Thượng tọa Thích Minh Quang Trưởng BTSGHPGVN tỉnh Ninh Bình Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

1. Khái quát về Nghi lễ Phật giáo

Nói đến Nghi lễ Phật giáo, không ít người lại liên tưởng đến các nghi thức tụng niệm, lễ bái hoặc ứng phó đàn tràng… Nghi lễ Phật giáo bao hàm nhiều phương diện, như: lễ nghi (uy nghi, phép tắc, quy củ…), lễ đường (điện đường, đàn tràng...), lễ bái (lạy Phật, lễ Phật...), lễ phục (pháp phục, giáo phục, thường phục của Tăng Ni), lễ tụng (tán, tụng, niệm...), lễ khí (pháp khí hoặc pháp bảo, như: chuông, mõ, khánh, mộc bản...). Như vậy có thể thấy, Nghi lễ Phật giáo có ý nghĩa rất rộng, bao trùm cả hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa..., các nghi thức tụng niệm, lễ bái hoặc ứng phó đàn tràng chỉ là một bộ phận của Nghi lễ Phật giáo.

Đạo Phật là con đường, là chân lý đưa con người tới giác ngộ và giải thoát[1]; Đức Phật là bậc thầy giác ngộ, soi đường chỉ lối cho chúng sinh từ bến mê trở về bờ giác. Do vậy, giá trị cốt lõi của Đạo Phật chính là sự tu tập để đạt tới giác ngộ và giải thoát[2], nghi lễ chỉ là phương tiện trợ duyên cho việc tu tập và hoằng pháp lợi sinh - đưa quần chúng đến với đạo.

Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật và thích nghi với phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu của quần chúng, nên nghi lễ đã được hình thành và phát triển. Nghi lễ Phật giáo bao gồm các truyền thống, như: Nam truyền, Bắc truyền và Tạng truyền.

Do ảnh hưởng của Khổng giáo, Lão giáo và tín ngưỡng dân gian, Nghi lễ Phật giáo Việt Nam rất phong phú, đa dạng và cũng có phần phức tạp. Nghi lễ miền Bắc có phần chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, Nghi lễ miền Trung mang đậm nét cung đình, Nghi lễ miền Nam lại mang đậm nét dân gian. Bài viết này chủ yếu thảo luận về Nghi lễ Phật giáo Bắc truyền và khu biệt rõ phạm vi “rộng”, “hẹp” của nghi lễ, nhằm nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghi lễ Phật giáo.

2. Khu biệt phạm vi “rộng”, “hẹp” của Nghi lễ Phật giáo.

Nghi lễ Phật giáo không chỉ bó hẹp trong các nghi thức tụng niệm, lễ bái hoặc ứng phó đàn tràng…, mà nó bao hàm nhiều phương diện như đã nêu ở trên. Nghi là chỉ cho dáng biểu, uy nghi, phép tắc, lễ nghi, nghi thức...; Lễ là chỉ cho lễ giáo, lễ nhạc, lễ bái, tôn thờ... Qua khái quát ý nghĩa của hai từ Nghi Lễ, Nghi lễ Phật giáo có thể khu biệt thành hai phạm vi “rộng” và “hẹp”.

2.1. Phạm vi rộng.

Nghi lễ bao trùm cả hành vi, ngôn ngữ, thái độ, tác phong, tín ngưỡng, văn hóa, nghi thức. Người xuất gia nếu biết giữ gìn uy nghi[3], phép tắc, phạm hạnh đầy đủ, dáng biểu đoan chính sẽ thuận duyên trong việc nhiếp chúng và khiến cho ngôi Tam Bảo được trường tồn. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Giữ gìn đầy đủ uy nghi và siêng năng thực hành theo lời Phật dạy, khiến cho ngôi Tam Bảo không bị đoạn diệt[4]”. Như vậy, nghi lễ theo phạm vi “rộng” chính là sự trau giồi giới đức, tu sửa ba nghiệp (thân - khẩu - ý), khiến cho hành vi, ngôn ngữ, thái độ, tác phong trở nên chuẩn mực, phù hợp với phép tắc và quy củ của Thiền gia.

