Thích Nữ Diệu Hạnh (Trần Thị Diễm Cần) NCS tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

Đặt vấn đề Immanuel Kant (I. Kant) (1724-1804) là một triết gia lỗi lạc cổ điển Đức, ông được mệnh danh là nhà triết học Khai sáng (Enlightenment), tại thời điểm lúc bấy giờ ở đất nước Đức nói riêng và cả nền triết học Tây phương nói chung. I. Kant đã để lại một nền triết học cho nhân loại vượt cả thời đại hơn hai thế kỷ, phản ánh ba giá trị vĩnh cửu của nhân loại đó là Chân – Thiện – Mỹ. Đối với tôn giáo, khi đề cập đến “Enlightenment” thì không thể không nghĩ đến người Cha của nhân loại - Sakyamuni, người khai sáng của Đạo Phật – Đạo giác ngộ với tinh thần từ bi sâu sắc.

Bài viết này được thực hiện nhằm tìm đáp án cho câu hỏi The Buddha’s Enlightenment và I. Kant’s Enlightenment ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau, hai tư tưởng này có khởi nguồn và mục đích tương tự nhau hay không?. Các phương pháp tổng hợp, phân tích, đánh giá và so sánh được sử dụng trong bài viết này nhằm làm sáng tỏ vấn đề được nêu ở trên.

1. Duyên khởi

I. Kant là một triết gia sống ở thế kỷ thứ 18, thời kỳ của Kitô giáo bùng nổ và thống trị ở Châu Âu, đặc biệt là Tây Âu với những cuộc xung đột tôn giáo. Thời điểm này tất cả các tác phẩm của I. Kant không đề cập gì về Phật giáo, và chắc hẳn rằng ông cũng không có nền tảng về Phật giáo, các tác phẩm của ông chủ yếu về tôn giáo Christanity. I. Kant quan niệm đời sống này là một chuỗi tương quan liên hệ, trong đó có sự khởi đầu và có hoại diệt tùy thuộc vào mỗi yếu tố được cấu thành ở những điều kiện khác nhau cũng như sự tồn tại của chúng [1]. Liên quan đến tư tưởng này chúng ta thấy có sự giống nhau với lý thuyết duyên khởi được đề cập trong Phật giáo, mọi hiện hữu trong thế giới này đều vận hành theo nguyên tắc tương quan lẫn nhau. Các sự vật hiện tượng này sinh khởi do hội đủ điều kiện hỗ trợ cho sự sinh khởi và ngược lại, mọi sự vật đều giới hạn, tương đối và phụ thuộc lẫn nhau: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu; Do cái này sinh khởi, cái kia sinh khởi”[2]. Theo nguyên tắc của lý duyên sinh về điều kiện, tính tương đối và tính tương hỗ thì toàn thể sự sinh tồn và tiếp tục sinh tử của con người, cùng sự chấm dứt sinh tử được giải thích trong 12 nhân duyên sinh khởi từ vô minh đến lão, tử, ưu bi, khổ não. Đây là góc nhìn khách quan của Phật giáo, cái nhìn phi đau khổ, trung đạo, vô vi và thanh tịnh, chính đức Phật dạy: “Nhờ trí tuệ quán chiếu, Thấy các hành vô thường; Thế là chán đau thương, Đây chính đường thanh tịnh”[3].

Với I. Kant cho rằng: “Khai sáng là sự thoát ra của con người khỏi tình trạng chưa trưởng thành (nonage) do chính con người tự gây nên…”[4], tư tưởng mang tính cách mạng của I. Kant tạo ra sự khác biệt giữa lý trí, điều này trái ngược hoàn toàn với cái mà người ta vẫn gọi là tự do tư tưởng. Đối với đức Phật, Ngài đã nhấn mạnh đến sự giải phóng cá nhân khỏi những ảo tưởng của thế giới tạm thời. Tuy nhiên, sự thức tỉnh của đức Phật đối với trải nghiệm đau khổ còn đi xa hơn tư tưởng khai sáng của I. Kant.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Quan Diem Immanuel Kant

2. Thức tỉnh và giác ngộ

Vào thời đức Phật còn tại thế, có những người theo dõi Ngài ca ngợi Ngài là người vĩ đại nhất của tất cả bậc Thầy. Đức Phật chỉ đáp lại bằng cách hỏi xem họ đã thực sự gặp tất cả những người thầy vĩ đại trên thế giới. Vì họ đã chưa được gặp, đức Phật kết luận rằng sự xu nịnh của họ không có cơ sở. Đức Phật cũng nhắc nhở cho các đệ tử trước khi Ngài nhập Niết-bàn: “Sự ham muốn và dục vọng là nguyên nhân của mọi bất hạnh. Mọi thứ sớm muộn gì cũng phải thay đổi, vì vậy không trở nên gắn bó với bất cứ điều gì…”[5]. Qua lời này cho chúng ta thấy được tầm nhìn của Phật giáo về cuộc sống. Lời dạy của đức Phật về sự khổ đau của cuộc đời, về chấp trước, cách chấm dứt đau khổ là có thể đạt được, hạnh phúc có thể đạt được bằng cách thực hành chính kiến, chính định, chính ngữ và hành động đúng đắn, nỗ lực của bạn thân. Tầm quan trọng của chính niệm và chính định được khẳng định trong những dòng mở đầu của Kinh Pháp Cú: “Tất cả những gì chúng ta đang có là kết quả của những gì chúng ta đã nghĩ: nó được thành lập trên những suy nghĩ của chúng ta, nó được tạo thành từ những suy nghĩ của chúng ta…”[6].

Đối với I. Kant, quá trình giác ngộ được điều hòa bởi tự do suy nghĩ và thể hiện bản thân trong thời đại khai sáng. Tuy nhiên, điều kiện xã hội vào thời của ông chưa chín muồi cho sự làm thức tỉnh hay khai sáng cho tất cả các công dân. Do đó, sự giác ngộ là một quá trình cần phải đạt được trong lịch sử bằng cách tạo ra các điều kiện cần thiết cho tự do, đặc biệt là các quyền tự do về tư tưởng và biểu đạt. Như I. Kant đã nói, một người đàn ông có thể làm mất đi sự giác ngộ đối với những gì anh ta nên biết, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn và cho người riêng; nhưng từ bỏ nó cho chính mình, hoặc thậm chí nhiều hơn, cho các thế hệ tiếp theo, là vi phạm và chà đạp quyền thiêng liêng dưới chân [7].

3. Khai sáng hay giác ngộ

“What is Enlightenment?” đây là một bài viết mà I. Kant đã viết hơn hai thế kỷ, ngày nay cụm từ này được gắn lền với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ và một tôn giáo xa lạ với I. Kant. Đây có thể là con đường, sự tìm cầu mang đến cuộc sống hạnh phúc cho con người trước thềm xã hội chìm trong đau thương, tang tốc. Ở đây, góc độ Phật giáo có quan điểm tương đồng được đề cập là sự giác ngộ, triết lý nhà Phật du nhập vào Anh quốc được dùng “Enlightenment” chỉ sự giác ngộ, và người đã giác ngộ, đã giải thoát thì gọi luôn là Enlightened One.

Để hiểu đúng Enlightenment theo tinh thần của I. Kant được minh chứng chỉ ra rằng: “Khai sáng” là một quá trình giải phóng con người khỏi trạng thái “vị thành niên”. Ông quan niệm “vị thành niên” là do không có ý chí nên ta khuất phục một quyền uy nào đó và cho phép nó dẫn dụ ta trong những lĩnh vực mà lẽ ra ta phải sử dụng lý trí của chính mình. I. Kant đưa ra ví dụ rằng chúng ta ở trong tình trạng “vị thành niên” khi có một cuốn sách giữ giùm tri thức cho ta, khi có một đạo sư giữ giùm lương tâm cho ta, khi có bác sĩ coi giùm chế độ dinh dưỡng cho ta [8]. Vì vậy, khai sáng là sự thay đổi quan hệ giữa ý chí, quyền uy và việc sử dụng lý trí. I. Kant đã xác định một cách rất rõ ràng khẩu hiệu của Khai sáng, một khẩu hiệu cũng là ranh giới để ta có thể tự nhận ra mình, đồng thời cũng là một mệnh lệnh cho mình và cho những người khác “Aude Saper - hãy dũng cảm, quyết tâm tìm hiểu”. Như thế nghĩa là, khai sáng là một tiến trình, trong đó mọi người đều tham gia và là một hành động dũng cảm của mỗi cá nhân. I. Kant xác định hai điều kiện chủ yếu để con người có thể thoát khỏi tình trạng “vị thành niên” cả về tinh thần và thể chế, cả đạo đức và chính trị. Khai sáng còn là sự sử dụng một cách phổ cập, tự do và công khai lý trí của tất cả mọi người [9].

Như vậy, đạo giải thoát của Sakyamuni và tư tưởng của I.Kant có điểm tương đồng là “hãy nương tựa vào chính mình”. Nhưng ý nghĩa của cụm này có sự khác nhau, với người Phật tử thì đây là kiên trì theo Pháp, chính tinh tấn tu hành và là tuyệt đối tự lực, không thể có ai giúp đỡ, giải thoát giùm; Còn với I. Kant, trước khi được khai sáng cần có sự tự do từ yếu tố bên ngoài.

Đối với đức Phật, tiêu chuẩn cho cả điều tốt và điều xấu không phải là một nguyên tắc siêu việt từ bên trên, cũng không phải là một ý niệm cơ bản từ bên dưới mà lạ một cái nhìn sâu sắc phản xạ từ bên trong: “khi chính trong tâm biết”. Trong kinh Tăng Chi, phẩm Kalama, đức Phật có đề cập: “Chớ có tin vì nghe báo cáo, …vì nghe truyền thuyết; …vì theo truyền thống; …vì phù hợp với định kiến; …vì phát xuất từ nơi có uy quyền,…” này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; …là không đáng chê; … không bị các người có trí chỉ trích; …nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”[10]. Phương pháp giảng dạy của đức Phật nhằm vào sự giác ngộ của các học trò, bằng cách chứng minh tính xác thực hoặc tính sai lầm của những tuyên bố về kiến thức về hậu quả thực tế của chúng đối với cuộc sống, hằng ngày cần nhận diện được cuộc sống một cách chính định và chính niệm.

Sự táo bạo như vậy là cần thiết trong bối cảnh xã hội nước Đức nói riêng và Châu Âu nói chung, tư tưởng của I. Kant khai sáng cho nền triết học lúc bấy giờ, dù tương nghịch hoàn toàn với tư tưởng triết học duy lý và duy nghiệm – hai tư tưởng ngự trị trong xã hội đương thời. Trong đó, tư duy độc lập và phản biện đe dọa những người theo chủ nghĩa duy lý. I. Kant cảnh báo về “cái cùm của sự non nớt vĩnh viễn” cấm công chúng tranh luận và chỉ tuân theo, đó là những thói quen, quy tắc và công thức của cá nhân và xã hội đã biến tư duy thành những hình thức lý luận máy móc. Đức Phật đã gặp phải những hạn chế như vậy trong khi Ngài là một thái tử, Sakyamuni đã giúp con người giải thoát khỏi sự không suy nghĩ có thể đạt được bến bờ giải thoát, những người có thể sống chính niệm trong chính tâm trí của họ.

Cả đức Phật và I. Kant đều vượt qua đạo đức trong khuôn khổ văn hóa của họ bằng cách khao khát các nguyên tắc hậu truyền thống và bằng cách chia sẻ ý tưởng của họ với nhân loại. Tuy nhiên, không giống như cách sử dụng lý trí công khai của I. Kant, con đường hướng tới sự tỉnh thức của Phật giáo không chỉ đạt được bằng các cuộc tranh luận và diễn thuyết công khai mà còn bằng các bài tập thiền riêng tư, trong đó những suy nghĩ lạc lõng được các thiền giả luyện lại trên con đường hướng tới con đường giải thoát. Đối với đức Phật “chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính mình…”[10], Ngài đã đưa ra một cách giải thích dân chủ hơn về chế độ bình đẳng, tinh thần cao quý đi trên con đường hướng tới Niết-bàn. Như I. Kant đã nói, một con người có thể ngừng việc khai minh về những gì anh ta phải biết trong một thời gian ngắn và cho chính con người đó. Xét về trách nhiệm đối với con người, cả hai đều tin rằng việc tự tu dưỡng và giáo dục cho tất cả mọi người là một đóng góp lâu dài hơn cho sự phát triển: “…lật đổ chế độ chuyên quyền … nhưng nó không bao giờ có thể thực sự cải cách lối suy nghĩ; thay vào đó, những định kiến mới, …, sẽ đóng vai trò như một sợi dây buộc cho khối lượng lớn những người thiếu suy nghĩ”[11]. Đức Phật cũng cố gắng đạt được giác ngộ bằng cách nhận thức được những thành kiến và thành kiến khi người ta cố gắng trải nghiệm từ vô điều kiện của Niết-bàn trong thế giới này và hơn thế nữa. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng giữa sự giác ngộ I. Kant và sự thức tỉnh của đức Phật nằm ở chỗ mà họ cho là nền tảng cuối cùng của thực tại. Mặt khác, khái niệm về sự khai sáng đối với I. Kant là sự tự do khỏi các biện pháp trừng phạt bên ngoài, đối với đức Phật, đòi hỏi một thái độ chính niệm đối với những trải nghiệm đạt được thông qua thiền định và hành vi đúng đắn.

Kết luận

Tư tưởng triết học đạo đức của I. Kant và tư tưởng đạo đức của đạo Phật có những điểm tương đồng nhất định. Cả hai đều yêu cầu rằng suy nghĩ và hành động phải được hoàn toàn tự do, không ràng buộc bởi những lậu hoặc và định kiến của thế gian. Đối với tư tưởng của Phật giáo, để được khai sáng cần phải hành trì liên tục, miên mật trong các công việc của cuộc sống thường nhật. Chính niệm được xem là phương pháp thực hành của các buổi thiền chỉ, là sự thay đổi tư thế từ những khoảnh khắc trầm tư đặc biệt. Đối với I. Kant “Englightenment” là việc thoát ra khỏi tình trạng chưa-lớn do sự kìm hãm của tự thân, đó là con người không có khả năng tư duy tự chủ mà luôn cần phải có sự hướng dẫn chỉ bảo của ai đó, khẩu hiệu của khai minh là “hãy can đảm mà tự dùng lấy trí khôn”! Tuy đây là một phương pháp không phải ai cũng làm được, nhưng khi các hành giả tin rằng có thể đạt được thì sẽ đạt được.

Thích Nữ Diệu Hạnh (Trần Thị Diễm Cần) NCS tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Keown’s The Nature of Buddhist Ethics, (New York: Palgrave, 2001), and his essay, “Karma, Character, and Consequentialism,” Journal of Religious Ethics (2001). 2. ĐTKVN, Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu Việt dịch, Nxb Đuốc Tuệ. 3. ĐTKVN, Kinh Tương Ưng bộ I, Phẩm Thánh đệ tử, VNCPHVN ấn hành, 1993. 4. Immanuel Kant, Fundamental Principles of the Metaphysics of Morals (New York: Prometheus Books, 1988), p. 18-19: An action is morally worthy if it satisfies two criteria: (A) The action conforms to the moral law, and (B) The action is done for the sake of the moral law. 5. Immanuel Kant, Groundwork for the Metaphysics of Morals (Peterborough: Broadview Press, 2005); 6. Juergen Habermas, Knowlege and Human Interests, (Boston: The Beacon Press), tr.313. 7. Nāgarjuna, The Precious Garland and The Song of the Four Mindfulnesses (New York: Harper & Row, 1975), p.83.

TRÍCH DẪN [1] I.Kant. Tác phẩm gồm 6 tập, Mátxcơva, 1968, t.6, tr.17-18. [2] Kinh Tương Ưng, phẩm Thánh Đệ tử, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.181. [3] Kinh Pháp cú, kệ số 277, Thích Minh Châu Việt dịch, Nxb Đuốc Tuệ, tr171, 2014. [4] Immanuel Kant, “What is Enlightenment?” http://www.columbia.edu/acis/ets/CCREAD/etscc/kant.html (Truy cập 01 tháng 7 2022) [5] Tenzin Chogyel (1978), The Life of the Buddha, Penguin Books Ltd, ISBN: 9781611806298, p.115. [6] The Dhammapada,” trans. F. Max Mueller, The World’s Greatest Classics: Sacred Books of the East (New York: The Colonial Press, 1990) p.115-127. Reprinted in Primaryb Texts in Moral Philosophy: The Philippine Collection, Ed by Rainier A. Ibana and Angelli F. Tugado (Pasig: Philippine Commission on Higher Education, 1998), tr.2. [7] Immanuel Kant, “What is Enlightenment?” http://www.columbia.edu/acis/ets/CCREAD/etscc/kant.html (Truy cập 01 tháng 7 2022). [8] Immanuel Kant, “What is Enlightenment?” http://www.columbia.edu/acis/ets/CCREAD/etscc/kant.html (Truy cập 01 tháng 7 2022) [9] Michel Foucault, Khai sáng là gì? (Bản tiếng Nga, dịch từ Michel Foucault, Dits et ecrits. 1954-1988. Paris, Gallimard, 1994, tr. 329-350 (V. IV). [10] Kinh Tăng Chi, Phẩm Kalama, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.213. [11] Immanuel Kant, “What is Enlightenment?” http://www.columbia.edu/acis/ets/CCREAD/etscc/kant.html (Truy cập 01 tháng 7 2022.