Tác giả: Văn Hậu - Hội VNDG Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022
Ở Hà Nội, bên dòng sông Tô có cả một quần thể di tích gắn với lịch sử và sự kiện của vua Lý Thái Tổ lập đô Thăng Long năm Canh Tuất (1010). Nếu tính xung quanh khu vực Hà Nội, đã có trên 20 chùa, đền, miếu thờ Từ Đạo Hạnh.
Dân gian xếp ngoài vào bậc Đại Thánh, nét đặc biệt so với nhiều vị thánh khác là Thánh Từ vừa là đại sư, vừa là vị vua ở kiếp sau, vừa là thi sĩ, vừa là ông tổ ngành múa rối xứ Đoài Việt Nam.
Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách “Hà Nội nghìn xưa văn hiến”: Phái Thiền Tông thứ hai ở Việt Nam là phái Tì Ni Đa Lưu Chi sang đất Việt từ năm 580, trung tâm là chùa Pháp Vân ở Thuận Thành – Bắc Ninh. Đời thứ 12 có thiền sư Vạn Hạnh là người có công trong việc để họ Lý lên ngôi vua và đặc biệt có thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì là chùa Thiên Phúc ở núi Phật tích, năm 1117 sư viên tịch vào ngày 7/3.
Văn bia chùa Láng hiện vẫn còn do Trịnh Tráng hưng công, Binh bộ Tả Thị Lang, Nguyễn Văn Trạc soạn năm Thịnh Đức (1656) ghi: “Thật là danh lam bậc nhất thế gian, không chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng Thành tức Thành Thăng Long, bên hữu tỏa khắp dòng sông Tô bên tả lượn vòng Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên là dãy núi đầy khí đẹp hướng vào như hổ trắng đàn đàn lớp lớp đến tụ họp”. Bia cũng cho biết nhà sư họ Từ kiếp sau hóa thân thành vua Lý Thần Tông (1128-1138).
Sông Tô Lịch nguyên là một nhánh sông Hồng, song Tô còn có nhiều tên gọi khác như: Lai Tô, Lương Bái, Đại Bảo.
Tên Tô Lịch được đặt vào năm 545, và tên đó được giữ mãi đến ngày nay, một con sông phong cảnh nhưng đồng thời cũng là dòng sông lịch sử, mang nhiều huyền thoại.
DI TÍCH
1. Chùa Láng
Láng Thượng là một phường của quận Đống Đa, ở đây có một ngôi chùa cổ, gọi theo tên nôm là chùa Láng, tên chữ là “Chiêu Thiên tự”.
Chùa Láng quay hướng Nam, nhìn ra sông Tô Lịch, tọa lạc trên khu đất thoáng, rộng chừng 15.000m2.
Chùa Láng, với hệ thống tượng Phật bài trí như nhiều chùa khác, còn có thêm 2 dãy đông, tập thập điện đắp nổi những hình phạt ở âm phủ để răn kẻ ác. Hậu điện ngoài tượng Phật còn có tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tạc bằng gỗ ở phía trước, phía sau tượng vua Lý Thần Tông bằng mây đan ngự trong kiệu, tương truyền, vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã cho xây chùa Láng để thờ vua cha Lý Thần Tôn và tiền thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Dã sử lưu truyền, ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, tu chùa Thiên Phúc núi Phật Tích. Cha là Vinh, làm Tăng quan Đô sát triều Lý, lấy con gái họ Tăng tên là Loan người Yên Lãng, nhân thể ở đó... Sau này Lộ đi tăng hương thi, đỗ khoa Bạch Liên. Không bao lâu cha bị Đại Điên (Lê Nghĩa) đánh chết vứt xác xuống sông Tô, đến cầu An Quyết thì dừng lại… Dân gian truyền rằng Từ Vinh bị Đại Điên chém làm ba khúc: Đầu trôi về làng Mọc Thượng Đình, chân trôi xuống Lủ Cầu, mình xuống làng Pháp Vân. Dân các làng thương xót ông, vớt lên chôn cất và lập đền thờ, vì vậy ở đây ngày nay còn câu: “Làng Mọc thờ đầu, Lủ Cầu thờ chân, Pháp vân thờ khúc giữa”. Ở Thượng Đình hiện nay vẫn còn đền và lăng mộ Từ Vinh được thờ trong chùa Tam Huyền.
