Trang chủ Lịch sử - Triết học Ảnh hưởng hệ phái Phật giáo Dhammayuttika ở Thái Lan đến một số quốc gia Đông Nam Á

Ảnh hưởng hệ phái Phật giáo Dhammayuttika ở Thái Lan đến một số quốc gia Đông Nam Á

Phái Phật giáo Dhammayut dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế - chính trị của Thái Lan. Có thể nói Thái Lan vương quyền và Phật giáo được liên kết chặt chẽ với nhau. Vương quyền dựa vào Phật giáo để khoác lên việc quản ký đất nước một chiếc áo đạo đức.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Phái Phật giáo Dhammayut dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế – chính trị của Thái Lan. Có thể nói Thái Lan vương quyền và Phật giáo được liên kết chặt chẽ với nhau. Vương quyền dựa vào Phật giáo để khoác lên việc quản ký đất nước một chiếc áo đạo đức.

Tác giả: Thích nữ Liên Như

Học viên Cao học Khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

Tóm tắt: Lịch sử Thái Lan khá phức tạp được hình thành bởi sự đóng góp của nhiều sắc dân, nhiều vua chúa, nhiều vương quốc qua nhiều thế kỷ, người Thái tiếp nhận và phát triển sâu sắc Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada). Trong công cuộc cải cách toàn diện đất nước, vua Mongkut (Rama IV) đã thực hiện một cuộc cải cách Phật giáo và thanh lọc Tăng đoàn, với mục đích giữ gìn đúng giới luật mà đức Phật đã truyền dạy.

Quá trình cải cách chính là nền tảng quan trọng để một hệ phái mới ra đời, đó là Dhammayuttika Nikāya (Dhammayut), đây là phái tuy ra đời sau, nhưng lại có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, chính trị, văn hóa người Thái và Phật giáo một số nước Đông Nam Á.

Từ khóa: Phái Dhammayut, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam.

Dẫn nhập

Từ khi lập quốc (1238) cho đến nay, đất nước Thái Lan với chính sách mềm dẻo và khéo léo trong chính trị cũng như chiến lược phát triển kinh tế, đã đưa quốc gia này trở thành một trong những nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á.

Trong lĩnh vực tôn giáo, người Thái tiếp nhận và phát triển sâu sắc Phật giáo Theravada. Phật giáo nhanh chóng đi vào lòng người dân Thái, trở thành tôn giáo của nhân dân. Phật giáo đã sớm dung hợp với các giá trị văn hóa truyền thống và mang màu sắc bản địa. Phật giáo Thái Lan hiện nay gồm hai tông phái chính là Maha Nikāya và Dhammayuttika Nikāya (Dhammayut). Trong đó, phái Maha là phái lớn, chiếm đa số và phái Dhammayut được thành lập vào năm 1833 như một phong trào cải cách do thái tử Mongkut khởi xướng.

Xu hướng hiện đại nghiên cứu Phật giáo Theravada và cho ra đời một tông phái mới của vua Mongkut được coi là một sự đổi mới táo bạo ở Thái Lan. Nó đã hình thành nên một nhóm các tu sĩ Phật giáo ‘tiến bộ’, những người luôn tìm tòi học hỏi và dám làm những điều mới mẻ để duy trì tính đúng đắn và thuần khiết của Phật giáo. Dhammayut đã có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, văn hóa, chính trị Thái Lan cũng như một số nước Đông Nam Á lân cận như Lào, Campuchia, Việt Nam.

tapchinghiencuuphathoc.vn he phai phat giao 6

Ảnh: St

1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển phái Dhammayuttika

Dhammayuttika Nikāya nguồn gốc từ tiếng Pāli: dhamma (lời dạy của Đức Phật) + yutti (phù hợp với) + ka (nhóm); Nikaya: thuật ngữ dùng để chỉ tập hợp kinh văn, nghĩa đen còn có nghĩa là “tập hợp hoặc nhóm”. Dhammayuttika Nikaya là nhóm những người trung thành với giáo lý chân chính, gọi tắt là Dhammayut.

Từ thời Rama I đến Rama III (1), trước những vấn đề tha hóa đạo đức tu sĩ, giáo dục tự viện không đúng phương pháp cũng như cách hành trì tu tập của tu sĩ nhiều điểm sai biệt với lời dạy đức Phật. Thái Lan đang đứng trước một vấn nạn cần phải chấn chỉnh và thanh lọc Tăng đoàn, đây không còn là trách nhiệm của Giáo hội nữa mà cần có sự can thiệp kịp thời của Hoàng gia, Thái tử Mongkut (2) chính là người khởi đầu cho phong trào cải cách Phật giáo ở Thái Lan.

Khi chính thức lên làm vua, ông đã tiến hành công cuộc cải cách toàn diện đất nước Thái Lan, từ kinh tế, chính trị, xã hội…Ông cũng đã đề ra xu hướng hiện đại trong nghiên cứu Phật giáo như sau: “Một người không nên dựa vào niềm tin truyền thống mà nên y cứ vào những giáo lý và giới luật chân chính (dhamma-vinaya).

