Sự nhập thế qua việc khắc in mộc bản ở chùa Liên Phái thể hiện ở thời điểm tổ chức khắc in và nội dung các bộ sách khắc in. Hai mốc thời gian có hai nhân vật ghi dấu ấn về san khắc mộc bản đó là Thiền sư Lân Trừng Như Giác và Hòa thượng Phúc Điền.
PGS.TS.Vương Thị Hường Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Chùa Liên Phái và dấu ấn khắc in mộc bản
Chùa Liên Phái tọa lạc ở ngõ Chùa Liên Phái, số 182 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo Hoàn Long huyện chí 環龍縣志[1] chùa được kiến tạo năm Bảo Thái thứ 7 (1726) thời Lê Trung hưng. Nguyên đây là phủ đệ của Trịnh Thập con của Tấn Quang Vương Trịnh Bính - phò mã của vua Lê Hy Tông. Truyền thuyết kể lại rằng Trịnh Thập vốn thiện tâm kính ngưỡng Phật đạo, nhân đào đất vườn thấy ngó sen nghĩ duyên ngộ nên quyết chí bỏ phủ dựng chùa xuống tóc quy y cửa Phật, xây dựng chùa mang tên là Liên Hoa tự (chùa Liên Hoa). Ông được vua Lê phong làm Hòa thượng, được tôn là Lân Giác Thượng sĩ, làm tổ thứ nhất Liên Tông phái. Ông mất năm 1733, được an táng trong ngôi tháp xây ở vườn chùa, cũng năm này chùa được đổi tên thành chùa Liên Tông. Thời vua Thiệu Trị, năm 1841 vì kiêng húy chữ Tông nên đổi gọi là Liên Phái. Tên chùa Liên Phái tồn tại cho đến nay.
Về Thiền sư Như Trừng Lân Giác 如澄鄰覺禪師 (1696 - 1733), đời pháp thứ 37, tông Lâm Tế, thế danh là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương. Khi sư lớn lên thì được vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư cho. Sư có tư dinh ở phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương, sau tu thiền nên cho đổi tư dinh này thành chùa gọi là chùa Liên Tông. Năm 1715, khi vừa tròn 20 tuổi, Trịnh Thập đã dâng sớ xin với chúa Trịnh Cương được phép xuất gia đầu Phật. Sư đến chùa Long Động trên núi Yên Tử huyện Đông Triều đảnh lễ thiền sư Chân Nguyên Chính Giác. Sau đó sư trở về trụ trì chùa Liên Tông ở Bạch Mai, Hà Nội. Thấy ngài là người có tâm với đạo, lại có trí tuệ hơn người, nên tổ Chân Nguyên đã trao pháp hiệu Như Như và hướng dẫn tu tập rất cẩn thận. Ít lâu sau, tổ Chân Nguyên cho ngài về trông nom chùa Hàm Long ở huyện Quế Dương trấn Kinh Bắc. Từ đó ngài chuyên tâm tu luyện ở đây. Hiện trong chùa Hàm Long còn nhiều câu đối đại tự ca ngợi công đức của tổ Như Trừng. Sư thị tịch năm 37 tuổi. Bình nhật Sư lập chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được Giác Sơn ở Quế Dương tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi chùa Hàm Long. Sau này cho đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long.