Từ Đạo Hạnh sang Ấn Độ tu học, cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất Rợ Kim Xỉ (răng vàng) hiểm trở bèn quay về ẩn cư ở nước Phật Tích, hàng ngày đọc kinh Đại Bi Đà La, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần.
Thời gian này, mẹ ông chuyển sang ở làng Thượng Yên Quyết (nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hàng ngày đi truyền giáo, khất thực tu ở chùa Hoa Lăng, khi mất được chôn ngay tại chùa.
Một thời gian tu luyện, học được nhiều phép lạ, Lộ biết Đạo pháp đã thành, thù cha có thể trả, bèn đến cầu Yên Quyết ném thử cây gậy chống xuống dòng nước xiết. Gậy trôi ngược dòng đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng quá mà nói rằng: “Phép ta đã thắng được rồi”. Liền đi thẳng đến chỗ pháp sư ở chùa Duệ làng Dịch Vọng Tiền (nay thuộc P.Quan Hoa) đấu phép. Sau đó đi du ngoạn các miền núi để tìm dấu Phật sau lại về chùa Phật Tích làm nhiều việc thiện chữa bệnh cứu người và hóa tại đây…Chùa Láng được Bộ VHTT xếp hạng Di tích ngày 28/4/1962.
2. Chùa Tam Huyền
Chùa Tam Huyền thuộc quần thể di tích chùa Láng (thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh), một quần thể đậm dấu ấn Phật giáo triều Lý (1010-1225) dưới thời Vạn Hạnh – thời kỳ hưng thịnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chùa Tam Huyền có tên chữ là Sùng Phúc Tự, nằm bên bờ phải dòng sông Tô Lịch ở địa phận thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục cựu, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Sau thuộc thôn Minh Khai, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, giáp với khu công nghiệp Thượng Đình (Quận Đống Đa). Tháng 1-1997 thuộc phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân.
Chùa Tam Huyền có lăng thánh phụ Từ Vinh, thân phụ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh là vị thiền sư nổi tiếng thời Lý Nhân Tông (1072-1127) thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam.
Năm Bính Ngọ (1726), niên hiệu Bảo Thái từ 7 đời Lê Dụ Tông (1705-1729), Lân Giác thượng sĩ Trịnh Hợp, còn gọi là Trịnh Thập (1690-1733) em ruột của An Đô Vương Trịnh Cương (1686- 1729), sơ Tổ dòng thiền Lâm Tế Đằng Ngoài (Tế Trúc song hành), dựng chùa Liên Phái trên khu đất dinh thự của mình mà lập tổ đình của dòng Thiền. Ngài là bổn sư của hai vị đệ tự Trí Cư và Trạm Công. Sư Trí Cư được truyền đăng tại chùa Liên Phái với pháp hiệu Tích Dược tổ sư. Còn sư Trạm Công về trụ trì tại chùa Sùng Phúc với pháp hiệu Tính Tuyền. Hai vị đều thuộc hệ thứ hai của dòng thiền Lâm Tế Đàng Ngoài.
Sư Trạm Công Tính Tuyền đã cho xây dựng tam quan chùa Sùng Phúc nhìn xuống dòng sông Tô Lịch lững lờ trôi trước cửa chùa, cổng giữa mang dòng chữ “Tam Huyền môn” và từ đó ngôi chùa Sùng Phúc được gọi là chùa Tam Huyền.
Năm Bính Thìn (1736), niên hiệu Vĩnh Hữu thứ 2 đời Lê Ý Tông (1735-1740), sư Trạm Công Tính Tuyền vâng sắc chỉ nhà vua sang Trung Quốc thỉnh kinh. Nhà sư đã đến núi Đỉnh Hồ, bái yết hòa thượng Kim Quang, thỉnh được nhiều pho kinh Phật. Trước khi lên đường về nước, sư Trạm Công Tính Tuyền rất mực thông tuệ và có tài ứng đối. Vua Càn Long sắc phong sư Trạm Công Tính Tuyền là “Lương Quốc Hòa Thượng”. Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng đây là nhà sư đầu tiên của nước ta được mang danh hiệu này.
3. Các di tích khác
A – Chùa Nền: xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường ba gian, trung đường ba gian, hậu đường ba gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924) Quả chuông “Đản Thánh Cơ Chung” cao 1m, đường kính 0,5m đúc năm Canh Thân (1740). Văn chuông do Quốc Tử Giám bác sĩ Tuấn Đức Tử Nguyễn Viết Tuấn (người ở Hạ Yên Quyết) phụng soạn. Chuông ghi hai người đỗ sinh đồ là Đỗ Đăng Thụy và Nguyễn Trọng Đạt. Đó là cảnh đẹp, giáp cổ thành Thăng Long bên dòng Kim Ngưu thơ mộng. Chùa tên chữ là Đản Cơ tự hoặc Cổ Sơn tự, nguyên trước là đền thờ song thân của Thánh Từ: Từ Vinh và Tằng Thị Loan. Tương truyền vị trí này làm trên nền nhà của Thánh Từ hồi bé trước khi nhà sư trở thành nổi tiếng. Bộ VHTT xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật 22-4-1992. Một thuyết khác lại nói Thánh Từ được sinh ở Vườn Nở Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh, mẹ là Tằng Thị Loan. Nay là chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
Hội chùa Đồng Bụt (Tổng Xếp) mở ngày 10-3 đã đi vào câu ca:
Mồng 7 tháng 3 hội Thầy Mồng 10 hội Xếp nhớ ngày mà đi
B – Chùa Thưa
Theo Việt sử lược, Đại Điên thác sinh làm Giác Hoàng, lên 3 tuổi nói được nhiều chuyện. Vua Lý Nhân Tông lấy làm lạ đón từ Thanh Hóa về chùa Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Thánh Từ nhờ chị Từ Lan giả làm người đi lễ, mang bùa yểm làm cho Giác Hoàng bị chết, sau đó Thánh Từ thác vào con của Sùng Hiền Hầu, em của nhà vua. Đứa trẻ sinh ra sau được lên ngôi vua là Lý Thần Tông… Chùa Thưa bị chiến tranh tàn phá từ cuối thế kỷ XIX. Nay đã được khôi phục dưới dạng một ngôi miếu, nằm trong khu sân của Viện Khoa học Giao thông phía đầu ô Cầu Giấy. Hậu cung có bản sắc phong của Khải Định thứ 9 (1924) phong “Từ Nương Tôn thần”.
C. Đền Vua Bà
Đền Vĩnh Bảo Đài ở cạnh chùa Láng. Bao quanh là hàng cây cổ thụ như cây muỗm, cây đại, cây thông. Đền có 3 gian hướng Nam. Hậu cung có ngai thờ bà vú nuôi của vua Lý Thần Tông hồi nhỏ nên dân làng quen gọi là đền Vua Bà. Bà mất ngày 3/12 được phong là “Từ Phúc Hoa, Lý Mẫu cung thần”. Đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, thập nhị Sơn Trang, Bồ Tất, Thủ đền, lầu Cô, lầu Cậu… Ngày đại hội 7-3 khi kiệu Thánh Láng đi qua thì dừng một lúc làm lễ bái vọng. Bình thường ngày Một ngày Rằm, người đi lễ chùa Láng thường vào lễ coi như đền Trình.
D. Đền Dốc Cót
Ở cạnh cầu Cót lối qua sông Tô sang làng Cót Thượng (P.Yên Hòa) có đền Dốc Cót thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền Dốc Cót xưa có 6 bệ thờ, có cả bệ thờ Thần Nông. Đền là chặng dừng chân của kiệu Thánh trong ngày hội Láng trước khi “độ hà” qua sông Tô. Các bệ thờ để đặt tượng Thánh Từ và 4 ông hộ vệ (gọi là Tứ trấn Thiên Vương). Nay đền còn thờ Sơn trang, Bạch Hoa công chúa, lầu Cậu, lầu Cô. Cây ruối từ hàng trăm năm vẫn được giữ gìn… cũng có một thuyết khác cho là đền Dốc Cót là nền nhà cũ của Sùng Hiền Hầu (?).
Lễ hội Thánh Láng là lễ hội gắn với lễ nghi nông nghiệp có sự tham gia của người nông dân, thợ thủ công, người buôn bán đô thị… nhiều vùng quê, đặc điểm hội chùa Láng mang nét mềm mại, thanh lịch, tài hoa có sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa của các lễ hội dân gian ở miền Bắc.
Có thể so sánh hội chùa thờ Thánh Láng ở Thủ Đô và các tỉnh khác để tìm nét giống nhau, khác nhau trong việc tổ chức hội chùa.
Đạo Phật khi đến Việt Nam đã được dân gian hóa, đặc biệt sau khi quốc giá thoát khỏi ách đô hộ, nền văn hóa dân tộc được xiển dương, đã phản ánh nét văn hóa Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Ngày nay nó vẫn có ảnh hưởng lớn đến nhận thức tâm linh của người Hà Nội.
Từ Đạo Hạnh là một vị thiền sư, một danh nhân văn hóa lịch sử. Nhân vật ấy qua nhiều sách, sử, truyền thuyết để lại một hệ thống chứng tích, lưu giữ ở Chùa Láng, nơi chốn tổ thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (1128-1138). Đó là cả một tổ hợp lễ hội, trò diễn và sự tích bên sông Tô. Đó là di sản gồm 15 tấm bia đá từ đầu thế kỷ XVII, 12 đạo sắc phong. Những mảnh vỡ huyền tích, huyền thoại được phóng đại qua lăng kính dân gian… cho ta biết phần nào về một đại sư có thật từ thời Lý, về văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Chùa Láng, chùa Thầy xứ Đoài cũng như nhiều chùa khác với kiểu kiến trúc tiền Phật, hậu Thánh là kiểu kiến thức độc đáo của mái chùa Việt so với các nước ở Đông Nam Á. Phải chăng sự xuất hiện của kiểu chùa được bố trí thờ tự tiền Phật, hậu Thánh khẳng định sự tồn tại của Phật giáo dòng Mật Tông đã sớm được truyền bá vào nước ta?. Dòng Mật Tông này được Từ Đạo Hạnh và hai vị Thánh khác đi ngược sông Nhị, đến vùng Kim Xỉ Man (Ấn Độ) Ngân Xỉ Man (Vân Nam, Trung Quốc) tu đắc đạo rồi trở về.
Có thể chăng, con đường du nhập Mật Tông quan trọng là dọc sông Nhị, sông Tô, sông Đáy, bờ Nam của sông Hồng. Còn dòng Thiền Tông tìm mảnh đất ở phía Bắc sông Hồng quanh trung tâm Luy Lâu Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh?
Một số đề xuất:
Cần tu bổ đền chùa như cảnh quan chùa cần in tờ gấp, sách quảng bá tuyên truyền lễ hội.
Các cơ quan quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương cần hạn chế việc lấn chiếm, gây lộn xộn ở quanh các di tích chùa chiền. Hạn chế việc thương mại hóa khi tổ chức lễ hội dân gian biến lễ hội thành nơi buôn thần bán thánh, diễn các trò chơi thiếu tính dân tộc truyền thống. Chùa chiền hiện nay không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, nơi đi lễ của các bà vãi mà còn là nơi tham quan du lịch của du khách là địa chỉ để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc.
Tác giả: Văn Hậu - Hội VNDG Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022SÁCH THAM KHẢO: - Lịch sử Thủ đô Hà Nội NXBKHXH 1961 - Hà Nội nghìn xưa Sở VHTT HN 1971 - Thiền uyển tập anh NXB Văn học 1990 - Lịch sử cách mạng P.Láng Thượng NXB HN 1993 - Hà Nội di tích và danh thắng Hội KHLS VN&Sở VHTTHN 2000 - Tạp chí Văn hóa dân gian, Văn hóa nghệ thuật, Nghiên cứu Phật học(1996-2000) - Chùa Thầy (Ban quản lý xây dựng) 4-2000 - Sông Tô – Nguyễn Bá Đạm – Hà Nội Mới 20-2-1993
Bình luận (0)