Luôn luôn quán xét lại niềm tin của mình, khi xét thấy là chính xác, nên tiếp tục thực hành, nhưng nếu phát hiện ra nó không đúng với giáo lý và giới luật của đức Phật thì nên từ bỏ”[1,64]. Những nguyên tắc này trở thành đặc điểm chính của phái Dhammayut cũng như những đệ tử của vua Mongkut sau này.

Xu hướng nghiên cứu Phật giáo của vua Mongkut là bỏ đi phương pháp tu tập chỉ dựa theo giáo thọ của mình, thay vào đó là nghiên cứu nguồn tư liệu gốc là Chính tạng Pāli. Hơn nữa, Chánh tạng nên được thẩm định một cách triệt để, để phát hiện lời nào là lời dạy gốc của đức Phật, đâu là lời được thêm vào về sau. Xu hướng nghiên cứu của vua Mongkut rõ ràng là luôn nhấn mạnh vào phân tích phê phán một vấn đề dựa trên tinh thần của kinh Kālāma (3).

Quan điểm của vua Monkgut là mỗi bản kinh cần được khảo cứu kỹ lưỡng vì ngay cả Chính tạng cũng có khi có sai lệch. Những đoạn kinh bị sai lệch là kết quả của những pha trộn về sau và đi ngược với những giới luật chính yếu mà đức Phật đã dạy. Tất cả các giáo lý (dhamma) và giới luật (vinaya) đều hướng đến trạng thái xuất thế, và tất cả những lời dạy khác nên được so sánh với những lời dạy căn bản của đức Phật.

Những cải cách của vua Mongkut dẫn đến sự hoàn thiện các quy tắc tự viện để đưa nếp sống thiền môn tiến gần với giới luật (vinaya), ông cũng đã cải đổi và làm sáng tỏ nhiều lời dạy trong kinh điển truyền thống Thái Lan. Xu hướng thực hành này là hạt nhân cho ra đời của một hệ phái Phật giáo chặt chẽ và mới mẽ tại Thái mang tên Dhammayuttika, nghĩa là “Trung thành với giáo lý chân chính”.

Bên cạnh đó, nhà vua còn đề ra khuynh hướng nghiên cứu của chư Tăng phái Dhammayut là, họ không nên hạn chế mình trong khuôn khổ Phật giáo mà hãy mở rộng ra các tôn giáo khác. Điều này sẽ giúp họ hiểu hơn về đạo Phật, cũng như hiểu được bản chất và bản sắc của Phật giáo. Điều này minh chứng rằng vua Monkgut là người đã đặt nền tảng đầu tiên cho ngành so sánh tôn giáo học trong giáo dục Phật giáo ở Thái Lan.

Điều quan trọng nhất là khi vua Mongkut cải cách Phật giáo Thái, nhà vua đã không hoàn toàn lấy pháp hành của bất cứ tông phái, hội nhóm hay cá nhân nào làm hình mẫu cả. Dù nhà vua ghi nhận rằng hầu hết các pháp hành của chư tăng người Môn (4) là đúng, nhưng nhà vua vẫn tìm ra nhiều vấn đề trong đó. Mặc dù không theo đường lối của chư tăng Sri Lanka, nhà vua vẫn nhận ra trong đó có nhiều điều chính xác và áp dụng chúng vào phương pháp tu tập của mình.

Khi không theo bất cứ tông phái hay cá nhân nào, thì nhà vua chỉ y cứ vào Tam tạng Pāli mà thôi. Vua Mongkut gọi đường lối này là Dhammayutika, nghĩa là “lấy việc tôn trọng sự thật và tính chính xác làm nguyên tắc” (adhering to the truth or accuracy as principle). Xu hướng của vua Mongkut đã thu hút một lượng nhỏ nhưng mạnh mẽ những tu sĩ có cùng chí hướng và những người cư sĩ ủng hộ, và theo cách này, phong trào Dhammayut đã ra đời.

2. Phái Dhammayut truyền bá đến một số nước Đông Nam Á

2.1. Truyền bá sang Campuchia

Ngài Paññāsīlo (Pan) là vị sáng lập hệ phái Dhammayut ở Campuchia. Ngài sinh năm 1826 tại tỉnh Battambang. Năm 12 tuổi ngài đi tu ở chùa Bodhi tỉnh Battambang rồi đi học ở Thái lan tại chùa Soket phái Mahā Nikāya. Năm 21 tuổi ngài thọ cụ túc giới tại chùa và tiếp tục ở thêm 4 năm. Một ngày nọ, có quan chức người Thái tên Phưu Đinh dẫn ngài lên gặp Brah Chom Khlao, xin cho ở đây để học.

Ngài Ñāṇarakkhita (Sóc) cho ngài Pan ở chùa Paramanivāsa hệ Dhammayut. Năm 24 tuổi ngài thọ cụ túc giới lần hai theo hệ phái Dhammayut. Ngài Brah Chom Khlao làm thầy tế độ, hai ngài là Ñāṇarakkhita (Sóc) và ngài Amarābhirakkhita (Cớt) là thầy tuyên ngôn, ngài được thầy tế độ ban pháp danh là Paññāsīlo. Thọ cụ túc giới xong ngài ở chùa Paramanivāsa.

