Tác giả: Quảng Giáo Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
I. Đặt vấn đề
Ngay từ buổi bình minh tự chủ của dân tộc, đạo Phật đã có mối liên hệ mật thiết, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của dòng sinh mệnh Việt. Lịch sử cho thấy, Phật giáo cùng với đất nước đã trải qua bao cuộc hưng phế, thăng trầm, nhưng luôn đồng hành, gắn bó như một thể thống nhất, bất khả ly. Nếu như nước nhà thời nào cũng có anh hùng thì Phật giáo ở giai đoạn nào cũng có hiền nhân dựng đạo giúp nước. Phật giáo luôn song hành với sự vươn lên cùng dân tộc.
Chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên gì khi thấy rằng gia tài văn hoá Việt Nam từ văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc đều nếu không do Thiền môn hoặc những người liên hệ đến Thiền môn sáng tạo thì cũng chịu ảnh hưởng âm hưởng, màu sắc Phật giáo. Điều ấy không chỉ đúng trong thời gian từ thời lập quốc mà cả về sau.
Những đóng góp lớn lao của Phật giáo đến nhiều lĩnh vực khiến dân tộc ta có thể kiên cường tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Chúng ta càng nhận ra vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là yếu tố con người.
Phật giáo đã góp công không nhỏ cho hành trình kiến tạo nên những công dân người Việt hiền lành, chất phát, sống thiện lương, không thích dấn thân vào các tranh đua hơn thua, khi có các luồng văn hóa ngoại lai, mang yếu tố mới thì người dân đã tiếp thu và chuyển hóa thích ứng, phù hợp với cuộc sống của con người Việt - điển hình là văn hóa Phật giáo, văn hóa Chăm đã được người dân tiếp nhận rất tinh tế, rất phù hợp, biến hóa và ứng biến nó thành yếu tố văn hóa của rất riêng của cộng đồng người Việt.
Phật giáo từ Ấn Độ đã xâm nhập khá sớm vào Chămpa, gắn liền với những năm đầu của thời kỳ lập quốc, đồng hành cùng với quá trình tồn tại, phát triển và suy vong của Vương quốc này. Thậm chí trong đầu thời Indrapura (cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X), Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ ở Chămpa và trở thành quốc giáo. Chính vì thế, từ trước đến nay, Phật giáo Chămpa luôn là đề tài hấp dẫn với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu chủ yếu đề cập đến Phật giáo toàn Chămpa chứ chưa chú ý nhiều đến Phật giáo Chămpa ở cấp độ vùng miền, đặc biệt là vùng đất kinh kỳ - Thừa Thiên Huế, để từ đó có cái nhìn cụ thể, chi tiết, tìm ra được điểm chung/riêng trong quá trình Phật giáo Chămpa phát triển ở mỗi khu vực.
Thông qua các tài liệu khảo cổ có được, bài viết cố gắng đề cập, đi sâu vào phân tích dấu ấn Phật giáo Chămpa ở Thừa Thiên Huế, từ đó rút ra các đặc điểm chủ yếu của Phật giáo Chămpa ở khu vực này và sự tiếp biến của nó với văn hóa, tư duy tín ngưỡng của người dân Việt.
II. NỘI DUNG
1. Tổng quan về những vấn đề liên quan đến Phật giáo Chămpa
Những sự kiện lịch sử cũng như các hiện vật khảo cổ đã giúp chúng ta hiểu được phần nào về sự du nhập, tồn tại và phát triển của Phật giáo Chămpa. Từ trên những dữ kiện đó, có thể tìm thấy một vài đặc điểm của Phật giáo Chămpa.
Đạo Phật vào Chămpa từ rất sớm. Sự xuất hiện của bia Võ Cạnh với lời khắc thấm nhuần giáo lý nhà Phật cho phép ta đoán định: đạo Phật phải du nhập trước hơn thời điểm khắc bia một giai đoạn đủ cho Phật giáo phát triển. Suốt thời gian dài từ khi du nhập đến thế kỷ thứ VIII đạo Phật là tôn giáo chủ đạo bên cạnh tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Rất có thể, từ rất sớm, đạo Phật Nam truyền và Bắc truyền đều du nhập vào đất Chămpa qua các thương nhân, sư sãi Ấn Độ và Trung Quốc. Trong quá trình tồn tại, phát triển, dòng Bắc truyền với tư tưởng Đại thừa và một hệ thống các vị Bồ tát cũng như thần linh đã là điều kiện tốt cho một quốc gia vốn mang nhiều tín ngưỡng cổ truyền dân tộc như Chămpa dễ dàng tiếp nhận. Phật giáo Nam truyền do vậy, sau một thời gian tồn tại đã ít có điều kiện tiếp tục phát triển những vẫn duy trì được dòng mạch.
Trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển ở Chămpa, Phật giáo đã tiếp nhận nhiều luồng văn hoá nghệ thuật và điêu khắc Phật giáo từ các nước Đông Nam Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Java, Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Khmer… Ảnh hưởng của nghệ thuật Dvaravati ghi dấu trên một vài tượng Phật bằng đồng từ Đăng Bình (Phan Thiết) đến phía Nam Phan Rang; trên bản bằng đất nung tìm thấy ở Phước Tịnh (về phía Bắc Nha Trang) và Khanh Thổ Động gần Đà Nẵng (Quảng Nam) miêu tả đức Phật ngồi giữa đôi tháp thon dài. Mặt khác, ảnh hưởng Chămpa còn được thấy ở điêu khắc mang phong cách Dvaravati từ Muang Fa Dea ở Đông bắc Thái Lan, trong các di tích cổ Wat Keaw ở Chaivainin Suratthani và trong điêu khắc đất sét cạnh hang động ở Kanchanadit trong cùng vùng này.
Trong giai đoạn người Khmer chiếm đóng Chămpa, nhiều nơi trên đất Chămpa, điêu khắc Phật giáo còn mang phong cách Bayon. Sự hỗn hợp giữa Phật giáo Đại thừa và Siva qua tên gọi các thần Phật giáo dưới triều vua Jaya Paramesvara (năm 1234) cũng thấy có ở Indonesia vào cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ XIV.
“Tính chất Phật giáo Đại Thừa được thể hiện rõ qua kiến trúc và điêu khắc của khu đền tháp mang tính tu viện Phật giáo ở Đồng Dương”[1]. Các điêu khắc ở Đồng Dương thể hiện yếu tố văn phong thời trung cổ miền đông bắc Ấn độ, có thể dễ dàng gợi lên mối quan hệ trực tiếp giữa Chămpa và các trung tâm Phật giáo ở Ấn độ. Rõ ràng niềm tin đối với Phật giáo là một trong những đặc trưng của các nước Phật giáo Đông Nam Á, và là một trong những nhân tố chủ yếu đã kích thích mối quan hệ văn hoá đều đặn giữa các nước trong khu vực này, đặc biệt là trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ X.
Sự phối hợp giữa Ấn giáo mà đỉnh cao là tín ngưỡng Siva với Phật giáo và các tín ngưỡng dân tộc cổ truyền diễn ra ở Chămpa khá sâu sắc. Tình trạng “hỗn dung tôn giáo” tại đây không đưa đến sự sáp nhập lại của nhiều tôn giáo một cách đơn thuần nguyên vẹn mà đã được dân tộc hóa và địa phương hóa.
Thí dụ, Avalokistevara hay Lokesvara của người Chăm là một vị nữ thần được đặt lên ngôi vị cao, riêng biệt, vị thần riêng của dân tộc. Đối với tộc người Chàm, Bà còn là mẹ đất, là hình ảnh đại diện cho các nữ thần khác như Bhagavati, Devi… là thần bảo hộ của thành phố hay khu vực (Rasnalkosvara) có năng lực mang lại nguồn sống dồi dào, vô tận sự no ấm hạnh phúc.