Người có hành vi, ngôn ngữ, thái độ, tác phong chuẩn mực, khi chủ trì nghi lễ (thực hiện nghi lễ) hoặc tham gia nghi lễ sẽ luôn thể hiện được sự trang nghiêm, thành kính. Cổ nhân có câu: “Nghiêm là cốt của lễ, hòa là lõi của nhạc”. Trang nghiêm là hồn cốt của nghi lễ, hài hòa là trọng tâm của âm nhạc. Khổng Tử cũng nhấn mạnh rằng: “Người thực hiện nghi lễ phải trang nghiêm, thành kính[5]”. Qua đây có thể thấy, người thực hiện nghi lễ và người tham gia nghi lễ nếu không giữ gìn uy nghi, phép tắc, thiếu đi sự trang nghiêm, thành kính thì nghi lễ dù có tổ chức hoành tráng đến mấy cũng chỉ là hình thức, bề ngoài, thiếu đi sự sâu lắng, linh thiêng.

2.2. Phạm vi hẹp.

Nghi lễ là các nghi thức lễ bái, tụng niệm, tôn thờ của một tôn giáo. Nghi lễ Phật giáo chủ yếu được thể hiện qua các nghi thức và hình thức sau:

- Lễ đường: Là nơi thờ tự, như: Chính điện, nhà Tổ, đàn tràng… Thông qua việc bài trí lễ đường, điện đường chúng ta có thể phân biệt được nơi đó thuộc hệ phái hoặc tu theo pháp môn nào. Trang nghiêm, thành kính là cốt lõi của nghi lễ, do vậy việc trang trí điện đường hoặc đàn tràng không nhất thiết phải quá rườm rà, lãng phí. Khi Kutadanta hỏi Đức Phật về 3 cách tế tự và 6 tế pháp, Ngài dạy: “Này Bà la môn, trong lễ tế đàn này, không có trâu bò bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật nào khác bị sát thương, không có cây cối bị chặt làm trụ cột tế lễ, không có loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để trải xung quanh đàn tế” (Trường Bộ Kinh - Kutadanta). Khi Lâm Phóng (người nước Lỗ) hỏi Khổng Tử về bản chất của Lễ, Khổng Tử nói: “Nhìn chung mà nói, lễ thường đi kèm với sự xa hoa, chi bằng nên tiết kiệm[6]”.

Nghi lễ Phật giáo chủ yếu được thể hiện ở sự trang nghiêm, thành kính và nhất tâm cầu nguyện[7], do vậy việc trang trí điện đường, đàn tràng sao cho hài hòa, phù hợp và có thẩm mỹ sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy tâm được thư thái, an lạc, hoan hỷ.

- Lễ bái: Gồm các nghi thức, như: Lạy Phật, lễ Phật, dâng hương... Tại sao chúng ta phải lễ Phật? Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Vì Đức Phật có đủ Tín, Giới, Văn, Tuệ, Sắc, nên thành tựu năm công đức”. Sách Minh Tâm Bảo Giám chép: “Lễ Phật giả, kính Phật chi đức”, lễ Phật là thể hiện lòng tôn kính đối với đức độ và công đức tu hành, thuyết pháp độ sinh của Ngài. Tác dụng của việc lễ Phật gồm: Sám hối nghiệp chướng, thu nhiếp ba nghiệp (thân - khẩu - ý), tích lũy công đức[8] và giúp ích cho sức khỏe.

- Lễ phục - Pháp phục: Do ảnh hưởng của văn hóa, khí hậu nên lễ phục Phật giáo dần có sự thay đổi khác nhau. Đối với người xuất gia (Bắc truyền Phật giáo), ngoài ba y (An đà hội, Uất đa la tăng, Tăng già lê) và áo thụng/hậu thì còn Giáo phục (áo tràng) và Thường phục (áo mặc thường ngày hoặc lao động). Năm 2015, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã phê duyệt 4 đề án của Ban Văn hóa Trung ương, trong đó có Pháp phục Phật giáo. Kể từ đó đến nay, Ban Văn hóa đã nỗ lực phối hợp, triển khai và đang từng bước thu được kết quả khả quan trong vấn đề thống nhất Pháp phục Phật giáo Việt Nam.

Việc thống nhất Pháp phục là chủ trương đúng đắn và mang tính đột phá của Giáo hội trong thời gian qua. Hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, đến nay Pháp phục Phật giáo Việt Nam chưa được thống nhất (về kiểu cách, màu sắc), vẫn tình trạng mỗi người mặc một kiểu, mặc theo sở thích. Sự hài hòa và đồng bộ của Pháp phục sẽ tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm, giải thoát.

- Lễ tụng: Bao gồm đọc, tụng, tán, xướng, kệ… Sách Pháp Uyển chép: “Kẻ đạo, người tục tụng kinh, trì chú không được công hiệu hoặc vì văn tự thiếu sót, hoặc tiếng đọc không đúng”. Trong nghi thức Lễ tụng Phật giáo thường sử dụng thanh âm trầm ấm, tức là một làn hơi trầm ấm, nhịp nhàng với âm điệu giải thoát, khiến người tụng và người nghe đều tỉnh ngộ, an lạc, hướng thiện. Trong Lễ tụng Phật giáo thường sử dụng hai thanh giọng là “Thiền[9]” (giọng Lạc) và “Ai”. Giọng Thiền thường được sử dụng trong khi tụng kinh, bái sám, cầu an…; giọng Ai thường được sử dụng trong khi cầu siêu, than vong…

Sách Minh Tâm Bảo Giám chép: “Tụng (khán) kinh giả, minh Phật chi lý”. Tụng kinh là để thấu hiểu lời Phật dạy và áp dụng vào đời sống thường nhật. Cũng sách này chép: “Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân”. Niệm Phật là để cảm niệm, tri ân tới ân đức của Đức Phật.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Văn hóa Trung ương đã biên tập và cho ra mắt ấn phẩm Khóa tụng thống nhất với 7 bài kinh thường tụng của các truyền thống Phật giáo, như: Kinh Chuyển pháp luân, Kinh Vô ngã tính, Kinh A di đà, Kinh Từ bi, Kinh Dược sư, Nghi lễ Phật đản, Nghi lễ Vu lan. Khóa tụng thống nhất với lời văn ngắn gọn, xúc tích, mạch lạc, đang được Tăng Ni, Phật tử từng bước sử dụng ở các chùa trong cả nước.

- Lễ khí - Pháp khí: Phật giáo có nhiều Lễ khí khác nhau, như: chuông, mõ, trống, khánh, mộc bản…, đây là thuộc về nhạc. Nét đặc trưng của Nghi lễ Phật giáo Bắc truyền là Lễ thường đi với Nhạc. Nhạc với mục đích là để tán tụng, ngợi ca công đức của Đức Phật, đồng thời là để chuyển hóa tâm thức của người nghe[10]. Nhạc thường hài hòa với âm thanh, ví như lời tụng kinh luôn hòa nhịp với tiếng chuông mõ, lời tán luôn hòa với nhịp trống, tang, đẩu…

3. Ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghi lễ Phật giáo.

Đạo Phật chủ yếu nhấn mạnh tới giá trị tu tập, giác ngộ và giải thoát, nghi lễ là phương tiện trợ duyên cho việc tu tập và hoằng pháp lợi sinh. Tuy là phương tiện nhưng đây là “phương tiện quan trọng”, nếu chúng ta biết ứng dụng nghi lễ phù hợp, có chuẩn mực sẽ tạo cơ duyên tốt để thu hút quần chúng đến với đạo. Nghi lễ Phật giáo có ý nghĩa và tầm quan trọng như sau:

3.1. Biểu thị lòng tôn kính đối với Đức Phật.

Nghi lễ Phật giáo chủ yếu là để bày tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với Đức Phật hơn là việc cầu xin phù hộ. Thông qua ý niệm, hành vi, ngôn ngữ biểu thị lòng tôn kính đối với Đức Phật, đồng thời cũng là để tán tụng và cúng dàng lên Đức Phật. Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt chép, lễ Phật được 10 công đức như sau: “(1) Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm màu, (2) Lời mình nói ra ai nấy đều tin, (3) Đối với mọi người dù ác độc, mình cũng không sợ hãi, (4) Chư Phật thường gia hộ phù trì, (5) Tự mình có đầy đủ uy nghi, được mọi người kính mến, (6) Mọi người đều muốn làm quen giúp đỡ, (7) Chư Thiên đều yêu kính, (8) Đầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn (9) Khi chết được vãng sinh về cõi lành (10) Tự mình chứng quả Niết Bàn”.

3.2. Trang nghiêm tự thân và đạo tràng.

Nghi lễ là phương tiện hữu hiệu để trang nghiêm tự thân và trang nghiêm đạo tràng. Nghi thức niệm Phật cầu gia hộ trong các nghi lễ, hội họp của Phật giáo là một ví dụ điển hình. Trước khi thực hiện nghi lễ cầu gia hộ, cả hội trường hoặc đạo tràng đang ồn ào, náo nhiệt, nhưng khi âm thanh niệm Phật cất lên, đại chúng liền khép mình vào với âm thanh đó, tạo nên một không khí trang nghiêm, tĩnh lặng, an lạc. Một ví dụ khác, khi chúng ta đang chú tâm vào lời kinh, tiếng kệ hoặc các nghi lễ tâm linh, thường sẽ không nói chuyện riêng hoặc gây ồn ào mất trật tự. Đúng là: “Phật chúng sinh tính thường vẳng lặng, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn” (Năng lễ, Sở lễ tính không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì).

Có thể nói, nghi lễ là cách tốt nhất để trang nghiêm tự thân và ổn định đạo tràng. Thông qua nghi lễ để chúng ta hướng về với nội tâm, tự tính, sống tỉnh thức, làm chủ bản thân, không để vọng động, phiền não dẫn dắt, chi phối. Do vậy, khi thực hiện các nghi lễ cần phải thể hiện sự trang nghiêm, thành kính, tạo nên không khí thư thái, an lạc, giải thoát.

3.3. Phương tiện độ sinh.

Nếu chúng ta biết thực hiện và áp dụng tốt, nghi lễ sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc hoằng pháp độ sinh. Không ít người do thông qua các nghi thức cầu an, cầu siêu mà đến với đạo. Có những người chưa từng bước chân đến chùa, nhưng khi có người thân quá cố, họ đến chùa tụng kinh, lễ Phật và dần đã trở thành người Phật tử thuần thành, kính tín Tam Bảo.

Lâu nay, ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, các chùa vẫn duy trì việc độ đám, cầu siêu và cho ký gửi phần mộ, bài vị, di ảnh của người quá cố ở chùa. Thông qua việc “độ tử” chính là để “độ sinh”, tức là khi phần mộ, bài vị, di ảnh của cha mẹ hoặc người thân của họ được ký gửi ở chùa, chắc chắn họ sẽ thường xuyên lui tới thăm viếng và dần trở thành những người Phật tử thuần thành.

Có thể nói, có những lúc nghi lễ còn dễ dàng thu hút quần chúng hơn là giảng đạo thuyết pháp, vì nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng ai ai cũng có, cũng cần. Do vậy, nếu chúng ta biết vận dụng khéo léo, uyển chuyển, nghi lễ sẽ thu hút được số lượng quần chúng không nhỏ đến với đạo.

3.4. Nghệ thuật hóa, đơn giản hóa triết lý Phật Đà.

Giáo lý Phật đà vốn thậm thâm, vi diệu, không phải ai cũng có thể tiếp cận và am hiểu, do vậy chư Tổ đã mượn lời chư Phật, soạn ra các khoa nghi, sớ biểu và lấy đó làm phương tiện độ sinh - đưa quần chúng đến với đạo. Thông qua các nghi lễ, khoa nghi, hình thức..., triết lý Phật đà được nghệ thuật hóa bằng những làn tán, điệu tụng; đơn giản hóa bằng những câu kệ, lời than[11]..., khiến cho mọi người nghe thấy tỉnh thức, nhận chân được bản thân cuộc đời và thế giới là: Vô thường - Khổ - Không - Vô ngã. Qua đó, triết lý cao sâu sẽ được cảm nhận bằng trái tim hơn là khối óc tư duy. Có nhiều làn tán, điệu tụng mặc dù người nghe không hiểu hết được ý nghĩa, xong mỗi khi nghe họ vẫn cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc. Từ đó, họ dần thâm tín Phật pháp, kính tín Tam Bảo.

Giáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ rằng: “Mỗi khi nghe các sư thầy tụng kinh (tiếng Pali), mặc dù nghe không hiểu gì, nhưng lúc đó có cảm giác như những làn gió Tây thổi hết những ẩm ướt, phiền muộn trong tâm”[12].

Một nghi lễ Phật giáo

3.5. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: “1) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2) Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.

Thực hiện nghi lễ là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng nhân dân. Với số lượng tín đồ Phật tử đông, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh là rất lớn. Thông qua các nghi thức cần an, cầu siêu, khoán đồng tử..., mọi người sẽ cảm thấy tâm an - tâm an, vạn sự an. Có thể nói, nghi lễ là cơ hội để bồi đắp thêm niềm tin và năng lượng tích cực cho cuộc sống.

4. Mặt hạn chế của Nghi lễ

Nghi lễ vốn là phương tiện độ sinh hữu hiệu, do vậy khi thực hiện nghi lễ cần phải thể hiện sự trang nghiêm, thành kính; hình thức và nội dung của nghi lễ cũng phải phù hợp với chính pháp, tránh lãng phí, hình thức rườm rà, như vậy mới đem lại lợi lạc thiết thực cho quần chúng và Phật pháp. Khi người thực hiện nghi lễ không có tâm chân chính, chỉ làm cho qua lượt, thậm chí còn định giá, ngả giá…, dẫn đến giá trị của nghi lễ bị hạ thấp, biến thành thương mại, trần tục, thậm chí là đi vào con đường mê tín dị đoan và biến đạo Phật thành tà đạo[13], biến nghi lễ thành phương tiện kiếm sống của một số người. Tình trạng này hiện đang diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, nếu Giáo hội không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, niềm tin Tam Bảo của tín đồ Phật tử sẽ bị bào mòn từng ngày và tình trạng khô đạo, bỏ đạo của tín đồ Phật tử chắc chắn sẽ ngày một gia tăng.

5. Một số đề xuất và kiến nghị

5.1. Âm nhạc hóa các làn điệu tán, tụng

Để thống nhất và thuận tiện cho việc tán, tụng, lễ bái trong cả nước, dựa trên các làn điệu tán, tụng vốn có của ba Miền, Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa nên phối hợp nghiên cứu, đúc rút những tinh túy, thống nhất và quy chuẩn hóa các làn tán, điệu tụng trên nền các nốt nhạc (âm nhạc hóa). Chỉ khi nào các làn điệu tán, tụng được quy chuẩn hóa và âm nhạc hóa thì việc tán, tụng mới có thể đồng bộ và thống nhất được.

Từ lâu, người Trung Quốc họ đã thống nhất và âm nhạc hóa các làn điệu tán, tụng, do vậy dù chỉ là một người hoặc hàng ngàn người cùng tham gia nghi lễ đều cũng có thể tán, tụng như nhau - dị khẩu đồng âm, tạo nên sự trang nghiêm, hùng tráng, khiến cho người thực hiện nghi lễ và người tham gia nghi lễ đều được pháp hỷ sung mãn.

5.2. Nghi lễ nên quy định là môn học bắt buộc tại các trường Trung cấp và Học viện Phật giáo

Như trên đã nêu, Nghi lễ Phật giáo bao hàm cả uy nghi, phép tắc, hành vi, thái độ, tín ngưỡng, văn hóa..., nó là phương tiện trợ duyên hữu hiệu cho hành giả tu tập và hoằng pháp lợi sinh. Học nghi lễ không chỉ học về cách tán tụng, lễ bái…, mà còn học về uy nghi, phép tắc, quy củ của Thiền gia… Do vậy, nghi lễ nên quy định là môn học bắt buộc tại các trường Trung cấp Phật học và các Phật học viện.

5.3 Phối hợp triển khai các đề án về Văn hóa do Hội đồng Trị sự GHPGVN đã phê chuẩn

Ban Nghi lễ, Ban Văn hóa, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử nên phối hợp chặt chẽ, triển khai sâu rộng tới các Tăng Ni, tín đồ Phật tử và các tự viện trong cả nước về các đề án văn hóa đã được HĐTS phê chuẩn, như: Di sản, Kiến trúc, Pháp phục và Ngôn ngữ... Thống nhất và đồng bộ vừa tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm, giải thoát, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của Phật giáo nước nhà.

5.4. Đề cao các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Nghi lễ Phật giáo

Ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, với tinh thần “tùy duyên bất biến”, Phật giáo đã hài hòa và cộng sinh cùng với tín ngưỡng bản địa, do đó Nghi lễ Phật giáo đã chứa đựng nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể, như: chuông, trống, mõ, kẻng, tang, đẩu, mộc bản…; các làn điệu tán, tụng, hô, xướng, kệ, than và các nghi thức dâng lục cúng, sao đàn, chẩn tế…

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể của Nghi lễ Phật giáo là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, chúng ta thấy được sự hòa quyện, cộng sinh của Phật giáo với văn hóa, tín ngưỡng bản địa; sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và phương tiện thiện xảo trong việc hoằng pháp lợi sinh của PGVN.

Tựu chung, cốt tủy của giáo lý Phật đà là chỉ dẫn cho chúng ta làm cách nào để ly khổ đắc lạc, giải thoát an vui. Nghi lễ là phương tiện trợ duyên cho việc tu tập và hoằng pháp lợi sinh. Nghi lễ Phật giáo được thể hiện qua hai phần “nội tại” và “ngọa tại”. Phần “nội tại”, chủ yếu nhấn mạnh đến sự tu tập, giữ gìn uy nghi, phép tắc, quy củ Thiền gia…; phần “ngoại tại”, là các hình thức, nghi thức lễ bái, tụng niệm hoặc ứng phó đàn tràng… Nếu hai phần “nội tại” và “ngoại tại” được kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, uyển chuyển, chắc chắn nghi lễ sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu, quan trọng trong công tác hoằng pháp lợi sinh, đưa quần chúng đến với đạo. Như lời trong kinh Kim Cương: “Tất cả các pháp, đều là Phật pháp” (Nhất thiết pháp, giai thị Phật pháp)./.

Thượng tọa Thích Minh Quang Trưởng BTSGHPGVN tỉnh Ninh Bình Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX ***

[1] Giác ngộ được bản thân, cuộc đời và thế giới là vô thường, khổ, vô ngã. Kinh Chuyển Pháp Luân chép: “Sự thật thứ ba, chấm dứt khổ đau, nhờ có tuệ giác, thấy rõ biết rõ, sự thật bản thân, và về cuộc đời, sầu não tan biến, phát sinh hỷ lạc”. Giải thoát khỏi sự ràng buộc, chi phối của 6 căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến...) và 6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). [2] Trong Kinh Kim Cương Đức Phật dạy, nhiệm vụ cốt lõi của người đệ tử Phật là: “tiếp nhận, hành trì, đọc tụng lời Phật dạy và diễn giảng cho người khác nghe” (thụ trì đọc tụng, vị nhân giải thuyết, quảng vị nhân thuyết, vị nhân diễn thuyết). [3] Luật Sa Di chép: “Người có uy đức sẽ khiến người khác nể sợ, người giữ được uy nghi phép tắc sẽ khiến người khác tôn kính. Do giữ giới thanh tịnh, phạm hạnh đầy đủ, đường bệ hình tướng vị Tăng, giới đức uy nghiêm, vì vậy mọi người nể sợ; khi động, lúc tĩnh (nhất cử nhất động) đều hợp với phép tắc, quy củ, hình tướng đoan trang, vì vậy mọi người tôn kính” (Uy nghi giả, vị hữu uy khả úy, hữu nghi khả kính. Do trì tịnh giới nhi phạm hạnh cụ túc, đường đường tăng tướng, chúng đức uy nghiêm, cố linh nhân khả úy; động tĩnh hợp tắc, ngung ngung khả quan, nghi đoan biểu chính, cố linh nhân khả kính). [4] Kinh Hoa Nghiêm chép: “Cụ túc thụ trì uy nghi giáo pháp, năng linh Tam Bảo bất đoạn thị dã”. [5] Luận ngữ chép: “Cư thượng bất khoan, vi lễ bất kính, lâm tang bất ai, ngô hà dĩ quan chi tai?” (Người bề trên không khoan dung độ lượng, khi hành lễ không kính cẩn, thấy việc tang không đau buồn, ta biết đánh giá về họ như thế nào đây?) [6] 禮,與其奢也,寧儉。 [7] Cổ nhân có câu: “Nhất niệm chí thành, thập phương cảm cách” (một niệm lòng thành, mười phương chư Phật chứng giám). [8] Kinh Tăng Nhất A Hàm chép, lễ Phật được 5 công đức: “Thân tâm đoan chính, âm thanh tốt, giàu có, sinh vào nhà Trưởng giả, sinh lên cõi lành”. [9] Giọng Thiền thường đều đặn, không lên xuống trầm bổng, âm điệu hùng mạnh; giọng Ai thường lên xuống, trầm bổng, ngân nga, chậm rãi… [10] Kệ hô chuông có câu: “Nghe chuông phiền não tan mây khói, ý lặng thân an miệng mỉm cười…”. [11] Trong Khoa cúng Triệu linh có câu: “Thân người chẳng khác cái thân ong, sớm tối liệng quanh chốn bụi hồng, tìm đủ thứ hoa về gây mật, gặp cơn giông tố thế là xong”. [12] Chia sẻ tại Viện Trần Nhân Tông tháng 9/2022. [13] Trong bài Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du nói: “Cảnh giới sắc không mà chưa ngộ, tâm mê theo Phật, Phật thành ma” (色空境界茫不悟,癡心歸佛佛生魔).