống gồm 5 điều (điều 3-7), (b) Liên quan mặc y và chất liệu của y: gồm 2 điều (điều 1, 2), (c) Liên quan chỗ ngủ nghỉ có 6 điều (8-13). Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được” (điều 12); hạnh ăn bằng bát (điều 6) không thuộc đầu đà, khổ hạnh. Lưu ý, hạnh đầu đà không phải giới luật, không thể cao hơn giới luật xuất gia của đức Phật. Hạnh đầu đà không phải là pháp môn tu. Do đó, người chỉ tu hạnh đầu đà không thể giải thoát theo quan điểm của Phật.
Hỏi: Trong kinh chữ Hán, kinh nào đề cập đến 12 hạnh đầu đà? Nội dung cụ thể?
Đáp: Mười hai hạnh đầu đà (十二頭陀行) được đề cập trong Kinh 12 hạnh đầu đà (十二頭陀經), một bài kinh chữ Hán xuất hiện vào khoảng thế kỷ 4-5 ở Trung Quốc; không có bản tương đương trong Kinh điển Pali và kinh điển Tây Tạng gồm:
(1) ở nơi hoang dã (在阿蘭若處),
(2) thường đi khất thực (常行乞食),
(3) khất thực theo thứ tự (次第乞食),
(4) ăn trong một lần (受一食法),
(5) ăn có chừng mực (節量食),
(6) đang ăn, ăn xong không uống nước ép (中後不得飲漿),
(7) mặc y vá xấu (著弊納衣),
(8) mặc ba y (但三衣),
(9) ngủ ở nghĩa địa (塚間住),
(10) ngủ dưới gốc cây (樹下止),
(11) ngủ ở đồng trống (露地坐),
(12) ngủ ngồi không nằm (但坐不臥).
Hỏi: Trong hai nguồn tư liệu về hạnh đầu đà đều có đề cập đến “ngủ ở nghĩa địa”. Ở Ấn Độ thời Phật có nghĩa địa không?
Đáp: “Sống trong nghĩa địa” không có trong văn hóa tống táng của Ấn Độ thời Phật, thế kỷ 6 trước CN cho đến năm 1757, trước thời điểm đế quốc Anh cai trị vì nước này không có văn hóa “thổ táng.” Điều 9 trong 12 hạnh đầu đà của kinh này và điều 11 trong 13 hạnh đầu đà của Buddhaghosa có nội dung giống nhau “hạnh ở nghĩa địa” có khả năng rất cao ra đời ở Trung Quốc, vốn là nước có truyền thống “thổ táng” mới có nghĩa trang.
Văn hóa tống táng của Ấn Độ cổ đại cho đến hiện đại chú trọng “hỏa táng” sau đó “thủy táng” xuống sông gần nhất nên không có nghĩa trang. Cũng có khả năng 12 hạnh đầu đà trong Kinh 12 hạnh đầu đà xuất hiện trước, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, không phải của đức Phật ở Ấn Độ, đã tác động lên quan điểm “13 hạnh đầu đà của Buddhaghosa nêu ra trong tác phẩm của ông Thanh tịnh đạo, nghĩa là chủ trương đầu đà khổ hạnh không phải của đức Phật, được thêm sau vào khoảng 11 thế kỷ tính từ thời điểm đức Phật nhập Niết bàn.
Hỏi: Có phải tất cả hạnh trong 13 hạnh đầu đà đều là hạnh đầu đà khổ hạnh đúng nghĩa?
Đáp: Vì được biên tập ít nhất 11 thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết bàn, 13 hạnh đầu đà trái với lối tu trung đạo của đức Phật. Trong đó, các điều như “giường ngủ phù hợp” (đầu đà 5/13) tương đương với “Hạnh nghỉ chỗ nào cũng được” (đầu đà 12/13); hạnh ăn bằng bát (đầu đà 6/13) không thuộc đầu đà, khổ hạnh.
Hỏi: Hạnh đầu đà có phải là giới luật không, có cao hơn giới luật do Phật chế định?
Đáp: Đối chiếu với của các trường phái Luật Phật giáo, hạnh đầu đà không tương đương với các điều giới được Phật dạy trong các Giới bổn Tỳ kheo/Tỳ kheo ni (xem phần đáp của câu hỏi 3) gồm Giới bổn Thượng tọa bộ (Theravāda Pātimokkha); Giới bổn Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika Pratimokṣa) có mã số T.1425 trong Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh;
Giới bổn Hóa Địa bộ (Mahīśāsaka Pratimokṣa) có mã số T.1421, Giới bổn Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka Pratimokṣa) có mã số T.1428, Giới bổn Thuyết Nhất thiết bộ (Sarvāstivāda Pratimokṣa) có mã số T. 1435 và Giới bổn căn bản nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda Pratimokṣa) có mã số T. 1442. “Không ăn sau giờ ngọ” (hạnh đầu đà 4/13) chính là giới thứ 8 trong 10 giới Sa di/ Sa di ni.
Hạnh chỉ mặc ba y (đầu đà 2/ 13) được áp dụng chung cho tất cả người xuất gia. Do đó, tu hạnh đầu đà chưa thể hoàn thiện giới, một phần ba của trung đạo được đức Phật khám phá và truyền bá. Hai phần ba con đường giải thoát còn lại gồm trí tuệ và thiền định.
Hỏi: Hạnh đầu đà có phải là pháp môn tu?
Đáp: Hạnh đầu đà chỉ là lối sống khổ hạnh ép xác, do đó, không phải là pháp môn tu tập. Do đó, người chỉ tu hạnh đầu đà không thôi thì không thể đạt được giác ngộ và giải thoát. Trong hơn 17.000 bài kinh Pali, hay hơn 17.000 bài kinh A hàm, hoặc khoảng 2.000 bài kinh Đại thừa không có kinh nào đức Phật nói “hạnh đầu đà là giới luật.” Không có kinh nào nói giải thoát nhờ tu hạnh đầu đà.
Thực ra, tu hạnh đầu đà là tu "hạnh khó làm được” chưa phản ánh nội hàm tu tập tâm linh quan trọng gồm giới, định, tuệ được đức Phật giảng dạy trong Kinh của Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim cương thừa. Do đó, bất kỳ ai tu 12 hay 13 hạnh đầu đà suốt một kiếp người cũng không thể đạt được giác ngộ, giải thoát. Vì theo đức Phật, người giác ngộ, giải thoát phải hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, thiền định.
Hỏi: Khó nhất của hạnh đầu đà là ngủ ngồi. Người ngủ ngồi có dễ giải thoát hơn người ngủ nằm không?
Đáp: Để ngủ ngồi, ngoài cơ địa tốt và sức khỏe tốt, nhất là thận tốt, cần kiên trì rèn luyện để thích nghi với “không nằm”. Ngủ ngồi cũng chỉ một tư thế ngủ, không vì thế, giúp bạn trở nên thánh thiện; đạt được giác ngộ, giải thoát. Con dơi ngủ treo ngược chân. Ngựa luôn ngủ đứng. Rất nhiều loài chim ngủ ngồi. Vẹt ngủ đứng một chân. Cá mập, cá voi ngủ lơ lửng trong nước.
Các loài động vật này có tư thế ngủ đặc biệt hơn con người nhưng đâu có con nào trong số đó trở nên thánh thiện, giác ngộ, giải thoát. Giác ngộ, giải thoát nhờ giải phóng tham ái, sân hận, si mê và chấp thủ.
NGUỒN TƯ LIỆU HỎI - ĐÁP DO VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM CUNG CẤP
Bình luận (0)