Trang chủ Chuyên đề Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng và sự dung hợp tư tưởng thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế

Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng và sự dung hợp tư tưởng thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Đinh Tiên Phong
NCS Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh

Tóm tắt: Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng người đóng vai trò quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo Đàng ngoài thế kỷ 17 nói chung và thiền phái Trúc Lâm cùng thiền phái Lâm Tế Đàng ngoài nói riêng. Ngài là người kế thế đồng thời của cả thiền phái Trúc Lâm lẫn Lâm tế ở Đàng ngoài. Với hoàn cảnh truyền thừa tông môn đặc biệt ấy, thiền sư Chân Nguyên đã cùng lúc kế thừa và phát huy tinh hoa thiền học của cả hai thiền phái trên. Đồng thời đã tổng hợp và dung hòa những tinh hoa thiền học ấy để tạo nên nét đặc thù và riêng biệt trong tư tưởng thiền học của mình. Đấy cũng chính là những giá trị tiêu biểu trong kho tàng thiền học mà thiền sư Chân Nguyên đã để lại cho bao thế hệ chúng ta thông qua những trước tác phong phú của ngài.

Chính vì thế, chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn và có nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa về những tinh hoa và giá trị trong tư tưởng thiền học mà thiền sư Chân Nguyên đã dày công xây dựng và hết lòng truyền trao.

Từ khóa: Trúc Lâm, Lâm Tế, tổng hợp tư tưởng, Chân Nguyên Tuệ Đăng.

1. Hành trạng thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng

Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng, thế danh là Nguyễn Nghiêm, tự là Đình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Sư sinh vào giờ Ngọ, ngày 11 tháng 09 năm Đinh Hợi (1647), tức năm Phúc Thái thứ 5, triều vua Lê Chân Tông.

Năm 16 tuổi, một hôm nhân khi đang xem quyển Tam Tổ thực lục, sư sinh lòng cảm cảm mến vô vàn đối với sự nghiệp của chư Tổ. Từ giây phút đấy, một ý chí xuất gia tu tập, cầu học thiền pháp trong trái tim của chàng thân niên Nguyễn Nghiêm cứ thế dần bùng cháy mãnh liệt qua từng ngày.

Năm 19 tuổi, Sư một mình vượt suối băng rừng, tìm lên núi Yên Tử, tại chùa Hoa Yên đảnh lễ thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú cầu xin xuất gia, tham học thiền pháp. Sư được thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú làm lễ thế phát chính thức xuất gia, cho thọ Sa di giới và ban pháp danh là Tuệ Đăng.

Không lâu sau đó, thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú viên tịch. Vì thế sư đành phải rời khỏi đạo tràng Hoa Yên trên núi Yên Tử, tha phương cầu học thiền pháp, kiếm tìm minh sư. Sau đó sư tìm đến chùa Vĩnh Phúc (tức chùa Cao) tại núi Côn Cương (Quế Võ, Bắc Ninh) tham học với thiền sư Minh Lương Nguyệt An là đệ tử đắc pháp của thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế rất nổi tiếng tại Đằng Ngoài lúc bấy giờ là thiền sư Chuyết Chuyết. Từ đây sư chính thức trở thành đệ tử nối pháp của thiền sư Minh Lương Nguyệt An và là truyền thừa đời thứ 36 thuộc thiền phái Lâm Tế Đằng Ngoài. Sau đó sư lại nhận được truyền thừa y bát của thiền phái Trúc Lâm và đến trú trì tại chùa Long Động ở núi Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm tại Tràng An, Đông Triều, Quảng Ninh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Thap Tich Quang Chua Quynh Lam

Tháp Tịch Quang tại chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh thờ thiền sư Chân Nguyên. Ảnh: Minh Minh

Năm Giáp Tý (1684), sư cho dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà đệ tam Tổ thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc (tức chùa Bút Tháp), ở bên đê sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Năm Nhâm Dần (1722), sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chính Giác Hòa thượng.

