Mười hai nhân duyên đặt trong mối tương dung với Vô ngã (được hiểu rút gọn là cái không tôi), xét đến cùng là hai mặt của một thực thể: Nhìn từ bản chất thì đó là Vô ngã, nhìn từ hiện tượng thì đó là Duyên Khởi.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
I. Lý Duyên khởi: Sự ra đời - Nội dung - Những chiều kích triển khai và thảo luận
1.1. Lý Duyên khởi: Sự ra đời
Nếu như kinh Chuyển Pháp luân, kinh Vô Ngã Tướng được lịch sử Phật giáo ghi lại khá rõ ràng về địa điểm đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng, thì lý Duyên khởi (hay thuyết Duyên khởi/ giáo lý Duyên khởi) đã không có được nguồn tư liệu như thế. Vậy sự ra đời hay đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhận ra và thuyết giảng thế nào về Duyên khởi.
Ở đây có hai vấn đề cần thảo luận: Thứ nhất, đức Phật Thích Ca Mâu Ni “ngộ” được lý Duyên khởi khi nào; thứ hai, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng về Duyên khởi.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ lý Duyên khởi.
Duyên khởi là một bộ phận của giáo lý Phật giáo hay còn gọi là phật pháp. Phật là tên gọi tắt theo tiếng Phạn - Phật Đà - Người giác ngộ. Pháp là dịch từ Phạn ngữ dhmama cũng được dịch theo âm Hán Việt là Đạt ma, Đàm ma. Nghĩa chính xác là quỹ trì trì tức là quy luật.
Pháp không phải do Phật hay ai đó làm ra. Đó là những quy luật vĩnh hằng phổ biến, tồn tại khách quan mà đức Phật giác ngộ được rồi thuyết giảng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ Duyên khởi như thế nào. Tác giả Thích Nguyên Đạt trong tác phẩm: Kinh Pháp hoa từ hệ chiếu đương đại cho viết: Theo lịch sử, đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi chứng thành đạo quả giác ngộ trên định thức phổ quát đã giác ngộ Duyên khởi với suy nghiệm về hai chiều thuận nghịch Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên)[1].
Qua cách trình bày của Thích Nguyên Đạt được hiểu, lý Duyên khởi là nền tảng để nhận thức các giáo lý khác của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Duyên khởi được Ngài suy nghiệm bởi hai chiều thuận nghịch. Đó là: cái này cái kia; có và không hoán đổi cho nhau. Cái này cái kia được thể hiện qua 12 nhân duyên[2].
Tác giả Mahã Thera trong cuốn Đức Phật và Phật pháp, đề cập đến sự ra đời của Duyên khởi về mặt nào đó cũng tương tự như Thích Nguyên Đạt. Tuy nhiên lại trình bày đồng nhất Duyên khởi với 12 nhân duyên. Tác giả viết: “Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật ngồi không lay động dưới tàn cây Bồ Đề để chứng nghiệm hạnh phúc Giải thoát (Vimati Su kha)”. Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về thập nhị nhân duyên (Paticca Samuppã da) theo chiều xuôi như sau: “khi có cái này (nguyên nhân) thì cái này (hậu quả) có. Với sự phát sinh của cái này (nhân) thì cái này (quả) phát sinh”[3].
Và “khoảng canh giữa trong đêm, Đức Phật suy niệm về Thập nhị nhân duyên theo chiều ngược như sau: “Khi nguyên nhân này không còn thì hậu quả này cũng không còn. Với sự chấm dứt của nhân này, quả này cũng chấm dứt”[4].
Cách trình bày trên của Nãra Mahã Thera cho thấy, Đức Phật giác ngộ Duyên khởi vào thời điểm bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo với hai quãng thời gian. Quãng thời gian đầu Ngài suy nghiệm về chiều thuận. Quỹ thời gian thứ hai khoảng canh giữa trong đêm, Ngài suy nghiệm về chiều ngược.
Tài liệu từ Kimura Taiken trong tác phẩm: Tiểu thừa A tỳ đạt ma Phật giáo tư tưởng luận cũng có cách trình bày tương tự: “Theo truyền thuyết, Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề quan sát lý Duyên khởi thuận và nghịch chiều (lúc đó Đức Thế Tôn vào canh một quan sát duyên khởi thuận và nghịch chiều (XVIII P.519)[5].
Phật tuyên thuyết Duyên khởi:
Theo tác giả Quảng Tánh: “Một thời tại xóm Điều Ngưu, Câu Lưu Sơn, bấy giờ có Tỳ kheo đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật.
- Bạch Thế Tôn, pháp Duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra, hay do người khác làm ra?
Phật bảo Tỳ kheo
- Pháp Duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra. Nhưng dù Như Lai xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian này thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này thành Đẳng Chính Giác, vì tất cả chúng sinh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bầy: Đó là cái này có nên cái kia có; cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do Duyên Vô minh nên có hành… cho đến khi việc tu tập thuần một khối lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt… cho nên việc thuần một khối lớn tu tập cũng bị diệt.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỉ phụng hành (Kinh Tạp A hàm, kinh số 299)[6].
Trong Tăng Chú bộ có ghi, đức Phật giảng cho ông Cấp Cô Độc:
“Ở đây, này gia chủ Cấp Cô Độc, vị thánh đệ tử quán sát như sau:
Do cái này có, cái kia có.
Do cái này sinh, cái kia sinh.
Do cái này không có, cái kia không có.
Do cái này diệt, cái kia diệt”[7].
Trên đây chỉ là hai nguồn tài liệu được hai tác giả trích dẫn, hẳn sẽ còn những tài liệu khác. Song cốt lõi là việc Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ được lý Duyên khởi dưới gốc Bồ Đề đã thuyết giảng nội dung Duyên khởi cho các đệ tử. Để rồi Duyên khởi trở thành một trong những nền tảng giáo lý của Đạo Phật[8].
1.2. Nội dung của Thập nhị nhân duyên và Duyên khởi quan
1.2.1. Nội dung của Thập nhị nhân duyên
Các tài liệu khi đề cập đến Duyên khởi đều cho rằng Duyên khởi được thể hiện qua Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên). Bao gồm: 1) Vô minh, 2) Hành, 3) Thức, 4) Danh - Sắc, 5) Lục căn, 6) Xác, 7) Thụ, 8) Tham ái, 9) Thủ, 10) Hữu, 11) Sinh, 12) Lão, Tử.
Thập nhị nhân duyên có mối quan hệ tương sinh với nhau, theo một chuyển động liên tục. Thứ tự được trình bày từ 1 đến 12 nhân duyên là để nhận thức sự tác duyên, tác hành giữa các “nhân duyên”. Bởi chúng được xem như một vòng tròn không có nhân duyên đầu cũng không có nhân duyên cuối.
Nãra Mahã Thera trong tác phẩm Đức Phật và Phật pháp cho rằng sau khi thành đạo, giác ngộ lý Duyên khởi, Thập nhị Nhân duyên được Đức Phật nhận biết theo chiều xuôi và chiều ngược. Theo đó nhận biết về chiều xuôi là:
Tùy thuộc nơi Vô minh (aviJSã), Hành (Sarinkhãrã) thiện và bất thiện phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Hành, Thức (viññãna) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Thức, Danh - Sắc (nãma - rũpa) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Danh - Sắc, Lục căn (Salã yata na) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Lục căn, Xúc (Phassa) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Xúc, Thọ (Vedanã) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Thọ, Ái (tanhã) Phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Thủ, Hữu (bhava) phát sinh.
- Tùy thuộc nơi Hữu có Sinh (jã ti).
- Tùy thuộc nơi Sinh, phát sinh Bệnh (Jarã), Tử (marana), Sầu não (soka), Ta thán (parideva), Đau khổ (dukkha), Buồn phiền (donanassa) và Thất vọng (upã yasa).
Toàn thể khổ đau phát sinh như thế ấy.
Nhận thức về chiều ngược:
- Với sự chấm dứt của Vô minh, Hành chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hành, Thức chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thức, Danh - Sắc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Danh - Sắc, Lục căn chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Lục căn, Xúc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Xúc, Thọ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thọ, Ái chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Ái, Thủ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thủ, Hữu chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hữu, Sinh chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Sinh, Bệnh, Tử, Sầu Não, Ta Thán, Đau Khổ, Buồn Phiền và Thất Vọng chấm dứt.
Như thế ấy toàn thể khối đau khổ chấm dứt[9].
Trình bày về sự giác ngộ Duyên khởi-Mười hai nhân duyên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tác giả Nãra da Mahã Thera chia thành 3 thời khắc: thời khắc nhận biết về chiều thuận, thời khắc nhận biết về chiều nghịch - khoảng canh giữa trong đêm (đã đề cập ở phần trên). Đến canh ba, Đức Thế Tôn suy niệm về pháp “Tùy thuộc phát sinh” theo chiều xuôi và chiều ngược như sau: “khi nhân này có thì quả này có. Với sự phát sinh của nhân này, quả này phát sinh. Khi nhân này không có thì quả này không có. Với sự chấm dứt này, quả này chấm dứt.
Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sinh v.v…
Như thế ấy, toàn thể khối đau khổ phát sinh.
- Với sự chấm dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt.
Như thế ấy toàn thể khối đau khổ chấm dứt[10].
Dù chia làm 3 thời khắc với nhận biết về chiều thuận, chiều nghịch và suy niệm về pháp nhưng cho thấy Mười hai nhân duyên có mối tương liên, tương tác với nhau theo chiều thuận - nghịch giữa cái này với cái kia.
Trên đây là nội dung căn bản của Duyên khởi-Mười hai nhân duyên.
1.2.2. Duyên khởi quan - Chiều kích triển khai và thảo luận
Nội dung của Duyên khởi-Mười hai nhân duyên được đề cập ở phần trên được Kimura Taiken trong Tiểu thừa - A tỳ đạt ma Phật giáo tư tưởng luận gọi là: Duyên khởi nhất ban. Về khái niệm này tác giả lý giải, Duyên khởi là nền tảng căn bản của Phật giáo, sự bất đồng về tiêu chí giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng của các học phái khác là ở đó. Theo lý giải của tác giả, được hiểu tính nhất ban bởi Duyên khởi là nền tảng căn bản của giáo pháp Phật Đà. Từ quan niệm Duyên khởi nhất ban, tác giả bàn đến các loại Duyên khởi thế hệ. Nghĩa là các Duyên khởi phát sinh từ Duyên khởi nhất ban. Sở dĩ như vậy là do những lập trường quan sát khác nhau mà phát sinh, từ đó dẫn đến việc phân tích và khảo sát theo nhiều lập trường khác nhau.
