Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Công đức của một số vị thiền sư tiêu biểu đối với việc khắc ván in kinh sách ở Bắc Ninh thế kỷ XVIII-XIX

Công đức của một số vị thiền sư tiêu biểu đối với việc khắc ván in kinh sách ở Bắc Ninh thế kỷ XVIII-XIX

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Quá trình tìm hiểu Phật giáo ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy ở vùng này trước đây nhiều ngôi chùa có cơ sở in kinh sách và có số lượng mộc bản rất lớn, như chùa Đại Giác, chùa Đại Tráng (Tp.Bắc Ninh), chùa Phù Lãng (Quế Võ),… Công lao tạo dựng những cơ sở khắc ván in kinh sách đó trước hết là của những vị tăng sĩ trụ trì các ngôi chùa sở tại và có sự đóng góp công sức của đông đảo tín đồ phật tử trong vùng. Bài viết này góp phần phản ánh tình hình khắc ván in kinh sách của một số cơ sở thờ tự Phật giáo tỉnh Bắc Ninh trong thời gian thế kỷ XVIII- XIX và công lao đóng góp của một số vị cao tăng tiêu biểu.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2016 Cong duc cua mot so vi thien su tieu bieu o Bac Ninh 1

1. Tại một số ngôi chùa ở Bắc Ninh đã từng xuất hiện và tồn tại nhiều kho mộc bản lớn

Theo chúng tôi được biết, vào thời Lê – Nguyễn, không ít ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh có cơ sở in kinh sách của Phật giáo, các loại sách thuốc và các sách kinh điển của Nho giáo. Căn cứ vào các dòng lạc khoản của các bộ kinh sách đã được in ra, chúng tôi cho rằng, tại các ngôi chùa sau đây của tỉnh Bắc Ninh đã từng có hoạt động in kinh sách và có kho mộc bản lớn: chùa Tiêu Sơn (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn), chùa Đại Giác (khu Bồ Sơn phường Võ Cường, Tp.Bắc Ninh), chùa Phù Lãng (xã Phù Lãng huyện Quế Võ), chùa Đại Tráng (phường Đại Phúc, Tp.Bắc Ninh), chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) và có thể có nhiều ngôi chùa khác khác nữa.

Thế nhưng cho đến gần đây, rất nhiều ngôi chùa vốn trước đây là cơ sở in kinh sách đã không còn một miếng ván khắc nào. Đây là một khoảng trống rất lớn trong đời sống văn hóa tôn giáo của một địa phương và cũng là thiệt thòi rất lớn cho giới tăng sĩ và những người làm công tác nghiên cứu văn hóa nói chung và nghiên cứu Phật giáo nói riêng.

2. Sơ lược về chủng loại và cách thể hiện các loại ván khắc tại các kho mộc bản ở Bắc Ninh trước đây

Về mặt nội dung, các loại ván khắc tại một số cơ sở thờ tự Phật giáo ở Bắc Ninh là các loại kinh sách nhà Phật (Kinh, Luật, Luận, chú, sớ, lục,…), các loại sách thuốc (như Hải Thượng y tông tam lĩnh, Dương án, âm án,…), các loại sách nho, y, lý số,… và thơ văn

Về cách thể hiện, căn cứ các bộ sách đã được in ấn tại một số ngôi chùa cổ, chúng tôi thấy, đa số các bộ ván khắc có kích thước lòng 20 x 29 cm, nhưng cũng có bộ ván khắc có kích thước rộng 58 x 22,5 cm (phẩm Phả môn, bộ ván khắc ở chùa Phúc Long xã Phù Lãng huyện Quế Võ). Ở khoảng giữa mỗi ván khắc (dọc theo hàng chữ) có một khoảng dành để khắc tên sách, số tờ. Tờ gần cuối có khắc niên đại khắc ván, người soạn (nếu là các loại chú, sớ, lục tán và thơ văn), người viết chữ và người khắc ván. Ở trang cuối có khắc hình một vị mặc giáp trụ, đội mũ trụ, hai tay nâng thanh bảo kiếm trước ngực, trụ uy nghi trong đám mây. Đó chính là Vi Đà tôn thiên, một vị có công hộ trì việc san khắc in ấn kinh sách nhà Phật.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2016 Cong duc cua mot so vi thien su tieu bieu o Bac Ninh 2

Các con chữ Hán Nôm được khắc trong các bộ mộc bản thường tương ứng với cỡ chữ 26 hoặc 28 đậm font Chu Hán Khải của bộ gõ chữ Hán hiện nay. Những con chữ ở những dòng chú thích trong văn bản được khắc nhỏ hơn.

