Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Truyền thừa và hoằng pháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đàng Trong

Truyền thừa và hoằng pháp của Tổ sư Nguyên Thiều ở Đàng Trong

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

1. Đặt vấn đề

Thế kỷ XVII – XVIII là khoảng thời gian của sự du nhập và phát triển mạnh mẽ của Phật giáo ở Đàng Trong. Phật giáo Đàng Trong trong diễn trình lịch sử đã đi qua nhiều giai đoạn hình thành, hưng khởi khác nhau và mỗi giai đoạn lại gắn liền với sự hưng khởi của một tông phái nhất định.

Nổi bật trong giai đoạn này là Thiền phái Lâm Tế do vị Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch đã sáng lập và xiển dương ở Đàng Trong. Ngày nay, sau hơn 300 năm nhìn lại quá trình phát triển của Thiền phái Lâm Tế ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, chúng ta thấy được vai trò của Tổ sư đối với việc hoằng hóa, giới thiệu trường phái Lâm Tế đã góp phần làm cho các dòng phái tu hành trên đất nước Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

Thiền phái Lâm Tế được truyền đến nước ta trước tiên do công của vị thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết ở Đàng Ngoài nhưng phải đợi đến khi Tổ sư Nguyên Thiều xuất hiện tại Đàng Trong thì thiền phái Lâm Tế mới tạo được một mạch nối giữa Thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài và Đàng Trong. Để cho kho tàng các dòng phái Phật giáo ở Việt Nam được sinh động, phong phú và thực sự mang lại một sinh khí mới cho sinh hoạt thiền môn cũng như sinh hoạt Phật giáo nói chung. Đó cũng là cách làm cho Phật giáo phát triển phù hợp với các căn cơ và các hệ Tổ phái khác nhau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Truyen thua va hoang phap to su Nguyen Thieu 1

2. Đôi nét về tiểu sử của Tổ sư Nguyên Thiều

Thiền sư Nguyên Thiều họ Tạ, pháp tự là Hoán Bích. Ngài quê ở huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc.

Năm 19 tuổi, Ngài quyết tâm dứt bỏ bụi trần, cát ái từ thân, xuất gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Khoáng Viên. Giai đoạn này, với những chính sách cởi mở nhằm mục đích xây dựng phong hóa, phát triển Phật giáo, Chúa Nguyễn đã dang tay đón các tăng sư, hiền sĩ cũng như lưu dân không phân biệt địa vị xã hội, nguồn gốc xuất xứ, miễn là có thực tâm đóng góp xây dựng Đàng Trong giàu mạnh. Chính vì điều này nên vào năm 1655, Thiền sư Nguyên Thiều đã không quản ngại đường sá xa xôi, theo thuyền buôn đi xa hơn 1000 km từ Trung Quốc sang Việt Nam với mục đích cao cả là hoằng dương giáo pháp của Đức Phật. Như vậy, có thể nói đây là thời kỳ mà cả Vua chúa và những vị tăng hiền đều là những người hết lòng vì sự tồn vong của đạo Phật, sẵn sàng gạt bỏ đi những khác biệt vì quốc gia, dân tộc, cùng hướng đến một mục tiêu cao cả và lớn lao hơn.

Hiện tại nguồn sử liệu danh tăng Phật giáo còn lưu giữ không nhiều, nhất là về năm sinh cũng như năm viên tịch của Thiền sư Nguyên Thiều còn có các ý kiến khác nhau. Vì vậy nên công việc tìm hiểu và nghiên cứu về tiểu sử và hành trạng của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch ở Đàng Trong cũng sẽ còn nhiều chi tiết cần được khảo cứu công phu và khoa học.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Truyen thua va hoang phap to su Nguyen Thieu 2

3. Những đóng góp của Tổ sư Nguyên Thiều trong truyền thừa và hoằng pháp ở Đàng Trong

3.1 Công cuộc truyền thừa và hoằng pháp ở Đàng Trong của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch

Khi đặt chân đến nước ta, đầu tiên ngài đã đến phủ Qui Ninh (nay là tỉnh Bình Định), dừng chân tại khu đồi Long Bích, cạnh thành Đồ Bàn thuộc làng Thuận Chánh (nay là Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) và bước đầu thực hiện công cuộc “khai sơn lập tự” ở chốn Đàng Trong này.

Nhận thấy nơi đây có nhiều vượng khí, cảnh trí lại u nhã nên ngài liền dựng lập một ngôi chùa đặt tên là Thập Tháp Di Đà để làm cơ sở truyền bá Phật Pháp. Chùa tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn. Sở dĩ sau chùa có mười ngôi tháp Chàm cổ kính cho nên chùa được gọi là Thập Tháp. Còn “Di Đà” là danh hiệu của Đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc, cũng có nghĩa là lý tính, bản giác của chúng sinh. Chính vì những ý nghĩa đó mà chùa đã được thiền sư đặt tên là Thập Tháp Di Đà. Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí chép rằng chùa này được hoàn tất vào năm 1683 sau nhiều năm xây dựng. Thập Tháp Di Đà chính là ngôi cổ tự đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp ở Đàng Trong của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch. Cũng năm đó, năm Quí Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa thứ 4, sau khi xây dựng chùa Thập Tháp hoàn thành, Tổ sư Nguyên Thiều không quản khó khăn, vất vả, đã vội vã lên đường ra Xuân Kinh theo lời mời của Chúa Hiền để hoằng dương Phật pháp tại vùng đất Thuận Hóa. Còn ngôi chùa Thập Tháp thì được Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên thừa đương Phật sự, tiếp tục duy trì, dạy dỗ tăng chúng thay cho vị Tổ sư.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Truyen thua va hoang phap to su Nguyen Thieu 3

Khi vào đến vùng đất Thuận Hóa, với nỗ lực không ngừng kiến lập thuận duyên cho chúng sinh, Tổ sư Nguyên Thiều đã đi đến cửa biển Tư Dung thuộc huyện Phú Lộc và dựng lập ngôi chùa Hà Trung ngay tại nơi đây. Rồi sau đó, Ngài khai sáng chùa Quốc Ân (tức Tổ đình Quốc Ân ở Huế ngày nay) và dựng tháp Phổ Đồng tại chân đồi Hòa Thiên, phía tả núi Ngự Bình để làm cơ sở truyền bá Phật pháp.

Buổi đầu, những ngôi chùa ở Đàng Trong là những am nhỏ được Thiền sư Nguyên Thiều và các đệ tử cất tạm bằng cây lá có sẵn giữa những vùng hoang vắng để tu. Khi lưu dân đến định cư tương đối đông, cuộc sống dần ổn định, chùa được xây dựng kiên cố hơn, ngày càng khang trang hơn, hoạt động nhộn nhịp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng. Thiền sư cùng với lưu dân đã chung tay khai vỡ đất hoang, tạo lập cuộc sống, tu bổ nhà chùa để hoằng dương Phật pháp.

Chính những ngôi chùa do vị Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch “khai sơn tạo tự” đã tạo tiền đề cho Phật giáo bám rễ vững chắc trên vùng đất mới. Có thể nói, Phật giáo ở Đàng Trong thời kỳ này đã hòa vào đời sống nhân gian, chung tay xây dựng cuộc sống và hoằng dương chính pháp, giúp người dân vượt qua khó khăn hoạn nạn, góp phần ổn định cuộc sống.

Năm 1688, một lần nữa không quản ngại đường xá xa xôi cách trở, Tổ sư Nguyên Thiều đã vâng mệnh chúa Nguyễn – Nguyễn Phúc Trăn trở về Quảng Đông – Trung Hoa với mục đích mời một số cao tăng sung vào ban thập sư truyền giới cho giới tử. Đồng thời cũng là để thỉnh những pháp khí như tràng phan, chuông, mõ cần thiết cho giới đàn.

Trong lần trở lại Đại Việt này, có các thiền tăng cùng sang theo như: Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hành Tại Tại, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí (?). Sau đó, Tổ sư Nguyên Thiều đã đứng ra khai mở giới đàn để “truyền đăng tục diệm” hoằng dương chính pháp. Từ đó, phái thiền Lâm tế bắt đầu được truyền bá rộng rãi khắp cả một xứ Thuận Hóa. Về sau, những đệ tử của Tổ sư còn chia nhau đi vào tận những miền đất phía Nam của đất nước với sự nghiệp cao cả là hoằng dương chính pháp, tích cực phổ biến tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật qua các công tác Phật sự thực tiễn.

Với sự nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, có thể thấy Thiền sư Nguyên Thiều là một vị thiền sư xả thân vì đạo với mục đích cao cả là phát triển Phật giáo để làm sao vừa giữ được giềng mối đạo trang nghiêm, vừa phát huy được diệu lực thù thắng của giáo pháp Phật Đà ngay giữa đời thường. Một mặt giữ đạo, mặt khác đem đạo vào đời.

Vào những năm cuối của cuộc đời, vị Thiền sư Nguyên Thiều với phẩm hạnh cao quý ấy, đã lui về sống và trụ trì tại chùa Hà Trung, một trong những ngôi chùa đầu tiên Ngài đã dựng lập nơi cửa biển Tư Dung yên bình. Nơi đã chứng kiến biết bao sự vất vả, nhọc nhằn và những giọt mồ hôi của vị thiền sư đáng kính trong những ngày đầu của sự nghiệp hoằng hóa và xiển dương Phật pháp ở Đàng Trong.