Khi ngài viên tịch, các đệ tử sơn môn cũng cho dựng tòa tháp Cứu Sinh bằng đá xanh ở đây. Ngoài chùa Liên Phái và chùa Hàm Long ra, tổ Như Trừng còn khai phá chùa Hộ Quốc, nay thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Về nhân vật thứ hai, Hòa thượng Phúc Điền: Thích Minh Tâm (1996), “Vài nét về Hòa thượng Phúc Điền, tác giả sách Đạo giáo nguyên lưu”, trong Thông báo Hán Nôm học 1997, tr.560-563 cho biết: Hòa thượng lúc tại gia họ Võ người thôn Bạch Sam, tổng Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội. Không rõ năm sinh, năm mất của Hòa thượng, chỉ biết ông sống trải 3 triều: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia đến chùa Đại Bi xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 20 tuổi, đến trụ trì tại chùa Pháp Vân, huyện Phù Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), nhờ sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng đến khai hóa chùa Đại Giác xã Bồ Sơn, huyện Quế Giang, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây Hòa thượng bắt đầu biên soạn và ấn tống kinh sách. Phần lớn những tác phẩm kinh Phật do Hòa thượng biên soạn hoặc hiệu đính đều khắc in vào thời gian này. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hòa thượng đến khai hóa ở chùa Phú Nhi, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1848), Hòa thượng đứng ra kiến tạo chùa Liên Trì huyện Thọ Xương, Hà Nội. Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Hòa thượng kế tục trụ trì chùa Liên Phái. Trong quá trình tu tập nghiên cứu của mình, Hòa thượng còn lui tới rất nhiều chùa khác như chùa Báo Thiên, chùa Địa Linh (Tây Hồ), chùa Hàm Long – Hà Nội, chùa Hàm Long, chùa Thiên Phúc ở Bắc Ninh. Ông đã cho san khắc, in ấn rất nhiều bộ kinh tại nhiều chùa khác nhau.
2. In khắc mộc bản chùa Liên Phái
Theo khảo sát của Nguyễn Đình Hưng thì hiện tại chùa Liên Phái đang lưu giữ 1.600 tấm mộc bản. Đa số là mộc bản 2 mặt. Nội dung chủ yếu là kinh Phật.
Một số sách được Thiền sư Lân Giác cho in còn được biết đến như:
Truyền thuyết về khắc in ở chùa gắn liền với tín ngưỡng bản địa sâu sắc, đó là do thấy chúng sinh quá lo sợ “trùng tang”, Hòa thượng Trịnh Thập đã viết nên pho kinh “Thập nguyện cứu sinh” và bộ ván in khắc phù giải cổ, để chuyên hóa giải Trùng tang cho các vong linh chết trùng và giúp cho những vong hồn được siêu linh. Bên cạnh việc tập trung xây dựng chùa Liên Phái, Thiền sư Như Trừng Lân Giác còn khởi công xây dựng chùa Hàm Long[2] trở thành Đệ Nhất chùa "Giữ vong bị trùng tang". Cùng với đó, chùa Liên Phái trở thành chùa Đệ Nhất trong việc giúp cho người dân được an tâm hướng về Phật pháp, hiểu rõ về chuyện làm gì khi người thân mất đi.
Việc khắc in mộc bản tại chùa có mối liên quan với chùa Liên Trì. Về thời gian xây dựng chùa Liên Trì sách Thăng Long cổ tích khảo 昇龍古跡考[3]6 cho biết chùa được làm vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) do Tổng đốc Hà - Ninh Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng. Tuy nhiên, người có công lao đóng góp vào việc tổ chức in ấn tại chùa là Hòa thượng Phúc Điền[4]. Theo tác giả bài Vài nét về Hòa thượng Phúc Điền, tác giả sách Đạo giáo nguyên lưu thì nhờ sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng đứng ra kiến tạo chùa Liên Trì huyện Thọ Xương, Hà Nội, qui mô chùa to lớn bậc nhất Hà Thành lúc bấy giờ. Đồng thời Liên Trì cũng trở thành trung tâm in ấn kinh sách. Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Hòa thượng nhận lời mời của sư tổ Phổ Minh sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái. Từ đó Hòa thượng đứng ra tổ chức tôn tạo lại chùa, khiến cho chùa được qui mô, khang trang lộng lẫy. Đặc biệt trong chùa còn bảo lưu được kho ván khắc in kinh lớn. Trong quá trình tu tập nghiên cứu của mình, Hòa thượng Phúc Điền còn lui tới rất nhiều chùa khác như chùa Báo Thiên, chùa Địa Linh (Tây Hồ), chùa Hàm Long – Hà Nội, chùa Hàm Long, chùa Thiên Phúc ở Bắc Ninh.
Vai trò lịch sử để hình thành kho mộc bản kinh sách Phật giáo chùa Liên Phái phải kể đến công lao của Hòa thượng Phúc Điền, đồng thời là ảnh hưởng quan trọng của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai[5] trong công cuộc ấn tống, xiển dương sự nghiệp phát triển mộc bản. Hòa thượng Phúc Điền đã từng trụ trì cả hai chùa là Liên Phái và Liên Trì, rồi hình thành phát triển cơ sở ấn tống kinh sách với số lượng lớn. Tìm hiểu về cuộc đời của ngài Phúc Điền cho thấy mối quan hệ giữa chùa Liên Trì – Liên Phái cùng với sự nghiệp khắc in kinh Phật của cả hai ngôi chùa này.
Hiện nay, số tác phẩm do Hòa thượng Phúc Điền biên soạn, biên dịch, hiệu đính, khắc in hiện có trong kho thư tịch của Viện Nghiên cứu gồm:
Ngoài ra, cũng có thể tìm thấy một số thư tịch mà chùa Liên Phái đã tàng bản và in ấn các bộ: Phật tổ thống kỉ kinh nhất bộ, Kim Quang kinh nhất bộ, Pháp Hoa bách diệp kinh nhất bộ, Thủy Sám bách diệp kinh nhất bộ, Di Đà sám bách diệp kinh nhất quyển.
Ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được các bộ thư tịch được in ra từ mộc bản chùa Liên Phái: Kim Cương bát nhã Ba la 金 剛 般 若 波 羅 密 經 Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Thái tử Chiêu Minh chia thành 32 hồi. Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 13 bản in. trong đó có các bản in tại chùa Liên Phái (Liên Tông, Liên Hoa): AC.254: Kim Cương bát nhã Ba la (Kim cương bát nhã ba la mật kinh), Thái Thượng Hoàng Đế viết tựa, chùa Liên Hoa in năm Cảnh Hưng 6 (1745), 98 tr., 28 x 18cm. Và AC.512: Kim Cương bát nhã Ba la (Kim cương kinh giải: Đại Giám Thiền sư chú), chùa Liên Tông, năm Cảnh Hưng 6 (1745), 256 tr., 25 x 20cm, 1 tựa, 1 bạt. Nội dung sách là Giáo lí đạo Phật, chia thành 32 hồi, khuyên người đời tu nhân tích đức, làm điều thiện, chăm tụng kinh và tin theo đạo Phật, sẽ được lên cõi Bát Nhã Ba La Mật (tức được giải thoát).
Theo Thượng toạ Thích Gia Quang & Giáo sư Nguyễn Tá Nhí (2009), trong Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành thì: “Mộc bản chùa Liên Phái được lưu giữ ở “Nhà lưu giữ ván in kinh tên chữ Hán là Tàng bản thất, nằm ở bên trái khu Tam bảo. Nhà rộng ba gian trông vào toà Thượng điện, ngăn cách với Thượng điện bằng chiếc sân nhỏ lát gạch. Hiện trong Tàng bản thất còn đặt 10 chiếc kệ cất giữ ván in của hàng chục bộ kinh sách nhà Phật. Theo học giả Trần Huy Bá thống kê năm 1972 thì chùa Liên Phái hiện có 74 bộ ván khắc in kinh Phật…”[6].
Theo Nguyễn Công Việt trong Mộc bản với di tích lịch sử Hà Nội cho biết: “Khoảng từ năm 1887 đến năm 1890, chùa Liên Phái đã tiếp nhận một số mộc bản từ chùa Liên Trì trong đó có cả ván in ngoài kinh sách Phật giáo có chứng tích từ đền Ngọc Sơn” [7]. Như vậy, từ năm 1890 đến 1996 chùa Liên Phái tồn tại hai kho mộc bản riêng, một kho lưu giữ mộc bản có nguồn gốc từ chùa Liên Trì, một kho là của riêng chùa Liên Phái. Chưa rõ căn cứ thông tin mà Nguyễn Công Việt cho rằng mộc bản chùa Liên Trì được chuyển về chùa Liên Phái do chùa Liên Trì bị cháy “khoảng triều Đồng Khánh (1886-1888)”, nhưng việc chùa Liên Trì từng là nơi khắc in kinh Phật[8] cũng như các sách văn hóa khác là có thể tin được.
Việc thống kê đầy đủ tên sách và người tổ chức khắc in theo hệ thống truyền thừa từ chùa Liên Phái là một việc làm cần thiết. Bởi vì từ đó mới có những đánh giá khách quan về sự đóng góp cho Phật giáo nói riêng và cho văn hóa Việt Nam nói chung của ngôi chùa nổi tiếng này. Tuy nhiên việc này cũng cần thêm thời gian khảo cứu.
3. Sự nhập thế qua việc khắc in mộc bản
Trong bài viết "Truyền thuyết về chùa Liên Phái và bùa trùng tang nổi tiếng tại Hà Nội" nói về chùa Liên Phái, một trong hai ngôi chùa nổi tiếng có truyền thuyết về cho bùa trùng tang tại miền Bắc có đặt vấn đề lý do của việc trùng tang gây sợ hãi cho nhiều gia đình. Theo đó, trong khi đào đất ở đằng sau phủ để xây bể cá, ông Trịnh Thập (phu quân của con gái vua Lê Hy Tông) đã phát hiện được một ngó sen. Ông cho đây là dấu tích của Đức Phật và tin mình là người có duyên cùng với Đức Phật. Chính vì vậy, ông quyết định xây phủ của mình thành chùa Liên Tông (tức chùa Liên Hoa ngày nay), đồng thời ông đã xuống tóc để đi tu theo đạo Phật và được vua Lê Hy Tông chuẩn tấu cho phép theo con đường quy y cửa Phật. Từ đây, ông chính thức trở thành Lân Giác Thượng sĩ và là vị trụ trì đầu tiên của chùa. Lúc còn sinh thời Lân Giác Thượng sư chứng kiến rất nhiều những cái chết liên tiếp trong gia đình và dòng họ trong một thời gian ngắn, ngày nay vẫn gọi là hiện tượng “trùng tang”. Chính vì lo sợ những điều chẳng lành, ngài đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang.
Sau khi ngài mất, đệ tử của ngài là Thiền sư Đỗ Đa (1674-1744) đứng ra trông coi chùa. Thiền sư sang chùa Khánh Vân (Quảng Châu Trung Quốc) du học, rồi năm 1736 về nước đem theo hơn 300 bộ kinh với hơn 1000 quyển. Thiền sự lại cùng các đệ tử khắc bảng in in nhiều bộ để phổ biến trong nước, đồng thời mở đầu hoằng dương luật Phật qua thuyết giảng và in kinh Tứ phần luật. Chùa Liên phái hiện còn lưu giữ nhiều bản kinh khắc in đời đó”[9]
Sự nhập thế qua việc khắc in mộc bản ở chùa Liên Phái thể hiện ở thời điểm tổ chức khắc in và nội dung các bộ sách khắc in. Hai mốc thời gian có hai nhân vật ghi dấu ấn về san khắc mộc bản đó là Thiền sư Lân Trừng Như Giác và Hòa thượng Phúc Điền.
Việc khắc in bộ sách “Cứu nguyên” của Thiền sư Như Trừng Lân Giác hay các bản in kinh trích yếu, trích âm, diễn Nôm của Hòa thượng Phúc Điền đều cho thấy rõ sự nhập thế tích cực. Xoa dịu tinh thần con người trong đời sống khó khăn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hay giúp con người tạm quên đi nhưng đau khổ để vững bước vượt chông gai trong cuộc sống đó là ý nghĩa nổi bật của việc dùng “mộc bản có hình bùa” như Liên Phái, Hàm Long đã làm. Đứng ở một góc độ nào đó, có người sẽ cho rằng đây là “mê tín” “dị đoan” nhưng nếu ai đã trải qua cảm giác lo lắng cùng cực vì những điều “ngẫu nhiên” xảy ra trong cuộc sống như cha mẹ, anh em, người thân bỗng nhiên nối tiếp qua đời thì việc chấn an tinh thần đang hoảng loạn để có niềm tin bước tiếp vào tương lai cũng là một việc làm tcó ý nghĩa. Còn nếu soi chiếu vào thời điểm để đức Lân Trừng tạo ra bộ ván in mộc bản lúc đó là hoàn toàn thấy rõ “tinh thần nhập thế tích cực”. Thời điểm này là lúc xã hội chính trị Việt Nam có điều đặc biệt: vừa có vua lại còn có chúa, xã hội liên tục có chiến tranh, cướp bóc…
Thời điểm Hòa thượng Phúc Điền cho tổ chức khắc in, ấn tống kinh phật cũng là thời điểm đất nước có nhiều biến cố xã hội. Thực dân Pháp ngày càng thể hiện vai trò cai trị và nền chính trị với tư duy cũ kỹ, lạc hậu cùng tinh thần “đuối sức” của nhà Nguyễn trong bối cảnh đó đã thúc đẩy các trí thức cả Nho, Phật, Đạo tại Thăng Long lúc này đều cùng chung sức “sốc lại tinh thần dân tộc”. Tại thời điểm hoàng kim của việc khắc in kinh do Hòa thượng Phúc Điền chủ trì tại hai hai ngôi chùa lớn là Liên Phái, Liên Trì thì các trí thức Nho giáo quanh khu vực này cũng có hành động tương tự. Đơn cử trường hợp của đền Ngọc Sơn gần đó, Nguyễn Văn Siêu và các trí thức Nho học đã cho in rất nhiều sách nho giáo, kêu gọi con người sống thiện, có lý tưởng trị quốc. Mối quan hệ gắn bó giữa Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn và chùa Liên Trì, Liên Phái dưới góc độ cùng là cơ sở khắc in lớn ở thời điểm đó là một minh chứng cho hành động cụ thể “chấn hưng văn hóa Thăng Long” cũng như chấn hưng tinh thần yên nước, thương nòi của giới trí thức
4. Tạm kết
Việc Thiền sư Như Trừng Lân Giác và Hòa thượng Phúc Điền là hai đại diện tiêu biểu từng trụ trì chùa Liên Phái cho san khắc nhiều bộ kinh phật cũng như khắc in các bộ sản phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân (lục thù hải hội, bùa chú…) đã phần nào thể hiện tinh thần “nhập thế” của dòng phái truyền thừa ở đây. Soi chiếu việc làm này trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ để thấy tinh thần hòa đồng, gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Hòa với phong trào “chấn hưng văn hóa Thăng Long”, thức tỉnh tinh thần yêu nước, hòa hợp đại chúng… Điều này cho thấy ý kiến ở Việt Nam tam giáo luôn đồng hành, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, thiện lành hơn.
Với khuôn khổ hội thảo, tôi xin tạm dừng lại ở đôi điều gợi mở như vậy. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này ở bài viết sâu hơn, đầy đủ hơn khi có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.
PGS.TS.Vương Thị Hường Viện Nghiên cứu Hán Nôm ***[1] Hoàng Đặng Quýnh 黃鄧迥 , Huấn đạo huyện Hoàn Long biên tập năm Duy Tân thứ 5 (1911). Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn 1 bản viết, 70 tr, 21 x 12, 1 mục lục, 1 phàm lệ. A. 99. Nội dung ghi chép về Địa lý huyện Hoàn Long: địa giới hành chính, danh thắng, lịch sử, nghề truyền thống…. trong đó có nhắc tới chùa Liên Phái ở mục Danh thắng và di tích. [2] Chùa Hàm Long (thuộc thôn Thái Bảo xã Nam Sơn, Tp. Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh), có bản “Khoa cúng tổ” Hòa thượng Trịnh Thập (thường gọi là Trịnh Hòa thượng) do đệ tử của ngài là Hòa thượng Thích Ngột Ngột soạn. Căn cứ vào “Lời tựa” được viết vào ngày đức Phật nhập Niết bàn tháng 2 năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1742), chúng ta biết rằng sách được soạn vào đầu năm 1742. Sách có kích thước 25x17cm, gồm 22 tờ, mỗi tờ có 12 dòng, mỗi dòng có 10 chữ. Từ lâu, sách được lưu giữ tại Ly Trần viện thuộc chùa Hàm Long. Về người đặt nền móng cho việc khắc in ở chùa này liên quan nhiều đến Trịnh Hòa thượng. Trịnh Hòa thượng húy là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác, họ Trịnh tên Thập, là con thứ 11 của quan Tham tể Tiến Quang vương triều Lê. Mẹ ông là Vũ thị. Năm Bính Ngọ (1726), Trịnh Thập xuất gia và lên núi Yên Tử, vào chùa Long Động dâng lễ Hòa thượng Chính Giác và Hòa thượng Chân Nguyên thuộc thiền phái Trúc Lâm. Trịnh Thập bắt đầu qui y, dựng chùa và làm lễ cúng dàng tại bản cung. Lúc đó, có một đóa hoa sen hóa sinh ứng vào lòng Phật như trong điềm báo trước đây. Vì vậy, chùa có tên là chùa Liên Tôn (Liên Tông) (nay là chùa Liên Phái). Ngài lại xây một tòa đặt tên là Ly Trần viện. Mùa Hạ năm Mậu Thân (1728), ngài phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì. Đến khi xét thấy đã đến kỳ hóa độ, công quả đã viên mãn, ngài bèn đến chùa Vạn Phúc (thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ngài được vị sư tổ ở đó là Gia Sa Pháp Tính cho kết cỏ làm am trụ trì ở đó. [3] Thăng Long cổ tích khảo, VHv.1471, ký hiệu VNCHN. [4] Thích Minh Tâm (1996), “Vài nét về Hòa thượng Phúc Điền, tác giả sách Đạo giáo nguyên lưu”, trong Thông báo Hán Nôm học 1997, tr.560-563. [5] Nguyễn Đăng Giai (? - 1854) người làng Phù Chánh, Lệ Thủy, Quảng Bình thuộc dòng dõi công thần. Ông đỗ Hương cống năm 1825, vào làm ở Hàn lâm viện rồi được bổ làm Lang trung Bộ Hộ. Năm 1831 thăng Hiệp trấn Thanh Hoa, với nhiều công tích năm 1841 được thăng Tuần phủ Bắc Ninh, tiếp năm 1842 thăng lên Thự Tổng đốc Bắc Ninh. Năm 1843 làm Thự Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang). Vào tháng 2 đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) xét công trạng ông được thăng bổ Tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Nguyễn Đăng Giai là viên quan trọng văn hóa, tín ngưỡng Phật Đạo. Khi nhậm chức Tổng đốc Hà - Ninh ông đã tổ chức hưng công xây dựng chùa Liên Trì. Ông còn là thành viên của Mặc Vân thi xã (tức Tùng Vân thi xã) khoảng đầu triều Tự Đức cùng các danh Nho đương thời như Miên Thẩm, Miên Trinh, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Hà Tông Quyền, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... Từ mối quan hệ với Nguyễn Văn Siêu ông đã tạo mối liên hệ gắn bó giữa Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn và chùa Liên Trì để từ đó hai cơ sở san khắc kinh sách, hai di tích này đã gắn kết tương hỗ cả về việc khắc in và lưu giữ mộc bản [6] Thích Gia Quang & Nguyễn Tá Nhí (2009), trong Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, tr.37. [7] Nguyễn Công Việt (2016), Mộc bản với di tích lịch sử Hà Nội, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (139), tr. 56-68. [8] Theo mô tả của André Masson trong sách Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888 viết: “Ở phía Đông Nam hồ, nay là Sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các chùa Hà Nội. Toà nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ này cho chùa cái tên Liên Trì (Fleurs de Lotus). Chùa còn được gọi là “Chùa Nguyễn Đăng Giai” để kỷ niệm viên Tổng đốc, người đã cho xây chùa vào những năm đầu tiên vua Thiệu Trị (1841). Người Pháp đổi tên thành “Chùa Khổ hình” (Pagode des Supplices) vì người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia.” (Cảnh Thập điện Diêm vương)”[8]. Theo Hà Nội sơn xuyên phong vực[8] thì chùa nằm ở thôn Lâu, huyện Thọ Xương thời Lê dựng lầu Ngũ Long ở đây, thời Tây Sơn chùa thành phế tích rồi dân lập miếu thờ, triều Minh Mệnh mới sáp nhập vào thôn Hậu Lâu đổi đặt là Cựu Lâu. Vào đầu năm triều Thiệu Trị (1841-1847) Tổng đốc Hà - Ninh là Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng lại chùa cực lớn, tám mặt có đào hào, trồng toàn hoa sen đặt tên chùa gọi là Liên Hoa. Một số tài liệu địa chí khác thì gọi là chùa Liên Trì, cũng khẳng định là Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng chùa vào đầu niên hiệu vua Thiệu Trị. Đối chiếu với Hà Nội địa dư[8] thì thấy danh xưng Liên Hoa tự giống như mô tả của Hà Nội sơn xuyên phong vực. Như vậy, cũng có thể khẳng định chùa có hai tên là Liên Hoa và Liên Trì, sau này còn gọi là chùa Báo Ân, chùa Quan Thượng hay chùa Nguyễn Đăng Giai. [9] Trần Việt Ngữ, “Chùa Liên Phái”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, tr.59.
Tài liệu tham khảo: 1. https://daibieunhandan.vn/nghe-in-moc-ban-o-ha-noi-dau-the-ky-xx, cập nhật 9/9/2012. 2. https://loigiaihay.com/hoan-canh-lich-su-cuoi-the-ky-xix-dau-the-ky-xx-c132a20691.htm, truy cập 21/2/2022 3.Nguyễn Tài Thư (1999), “Tam giáo đồng nguyên – hiện tượng tư tưởng chung của các nước Đông Á”, Tạp chí Hán Nôm, số 4. 4.Nguyễn Thị Dương (2000), “Nơi bán sách và nghề in sách mộc bản ở Hà Nội đầu thế kỷ XX”. Tạp chí Hán Nôm, số 4. 5.Mai Hồng – Nguyễn Hữu Mùi (1986), “Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 1. 6.Vương Thị Hường (2000), “Danh mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn-Hà Nội”, Tạp chí Hán Nôm, số 1. 7.Vương Thị Hường (2013), “Chùa Xiển Pháp và những cuốn sách kinh Phật”, Tạp chí Hán Nôm, số 5. 8. http://chuaxaloi.vn/thong-tin/vai-net-so-luoc-ve-chua-xien-phap-va-vi-to-su-khai-sang/, truy cập ngày 15/2/2021. 9. Trần Việt Ngữ, “Chùa Liên Phái”, Tạp chí nghiên cứu Phật học. 10. Thích Gia Quang & Nguyễn Tá Nhí (2009), trong Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo. 11. Nguyễn Công Việt (2016), Mộc bản với di tích lịch sử Hà Nội, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (139), tr. 56-68.
Bình luận (0)