Mặt khác với bản khắc trên bi ký An Thái vào năm 902 xuất hiện khái niệm bí truyền, các hình phù chú giáo trong hang động Phong Nha, đầu tượng Vairocana bằng đá sa thạch vào giai đoạn năm 875 tìm được ở Đồng Dương, đặc biệt với tín ngưỡng Heruka cho thấy sự hiện diện của giáo phái Mật tông. Mật Tông ở Chămpa là Mật tông tả phái còn gọi là phái Sakti Ấn Độ giáo. Phái này liên kết với phái thờ thần Siva, (trong tôn phái Siva, việc thờ phụng Sakti nghiêng về phía người vợ Siva-parvati hay Uma). Thực tại tối thượng được quan niệm như sự phối hợp của một nguyên lý dương (động) với một nguyên lý âm (tĩnh). Chính từ trong những nguyên lý của Mật tông tả phái này mà Phật giáo Chămpa dễ liên kết chặt chẽ với Ấn giáo hơn.
Vương quốc Chămpa trong quá trình phát triển của mình đã trở thành nhà nước với một kinh đô nhất định làm trung tâm cho hoạt động chính trị văn hoá, xã hội và một số tiểu vương quốc xoay quanh. Với hệ thống tổ chức xã hội như vậy đã hình thành trong dân tộc Chăm ý thức về quyền lực tối thượng. Điều này về mặt tư tưởng đã tác động không nhỏ để đưa đến việc hấp thụ dễ dàng các yếu tố Mật giáo (hệ thống ngữ Jina và đồ hình Mandala…) du nhập vào. Như vậy, chính từ mối “quan hệ mở” đối với các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, đã du nhập vào Chămpa nhiều ảnh hưởng văn hoá Phật giáo.
“Ngoài các tượng, tháp, bàn thờ và các điêu khắc trên đá thì chúng ta lưu ý đến các tấm bia nói đến Phật pháp, khắc và dựng khắp nơi ở các vương quốc Chămpa dưới triều các vua của Indrapura…” [2] Phật giáo Chămpa qua các chứng cứ khảo cổ học cho phép ta đoán định đây là một nền “Phật giáo cung đình”, một nền văn hoá Phật giáo của tầng lớp trên. Các bi ký tìm được như Võ Cạnh, Chung Mỹ, Bàn Lanh, An Thái, Đồng Dương… cho thấy chủ nhân của nó đều thuộc dòng dõi quý tộc. Một số bi ký, tu viện, tịnh xá còn do chính các vua Chămpa dựng lên (Indrravarman II, Bhavavarman). Bi ký còn cho biết các việc quyên cúng ở tu viện, tịnh xá đều do Hoàng tử, vợ của lãnh chúa và thị dân đóng góp.
Dù cho với những bài vị dâng cúng bằng đất sét trong các hang động ở Phong Nha thể hiện nơi đây là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của đại chúng Phật tử ở Chămpa, nhưng nhìn sâu Phật giáo vẫn chưa đi sâu vào quảng đại quần chúng. Điều này cũng góp vào một trong những nguyên nhân giải thích sự suy tàn và tiêu vong của Phật giáo Chămpa. Tuy nhiên, không vì thế mà Phật giáo Chămpa thiếu mất bản sắc, họ đã có Kinh, tượng, nơi thờ tự và cả giáo lý Tánh Không theo Kim Cương Thừa và Mật giáo. Họ tôn thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm… cũng nhờ vậy mà hiện nay chúng ta mới có thể từ hiện tại hướng về quá khứ để quan sát và có những nhận định, bài học chính xác về sinh hoạt và quan niệm sống của tiền nhân.
2. Di tích Phật giáo Chămpa ở Thừa Thiên Huế
“Sau khi người Chămpa rút khỏi hai châu Ô, Rí để giao đất lại cho người Đại Việt thì họ còn để lại nhiều di tích lịch sử trên vùng đất Thuận Châu và Hóa Châu…”[3] trong đó không thể nào thiếu các di chỉ mang yếu tố Phật giáo, một tôn giáo mà người Chăm rất sùng mộ. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “… Trước chùa, tháp cổ, tương truyền là của chúa Chiêm Thành xây, nhưng đổ nát; trụ biểu ở trước tháp có khắc chữ Man, hỏi người Thuận Thành cũng không hiểu”[4] đều này cho thấy sự tồn tại rất nhiều các di chỉ Phật giáo Chămpa được biết đến vào thời nhà Nguyễn trị vì.
Ở Thừa Thiên Huế, số lượng các tác phẩm điêu khắc thể hiện chủ đề Phật giáo thời kỳ Chămpa không nhiều, dù số lượng đền tháp Chămpa được ghi nhận ở địa phương này khoảng gần 20 di tích và hàng trăm tác phẩm điêu khắc. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn văn Quảng “hiện nay có ba tác phẩm liên quan đến chủ đề Phật giáo được biết đến là tượng Avalokitesvara Thủy Cam, đầu tượng Avalokitesvara ở Sơn Tùng và Tượng Avalokitesvara Thanh Phước”[5].
Tượng Avalokitesvara Thủy Cam được sưu tầm ở phía Bắc Huế, niên đại của tượng được xác định vào khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, thuộc phong cách Đồng Dương. Tượng được đúc bằng đồng thể hiện Avalokitesvara đứng trên bệ sen hai tầng. Đầu đội mũ miện trang trí bằng những hoa nhỏ, đặt trên một mái tóc có jata cao, trên chóp có trang trí ở đầu mút. Chiếc jata này được bối ngang có nhiều quai ngang thòng xuống tới hai vai. Phía trước mũ miện thể hiện Phật A Di Đà đang ngồi thiền định. Phần y phục của tượng có một thân rất dài, đường nét tự nhiên, lướt qua thắt lưng bằng kim loại quý và được giữ lại bởi thắt lưng rộng, xoắn lại, vẽ nên hai quai xanh, ít nhiều căng ra. Đồ trang sức là hoa tai dài đến vai, cổ mang vòng hạt chuỗi, cổ tay, mắt cá chân đều mang vòng thòng xuống. Bồ tát có bốn tay nhưng bị mất một tay, còn một tay cầm hoa sen, một tay cầm vật chưa xác định.
Đầu tượng Avalokitesvara ở Sơn Tùng, niên đại khoảng thế kỷ IX – X thuộc phong cách Đồng Dương. Tượng có nguồn gốc tại di tích đền tháp Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Đầu tượng được làm bằng sa thạch, còn nguyên vẹn với kích thước: cao 19cm, rộng 10cm. Đầu tượng thon tròn, có gương mặt thanh tú, trán rộng, cung mày nhỏ, uốn cong. Mắt nhỏ dài, sống mũi cao, cánh mũi rộng. Miệng hẹp, môi dày. Tai to, chảy dài xuống vai, đeo trang sức khắc hình hoa nở. Tóc cuộn hình xoán ốc, phần dưới xõa xuống vai, phần trên xoáy nhiều lớp vươn cao, trên cùng có tượng Phật A Di Đà ngồi thiền.
Tượng Avalokitesvara Thanh Phước đang được thờ trong miếu Bà tại Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. Tượng cao 35,5 cm, rộng 6,5 cm, dày 6,5 cm. Tượng làm bằng sa thạch, khắc họa hình ảnh của một Avalokitesvara có tư thế đứng trên bệ vuông. Tượng có khuôn mặt tròn, vẻ mặt tươi, đầu đội mũ hình chóp hai tầng có trang trí hoa sen phía trước. Búi tóc cao hình trụ tròn, tóc tết thành từng lọn nhỏ kiểu con rít, phía sau dài đến gần trái tai, trán phẳng, hai mắt lớn, lông mày cong, sống mũi thẳng, tai to, dài… vai rộng, ngực nở nang. Hai tay bị vỡ, được phục dựng lại với tư thế hai tay chấp trước ngực với tư thế cầu nguyện. Mặc áo sarong, dài đến bàn chân, được buộc chặt bởi thắt lưng. Vạt phía trước lượn sóng, trang trí các bông hoa bốn cánh, vạt phía sau thẳng, để trơn, không trang trí. Toàn bộ sarong trang trí hoa văn tinh xảo bởi các đường diềm. Tượng thuộc phong cách Đồng Dương, niên đại khoảng thế kỷ IX đầu thế kỷ X.
Ngoài ra, còn khá nhiều các di chỉ mang dấu ấn Phật giáo tại Thừa Thiên Huế với diện mạo là các di vật Chămpa trong các ngôi chùa xứ Huế, qua nghiên cứu nguồn gốc các di vật này đưa đến kết quả là phần lớn các mẫu tượng hay các phù điêu có xuất phát từ tín ngưỡng người Chăm nhưng được người Việt tiếp cận dưới lăng kính Phật giáo qua cách đặt tên, qua quá trình tu sửa mang dần phong cách và nghệ thuật đậm chất Phật giáo.
3. Những phế tích tháp, tượng thần Chăm được Phật hóa
Trên hành trình chuyển đổi giao thoa giữa hai nền văn hóa Chăm – Việt ở nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện Phật giáo luôn đồng hành với văn hóa, xã hội Việt bằng nhiều bước đi thích hợp, đắc nhân tâm. Điển hình, ở Phong Điền là vùng đất có nhiều dấu ấn của nền văn hoá Chămpa. Nơi đây, dòng sông Ô Lâu, dòng sông mang cái tên lịch sử của Châu Ô xưa; Các dấu tích của văn hoá Chămpa đã được phát hiện và lưu giữ gần cả thế kỷ nay đã cho thấy trên mảnh đất Phong Điền ngày xưa từng là một trung tâm văn hoá lớn của người Chăm. Nằm bên dòng Ô Lâu, xã Phong Hoà là một vùng quê còn lưu giữ nhiều di tích văn hoá Chămpa tiêu biểu.
Chùa Ưu Điềm (Chùa Phật Lồi), một ngôi chùa cổ ở Phong Hoà, trong sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn có chép: “phía hữu chùa có tượng Phật đá nổi, tục gọi là “tượng Bà Lồi”, trước tượng khoảng đất rộng chừng một trượng có bức bình phong bằng đá, cao rộng đều ba thước, trông phảng phất như hình ngựa, hình người…”. Chùa được xây dựng trên cơ sở của một công trình kiến trúc Chămpa bị đổ nát nằm trên gò cao khoảng 2m, hiện có 13 hiện vật điêu khắc Chămpa được thờ cúng tại chùa. Đó là: Hai mảnh bệ kích thước 1,45mx1,36mx0,17mx1,4mx1,4mx0,1m, bệ được tạo tác hình vuông, hai cấp; một Yony hình vuông, cạnh 1,1m, vòi nhô ra 0,36m, dày 0,23m; một Linga hình khối, chia hai phần, phần dưới hình bát giác, phần trên hình trụ tròn; 6 trụ cột đá, tạo dáng hình vuông hoặc bán nguyệt, trên có hoa văn trang trí hình khuyên, hình bát giác; một bệ và tượng tạo tác hình khối, bị vỡ phần tượng, bốn mặt bệ khắc tạc hình ảnh vũ nữ ngồi quỳ hầu, sử tử và bông sen; hai tấm tựa, một tấm bị vỡ còn một nửa có hình ảnh lợn lòi, một tấm nguyên vẹn trên mặt khắc hình ảnh hai vị thần cưỡi bò Nandin, bên trái phía trên là hình ảnh vị thần ngồi trên tòa sen, phía dưới là hình ảnh người hầu tay cầm gậy, bên phải phía trên là vị thần cưỡi chim thần Garuđa, phía dưới là vũ nữ cưỡi chim (Thiên Nga); bức phù điêu diễn tả cảnh thần Shiva cùng vợ dạo chơi trên đỉnh Mêru, các vị thần ra đón chào. Di tích, hiện vật được triều Nguyễn ghi nhận là những di tích hiện vật của nền văn hoá Chămpa. Nhà nghiên cứu văn hoá Chămpa Trần Kỳ Phương cho rằng bức phù điêu ở chùa Ưu Điềm là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Chămpa thể hiện đề tài lễ cưới Siva- Parvati. Ở ngôi chùa này còn có miếu thờ Bà là nơi thờ phụng bức tượng Bà cao 80 cm có đôi vú tròn căng, chắp tay ngồi kiết già trên toà sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ. Hiện nay tượng đã được thếp màu vàng, bên ngoài còn khoác áo mũ bằng vải vàng.
Cách chùa Ưu Điềm không xa lắm, ở làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hoà có đền Linh Quang hay còn gọi là đền thờ Bà Tám Tay. Tượng thờ Bà Tám Tay (Chuẩn Đề Bồ tát) có chất liệu bằng đá sa thạch, cao 120cm; rộng đỉnh 85 cm, rộng đáy 48 cm, dày 12 cm. Tượng cao 114 cm, dày đàu 13 cm và phần bụng dày 19 cm, dôi bàn chân mạng hài 18 cm. Tượng có 8 đội tay đối xứng, mỗi tay cầm mỗi vật như: chuỗi hạt, vòng, búp sen, tù và, hồ lô… Nguyên ngày trước người dân ở đây tìm thấy pho tượng này tại khu vực miếu Cồn Két, làng Mỹ Xuyên; vì tượng trông giống Phật Bà Quan Âm nên dân làng tổ chức đưa tượng đến thờ tại chùa. Trên đường gánh pho tượng đến chùa thì giữa chừng bị đứt dây. Dân làng tin rằng Bà muốn toạ ở đó nên lập đền thờ.
Ngoài hai di tích Chămpa tiêu biểu này, ở Phong Hoà còn có các hiện vật như bộ yoni lớn ở làng Phước Tích hay góc bệ thờ ở làng Mỹ Xuyên. Tất cả các di tích quý hiếm này đều được chính quyền địa phương và nhân dân lưu giữ, bảo tồn rất tốt. Là một người rất tâm huyết với việc khảo cứu văn hoá Chămpa ở Phong Điền anh Nguyễn Thế cho biết: “Hầu hết các làng quê bên dòng Ô Lâu của Phong Điền đều có dấu ấn của văn hoá Chămpa. Ngoài các di tích, hiện vật ở Phong Hoà thì Phong Điền còn có 2 di tích Chămpa điển hình nữa là phế tích đền tháp Chămpa Vân Trạch Hoà và bệ thờ bằng đá ở làng Thế Chí Tây. Cùng với những di tích Chămpa đã phát lộ và được lưu giữ trong dân gian hơn cả thế kỷ qua. Những di tích văn hoá Chămpa trên đất Phong Điền là một nguồn sử liệu vô giá và cũng là niềm tự hào về trầm tích văn hoá của vùng đất này. Điều đáng quý là những thế hệ cư dân người Việt đã Việt hoá những di tích của người Chăm để thờ phụng, bảo tồn trong suốt bao thế hệ qua. Ở bên dòng sông lịch sử huyền thoại Ô Lâu nhiều dấu tích của văn hoá Chămpa đã được phát hiện và lưu giữ gần cả thế kỷ. Những sản phẩm gốm cổ tinh xảo đã được phát hiện ở dưới lòng sông và cả dưới lòng đất của các làng quê bên dòng sông này càng chứng minh rằng những làng quê này ngày xưa từng là một trung tâm văn hoá lớn của người Chăm.
Di vật cột đá thiêng A Zoi thuộc thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ, cách trung tâm thị trấn A Lưới 22 km, cách thành phố Huế khoảng 45 km đi theo QL 49, theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng “xem xét kỹ hình tượng phù điêu trên cột đá này và so sánh với một biểu tượng quan trọng bậc nhất trong kiến trúc Phật giáo là stupa hay bảo tháp thì ta sẽ nhận ra mọi điểm tương đồng về cấu trúc, hình dạng và các thành phần mang ý nghĩa biểu tượng đều nằm trên cột đá này”[6]. Trụ đá có chất liệu sa thạch, tính luôn phần chân móng là cao 2 mét, phần chóp bị khuyết một phần. Cột đá có hình trụ vuông với phù điêu thể hiện giống nhau ở cả bốn mặt, hình tượng nổi bật là một trụ biểu tròn kiểu hình tháp cao với nhiều tuyến ngang chồng lên, đường nét chạm khắc khá chính xác, tinh xảo. Cột đá được xác định là một bảo tháp Chămpa có kích thước nhỏ như tháp thờ cúng. Ngoài những pho tượng, đài thờ, và phù điêu đã tìm thấy ở miền trung vào thời kì này, thì có lẽ đây là hiện vật duy nhất và khiêm tốn còn sót lại về bảo tháp của Phật giáo Chămpa, niên đại khoảng thế kỷ IX – đến thế kỷ X.
Trong chính điện chùa Thánh Duyên thôn Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, TT Huế hiện nay vẫn còn tôn trí pho tượng Phật Thích Ca bằng đá cao 38,5 cm, rộng vai 20 cm, rộng chân 27 cm, cao đầu 12 cm. Có các nét dặc trưng của tượng chămpa như eo thon, ngực nở, sống mũi cao, môi dày…Đây được xem là một trong những pho tượng hiếm hoi đạt đến độ tinh xảo trong quá trình bồi đắp các chi tiết để trở thành pho tượng Phật Thích Ca hoàn chỉnh mà không làm giảm giá trị nghệ thuật của pho tượng gốc có niên đại từ khoảng thế kỷ XII – XIII. Cũng ở thôn Hiền An, bức phù điêu tu sĩ Chămpa ở chùa Hải Triều. Cũng như các di vật khác như tượng Phật lồi, tượng Chuẩn Đề Bồ tát… pho tượng này điêu khắc hình tu sĩ Ấn giáo đang cầu nguyện nhưng được đưa về thờ trong chùa vì nó có nét Phật giáo.
Tại miếu bà Chuẩn Đề làng Lương hậu có bức phù điêu hình vòng cung có niên đại khoảng thế kỷ IX _ X, được làm từ đá sa thạch màu xám nhạt, cao 96 cm, rộng đáy 117 cm, xung quanh phù điêu tạo hình đường diềm nổi có kích thước 6cm, hướng tâm làm nổi bật chủ đề chính của bức phù điêu. Nguyên nghĩa đây là bức tympan Chămpa thể hiện chủ đề Civa múa điệu múa vũ trụ nhưng qua lăng kính Phật giáo, người Việt khi tiếp nhận lại thấy giống Bồ tát Chuẩn Đề được miêu tả trong kinh sách và lưu truyền trong nhân gian nên được đặt tên là tượng Chuẩn Đề.
Trong hậu điện chùa làng Thành Trung xã Quảng Thành huyện Quảng Điền TT Huế hiện nay vẫn còn tôn trí ba pho tượng Phật, thể hiện rõ quá trình biến dưỡng các di vật văn hóa Chăm trong dòng tâm linh người Việt. Pho tượng lớn nhất là tượng Chuẩn Đề Bồ tát cao 88cm, rộng vai 26,5 cm, cao đầu 9,7 cm, rộng 9 cm, có bệ gốc bằng đá có chạm trỗ hoa sen, lá đề. Thứ hai là tượng Bồ tát Địa Tạng cao 51 cm, rộng vai 23 cm, rộng chân 38,5 cm, dày tượng phần đế 16 cm, ngực 12 cm. Pho tượng tạo hình dáng ngồi kiết già có nhiều điểm đặc trưng của tượng Phật Ấn Độ phong cách Amaravati. Thứ ba, là tượng Phật đản sinh cao 42,5 cm, rộng vai 13 cm, dày 4,5 cm được ốp vào khung hình chữ nhật. Tượng có nhiều nét của loại tượng nam trong nghệ thuật Ấn Độ, thộc phong cách Mathura. Ngoài ra, còn rất nhiều các di vật khác còn tồn tại rãi rác khắp TT Huế như tượng Phật bằng đá ngồi trên ba khoanh rắn Naja, rắn dương năm đầu che trên đầu Phật ở Thủ lễ…
III. KẾT LUẬN
Sự chuyển giao quyền sở hữu đất đai từ người Chăm qua người Việt đã đưa đến rất nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, nhiều sự đổi thay nhanh chóng và hệ quả. Trong đó, sự giao thoa văn hóa và tư tưởng đã khiến các công trình nghệ thuật, kiến trúc… trở nên đa dạng, phong phú và giao hòa trong nhau. Điển hình là qua những phế tích đền tháp chăm được người Việt dựng thành chùa thờ Phật và thờ các vị thần Chăm được Phật hóa mà chúng ta vừa tìm hiểu là minh chứng rõ ràng và sống động nhất. Giúp người đọc, người nghiên cứu, người có đam mê với mảng kiến thức này có cái nhìn sâu sắc, rộng mở hơn.
Qua tìm hiểu về các di tích Chăm tại cố đô, Người viết nhận thấy rất nhiều giá trị quý báu mà người xưa đã để lại. Trong đó có ba giá trị nổi bậc nhất đó là: Giá trị nghệ thuật của các yếu tố Phật giáo Chămpa ở TT Huế - Giá trị thẩm mỹ tạo hình qua một số hình tượng trang trí Chămpa tiêu biểu ở TT Huế - Giá trị biểu hiện tâm linh qua các hình tượng vật chất trở thành hiện thân của giá trị tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Trong hành trình làm chủ vùng đất vốn trước đó thuộc người Chăm, các nhóm cư dân Việt đã tiếp nhận, kế thừa, hợp thức hóa trên tất cả các phương diện cho phù hợp với truyền thống thờ Phật, thờ cúng thần linh vốn có để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của mình trên vùng đất mới, trong hoàn cảnh lịch sử mới. Trên tinh thần ấy, người Việt xây chùa thờ Phật trên các phế tích đền tháp Chăm đã đổ nát để thờ các vị thần Chăm hoặc chuyển hóa các vị thần Chăm thành các vị Phật, Bồ tát với những cái tên như: Phật Lồi, tượng Chuẩn Đề, Quán Âm tám tay…và không ngừng ngại khoác lên mình các đối tượng thờ không chỉ là sự tích, thần tích,huyền thoại mà còn tô vẽ, sơn son thiếp vàng để hình tượng các Phật, Bồ tát, thần gần với người dân lao động hơn, phù hợp lòng dân hơn, rồi tồn tại, được lưu giữ đến ngày nay. Nó sẽ chảy mãi trong dòng văn hóa Phật giáo, trong dòng văn hóa dân tộc.
Như vậy, qua ba giá trị là giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ và giá trị tâm linh của các công trình nghệ thuật giới thiệu sơ lược trên đây chúng ta càng thấy rõ sức mạnh của sự sáng tạo, tiếp thu và hòa nhập chứ không hòa tan của người Việt. Và cũng nhận thấy được sức mạnh của Phật giáo đã và đang thâm nhập rất sâu vào lòng của quần chúng nhân dân người Việt một cách nhẹ nhàng và uyển chuyển nhưng không kém phần kiên cường và bền bỉ.
Tác giả: Quảng Giáo Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
***[1] Ngô Văn Doanh (2011), Văn hóa cổ Chămpa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr 195. [2] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr 42. [3] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr 34. [4] Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, Quyển II, phủ Thừa Thiên, Phạm Trọng Điểm dịch (1969), Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.115, [5] Nguyễn Văn Quảng (2021), “Di chỉ Phật giáo Chămpa vùng Bắc Hải Vân qua tư liệu khảo cổ học”, tập san Liễu Quán, số 24, Nxb. Thuận Hóa, tr.33 - 43 [6] Hà Vũ Trọng (2021),“Nhận diện cột đá thiêng A Zoi tại A Luới: Một bảo tháp Phật giáo Chămpa thế kỷ IX- X”, tập san Liễu Quán, số 24, Nxb. Thuận Hóa, tr. 55 - 58.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2006. 2. Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2011. 3. Ngô Văn Doanh, Nghệ thuật Chămpa câu chuyện của những pho tượng cổ, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, 2016. 4. Nguyễn Phước Bảo Đàn, Lê Thọ Quốc, Đào Xuân Ngọc, “Về các di vật Chămpa trong các ngôi chùa xứ Huế”, tập san Liễu Quán, số 24, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2021. 5. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2022), Văn hóa Phật giáo Việt nam, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. 6. Hà Vũ Trọng, “Nhận diện cột đá thiêng A Zoi tại A Luới: Một bảo tháp Phật giáo Chămpa thế kỷ IX- X”, tập san Liễu Quán, số 24, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2021. 7. Nguyễn Văn Quảng , “Di chỉ Phật giáo Chămpa vùng Bắc Hải Vân qua tư liệu khảo cổ học”, tập san Liễu Quán, số 24, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2021. 8. Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, Quyển II, phủ Thừa Thiên, Phạm Trọng Điểm dịch; Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969.
Bình luận (0)