Năm Bính Ngọ (1726), sư cho gọi chúng đệ tử vào để căn dặn và nói kệ truyền pháp rằng: “Chính niệm phân minh được suốt ngày, Là đem thể tính tự phô bày. Giác quan vận dụng chân thường kiến, Vạn pháp tung hoành giác ngộ ngay.”[1]

Sau khi nói kệ truyền pháp xong, sư bảo chúng rằng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật”. Sáng ngày 28 sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ thế 80 tuổi. Môn đồ làm lễ trà tỳ, thâu gom xá lợi chia làm hai phần, tôn trí trong bảo tháp được vua Lê Dụ Tông ban hiệu là Tháp Tịch Quang tại chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động.

2. Sự tổng hợp tư tưởng hai thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế

Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng người đã kế thừa đồng thời hai thiền phái quan trọng của thiền tông Đằng ngoài thế kỷ 17 đấy là thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế. Do đó Chân Nguyên đã hết sức nỗ lực giữ gìn và phát huy cùng lúc những giá trị tinh hoa, cốt lõi nhất trong hệ thống tư tưởng thiền học của mỗi thiền phái. Dựa trên nền tảng ấy cùng với tinh thần “tùy duyên bất biến, hành Bồ tát đạo”, Chân Nguyên đã có những sự tổng hợp, dung hòa các tư tưởng quan trọng của hai thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế một cách vô cùng khéo léo và tinh tế. Chính sự tổng hợp và dung hòa này, đã tạo nên những nét đặc thù, độc đáo trong tư tưởng thiền học của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng.

“Đốn tiệm dung hòa”

Đối với thiền tông Trung Quốc nói chung và thiền phái Lâm Tế nói riêng, thì đối tượng hoằng dương thiền pháp được nhắm đến chủ yếu là các bậc “thượng căn thượng trí”, là những người có căn cơ sâu dày, có khả năng khế hợp cao với thiền pháp và lấy hàng xuất gia làm đối tượng chính yếu, trong thiền tông thường gọi những người như vậy là “pháp khí”. Bởi tính cách đốn ngộ trong thiền pháp cần phải được phát huy, bừng sáng ngay trong từng sát na thời gian, trong khoảnh khắc rất ngắn, đến nổi hoàn toàn không có chỗ để cho ngôn ngữ và tư duy phân biệt tồn tại. Vì thế cần phải là những “pháp khí” của nhà thiền, những “người lanh lợi” mới có thể đáp ứng được yêu cầu đó trong việc tham thiền ngộ đạo. Trái lại, đối với thiền Trúc Lâm mà nói, thì đối tượng hoằng dương thiền pháp mà bản phái hướng đến được mở rộng hơn rất nhiều. Không chỉ giới hạn trong giới tăng sĩ thiền môn, mà còn hướng đến đại đa số quần chúng. Vì thế thiền Trúc Lâm ngay từ đầu đã không quá chủ trương, đề cao hay theo đuổi việc đốn ngộ trong tham thiền, thay vào đó vẫn có xu hướng tiệm ngộ rõ ràng hơn. Đứng trước sự đối lập này, thiền sư Chân Nguyên đã vô cùng khéo léo, một mặt vẫn kế thừa và phát huy những giá trị đặc thù của mỗi thiền phái, mặt khác lại cố gắng kết hợp và dung hòa cả hai nguồn tư tưởng thiền học ấy, tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt của tư tưởng thiền học Chân Nguyên, mà chúng ta tạm gọi là chủ trương “Đốn tiệm dung hòa”.

Trong Kiến tính thành Phật, Chân Nguyên viết: “Người thượng căn lĩnh hội thì có được dịp đại hành đại dụng. Kẻ cao sĩ quán triệt thì rõ hết lẽ vô trụ vô vi. Song ai cũng có thể xuất gia theo Phật, ai cũng có thể học đạo tham thiền.”[2] Ở đây Chân Nguyên muốn khích lệ tất cả mọi người hãy vượt qua những tự ti của thân và những quan niệm vốn có trong các tông phái cho rằng, việc thực tập thiền pháp chỉ dành cho các bậc thượng căn thượng trí, còn những kẻ căn cơ yếu kém chỉ nên gõ mõ tụng kinh, niệm Phật. Chúng ta cần phải vượt qua những định kiến ấy, khơi dậy năng lượng tỉnh thức của bản thân, tự tin dũng mãnh tiến vào nơi ngôi nhà của thiền pháp, dù là kẻ trí hay người ngu, dù căn cơ là đốn hay tiệm.

Điều này được thiền sư Chân Nguyên giải thích cụ thể và cặn kẻ hơn rằng: “Đời này nếu không giác ngộ được, thì cũng gieo được hạt giống Bát nhã trên đất tính, đời đời không rơi vào đường dữ, kiếp kiếp không mất thân người, không sinh vào nhà tà kiến, không nhập bọn quân ma, giồng thiêng giống trí. Tuổi trẻ xuất gia theo Phật nghe một hiểu ngàn. Giả sử tham học mà chưa triệt để, cũng để kết duyên với giống Phật, tu hành mà chưa thành tựu, cũng còn hơn quả vị trời người.”[3] Qua đây có thể thấy, một tinh thần dung hòa đốn tiệm vô cùng mãnh liệt trong tư tưởng thiền học của Chân Nguyên. Khác với chủ trương đốn ngộ, nhất thiết buộc người tham cứu phải hướng đến việc đại triệt đại ngộ, phải “chết đi sống lại” để mong thấu rõ được thiền pháp. Chân nguyên dù chính tự thân nhờ nương vào môi trường đốn ngộ “bốn mắt nhìn nhau” mà triệt ngộ được thiền pháp, nhưng đã không cưỡng cầu tất cả những ai tham học thiền pháp với mình đều phải nhất thiết đi theo con đường đốn ngộ ấy. Bởi trong hoài bảo của Chân Nguyên là muốn mang thiền tông đến với mọi nhà, mang thiền học đến với mọi người, như Chân Nguyên từng bày tỏ “Sách kinh phương tiện biển trùng trùng, Phật Tổ cơ duyên lưới giáo vung…Nguồn thiêng nước pháp tràn muôn cõi, Đuốc tuệ khắp nơi rọi suốt thâu.”[4]

Do đó, theo Chân Nguyên, đối với việc tham học thiền pháp chúng ta không nên quá cưỡng cầu đến mục đích đại triệt đại ngộ, hay phải nhanh chóng lĩnh hội thấu rõ thiền cơ, mà cần phải tùy theo năng lực, căn cơ, nhân duyên riêng biệt của mỗi người để tham cứu thiền học. Trên con đường tham cứu, thực tập thiền học ấy, dù bước nhanh hay đi chậm, dù có được chứng ngộ hay không, thì vẫn gặt hái được lợi ích, vẫn nuôi dưỡng được trí tuệ, vẫn tạo dựng được duyên lành.

Chủ trương “đốn tiệm dung hòa” của Chân Nguyên còn được thể hiện rõ qua nội dung, phong cách mà Chân Nguyên đối đáp với người học về những vấn đề thường gặp trong thiền tông. Giống như các câu hỏi: “Thế nào là Phật?”, “Trước khi trời đất cha mẹ chưa sinh, cái thân người này từ đâu mà sinh ra?”… Đối với chủ trương của thiền học đốn ngộ, thì những câu hỏi như này sẽ được các thiền sư trả lời với phong cách rất “đốn ngộ”“dị thường”. Giống như cùng một câu hỏi “Thế nào là Phật?”, thiền sư Động Sơn đáp “Ba cân vừng”[5], thiền sư Vân Môn đáp “Que cứt khô”[6]. Tuy nhiên đối với những câu hỏi mang tích cách thiền học này, Chân Nguyên thường không lựa chọn cách đối đáp mang tính “dị thường” như trong thiền học đốn ngộ, mà Chân Nguyên chọn lối giảng giải, phân tích cụ thể, rõ ràng, không mang tính uẩn khúc, trừu tượng quá mức. Giống như với câu hỏi “Thế nào là Phật?”, thì Chân Nguyên đáp: “Phật tiếng Phạn nước Tây Thiên gọi là Phật, nước Đông Độ dịch là hiểu biết. Hiểu biết đây là sự hiểu biết thiêng liêng của bản tính. Mà hiểu biết thiêng liêng của bản tính này là chân không trong vắng tròn đầy giống như hư không, vòi vọi sáng thiêng bao la trùm mọi cõi.”[7]

Qua đó có thể thấy rằng, trong quá trình truyền trao và giảng dạy thiền học, Chân Nguyên đã dung hợp một cách hài hòa, khéo léo, tài tình giữa chủ trương thiền học đốn ngộ của Lâm Tế và thiền học quần chúng tiệm ngộ của Trúc Lâm. Vẫn tâm đắc và sử dụng các thủ thuật của thiền Lâm Tế như “thuấn mục, giương mi”, “sư tử tấn thân” hay “bốn mắt nhìn nhau”, vẫn thường xuyên vận dụng các công án của chư vị Tổ sư, nhưng tất cả được mang ra ứng dụng, giảng giải một cách rõ ràng, cụ thể, thiết thực, dễ thích ứng và tiếp cận cho mọi đối tượng, mọi căn cơ trình độ.

“Thiền giáo đồng viên”

Với chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, thiền tông Trung Quốc nói chung và thiền học Lâm Tế nói riêng đều đề cao giá trị của thiền pháp, xem kinh điển giáo nghĩa chỉ là thứ yếu. Trái lại, đối với thiền học Trúc Lâm mà nói, thì kinh giáo có một vai trò, công năng vô cùng quan trọng trên con đường tu học của mỗi người. Trong Đắc thù lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông viết: “Sống yên giữa cảnh lặng lòng không, Gió mát hiu hiu lọt bóng thông. Dưới gốc giường thiền kinh một quyển, Thanh nhàn hai chữ đáng muôn đồng.”[8] Trần Nhân Tông người đã thấu rõ được thiền pháp, giác ngộ được tự tâm bản tính, nhưng ngày ngày vẫn đọc kinh xem lục, cùng với việc nỗ lực in ấn Đại tạng kinh trải dài xuyên suốt qua ba đời Tam Tổ Trúc Lâm, đủ cho chúng ta thấy rằng, giá trị và vai trò của kinh giáo được đánh giá rất cao trong tư tưởng thiền học của thiền phái Trúc Lâm.

Dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng xem trọng kinh giáo này từ truyền thừa Trúc Lâm, Chân Nguyên một mặt đề cao giá trị của thiền pháp, mặt khác vẫn nêu cao giá trị của kinh giáo. Về nội hàm của Thiền và Giáo, Chân Nguyên có định nghĩa một cách cô đọng như sau: “Giáo là kinh lục kể bày, Giấy mực văn tự chất đầy hà sa. Tông là nguyên tự tính ra, Vốn vô nhất vật lặng hòa hư linh.”[9] “kinh” ở đây chỉ chung cho ba tạng kinh điển là kinh, luật và luận, còn “lục” là chỉ cho ngữ lục, sử truyện, truyền đăng của thiền tông. Về vai trò của kinh giáo, trong Ngộ đạo nhân duyên Chân Nguyên viết: “Vì chúng sinh có nhiều thứ vọng tưởng, nếu không tùy cơ dạy dỗ, thì không có giáo pháp; mà không có giáo pháp thì không có Phật; không có Phật thì không có tăng?”[10] Kinh giáo với số lượng rất nhiều “chất đầy hà sa”, đấy là vì chúng sinh có lắm thứ điên đảo vọng tưởng. Bởi mục đích của kinh giáo là những chỉ dẫn để giúp chúng sinh đối trị với những phiền não, khổ đau trong cuộc sống. Nếu chư Phật không nói kinh, chư Tổ không soạn lục, thì chúng sinh biết phải nương vào đâu tìm đường kiếm lối để chuyển hóa khổ đau, ươm mầm hạnh phúc.

Trong tác phẩm Thiền tịch phú lúc mô tả về cuộc sống thường nhật của mình, Chân Nguyên viết: “Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não xa cừ. Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san hô, hổ phách.”[11] Trong sinh hoạt hằng ngày, Chân Nguyên vẫn thường xuyên đọc tụng kinh điển, tham cứu ngữ lục. Trong thiền phòng hay trên án thờ luôn có sẵn đầy đủ các loại kinh điển, sách vở đại tạng. Qua đó có thể thấy rằng, Chân Nguyên không chỉ không xem nhẹ giá trị của Kinh giáo, mà ngược lại còn rất đề cao vai trò của kinh điển, giáo nghĩa trong đời sống hành ngày của người học Phật. Trong Kiến tính thành Phật, Chân Nguyên đã thẳng thắn bày tỏ rằng: “Chư Phật đều rủ lòng chỉ bày phương tiện. Chân Nguyên tôi kế chí, thuật theo công phu, lòng mong mỏi làm rường cột cho Phật pháp, dùng làm mẫu mực cho đời sau, xem đọc các kinh trong Đại tạng, khai phát được đất lòng từ chương, soạn thành một bản luận truyền, đề tên là Kiến tính thành Phật, để biểu dương nguyện lực xuất thế, khuông phò gánh vác việc Như Lai, đời đời nối tiếp ngọn đèn Phật Tổ, làm sáng tỏ mắt mũi trời người.”[12]

Đứng trên lập trường “Thiền giáo đồng viên” này, Chân Nguyên bày tỏ “Ngộ tính không tịch thì thôi, chẳng lạ chỉ lời vấn đáp tiêu hao.”[13] Ở đây Chân Nguyên muốn khuyên bảo mọi người không nên lấy làm hoang mang hay bối rối trước những phương thức biểu đạt kỳ lạ trong các sách vở ngữ lục thiền tông; hãy nên cố gắng siêng năng đọc tụng kinh điển, nghiên cứu kinh luận, trau dồi hiểu biết Phật học. Chính tự thân thiền sư Chân Nguyên là một ngọn đuốc lớn thắp sáng và lan tỏa chí nguyện học Phật, tham cứu thiền pháp cho những người con Phật đương thời cùng với bao thế hệ cháu con về sau qua những tác phẩm giàu chất trí tuệ, đậm nét thiền học, phong phú về nội dung, đồ sộ về dung lượng mà suốt một đời Chân Nguyên đã dày công tham cứu và trước tác.

3. Kết luận

Qua những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, nền tảng hình thành tư tưởng thiền học của thiền sư Chân Nguyên đến từ những giá trị cốt lõi trong hệ thống tư tưởng thiền học của hai thiền phái lớn của Đằng ngoài thế kỷ 17 là thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế, thông qua việc kế thừa và phát huy những giá trị tư tưởng cốt lõi, cùng với sự tổng hợp và dung hòa những tinh hoa của hai thiền phái này, từ đấy tạo dựng nên một nét đặc thù, mang tính cách rất riêng trong tư tưởng thiền học của Chân Nguyên. Nét đặc thù và tính cách riêng biệt ấy chúng ta có thể tạm gọi là “Trúc Tế song hành”. Thiền sư Chân Nguyên đã mang tinh thần “Trúc Tế song hành” này thổi hồn vào những trước tác của Ngài, giúp cho những trước tác ấy cũng mang đậm những nét đặc thù và riêng biệt như chính tư tưởng thiền học của chính mình. Những trước tác ấy của thiền sư Chân Nguyên cũng chính là những đóa hoa bất tử đã đâm nụ và bung nở, tô sắc cho vườn thiền Bắc Triều nước ta ở thế kỷ 17, và rạng tỏa hương nồng thiền pháp cho đến tận ngày nay.

Tác giả: Đinh Tiên Phong
NCS Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh

***

Tài liệu tham khảo:
[1] Pháp bảo đàn kinh, Đại chính tạng, quyển 48, số 2008.
[2] Đạo Nguyên, Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 5, Đại chính tạng, quyển 51, số 2076.
[3] Tuệ Khai, Vô môn quan, Đại chính tạng, quyển 48, số 2005.
[4] Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, nxb Khoa học Xã hội.
[5] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, NXB Hồng Đức.
[6] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, NXB Hồng Đức.
[7] Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học.
[8] Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông bản hạnh giảng giải, nxb Tổng hợp
[9] Thích Tâm Đức (2021), Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chú thích:
[1] Dẫn theo bản dịch của Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, trang 540.
[2] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 194.
[3] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 215.
[4] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 215.
[5] Xem Đạo Nguyên, Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 5, Đại chính tạng, quyển 51, số 2076, trang 386c.
[6] Xem Tuệ Khai, Vô môn quan, Đại chính tạng, quyển 48, số 2005, trang 295c.
[7] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 202.
[8]  Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1988), Thơ văn Lý Trần, tập 2, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 535.
[9] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 779.
[10] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 247.
[11] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 725.
[12] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 198.
[13] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, nxb Hồng Đức, tập 1, trang 779.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường