Đức Phật không chủ trương hoạt động về chính trị, không liên quan đến học thuyết chính trị. Thế Tôn chỉ thuần dạy cho các đệ tử con đường tu tập để giác ngộ, để giải thoát, hướng đến sự hạnh phúc cho nhân sinh và xã hội.
Tác giả: Thích nữ Giác Phổ Cao học ngành Triết học Phật giáo – Khóa III – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Mở đầu
Theo quan điểm của đức Phật con người vốn không có giai cấp “Con người không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Đức Phật là người chinh phục vĩ đại nhất. Ngài chinh phục thế giới bằng vũ khí của tình thương và chân lý. Giáo lý của Ngài soi sáng con đường cho nhân loại để vượt qua thế giới tối tăm, hận thù và đau khổ, để đến thế giới của ánh sáng, tình thương và hạnh phúc. Đó là cuộc chinh phục vĩ đại nhất mà loài người được biết cho đến nay. Giáo lý của đức Phật rất gần gũi với hàng Vua chúa nên đã có nhiều quan điểm sai lầm là trộn lẫn tôn giáo và chính trị. Làm sao để phá bỏ các định kiến và các quan điểm cố hữu đó? Do đó chính trị quan của Phật giáo cần được soi chiếu dưới ánh sáng tuệ giác qua những lời dạy của đức Phật cho hàng vua chúa đương thời. Người viết muốn làm rõ được sự ích lợi của việc tách rời tôn giáo với chính trị, những giới hạn của hệ thống chính trị trong việc mang lại hòa bình và hạnh phúc, đồng thời làm sáng tỏ quan điểm chính trị qua triết lý Phật giáo để góp phần kiến tạo thế giới hòa bình, bất bạo động trong thời hiện tại. Vì vậy, người viết quyết định chọn đề tài: “Quan điểm của đức Phật đối với hệ thống chính trị đương thời”.
Nội dung
1. Tổng quan vấn đề
1.1. Chính trị Ấn Độ vào thời kì hưng khởi Chính pháp của đức Phật
Ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 BCE, trong số 16 vương quốc có 4 vương quốc và 12 tiểu quốc với hai hệ thống hành chính là quân chủ và cộng hòa: Kasi, Kosala, Anga, Magadha, Vajji, Malla, Chedi Vatsa, Kuru,Panchala, Matsya, Surasena, Assaka, Avanti, Gandhara, Kamboja
Trong đó có 4 vương quốc hùng mạnh nhất (về kinh tế và quân sự):
+ Magadha (rulers: Bimbisara, Ajatashatu)
+ Avanti (ruler: Pradyota)
+ Kosala (ruler: Pasenadi)
+ Vatsa (ruler: Udayana)
5 Bộ tộc độc lập (Republics):
1.The Sakyas of Kapilavatthu
2.The Bhaggas of Sumsumāragiri
3.The Devadaha of Ramgama
4.The Kālāmas of Kesaputta
5.The Moriyas of Pipplivana
Cấu trúc chính trị của 16 vương quốc:
+ Kingdoms (14 vương quốc quân chủ)
+ Tất cả mọi quyền lực nằm trong tay Vua và hoàng gia
+ Các vị vua đều đặt cung điện dọc theo sông Hằng (Ganga)
+ Nhà Vua bổ nhiệm các chức vụ cho quan lại,
+ Sự thiêng liêng của nhà vua được khẳng định
+ Sự cai trị được cha truyền con nối trong gia tộc hoằng gia
+ Gana-Sanghas (2 nhà nước cộng hoà: Vaiji và Malla)
+ Người đứng đầu vương quốc được bầu chọn từ tầng lớp quý tộc, không phải cha truyền con nối
+ Các quốc gia cộng hoà đều nằm dưới chân dãy Hymalaya
+ Có một Hội đồng tối cao thảo luận và bàn bạc các vấn đề hệ trọng của quốc gia
Những nhà nước quân chủ do những vị Vua cai trị với quyền lực chuyên chính xuất hiện và những liên minh cũng như kình địch ra đời. Sử thi Ấn độ Mahabharata đề cập đến những hậu quả của một cuộc chiến giữa các bộ tộc, đó là giữa những người Bharata và Puru. Trong số những vị Vua nổi tiếng thời kì này là Janaka từ Videha, một vương quốc nằm ở phía đông của những vùng đất miền trung Ấn thuộc Bà-la-môn giáo; nó nằm giữa sông Hằng và sông Jumna. Ở Videha, văn hóa và tư tưởng tập trung vào những vị vua quyền lực, trong khi ở những xứ sở miền Trung, những tu sĩ là trung tâm của xã hội. Khi những người Arya đi đến phía Tây và xâm chiếm những khi vực miền Trung được dẫn lưu bởi sông Hằng, họ mở rộng lãnh thổ và củng cố vương quốc của họ. Những mối liên hệ với dân chúng bị xâm chiếm thì mật thiết hơn những vùng đất ở miền Trung bởi vì văn hóa và hệ thống xã hội không bị ảnh hưởng bởi văn hóa Arya. Trong giai đoạn này, mâu thuẫn và xung đột về vị trí và quyền lực giữa hai giai cấp đầu của xã hội đã diễn ra quyết liệt. Giai cấp Khattiya (chiến sĩ) đã bắt đầu chiếm thế thượng phong trong hệ thống đẳng cấp. Để độc lập khỏi sự chi phối của hệ thống chính trị cũ, giai cấp Khattiya chủ trương cô lập và khoanh vùng quyền lực của giai cấp Brahmana (giáo sĩ) trong các lĩnh vực xã hội.
Tình hình nội chính trong 16 vương quốc Ấn Độ lúc bấy giờ, có nước là vương quốc hùng mạnh, có nước là ở hình thức nhà nước cộng hòa. Chính thể tuy khác nhau nhưng người nắm quyền chính trị thì đại khái là những người thuộc giai cấp Sát-đế-lị. Những người này vì muốn nắm lấy cơ hội biến động để quật khởi nên một mặt muốn được sự tin tưởng của giai cấp Bà-la-môn, mặt khác lại muốn mua chuộc lòng tin cậy của giai cấp Phệ Xá và giai cấp Thủ-đà-la, đó là một việc không phải dễ dàng, nếu vô ý một chút sẽ bị quần chúng oán thán, do đó mà uy quyền sẽ giảm.
Vì công việc nội chính và ngoại giao phức tạp như thế nên các nhà làm chính trị - hàng Vua chúa, quan lại thường mong đợi ở một nhà làm tôn giáo danh tiếng giúp ý kiến để vượt qua những khó khăn ấy. Đức Phật là một trong những vị đạo sư danh tiếng thời bấy giờ, cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy đức Phật cũng được hỏi ý kiến liên quan đến những vấn đề chính trị. Và chính trị vì để giải đáp những vấn đề thực tế đó mà đức Phật đã phát biểu quan niệm chính trị của Ngài. Trong số đệ tử hoặc tín đồ của Phật vì có nhiều quốc vương, đại thần đến tham vấn Ngài nên Ngài có nhiều cơ hội để trả lời những câu hỏi của họ về đạo giải thoát cũng như các vấn đề chính trị chủ yếu. Do đó mà Phật giáo có nhiều chính trị quan một cách ngẫu nhiên như vậy.
1.2. Chính trị quan của Phật giáo
Chính trị quan của Phật giáo chủ yếu là những lời giải đáp của Phật về những câu hỏi của các nhà chính trị, đặc biệt là những người lãnh đạo quốc gia. Điểm quy kết là lấy việc vua tôi hòa thuận, trên dưới một lòng làm trọng điểm cho chính trị. Thông thường các nhà chính trị đấu tranh giành quyền lợi cho chính giai cấp hay tổ chức đảng của mình. Họ có thể tuyệt tiêu đối phương vì quyền lợi của họ. Còn đối với Phật giáo thì làm bất cứ việc gì cũng phải vì lợi ích của quần chúng vì lợi ích và an lạc cho số đông. Quan điểm chính trị cũng dựa trên tinh thần này. Vì sao trong Kinh tạng đức Phật đề cập đến chính trị?
Vì sao đức Phật đưa ra nhiều phương pháp trị nước cho các vị vua đến tham vấn? Để hiểu được điều này, chúng ta phải hiểu qua thực trạng quốc gia và chính trị của Ấn Độ thời đại đức Phật như đã trình bày ở trên.
Vì vậy những lời dạy của đức Phật liên quan đến chính trị thực tế là những điều đạo đức dành cho đấng minh quân để có thể tự điều phục chính mình và từ đó mang tình thương yêu để điều hành đất nước. Mặc dù chính trị không phải là mối quan tâm của đức Phật, nhưng đức phật quan tâm đến sự bình an và hạnh phúc của tha nhân, nghĩa là quan tâm đến sự thịnh trị hay biến loạn của quốc gia nên hẳn nhiên Ngài đã đưa ra các phương pháp làm chính trị như thế nào để nhân dân được ấm no hạnh phúc, đất nước thái bình thịnh vượng. Qua lăng kính Phật giáo (Buddhist prism), sự khuyến hóa và giáo dục toàn diện của đức Phật không hướng đến việc tạo ra các thể chế chính trị mới và thiết lập hay dàn xếp chính trị. Về cơ bản, giáo lý Phật giáo luôn tìm cách tiếp cận các vấn đề của xã hội bằng cách cải tổ các cá nhân trong việc cấu thành xã hội, nhằm đề xuất một số nguyên tắc chung mà thông qua đó, xã hội có thể hướng tới một chủ nghĩa nhân văn (humanism), để cải thiện phúc lợi hoặc chia sẻ nguồn lực giữa các cá nhân.
2. Quan điểm chính trị thời đức Phật còn tại thế
2.1. Thái độ của đức Phật đối với các hệ thống chính trị đương thời
Bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị vào thời đức Phật, dân chúng bị đàn áp, bóc lột, đánh đập, tù đày, sưu cao thế nặng và chịu những hình phạt dã man. Vì vậy đức Phật rất quan tâm đến vấn đề một nền cai trị tốt đẹp. Ngài không những đã dạy Bất bạo động và Hòa bình, mà đức Phật còn thân hành đến chiến trường để can thiệp và ngăn cản chiến tranh, như trong trường hợp những người dòng Thích-ca (Sakyas) và Câu-lợi (Koliyas), sắp đánh nhau vì vấn đề tranh chấp nước sông Rohini. Trường hợp khác là đức Phật đã từng can ngăn được Vua A-xà-thế (Ajatasattu) khi tấn công vương quốc Bạt-kỳ (Vajjis).
Đức Phật không khẳng định bất cứ một hình thức chính trị nào là tốt nhất. Đức Phật chú ý quan tâm đến các nguyên tắt điều hành quốc gia là quan trọng hơn cả. Ngài kết bạn với tất cả mọi quốc chủ và khuyến khích một lối sống đạo đức cho quốc vương và dân chúng. Đức Thế Tôn cũng không đưa ra bất cứ một hình thái chính trị nào mới mẻ so với các hình thái chính trị đương thời. Bởi vì bất cứ một thể chế chính trị nào cũng có một giới hạn trong sự bảo vệ hạnh phúc và sung túc của người dân trong thể chế đó. Không một hệ thống chính trị nào, dù rằng có vẻ rất lý tưởng, có thể mang lại hạnh phúc và hòa bình nếu người dân trong thể chế đó còn bị bao trùm bởi lòng tham lam, sân hận, và si mê. Thêm vào đó, còn có những nhân tố phổ quát mà từng cá nhân trong xã hội phải trực diện: kết quả của các nghiệp thiện và bất thiện của riêng mình, và sự khiếm khuyết và thiếu vắng của một nền an lạc trường cửu, vì bản chất của thế gian vốn là hoạn khổ, vô thường, và vô ngã. Ðối với những người con Phật, không một nơi nào trong thế giới Ta Bà luân hồi nầy có được một tự do, giải thoát thật sự, kể cả các cõi trời lạc thú của chư thiên. Mục đích của Phật Pháp không phải nhắm đến việc thành lập các định chế và cơ cấu chính trị mới. Trên cơ bản, tôn giáo tìm cách giải quyết các vấn đề trong xã hội bằng cách giáo hóa mỗi cá nhân, vốn là thành viên của xã hội, và bằng cách đưa ra các nguyên tắc tổng quát để điều hướng xã hội tiến đến một phong thái nhân bản, cải thiện đời sống của mọi thành viên, và cổ động sự phân phối các nguồn vật lực một cách công bằng hơn.
2.2. Đức Phật dạy về pháp lãnh đạo
Đức Phật không phải là một nhà chính trị, Ngài không chủ trương kinh bang tế thế, thiết lập quy chế nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật. Đối với các nhà lãnh đạo quốc gia quản trị đất nước, những lời dạy của Ngài giúp họ đem lại hạnh phúc, thái hòa cho dân chúng. Người lãnh đạo quốc gia là người đứng đầu một nước, là đầu não của đất nước, là người có quyền lực cao nhất nắm giữ vận mạng của quốc gia. Vì là người giữ một vai trò quan trọng như thế, nên tư đức của người lãnh đạo rất ảnh hưởng đến sự đi lên hay đi xuống của quốc gia. Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế - cũng như hiện nay - có nhiều vị vua cai trị bất công. Sưu thuế bị tăng lên quá đỗi và hình phạt rất tàn ác. Dân chúng bị áp bức, bóc lột, tra tấn, giết chóc. Đức Phật vô cùng xót xa trước những sự ngược đãi vô nhơn đạo ấy. Ngài kết bạn với tất cả mọi quốc chủ và khuyến khích một lối sống đạo đức cho quốc vương và dân chúng.
Trong kinh Tăng chi bộ I (chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức), Đức Phật đã nêu lên vai trò của người lãnh đạo một tổ chức hay một quốc gia như sau: “Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi sai lạc/ Cả đàn đều đi sai/ Vì hướng dẫn sai lạc/ Cũng vậy, trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành phi pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước bị đau khổ/ Nếu vua sống phi pháp/ Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi đúng hướng/ Cả đàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường/ Cũng vậy trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành đúng pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước được an vui/ Nếu vua sống đúng pháp.”[1]
Bài kệ cho thấy vai trò người lãnh đạo là làm gương và dẫn dắt. Nếu lãnh đạo là người có tài năng và đạo đức, đưa ra những đường lối, chủ trương tích cực, đúng hướng, có lợi ích cho nước cho dân thì mọi người nhờ đó mà có cuộc sống an vui hạnh phúc, đất nước đó ngày càng thịnh vượng, thái bình. Nhưng ngược lại, nếu lãnh đạo có “sở hành phi pháp” (không có khả năng và tư cách đạo đức lãnh đạo), chỉ đạo sai lạc thì chắc chắn kéo theo vô số điều tiêu cực, hệ lụy.
Trong kinh Bổn sinh (Jàkata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là Thập vương pháp:
1-Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân;
2-Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức;
3-Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước;
4-Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực;
5-Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người;
6-Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm;
7-Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai;
8-Có lòng kiên trì, nhẫn nại;
9-Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu;
10-Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới.
Đây không chỉ là những phẩm chất một vị vua cần có, mà còn là những phẩm chất của người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo các bộ, các ngành thuộc bộ máy nhà nước phải có.
Trong kinh Trường bộ (kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, số 26), Đức Phật cũng dạy thêm: “Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình (không thiên lệch, vị kỷ vị thân, không tạo bất công do bị tiền tài mua chuộc hoặc vì khiếp sợ uy quyền, thế lực); không gieo lòng thù hận trong dân chúng; không ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết; phải thông hiểu pháp luật rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình và hợp lý”.[2]
Ảnh hưởng của đức Phật trong xã hội Ấn Độ vẫn lưu truyền mạnh đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên và đã cảm hóa được vua Asoka (273-236 TCN) hiếu chiến, hiếu sát trở thành một bậc minh quân đầy lòng từ bi thương dân, đưa đạo Phật lên làm quốc giáo, tạo nên một cường quốc an lạc tại Ấn Độ thời bấy giờ, đã chứng minh một hoàng đế Asoka biết hối cải về sự tàn sát của muôn vạn sinh linh. Ngài đã thay thế quan niệm “Chiến thắng ngàn quân” bằng lý tưởng “tự chiến thắng mình”, dùng chính đạo giải phóng con người thoát khỏi những điên cuồng, đem đến hòa bình an lạc cho đất nước”. Lời dạy của Đức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân đã giúp cho vua A Dục (Asoka), vào thế kỉ 3 TCN, cai trị đất nước của ông. Hoàng Đế A Dục, là một thí dụ điển hình của nguyên tắc đạo đức nầy, đã sống và thực hành Chính Pháp cho thần dân dưới triều đại của ông.
Tuy rằng hạnh phúc thật sự đến từ nội tâm trong sạch và lắng yên khi loại bỏ các cấu uế tham, sân, si. Nhưng những hoàn cảnh bên ngoài cũng tác động không nhỏ đến những cảm xúc cả thân và tâm khi con người vấp phải, nhất là khi sống dưới một chế độ độc tài hay những hôn quân tàn bạo. Chính vì lẽ đó, trong rải rác rất nhiều trường hợp Phật đã tùy nghi mà có đưa ra những lời dạy về lối sống và những cách để cho các vị vua, những người đứng đầu huân tập những phẩm chất để có thể trở thành một vị lãnh đạo đúng nghĩa và đạo đức, mang lại hạnh phúc cho muôn dân.
2.3. Yếu tố để một quốc gia cường thịnh
Một quốc gia cường thịnh điều đầu tiên phải là một quốc gia hòa bình không chiến tranh, yên ổn và không có những xung đột. Để có thể kiến thiết một quốc gia cường thịnh là một điều không dễ. Bởi lẽ, nó lệ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó điều tiên quyết đầu tiên mà chúng ta vừa trình bày là một vị lãnh đạo đức hạnh và tài năng. Nhà lãnh đạo cần có những chính sách hợp lý hợp tình để cho mọi thành phần trong xã hội được sống yên ổn và phát triển theo một chiều hướng tốt được, đặc biệt là những chính sách về kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Đức Phật đã từng dạy rằng nghèo đói là nguyên nhân chính của trộm cướp, hung ác, thù hằn, bạo động và các hành vi trái đạo lý. Vì thế chỉ có biện pháp cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo và quan tâm giáo dục tri thức, đạo đức mới ngăn chặn và làm giảm thiểu tệ nạn xã hội. Các hình phạt như xử tử, chặt tay chân, cầm tù, lưu đày, khổ sai… không hữu hiệu, không thể kiềm hãm tệ nạn xã hội và bất ổn chính trị. Quốc vương và triều đình có thể dùng sự trừng phạt để kiềm chế tội phạm, nhưng không bao giờ có thể tiêu trừ các tội phạm bằng quyền lực của mình. Đức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp và thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm.
Trong chi bộ kinh, chương Bảy pháp Đức Phật đưa ra 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia như sau: 1-Thường gặp gỡ và hội họp. 2-Hội họp, giải tán trong tinh thần đoàn kết. 3-Không ban hành những đạo luật chưa từng được ban hành; không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, tôn trọng và giữ gìn những truyền thống quý báu. 4-Kính trọng các bậc trưởng thượng. 5-Không có những bất công, tôn trọng phụ nữ. 6-Thờ phụng, ghi nhớ công đức tổ tiên, những bậc có công. 7-Cung kính, hộ trì, noi gương các bậc Thánh. Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh của một quốc gia.
Đó là những đức tính cơ bản như dân chúng hòa hợp, đoàn kết, sống đạo đức, có tinh thần hướng thượng và niềm tin tâm linh.
Đức Phật chú ý quan tâm đến các nguyên tắt điều hành quốc gia là quan trọng hơn cả. Về phương pháp lãnh đạo, quản lý và điều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy bốn pháp nhiếp hóa (Tứ nhiếp pháp): Bố thí nhiếp; Ái ngữ nhiếp; Lợi hành nhiếp; Đồng sự nhiếp. Bốn phương pháp nhiếp hóa này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo. Đức Phật dạy xã hội muốn ổn định không có trộm cướp, nói dối, bạo động, thù hằn .v.v. thì cần phải giúp dân thoát cảnh nghèo đói. Bởi vì nghèo đói là nguyên nhân căn bản xảy ra trình trạng đó. Vì thế, muốn cải thiện xã hội thì cần phải cải thiện kinh tế. Để cải thiện kinh tế Phật dạy người cầm quyền cần phải làm “Cung cấp hạt giống và phương tiện canh tác cho các nhà nông. Cung cấp vốn cho những người kinh doanh đầu tư; trả lương thích đáng cho công nhân. Đại bố thí cho nhân dân thay thế các lễ tế đàn” [3]
Đối với hàng người dân bình thường thì phải biết quân bình cân đối trong việc thu chi. Phật dạy: số tiền thu nhập được cần chia ra làm bốn phần
Phần thứ nhất: phát triển thêm nghề nghiệp
Phần thứ hai: tiêu dùng hàng ngày
Phần thứ ba: phòng khi bệnh tật
Phấn thứ tư: bố thí, cúng dường
Ngoài ra, để có một quốc gia hưng thịnh, từ việc một con người có nội tâm đạo đức và hướng thiện, tiến lên nỗ lực thực hành để trở thành một lối sống hiền thiện và an vui. Những điều mà một quốc gia căn bản cần phải thực hiện chính là năm điều căn bản đạo đức của một người đệ tử Phật, năm điều này tưởng rằng chỉ là năm điều đạo đức của một người Phật tử; tuy nhiên ở đây nếu khéo suy xét chúng ta có thể hiểu nó có tác dụng như thế nào đến một quốc gia thịnh trị. Nội hàm của năm điều đạo đức chính là thiết lập một gia đình yên ấm, an vui như sống với tâm từ, ngay thẳng trung thực, chung thủy, nói lời chân chính và tỉnh táo không say sưa.
Như vậy có thể thấy rằng một quốc gia thịnh trị chính là lối sống và đạo đức của nhà lãnh đạo và nhân dân. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này chắc chắn sẽ dẫn đến những hỗn loạn và các vấn đề tệ nạn trong xã hội, dẫn đến những đau khổ và bất ổn trong đất nước.
3. Ứng dụng giá trị lời Phật dạy qua triết lý chính trị đương thời
3.1. Thông điệp hòa bình-không chiến tranh xung đột
Cả cuộc đời đức Phật thể hiện hai chữ nhập thế cao đẹp, Ngài thường đi khắp đó đây thuyết pháp độ sinh, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho tha nhân. Có những lúc Phật đứng ra làm trọng tài để dàn xếp các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia để chấm dứt chiến tranh, cũng có lúc tự lãnh lấy trách nhiệm hòa giải các cuộc cãi lẫy giữa các cặp vợ chồng trong gia đình. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Chẳng những Ngài dạy về hòa bình và bất bạo động, có lẽ Ngài là vị giáo chủ đầu tiên và duy nhất ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chặn chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Kolia khi họ muốn khởi sự đánh nhau vì tranh chấp nước sông Rohini, Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasattu Vedehiputta (A-xà-thế) nước Magadha bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộ Vajji. Đức Phật hoàn toàn không muốn có bất kỳ một xung đột nào xảy ra giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì ở bất kỳ một nguyên nhân nào thì chiến tranh vẫn là nguyên nhân của vô số các khổ kéo theo như nghèo đói, mất mùa, ốm đau, chết chóc… . Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những cuộc chiến tranh và không có một cuộc chiến tranh nào không đau thương và đổ máu cả. Thông điệp hòa bình của đức Phật, bắt đầu từ việc thiết lập sự an lạc, hạnh phúc từ những cá thể, đoàn thể và sau cùng là một quốc gia, toàn cầu. Chúng ta biết có rất nhiều vị Tỳ kheo đã chứng A-la-hán dưới sự dẫn dắt của đức Phật; các vị đệ tử xuất gia và tại gia khi được nghe pháp và thực hành cũng có những trải nghiệm và lối sống an lạc ngay trong cuộc đời này. Sau đó là những vị vua, quan, những nhà trưởng giả… có uy quyền và địa vị đều được thấm nhuần và có tư duy, quan điểm, nhận thức từ đó có lối sống lành mạnh đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình, những người xung quanh và xã hội.
Đạo Phật khuyến khích nền tảng đạo đức và việc sử dụng quyền lực công cộng với ý thức trách nhiệm. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Ngài không chấp nhận bạo lực và hủy hoại sinh mạng. Ngài tuyên bố rằng không có một chiến tranh nào là chiến tranh của công lí. Ngài dạy:
“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại”[4]
Đức Phật đã thay thế quan niệm “Chiến thắng ngàn quân” bằng lý tưởng “tự chiến thắng mình”, dùng chính đạo giải phóng con người thoát khỏi những điên cuồng, đem đến hòa bình an lạc cho đất nước. Phương pháp để đoạn tận mọi ý niệm chiến tranh trong tâm mình, bằng cách thiết lập một lối sống thiểu dục, thanh tịnh, từ bi và hòa hợp. Từ đó, kiến tạo nên một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Tất cả những việc làm cũng như việc Ngài hướng dẫn các vị vua thời bấy giờ về phương cách trị nước như thế nào để đem đến sự cường thịnh và hòa bình cho quốc gia đã nói nói lên một điều rằng “đạo Phật là một đạo nhập thế tích cực, đã hòa nhập vào cuộc đời làm bất cứ điều gì đem lại lợi ích cho nhân sinh”.
3.2. Bình đẳng
Đức Phật nói về sự bình đẳng của tất cả mọi người. Sau khi người Aryan xâm chiếm Ấn Độ, tạo thành sự phân biệt tôn ti giữa kẻ chinh phục và dân bản xứ, từ đó dần dần diễn biến thành hiện tượng phân hóa và thế tập về chức nghiệp. Có lẽ sự xác lập chế độ này kéo dài đến mãi thời đại Phạm thư (1000 tr.TL-800 tr.TL), vì vào thời đại này chủ nghĩa “Bà-la-môn chí thượng” được hình thành. Giai cấp Bà-la-môn tự cho rằng họ từ miệng Phạm thiên sinh ra; Sát-đế-lợi từ hai vai Phạm thiên sinh ra; Phệ-xá từ rốn Phạm thiên sinh ra và Thủ-đà-la từ chân Phạm thiên sinh ra.
Đức Phật đề cập đến vấn đề bình đẳng, điều đó có nghĩa là đã có sự hiện hữu của bất công xã hội, đã có sự phân tầng giai cấp. Và cũng chính vì mang tính xã hội – giai cấp, tính bình đẳng trong nhận thức của con người vẫn chưa thoát ra được ý thức xã hội hiện tượng. Bất cứ ở đâu, sự đấu tranh cũng xuất hiện ở nơi bất bình đẳng. Nói vậy để thấy rằng, bình đẳng là thước đo cho sự tiến bộ của một xã hội… Theo Ngài chỉ có sự phân chia thứ hạng con người được căn cứ trên phẩm cách, đạo đức.
“Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sinh,
Ai thật chân, chính, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.”[5]
Trong vô số giáo lý mà Ngài đã thuyết giảng, tư tưởng bình đẳng là một trong những giáo lý nhiệm mầu giúp phá tan định kiến xã hội nhìn giá trị con người phát xuất từ chủng tính. Bình đẳng không phải được xác lập qua đấu tranh; ngược lại, nó được biểu hiện bằng con đường luận lí, cốt yếu làm cho con người hiểu rõ về bản chất thực tại của mình, về sự sai khác của nghiệp báo, về sự bất đồng về màu da, chủng tộc. Từ đó con người sẽ có thể cảm thông và từ ái với nhau, đó mới là tinh thần giải phóng của Phật giáo. Đức Phật phá bỏ ranh giới phân biệt đẳng cấp xã hội và làm cuộc đại cách mạng tư tưởng để xóa tan sự bất công cố hữu ấy. Ngài dùng tình thương để đối xử tử tế với tầng lớp nô lệ vốn bị ba đẳng cấp trên miệt thị. Đức Phật luôn kiên trì lập trường của mình khi xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Ngài thu nạp những người có tâm nguyện tu tập giải thoát từ tất cả các tầng lớp xã hội, mà không từ chối bất cứ đẳng cấp nào, dù là thương nhân, ngoại đạo, nô lệ hay quý tộc, Bà-la-môn, quốc vương. Trong Tăng đoàn do đức Phật thiết lập, Ngài hoàn toàn không dựa theo chức nghiệp, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội của họ để đặt ra bất kỳ đặc quyền hay sự hạn chế nào. Ngài xóa bỏ tất cả những gì có liên quan đến lễ nghi hoặc pháp lệnh chuyên chế phân biệt đẳng cấp xã hội. Chính nhờ tinh thần bình đẳng không phân biệt này mà Đức Phật được đa số quần chúng cung kính, đặc biệt là giai cấp hạ đẳng, như phụ nữ, người nghèo khổ, người nô lệ bị áp bức, chà đạp. Họ xem Đức Phật như là vị “Cứu thế” vĩ đại của nhân loại, giải phóng mọi bất công và đem lại tự do cho con người.
Đức Phật lấy nhân cách cao thượng của một bậc thầy giác ngộ làm sự nghiệp giáo hóa. Nhân cách cao thượng ấy được thể hiện ở việc tôn trọng tính thiện lương của con người mà bác bỏ tư tưởng ưu liệt về nhân chủng. Theo cái nhìn bình đẳng của Đức Phật, nếu những người nô lệ được giáo dục đàng hoàng, biết tu dưỡng đạo đức thì họ có khả năng trở thành những con người vĩ đại, đáng cung kính. Ngược lại, những kẻ tự cho mình là người cao quý được sinh ra trong giai cấp vương tộc hay Bà-la-môn, nếu không được giáo dục chu đáo, không biết trau dồi đức hạnh thì suốt đời cũng chỉ là những kẻ ngu si, vô trí, cống cao, ngã mạn mà thôi. Khi đánh giá phẩm hạnh một con người, cần phải nhìn nhận về trí tuệ và đạo đức của họ chứ không thể xét họ thuộc vào thành phần chủng tộc nào do xã hội quy định. Phàm là người thì ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một đời sống chân chính để trở thành người có trí tuệ và đạo đức.
3.3. Tinh thần hợp tác bình đẳng và tích cực tham gia đóng góp vào xã hội
Ấn Độ là nước có sự bất bình đẳng về giai cấp, kì thị chủng tộc vô cùng khắc nghiệt. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi nhiều quan niệm sai lầm cố hữu tồn tại hàng ngàn năm tại Ấn Độ, giải phóng những khổ đau cho tầng lớp hạ tiện bị khinh rẻ và áp bức lúc bấy giờ. Đức Phật với giáo lý từ bi, bình đẳng, Ngài không công nhận những sự phân biệt, giữa con người với nhau như một mặc định tất yếu đã được an bài của ai đó từ trước. Ngài cho rằng biện pháp xác nhận giá trị, hay sự cao quí của con người không phải ở đẳng cấp xã hội, chủng tộc. Con người thông minh hay ngu độn, cao quý hay thấp hèn là do hành nghiệp của họ chứ không phải do nơi chủng tính họ sinh ra. Ngài khẳng định giá trị của một con người được xác định qua hành vi đạo đức của người đó. Phật dạy: “Bần tiện không vì sinh. Phạm chí không vì sinh. Do nghiệp thành bần tiện. Do nghiệp thành Phạm chí” (Kinh Tập, Sutta Nipata, 142). Phật giáo đã trả lại đúng vị trí, quyền hạn và trách nhiệm cho mỗi con người. Chính con người chứ không phải ai khác có thể quyết định hạnh phúc hay khổ đau của chính mình.
“Tự mình, làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!”[6]
Mỗi con người sinh ra đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc, chính tự thân mỗi người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nỗi đau và hạnh phúc của riêng mình, thừa hưởng quá khứ và làm chủ tương lai. Một vườn hoa có nhiều chủng loại, mỗi loài có những nét đẹp xấu khác nhau nhưng chúng đều có quyền nở hoa và tỏa hương theo cách của mình. Cũng vậy, con người có quyền thừa hưởng tất cả những gì họ tạo bằng công sức trí tuệ của mình. Và quan trọng hơn cả cần nhìn nhận một cách chuẩn xác là giai cấp cao quý không phải là Bà La Môn hay Sát Đế Lợi…. mà nó được đánh giá ở phẩm hạnh đạo đức bên trong của mỗi con người, vì vậy muốn trở thành đẳng cấp chúng ta hãy tự thăng hoa nhân cách của chính mình, sống một đời hiền thiện thanh cao, điều này chỉ có tự thân mang lại cho chính mình mà thôi.
Kết luận
Mỗi khi lật lại các trang sử của các thời đại, chúng ta đều thấy lúc nào cũng diễn ra chiến tranh, nào là chiến tranh giành quyền lực, nào chiến tranh giành lãnh thổ, nào là chiến tranh tôn giáo. Tại sao con người lại luôn sát phạt lẫn nhau như thế, tại sao họ không cùng nhau chung sống trong hòa hợp và yêu thương? Trong tình trạng ấy, đạo Phật xuất hiện, mang thông điệp hòa bình và tình thương đến với nhân loại, đạo Phật đã chan hòa trong cuộc đời, đem ánh sáng Phật pháp hòa vào cuộc đời. Vì thương yêu nhân loại, muốn nhân loại chấm dứt chiến tranh và hận thù mà chính đức Phật đã hướng dẫn những người lãnh đạo quốc gia đường hướng chính trị đúng đắn nhất có thể đem đến hòa bình, phú cường cho đất nước.
Tóm lại giáo lý của đức Phật không chủ trương về chính trị, không liên quan đến học thuyết chính trị. Thế Tôn chỉ thuần dạy cho các đệ tử con đường tu tập để giác ngộ, để giải thoát, hướng đến sự hạnh phúc cho nhân sinh và xã hội. Điều này được minh chứng trong suốt cuộc đời hoằng truyền giáo pháp, Ngài luôn luôn có những lời dạy quý báu cho các quốc vương và triều đình để họ quản trị tốt đất nước với mục đích duy nhất hướng lợi lạc cho số đông, không cho bất kỳ cá nhân nào, giai cấp nào.
Tác giả: Thích nữ Giác Phổ Cao học ngành Triết học Phật giáo – Khóa III – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Trường Bộ, Hồng Đức. 2. Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, Hồng Đức. 3. Thích Minh Châu dịch (2014), Kinh Pháp Cú, NXB. Công ty CP Văn hóa Thiện tri thức. 4. Hirakawa, Thích Nguyên Hiệp dịch (2020), Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Văn Hóa Văn Nghệ. 5. Walpola Rahula, Thích Nữ Trí Hải dịch (2020), Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Hồng Đức.
Chú thích [1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, NXB Hồng Đức, 2020, tr.342. [2] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, NXB Hồng Đức, 2020, tr.469. [3] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1997, tr. 135 [4] Thích Minh Châu dịch (2014), Kinh Pháp Cú, NXB. Công ty CP Văn hóa Thiện tri thức, tr.129. [5] Thích Minh Châu dịch (2014), Kinh Pháp Cú, NXB. Công ty CP Văn hóa Thiện tri thức, tr.233 [6] Thích Minh Châu dịch (2014), Kinh Pháp Cú, NXB. Công ty CP Văn hóa Thiện tri thức, tr.201.
Bình luận (0)