3. Công lao tạo dựng cơ sở khắc ván in kinh sách của một số vị thiền sư tiêu biểu

3.1. Thiền sư Như Trí ở chùa Thiên Tâm (tức chùa Tiêu Sơn) và việc san khắc ván in

Vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 đời vua Lê Dụ tông (1715), thiền sư Như Trí (hiện còn nhục thân được thờ trong khám tại chùa Tiêu Sơn) trụ trì chùa Thiên Tâm (nay thuộc thôn Tiêu Sơn xã Tương Giang thị xã Từ Sơn) là người đứng ra tổ chức việc san khắc bộ mộc bản Thiền uyển tập anh. Tham gia vào công việc san khắc có 15 đệ tử của thiền sư. Đó là các vị sa di: Tính Tảo, Tính Xuyến, Tính Trung, Tính Huy, Tính Kiến, Tính Bản; các vị thiện nam: Tính Phận, Tính Thành, Tính Từ, Tính Hưng, Tính Minh, Tính Thủy, Tính Phụng và hai thiện nữ: Diệu Tặng, Diệu Đạo. Bộ mộc bản này được san khắc có lẽ dựa theo sách Thiền uyển tập anh ngữ lục của thời Trần. Bộ mộc bản Thiền uyển tập anh do thiền sư Như Trí tổ chức san khắc có 62 ván khắc, mỗi ván có 22 hàng chữ, mỗi hàng có 16 chữ. Bộ mộc bản quí giá này hiện nay không còn một mảnh nào ở chùa Thiên Tâm.

3.2. Chùa Đại Giác (Bồ Sơn Võ Cường, Tp.Bắc Ninh) đã từng có kho mộc bản lớn

Chùa Đại Giác được xây dựng trên núi Bồ Sơn (nay thuộc khu Bồ Sơn phường Võ Cường Tp.Bắc Ninh) trước đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng là có cảnh quan đẹp. Trong thời kỳ Hòa thượng Phúc Điền trụ trì ở đây, ngài đã tổ chức san khắc ván in kinh sách của Phật giáo và một số sách khác.

Hòa thượng Phúc Điền sinh năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 đời vua Lê Hiển tông (1784), họ Võ, người Sơn Minh (nay thuộc Tp.Hà Nội). Năm 12 tuổi xuất gia tu Phật tại chùa Thịnh Liệt (nay thuộc Tp.Hà Nội). Năm 20 tuổi (1803), ngài thụ giới cụ túc rồi trụ trì chùa Pháp Vân xã Phù Ninh (nay thuộc Tp.Hà Nội). Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) khai sơn chùa Đại Giác (nay thuộc khu Bồ Sơn phường Võ Cường Tp.Bắc Ninh). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) khai sơn chùa Phú Nhi (nay thuộc Tp.Hà Nội). Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), khai sơn chùa Liên trì (nay thuộc Tp.Hà Nội), năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), khai thiên chùa Báo Thiên (Hà Nội). năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngài trụ trì và đứng ra tổ chức xây dựng chùa Liên Tông (Hà Nội).

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2016 Cong duc cua mot so vi thien su tieu bieu o Bac Ninh 3

Vào những năm giữa niên hiệu Minh Mệnh, tăng sĩ Phúc Điền được gọi vào kinh đô Huế dự kỳ thi sát hạch về nghĩa lý kinh tạng và được cấp giới đao và độ điệp. Trong dịp này, ngài có điều kiện tìm hiểu việc chính sách của triều đình đối với Phật giáo, lịch sử phát triển Phật giáo của các tỉnh phía Nam. Ngài viên tịch ngày 16 tháng 11 năm Quí Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863). Đệ tử của ngài có nhiều, trong đó có nhiều người nổi tiếng trong thiền môn, như: Thông Vinh, An thiền, Phổ Tịnh,…

Những kinh sách mà Hòa thượng Phúc Điền tổ chức san khắc tại chùa Bồ Sơn là:

– Dược sư kinh

– Diệu pháp liên hoa kinh

– Thiền uyển kế đăng lục (gồm quyển tả và quyển hữu). Bộ ván khắc này có kích thước 36 x 25 cm, các con chữ trong bộ ván khắc tương đương với cỡ chữ 28 font Chu Hán Khải của bộ gõ chữ Hán hiện nay. Trong bộ ván khắc này, có nhiều ván khắc tranh các vị Hòa thượng được đề cập trong đó ở tư thế khác nhau với nét khắc rất sống động.

Công việc san khắc bộ Thiền uyển kế đăng lục được hoàn thành vào ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859) tại Bồ Sơn, bản văn do Hòa thượng Phúc Điền soạn, trông coi việc san khắc do Giám tự Phương Viên thực hiện; người hưng công là Chưởng Lãnh binh tỉnh Sơn Tây Lê Thuận Chiếu pháp danh Đại Tuệ; người viết chữ là Môn nhân Văn Đường.

– Khóa hư lục của Trần Thái tông,

– Chư tổ lục,

– Thánh đăng lục

– Hoa nghiêm kinh,

– Đại giới điệp,

– Cựu bản Phật kế tổ đăng

– Hộ pháp luân quốc âm bản

– Trúc song quốc âm bản

– Thiền lâm bảo huấn quốc âm bản

– Phóng sinh giới sát văn (khắc năm Tự Đức thứ 5- 1852)

Và nhiều bộ mộc bản khác.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, vào những năm Hòa thượng Phúc Điền trụ trì và tổ chức san khắc mộc bản ở chùa Đại Giác, số ván khắc có khối lượng rất lớn. Khi các tòa nhà chứa ván khắc đã không còn chỗ chứa, Hòa thượng đã mở thêm cơ sở khắc in ở chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Đại Lâm huyện Yên Phong).

Tiếp tục truyền thống san khắc mộc bản của thầy nghiệp sư là Hòa thượng Phúc Điền, thiền sư An Thiền sau đó tổ chức san khắc bộ Đạo giáo nguyên lưu (khắc năm Thiệu trị thứ 5- 1845) gồm 332 tấm ván khắc.

Hiện nay, tất cả các bộ mộc bản rất quí giá này ở chùa Đại Giác đều không còn.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2016 Cong duc cua mot so vi thien su tieu bieu o Bac Ninh 4

3.3. Kho mộc bản chùa Phúc Long (thôn Trung, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) trước đây

Căn cứ vào một số ấn phẩm mà chúng tôi sưu tầm được tại chùa Phúc Long (nay thuộc thôn Trung xã Phù Lãng huyện Quế Võ), như Hàn Sơn tử thi tập thì tại ngôi cổ tự này trước đây là cơ sở san khắc mộc bản lớn trong vùng. Bộ ván khắc Hàn Sơn tử thi tập có 122 tấm với số đo của mỗi tấm là 27 x 21 cm, tương ứng với 122 tờ, mỗi tấm được khắc 16 hàng, mỗi hàng có 18 chữ Hán cỡ lớn (tương đương với cỡ chữ 28 đậm của font Chu Hán Khải bộ gõ chữ Hán). Tại giữa ván khắc có ghi tên sách và số thứ tự ván khắc. Bộ ván khắc được hoàn thành vào ngày tốt tháng 7 năm Khải Định nguyên niên (1916). Ván khắc cuối cùng ghi rõ họ tên người khắc là Phạm Văn Chỉ người xã Liễu Tràng, tàng bản tại chùa Phúc Long thôn Trung xã Phù Lãng tổng Phù Lương huyện Quế Dương phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

3.4. Kho mộc bản chùa Đại Tráng (phường Đại Phúc, Tp.Bắc Ninh) trước đây

Khoảng 20 năm trước đây, chúng tôi có về chùa Đại Tráng để tìm hiểu về kho mộc bản được lưu giữ tại ngôi chùa này, thì được ông Nguyễn Ngọc Uyển (sinh năm 1937), người phường Đại Phúc cho biết: trước đây, chùa Đại Tráng có nhiều tòa nhà chứa ván kinh. Nhưng trước khi lính Pháp ở thị xã Bắc Ninh và vùng lân cận rút đi (năm 1954), không biết người ở đâu đến chùa, chất các bộ ván khắc lên mấy ô tô tải phủ bạt chở đi đâu không biết. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cán bộ Bảo tàng Hà Bắc đến thống kê và mang về thị xã Bắc Giang những bộ ván khắc còn lại của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Vì vậy, cho đến nay, chùa Đại Tráng không còn tấm ván khắc nào.

Chùa Đại Tráng tọa trên đỉnh của một quả núi thấp ở phía Đông Nam thành phố Bắc Ninh. Thời kỳ lính Pháp còn chiếm đóng tỉnh Bắc Ninh, chúng đã xây bốt rất kiên cố trong khuôn viên chùa. Sau này, một số đơn vị của Bộ Thủy lợi cũng đóng trụ sở ở đây. Những thông tin mà ông Nguyễn Ngọc Uyển cho chúng tôi biết cách đây hơn 20 năm cũng có thể tin được, vì ông là người địa phương lại tận mắt chứng kiến cảnh mấy ô tô chuyển khối mộc bản ấy đi.

Người có công tạo dựng và chỉ đạo công việc khắc ván in kinh sách ở chùa Đại Tráng là vị Lưỡng quốc Hòa thượng Thích Thanh Cao. Ngài quê làng Mạc Xá huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Khi trụ trì chùa Đại Tráng (nay thuộc phường Đại Phúc Tp.Bắc Ninh), Hòa thượng Thích Thanh Cao tổ chức quyên góp kinh phí để khắc ván in các bộ kinh điển Phật giáo (bộ “Diệu pháp liên hoa kinh”, “Dược sư”, “Lương hoàng thủy sám”, các sách thuốc của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và một số sách thơ văn.

Lưỡng quốc Hòa thượng Thích Thanh Cao viên tịch ngày 22 tháng 10 năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1896). Di cốt của ngài hiện được tàng trong tháp Thanh Mạc trong khuôn viên chùa Đại Tráng.

3.5. Kho mộc bản chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành)

Hiện nay, tại chùa Dâu chỉ còn bộ mộc bản duy nhất là bộ Cổ Châu Phật bản hạnh. Bộ ván khắc này do Thiền sư Tính Mộ trụ trì chùa Dâu thuê thợ khắc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 (1753). Bộ ván khắc này có 21 tấm, có kích thước 22 x 15 cm, mỗi ván khắc 12 hàng chữ, mỗi hàng khắc một câu lục và một câu bát bằng chữ Nôm. Bộ ván khắc này được nhà chùa bảo quản trong tủ gỗ, có khóa cẩn thận. Có lẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đây là bộ ván khắc cổ nhất và duy nhất còn được lưu giữ trong một cơ sở thờ tự Phật giáo .

Về hành trạng và công đức của Thiền sư Tính Mộ, văn bia “Thừa Bình tháp ký” (do Hòa thượng Tính Điều Điều soạn) được gắn trên tháp Thừa Bình ghi chép như sau:

Thiền sư sinh năm Bính Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 đời Lê Dụ tông (1706) tại làng Bình Ngô huyện Gia Định trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã An Bình huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), thế danh là Vương Doanh. Năm Bính Ngọ niên hiệu bảo Thái thứ 7 (1726), xuất gia đầu Phật tại chùa Thành Đạo. Năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), theo thầy nghiệp sư về chùa Ninh Phúc (tức chùa Bút Tháp). Thầy nghiệp sư vốn là pháp tôn của sư tổ Long Động và là pháp tử của sư tổ Thiên Tâm chùa Tiên Du (tức chùa Phật Tích).

Năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734), thiền sư về chùa Diên Ứng (chùa Dâu), thụ cụ túc giới với Hòa thượng Tịnh Huyền và được đặt pháp danh là Tính Mộ.

Thiền sư là người mẫn cán, siêng năng, khiêm hòa, được thầy nghiệp sư và tứ chúng cử làm Trưởng tọa đạo tràng, trông coi công việc bản tự, sau, trở thành vị tổ thứ nhất của sơn môn Dâu.

Năm Mậu Ngọ niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), nhờ có sự trợ duyên của một vị đại đàn na là Kiên Thọ hầu Vũ Hà Trang, thiền sư đứng ra lo liệu tu tạo tháp Hòa Phong.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 5.2016 Cong duc cua mot so vi thien su tieu bieu o Bac Ninh 5

Năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752), thiền sư đã huy động sự đóng góp của thập phương để khắc hai bộ ván in “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục” gồm 21 ván khắc và “Cổ Châu Phật bản hạnh” gồm 21 ván khắc.

