Tư tưởng giáo lý Phật giáo xưa nay vốn là một, chỉ là để phù hợp với căn cơ trình độ xã hội khu vực văn hóa khác nhau mà chia ra nhiều phương tiện pháp môn, tông phái, hệ phái. Người thông đạt sẽ nhìn nhìn xuyên suốt từ Phật giáo Nguyên thủy đến Phật giáo Đại thừa là sự thống nhất tương quan tương liên, tương tức.
Tác giả: Thượng tọa TS Hạnh Tuệ - TS Thanh Quế
1. Dẫn nhập
Trong Tam tạng thánh điển Phật giáo, ngoài hệ thống kinh Nguyên Thủy, còn có hệ thống kinh điển Đại thừa vô cùng phong phú đa dạng và rất vĩ đại. Vì hệ thống kinh điển Đại thừa quá đồ sộ và uyên áo không phải ai cũng có thể tiếp cận đọc hiểu nên một số nhà Phật học chọn ra 6 bộ kinh tiêu biểu trong Phật giáo Đại thừa gọi là Đại thừa lục kinh gồm: Kim cang, Pháp hoa, Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Lăng già và Duy ma cật.
Đương nhiên đây là quan điểm không phải tất cả những người nghiên cứu thực hành Phật pháp đều thừa nhận
2. Thực giải kinh Kim cang
Trong hệ thống các bộ kinh Đại thừa Phật giáo quan trọng như Hoa nghiêm, Pháp hoa, Viên giác, Lăng nghiêm, Lăng già, Bảo tích, Duy ma...thì có thể nói kinh Kim cang thâu tóm những yếu nghĩa tinh túy nhất. Thông hiểu kinh Kim cang sẽ dễ dàng thông suốt nghĩa lý của toàn bộ hệ thống kinh điển Đại thừa Phật giáo
Kinh Kim cang cũng là quyển kinh gối đầu của các vị thiền sư thuộc Tổ sư thiền, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống Phật giáo Việt Nam. Tinh hoa nghĩa lý thâm sâu diệu huyền của các bộ kinh Đại thừa đều có thể tìm thấy trong kinh Kim cang. Kinh Kim cang là pháp thân của Phật, cũng là chân thân của các thiền sư đạt ngộ
Kinh Kim cương còn quý hơn kim cương thật, vì có thể giải quyết được tất cả những nỗi khổ niềm đau của thế nhân một cách rốt ráo; có thể chuyển phàm thành thánh; có thể chuyển khổ đau thành Niết bàn; có thể giúp chúng sinh giác ngộ Làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục, điều phục tâm là nội dung cốt lõi của kinh.
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Không trụ ( không chấp) vào bất cứ chỗ nào, bất cứ cái gì chính là cách ngộ tâm, thông tâm (Trụ tâm). Không chấp, không vướng, không kẹt vào bất kỳ pháp nào là giải thoát. Không vướng kẹt vào tứ tướng: nhân tướng, ngã tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng.
Vì tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng không thật, thấu rõ được những thứ có hình tướng đều là không tướng thì thấy được Phật pháp, thấy được Như Lai. Tức là thấu rõ được tính không của các pháp là ngộ được chân lý, thấy được Như Lai vậy.
Lục tổ Huệ Năng, Vua Trần Thái Tông nhờ câu này mà ngộ đạo, được đạo. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đọc tụng kinh Kim cang hàng ngàn lần mà ngộ được đạo lý, kinh không chữ mới là chân kinh.
Quán rõ các trạng thái thay đổi biến chuyển nhanh chóng của tâm thức, tướng các chúng sinh hay là những đối tượng Sắc thinh hương vị xúc pháp là những thực tại giả lập, chỗ nào có thân tướng là nơi đó là không thật. Nếu thấy được tính không của các tướng là thấy được Phật , thấy được pháp, thấy được Như Lai. Tức là thấu triệt thực tướng hay thể không của thân tướng, là nhận được phước đức không lường rộng lớn như hư không.
Hàng phục tâm là thấu rõ như thật về các đối tượng, tính không của các đối tượng mà không trụ vào đối tượng đó. Khi thấu rõ thực tại giả lập, ngay đó ta không kẹt vào khái niệm, hay ý tưởng gì đến thực tại giả lập đó. Cách an trụ tâm là giữ tâm được không động trước các pháp, hàng phục nó thì phải "vô sở trụ" tức là không bám, không kẹt vào lực trần, xả bỏ sắc thinh… khi mình biết như thật về lục trần….Nếu trụ vào sắc thinh… dù một sát na thì sắc thinh…ấy không còn thật nữa.
Sắc tức thị không, nghĩa là thực tính của sắc là không; thực tính của các pháp là không nên không kẹt, không vướng vào bất cứ pháp nào, sắc nào. Chân tâm hiển lộ ngay nơi đối tượng hiện quán. Không kẹt vào quá khứ đầy đau khổ, không vọng tưởng tương lai để gây thêm nghiệp chướng tội lỗi, ngay sát na hiện tiền chỗ nào không phải bồ đề Trong sát na hiện tại, chân lý hiện tại đó không gian và lúc đó thời gian mà thôi.
Thực tướng vạn pháp được hiện bày ở trạng thái như nó đang là.
Cách đạt được giác ngộ giải thoát, thể nhập chân tâm theo pháp của Phật: Hàng phục tâm và an trụ tâm. Để đạt được chân lý tối hậu, là tự tính tuyệt đối, là chân tâm, là tính giác, là kim cang vậy .
Tâm như kim cương không gì phá hủy được Tâm như hư không, không thể đo lường được
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là chìa khóa, là khẩu quyết, cũng chính là ngôn ngữ giải thoát của kinh Kim cang.
Hãy học thuộc bài kệ quan trọng này: Tất cả các pháp hữu vi (có hình tướng) Như mộng, huyễn, bọt nước, ảo ảnh Như sương móc, như điện chớp Hãy quán sâu như vậy
Vài bài học thiết thực và vô giá từ kinh Kim cang:
- Hiểu biết đúng như thật về tâm, tức triệt ngộ tâm, thông suốt tâm, an trụ tâm, chế ngự tâm, hàng phục tâm, làm chủ tâm là cốt yếu của việc tu hành
- Vượt qua tất cả mọi thứ cố chấp vướng mắc trong đời. ( Pháp còn không chấp huống là phi pháp)
- Ngộ tâm thành Phật; tâm giác ngộ như kim cương không có cái gì có thể phá hủy
- Không là thực tính của tất cả các pháp, không là bản chất của mọi sự vật hiện tượng, không là chân lý của mọi thứ. Hiểu được chân lý này là vượt thoát mọi khổ đau
- Tất cả mọi thứ có hình tướng bị vô thường chi phối đều là hư huyễn không thật, không nên bám chấp vào nó, vì bám chấp vào sẽ khổ đau
- Tu tập là vượt thoát ý niệm chấp vào bốn tướng: Ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả
- Vô chấp, vô trụ, vô đắc
- Tận lực tu các thiện pháp, làm các việc lành cứu giúp muôn loài chúng sinh nhưng không tự cao ngã mạn, không chấp vào các việc thiện mình đã làm được
- Tinh tấn nỗ lực tu tập tất cả các pháp Phật dạy nhưng không tự cao ngã mạn cho mình tu giỏi hơn người khác
- Tâm ta và Như Lai, tâm Phật không khác nên vượt thoát mọi ý niệm tự ti
- Được gặp, được đọc tụng, được tu tập theo kinh Kim cang là nhân duyên thù thắng của kiếp người
- Tụng đọc, chiêm nghiệm, thực hành một câu, kệ trong kinh Kim cang phước đức vô lượng vô biên không thể tính đếm
- Học thuộc lòng và thực hành đúng theo tinh thần kinh Kim cang là việc làm có giá trị nhất của đời người trong hiện tại và tương lai, góp phần không nhỏ trong việc hoằng dương chính pháp, phổ độ chúng sinh.
Kinh Kim cang Pháp thân Phật Ưng vô sở trụ Nhi sinh kỳ tâm Không vướng chấp
3. Thực giải kinh Pháp hoa
Kinh Diệu pháp liên hoa (Pháp hoa) là một bộ kinh có vị trí đặc biệt trong Phật giáo nói chung, kinh điển Đại thừa nói riêng, được nhiều người tôn xưng là vua trong các kinh. Lời tôn xưng xác đáng này hẳn là có nhiều nguyên do của nó.
Diệu pháp liên hoa nghĩa là hoa sen chính pháp màu nhiệm; Pháp hoa nghĩa tinh hoa của pháp là chân lý thực tại, là biểu trưng của phật tính.
Nội hàm tư tưởng kinh Pháp hoa vô cùng rộng lớn uyên áo thâm diệu khó có thể dùng ngôn từ hữu hạn mà diễn giải hết được. Xưa nay Pháp hoa là một trong bộ kinh được nhiều người quan tâm, nghiên cứu, phiên dịch, in ấn, phố biển, trì tụng, học tập, tín ngưỡng, tu theo nhất so với các kính khác vì xu hướng dung hợp, đại chúng, phổ thông và thực tiễn của nó Văn chương hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật, nội dung tư tưởng trong kinh Pháp hoa đạt đến trình độ cao.
Tụng đọc kinh Pháp hoa một cách sâu sắc chúng ta thấy được toàn bộ giáo lý căn bản cốt lõi nhất cũng như uyên áo thâm diệu nhất của Phật giáo, bao hàm nội dung tư tưởng của các bộ kinh Đại thừa khác: từ quy y, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, nhân quả, vô thường, khổ, vô ngã, tứ đế, giới định tuệ, ngũ uẩn, duyên khởi, chân như, Phật tính, tính không, pháp giới.
Pháp hoa tông được nhiều người tu theo là một trong những minh chứng sống động nhất cho giá trị của kinh. Nội dung kinh Pháp hoa là khai mở chỉ bày cho tất cả chúng sinh, con người hiểu, hành, thể nghiệm sống với tri kiến Phật tức chân lý (Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến)
Nói đơn giản là đọc tụng tu tập hành trì kinh Pháp hoa giúp cho chúng ta từ phố phàm phu vô minh khổ đau trở thành bậc Thánh giác ngộ hiểu và sống đúng với chân lý, sự thật không còn khổ đau nữa.
Muốn giác ngộ giải thoát thì trước hết phải tin chắc một cách trí tuệ rằng tất cả chúng sinh, con người đều có Phật tính (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính), đều có khả năng thành Phật nếu tu tập đúng như kinh dạy. Đức Phật Thích Ca, cũng như mười phương chư Phật là Phật đã thành, chúng ta, con người là Phật sẽ thành.
Sống với tính Phật, loại trừ vô minh phiền não tham sân si ái ích kỷ, tu tập vô lượng pháp môn giải thoát thì sẽ thành Phật.
Chúng ta không nên như gã cùng từ nghèo hèn khốn khổ, mang trong chéo áo viên ngọc trị giá liên thành, phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày, vốn là con của trưởng giả giàu có uy thế mà tự ti mặc cảm thân phận thấp hèn. Chúng ta là con của Phật, Phật tính của ta và Phật không khác nhưng vì vô minh phiền não tham ái che lấp, theo ngũ dục lục trần tạo nghiệp chịu khổ vô cùng trong sáu nẻo luân hồi
Chỉ cần theo Pháp Phật, nhận lại tính Phật, sống với Phật tính thì sẽ thành Phật vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi mà còn cứu giúp muôn loài chúng sinh bớt khổ được giải thoát giác ngộ như mình. Ngài Trí Giả chia kinh Pháp Hoa làm hai phần: Tích môn (từ phẩm 1 đến 14) và Bổn môn (từ phẩm 15 đến 28 ). Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng cách phân như vậy cũng là tương đối vì có những phẩm bao hàm cả Tích môn và Bổn môn.
Đại sư Trí Giả tiếp cận theo hướng từ Tích môn vào Bổn môn, tức là đi từ cửa phương tiện vào thực tướng; từ sự vào lý; từ ngoài vào trong; từ những gì đức Phật Thích Ca tu hành trải qua trong nhiều đời nhiều kiếp để tìm về Pháp thân mười phương chư Phật. Đối với chúng sinh phước trí kém mỏng, nghiệp chướng sâu dày, tu tập theo chiều hướng này sẽ dễ tiếp nhận rộng rãi hơn.
Một số vị đại sư có xu hướng ngược lại, đi từ Bổn môn ra hiện thực; từ lý ra sự; từ trong ra ngoài; từ thể ra dụng;
Có thể hiểu Tích môn pháp phương tiện, là chuyện xưa của đức Phật; Bản môn là chân lý thực tướng, là thể của vạn pháp
Tu tập theo kinh để thấy được toàn bộ những gì Phật thuyết, thấy đủ nhân hạnh quả đức của chư Phật mười phương.
Phương pháp tu tập phương tiện theo thứ lớp từ thấp lên cao chia làm 5 cấp ( Ngũ thừa):
- Nhân thừa (tu cõi người) thọ Tam quy, tu ngũ giới: Không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu
- Thiên thừa (tu cõi trời): Mười điều thiện
- Thanh văn thừa (tu Thanh văn): Pháp tứ đế (Khổ, tập, diệt, đạo)
- Duyên giác thừa ( tu Duyên giác): Pháp thập nhị nhân duyên tức duyên khởi
- Bồ tát thừa (tu Bồ tát): Pháp lục độ vạn hạnh. Lục độ gồm Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ...
Hoa, nhụy, cành, lá, rễ, ngó, củ.... của cây hoa sen đều có ích, có giá trị cho con người về nhiều mặt
Mỗi chữ, mỗi lời, mỗi câu, mỗi ý, mỗi đoạn, mỗi phẩm.... của kinh Pháp hoa đều có ý nghĩa giá trị vô biên, tùy theo căn cơ trình độ mong ước đều thành tựu như ý nguyện
Mấy bài học thiết thực từ kinh Pháp hoa
- Tin chắc tâm mình cùng Phật không khác
- Phật tính là chỗ dựa vững chắc, là niềm hy vọng vô biên cho những ai đang gặp khó khăn khốn cùng tuyệt vọng
- Mọi vấn đề khó khăn chướng ngại trong đời đều tìm được lời giải , hướng đi trong kinh Pháp hoa
- Chúng ta vốn là con Phật, có viên ngọc quý trong chéo áo, nên không tự ti mặc cảm
- Học sống với hạnh nhẫn nại khiêm cũng, tuyệt đối không ngã mạn tự cao, khinh người
- Trân quý thời gian, tinh tấn nỗ lực tu các pháp lành tùy theo căn cơ trình độ, học rộng nghe nhiều mở mang tuệ giác
- Nỗ lực tận tâm hộ trì Phật pháp, phước lợi hữu tình, vô tình chúng sinh
- Hoa sen mọc lên từ bùn nhơ nhưng không hôi mùi bùn, vẫn vươn lên khỏi bún nở hoa thơm đẹp hiến dâng cho đời. Chúng ta là đệ tử Phật, học tu theo kimh Pháp hoa hãy sống như hoa sen vậy
- Chỉ cần niệm Nam mô Phật cũng sẽ được thành Phật đạo...
Kinh Pháp hoa Nghĩa diệu huyền Khai thị ngộ nhập Phật tính xưa nay Lửa hoá sen
4. Thực giải kinh Hoa nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh quan trọng và đồ sộ của Phật giáo Đại thừa trình bày vạn pháp do tâm sinh. Tâm là thể tính của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chân thì pháp giới tính với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chân lý, thể nhập Phật tính, thông suốt pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn.
Đức Phật dạy cho chúng sinh/ chúng ta thấu rõ như thật về thực tính của sum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm lưu xuất.
Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm trong một hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tính của Tâm nhiếp thâu tất cả vạn pháp. Tất cả là một, một là tất cả, là bản tính vô ngại của Tâm. Bản tính chân tâm thâu tóm vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tính làm lượng; lấy xứng tính bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể.
Tu học phải thân cận được thiện tri thức được kinh mô tả là có sự lợi ích rất lớn khó thể nghĩ bàn. Muốn gặp thiện tri thức, phải có thiện duyên thù thắng, có nhân duyên thì cách xa ngàn dặm cũng được gặp; không có nhân duyên thì đối diện mà chẳng thấy. Nên kinh nói: Ưu Bát Đàm Hoa ba ngàn năm xuất hiện một lần còn dễ gặp, đại thiện tri thức rất khó gặp. Lời này vô cùng chân thật, cần ngẫm suy
Nội dung tinh yếu kinh Hoa Nghiêm có thể thấy trong bài kệ: Nhược nhân dục liễu tri/Tam thế nhất thiết Phật/ Ưng quán pháp giới tính,/Nhất thiết duy tâm tạo. (Nếu người muốn biết rõ,/ Tất cả Phật ba đời / Hãy quán tính pháp giới,/ Tất cả do tâm tạo.)
Khi giảng giải kinh điển, nhất là kinh Đại thừa chúng tôi hay khái quát: Nếu cần dùng một từ để khái quát toàn bộ nội dung giáo lý của các bộ kinh Đại thừa như Hoa nghiêm, Kim cang, Pháp hoa, Lăng Nghiêm, Lăng già, Viên giác, Duy ma...thì. đó là Tâm. Ngộ tâm thành Phật, phát huy năng lực diệu dụng vô lượng của tâm để giáo hóa, cứu độ chúng sinh.
Tất cả cảnh giới thánh, phàm, thế gian và xuất thế gian, chỉ một bài kệ này đã gồm đủ. "Pháp giới" ở đây chỉ tứ Thánh lục phàm, cộng thành mười pháp giới. Pháp giới tính trùng trùng duyên khởi viên thông vô ngại, mười pháp giới này vốn chẳng có tự thể, chẳng có tự tính, chẳng có tự chủng, cũng chẳng có tự thể đều do tâm sở tạo. Tuy nhiên không thể không nói là do nghĩa này một bộ phận tri thức chấp pháp cho rằng Phật giáo là duy tâm. Phật giáo vốn vượt thoát ra khỏi khái niệm duy tâm hay duy vật.
Tâm cũng như hư không, vốn là thanh tịnh, vốn là thấu triệt, chẳng có hình dáng, chẳng có phương sở, bất diệt, bất sinh, bất động, bất biến. Vậy tại sao lại nói là duy tâm tạo? Tâm này dù nói bất biến mà còn tùy duyên, vì tùy duyên nên năng tạo; nói tùy duyên là vì một niệm thình lình sinh khởi, hoặc tiếp xúc với ngoại cảnh, trong và ngoài cảm ứng với nhau, gọi là nhân duyên, có nhân duyên mới thành pháp giới.
Tâm ví như nước, pháp như làn sóng. Bản thể của nước vốn yên tịnh, chẳng phương sở, chẳng lay động, khi gặp gió thổi thì muôn ngàn làn sóng tùy sự tiếp xúc mà nổi lên. Vậy thì nước có thể tạo ra làn sóng, làn sóng do nước mà có; cũng như Tâm có thể tạo ra pháp giới, pháp giới đều do tâm lưu xuất. Bốn pháp giới:
1. Lý vô ngại pháp giới
2. Sự vô ngại pháp giới
3. Lý sự vô ngại pháp giới
4. Sự sự vô ngại pháp giới của kinh Hoa Nghiêm đã hoàn toàn ở trong lảnh vực xứng tính bất khả tư nghì giải thoát mà xương minh, nên mỗi lời mỗ câu trong kinh lấy toàn thể pháp giới tính làm lượng. Đã là toàn thể pháp giới tính nên tất cả giáo, lý, hạnh, quả nơi đây đều dung thông vô ngại, nên cũng gọi là vô ngại pháp giới. Từng bực cứu cánh của vô ngại pháp giới là sự sự vô ngại chỗ chứng nhập hoàn toàn của chư Phật mà chư pháp thân Bồ Tát thời được từng phần.Tất cả cảnh giới đều lưu xuất từ chân tâm.
Chân tâm vốn thanh tịnh, đầy đủ và tròn sáng, năng lực diệu dụng của tâm vô cùng vô tận trong số đó có hai diệu dụng tiêu biểu:
- Diệu dụng năng sinh tạo ra thế giới, sum la vạn tượng.
- Diệu dụng cứu độ chúng sinh, thực hành các nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền nhằm cứu vớt chúng sinh vượt thoát khổ đau trong lục đạo luân hồi
Cái nhìn viên dung bắt nguồn từ chân như trong sáng, diệu huyền dung nhiếp tất cả muôn vật trong vũ trụ, thu nạp hình ảnh của vạn vật trong cái gương như thể tính của nó, và chính nhờ cái nhìn viên dung ấy mà chúng ta mới thấy rằng vạn pháp sai biệt cùng phát xuất từ chân như.
Nội hàm tinh yếu của kinh này vô cùng rộng lớn thâm sâu khó có thể dùng ngôn từ hữu hạn khó mà nói hết được, nói đơn giản là nhằm xiển dương diệu lý viên thông vô ngại qua quá trình tu tập gồm bốn giai đoạn: giáo, lý, hạnh, quả. Pháp học trọn vẹn thông suốt bốn pháp giới như trên, giới hạnh trang nghiêm, thể nhập căn bản trí thành tựu giác ngộ giải thoát.
Kinh Hoa nghiêm Pháp giới tính Trùng trùng duyên khởi Nhất thiết duy tâm Chân như tính
5. Thực giải kinh Lăng nghiêm
"Tâm" là là tinh hoa, là nội dung, là cốt lõi, là tinh yếu cũng là mục đích cuối cùng của các bộ kinh Đại thừa Phật giáo. Một số nhà nghiên cứu kinh điển Đại thừa, cho rằng kinh Lăng nghiêm là một bộ kinh quan trọng trong Đại thừa lục kinh (Kim cang, Lăng nghiêm, Lăng già, Pháp hoa, Hoa nghiêm, Duy ma). Kinh Lăng nghiêm là kim chỉ nam, là bản đồ của Thiền tông, có ảnh hưởng không nhỏ đến nền Phật học Việt Nam.
Thủ Lăng nghiêm nghĩa là Định bất động kiên cố, cũng là dụ cho chân tâm tính giác thanh tịnh kiên cố bất động của tất cả chúng sinh. Nội dung chủ yếu của kinh là đức Phật chỉ dạy cho chúng ta phương pháp xa lìa 'vọng tâm' liễu ngộ được chân tâm thanh tịnh.
Chúng sinh, con người vì không liễu ngộ được chân tâm, sống với vọng tâm bị ngũ dục (tài sắc danh thực thùy) lục trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) mê hoặc, dẫn dắt nên phải vĩnh kiếp trầm luân trong biển khổ sinh tử luân hồi, chịu khổ sở vô cùng. Chư Phật, Bộ Tát, Đại sư sống với diệu dụng chân tâm Phật tính, thoát ly sinh tử luân hồi khổ đau, được giác ngộ giải thoát, thần thông tự tại cứu độ vô lượng chúng sinh.
Tâm vốn không hình tướng màu sắc, vượt ngoài khuôn khổ không gian thời gian, không ở trong thân, ngoài thân, chặng giữa hay vừa trong vừa ngoài thân, Phật thánh và chúng sinh vốn đồng một thể tính chân tâm thanh tịnh. Chúng sinh, con người vì vô minh phiền não tập nghiệp che lấp chân tâm thanh tịnh, nên phải lặn hụp trong biển khổ sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.
Chỉ cần nỗ lực tu tập theo kinh Lăng nghiêm liễu ngộ ngộ chân tâm, thì sẽ trí tuệ thân thông tự tại, như Phật không khác. Chính vì vậy các bậc thiền sư thiền tông ngộ đạo tập trung dùng các phương tiện đặc biệt chỉ dạy khai thị cho các đệ tử ngộ chân tâm thì thành Phật như người còn ngủ mê trong chiêm bao chợt tỉnh
Kinh dạy chi tiết về các mối liên hệ của lục căn, lục trần, và lục thức với tâm thức.
Kinh Lăng Nghiêm giảng giải chi tiết rành mạch về lộ trình tu tập chứng đắc từ phàm phu vô minh đến quả vị Thánh nhân giải thoát giác ngộ; chỉ rõ thế nào là 'Vọng tâm và 'Chân tâm'. Thật ra nói đơn giản mê là vọng còn ngộ là chân, chân không ngoài vọng mà tìm được. Như nước và sóng, ngoài sóng không có nước, nhưng nước thì không phải là sóng.
Sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới cùng với bảy đại vốn tương quan tương liên và không có tự ngã riêng biệt, dòng tâm thức, lục căn, lục trần, lục thức cùng với địa, thủy, hoả, phong, không, kiến, thức đại... đều là huyễn hóa thì tính giác đồng với Như Lai Tạng. Như Lai Tạng. Tính giác (chân tâm) lìa năng sở đối đãi, thường hiển bày khắp mười phương, bao la như hư không vô tận vô biên không tướng mạo hình sắc.
Điểm đặc biệt của kính Lăng nghiêm là giảng giải chi tiết về Tâm, cách quán sát sâu sắc thế nào là vọng tâm, chân tâm, động và tịnh, thực chất lục căn, lục trần, tính không của chúng vốn hiện hữu đồng thời với nhau trong hư không và không có một nhân một duyên nào là chủ yếu, cũng chẳng phải tự nhiên chúng được thu nhận bởi lục thức hay tâm thức; chỉ do lục căn tiếp xúc với lục trần mà thành lập.
Trong kinh Lăng Nghiêm chủ đích của Phật muốn chỉ cho chúng ta biết mọi người đều vốn sẵn có chân tâm tính giác trong sáng thanh tịnh trang nghiêm bình đẳng. Mê lầm sáu căn là gốc luân hồi sinh tử khổ đau, tu tập phòng hộ sáu căn cũng là gốc giải thoát giác ngộ.
Trong cái thấy biết của sáu căn, chạy theo lục trần vọng tưởng phân biệt là gốc vô minh phiền não, trong cái thấy tính giác vô phân biệt là giác ngộ giải thoát. Quay lại trực nhận, sống tương ưng với tính giác là con đường trở về thể nhận liễu ngộ chân tâm thanh tịnh bình đẳng diệu dụng vô cùng
Tóm lại kinh Lăng nghiêm giảng rõ về bản thể tâm, thực tướng của ngũ uẩn, sâu căn, bảy đại, mười hai xứ, mười tám giới, sống với tính giác (tính nghe, tính thấy, tính biết....) thấu rõ như thật về vạn pháp là không có tự ngã do tâm biến hiện,. Tu tập thiền định, giác ngộ chân tâm, lìa khỏi vọng tâm, ảo tưởng, vọng tưởng, loạn tưởng, ma tưởng, phát huy diệu dụng của tính giác đạt được giác ngộ giải thoát, tận tâm cứu độ chúng sinh vượt thoát khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.
Những bài học thiết thực và quý giá mà kinh Lăng nghiêm đã dạy cho chúng ta:
- Phật và chúng sinh, chúng ta cùng một chân tâm tính giác thanh tịnh, quay về trực nhận sống với chân tâm giác tính sẽ hết khổ đau
- Chúng ta, con người buông lung, chạy theo vọng tâm điên đảo cho nên bât an, khổ đau triền miên không có lối thoát
- Càng mê lầm chạy theo ngũ dục, lục trần để thỏa mãn tham muốn thấp kém thì càng đau khổ không ai cứu được
- Đa phần chúng ta, con người hàng ngày nhận giả làm chân, chạy theo vọng tưởng điên đảo không lúc nào ngưng nghỉ, tích tụ vọng nghiệp sâu dày, nô lệ cho tham dục sân si ích kỷ, sống trong phiền não khổ đau bất tận nếu không sớm giác ngộ hồi đầu
- Tu tập thiền định, loại trừ vọng tưởng điên đảo, thấu rõ thực tướng của sáu căn, mười hai xứ, mười tám giới sẽ vượt thoát mọi nỗi khổ niềm đau của thế gian
- Sống với tính giác (tính biết, tính nghe, tính thấy...), không sống với tâm ma vọng tưởng điên đảo tạo nghiệp khổ đau
- Mê theo vọng tâm nên khổ đau, ngộ được chân tâm thì hết khổ, ngoài vọng chẳng có chân, nhưng chân chẳng phải vọng
- Tâm vọng, tâm ác, tâm xấu, tâm mà là khởi nguồn của mọi sự khổ đau
- Phải tu tập có tuệ giác nhận rõ chân tâm và vọng tâm cũng như nhìn rõ ràng chân vọng ở đời với lễ sống từ bi
- Lộ trình tu tập chứng đắc từ phàm phu đến Phật quả
Kinh Lăng nghiêm Dạy giác ngộ Thể nhập tính giác Chân, vọng hai tâm Thoát luân hồi
6. Thực giải kinh Lăng già
Tâm là nội dung cũng là mục đích của các bộ kinh Đại thừa, trong đó có kinh Lăng già. Vị trí tầm quan trọng của kinh Lăng già trong hệ thống kinh điển Đại thừa Phật giáo nói chung trong Thiền tông nói riêng có thể thấy được qua sự đúc kết của các bậc đại sư tiến bối:
“Ăn cơm Hương Tích, uống trà Tào Khê, ngồi thuyền Bát Nhã, ngắm trăng Lăng Già"
Vua Lý Thái Tông đã ví đạo hạnh trí tuệ của thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi như ánh sáng trăng Lăng già
Trăng Lăng Già vằng vặc, Sen Bát nhã ngát hương (Hạo hạo Lăng già nguyệt Phân phân Bát nhã liên)
Kinh Lăng Già là khai thị cho chúng sinh, con người trực nhận chân tâm xuyên qua một trăm lẻ tám câu thưa của Bồ tát Đại Huệ hỏi Phật, giảng giải rõ cách tu tập thể nhập chân tâm như thế nào để chuyển tám thức thành tứ trí đạt được giác ngộ Niết bàn, vĩnh thoát khỏi phiền não khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.
Có thể nói kinh Lăng già là một bộ kinh nói rành rẽ về tâm thức, Như Lai tạng, những chuyển biến của tâm thức, cách thức tu chứng thánh quả giải thoát, chuyển thức thành trí, nội dung uyên áo phong phú sâu sắc, có vị thế quan trọng trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng cốt lỗi của kinh là cơ sở nền tảng của Tâm lý học Phật giáo. Các chức năng và sự vận hành của tâm thức, phương pháp tu tập cụ thể để chuyển thức thành trí.
Tu tập đúng pháp thể nhập nhập vào thế giới Lăng già mới không bị những cơn lốc sóng gió mạnh mẽ không gì ngăn cản nổi của tâm thức làm cho điên đả khốn cùng. Không phải hành giả nào cũng bước những bước chân vững chãi vào thế giới Lăng già, dù trăng Lăng già chiếu soi khắp mọi nơi, mọi tâm thức của chúng sinh, không phân biệt nhưng quan trọng ai là người đủ can đảm dũng khí tiếp nhận thực hành.
Thế giới hiện thực là sự biểu hiện của chính tâm tâm mình, khi thông tỏ tâm thức chính mình là thông tỏ thực tướng của thế giới, của tâm thức, là đã đi đúng hướng, không sai lạc pháp, bằng tuệ giác thanh tịnh nhìn mọi sự vật ở thế gian đều thanh tịnh. Thế nên mọi khổ đau trên cuộc đời này đều do hiểu biết nhận thức sai lầm phát sinh, cũng do tuệ giác như thật không bị thức che mờ mà biến mất.
Thiền sư Hải Lượng nói: Kinh Lăng già giảng về 8 thức (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, mạt na và A lại đã thức), chỉ có ý thức là đến được Niết bàn. Lời này thật chí lý vì mọi sự tu tập bất đầu từ ý thức.
Trên lộ trình tu tập theo Lăng già đi đến giác ngộ giải thoát, dù tu như thế nào đi nữa cũng không ngoài Như Lai tạng/ tâm thức này (gọi là A lại da / Như Lai tạng) và cũng chứng ngộ chính tâm thức này, tức chuyển hoá các chủng tử A lại da ô nhiễm thành thanh tịnh hoàn toàn. Đó là cái thấy biết chân lý trực giác thanh tịnh bình đẳng.
Tất cả chư Phật xưa nay đều nói tâm ( Nhất thiết Phật ngữ tâm)
Chuyển bát thức thành tứ trí theo Lăng Già còn gọi là đốn ngộ, là chứng nhập trong chân lý thực tính vạn pháp.
Bát thức gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và A lại da thức
Tu tập Lăng già là chuyển 5 thức trước thành Thành sở tác trí Chuyển ý thức thành Diệu quan sát trí Chuyển Mạt na thức thành Bình đẳng tính trí Và cuối cùng là chuyến A lại da thức thành Đại viên cảnh trí
Giác ngộ không phải là một trạng thái yên tĩnh, không phải là một sự thanh thản mà là một kinh nghiệm tu tập nội tâm không bị các thức che mờ. Giác ngộ chứng đắc cùng tột của người tu hành không phải là học rộng biết nhiều mà chính thành tựu được trí tuệ giải thoát ở nội tâm mà Lăng Già gọi là sự tự chứng thánh trí giác ngộ.
Nói đơn giản học tu theo kinh Lăng già giúp chúng ta hiểu biết tường tận chi tiết về tâm thức của chính mình; biết rõ sự vận hành vi tế linh diệu của tâm thức; biết được thực tướng của tâm thức và cách điều phục chuyển hoá tám thức thành tứ trí vượt thoát mọi nỗi khổ niềm đau bất tận trong sáu nẻo luân hồi
Đại viên cảnh trí như ánh trăng tuệ giác Lăng già mát diệu chiếu soi khắp chốn lợi ích hữu tình vô cùng vô tận
Kinh Lăng già Lý sâu diệu Rõ Như Lai tạng Chuyển thức thành trí Vượt khổ sầu
7. Thực giải kinh Duy ma cật
Trong hệ thống kinh điển Đại thừa, Kinh Duy ma cật, và kinh Thắng Man nói về hai cư sĩ Bồ tát nổi tiếng. nam cư sĩ có Duy ma cật; nữ cư sĩ có Thắng Man phu nhân. Kinh Duy Ma Cật có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với các cư sĩ tín đồ Phật tử tại gia tu học Phật, đề cao khả năng đạt ngộ giải thoát giác ngộ rồi giảng kinh thuyết pháp của tầng lớp cư sĩ Phật tử.
Ở Việt Nam, Tuệ Trung thượng sĩ, người thầy khai ngộ cho Phật hoàng Trần Nhân Tông, vốn để hình tướng cư sĩ tu hành liễu ngộ tâm tông, hoằng dương chính pháp, lợi ích chúng sinh.
Kinh lấy tư tưởng Bát nhã tính không làm nền tảng, chủ trương vạn pháp vốn thanh tịnh, không sinh không diệt, bình đẳng, không phân hai, không nhơ sạch. Kế thừa phát huy tư tưởng các kinh Đại thừa trước đó, từ cơ sở tư tưởng chân không của Bát nhã, kinh Duy Ma triển khai tư tưởng Chân không Diệu hữu của kinh Hoa Nghiêm một cách hoàn mỹ tuyệt diệu Giáo lý chính yếu của kinh Duy Ma có thể khái quát đơn giản thành mấy vấn đề cốt lõi như sau:
Một là giáo lý Bất tư nghì giải thoát
Cảnh giới giác ngộ giải thoát bất tư nghì không thể dùng ngôn từ có thể diễn tả hết được, những gì được biểu hiện trên cõi đời này đều là biểu hiện của chân tâm thể tính thanh tịnh, do đó chúng là mầu nhiệm, là không thể nghĩ bàn đến được. Tâm thanh tịnh bất tư nghì; Bồ tát giáo hóa chúng sinh bất tư nghì, Trí tuệ Phật bất tư nghì, Pháp môn tu học bất tư nghì.
Ý nghĩa bất tư nghì còn ở chỗ biểu hiện một cách vô ngại các năng lực giải thoát ở nơi các vị Bồ tát, Duy Ma Cật để cao năng lực giải thoát lên đến đỉnh điểm là tất cả những biểu hiện trong thế giới hiện tượng, đều là biểu hiện độ sinh của Bồ tát nhằm mục đích giáo hóa chúng sinh đưa vào cảnh giới Phật.
Hai là giáo lý Tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh
Cõi nước thanh tịnh là một trong những vấn đề cốt lõi của kinh và xuyên suốt hệ thống tư tưởng của kinh, cách nhìn về Tịnh độ của kinh Duy Ma không phải là quan điểm mới mà cũng là quan điểm chung của các kinh điển Đại thừa như Pháp hoa, Bửu tích, Bát nhã, Hoa nghiêm…
Kinh Bát nhã diễn bày thế giới “bất cấu bất tịnh”; cấu hay tịnh do tâm chứ không phải do thế giới. kinh Hoa Nghiêm thì nói: "Ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo". Mức độ thanh tịnh của tâm đến đâu thì thế giới được biểu hiện thanh tịnh đến đó; nói cách khác, thế giới khổ đau, tăm tối hay hạnh phúc là do tâm của con người,
Ba là giáo lý không phân hai ( tư tưởng Bất nhị)
Không phân hai tức bất nhị được nhấn mạnh trong kinh Duy Ma Cật. Bất nhị tức là không hai, không hai không có nghĩa là một , là pháp tu tập buông xả diệu dụng không lường. Thông thường, con người nhận thức thế giới vạn vật qua lăng kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có năng , sở (chủ thể và đối tượng), thế giới luôn được phân kiểu: Phàm thánh, thiện ác, tốt xấu, được mất, hơn thua, cao thấp, trên dưới, phải trái, đúng sai, bỉ thử…không có hai thì thế giới không tồn tại.
Giáo lý Duy Ma dạy cách nhìn không kẹt vào hai phía, cái hai ấy không phải là hai, cùng tồn tại tương tức. Do vậy không thể nhìn riêng bất cứ pháp nào mà nhìn với cái nhìn toàn diện của một pháp. Các pháp vốn không có tự tính, tự ngã, không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không phàm không thánh… Bất nhị là đúc kết lý thuyết chân không diệu hữu mà các kinh Đại thừa quan trọng đã diễn bày.
Bốn là quan điểm cư sĩ giải thoát
Đây là điểm khá đặc trưng của kinh Duy ma cật. Cư sĩ Phật tử tu tập đúng có khả năng giác ngộ giải thoát, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, lợi ích hữu tình không kém người xuất gia. Tuệ Trung thượng sĩ thời Trần của Việt Nam là một thí dụ điển hình.
Vài bài học thiết thực từ kinh Duy ma cật
- Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh; Khổ đau hay hạnh phúc là do tâm
- Tập nhìn thông thoáng, không kẹt vào hai phía, không nên suy nghĩ cực đoan cố chấp một chiều
- Trí tuệ Phật, giáo lý Phật, công hạnh Phật Bồ tát là bất khả tư nghị, không nên dùng kiến thức hiểu biết phàm phu hạn hẹp mà đo lường, phán xét, nhận định cực đoan phiến diện. Sẽ gặt quả xấu
- Cư sĩ Phật tử tu tập đúng pháp sẽ đạt đến giải thoát giác ngộ vượt thoát khổ đau trong sinh tử luân hồi
Kinh Duy ma Tướng cư sĩ Tâm hạnh Bồ tát Giáo hóa chúng sinh Vào biển Phật
Thay lời kết
Tư tưởng giáo lý Phật giáo xưa nay vốn là một, chỉ là để phù hợp với căn cơ trình độ xã hội khu vực văn hóa khác nhau mà chia ra nhiều phương tiện pháp môn, tông phái, hệ phái. Người thông đạt sẽ nhìn nhìn xuyên suốt từ Phật giáo Nguyên thủy đến Phật giáo Đại thừa là sự thống nhất tương quan tương liên, tương tức.
Cây Bồ đề vĩ đại hơn 2500 của Phật giáo bao gồm cả gốc rễ thân cành lá, Nguyên thủy là rễ, gốc, Đại thừa chính là thân nhánh cành lá sun sê, Cây Bồ đề Phật giáo vĩ đại là nền tảng kiên cố, bất hoại giúp cho mạng mạch Phật giáo trường tồn trải qua gần 26 thế kỷ, mãi là ngọn đuốc trí tuệ soi đường cho chúng sinh, nhân loại xây dựng cuộc sống hướng thượng an vui hạnh phúc và giải thoát giác ngộ.
Tác giả: TT TS Hạnh Tuệ - TS Thanh Quế
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại chánh tân tu đại tạng kinh (bản hán)
2. Bộ Phật học từ điển Huệ Quang
3. Kinh Pháp hoa, bản dịch của HT Trí Tịnh
4. Kinh Hoa nghiêm, bản dịch của HT Trí Tịnh
5. Kinh Duy ma cật, bản dịch Đoàn Trung Còn
6. Kinh Lăng già, bản dịch Trần Tuấn Mẫn
7. Kinh Kim cang, bản dịch HT Thanh Từ
8. Kinh Lăng nghiêm, bản dịch Lê Đình Thám
Bình luận (0)