“Chiếu theo Nikha Da/ Nikã ya[11] các hình thức Duyên khởi thế hệ được chỉnh lý hoàn bị nhất, dĩ nhiên phải kể đến cái gọi là Mười hai chi, 12 nhân duyên. Ngoài ra có nhiều thuyết Tiểu Duyên khởi, cũng chính do đó mà ra”[12]. Trong cuốn Tiểu thừa - A tỳ đạt ma Phật giáo tư tưởng luận, chương VII với tiêu đề: Hình thức luân hồi và Duyên khởi luận, Kimura Taiken đề cập đến 9 nội dung với 9 tiêu đề với sự luận giải tỏ tường, triết khúc. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chỉ tóm lược nội dung thứ 9 chương VII với tựa đề: Duyên khởi quan của A tỳ đạt ma[13]. Theo tác giả Phật giáo Nguyên thủy đặt nặng phương diện Nghịch quan, đến A tỳ đạt ma thì lại lấy thuận quan làm chủ, còn nghịch quan, trái lại chỉ chiếm địa vị khách mà thôi. Mà theo sự quan sát thuận quan cũng lấy luận lý hay phát sinh làm chủ. Trong Phật giáo Nguyên thủy, thuyết 12 chi cũng có, mà thuyết 9 chi, 10 chi cũng có. Đến A tỳ đạt ma, thì hiển nhiên lấy 12 chi làm thông tắc Duyên khởi, còn thuyết 9 chi, 10 chi thì được coi là tỉnh lược của thuyết 12 chi.
Tóm lại, vấn đề Duyên khởi quan của A tỳ đạt ma xuất phát từ Vô minh, đến Lão, Tử, trong 12 đoạn ấy, nên cách giải thích như thế nào? Có thể nói 12 chi thuận quan là nguồn gốc sinh sự giải thích của A tỳ đạt ma.
Như vậy, đối với Duyên khởi quan của A tỳ đạt ma, tùy theo thời kỳ và các luận thư mà có ít nhiều bất đồng. Nhưng nhìn một cách khái quát thì dùng 12 Duyên khởi để thuyết minh quan hệ sinh khởi đồng thời tồn tại, của tâm lý, luân lý, vận mệnh, trong đó, quá khứ, hiện tại, vị lai, đặc biệt muốn lấy hiện tại quy định vấn đề luân hồi vị lai, không thuyết minh một cách quá nghiêm khắc về sự liên lạc giữa các chi: đó là một đặc trưng lớn trong sự kết cấu của các luận thư ở thời kỳ đầu[14].
II. Vũ trụ quan, nhân sinh quan nhìn từ nguyên lý duyên khởi
Tiếp cận Duyên khởi từ góc độ tư tưởng, Kimura Taiken phân chia thành Duyên khởi luận nhất ban để rồi với sự tiếp cận lịch sử chỉ ra các loại Duyên khởi thế hệ, chú trọng đến Duyên khởi quan của A tỳ đạt ma với những tư tưởng luận. Luận về tư tưởng Duyên khởi của tác giả chủ yếu dựa vào một số kinh điển, mà những kinh điển ấy được xem là kinh điển gốc tương tự như A hàm mà cả Tiểu thừa và Đại thừa đều chấp nhận như Bộ Kinh/ Nakhapa/ Nikãya là một ví dụ.
Tuy nhiên Duyên khởi lại được tiếp cận dưới góc độ triết học để nhìn nhận vũ trụ quan và nhân sinh quan.
2.1. Vũ trụ quan nhìn từ nguyên lý Duyên khởi
So với một số tôn giáo khác, chẳng hạn như Kitô giáo, giáo lý Phật giáo quan niệm “Vô tạo giả” tức không có đấng sáng thế, không có một đấng sáng tạo ra thế giới với trời, đất, cây cỏ, muông thú, con người. Hoặc như đạo Bà la môn Phạm Thiên (Brahman) được coi là nguyên lý sáng tạo hay một Thượng đế hữu ngã. Mặc dù vậy Phật giáo cũng không bài bác có một đấng sáng thế tạo lập vũ trụ. Phật giáo cũng không thừa nhận một xung đột nào giữa tôn giáo và khoa học.
“Theo giáo lý Phật giáo, nhân loại và các loài sinh động đều tự tạo, hoặc chủ động hoặc bị động. Vũ trụ không phải là đồng tâm; nó là môi trường cộng tác của vạn hữu. Phật giáo không tin rằng vạn hữu đến từ một nguyên nhân độc nhất, nhưng cho rằng vạn vật nhất định phải được tạo thành ít nhất là hai nguyên nhân.
Những sáng hóa hay biến thành của các nguyên nhân đi trước nối tiếp trong liên tục thời gian, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, như một chuỗi dây xích. Chuỗi xích này được chia thành 12 bộ phận gọi là 12 Duyên sinh hay Duyên khởi. Vì các bộ phận này liên lập, chúng được gọi là Duyên khởi hay chuỗi Duyên sinh. Công thức như sau: Cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh. Cái này không, cái kia không; cái này diệt cái kia diệt”[15].
Nếu như Kimura Taiken khi tiếp cận Phật giáo tư tưởng luận xem Duyên khởi có Duyên khởi nhất ban và Duyên khởi thế hệ thì Junjiro Takakusu lại quan niệm: “Có nhiều thuyết Duyên khởi được thiết lập để giải thích hoàn hảo về vạn hữu và vạn tượng”. Theo đó là các thuyết như: Lý thuyết về nghiệp cảm, lý thuyết về A lại da, lý thuyết về Chân như, lý thuyết về Pháp giới. Trong 4 lý thuyết thì 3 lý thuyết đầu bàn về nhân sinh quan, lý thuyết thứ tư: Pháp giới Duyên khởi được tác giả dành để thảo luận về vũ trụ quan. Sở dĩ chỉ có một lý thuyết để thảo luận về vũ trụ quan vì như phần trên đề cập, giáo lý Phật giáo ít đề cập đến vũ trụ “Hình nhi thượng” mà tập trung vào đề cập đến nhân sinh “Hình nhi hạ”, đó là đặc trưng nổi bật của giáo lý Phật giáo dù tiếp cận ở phương diện tư tưởng luận, triết học hay đạo đức học.
Vậy vũ trụ luận thể hiện trong Pháp Duyên khởi như thế nào? Trước khi đi vào trình bày phần nội dung, tác giả Junjiro Takakusu làm rõ khái niệm hay định vị rằng: Pháp giới Duyên khởi hay Pháp giới vô tận Duyên khởi, cũng nói là vô tận Duyên khởi, hay Nhất thừa Duyên khởi (thuyết Duyên khởi của tông Hoa Nghiêm)[16].
Tiếp theo Junjiro Takakusu giải thích nghĩa của Pháp giới. Theo tác giả: Pháp giới (dharmadhãtu) có nghĩa là “những yếu tố của nguyên lý” và có hai sắc thái: a) trạng thái chân như hay tính thể, và b) thế giới hiện tượng. Trong thuyết Duyên khởi này người ta thường dùng theo nghĩa thứ hai, nhưng khi nói về thế giới lý tưởng sở chứng, người ta dùng nghĩa thứ nhất[17].
Vũ trụ theo Junjiro Takakusu được hiểu là vạn hữu của thế giới hiện tượng là biểu lộ động của nguyên lý tĩnh. Vạn hữu của thế giới hiện tượng hỗ tương, phụ thuộc, hỗ tương giao thiệp mà không làm trở ngại lẫn nhau. Đó trước hết là Một trong Tất cả và Tất cả trong Một. Bởi không có cái độc nhất riêng rẽ. Vạn hữu trong vũ trụ - tâm và vật khởi lên đồng thời, vạn hữu trong vũ trụ nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu thiếu Một vũ trụ sẽ không toàn vẹn. Nếu không có cái Tất cả, cái Một cũng không. Khi cả vũ trụ (vạn hữu) hòa hợp được gọi là “Nhất chân pháp giới”, vũ trụ của cái Một và cái Thực hay “Liên hoa tạng”, kho tàng Hoa sen.
Tính viên dung, tính vạn hữu đồng khởi được gọi là thuyết Pháp giới Duyên khởi, bản tính của hiện khởi là toàn vũ trụ, là triết lý về toàn thể tính của tất cả hiện hữu hơn là triết học về nguyên khởi. Nhìn từ triết lý về toàn thể tính của tất cả hiện hữu, người ta phân biệt có 4 trạng hạng vũ trụ: a) Thế giới của đời sống hiện thực (Sự pháp giới); thế giới lý tưởng (Lý pháp giới); thế giới thể hiện thức và lý tưởng (lý trong sự, sự trong lý cùng hòa điệu); thế giới hòa điệu giữa chính cái sự và các cái hiện thực (Sự sự vô ngại pháp giới). Ở đây được hiểu: Sự là nói tất cả các hiện tượng sinh diệt trong thế giới. Lý là nói về Bản thể của Hiện tượng. Lý và sự là cách nhìn của giáo lý Phật Đà. Nhìn từ phương diện triết học thì đó là quan hệ tương hỗ giữa hiện tượng và bản chất, và trong bản chất cũng như hiện tượng lại có mối quan hệ nội bộ. Được hiểu là hiện tượng với hiện tượng; Bản chất với bản chất.
Từ những phân tích trên, Junjiro, Takakusu đi đến kết luận: “pháp giới Duyên khởi chứng tỏ rằng vạn vật trong thế giới thực tế phải có sự hòa điệu ở giữa chúng vì các lý do sau đây: 1. Vạn vật đồng thời hiện khởi; 2. Vạn vật hỗ tương giao thiệp ảnh hưởng; 3. Vạn vật thiết yếu hỗ tương đồng nhất (tương hủy tương thành), để thể hiện sự hòa điệu; 4. Chủ và bạn; thiết yếu là nhất hay hòa điệu để thành tựu mục đích; 5. Vạn vật khởi nguyên từ ý thể - do một ý niệm tương đồng phải được phản ánh trong tất cả; 6. Vạn vật là kết quả của nhân duyên, do đó hỗ tương phụ thuộc; 7. Vạn vật không định tính nhưng cũng hỗ tương phụ trợ - do đó chúng tự do hiện hữu trong sự hòa điệu với tất cả; 8. Vạn vật đều có Phật tính tiềm ẩn ban trong; 9. Vạn hữu, từ tối cao cho tới thấp đều cùng chung một Mandala độc nhất (Mandala: luân viên, vòng tròn toàn vẹn); 10. Vì có sự hỗ tương phản chiếu tất cả mọi tác dụng - như trong một căn phòng dựng các mặt kính xung quanh, sự vận động của một ảnh tượng tạo ra sự vận động của hàng nghìn phản chiếu.
2.2. Nhân sinh quan nhìn từ giáo lý Duyên khởi
Trong cuốn Tinh hoa triết học Phật giáo tác giả Junjiro Takakusu khi bàn đến nhân sinh quan nhìn từ nguyên lý Duyên khởi đã dành ra ba nội dung cũng là 3 thuyết đó là: a) Nghiệp cảm Duyên khởi; b) A Lại da Duyên khởi và c) Chân như Duyên khởi. Ba lý thuyết trên là một chuỗi để giải tưởng về nhân sinh quan. Đó là cách tiếp cận từ Hoa Nghiêm tông[18].
Nghiệp cảm Duyên khởi
Cách tiếp cận Nghiệp trong Nghiệp cảm của tác giả Junjiro Takakusu tương tự như nghiệp cảm trong từ điển Phật học[19], theo tác giả Nghiệp (Karma), đơn giản là hành động và hành động có nghĩa là ảnh hưởng của nó. Ảnh hưởng này xác định đời sống tiếp theo. Trong quá trình nhân quả, có định luật và trật tự. Đó là lý thuyết về Nghiệp cảm.
Trong 12 chi Duyên khởi tạo thành một vòng tròn liên tục được gọi là Bánh xe sinh hóa hay Bánh xe luân hồi. Điều này phù hợp với quan niệm về thời gian Phật giáo. Vòng tròn thời gian không có khởi đầu, không có chấm dứt. Thời gian tương đối.
Một sinh vật chết đi, một đời sống khác bắt đầu và một quá trình sống, chết lại tiếp diễn. Nếu nhìn ở khía cạnh thời gian thì đó là dòng tưởng tục không gián đoạn. Nếu nhìn ở khía cạnh không qian thì đó là phức hợp gồm 5 yếu tố. Bánh xe Sinh hóa tuy được xem là vòng tròn không khởi điểm, mặc dù vậy, vô minh được trình bày như là sự bắt đầu. Vô minh dẫn đến hành động u tối, mù quáng. Vô minh và Hành được xem là hai Duyên khởi quá khứ, là nguyên nhân khi nhìn chủ quan từ hiện tại, nhưng nhìn khách quan đời sống trong quá khứ là một đời sống toàn diện giống hệt như đời sống hiện tại. Tác giả Jinjiro Takakusu chia đời sống hiện tại được hình thành bởi 5 trạng huống hay 5 giai đoạn được kể là Năm Quả của quá khứ xuất hiện trong hiện tại[20]. Tiếp theo tác giả trình bày về sự hình thành sinh thể với các mối tương liên, tương tác theo thứ tự Ái - Thụ - Thủ - Hữu. Sinh và Già chết được nói gọn là sinh và chết. Nhìn từ hiện tại sinh và chết được coi là kết quả, nhưng nhìn toàn bộ của bánh xe sinh hóa liên tục thì thời vị lai cũng có những giai đoạn như thời hiện tại và quá khứ, chúng là một đời sống trọn vẹn toàn diện.
Đề cập đến Nghiệp cảm Duyên khởi, ở mỗi chi trong 12 nhân duyên được gắn với đời sống hiện thực của sinh thể.
Giai đoạn đầu tiên của một hiện hữu cá biệt, tương đương với giây phút đầu tiên thai nghén của một hài nhi. Giai đoạn thứ hai tạo thành hữu hình từ Tâm tiềm thức. Giai đoạn thứ ba với sáu quan năng: Lục nhập hay lục xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Giai đoạn thứ tư tương đương với một hay hai năm đầu của trẻ sơ sinh. Sinh vật bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Giai đoạn thứ năm được gọi là thụ tức tri giác (trẻ sơ sinh từ ba đến năm tuổi), trạng huống của đời sống hiện tại được hình thành.
A lại da Duyên khởi
Nghiệp cảm Duyên khởi do chỗ duyên mà sinh ra A lại da. A lại da thức là thức cuối cùng trong tám thức của một hữu tình chúng sinh. Tám thức là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức.
Mặc dù tiếp cận bởi A lại da nhưng để hiểu A lại da thì lại bắt đầu từ thức thứ bảy (A mạt na thức). Thức này là trung tâm cá biệt hóa của Ngã tính, hiện khởi ý tưởng vị ngã, ích kỷ, kiêu mạn, tự ái, ảo tưởng và mê hoặc. Thức thứ tám là trung tâm tích trữ tâm thức, nơi chứa các nhóm “hạt giống” (chủng tử) của tất cả mọi hiện khởi. Tàng thức trung tâm tích trữ tâm thức là “kho chứa hạt giống”, qua thế giới khách quan nó trở thành hạt giống mới. Hạt giống mới lại “trào vọt” thành hạt giống mới mẻ khác nữa. Các hạt giống hợp lại thành nhóm. Chúng được gọi là chủng tử khi tiềm ẩn, được gọi là hiện hành khi hoạt động. Cả hai bổ sung, phụ thuộc lẫn nhau tạo thành một vòng tròn tái diễn. Đấy gọi là A lại da duyên khởi. Vòng tròn vận động của duyên khởi là tâm thức. Theo thuyết A lại duyên khởi này thì Hoặc, Nghiệp và khổ khởi nguyên từ nghiệp thức hay ý lực.
Chân như duyên khởi
Chân như cũng được gọi là Như Lai tạng là phật tính ẩn tàng trong bản tính của phàm phu. Như lai - đến như vậy, đi như vậy trên thực tế có nghĩa như nhau. Đức Phật dùng cả hai nghĩa và thường trong hình thức số nhiều. Trên thực tế chân như hay Như lai tạng là một và như nhau: Chân lý cứu cánh. Trong Đại thừa, chân lý cứu cánh được gọi là Chân như hay Như thực. Từ diễn giải trên để giải thích Chân như duyên khởi. Chân như trong ý nghĩa tĩnh là phi không gian, thời gian, bình đẳng, vô thủy, vô chung, vô tướng, không sắc, bởi nếu không có sự biểu lộ (tĩnh) thì không có ý nghĩa và không được diễn tả. Ngược lại nó xuất hiện dưới mọi hình thức trong ý nghĩa động. Nó mang hình thức thanh thoát trong nguyên nhân thuần tịnh, mang hình thức hủ bại trong nguyên nhân ô nhiễm. Do đó, Chân như có hai trạng thái, tự thân và những biểu lộ trong vòng sống và chết.
Tóm lại “có ba loại duyên khởi: a) Nghiệp cảm duyên khởi như được miêu tả trong bánh xe Sinh hóa; b) A lại da duyên khởi để giải thích căn nguyên của Nghiệp; c) Chân như duyên khởi, để giải thích căn nguyên của Tàng thức. Tàng thức của một người được quy định bởi bản tính người của đó, và bản tính này là hình thái động của Chân như… Chân như hay Như lai tạng là thể tĩnh, là Chân như cứu cánh không thể diễn đạt…vũ trụ là biểu lộ động của Chân như[21].
III. Kinh vô ngã tướng và mối tương dung với duyên khởi
3.1. Kinh Vô Ngã Tướng
Theo lịch sử Phật giáo, kinh Vô Ngã Tướng[22] (Anatta lakkhana sutta) là bài pháp thứ hai sau bài pháp thứ nhất đức Phật tuyên thuyết cho 5 anh em Kiều Trần Như ở vườn Lộc Uyển - Kinh Chuyển pháp luân. Nãrada Mahã Thera trong cuốn đức Phật và phật pháp trình thuật bài thuyết như sau:
Một thời nọ lúc Đức Thế tôn ngự tại vườn Lộc Giã, xứ Isipitana gần Bernares (Balanai) Ngài mở lời dạy nhóm 5 vị Tỳ khưu “Này hỡi các Tỳ khưu
“Bạch hóa Đức Thế Tôn”, năm vị trả lời.
Rồi Đức Phật truyền dạy như sau:
“Hỡi các Tỳ khưu, sắc là vô ngã, không có một linh hồn trường cửu. Hỡi các Tỳ khưu, nếu trong đó có linh hồn, thì sắc này không phải chịu nhiều đau khổ. Sắc này phải như thế này hay sắc này phải không như thế kia, trường hợp tương tự có thể xảy ra. Nhưng vì sắc này không có linh hồn nên còn phải chịu khổ đau và không thể có trường hợp (ra lệnh): “Phải như thế này hay phải không như thế kia”.
Cùng một thế ấy, thọ, tưởng, hành và thức đều vô ngã.
Vậy chư Tỳ khưu nghĩ thế nào, sắc này thường còn hay vô thường?
Bạch Đức Thế Tôn là vô thường.
Cái gì vô thường là khổ hay hạnh phúc.
Bạch Đức Thế Tôn là khổ.
Vậy có hợp lý chăng, nếu nghĩ đến cái gì vô thường, khổ là tạm bợ với ý tưởng “cái này của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi?”.
Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.
Cùng thế ấy, này hỡi các Tỳ khưu, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường và khổ. Vậy có hợp lý chăng nếu nghĩ đến những gì là vô thường, khổ và tạm bợ với ý tưởng: “cái này của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi?”.
Bạch Đức Thế Tôn, chắc chắn là không hợp lý.
Như vậy, này hỡi các Tỳ khưu, tất cả các sắc, đều ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kệch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, phải được nhận thức với tri kiến chân chính theo thực tướng của nó. “Cái này không phải của tôi. Đây không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi.
Tất cả thọ, tưởng, hành, thức dầu ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, ở bên trong hay ở bên ngoại cảnh, thô kệch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, đều phải được nhận thức với tri kiến chân chính theo thực tướng của nó: “Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Bậc Thánh đệ tử thông suốt pháp hoa thấy vậy thì nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức - dứt bỏ không luyến ái những gì không đáng được ưa thích, và do sự dứt bỏ ấy, giải thoát. Rồi tri kiến trở nên sáng tỏ: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy thấu hiểu rằng dòng sinh tử đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã được thành tựu, những điều cần phải làm đã được hoàn tất viên mãn, không còn trở lại trạng thái này nữa.
Đức Thế Tôn giảng giải như vậy, và các Tỳ khưu lấy làm hoan hỷ, tán dương lời dạy của Ngài”[23].
Từ bài thuyết giảng trên về Vô ngã của Đức Thế Tôn về sau, khi hình thành các bộ phái mà có những tiếp cận khác nhau. Ba danh từ “vô thường, khổ, vô ngã” được lặp đi lặp lại không biết mấy ngàn lần trong năm bộ kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy. Vì vậy nó được xem là Tam pháp ấn, tức là ba ấn đánh dấu toàn bộ giáo lý Phật pháp. Sau này có những người cho Tam pháp ấn là “Không, vô tướng, vô tác” hoặc “Vô thường, khổ, không, vô ngã” hoặc “vô thường, vô ngã, không, Niết bàn”[24].
Theo Từ điển Phật học, Vô ngã được giải thích như sau:
Một trong ba tính chất của sự vật. Quan điểm Vô ngã là một giáo pháp cơ bản của Phật giáo. Theo đạo Phật, cái ngã, cái “tôi” cũng chỉ là tập hợp của “Năm nhóm - Ngũ uẩn, luôn luôn thay đổi, mất mát, và vì vậy “tôi” chỉ là một sự giả hợp gắn liền với cái khổ. Theo Tiểu thừa, tính Vô ngã chỉ liên hệ đến cá nhân con người. Theo Đại thừa thì tính Vô ngã có giá trị cho tất cả các pháp vốn tùy thuộc lẫn nhau như thuyết Mười hai nhân duyên chỉ rõ, sự thiếu vắng một tự tính, được Đại thừa gọi là tính không.
Theo quan điểm thông thường của Ấn Độ giáo thì “linh hồn”, cái Ngã vốn là trường tồn và độc lập với mọi ô nhiễm. Theo đạo Phật thì con người là một tập hợp của ngũ uẩn đang vận hành vô chủ. Ngũ uẩn đó cũng vô thường biến hoạt. Ngoài Ngũ uẩn đó không có gì khác, nên con người chỉ xem có thật một cách quy ước và trong kinh nghiệm thông thường.
Đối với câu hỏi Ngã có thật tồn tại hay không, Đức Phật thường không trả lời, vì không muốn khơi gợi thêm khái niệm mới, chúng chỉ là trở ngại cho các pháp tu hành thật tiễn. Vì vậy giáo pháp vô ngã trong thời Đức Phật, có thể xem là phương tiện giáo huấn, không phải là một quan điểm triết học đích thực. Với thời gian phát triển, Vô ngã trở thành một quan điểm hẳn hoi trong các trường phái Phật giáo, và chỉ có Độc Tử bộ mới chấp nhận một cái Ngã.
Dần dần các phép tu học đạo Phật cũng tập trung hướng tới phương pháp đạt Niết bàn bằng cách giải thoát hành giả ra khỏi ảo tưởng có một cái Ta. Sự ràng buộc vào một cái Ta là nguồn gốc mọi khổ đau, phải phá bỏ vô minh đó mới đạt giải thoát. Lý do là khi con người không thấy tính vô ngã của đời sống này, không thấy nó chỉ nằm trong dòng vận chuyển của sự sinh thành hoại diệt liên tục, thì lúc đó ta chưa hiểu được thật sự Tứ diệu đế và không thể thâm nhập, phát huy triệt để chính tri kiến[25].
Tóm lại: Với việc thuyết kinh Vô Ngã Tướng, đức Phật nhằm mục tiêu phá sự chấp ngã, khi đã quan sát đúng như thật rằng thân tâm năm uẩn chẳng phải là Ta, hành giả sinh ra nhàm chán (yếu ly) đối với năm uẩn và do đó dời được sự tham ái và giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Kinh Vô Ngã Tướng bổ túc cho kinh Chuyển Pháp luân, vạch rõ đường lối phá bỏ sự cố chấp bám vào thân tâm năm uẩn, lấy đó làm cái Ta, cái Tự ngã vốn chẳng có thật và là một tà kiến cần phải quét sạch khỏi tâm thanh tịnh.
3.2. Vô Ngã Tướng và Duyên khởi là một
Lý Duyên khởi và Vô Ngã Tướng là hai giáo lý căn bản của Phật giáo với vai trò và vị trí riêng. Song, theo Phật giáo Duyên khởi và Vô Ngã là hai mặt của một thực thể. Hay rút gọn lại, Duyên khởi và Vô Ngã là một.
Tác giả Thích Nguyên Đạt viết: “Theo lịch sử, đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng thành Đạo quả giác ngộ trên định thức phổ quát Duyên khởi với suy niệm về hai chiều thuận, nghịch mười hai nhân duyên và bài pháp chuyển Pháp Luân đầu tiên về tuyên bố về con đường trung đạo, tách biệt hai cực đoan: ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc, và 4 chân lý: khổ đau, nguyên nhân chủ yếu của khổ đau, an lạc và còn đường đi đến an lạc. Sau bài pháp này chỉ tôn giả Kiều Trần Như chứng đắc A La Hán nên Đức Phật giảng tiếp bài pháp Vô Ngã Tướng và các vị tôn giả còn lại đã chứng đắc thánh quả.
Tình tiết sai khác này trong bài pháp Chuyển Pháp Luân của đức Phật biểu tượng Đại Thông Trí Thắng và đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, cho thấy bản kinh đặt tầm quan trọng lên trên hiện thực xã hội với thuyết lý về mối tương duyên (Duyên khởi), hơn là triết lý về bản thể của thực tại (Vô Ngã Tướng). Thật ra duyên khởi và Vô ngã là một: do duyên khởi nếu nói vô ngã; do vô ngã nên nói duyên khởi. Tùy góc nhìn mà có sự trình bày khác nhau: nhìn vào bản thể của sự vật và hiện tượng (bản thể luận antology) thì đó là vô ngã và nhìn từ hiện tượng (nhận thức luận epistemology) thì đó là duyên khởi”[26].
Kết luận
Nghiên cứu về tư tưởng hay triết học Phật giáo có không ít công trình thường bắt đầu từ kinh Chuyển Pháp luân mà bỏ qua lý Duyên khởi. Lý Duyên khởi được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ dưới cội Bồ đề để rồi sau này Ngài đi thuyết giảng. Tiếp cận lý Duyên khởi là tiếp cận vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo. Phật giáo một tôn giáo không đặt nặng thế giới quan, mà chú trọng đến nhân sinh quan, chỉ ra con đường giác ngộ cho chúng sinh. Bởi “Như nước của đại dương hùng vĩ chỉ có một vị mặn. Đạo của Ta chỉ có một vị là giải thoát”.
Đối tượng của Phật pháp, một cách đại thể lấy vũ trụ làm cơ sở, nhưng lại là nhân sinh, lấy nhân sinh (sự hình thành và phát triển của con người) làm trung tâm.
Mười hai nhân duyên đặt trong mối tương dung với Vô ngã (được hiểu rút gọn là cái không tôi), xét đến cùng là hai mặt của một thực thể: Nhìn từ bản chất thì đó là Vô ngã, nhìn từ hiện tượng thì đó là Duyên Khởi.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ***Tài liệu tham khảo 1. Ban Biên dịch Đạo Uyển. Từ điển Phật học, Nxb Sách Thời đại &Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015. 2. Duyên khởi là gì? Tìm hiểu sơ lược về lý Duyên khởi trong Đạo Phật. Luật sư Lê Minh Trường (17-01/2022. Luat minh khue.vn. https: //luat minh khue.vn>duyen kh… Truy cập ngày 30/10/2022. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Khóa tụng thống nhất. Kinh Vô Ngã Tướng được dịch là Vô Ngã Tính, tr. 23, Nxb tôn giáo, Hà Nội, 2021. 4. Junjiro Takakusu: Tinh hoa triết học Phật giáo (Tuệ Sỹ dịch và chú), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2019. 5. Kimura Taiken: Tiểu thừa – A tỳ đạt ma – Phật giáo tư tưởng luận. HT. Thích Quảng Độ (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012. 6. Minh Chính (TH) Vô ngã trong tư tưởng Phật giáo (Vô Ngã trong tư tư… Từ phatgiao.Org.vn – Docooc). Truy cập ngày 3/11/2022. 7. Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch): Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh. 8. Quảng Tánh. Phật giáo.Org.vn/duyenk… 9. Thích Đức Thắng: Từ Nghiệp cảm Duyên khởi đến Pháp giới Duyên khởi. Thuvienhoasen.Org. 10. Thích Nguyên Đạt: Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Chú thích [1] Thích Nguyên Đạt: Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr 154. [2] Mười hai nhân duyên sẽ được trình bày ở phần tiếp theo. [3] Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch): Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh. [4] Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch): Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr 65. [5] Kimura Taiken: Tiểu thừa – A tỳ đạt ma – Phật giáo tư tưởng luận. HT. Thích Quảng Độ (dịch), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr 717. [6] Dẫn theo Quảng Tánh. Phật giáo.Org.vn/duyenk… [7] Duyên khởi là gì? Tìm hiểu sơ lược về lý Duyên khởi trong Đạo Phật. Luật sư Lê Minh Trường (17-01/2022. Luat minh khue.vn. https: //luat minh khue.vn>duyen kh… Truy cập ngày 30/10/2022. [8] Các nhà nghiên cứu Phật học đều chủ trương Giáo lý căn bản của Phật giáo bao gồm: Giáo lý Duyên khởi; Giáo lý Vô ngã; Giáo lý Tứ diệu đế; Giáo lý Giới – Định – Tuệ. Sở dĩ gọi là giáo lý căn bản, bởi chúng là nền tảng, lập thuyết hệ cốt lõi của tư tưởng Phật giáo. Tất cả những giáo lý khác chỉ là những hệ luận hay được lưu xuất từ chúng ở các chiều cạnh khác nhau. [9] Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch): Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr 63 – 65. [10] Nãrada Mahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch): Đức Phật và Phật pháp, Sđd, tr 65 – 66. [11] Nikha Da/ Nikã ya/ Bộ kinh là một thuật ngữ thường được dùng để chỉ những tập hợp kinh văn trong kinh Tạng văn hệ Pali. Chúng được sử dụng gần tương đương với thuật ngữ A hàm trong kinh Hán – Tạng được các nhà nghiên cứu Phật giáo hiện đại xem là những tài liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Đức Phật thuyết giảng trong cuộc đời truyền bá giáo pháp của Ngài. Xem Bộ kinh Vinn.wikipedia.Org>wiki. [12] Kimura Taiken: Tiểu thừa – A tỳ đạt ma – Phật giáo tư tưởng luận. Sđd, tr. 714. [13] A tỳ đạt ma cũng được gọi là A tỳ đàm. Dịch nghĩa là luận tạng, Thắng pháp tập yếu luận, có nghĩa là Thắng pháp hoặc vô tri pháp vì nó vượt trên các pháp, giải thích trí tuệ. Tên của tạng thứ ba trong tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của Đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về tâm và hiện tượng của tâm. A tỳ đạt ma là gốc của cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Xem Ban Biên dịch Đạo Uyển (Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu: Từ điển Phật học, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015. [14] Xem Kimura Taiken: Tiểu thừa – A tỳ đạt ma – Phật giáo tư tưởng luận. Sđd, tr. 723 – 724. [15] Junjiro Takakusu: Tinh hoa triết học Phật giáo (Tuệ Sỹ dịch và chú), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. 42. [16] Junjiro Takakusu: Tinh hoa triết học Phật giáo, Sđd, tr. 56. [17] Viết về phần “Pháp giới Duyên khởi” chúng tôi biên soạn theo Junjiro Takakusu, từ tr. 56 đến tr. 58 trong cuốn Tinh hoa triết học Phật giáo. [18] Trên thực tế trong Duyên khởi luận Phật giáo và trong phân lập ngũ giáo của Hoa Nghiêm tông thì Duyên khởi được chia làm bốn, chỉ trừ Đốn giáo ra và được phân biệt sắp xếp theo trình độ căn cơ từ thấp lên cao, đó là Nghiệp cảm Duyên khởi thuộc Tiểu thừa giáo, A lại da thức Duyên khởi thuộc Đại thừa Thỉ giáo; Chân như hay Như Lai tạng Duyên khởi thuộc Đại thừa Chung giáo và Pháp giới Duyên khởi thuộc Viên giáo. Xem Thích Đức Thắng: Từ Nghiệp cảm Duyên khởi đến Pháp giới Duyên khởi. Thuvienhoasen.Org. [19] Nghiệp cảm: Trải qua, tự mình nhận chịu cảm giác khổ, vui, là kết quả của những hành vi thiện và ác mà mình đã tạo từ trước. Ban Biên dịch Đạo Uyển. Từ điển Phật học, Nxb Sách Thời đại &Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015, Tr 388. [20] Xem: Tinh hoa triết học Phật giáo, Sđd, tr. 45. [21] Viết về phần vũ trụ quan, nhân sinh quan nhìn từ nguyên lý Duyên khởi chúng tôi biên soạn theo cuốn: Tinh hoa triết học Phật giáo của Junsiro Takakusu, tr. 41 đến tr 58. [22] Xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Khóa tụng thống nhất. Kinh Vô Ngã Tướng được dịch là Vô Ngã Tính, tr. 23, Nxb tôn giáo, Hà Nội, 2021. [23] Nãrada Mahã Thera: Đức Phật và Phật pháp Sđd, tr. 110 – tr. 112. [24] Minh Chính (TH) Vô ngã trong tư tưởng Phật giáo (Vô Ngã trong tư tư… Từ phatgiao.Org.vn – Docooc). Truy cập ngày 3/11/2022. [25] Ban Biên dịch Đạo Uyển (Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu): Từ điển Phật học, Sđd, tr. 756. [26] Thích Nguyên Đạt: Kinh Pháp Hoa từ hệ chiếu đương đại, Sđd, tr. 154 – 155.
Bình luận (0)