Về sau vua Issarādhipatī (Âng Đuông) Campuchia phân công ngài Pan đi thỉnh hệ Dhammayut về truyền giáo tại Campuchia. Ngài Bhrah Chom Khlao tặng 80 bộ Tam tạng, phân công Amarābhirakkhita (Cớt) cùng 8 vị Tỳ kheo và 4 Phật tử đưa ngài Pan về Campuchia.

Khi về lại Campuchia vào năm 1854, ngài Pan được vua cho ở chùa Salagu (hay chùa Om pưl bây) thành phố Ut-đông-men-chey. Ở đây, ngài truyền giáo pháp theo hệ Dhammayut đến Phật tử. Từ đó hệ phái Dhammayut ngày một phát triển ở Campuchia [4].

tapchinghiencuuphathoc.vn he phai phat giao 5

Ảnh: St

Khi vua dời kinh đô từ Ut-đông về Phnum Pênh, vua cho sửa chữa lại chùa Khpôp-ta-don của hệ Maha chuyển thành hệ Dhammayut lấy tên là Padumavatīrājavarārāma hay gọi là chùa Bồ Tum. Sửa xong thỉnh ngài Pan đây vào năm 1865, và nơi đây trở thành trung tâm truyền giáo hệ Dhammayut từ đó đến sau này.

Từ năm 1855 đến năm 1991, có hai vị Tăng thống ở Vương quốc Campuchia: một vị thuộc phái Dhammayut, và một vị của phái Maha. Sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991, Quốc vương Norodom Sihanouk đã bổ nhiệm Hòa thượng Bour Kry làm Tăng thống của phái Dhammayut [20], Hòa thượng Tep Vong được bổ nhiệm làm Đức Tăng thống phái Maha [21].

Vào thời điểm này, hai hệ phái đều có vị Tăng thống đứng đầu, không giống như ở Thái Lan, nơi chỉ có một vị Tăng thống tối cao đứng đầu cả hai hệ phái. Hiến pháp Campuchia quy định một ghế trong Hội đồng ngai vàng Hoàng gia cho cả hai Tăng thống tối cao, do đó trao cho mỗi vị có tiếng nói trong việc lựa chọn chủ quyền của Campuchia.

Năm 2006, Hòa thượng Tep Vong (5) được phong chức Đức Tăng Thống tối cao (Great Supreme Patriarch), trở thành người đứng đầu tôn giáo của cả hai phái Maha và Dhammayut thuộc Phật giáo Nguyên thủy ở Campuchia. Hòa thượng Tep Vong đóng vai trò then chốt trong việc hồi sinh Phật giáo tại Campuchia sau nạn diệt chủng Khmer Đỏ trong suốt những năm 1975-1979.

Tháng 1 năm 1979, Tep Vong là một trong 7 nhà sư chủ chốt được tái xuất gia giới dưới sự bảo trợ của Chư tăng Việt Nam nhằm tái lập niềm tin vào tổ chức Phật giáo trong cả nước, đồng thời tạm thời thống nhất hai phái Maha và Dhammayut.

2.2. Truyền bá sang Lào

Vào năm 1851, dưới triều đại của vua Mongkut (Rama IV), phái Dhammayut đã được khuyến khích truyền bá về phía đông bắc Thái Lan ở các quận Ubon (6). Có một nhà sư đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo, tên là Phra Ajahn Pandhulo (Di), người từng là một trong những người đồng môn của vua Mongkut trong thời kỳ nhà vua đi tu.

Nhà vua nhận thấy Phra Ajahn Pandhulo (Di) là một tu sĩ kỷ luật và sẽ là người quan trọng trong việc truyền bá Dhammayut. Vì vậy, nhà vua đã giao cho Sư Di lãnh đạo việc truyền bá Dhammayut ở vùng Đông Bắc. Sau đó nhà Sư đã liên kết với nhiều vị Sư Lào ở thị trấn Champasak (7) và truyền bá Dhammayut ở Lào. Các nhà sư Dhammayut là người Lào đã có vai trò to lớn trong việc tạo ra sự kết nối giữa người Thái ở Lào với chính quyền trung ương Thái Lan.

Trong giai đoạn đầu, các nhà sư được cử đi thọ giới ở Bangkok ba năm một lần. Sau đó, Bangkok bị dịch tả hoành hành, khiến nhiều người đi xuất gia tử vong, vua Mongkut đã bổ nhiệm Sư Di làm thầy truyền giới. Việc xuất gia sau đó được chấp nhận thực hiện ở Lào, khiến số lượng tăng sĩ đến Bangkok bắt đầu giảm sút [14, 21-22].

Tuy nhiên, Phật giáo Lào không được giai cấp thống trị Thái Lan chấp nhận. Vì vậy, việc truyền bá Dhammayut tới Lào nhằm mục đích cải cách tôn giáo, đồng thời tuyên truyền hệ tư tưởng của nhà nước Thái để gắn kết các địa phương Lào với bản sắc Thái.

Với lý do này, Dhammayut đóng một vai trò trong việc phổ biến giới luật, phái này còn đóng một vai trò quan trọng trong việc giảng dạy cho các Phật tử, các sa di và tu sĩ ở tỉnh Ubon. Nhiều trường dạy và học cho cả tu sĩ và sa di đã được thành lập với chương trình giảng dạy bao gồm cả Phật pháp và các môn thế tục như tiếng Thái và toán học.

Vào cuối thời vua Rama IV, việc truyền bá Dhammayut ở Lào tiến triển tốt và liên tục. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1886, quyền lực của lãnh thổ Thái Lan phải đối mặt với các điều kiện chính trị từ thực dân Pháp, người Pháp bắt đầu mở rộng quyền lực chính trị của họ sang Lào. Phía Thái Lan thấy Pháp muốn chiếm thêm đất nên đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó, chẳng hạn như nâng cao quyền thống trị và quản lý các huyện phía đông, đặc biệt là ở Champasak, Nong Khai và Luang Prabang [17].

Trong thời chiến tranh Đông Dương, chư Tăng thuộc phái Dhammayut từ Thái Lan sang Lào hoằng pháp. Khuynh hướng chính trị của những chư Tăng này thiên hữu nên cũng ảnh hưởng đến khuynh hướng chính trị của chư Tăng Lào theo tông phái này. Sau khi chiến thắng, chính phủ cách mạng không cho phái Dhammayut hoạt động vì theo chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phái này là công cụ của Mỹ.

Chính phủ cấm hầu hết tất cả những gì có tính chất Thái, gồm cả sách vở, tài liệu văn hóa, giáo dục, tôn giáo Thái tại Lào. Tình trạng bang giao giữa hai nước ngày một căng thẳng khi Thái Lan mở cửa đón nhận dân tị nạn Lào. Mức độ căng thẳng lên cao vào cuối năm 1987 đầu năm 1988 khi Lào ra lệnh đóng cửa biên giới ba tháng, quân đội hai bên đã nổ súng làm thiệt mạng trên 100 quân nhân Lào và Thái.

Sau đó quan hệ hai nước mới được cải thiện, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào phát triển kinh tế Lào [9, 66-69]. Tuy nhiên, Dhammayut đã không thành công trong việc tạo ra bản sắc Thái trên đất Lào.

2.3. Truyền bá sang Việt Nam

Từ năm 1867, Pháp chiếm miền Nam Việt Nam làm thuộc địa. Vị toàn quyền Pháp và quốc vương Campuchia ấn định ranh giới giữa hai nước theo bản nghị định ngày 9/7/1870, miền Nam có tên trên bản đồ thế giới là Cochinchinne, hay gọi là Nam Kỳ. Từ đó về sau, Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt dưới một chế độ mới khác với trước kia. Phật giáo không phát triển như trước, nhiều vị phải sang Campuchia học tập.

Theo các nhà khảo cổ học thì miền Nam Việt Nam cũng là trung tâm truyền giáo, phát hiện các cổ vật, tháp, tượng Phật, tượng thần,…ở Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp Mười có niên đại từ 530, 400, 300 TCN [11]. Như vậy có thể nói Phật giáo miền Nam Việt Nam có niên đại cùng thời với Campuchia hay Suvanbhūmi thế kỷ thứ III TCN.

Vào khoảng năm 1900, Hoàng gia Campuchia gửi một phái đoàn gồm chư tăng thuộc phái Dhammayut đến Việt Nam truyền bá khuynh hướng Dhammayut, đặc biệt giúp đỡ nguồn tài chính những chùa nào chịu gia nhập phái Dhammayut. Chùa Prey Veng được xây dựng ở huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc theo hệ phái Dhammayut, từ khi hoạt động cho đến năm 1965 thì mở rộng thêm được 18 ngôi chùa trong tỉnh Châu Đốc và An Giang.

Dù số lượng chư tăng ít, phái Dhammayut cũng bầu Hội đồng Giới luật ở huyện Tri Tôn, trụ sở đặt tại chùa Prey Veng để quản lý 18 ngôi chùa trong hệ phái [10, 275]. Theo thống kê hiện nay, số lượng chùa theo hệ phái Dhammayut tại Việt Nam có tổng cộng 19 ngôi chùa.

tapchinghiencuuphathoc.vn he phai phat giao 7

3. Ảnh hưởng phái Dhammayut đối với Thái Lan và một số nước Đông Nam Á

3.1. Đối với đất nước Thái Lan

Người ta thường nói rằng Phật giáo và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau ở Thái Lan. Nhưng có thật vậy không? Ở Thái Lan vào năm 2020, ước tính có khoảng 290.000 nhà sư, không kể các sa di. Do đó, người ta không nên đánh giá thấp ảnh hưởng và sức mạnh tiềm ẩn phát ra từ Tăng đoàn, cộng đồng các nhà sư Phật giáo [22].

Về mặt kinh tế, những Tăng sĩ Thái thường đóng vai trò người lãnh đạo trong các công trình lớn. Do xuất phát từ trái tim từ bi, vô vị kỷ mà họ được xem là những nhà cố vấn và giám sát công trình thành công nhất, chi phí được giảm xuống, những trục trặc, trở ngại trong tiến trình xây dựng cũng ít xảy ra.

Về mặt giáo dục, quá trình cải cách giáo dục Phật giáo Thái Lan được bắt nguồn từ sự đổi mới giáo dục của vua Mongkut, chương trình cải cách và chấn hưng Phật giáo Thái đã được Giáo hội, Hoàng gia ủng hộ nên đã mang lại nhiều kết quả bước đầu tốt đẹp. Tiếp bước vua Mongkut, thế hệ học trò đầu tiên của nhà vua đã mang lại sự thay đổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học ở Thái Lan. Họ chú trọng đến nguồn kinh điển chính thống, nhấn mạnh chủ nghĩa duy lí, đã trở thành đặc điểm nổi bật trong nhóm cải cách của vua Mongkut.

Nhà vua rất quan tâm đến khoa học hiện đại và lí trí mà giảm tính siêu nhiên trong Phật giáo và làm cho Phật giáo gần gũi với đời sống con người hơn là thiêng liêng hóa [13].

Về mặt chính trị, mối quan hệ giữa Phật giáo và chính trị hết sức bền chặt. Điều này thể hiện trước hết ở Hiến pháp quy định nhà vua là người bảo trợ cho Phật giáo và Tăng già, còn Phật giáo và Tăng già được xem là báu vật của chính thể và biểu trưng của tính chính thống. Điều quan trọng nhất gắn bó giữa nhà vua với Phật giáo ở chỗ các vị vua là Phật tử, trong số đó có nhiều vị vua xuất gia, như vua Mongkut từng là tu sĩ trong suốt 27 năm.

Cơ cấu tổ chức Tăng già, chức Tăng vương (Tăng thống) và Tăng già Tôn trưởng do vua sắc phong. Và điều quan trọng gắn bó giữa chính phủ Hoàng gia và Tăng già là “Luật pháp Thái Lan chắc chắn dựa vào nền giáo lý Phật giáo; cơ sở đạo đức người Thái xuất phát từ giáo lý Phật giáo” [7,31]. Về cơ cấu tổ chức Tăng đoàn Thái Lan có cơ cấu giống với quốc hội và chính phủ, tổ chức Tăng đoàn chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, tồn tại độc lập với Hoàng gia và chính phủ [5,45].

Có thể nói Thái Lan vương quyền và Phật giáo được liên kết chặt chẽ với nhau. Vương quyền dựa vào Phật giáo để khoác lên việc quản ký đất nước một chiếc áo đạo đức. Tôn giáo dựa vào vương quyền để củng cố tăng đoàn, nói cách khác là đặt tăng đoàn dưới sự bảo trợ và quản lý của vương quyền nhằm tăng cường thêm tính cách chính đáng và uy tín. Chức sắc tăng đoàn được nhà vua trực tiếp đề cử.

Tăng đoàn do đó trở thành một phần của guồng máy quốc gia, ngược lại quốc gia cũng xem Phật giáo như là bản sắc chung của cả một dân tộc cần được bảo vệ và tôn trọng.

3.2. Ảnh hưởng phái Dhammayut đối với Campuchia, Lào, Việt Nam

Trong nhiều lĩnh vực, phong trào cải cách Phật giáo tại Campuchia cũng giống như tại Thái Lan. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Hoàng gia Campuchia cử người đi du học tại Bangkok, khi trở về nước đem mô hình phái Dhammayut của Thái Lan về truyền bá tại Campuchia, thành lập nên hệ phái Dhammayut. Tuy nhiên hệ phái Dhammayut tại Campuchia không có ảnh hưởng mạnh như phái Dhammayut ở Thái Lan.

Tại Campuchia, ban đầu hai phái Maha và Dhammayut có cơ cấu tổ chức riêng, có Tăng thống riêng, không hoạt động chung trong một tổ chức Tăng già như bên Thái Lan. Sau khi Campuchia dành quyền độc lập, phái Dhammayut dùng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ một số cải cách, nhưng mức độ thăng tiến rất chậm chạp.

Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của ngài Bour Kry, thì phái Dhammayut đã có một số đóng góp cho Phật giáo và đất nước Campuchia. Vào năm 1975, sau khi Khmer Đỏ lên nắm quyền đã mở đầu một thời kỳ nghiệt ngã và bạo lực cho đất nước, đồng thời sự tồn tại của Tăng đoàn Campuchia bị đặt vào tình trạng nguy kịch.

Bour Kry tìm cách trốn thoát và đến Pháp vào năm 1976. Năm 1977, ông thành lập Hiệp hội Bouddhique Khmer (Hiệp hội Phật giáo Khmer) cùng với một nhóm nhỏ các tu sĩ và cư sĩ hải ngoại.

Năm 1982, Bour Kry đã dốc lòng hỗ trợ đối với cộng đồng người tị nạn Đông Nam Á đã dẫn đến sự thành lập của Secours Bouddhique International (Hỗ trợ Phật giáo Quốc tế), một tổ chức nhân đạo độc lập với tu viện. Sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 1991, Quốc vương Norodom Sihanouk bổ nhiệm Bour Kry làm đức Tăng Thống tối cao phái Dhammayut. Sau năm 1991, Bour Kry thường xuyên trở lại Campuchia để hỗ trợ việc tái thiết và phát triển các trường học và tu viện Phật giáo. Số lượng tu viện Dhammayut kể từ đó đã tăng lên hơn 150.

Học viện Phật giáo Preah Sihanouk Dharmadhiraj được thành lập vào năm 1995 với mục tiêu giáo dục và đào tạo chuyên môn cho thanh niên nghèo ở Campuchia, phục hồi giáo lý Phật giáo và giáo dục thanh niên Campuchia giữ gìn văn hóa và truyền thống Khmer [25].

Theo báo cáo năm 2022, Phật giáo Campuchia phái Maha có 4.843 ngôi chùa với 68.476 tu sĩ, trong khi giáo phái Dhammayut có 261 ngôi chùa với 2.429 tu sĩ. Tổng cộng 95% dân số Campuchia là Phật tử. Phật giáo được xem là quốc giáo, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục mọi người cư xử tốt và đi theo con đường đúng đắn trong xã hội [24].

Đối với Lào, thì có nhiều điểm khác biệt so với Campuchia. Các tu sĩ Lào theo phái Maha được xem là theo truyền thống Phật giáo địa phương, có cách thực hành linh hoạt, hòa nhập với cộng đồng. Trong khi đó, phái Dhammayut được xem là khác biệt, những tu sĩ phái này cho rằng họ mới là những người giữ gìn giới luật nghiêm ngặt, phủ nhận cách tu tập trong các tự viện ở Lào, họ tỏ ra không thân thiện và thực hành khác biệt trong mắt các tu sĩ Lào bản địa, điều này làm cho Phật tử nghi ngờ và hiểu nhầm về hai hệ phái. Sau đó, việc mở rộng phái Dhammayut ở một số huyện ở Lào đã gây ra xung đột với phái Maha.

Trong một số trường hợp, tu sĩ giữa hai phái đã xảy ra cãi vã, dẫn đến đánh nhau và làm tổn thương lẫn nhau. Cuối cùng, dẫn đến việc ban hành các quy định cấm cả hai nhà sư đi khất thực trên cùng một con đường nhằm giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau [14,24].

Phái Dhammayut cũng được xem là có liên quan đến cơ chế quyền lực nhà nước trong việc tổ chức giáo dục và tuyên truyền giáo dục tôn giáo và thế tục, gắn liền với trung tâm Bangkok. Nội các Tăng đoàn đóng vai trò then chốt trong việc quản lý giáo dục, không khác gì các cơ quan chính phủ nói chung, như gửi báo cáo về quản lý hành chính, giảng dạy và lập ngân sách hàng năm.

Người ta cũng cho rằng việc giảng dạy đạo đức cho dân chúng nhằm mục đích tạo ra hòa bình cho Vương quốc mà cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho nhà nước [15, 12-18]. Dưới sự tác động của chính phủ Lào, nhiều tu sĩ, ngôi chùa đã chuyển từ phái Maha Nikaya sang phái Dhammayut [16,151].

Có thể thấy rằng, hệ tư tưởng Dhammayut xung đột với phật tử địa phương của Lào, cũng như việc các tu sĩ Dhammayut được xem là tu sĩ nước ngoài được bổ nhiệm từ bên ngoài (Thái Lan), đã tạo ra xung đột với các tu sĩ địa phương. Điều quan trọng nhất nó là biểu tượng của hoàng đế Thái Lan, là kẻ áp bức theo quan điểm của họ.

Vì vậy, Dhammayut không được các nhà sư và dân làng địa phương chấp nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà nước Thái Lan truyền bá Dhammayut vào giới tinh hoa địa phương có liên quan đến sự hình thành nhà nước dân tộc trong bối cảnh thuộc địa. Do đó, Dhammayut được xem như là một công cụ giáo dục nhằm truyền bá văn hóa, sự ảnh hưởng của người Thái trên đất Lào.

Đối với Việt Nam, dù là Phật giáo hệ Dhammayut hay Maha Nikāya, từ khi du nhập trong cộng đồng người Khmer đến nay, ngoài chức năng là nơi thờ Phật, tu học của chư tăng thì chùa còn là trung tâm giáo dục, dạy tiếng nói chữ viết, dạy đạo đức lối sống, văn hóa, luật tục của dân tộc như luật nam, nữ…hoặc dạy giáo pháp và luật của đức Phật. Hằng năm có chùa vài trăm đến hơn ngàn con em người Khmer tham gia học tập, gần đây có cả con em người Kinh, Hoa cùng tham gia học tập.

Phật giáo Nam Tông Khmer tập trung chủ yếu ở miền Nam, riêng phái Dhammayut du nhập muộn hơn, nên sự ảnh hưởng không nhiều đối với chính trị cũng như những đóng góp trong chặng đường lịch sử của đất nước. Người Việt có đặc tính tiếp nhận các luồng văn hóa, tư tưởng cũng như tôn giáo, dung hợp và không có sự mâu thuẫn, vì vậy các tôn giáo cũng như những hệ phái Phật giáo du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận và có những đóng góp, phát triển nhất định.

Sự phát triển của hệ phái Dhammayut còn hạn chế chỉ có 19 chùa ở An Giang và để lại dấu ấn tại xứ Huế, Dhammayut đã hiện diện tại ngôi chùa Huyền Không, hiện nay do Hòa thượng Pháp Tông (Trưởng hệ phái Nam Tông Thừa Thiên Huế) trụ trì.

Hòa thượng cũng là nhà sư Việt Nam đầu tiên được Quốc vương Thái Lan tấn phong sắc chỉ tước vị cao quý dành cho Tăng sĩ Hoàng gia Thái Lan và lễ cung tuyên sắc chỉ được tổ chức long trọng tại chùa Huyền Không, thành phố Huế vào ngày 03/11/2017 [18]. Tuy phái Dhammayut chưa phát triển nhiều ở Việt Nam, nhưng cũng đã góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam thêm vững mạnh, một số chư tăng đã được giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kết luận

Vua Mongkut, một vị vua xuất gia, từ ái, cầu thị đã tiếp thu những tiến bộ khoa học phương Tây, nghiên cứu Tam tạng kinh điển, thông thạo ngôn ngữ Pāli và một số ngoại ngữ khác. Trên nền tảng học vấn đó, nhà vua đã nhận thức đầy đủ về thực trạng Phật giáo Thái Lan đương thời. Theo xu hướng nghiên cứu Phật giáo của vua Mongkut, phái Dhammayuttika đã ra đời.

Xu hướng hiện đại nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy do vua Mongkut khởi xướng được coi là một sự đổi mới táo bạo ở Thái Lan. Nó đã hình thành nên một nhóm các tu sĩ Phật giáo ‘tiến bộ’, những người luôn tìm tòi học hỏi và dám làm những điều mới mẻ để duy trì tính đúng đắn và thuần khiết của Phật giáo.

Phái Phật giáo Dhammayut dưới sự bảo trợ của Hoàng gia Thái Lan đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế – chính trị của Thái Lan. Có thể nói Thái Lan vương quyền và Phật giáo được liên kết chặt chẽ với nhau. Vương quyền dựa vào Phật giáo để khoác lên việc quản ký đất nước một chiếc áo đạo đức.

Tôn giáo dựa vào vương quyền để củng cố tăng đoàn, nói cách khác là đặt tăng đoàn dưới sự bảo trợ và quản lý của vương quyền nhằm tăng cường thêm tính cách chính đáng và uy tín.

Trong quá trình phát triển, phái Dhammayut đã truyền bá sang một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Việt Nam. Mỗi quốc gia với nền văn hóa, chính trị khác nhau, hệ phái đã để lại nhiều dấu ấn cũng như đóng góp cho sự phát triển Phật giáo, xây dựng đất nước.

Tác giả: Thích nữ Liên Như

Học viên Cao học Khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

CHÚ THÍCH

(1) Rama: tên gọi niên hiệu các vương triều phong kiến Xiêm (Thái Lan) từ 1782.

(2) Mongkut (Rama IV), là vị vua thứ tư của Vương triều Chakri và là con trai của Rama II. Ông trị vì từ năm 1851 đến 1868. Các nhà sử học đều coi ông là một trong những vị quốc vương tài ba của triều Chakri. Ông đã có vai trò du nhập phương pháp luận khoa học và nền khoa học phương Tây vào Thái Lan và ông được người Thái xem là cha đẻ của khoa học và công nghệ hiện đại của Thái Lan.

(3) Kinh Kālāma thuộc Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya, tập I, trang 188-193). Nội dung Kinh nói lên tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Muốn giác ngộ phải có trí tuệ. Trí tuệ là thành quả của sự nghe học (Văn) suy nghĩ (Tư) và thực nghiệm (Tu). Vì thế, nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại.

Trái lại, tiếp nhận ý kiến người khác một cách khách quan, quan sát sự vật một cách như thật là điều kiện cần thiết để phát triển trí tuệ. Kinh Kālāma là kinh nêu cao tinh thần không mê tín, cuồng tín, giáo điều, mà sáng suốt chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho người.

(4) Dân tộc Môn là một dân tộc nói tiếng Môn-Khmer ở Đông Nam Á. Trong lịch sử, họ sống ở khu vực xung quanh biên giới phía Nam Thái Lan và Miến Điện, là khu vực Hạ Miến Điện. Người Môn là những người đầu tiên ở bán đảo Trung Ấn tiếp nhận Phật giáo Nguyên thủy từ Sri Lanka và truyền bá lại xung quanh. Nhiều vị sư người Môn có vai trò quan trọng trong sự phát triển Phật giáo ở Thái Lan, Campuchia.

(5) Tep Vong sinh năm 1932 tại vùng đông bắc tỉnh Siem Reap, được thọ giới Tỳ Kheo lần đầu tiên tại quê hương vào năm 1952. Ngài tu hành từ đó cho đến khi bị buộc phải hoàn tục bởi chế độ Khmer Đỏ lên nắm quyền. Hòa thượng từng là nhà sư cấp cao trong tăng đoàn gồm cả hai phái cho đến năm 1991, khi phái Maha Nikaya và phái Dhammayut lại tách ra, lúc này Hòa thượng Tep Vong trở thành Tăng thống (Supreme Patriarch) của phái Maha Nikaya. Năm 2006, Ngài được thăng chức Đức Tăng Thống tối cao, trở thành người đứng đầu cả hai hệ phái .

(6) Ubon Ratchathani là một tỉnh Đông Bắc và cực Bắc của Thái Lan, phía Bắc và Đông Bắc giáp Lào, phía Nam giáp Campuchia. Vùng biên giới của ba nước này được gọi là “Tam Giác Ngọc”, nơi có hai dòng sông lớn Mun và Mekong hợp lưu tạo nên đường biên giới Đông – Bắc.

(7) Champasak là một tỉnh ở phía tây nam Lào, kề biên giới với Thái Lan và Campuchia. Đây là một trong ba lãnh địa nằm trên đất Lào, thuộc vương quốc Lan Xang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Mạnh Cường (2003), “Phật giáo Nam tông An Giang tư liệu và vấn đề”, Nhà Nước và Giáo Hội, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

[2] Lê Thanh Hương (2/2009), “Địa vị Phật giáo ở Thái Lan hiện nay”, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á.

[3] Nguyễn Duy Hinh (2007), Một số bài viết về Tôn giáo học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[4] Danh Lung, Giáo trình Lịch sử Phật giáo Nam Truyền (Lưu hành nội bộ).

[5] Thiện Minh (2017), Giáo trình Lược Sử Phật Giáo Nam Tông Việt Nam, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[6] Thích Thiện Nhơn (2015), “Phật giáo tiểu vùng Mê-kông: du nhập, phát triển và hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc Tế, NXB Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Nguyễn Thị Quế (2007), Phật giáo ở Thái Lan, NXB Khoa học và Xã hội, Hà Nội.

[8] Trần Quang Thuận (2015), Phật Giáo Thái Lan, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[9] Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Lào, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[10] Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Nam Tông tại Đông Nam Á, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.

[11] Nhiều tác giả (1995), Văn hóa Óc Eo, Nxb. Khoa học và Xã hội, Hà Nội.

[11] Phra Dr. Anil Dhammasakiyo (Sakya) (2004), A Modern trend of study of Buddhism in Thailand: King Mongkut and Dhammayutikanikāya.

[12] Khammai Dhammasami (2004), A study of Monastic Education in Burma and Thailand from the Seventeenth Century to the present, St. Anne’s College, Oxford University.gkut and Dhammayutikanikāya.

[13] Visalo (2003), Phra Paisal, Thai Buddhism in Future (Buddhasasana Thai nai Anagot) [in Thai], Bangkok: Sodsri-Saritwong Foundation.

[14] Phra Phrom Muni (Tisso Uan). (1936). Legend of Supatnaram Temple. Ubon Ratchathani: Supatnaram Temple.

[15] Phra Ubali Khunupamajahn (Sirichantho Chan). (1969). Bibliography of Phra Upali Khunupamajahn Sirichantho (Chan), Borom Niwas Temple in the temple of Borom Niwat (editor), history of Phra Phrom Worakhun and his work with bibliography (Phra Ubali Khunupamajahn) with epics and Isan poetry (Pages 1-45). Bangkok, published by Borom Niwas Temple, in commemoration of the cremation ceremony of Phra Thep Worakhun, at Mani Chonlakhan Temple.

[16] Premwit Tawkaew. (1991). The establishment and expansion of the Dhammayuttikanikaya in the Northeast (1851-1930). (Master of Arts), Chulalongkorn University, Bangkok.

[17] Sombat T. (2004). Thai politics and government, 1219-1957. Bangkok: Sematham Publishing.

[18] http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=61&ChuDeID=0&TinTucID=5775, cập nhật ngày 11/5/2017.

[19] https://phatgiao.org.vn/anh-huong-sau-sac-cua-phat-giao-threvada-trong-xa-hoi-thai-lan-d45212.html, cập nhật ngày 06/01/2021.

[20] https://en.wikipedia.org/wiki/Bour_Kry

[21] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tep_Vong

[22] https://www.thailandblog.nl/vi/achtergrond/politiek-boeddhisme-koning-mongkut-de-creatie-van-de-dhammayut-orde/

[23] https://phatgiao.org.vn/anh-huong-sau-sac-cua-phat-giao-threvada-trong-xa-hoi-thai-lan-d45212.html, cập nhật ngày 06/01/2021.

[24] https://english.news.cn/20220929/165944618dc649748140a15ea1b8b54f/c.html, cập nhật ngày 29/9/2022

[25]https://en-m-wikipedia-org.translate.goog/wiki/Bour_Kry?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc, cập nhật 1/2024.

[26] https://phatsutanvien.vn/thuong-toa-tep-vong-lanh-dao-cong-dong-phat-giao-campuchia-qua-doi-o-tuoi-93/ cập nhật 28/2/2024.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường