Trang chủ Văn hóa Khảo cứu mộc bản chùa Giác Hoa đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bạc Liêu

Khảo cứu mộc bản chùa Giác Hoa đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bạc Liêu

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Mộc bản của chùa Giác Hoa có từ khoảng đầu thế kỷ XIX đến nay đã được 105 năm tuổi. Các bản được khắc ván tốt nay vẫn còn nguyên vẹn, có đủ số trang, chữ khắc sắc sảo và có một ít ván bị mọt, mất chữ do không được bảo quản, nay cũng được bảo quản tốt tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu.

Tác giả: SC.Thích nữ Như Tuyết
Học viên lớp Cao học khoá V –  Học viện PGVN tại Tp.HCM

Trong chuyến đi điền dã tìm hiểu tư lệu cho đề tài nghiên cứu về “Giá trị lịch sử và văn hoá chùa Giác Hoa tỉnh Bạc Liêu.  Chúng tôi đã phát hiện bộ ván Hán – Nôm được tiếp xúc trực tiếp các mộc bản, cũng như tìm hiểu một số tư liệu thông qua sách, báo chí, trong đó có thông tin trên trang điện tử Bạc Liêu về “Chùa Giác Hoa: Nơi lưu giữ nhiều cổ vật độc đáo” của Lê Long. Bài viết có đề cập đến các hiện vật được tìm thấy liên quan đến sự kiện thành lập lớp gia giáo đầu tiên tại chùa Giác Hoa là bộ mộc bản dùng để in sách bằng tiếng Hán còn lưu giữ nơi đây.

Khoảng năm 2006, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đến khảo sát và phát hiện ra các mộc bản bằng tiếng Hán. Cho đến nay, đây là mộc bản in sách về vấn đề gì, lịch sử địa phương, hay kinh Phật, có giá trị ra sao vẫn chưa được khẳng định?[1]

Vào những năm thế kỷ XIX, các ngôi chùa được xây dựng và dần phát triển hoàn thiện, số lượng tăng, ni tín đồ ngày càng đông, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo vào khoảng những năm 1920, nhu cầu học Phật ngày càng cao, cần có kinh sách để hướng dẫn tăng, ni cùng phật tử tu học và hoằng dương chính pháp. Đó cũng là lý do từ đầu thành lập chùa, cô Hai Ngó thấy vai trò của việc truyền bá kinh điển trong và ngoài tự viện, cũng như giáo dục cho tăng, ni nhất là ni giới là quan trọng.

Vì thế, cô Hai Ngó đã phát tâm cúng dường phụng khắc những bản kinh lưu trữ lại cho ni chúng sử dụng và lưu truyền thế hệ sau. Đặc biệt, những ván khắc in các bản kinh sách tại chùa cũng bị hư mục và mất đi phần nào theo thời gian, còn lại 25 bản được Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu lưu giữ. Đây cũng là tinh thần các nhà nghiên cứu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong khu vực tỉnh Bạc Liêu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 5

Bài viết chỉ giới hạn về những mộc bản hiện còn lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Theo GS.Hoàng Phê: “Mộc bản là bản gỗ có khắc chữ hoặc hình để in. Sách chữ nôm in bằng mộc bản.”[2] Những mảnh gỗ như gỗ thị, nha đồng, mít, cẩm lai… được các nghệ nhân khắc chữ ngược nổi, lên bề mặt. Trong sinh hoạt thời khóa các tự viện, dùng quét mực lên bề mặt bản khắc rồi dùng giấy ịn để lên bề mặt chữ và cán sát, đều sẽ nhận được tờ giấy hiển thị nội dung trong bản.

Đây là một kiểu làm và in sách độc đáo ở nước ta đã có từ lâu đời. Chúng ta tạo ra những cuốn sách có giá trị lưu truyền lâu dài phải dựa vào chất lượng giấy và mực, cùng bản khắc in. Từ thế kỷ XIII, làng chuyên thủ công làm giấy có mặt tại thôn Dịch Vọng, Cầu Giấy.[3] Nghề khắc ván in ra đời gắn liền với nghề làm giấy dó. Thợ khắc dùng dao nhọn khắc theo bản mẫu chữ ngược trên tấm ván bằng gỗ thị dẻo bền, dùng bàn chải xoa mực tàu rồi in lên tờ giấy trang sách. Ông tổ nghề khắc ván in được thờ cúng là Lương Nhữ Hộc quê làng Liễu Chàng (Gia Lộc, Hải Dương). “Từ thế kỷ XI, nghề in mộc bản đã ra đời ở nước ta. Đến thế kỷ XV-XVII nghề in đã bắt đầu phát triển. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nghề in ván gỗ đã đạt nhiều thành tựu với nhiều các nhà in được hình thành, với số lượng sách in ra rất lớn ở nhiều lĩnh vực. Hải Dương xưa kia là vùng đất nổi tiếng với nhiều nghệ nhân khắc mộc bản tinh xảo nhất nước, có Thám hoa Lương Như Hộc – một vị quan sống dưới thời Lê sơ. Ông được coi là ông tổ của nghề khắc mộc bản ở Việt Nam.”[4]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 6

Mộc bản kinh Phật tại Nam bộ ra đời trong hoàn cảnh và nhu cầu đó. Đây là tình hình khắc ván chung của Nam bộ, chùa Giác Hoa cũng vậy. Chùa Giác Hoa tọa lạc ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, thờ Phật theo phái Bắc tông. Tháng 3/1919, cô Hai Ngó (Huỳnh Thị Ngó) hiến tiền, đất xây dựng ngôi chùa theo lối “nội công, ngoại quốc”, kết hợp kiến trúc nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Chùa là một tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ được bố trí chặt chẽ, cân đối. Đây là ngôi cổ tự vừa có giá trị về mặt lịch sử cách mạng, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật; cũng là một công trình có khắc ván in các kinh sách thông dụng trong các thời khoá tu tập của tự viện. Ngôi chùa xây dựng có niên đại hơn 100 năm, do tác động của thiên nhiên và côn trùng làm cho nhiều hạng mục kiến trúc, trang trí bằng gỗ bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Các bộ kinh mộc bản cũng từ đó dần dần mọt và hư mục chỉ còn ít bản khắc có nội dung kinh khác nhau.

Các mộc bản của chùa Giác Hoa có tên gọi mộc bản khác nhau, nội dung của từng mộc bản do đại sư Phước Long đứng khắc, được cô Hai Ngó cúng dường. Nội dung mộc bản gồm có ván khắc phái Điệp quy y, Điệp thế độ, Lăng nghiêm đại bi thập chú, Kim Cang Bát Nhã Ba-La-Mật kinh, kinh Phổ Môn… Đến nay, mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với hai mươi lăm bản khắc bằng chữ Hán – Nôm. Những ván kinh khổ lớn nhỏ khác nhau được khắc kinh, khắc sớ, điệp dùng để thực hiện các nghi lễ trong chùa. Những tấm mộc bản, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ nói riêng. Nổi bật là hình khắc Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát,…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 7

Ván khắc phái Quy y là mộc bản tương đối khá xưa còn nguyên vẹn từ chữ bên trong và các viền bên ngoài có hoa văn dây cuộn cùng bốn con dơi tượng trưng cho ngũ Phúc.

Ván khắc tương đối cổ xưa, có kích thước 30cm x 52cm, chung quanh viền chạm khắc hoa văn dây, truyền thừa theo pháp kệ của dòng Lâm Tế, do Hoà thượng Chí Thành chứng minh, tài công thư ký đại sư Phước Long là người khắc in bản. Lòng ván chỉ khắc kệ truyền thừa trong tông phái, khắc hồng danh bổn sư và để trống chỗ pháp danh các đệ tử về sau ghi vào. Đặc biệt, trong bản có để trống chỗ ghi rõ pháp danh cùng ngày tháng cấp điệp cho người thọ giới quy y, bổn sư của mình là ai và được tiếp nhận sự truyền thừa theo dòng phái nào. Vì truyền thừa Phật pháp nên các trụ trì trước đã khắc in lại những nội dung thực hành theo quy củ thiền gia truyền thừa cho thế hệ sau noi theo. Đây là nội dung của pháp phái quy y là truyền thọ tam quy ngũ giới cho các cư sĩ phát nguyện quy y Tam Bảo, được thầy truyền giới cấp cho chứng nhận lá phái Quy y đầy đủ thông tin về giới điều thọ nhận, những điều nên và không nên làm. Mộc bản xung quanh có bốn con Dơi ở bốn góc và một con ẩn hay còn được gọi là “Ngũ phúc” tức là tạo thành một cuộc sống trọn vẹn, một khi tách rời ra không còn ổn nữa. Ví dụ, có người quy y và thực hành đúng theo những gì đã quy y rồi sẽ an lạc, hạnh phúc. Ngược lại, người chỉ quy y có hình thức không thực hiện đúng nội dung quy y, cũng giống như không đúng với đạo lý làm người. Vì thế, khuôn viên cấp điệp có bốn hay năm con Dơi đều mang ý nghĩa cao thượng. Phiên âm: LÂM TẾ GIA PHỔ THIÊN ĐỒNG PHÁP PHÁI

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên                     導本原成佛祖先

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên                    明如紅日麗中天

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ             靈源廣潤慈風溥

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền                     照世真燈萬古懸

Giác Hoa tự trụ trì Tông Sư tứ thập thế thượng Diệu hạ Ngọc huý Hồng Nga bổn sư. Tam quy ngũ giới thuyết: Nhân cư tam giới toàn lại ngũ thường. Ngũ thường bất bị, bất túc vi nhân. Kí qui tam bảo, đương tận ngũ giới. Ngũ giới bất trì, nhân thiên lộ triệt. Sở vị ngũ giới giả, nhân bất sát sinh, nghĩa bất thâu đạo, lễ bất tà dâm, trí bất ẩm tửu, tín bất vọng ngữ. Đản tận ngũ thường chi giới, bất đoạ tam đồ. Tiên thánh lợi sinh chi bản, mạc xuất vu tư, cầu thụ kí phái giả. Hữu điệp cấp phó đệ tử pháp danh……thâu chấp. Thiên vận niên nguyệt nhật thời cấp điệp.

Dịch nghĩa: Lâm Tế Gia Phổ Thiên Đồng Pháp Phái

Thầy Bổn Sư đời thứ 40 thượng Diệu hạ Ngọc (Diệu Ngọc) húy Hồng Nga trụ trì Chùa Giác Hoa. Dạy về Ba quy Năm giới: Người sống trong ba cõi, toàn dựa vào Ngũ thường. Ngũ thường không sẵn, không đủ làm người. Đã Quy y Tam bảo, nên giữ trọn năm giới. Năm giới không giữ, khó sinh trời người. Năm giới là: (Đức) nhân: không sát sinh; (Đức) Nghĩa: không trộm cắp; (Đức) Lễ: không tà dâm; (Đức) Trí: không uống rượu; (Đức) Tín: không nói dối. Chỉ cần giữ trọn giới Ngũ thường, không đọa ba đường (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh). Các bậc thánh trước lấy việc lợi sinh làm gốc, không ra ngoài nguyên tắc này. Có người xin cấp điệp. (Nay) cấp điệp cho đệ tử Pháp danh:……… nhận lãnh. Vận trời giờ…..ngày….tháng…..năm….cấp điệp..

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 8

Ván khắc Điệp thế độ là lá phái được thầy Bổn sư cấp cho những đệ tử xuất gia, có nội dung khác hơn với phái Quy y. Ván có kích thước là 55cm x 37cm, viền khắc chạm có cùng mẫu hoa văn xung quanh, còn bốn góc giữa có hoa sen, cọp, rồng và chim hạt. Sau bài kệ truyền thừa có ghi hồng danh của chư Tổ truyền thừa – từ Tổ sư khai phái đến vị Bổn sư thế độ còn để trống cho người sau in ra và tuỳ nghi điền tôn danh vào. Có lẽ mộc bản điệp thế độ chùa Giác Hoa được khắc vào thời Hoà thượng Chí Thành chứng minh và các hoa văn khắc trên bản đều có ý nghĩ khác nhau. Bản khắc có mười ba dòng và số chữ ở các dòng đều khác nhau. Điệp thế độ Lâm Tế Gia Phổ Thiên Đồng pháp phái có kệ vân cũng giống bản phái quy y:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên                                   導本原成佛祖先

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên                                   明如紅日麗中天

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ                          靈源廣潤慈風溥

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền                                   照世真燈萬古懸

Lâm tế Chánh tông tam thập cửu thế thượng Chí hạ Thành huý Như Hiển tổ sư tức hữu. Đại Nam quốc. Nguyên sinh… niên lương nguyệt nhật thời chú sinh. Giác Hoa tự thủ lễ tôn sư tứ thập thế thượng Diệu hạ Ngọc huý Hồng Nga bổn sư. Thế độ đệ tử pháp danh………. tự… Tùng kim bối  trần tu giới định huệ, xuất tục, tức tham sân si, thực kim thế chi thiện căn, thụ lai sinh chi phúc quả, thủ nhất thành trung tu chí phái giả. Hữu điệp cấp thế độ đệ tử pháp danh…..thâu chấp. Tuế thứ niên nguyệt nhật thời thụ cấp.

Dịch nghĩa: LÂM TẾ GIA PHỔ THIÊN ĐỒNG PHÁP PHÁI

Thầy Bổn Sư đời thứ 39 thượng Chí hạ Thành húy Như Hiển. Nay  có… (Đệ tử) sinh vào.…giờ, ngày….., tháng….., năm…… tại nước Việt Nam. Tôn sư đời thứ 40 thượng Diệu hạ Ngọc húy Hồng Nga đứng làm thầy Bổn Sư, Xuống tóc xuất gia cho đệ tử Pháp danh…………, (tên) Tự… (Phát nguyện) từ nay xa trần tu giới định tuệ, bỏ tục dứt tham sân si, gieo căn lành đời này, trồng quả phúc đời sau, giữ một tâm thành thiết tha đối với bậc thầy thế độ. Tờ điệp này cấp cho đệ tử xuất gia Pháp danh… thọ lãnh. Cấp vào… giờ, ngày…, tháng… năm….

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 9

Bản ván tiếp theo là nội dung kinh Bát Nhã Balamat, ván khắc hiện còn bốn ván đều khắc một mặt theo kiểu kinh xếp, gồm năm hoặc sáu mặt xếp trên một bản. Mỗi mặt có năm dòng và mỗi dòng có số chữ không đều nhau tuỳ vào nội dung kinh được khắc từ ba đến mười tám chữ. Ván có chiều ngang là 59cm x dọc là 21cm. Tổng số chữ trong bản là 420 chữ, số chữ mỗi dòng không đều nhau, tuỳ vào nội dung của kinh. Ván còn rất tốt không mờ, in chữ rõ nét thuộc tàng bản chùa Giác Hoa do cô Hai Ngó phụng cúng được Hoà thượng Chí Thành chứng minh. Trong bản khắc cũng có vài chỗ bị mục không ảnh hưởng đến chữ hay nội dung của bài kinh. Nội dung của bản khắc trên là Thất bảo trì dụng bố thí… Đại Nam Quốc, Sóc Trăng tỉnh, Thịnh An tổng, Châu Hưng xã, Giác Hoa Tự… bản ngưỡng vọng Phi Lai Tự thượng Chí hạ Thành đại đức hoà thượng đăng minh. Tín nữ Hoàng Tái Nga pháp danh Diệu Ngọc tự Hồng Nga phụng cúng. Phục nguyện: Tài công hà Phước Châu hà Phước Hạnh.

Ngoài ra, khắc kinh Phổ Môn hiện còn sáu bản ván tốt và chữ rõ dễ dập, có kích thước ngang 59cm x dọc 22,5cm. Bản ván thuộc kinh xếp nên mỗi bản đều chia thành các khung có năm xếp và các chữ trên các dòng xếp không đồng nhau, hai dòng đầu số chữ khác nhau, ba dòng sau đều chữ nhau, có tổng là 182 hoặc 241 chữ. Nội dung kinh còn lại trong bốn ván và chữ rất to rõ ràng hơn các bản ván khác. Đây là các ván đầu vào của kinh Phổ Môn được lưu trữ tại bảo ràng tỉnh Bạc Liêu. Các kinh Kim Cang, Phổ Môn và các bản khắc quy y, Điệp thế độ đều là ván có khổ lớn cùng hoa văn được điêu khắc đẹp, tinh tế dễ dàng dập bản.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 10

Đối với kinh Lăng Nghiêm có những hoa văn và hình Phật được khắc đều nhau, tỉ mỉ có số lượng ván nhiều hơn hai bộ kinh trước, nhưng ván nhỏ và mỗi ván chỉ cho đoạn các đệ lăng nghiêm, thập chú, sám quy mạng, hồi hướng. Đặc biệt, ván đầu trước vào kinh có ghi rõ địa danh, vị chứng minh, người cúng dường và vị đại sư khắc các bản kinh.

Nhất chân không tịch siêu tam giới             一真空寂超三界

Bách đức hoá thân độ chúng sinh                百德化身度众生

Sóc Trăng tỉnh, Thỉnh An tổng, Châu Hưng thôn. Giác Hoa Tự tỷ kheo ni Huỳnh Thị Tử pháp danh Diệu Ngọc tự Hồng Nga nguyện khắc lưu thông. Giác Hoa Tự tạng bản dĩ hiểu hậu ấn. Phước Hậu Tự tài công thư ký Phước Long đại sư phụng khắc.

Dịch nghĩa:

“Một thể không tịch siêu ba cõi,

Trăm đức hoá thân độ chúng sinh.”

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 11

Thôn Châu Hưng, Tổng Thịnh An, Tỉnh Sóc Trăng. Chùa Giác Hoa tỳ kheo ni pháp danh Diệu Ngọc, tự Hồng Nga nguyện khắc lưu thông. Tàng bản: Chùa Giác Hoa lấy hiểu biết đời sau lưu lại. Chùa Phước Hậu, tài công thư ký đại sư Phước Long vâng theo chạm khắc. Mỗi khung khắc thường được khắc một đoạn kinh kèm liền khung hình ảnh minh hoạ. Phần đầu mỗi kinh mô tả dài ngắn tuỳ vào nội dung kinh không đều nên chia kích thước tuỳ thuộc vào số chữ.

Ngoài ra, mộc bản không chỉ là những bộ kinh thường tụng, còn nói về sớ văn cúng phục nguyện trong nghi lễ Phật giáo. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc tìm hiểu từng ứng dụng Phật học vào đời sống thực tiễn của cư sĩ. Mặt khác, trong thời gian điền dã nghiên cứu, con tìm thấy các mộc bản những quyển kinh bằng giấy được dập ra từ các mộc bản từ thời sư bà đã để lại, được lưu trữ tại thư viện Huệ Quang. Con xin đóng góp các tư liệu Hán Nôm liên quan đến chùa Giác Hoa được dập từ bản khắc ván in kinh vào những năm 1919 được thư viện Huệ Quang lưu trữ lại. Tất cả các bản do hoà thượng Chí Thành chứng minh và cô Hai Ngó là đệ tử xuất gia đời thứ 40 trong Lâm tế Gia Phổ. Theo Khánh Anh văn sao Hòa thượng Thích Chí Thành (1861-1933) [5] xuất thân tại xã Viêm Sơn, huyện Di Xuyên, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt, được giới tăng sĩ tôn xưng là Tổ Phi Lai, là một nhân vật tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam bộ nửa đầu thập kỉ XX. Hoà thượng đã có những đóng góp công sức to lớn trong phong trào chấn hưng (1931-1950), góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Vì Ngài thấy đủ nhân duyên hướng dẫn cô Hai Ngó xuất gia và cũng hướng dẫn mở lớp gia giáo đầu tiên tại vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 12

Qua khảo sát kho mộc bản chùa Giác Hoa được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu cần ghi nhận:

Mộc bản của chùa Giác Hoa có từ khoảng đầu thế kỷ XIX đến nay đã được 105 năm tuổi. Các bản được khắc ván tốt nay vẫn còn nguyên vẹn, có đủ số trang, chữ khắc sắc sảo và có một ít ván bị mọt, mất chữ do không được bảo quản, nay cũng được bảo quản tốt tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu.

Trên kệ gỗ trong kho trưng bày để đầy những tấm ván khắc chữ có kích thước không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh có kích thước lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mộc bản chùa Giác Hoa là di sản tư liệu bằng chữ Hán Nôm, một số kinh quý được dập ra từ bản được Thư viện Huệ Quang[6] còn lưu giữ đến ngày nay như: “Lăng nghiêm đại bi thập chú”, “Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm sám”, “Từ bi huyết bồn sám pháp quyển thượng, trung và quyển hạ” không còn bản ván nào. Mặt khác, hai bộ kinh Kim Cang và Phổ Môn còn một số bản ván được lưu trữ và chất lượng ván rất tốt… Bài viết chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quát về nội dung kho mộc bản hiện còn đang được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu. Việc bảo tồn và phát huy vốn di sản mộc bản như trên là rất cần thiết đối với chùa Giác Hoa nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung. Qua bài viết, chúng tôi cũng mong góp phần làm rõ nội dung và giá trị của mộc bản đến bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, các mộc bản còn lại là bộ sưu tập cổ vật đảm bảo tính toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản và là di sản tư liệu đặc sắc góp phần nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Các mộc bản cũng chứa đựng những giá trị trường tồn với thời gian. Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá  trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc.

Chúng tôi cảm niệm tri ân Giám đốc, các nhân viên tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu đã tạo điều kiện cho học viên tiếp xúc dập bản và nghiên cứu. Dưới đây là bảng thống kê kho mộc bản chùa Giác Hoa được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu. Giá trị của bộ mộc bản và các hiện vật cổ nơi đây là việc làm rất cần thiết nhằm bảo tồn giá trị lịch sử – văn hóa của tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa để phát huy giá trị của chùa Giác Hoa. Đánh giá về Mộc bản chùa Giác Hoa đang được lưu trữ tại Bảo Tàng tỉnh Bạc Liêu, chúng ta thấy các mộc bản đều có giá trị riêng cần được giới chuyên môn nghiên cứu sâu hơn để có những nhìn thấu đáo. Thứ nhất, mộc bản cho thấy vùng đất Nam Bộ trăm năm trước đã có nhiều tri thức, có học vấn cao, nhìn ra và tìm thấy những đối tượng khắc in mới có thể làm ra Mộc bản. Thứ 2, mộc bản cho thấy trình độ thủ công chế tác, kỹ thuật in ấn với việc khắc, xử lý gỗ, giấy… Thứ 3, Mộc bản cho thấy người Bạc Liêu xưa (cô Hai Ngó), cả Nam kỳ lục tỉnh rất quan tâm vấn đề học vấn, có nhu cầu về đọc kinh sách. Mặc dù bị Pháp đô hộ nhưng cô Hai Ngó luôn ý thức tạo ra ấn bản để truyền bá kiến thức cho cộng đồng và ni chúng trẻ.

Đây là những bộ kinh thông dụng tại các tự viện để truyền dạy đạo Phật, cũng là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Các ván khắc kinh Phật đã trở thành một di vật tôn vinh sự hưng thịnh của Phật giáo, vừa mang giá trị tôn giáo, lại mang các giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ, giá trị ngôn ngữ, giá trị lịch sử. Những giá trị ấy vừa có hình thù, hoa văn, họa tiết, ván khắc, chữ viết để chúng ta có thể chiêm ngưỡng được một cách trực diện bằng thị giác, lại có thể in ấn, sao chép ra thành nhiều bản. Các bản khắc vừa là di vật hữu hình có những nội dung lưu trữ làm nên những giá trị văn hóa vô hình khó có thể lượng hóa. Chúng ta cần lưu trữ mộc bản về chùa tạo một không gian riêng trưng bày cho du khách tham quan, cùng các sinh viên, học viên chiêm ngưỡng giá trị các bản khắc in thời xưa. Đây cũng là hình thức truyền bá các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế, sắc sảo của các hoa văn chữ viết trên bản sau hàng trăm năm vẫn như mới.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 1 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 2 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 3 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khao Cuu Moc Ban Chua Giac Hoa 4

Tác giả: SC.Thích nữ Như Tuyết
Học viên lớp Cao học khoá V –  Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
[1] https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/chua-giac-hoa-noi-luu-giu-nhieu-co-vat-doc-dao-71724.html.

[2] Viện Ngôn Ngữ Học, GS. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 809.

[3] Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hoá Việt Nam truyền thống một góc nhìn (tái bản lần 1), Nxb. Thông tin và Truyền thông, 2014, tr. 114

[4] https://baophapluat.vn/moc-ban-nghe-co-gin-giu-tri-thuc-cho-muon-doi-sau-post386795.html.

[5] Soạn giả Phật – tử, Khánh Anh, Khánh Anh Văn Sao phần 1 “Kỷ Niệm”, nhà in và đóng sách Thanh Màu, 1952, tr. 42.

[6]https://tracuusach.thuvienhuequang.vn/search/parse_result?keyword=gi%C3%A1c+hoa+t%E1%BB%B1&han_nom=sachhannom&field_search=T%E1%BA%A5t+c%E1%BA%A3. Truy cập: ngày 17 tháng 05 năm 2023.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường