Lớp Anh văn Phật pháp tại chùa Giác Ngộ không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là cầu nối giúp lan tỏa tinh hoa Phật học. Với sự kết hợp giữa tri thức và tâm linh, lớp học này đã và đang tạo ra những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng.
Ngày nay, với nhu cầu hội nhập quốc tế, việc học tiếng Anh đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi ngành nghề, và lĩnh vực Phật học cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, tìm kiếm một lớp học Anh văn chất lượng chuyên về Phật pháp thì lại không dễ dàng cho những người có nhu cầu. Nhưng ngạc nhiên thay, giữa lòng Sài gòn lại có một lớp học miễn phí đặc biệt dành cho quý tăng ni và cư sĩ có đam mê học Phật bằng tiếng Anh, đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều phật tử từ khắp mọi miền đất nước. Đó chính là lớp Anh văn Phật pháp được tổ chức tại chùa Giác Ngộ (Tp.HCM).
Đáp đền tiếp nối và tiên phong mô hình mới
Phạm Anh Kiệt - pháp danh Chiếu Đức Minh, một giáo viên trẻ dạy tiếng Anh tự do và cũng là Cử nhân Phật học Từ xa (Khóa 6) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, chính là người khởi xướng, biên soạn tài liệu và phụ trách giảng dạy lớp học này.
Nói về duyên khởi của lớp, thầy Kiệt chia sẻ từng được một số quý tăng ni có nguyện vọng đi du học Myanmar, Sri Lanka… liên hệ và nhờ hướng dẫn thực hiện các bài luận tiếng Anh nên thấy được nhu cầu học tiếng Anh Phật pháp rất lớn của cộng đồng Phật tử.
Từng theo học lớp Buddhism through English Reading do cô giáo Kim Dung hướng dẫn tại chùa Giác Ngộ, đồng thời cũng được tiếp xúc với môn học Thuật ngữ Phật pháp tiếng Anh do Ni sư Tiến Sĩ Liễu Pháp giảng dạy trong chương trình Cử nhân Phật học, niềm đam mê với bộ môn này đã bùng cháy trong tâm thức của người thầy giáo trẻ, thúc đẩy anh cảm thấy cần phải dùng thế mạnh của mình để tiếp nối và chia sẻ kiến thức đã học được cho mọi người.
Cơ duyên hội tụ, được sự cho phép và khuyến khích của Thượng tọa Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10, Tp.HCM), lớp học Anh văn Phật pháp đã ra đời. Thượng tọa gợi ý về lớp học kết hợp tổ chức trực tiếp cho các học viên tại TP.HCM song song với tận dụng công nghệ hiện đại học qua Zoom để giúp các học viên từ xa có thể tham gia. Đây là một bước đi tiên phong khi hầu như ở Việt Nam có rất ít lớp Anh văn Phật pháp ngoài các chương trình chính quy từ các trường Trung cấp Phật học hay Học viện Phật giáo.
Giáo trình dạy học được thầy giáo trẻ biên soạn từ căn bản đến nâng cao, với nhiều chuyên đề khác nhau như: Cuộc đời đức Phật, Những lời dạy của đức Phật, Tam bảo và trách nhiệm người Phật tử, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Tổng quan văn học Phật giáo, Tìm hiểu thiền Phật giáo, Phật giáo và các vấn đề xã hội… Mỗi chủ đề lại gồm nhiều bài đọc khác nhau, cung cấp bức tranh toàn cảnh về Phật giáo cho người học.
Buổi học không chỉ cung cấp các kiến thức về văn phạm, phát âm tiếng Anh mà còn giới thiệu các thuật ngữ, khái niệm Phật học chuyên sâu bằng tiếng Anh, được cắt nghĩa làm rõ bởi người thầy giáo có chuyên môn Phật học giúp cho học viên mới tìm hiểu Phật học cũng có thể dễ dàng thấu hiểu nhất.
Lớp học đa dạng và nhiều lợi lạc
Điểm đặc biệt của lớp là sự kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp nên các học viên đến từ khắp nơi trong cả nước, trải dài từ Hà Nội, Nha Trang tới Cà Mau. Sau mỗi buổi học, các video bài giảng lại được đăng tải lên Youtube để các học viên có thể ôn tập, hay nếu bỏ lỡ lớp trực tiếp có thể lên tự học lại mà không bị mất bài.
Lớp học cũng rất đa dạng độ tuổi người tham gia, không chỉ thu hút quý tăng ni hay các bạn trẻ học sinh, sinh viên mà còn có rất nhiều các cô chú lớn tuổi đã về hưu, cả những người học vừa làm. Mọi người có cơ hội khám phá không chỉ kiến thức từ thầy giáo mà còn được học hỏi lẫn nhau qua các hoạt động tương tác nhóm, vấn đáp và trao đổi kiến thức.
Bạn Nguyễn Xuân Trọng, sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết: “Em tình cờ thấy bài viết khai giảng lớp Anh văn Phật pháp trên trang Facebook của chùa Giác Ngộ và đăng ký tham gia. Đến lớp, em thấy các bài học gần gũi, hữu ích không chỉ với hàng Phật tử mà dành cho tất cả mọi người trong xã hội. Thầy giáo đứng lớp am hiểu về Phật pháp, lồng ghép các kiến thức thực tế giúp buổi học trở nên sinh động hơn”.
Lớp học không chỉ giúp Trọng trau dồi vốn từ vựng tiếng Anh Phật giáo mà còn cho bạn có cơ hội chia sẻ những gì đã học đến người thân, bạn bè, giúp họ có cái nhìn đúng đắn hơn về Phật pháp. “Em cảm thấy hạnh phúc vì đi học không chỉ mang lại lợi lạc cho bản thân mà còn giúp ích được nhiều người. Trong tương lai, em mong muốn có thể tận dụng những gì đã học để chia sẻ với du khách nước ngoài và giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến với lớp học” - Trọng bổ sung.
Chị Lê Nguyễn Thùy Trang - người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông - cũng hào hứng:
“Chưa bao giờ mình háo hức được đến lớp học như vậy vì mỗi buổi học lại được tiếp thu những kiến thức quý báu, bồi đắp cho hành trình tu dưỡng của bản thân. Thêm vào đó, sự tận tụy nhiệt thành của thầy giáo, cũng như sự chăm chỉ tinh tấn của các cô chú đã 60, 70 tuổi hay những học viên còn đang tuổi teen, đã sách tấn cho mình rất nhiều. Mình vui vì được tham gia vào một cộng đồng mà xung quanh là những năng lượng vô cùng thiện lành”.
Tiếp tục phát triển hành trình lan tỏa tri thức
Thầy Kiệt cho biết sau khi mỗi khóa học kết thúc, thầy rất vui mừng vì mọi người học tập hoan hỉ. Đó là động lực để thầy tiếp tục xây dựng các khóa học mới, cũng như cải tiến giáo trình, thay đổi phương pháp dạy và học cho các học viên mới.
Thầy đặt mục tiêu bài học được thiết kế không chỉ chú trọng năng lực đọc hiểu mà còn phát triển cả kỹ năng nghe, nói và ôn luyện ngữ pháp, hướng tới tạo thành một chương trình học tổng thể dài hạn về cả tiếng Anh lẫn kiến thức Phật học. Sau khóa học, thầy mong muốn mọi người có được nền tảng thuật ngữ Phật học chuẩn để đọc sách, nghe giảng pháp bằng tiếng Anh, và xa hơn nữa là có thể phiên dịch các sách Phật học từ tiếng Anh sang Việt hoặc ngược lại, giúp lan tỏa chính pháp của đức Phật khắp nơi.
Lớp Anh văn Phật pháp tại chùa Giác Ngộ không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là cầu nối giúp lan tỏa tinh hoa Phật học. Với sự kết hợp giữa tri thức và tâm linh, lớp học này đã và đang tạo ra những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Đây thật sự là một mô hình tiên phong, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển toàn diện của nhiều người, từ đó góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị Phật pháp trong cuộc sống hiện đại.
Tác giả: Diệu Minh
Bình luận (0)