Trụ trì tại chùa Hà Trung không bao lâu thì Thiền sư Nguyên Thiều viên tịch. Thụy hiệu Hạnh Đoan Thiền Sư là do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng sau khi ngài đã mất. Trước khi ra đi, ngài bèn triệu tập môn đồ tứ chúng, di chúc mật ngữ, cầm bút viết bài kệ rằng:

Lặng lẽ gương không chiếu bóng
Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình
Rõ ràng Vật không phải Vật
Mênh mông Không chẳng là Không.

(Tịch tịch cảnh vô cảnh
Minh minh châu bất dung
Ðường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không).

3.2. Dấu ấn của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo ở Đàng Trong

Công cuộc “khai sơn lập tự” suốt nhiều năm ròng miệt mài, bền bỉ của Thiền sư Nguyên Thiều đã tạo ra một cột mốc quan trọng cho sự nghiệp hoằng dương Phật giáo ở Đàng Trong. Tuy Tổ sư Nguyên Thiều là người Trung Hoa, nhưng suốt cuộc đời ngài lại hoằng truyền chính pháp ở lãnh thổ Đàng Trong của nước Đại Việt. Có thể nói Ngài chính là hiện thân cho tinh thần từ bi, vô ngã, hòa đồng của đạo Phật, cả một đời tận tụy cho sự hoằng hóa, độ sanh để duy trì mạng mạch Phật pháp mà không vướng bận đến sự khác biệt về quốc gia hay dân tộc. Ngài đã thực hiện được lời dạy của Đức Phật. “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Trường Bộ).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Truyen thua va hoang phap to su Nguyen Thieu 4

Tính đến nay, thiền phái Lâm Tế do ngài Nguyên Thiều truyền đến đã hiện diện tại nước ta trên ba thế kỷ, các thế hệ kế tục ngài cũng đã khai tông lập phái và làm cho suối nguồn Lâm Tế ngày càng xương thịnh, phát triển rộng khắp từ Bắc chí Nam. Bên cạnh đó, với sự đan xen văn hóa Việt – Hoa đã tạo nên nét riêng biệt cho Phật giáo ở thời kỳ này. Ở đây, Phật giáo đã hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian Việt Nam để biến thành một tôn giáo của nhân dân, của tất cả cộng đồng cư dân không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ cũng như dân tộc. Và ngược lại, chính Phật giáo là cầu nối tâm linh đặc biệt giúp cho sự hòa hợp, hòa quyện văn hóa giữa các dân tộc được diễn tiến một cách vô cùng thuận lợi, từ đó phát huy được tính “từ bỉ hỉ xả” bao dung rộng lượng trong chính sách đối xử với người Hoa của các Chúa Nguyễn về lâu dài.

Phật giáo ở Đàng Trong, trong quá trình diễn tiến của nó đã có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Dòng thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam và phái Tào Động, Lâm Tế đã chuyển hóa đan xen với nhau tạo ra sự phong hóa của Phật giáo Đàng Trong, chi phái mới Liễu Quán hình thành và phát triển trên cơ sở của sự hòa hợp các thiền phái này là một minh chứng tiêu biểu cho sự đan xen văn hóa thời kỳ đầu.

Hòa thượng TS. Thích Gia Quang
Phó chủ tịch HĐTS – GHPGVN
Trụ trì chùa Liên Phái – Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021

————————-

Tài liệu tham khảo
1. Chương 22 Thiền Phái Lâm Tế và Phật Giáo Đàng Trong, link: http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-22-thien-phai-lam-te-va-phat-giao-dang-trong?set_language=vi
2. Trang web Phật học online.
Link: http://www.phathoc.net/mobile/default.aspx?CategoryID=11500&ContentID=7BE652&Page=3
3. Báo Bình Định: Thập tháp Di Đà Tự, danh lam trời Việt.
Link: http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2004/12/16862/
4. Báo Phật giáo Việt Nam
Link: http://pgvn.vn/van-hoa/201605/Lieu-Quan-so-8-Chuyen-de-ve-To-su-Nguyen-Thieu-58990/
5. Trang Wikipedia
Link: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyên_Thiều
6. Trang web festival Huế
Link: http://www.huefestival.com/?cat_id=115&id=227#.V0f0dWAxFao
7. http://kxhnv.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/103/1267/su-du-nhap-va-phat-trien-phat-giao-dang-trong-the-ky-xvii-xviii-nhin-tu-phuong-dien-tiep-xuc-van-hoa-ts.-tran-xuan-hiep

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường