Thích Nhật Tấn - Thạc sĩ khóa II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022
Tóm tắt: Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn Trịnh Nguyễn tranh hùng là một nốt trầm trong dòng chảy thế sự. Lành thay! Trong hoàn cảnh ấy, ánh sáng từ bi của đức Phật xuất hiện như một phép mầu, rưới mát lên mảnh đất khô cằn. Tại Thuận Hóa, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào cát cứ, Phật giáo được phát triển để an dân, trong bối cảnh đó, các thiền phái Phật giáo từ Trung Hoa truyền sang luôn được các đời chúa tạo điều kiện. Lâm Tế là một trong nhiều thiền phái truyền vào Đàng Trong sớm nhất và nhanh chóng phát triển, đặc biệt là vùng Thuận Hóa kinh đô. Ngày nay, khi nhắc đến Phật giáo xứ Huế là nói về thiền phái Lâm Tế. Sự truyền thừa của thiền phái này tại Huế với 5 nhánh chính đó là thiền phái Trí Bản Đột Không, thiền phái Vạn Phong Thời Ủy, thiền phái Đạo Mân Mộc Trần, thiền phái Chúc Thánh và thiền phái Liễu Quán. Từ khóa: Thiền phái Lâm Tế tại Huế, Lâm Tế Huế, truyền thừa của thiền phái Lâm Tế…
Trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn với quá trình mở đất xuống phương Nam, ngoài việc lưu tâm đến khai hoang, mở đất, lập làng, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng luật nghi phép tắc nhưng các vị cũng không quên xây dựng và sử dụng Phật giáo như một hệ tư tưởng chuẩn mực cho đạo đức xã hội.
Nhờ vậy, Phật giáo từng bước có được vị trí đặc biệt quan trọng, tại Thừa Thiên Huế đương thời là mảnh đất hoằng hóa của các dòng thiền dòng thiền Tào Động(1) và dòng thiền Lâm Tế(2) được truyền từ Trung Hoa sang.
Dòng Tào Động ảnh hưởng một thời gian ngắn trong giai đoạn Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán sang Đại Việt [1695-1696]. Riêng thiền phái Lâm Tế truyền sang khoảng những năm cuối thế kỷ XVII.
Qua sưu khảo các tư liệu liên quan, thiền phái Lâm Tế tại Huế đến nay vẫn là cánh đồng chưa được khai thác một cách hệ thống mà chỉ nghiên cứu mang chiều hướng riêng lẻ theo phạm vi một nhánh thiền như bài nghiên cứu của tác giả Thích Thiện Chánh đăng trên tạp chí Liễu Quán số 1 (2014) với tựa “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”, hay đề tài “Ghi chú về Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế dòng Nguyên Thiều Siêu Bạch tại Đàng Trong” của tác giả Thích Đồng Dưỡng đăng trên tạp chí Liễu Quán số 8 (2016) hoặc sách Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh xuất bản năm 2009 của tác giá Thích Như Tịnh. Với đề tài Truyền thừa thiền phái Lâm Tế tại Huế, ngoài tổng hợp thông tin từ việc kế thừa thành quả của các tiền bối, chúng tôi còn mở rộng thêm một số tư liệu mới mà các tác giả trước chưa đề cập.
Thiền phái Lâm Tế Trí Bản Đột Không
Thiền sư Trí Bản (1381-1449) vốn người Trung Hoa, thuộc dòng Lâm Tế thế hệ thứ 25(3) xuất kệ truyền thừa:
Trí Huệ Thanh Tịnh Đạo Đức Viên Minh Chân Như Tánh Hải Tịch Chiếu Phổ Thông Tâm Nguyên Quảng Tục Bổn Giác Xương Long Năng Nhân Thánh Quả Thường Diễn Khoan Hoằng Duy Truyền Pháp Ấn Chánh Ngộ Hội Dung Kiên Trì Giới Định Vĩnh Kế Tổ Tông.
Đến thế hệ 31 thì bắt đầu truyền vào Đại Việt qua bước chân hoằng hóa thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết hành đạo tại Quảng Nam sau phát triển ở miền Bắc, thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm khai sơn chùa Tịnh Quang (Quảng Trị). Thế hệ 32 có thiền sư Minh Châu Hương Hải(4) hành đạo tại đảo Tiêm Bút (cù lao Chàm) ngoài cửa biển Hội An những năm 1665. Tiếng lành đồn xa, chúa Nguyễn Phúc Tần cung thỉnh ngài về núi Linh Thái thuộc cửa biển Tư Dung trú trì chùa Trấn Hải. Về sau, trước sự dèm pha nghi ngờ thiền sư có âm mưu thông đồng với nhà Trịnh Đàng Ngoài, tháng 3 năm Nhâm Tuất [1682], thiền sư cùng với hơn các tử vượt biển ra Vinh. Từ đó dòng thiền này không còn truyền thừa tại Huế mà chỉ phát triển mạnh ở phía Bắc và một số tỉnh khu vực phái Nam như Bình Thuận...
Thiền phái Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy
Như chúng ta đều biết, Lâm Tế là một trong năm tông phái lớn của Trung Hoa và được truyền thừa xuyên suốt qua nhiều thế hệ tổ sư. Với mong ước thiền phái ngày một lớn mạnh, có một lịch sử truyền thừa xuyên suốt để thế hệ sau tiếp hương nối lửa, Lâm Tế đời thứ 21 có thiền sư đạo hiệu Vạn Phong Thời Ủy (1303-1381) biệt xuất ra kệ truyền thừa 4 câu, 20 chữ để làm pháp danh cho môn nhân sau này:
Tổ Đạo Giới Định Tông Phương Quảng Chứng Viên Thông Hành Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.
Năm Đinh Tỵ [1677](5), Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch(6) nối dòng Lâm Tế thứ 33 sang xứ Đàng Trong, dừng chân tại phủ Quy Ninh (tỉnh Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà(7) tạo cơ sở vững chắc cho đạo nghiệp truyền bá Phật pháp của tông Lâm Tế tại nước ta. Theo thứ tự dòng kệ, thiền sư Nguyên Thiều có pháp danh Siêu Bạch, là chữ thứ 2 của câu thứ 3. Các đệ tử nối dòng Lâm Tế thứ 34 của ngài có pháp danh chữ “Minh” như các ngài Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hằng Định Nhiên, Minh Lượng Nguyệt Ân, Minh Vật Nhất Tri.
Tại tổ đình Thập Tháp, đến đời hòa thượng Ngộ Thiệu Minh Lý, nhận thấy pháp kệ sắp dứt, ngài tục kệ thêm bốn câu để cho mạch truyền thừa không bị gián đoạn:
Như Nhật Quang Thường Chiếu Phổ Châu Lợi Ích Đồng Tín Hương Sanh Phước Huệ Tương Kế Chấn Từ Phong.
Hiện tại, nhánh tổ đình Thập Tháp đã đến đời thứ 44, tức là ngang với chữ “Quang” trong tục kệ. Năm Quý Hợi [1683], thiền sư Nguyên Thiều ra Phú Xuân trùng tu(8) chùa Vĩnh Ân, xây dựng tháp Phổ Đồng(9), chúa Nguyễn Phúc Thái kính mộ đạo hạnh của ngài, đổi tên chùa thành Quốc Ân. Năm Ất Hợi [1695], sau khi có công lớn thỉnh được hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Hoa sang Phú Xuân, Thiền sư được chúa ban ân về trú trì chùa sắc tứ Hà Trung, và ẩn tu tại đây cho đến ngày viên tịch. Thiền sư Minh Hằng Định Nhiên kế thế trú trì chùa Quốc Ân và truyền thừa kéo dài cho đến ngày nay. Mạch pháp của tổ sư Nguyên Thiều tại Huế sẽ được trình bày ở phần thiền phái Đạo Mân Mộc Trần.
Dòng Lâm Tế Vạn Phong còn được truyền sang Đại Việt bởi dấu chân truyền bá của tổ sư Minh Hoằng Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm ngày nay). Tổ Tử Dung không rõ đến Thuận Hóa khi nào, chỉ biết ngài Liễu Quán sau khi thọ cụ túc giới [1697] và y chỉ hai năm với tổ khai sơn chùa Từ Lâm, có đến Long Sơn cầu pháp với ngài. Ngoài ra tổ còn có một đệ tử khác đạo hiệu Thiệt Vinh Bửu Hạnh trú trì chùa Viên Tịnh núi Phụng Thùy (nay là chùa Vạn Thiện-Diên Khánh) về sau kế thế trụ trì chùa Ấn Tôn sau khi ngài viên tịch.
Ngoài ra, còn nhánh truyền muộn từ chùa Hải Đức Nha Trang của thiền sư Đạt Khương Viên Giác ra Huế vào đầu thế kỉ XX qua bước chân của hòa thượng Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963) tại tổ đình Hải Đức. Nhánh này hiện nay phát triển rất chậm với tông môn là các chùa như Hải Đức, Quy Thiện, Từ Ân và đến nay đã truyền xuống chữ “Quang”, tức là chữ thứ 3 của tục kệ. Mạch pháp nhánh Hải Đức như sau:
Đời 39: Ngộ Tánh Phước Huệ khai sơn chùa Hải Đức
Đời 40: Chơn Đạo Chánh Thống Bích Phong khai sơn chùa Quy Thiện, Chơn Huệ Chánh Trí trú trì chùa Hải Đức.
Đời 41: Không Tâm Trí Quảng Bích Đàm trú trì chùa Quy Thiện, chùa Từ Ân, Không Cẩn Trí Hải trú trì chùa Hải Đức.
Đời 42: Như Chánh Quán Chơn trú trì chùa Quy Thiện
Đời 43: Nhật Thành Hiền Tịnh trú trì chùa Quy Thiện
Thiền phái Lâm Tế Đạo Mân Mộc Trần
Từ nhánh thiền phái Vạn Phong đến thế hệ thứ 31 có quốc sư Thông Thiên hiệu Hoằng Giác (1596-1674) biệt xuất ra kệ phái mới:
Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.
Thiền phái Đạo Mân Mộc Trần và Vạn Phong Thời Ủy tuy hai nhưng thật là một, bởi thiền sư Nguyên Thiều thừa đương cả hai kệ phái nên có hai pháp danh. Nguyên do là bởi sư ông ngài là thiền sư Đạo Mân Mộc Trần chính là thiền sư Thông Thiên Hoằng giác, bổn sư của ngài ngoài pháp danh Bổn Quả còn có pháp danh là Hành Quả theo dòng kệ Vạn Phong Thời Ủy và Thiền sư Nguyên Thiều còn một pháp danh khác là Siêu Bạch như đã trình bày phần trên. Khi sang Đại Việt truyền đạo sử dụng một lúc hai pháp danh và truyền xuống cho các đệ tử của ngài cũng như thế: thiền sư Minh Giác Kỳ Phương trú trì chùa Thập Tháp còn có pháp danh là Thành Đạo, thiền sư Minh Lượng Nguyệt Ân trụ trì Chùa Phổ Bảo có pháp danh là Thành Đẳng, thiền sư Minh Dung Pháp Thông có pháp danh là Thành Chí…
Thuở trước, hai tổ đình Quốc Ân và Thập Tháp truyền thừa hai kệ phái đến thế hệ thứ tư nhưng sau biến cố Tây Sơn, một số chi phái không có người kế thừa, các đệ tử đời sau lại đặt pháp danh theo một kệ phái. Tổ đình Thập Tháp truyền thừa theo kệ Vạn Phong Thời Ủy và là tổ đình có sự truyền thừa xuyên suốt không bị gián đoạn từ chữ “Minh” đến chữ “Như”. Riêng chùa Quốc Ân tại Huế truyền thừa theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần và đến ngày nay đã truyền đến chữ “Lệ”. Mạch pháp của tổ sư Nguyên Thiều tại tổ đình Quốc Ân như sau:
Đời 34: Minh Hằng Định Nhiên (?-1693)
Đời 35: Phật Thuận Quảng Đức, Thiệt Tánh Trí Hải (?-1805)
Đời 36: Tế Lịch Chánh Văn (?-1817),Tổ Ấn Mật Hoằng (1754-1825), Tế Chánh Bổn Giác (?-1851)
Đời 37:Liễu Thông Huệ Giám (?-1844), Liễu Kiến Từ Hòa (?-1863), Liễu Triệt Từ Minh (?- 1882), Liễu Chơn Từ Hiếu (1814-1890)
Đời 38: Minh Đức Bửu Tích (?-1908)
Đời 39: Như Hán Nguyên Cát (?-1914), Như Thông Đắc Ân (1873-1935), Như Đông Đắc Quang (?-1947)
Đời 40: Hồng Nam Huyền Không (1906-1983) Đời 41: Nhật Minh Diệu Tánh (1921-2020)
Đời 42: Lệ Thành Minh Chơn từ 2020 đến nay
Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán
Thiền phái Lâm Tế truyền vào Đàng Trong nửa cuối thế kỷ XVII qua bước chân hoằng hóa của chư tổ sư người Hán. Từ đó, Phật giáo nước ta bắt đầu phủ lên mình lớp phù sa văn hóa Trung Hoa. Kế thừa truyền thống chư tổ sư thiền phái Trúc Lâm, sau khi được tổ sư Tử Dung khả chứng(10), thiền sư Liễu Quán đã khai sáng dòng thiền mới mang sắc thái riêng của người Việt, phái thiền này về sau thường được gọi là Liễu Quán với kệ truyền thừa:
Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng Tâm Nguyên Quảng Nhuận Đức Bổn Từ Phong Giới Định Phước Huệ Thể Dụng Viên Thông Vĩnh Siêu Trí Quả Mật Khế Thành Công Truyền Trì Diệu Lý Diễn Sướng Chánh Tông Hành Giải Tương Ưng Đạt Ngộ Chân Không.
Căn cứ theo nội dung văn bia tại tháp, thiền sư Liễu Quán có 49 vị đệ tử. Trong số đó có các vị nổi bật như Tế Nhơn Hữu Phỉ (kế thế tổ Liễu Quán trú trì chùa Thuyền Tôn, chùa Báo Quốc), Tế Hiệp Hải Điện (kế thế tổ Tế Nhơn trú trì chùa Thuyền Tôn), Tế Mẫn Tổ Huấn (kế thế tổ Tế Hiệp trú trì chùa Thuyền Tôn), Tế Vỹ Trường Chiếu (khai Sơn chùa Đông Thuyền), Tế Ân Lưu Quang (trú trì chùa Báo Quốc), Tế Phổ Viên Trì (trú trì chùa Viên Thông), Tế Ngữ Chánh Dũng (trú trì chùa Từ Lâm), Tế Huy Quảng Tánh (trú trì chùa Khánh Vân), Tế Quảng Phổ Chấn (khai sơn chùa Bảo Phước, trùng hưng chùa Kim Tiên), Tế Hiển Trạm Quang, Tế Lập Ứng Am (hoằng pháp Bình Định), Tế Hiển Bửu Dương (khai sơn chùa Thiên Bửu thượng, Khánh Hòa),…
Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán tuy ra đời muộn so với các thiền phái khác tại Huế nhưng đã nhanh chóng trở thành thiền phái lớn mạnh nhờ sự hộ trì của các vua chúa, hoàng tộc cùng quan lại đương thời. Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, Huế ngày này được xem là thủ phủ của thiền phái Liễu Quán với hệ thống nhiều ngôi tổ đình lớn như Thuyền Tôn, Báo Quốc, Tây Thiên, Từ Hiếu, Tường Vân… Mạch pháp của tổ sư Liễu Quán tại Huế như sau:
Đời 36: Tế Nhơn Hữu Phỉ (?-1753) kế thế trú trì chùa Thuyền Tôn, chùa Báo Quốc, Tế Hiệp Hải Điện (?-1775) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tế Mẫn Tổ Huấn (?-1778) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tế Ân Lưu Quang trú trì chùa Báo Quốc, Tế Vỹ Trường Chiếu trú trì chùa Đông Thuyền, Tế Phổ Viên Trì trú trì chùa Viên Thông, Tế Ngữ Chánh Dũng trú trì chùa Từ Lâm, Tế Huy Quảng Tánh trú trì chùa Khánh Vân, Tế Cảo (1751-1782) ẩn tu lưu tháp tại thôn Kim Sơn, Hương Thủy.
Đời 37: Đại Nghĩa Chí Hạo trú trì chùa Báo Quốc, Đại Huệ Chiếu Nhiên trú trì chùa Thuyền Tôn, Đại Nguyện Pháp Quang trú trì chùa Viên Giác, Đại Nguyện Viên Đoan trú trì chùa Viên Thông, Đại Quang Huệ Chiếu trú trì chùa Đông Thuyền.
Đời 38: Đạo Minh Phổ Tịnh (?-1816) trú trì chùa Báo Quốc, Đạo Tâm Trung Hậu (?-1834) trú trì chùa Thuyền Tôn, Đạo Minh Huệ Tịnh trú trì chùa Viên Giác, Đạo Thiện Quang Tuấn trú trì chùa Viên Thông.
Đời 39: Tánh Thiên Nhất Định khai sơn chùa Từ Hiếu, Tánh Trạm Quảng Phong trú trì chùa Viên Thông, Tánh Khoát(11) Huệ Cảnh khai sơn chùa Tường Vân, Tánh Huệ Nhất Nguyên khai sơn chùa Huệ Lâm, Tánh Chiêu Nhất Niệm trú trì chùa Báo Quốc, Tánh Khai Nhất Đắc trú trì chùa Thiên Hưng, Tánh Huệ Nhất Chân trú trì chùa Từ Quang (sau khi chuyển sang chùa Tường Vân), Tánh Thông Nhất Trí trú trì chùa Kim Tiên, Tánh Toàn Nhất Thể trú trì chùa Bảo Lâm, Tánh Tịnh Nhất Xương trú trì Thiên Hòa, Tánh Thiện An Cư (?-1862) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tánh Thông Long Hưng trú trì chùa Viên Giác.
Đời 40: Hải Nhuận Phước Thiêm (?-1899) trú trì Thuyền Tôn, Hải Thuận Lương Duyên trú trì chùa Báo Quốc, Hải Thiệu Cương Kỷ trú trì Từ Hiếu, Hải Toàn Linh Cơ trú trì Tường Vân, Hải Nhu Tín Nhiệm trú trì chùa Quảng Tế, Hải Trường Pháp Lữ trú trì chùa Thánh Duyên.
Đời 41: Thanh Minh Tâm truyền trú trì chùa Báo Quốc, Thanh Tâm Phước An khai sơn chùa Thọ Đức, Thanh Ninh Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, Thanh Vân Tâm Thành khai sơn chùa Từ Quang (hiện nay), Thanh Liêm Tâm Thiền trú trì Thuyền Tôn, Thanh Thuật Tâm Minh trú trì chùa Ngọc Sơn, Thanh Đức Tâm Khoan (1874- 1938) trú trì Báo Quốc, Thanh Chân Viên Giác khai Sơn chùa Ba La Mật, Thanh Thái Huệ Minh trú trì chùa Từ Hiếu, Thanh Đức Huệ Nghiêm tăng cang Thiên Mụ, Thanh Tánh Huệ Điểm trú trì chùa Long Quang, Thanh Huy Nguyên Cát trú trì Linh Quang, Thanh Trừng Huệ Đạt trú trì chùa Nam Sơn, Thanh Giáo Huệ Quang trú trì chùa Quang Đức, Thanh Tú Huệ Pháp trú trì chùa Thiên Hưng, Thanh Xán Huệ Khánh trú trì Từ Vân, Thanh Bổn Huệ Lăng trú trì chùa Đức Sơn, Thanh Trí Huệ Giác trú trì chùa Quảng Tế, Thanh Thái Phước Chỉ trú trì chùa Tường Vân.
Đời 42: Trừng Thông Viên Thành (1879-1928) khai sơn chùa Tra Am, Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980) trú trì chùa Tây thiên, Trừng Thành Giác Tiên (1877-1980) trú trì chùa Trúc Lâm, Trừng Huệ Giác Viên (?-1942) khai sơn chùa Thệ Đà Lâm (chùa Hồng Khê), Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979) trú trì chùa Thuyền Tôn, Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938) khai sơn chùa Giác Lâm,Trừng Thanh Giác Bổn (?-1949) trú trì chùa Từ Đàm, Trừng Ba Giác Ngạn khai sơn chùa Kim Đài, Trừng Nguyên Giác Thanh Đôn Hậu (1905-1992) chùa Thiên Mụ.
Đời 43: Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981) khai sơn chùa Vạn Phước, Tâm Địa Mật Khế (1904- 1935) chùa Trúc Lâm, Tâm Nhất Mật Thế (1912- 1961) trú trì chùa Phổ Quang, Tâm Hương Mật Hiển (1907-1992) trú trì chùa Trúc Lâm, Tâm Như Trí Thủ khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam, Tâm Như Mật Nguyện (1911-1972) trú trì chùa Linh Quang, Tâm Phật Thiện Siêu (1921-2001) trú trì chùa Từ Đàm, Tâm Ngộ Chơn Thiện trú trì (1942-2016) trú trì chùa Tường Vân.
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh
Năm Ất Hợi [1695], theo lời thỉnh nguyện của chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Minh Hải Đắc Trí tháp tùng với hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong chứng minh đại giới đàn truyền giới chùa Thiền Lâm. Sau khi hoàn mãn, thiền sư cùng hòa thượng Thạch Liêm về Hội An để kịp xuống tàu về nước tại cù lao Chàm. Tại Hội An, ngài cảm mến vùng đất này và nhận thấy có thể hoằng pháp nơi đây, từ đó, ngài lập am tranh nhỏ quán chiếu tự tâm. Không bao lâu giới đức của thiền sư đã lan rộng khắp vùng, nhiều người tìm đến quy ngưỡng. Nhận thấy nhân duyên hoằng hóa đã đến, ngài chính thức mở đàn giảng pháp, chốn thảo am nhỏ năm nào được ngài xây dựng thành ngôi phạm vũ Chúc Thánh. Đương thời với ngài có hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn-Từ Đàm truyền thừa theo kệ phái Vạn Phong Thời Ủy, riêng ngài vốn gốc từ nhánh này nhưng lại biệt xuất dòng kệ mới đế phát triển theo tông chỉ tu hành mà ngài đã sở đắc. Ngài xuất kệ 8 câu, 4 câu đầu lấy làm pháp danh, 4 câu sau lấy làm pháp tự:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương Ấn Chơn Như Thị Đồng Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu Kỳ Quốc Tộ Địa Trường Đắc Chánh Luật Vi Tông Tổ Đạo Giải Hạnh Thông Giác Hoa Bồ Đề Thọ Sung Mãn Nhân Thiên Trung.
Ngài dùng Chữ đầu bài kệ là chữ “Minh” ứng với pháp danh, chữ đầu câu thứ 5 là chữ “Đắc” ứng với pháp tự của ngài. Và như thế các thế hệ môn đồ về sau theo kệ mà đặt tên như Thiệt Dinh Chánh Hiển, Pháp Chuyên Luật Truyền, Toàn Thể Vi Lương, Chương Như Tông Chí, Ấn Chánh Tổ Tông,…
Thiền phái Chúc Thánh tuy xuất hiện sớm hơn Liễu Quán nhưng chỉ phát triển ở Quảng Nam và một số tỉnh thành phía Nam. Tại Huế, dòng Chúc Thánh xuất hiện vào thời vua Thành Thái từ hòa thượng Chơn Tâm tự Đạo Tánh hiệu Pháp Thân(12) dòng dõi Tuy Lý Vương khai sơn chùa Phước Sơn thôn Vĩ Dạ; hòa thượng Chơn Pháp tự Đạo Diệu hiệu Phước Trí khai sơn chùa An Hội tại Gia Hội. Đến năm Kỷ Sửu [1889], thiền sư Chơn Kim tự Pháp Lâm từ chùa Châu Lâm tỉnh Phú Yên ra kinh đô trùng hưng tổ đình Viên Thông núi Bân.
Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, tại Thừa Thiên Huế có 3 ngôi chùa truyền thừa theo kệ phái Lâm Tế Chúc Thánh. Tuy nhiên, hiện nay chùa Phước Huệ và An Hội không còn truyền thừa theo dòng Chúc Thánh. Duy chỉ còn chùa Viên Thông là vẫn còn kế thừa xuyên suốt, trù trì hiện tại là hòa thượng Đồng Huy hiệu Quảng Tú.
Mạch pháp truyền thừa tại chùa Viên Thông:
Đời 40: Chơn Kim Pháp Lâm
Đời 41: Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện (1896-19924)
Đời 42: Thị Bình Diệu Khai
Đời 43: Đồng Huy Quảng Tú
LỜI KẾT
Huế, xưa vốn là vùng đất của người Chiêm Thành, từ khi quốc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, chúa đã khuyến khích dân di cư vào để lập làng giữ đất, phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là các lưu dân nhà Minh sang Đàng Trong lánh nạn cũng được các chúa sắp xếp, trong đó có các tăng sĩ Phật giáo thuộc dòng thiền Lâm Tế nhánh Dương Kỳ Phương Hội. Từ đó cho đến nay, thiền phái Lâm Tế ngày càng có chỗ đứng trong lòng quần chúng và trở thành biểu tượng khi nhắc về Phật giáo Huế. Thiền phái Lâm Tế khi mới truyền vào Thuận Hóa với 3 kệ phái như Trí Bản Đột Không, Vạn Phong Thời Ủy, Đạo Mân Mộc Trần. Qua quá trình phát triển không ngừng, đã thêm 2 kệ phái khác đó là Liễu Quán và Chúc Thánh.
Hiện tại, mạch truyền thừa của thiền phái Lâm Tế tại Huế đã truyền đến thế hệ thứ 45, 46, 47. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của dòng thiền Lâm Tế tại Huế vẫn còn kế thừa sự nghiệp của chư tổ một cách liên tục và quang rạng. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, càng truyền về sau thì khoảng cách giữa các thế hệ hôm nay càng xa rời cội nguồn của chư tổ. Những tư tưởng mà quý ngài truyền trao lại ngày càng mai một, tinh thần lợi sinh càng ngày càng mất đi. Vì vậy, là kẻ hậu bối kế thừa tông chỉ của Tổ sư Lâm Tế cũng như lịch đại tổ sư truyền thừa, muốn cho Phật pháp ngày một sáng thêm, chúng ta cần phải khắc cốt ghi tâm, phải có trách nhiệm với bản thân và đạo pháp, không ngừng nỗ lực tu tập, sống đời phạm hạnh, nhằm tái hiện lại những giá trị chân thật của chư tổ, ngỏ hầu dìu dắt cho những thế hệ tiếp theo ghi nhớ và thực hành.
Thích Nhật Tấn - Thạc sĩ khóa II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***CHÚ THÍCH: (1) Dòng thiền Tào Động do thiền sư Động Sơn Lương Giới (807 869) sáng lập tại Trung Hoa vào đời Đường. Dưới thời các chúa Nguyễn, dòng thiền này được các du tăng Trung Hoa truyền sang Đàng Trong nước ta, tuy nhiên chỉ truyền xuống theo pháp kệ của ngài Vô Minh Huệ Kinh (1548-1618) mà sử Phật giáo gọi là chi phái Tào Động Thọ Xương (2) Thiền phái Lâm Tế xuất phát từ nhánh của thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền người Hoa Nam, xứ Tào Châu (tỉnh Hà Nam), nhà Đường. Ngài tham học với thiền sư Hy Vận núi Hoàng Bá, sau được ấn chứng và sáng lập ra tông Lâm tế. Tổ tịch những năm 866-867. (3) Căn cứ vào sách Phật Tổ Tâm Đăng (4) Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) vốn là người Áng Độ, Nghi Lộc, Nghệ An. Tổ tiên theo chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Quảng Nam tại làng Bình An thượng, phủ Thăng Hoa. Năm 18 tuổi đỗ Hương cống và được bổ làm tri phủ Triệu Phong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Năm Nhâm Thìn [1652] ngài tìm đến thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ tại chùa Tịnh Quang học Phật và được ban Pháp danh Minh Châu. Ba năm sau, ngài từ quan xin xuất gia. (5) Căn cứ theo nội dung trên văn bia “sắc tứ Hà Trung”, chúa Nguyễn Phúc Chú cho rằng ngài đến Quy Ninh vào năm Ất Tỵ [1665], khi ấy ngài 18 tuổi. Cứ liệu này hoàn toàn là sự nhầm lẫn vì năm 19 tuổi ngài mới xuất gia và đến năm 30 tuổi mới sang Đại Việt, tức năm Đinh Tỵ [1677]. (6) Thiền sư Nguyên Thiều là người Trung Hoa, quê huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Ngài sinh năm Mậu Tý [1648], xuất gia năm 19 tuổi, sang hành đạo Đàng Trong năm Đinh Tỵ [1677], viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân [1728]. (7) Chùa được hoàn thành năm 1680 (8) Theo thông tin từ trước đến nay, thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Quốc Ân nhưng thông tin này không chính xác. Bởi trong chùa VĨnh Ân (tiền thân chùa Quốc Ân) đã có từ trước và thiền sư chỉ là người trùng tu như lời chúa Nguyễn Phúc Chú đã đề cập trong bia ký tại tháp của ngài. (9) Tháp Phổ Đồng là tháp thờ tập thể các vị tăng trong chùa không phải là trú trì. (10) Năm 1712, tổ Minh Hoằng Tử Dung ấn chứng cho thiền sư Liễu Quán (11) Trong nhiều tại liệu hiện nay đều cho rằng ngài Huệ Cảnh pháp danh Tánh Hoạt nhưng căn cứ vào Chánh pháp nhãn tạng của ngài truyền cho đệ tử Hải Toàn Linh Cơ ngày mồng 1 tháng giêng năm Giáp Ngọ [1894] lưu tại tổ đình Tường Vân thì lại chép Tánh Khoát (性闊) (12) Hòa thượng xuất gia với Đại sư Ấn Thiên Huệ Nhãn tại chùa Phước Sơn huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật Giáo xứ Huế, NXB Thuận Hóa, Huế. [2] Thích Thiện Chánh (2014), “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”,Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr 44-48. [3] Thích Đồng Dưỡng (2016), “Ghi chú về Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế dòng Nguyên Thiều Siêu Bạch tại Đàng Trong” , Tạp chí Liễu Quán số 08, tr 99-104 [4] Thích Trung Hậu,Thích Hải Ấn (2016), Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu hông Phật giáo Thuận Hóa. NXB Hồng Đức, Hà Nội. [5] Hà Xuân Liêm (2014), “Tổ sư Liễu Quán qua khảo cứu của các học giả B.A.V.H”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr 36-39. [6] Thích Không Nhiên (2014), “Từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến Thiền phái Liễu Quán,” tạp chí Liễu Quán,số 01, tr 62-67. [7] Trần Đình Sơn (2014), “Những ngôi chùa do Tổ sư Liễu Quán khai sơn,” Tạp chí Liễu Quán, số 01,tr 40-43. [8] Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh. [9] Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng. [10] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam(2014),Phật giáo thời Hậu Lê, NXB Tôn giáo,Hà Nội.
Bình luận (0)