Năm Ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1755), thiền sư viên tịch tại chùa, hưởng thọ 50 tuổi, xuất gia tu hành 30 năm. Các đệ tử trà tỳ, thu xá lỵ tàng vào tháp Thừa Bình.

Thiền sư truyền dạy được 13 đệ tử đắc đạo là: Hải Mật, Hải Lệ, Hải Tố, Diệu Viên, Hải Nhậm, Hải Bạch, Hải Dật, Diệu Thận, Hải Thân, Hải Ứng, Hải Dị, Diệu Yên, Diệu Triêm.

Ngày Trung tuần tháng quí Thu Năm Bính Tý niên hiệu Cảnh Hưng (ngày 15 tháng 9 năm 1756).

4. Một vài suy nghĩ và kiến nghị về việc bảo quản mộc bản ở Bắc Ninh

Trước tình hình các bộ mộc bản ở nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo ở Bắc Ninh hầu như đã không còn, chúng tôi có mấy suy nghĩ và kiến nghị về việc bảo quản mộc bản như sau:

4.1. Do đặc điểm của chất liệu ván khác, cách bảo quản mộc bản không giống cách bảo quản các vật liệu gốm, sứ; không giống cách bảo quản kinh sách được in trên giấy (vì mộc bản thường được chế tác từ gỗ thị, mềm, dễ bị mục, chuột gặm, mối xông, dễ cháy, khác chất liệu gốm, sứ), nên:

Thứ nhất, không thể để ngoài trời, mà phải được bảo quản nơi kín đáo, thoáng, cao ráo, tránh nơi ẩm thấp, tránh bị thấm nước

Thứ hai, mộc bản cồng kềnh hơn kinh sách được in trên giấy nên cần có không gian bảo quản đủ rộng;

4.2. Vì các con chữ Hán (hoặc Nôm) được khắc trên ván là ngược (để in ra sẽ là xuôi), nên những người không đọc được cổ ngữ và kể cả những người tương đối thông thạo cổ ngữ, nếu không in ra, cũng sẽ khó khăn khi tiếp cận với văn bản, (nếu kinh sách in trên giấy cứ mở sách ra là đọc được, thì mộc bản phải in ra giấy, khi đó, người tiếp cận văn bản mới hiểu được nội dung), nên:

Thứ nhất, việc sắp xếp trật tự của mỗi loại mộc bản phải thật khoa học;

Thứ hai, vì các con chữ được khắc trên gỗ thị mền, mảnh, trải qua hàng trăm năm, rất dễ bị sứt, mất, nên sử dụng ván khắc phải thật nhẹ nhàng, cần thận.

4.3. Do chính sách và cao trào bài trừ mê tín dị đoan và chống phong kiến trong quần chúng nhân dân trước đây, do hạn chế về hiểu biết của người dân, số phận nhiều kho mộc bản tại các chùa cũng giống như số phận các pho tượng và đồ thờ đã không có cơ hội tồn tại; hơn thế nữa, nếu tượng Phật bằng gỗ không ai dám cho vào bếp làm chất đốt thay rơm rạ, than củi thì mộc bản là là đối tượng đầu tiên được chẻ ra làm chất đốt thay cho các loại chất đốt truyền thống. Mặt khác, nếu nhiều bia đá trong thời kỳ đó được sử dụng làm nắp cống, làm vật độn nền nhà, làm công cụ đập lúa,… thì có không ít mộc bản được sử dụng làm ghế cóc, đòn kê thái rau thái bèo,…rất thảm hại,…

Vì vậy, để kịp thời không để các bộ mộc bản tiếp tục bị biến mất do sự vô ý thức của con người và do sự tàn phá của thiên tai, chúng tôi đề nghị: các cơ quan học thuật ở Trung ương, các cơ quan chuyên môn của các địa phương cần có phương án bảo quản, sưu tầm, khai thác tất cả các loại mộc bản có trong các tư gia, các cơ sở thờ tự tôn giáo ở trong và ngoài nước. Vì đây là tư liệu độc bản, có giá trị văn hóa, giá trị lịch sử rất quí mà nếu để mất đi, có thể chúng ta sẽ mất đi nhiều tư liệu quan trọng.

Tác giả: Nguyễn Quang Khải
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2016

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường