Trang chủ Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ phật tử qua kinh Trường Bộ

Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ phật tử qua kinh Trường Bộ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: ĐĐ.Thích Nhuận Giác
Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

Dẫn nhập

Bậc cổ đức có dạy: “Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm”. Đây là câu nói được lưu truyền qua các thế hệ, cũng là cách phân chia, xác chứng nhiệm vụ giữa tu sĩ và cư sĩ phật tử, để cùng chung tay đóng góp cho ngôi nhà chung “chính pháp” được tồn tại lâu dài giữa thế gian.

Để chính pháp tồn tại lâu dài giữa thế gian là điều mong muốn tột cùng của người con Phật, nhưng làm thế nào để hộ trì chính pháp, vai trò và trách nhiệm của người con Phật đối với việc hộ trì chính pháp như thế nào, đây là điều cần thiết phải làm rõ.

Cư sĩ phật tử là một trong bốn chúng đệ tử của đức Phật, có vai trò rất lớn đối với sự tồn vong của chính pháp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cư sĩ phật tử vẫn còn thờ ơ, lãnh đạm, thậm chí không hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc hộ trì chính pháp.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin mạo muội mạn đàm về Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ, phật tử qua kinh Trường bộ để cho hàng cư sĩ, phật tử thấy rõ được tinh thần hộ trì chính pháp, vai trò, trách nhiệm của mình đối với chính pháp mà đức Thế Tôn đã dày công thuyết giảng.

1. Sự hình thành cư sĩ, phật tử trong Phật giáo

Khi chưa thành lập Tăng đoàn, người Quy y Nhị Bảo đầu tiên là hai anh em lái buôn tên là Tappussa (Đề vi) và Bhallika (Ba lý)[1]. Hai vị này là những cư sĩ đầu tiên đã cúng dường vật thực đến đức Phật sau khi Ngài thành đạo. Hai anh em thường nghe Phật thuyết pháp. Sau này, anh chứng quả Dự Lưu, người em xuất gia và chứng quả A la hán.

Cận sự nam quy y Tam Bảo đầu tiên là thân phụ của Ngài Yasa [2], cận sự nữ đầu tiên là Sujātā (thân mẫu của Ngài Yasa) và con dâu của bà [3]. Khi nghe đức Phật tuần tự thuyết Pháp, cả ba cư sĩ phật tử Quy y Tam Bảo đầu tiên này đều chứng đắc Dự Lưu quả, có được lòng bất động vào Tam Bảo.

Kinh Trường bộ là nơi quy tập của rất nhiều cư sĩ phật tử, đủ mọi thành phần, thậm chí có cả chư Thiên và Dạ-xoa. Việc hộ trì chính pháp cũng vô cùng phong phú và đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau. Người viết đã khảo sát qua 34 bài kinh, chia ra thành hai nhóm: Cư sĩ, phật tử tiêu biểu trong kinh Trường bộ; những thiện nam tín nữ chưa xác định quy y Tam Bảo, nhưng có xuất hiện trong kinh cùng với những việc làm thiết thực để hộ trì chính pháp như nghe Pháp, cúng dường…

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Kinh Truong Bo 1

Qua thời gian nghiên cứu, với nhiều phương pháp khác nhau, người viết có tìm thấy một số cư sĩ Phật tử tiêu biểu trong kinh Trường bộ như sau:

Kinh số 2: Ajtasattu, Jìvaka Komàrabhacca.

Kinh số 3: Pokkharasti (Bà-la-môn).

Kinh số 4: Soṇadaṇḍa (Bà-la-môn).

Kinh số 5: Kūṭadanta (Bà-la-môn).

Kinh số 9: Poṭṭhapāda (du sĩ ngoại đạo).

Kinh số 10: Thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta.

Kinh số 11: Cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha.

Kinh số 12: Lohicca (Bà-la-môn).

Kinh số 13: Vāsaṭṭha và Bharadvāja (Bà-la-môn).

Kinh số 16: Ajātasattu Vedehiputta; Các cư sĩ ở Pātaligāma; Dâm nữ Ambapāli; Pukkusa, dòng họ Mallà, đệ tử của ngài Alāra Kālāma.

Kinh số 18: Dạ-xoa Janavāsabh (hậu thân vua Bimbisāra), Thiên chủ Ðế thích (Sakka Inda), Phạm thiên Sanankumāra.

Kinh số 19: Thiên chủ Ðế thích (Sakka Inda), Phạm thiên Sanankumāra.

Kinh số 21: Thiên chủ Sakka.

Kinh số 23: Vua Pāyāsi.

Kinh số 25: Gia chủ Sandhāna (Tán-đà-na).

Kinh số 31: Sigālaka.

Kinh số 33: Thợ rèn Cunda.

Những cư sĩ, phật tử tiêu biểu trong kinh Trường bộ bao gồm những vị Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo, các vị vua, quan và các gia chủ, các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó, những đệ tử tại gia của đức Phật còn có các chư Thiên, Dạ-xoa, Càn-thát-bà.

Thiện nam tín nữ chưa xác định Quy y Tam Bảo

Những vị thiện nam tín nữ dưới đây chưa xác định quy y Tam Bảo hay chưa, nhưng có xuất hiện trong kinh Trường bộ. Mặc khác, những vị thiện nam tín nữ này có thiện cảm rất tốt với Tam Bảo, đã có những việc làm thiết thực, khác nhau để hộ trì chính pháp trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Kinh số 1: Brahmadatta (Bà-la-môn).

Kinh số 6: Otthadda (Môi thỏ) người Licchavi, cùng với một số đông dân chúng Licchavi.

Kinh số 7: Hai du sĩ Mandissa và Jàliya.

Kinh số 12: Thiện nhân Bhesika.

Kinh số 16: Sunidha và Vassakāra, hai vị đại thần xứ Magadha; hàng ngàn thiên thần tụ họp tại các trú địa ở Pātaligāma; các người Licchavi ở Vesālī; chư Thiên và các người dân Mallà ở Kusinàrà; Những người Sakya ở Kapilavatthu; Những người Buli ở Allakappa; Những người Koli ở Rāmagāma; Bà-la-môn Vethadìpaka; Những người Mallà ở Pàvà; Những người Màllà ở Kusinàrà; Bà-la-môn Doṇa; Những người Moriyà ở Pipphalivana.

Kinh số 17: Mahà-Sudassana (Ðại Thiện Kiến).

Kinh số 18: Ðại vương Vessavana.

Kinh số 19: Càn-thát-bà Pañcasikha.

Kinh số 20: Bốn Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa), sau đến danh sách một số chư Thiên, quỷ thần tụ hội.

Kinh số 21: Pañcasikha và Gopikā.

Kinh số 23: Thanh niên Uttra.

Kinh số 24: Du sĩ Bhaggava.

Kinh số 25. Du sĩ Nigrodha.

Kinh số 32: Bốn thiên vương và các vị Dạ-xoa.

Kinh số 33: Dân chúng Mallā tại Pàvà.

Ta có thể thấy, những thiện nam, tín nữ chưa xác định Quy y Tam Bảo này bao gồm những vị Bà là môn, du sĩ ngoại đạo, các vị vua, quan và các gia chủ, các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Bên cạnh đó còn có các chư Thiên, Dạ-xoa, Càn-thát-bà. Những vị thiện nam tín nữ này cùng với những cư sĩ, phật tử tiêu biểu trong kinh Trường bộ, đã tạo nên một bức tranh sống động về tinh thần tu học, cũng như hộ trì chính pháp thời đức Phật còn tại thế.

2. Hình ảnh cư sĩ, phật tử tiêu biểu hộ trì chính pháp

2.1. Cư sĩ, phật tử lãnh đạo đất nước

2.1.1. Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, vua Bimbisāra xuất hiện trực tiếp và gián tiếp qua năm bài kinh (2, 4, 5, 18, 31). Trong đó, với sự xuất hiện gián tiếp thông qua địa điểm thuyết kinh của đức Phật ở bài kinh số 4 (kinh Chủng đức, Sonadanda Sutta), bài kinh số 5 (kinh Cứu-la-đàn-đầu, Kutadanta Sutta) và bài kinh số 31 (kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Singàlovàda Sutta); thông qua bài kinh số 2 (kinh Sa-môn quả, Sàmanana-Phala Sutta), ta thấy sự xuất hiện gián tiếp của vua Bimbisāra thông qua lời sám hối của vua Ajātasattu với đức Phật.

Với bài kinh số 4, 5, ta thấy được ngoài hộ trì Tam Bảo, vua Bimbisàra rất tôn kính những vị tu sĩ Bà-la-môn, bằng chứng là vua đã dâng cúng nhiều khu đất tốt đẹp đến những vị trưởng lão Bà-la-môn như Kùtadanta và Sonadanda để làm nơi tu tập. Khu đất tốt đẹp ấy được diễn tả là “một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà) cấp, một ân tứ của vua, một tịnh ấp.” Nhờ đó đức Phật có sự đối đáp, hàng phục ngoại đạo và thuyết giảng chân lý, rất đông chúng đệ tử được khai ngộ. Đặc biệt, ở bài kinh số 5, đức Phật có trình bày phương pháp trị nước an dân. Người lãnh đạo đất nước phải dùng lòng từ đối đãi với dân, không vì trong nước có loạn trộm cướp mà đánh thêm thuế, hoặc dẹp loạn bằng hình phạt, giam cầm, tử hình… Ở đây, thái độ đúng đắn của người lãnh đạo là cung cấp thực phẩm, lúa mạ cho nông dân, vốn đầu tư cho người kinh doanh, lương bổng cho công chức.

Với bài kinh số 31, đức Phật ngụ tại Veluvana (Trúc Lâm), một tinh xá do vua Bimbisàra cúng dường. Đức Phật thuyết kinh này, nguyên nhân vì khi Ngài đi khất thực và biết được thanh niên Singàlaka với lòng kính tín, theo lời di chúc của cha mình trước khi chết, phải đảnh lễ sáu phương vào mỗi buổi sáng sớm, mà không hiểu biết ý nghĩa của việc làm đảnh lễ này. Đức Phật đã giảng giải một cách cặn kẽ ý nghĩa của việc đảnh lễ sáu phương, tiếp đó Ngài còn giảng giải nhiều vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã hội của cư sĩ, phật tử.

Với bài kinh số 18, nhân vì Ngài A-nan hỏi đức Phật về sự tái sinh của dân chúng ở Magadha và vua Bimbisàra. Khi ấy, có sự xuất hiện của Dạ-xoa tên Janavasabha (Xà-ni-sa), Dạ-xoa này hiện lên với nhan sắc phi thường, ngay cả Tôn giả A-nan khi nghe đến tên Janavasabha thì râu tóc dựng ngược. Dạ-xoa này tự xưng là hậu thân của vua Bimbisàra: “Bạch Thế Tôn, con là Bimbisàra! Bạch Thiện thệ, con là Bimbisàra! Bạch Thế Tôn, nay là lần thứ bảy con được sinh vào giòng họ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Con chết đi trong địa vị làm vua ở nhơn gian, nay được sinh trên thiên giới, làm bậc phi nhân.”[4] Đức Phật rất dè dặt về những vấn dề tái sinh và chuyện tiền thân, nhưng vì nhân duyên khai ngộ chúng đệ tử hiểu Pháp và khởi lên lòng tin sâu dày nơi Tam Bảo, Ngài đã trình bày một cách khéo léo khi mượn lời của Dạ-xoa Janavasabha.

Theo một số sử liệu, Bimbisāra hay còn gọi là Tần-bà-sa-la (558 – 491 TTL) là vua của nước Magadha, được xem là vi đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật trong tầng lớp Kshastriya giữ quyền thống trị dân chúng. Vua Bimbisāra cũng đã có nhiều đóng góp, bảo trợ cho Tăng đoàn khi đức Phật còn tại thế. Bimbisāra lên ngôi vua năm 15 tuổi và trị vì xứ Rājagaha 52 năm, vua đã mất 8 năm trước khi đức Phật nhập diệt. Vua Bimbisāra có nhiều người con trai, nhưng đáng kể nhất là Ajātasattu – người kế nhiệm của vua Bimbisāra, và Vimala Kondañña được sinh ra từ nữ cư sĩ nổi tiếng của đức Phật là Ambapāli.

Tại Uruvela, đức Phật hóa độ được ba anh em nhà Kassapa và một ngàn đệ tử của họ, đức Phật đã dẫn anh em nhà Kassapa cùng chư đệ tử đi đến Rājagaha của nước Magadha. Vua Bimbisāra nghe tin đức Phật đã đến kinh thành nên dẫn các quan lại, Bà-la-môn đến gặp đức Phật. Trong lịch sử của đức Phật, khi Ngài còn là một vị đạo sĩ, vua Bimbisāra đã từng gặp và cúng dường Ngài khi đang trên đường khất thực. Vua Bimbisāra đã thỉnh đức Phật trở lại viếng thăm vương quốc Magadha sau khi chứng được đạo quả. Do vậy, sau khi giác ngộ, đức Phật đã quay lại Magadha để viếng thăm vua Bimbisāra. Đức Phật đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho đại chúng cùng nghe, vua Bimbisāra đã đạt được thánh quả Tu đà Hoàn, pháp nhãn thanh tịnh, không còn trần cấu. Sau đó, vua Bimbisāra lạy Phật, thưa rằng ngài đã đạt được năm điều ước khi còn là hoàng tử, đó là: Được lên ngôi vua, được gặp bậc giác ngộ, được tôn kính bậc giác ngộ, được bậc giác ngộ thuyết giảng giáo Pháp, và có thể hiểu được giáo Pháp của bậc giác ngộ. Vua Bimbisāra xin được Quy y với Tam Bảo và cúng dường bữa ngọ trai vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, vua Bimbisāra cũng xin dâng cúng tu viện Veḷuvana, cũng là ngôi tu viện đầu tiên của Tăng đoàn. Nhưng ngay trong đêm, vua Bimbisāra nghe được tiếng khóc kêu thảm thiết ở trong cung, vua vội vã đến bạch với đức Phật, đức Phật dạy: Nguyên nhân là do vua có nhiều quyến thuộc ở nhiều đời bị tái sinh vào loài ngạ quỷ và khuyên vua nên làm phước, hồi hướng công đức cho họ. Một lần nữa, vua Bimbisāra lại thỉnh cúng đức Phật thọ thực vào hôm sau để hồi hướng công đức cho quyến thuộc đã chết của mình. Nhờ công đức ấy, các loài ngạ quỷ vui mừng được tắm ao sen, thọ hưởng thức ăn và đầy đủ các loại vật dụng.[5]

Sau khi trở thành phật tử, vua Bimbisāra đã nổ lực thúc đẩy các thành viên khác trong hoàng tộc theo Phật giáo, điển hình nhất là hoàng hậu Khemā. Hoàng hậu rất tự hào và đắm chìm trong sắc đẹp của mình, vua Bimbisāra đã tìm cách để Khemā đi đến gặp Phật, nghe Pháp.

Khi đến nơi, đức Phật đã cho Khemā thấy được các sự thật của vẻ đẹp con người và những vô thường đoạn diệt của dục vọng. Sau khi nghe Pháp, Hoàng hậu Khemā đã chứng đắc được thánh quả A-la-hán và trở thành vị Tỷ-kheo ni nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo.

Bên cạnh việc tôn kính và cúng dường đức Phật, Bimbisāra cũng rất quan tâm đến Tăng đoàn. Bimbisāra là một trong những vị vua thường hay lui tới để được nghe và học Pháp của đức Phật. Vua Bimbisāra được nhận một ít tóc và móng tay của đức Phật, ông đã cho người xây dựng bảo tháp trong cung điện để cất giữ chúng. Vua cũng thường thỉnh giáo đức Phật về các phương pháp cai trị đất nước theo Phật giáo và thỉnh Phật không cho những người phạm tội trộm cắp, hay trốn ngục trong hoàng gia được xuất gia làm Tỳ Kheo. Bên cạnh đó, Vua Bimbisāra cũng thỉnh đức Phật tập hợp Tăng đoàn vào mỗi nữa tháng một lần để tụng đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa.[6] Đó được gọi là hành sự Uposatha (Bố tát) cho chúng Tăng.[7]

Đến cuối đời, hoàng tử Ajātasattu nghe lời xúi giục của Devadatta mà giành lấy vương quyền của vua Bimbisāra. Vua Bimbisāra đã làm lễ giao quyền và để hoàng tử Ajātasattu kế vị, nhưng lại bị hoàng tử giam trong ngục cho đến chết. Với tinh thần từ bi, thấm nhuần giáo lý nhân quả nghiệp báo, vua Bimbisāra đã không trách giận Ajātasattu, Devadatta hay những vị đồng mưu; vào những giờ phút cuối đời, ông chỉ ngưỡng vọng về núi Linh Thứu thành tâm quy ngưỡng Tam Bảo. Từ đó, ta mới thấy được cách hành xử cao thượng của những người đệ tử thấm nhuần giáo lý Phật đà.

Từ những vấn đề trên, ta có thể rút ra nhận xét về tinh thần hộ trì chính pháp của vua Bimbisāra: Về phương diện cá nhân và gia đình: Khi chưa Quy y Tam Bảo, vua Bimbisāra là người phóng túng, đắm chìm hưởng thụ vật chất và nữ sắc. Nhưng khi trở thành cư sĩ, phật tử, Bimbisāra dần hoàn thiện các nhân cách cao thượng, tiết chế trong năm dục, thấm nhuần lối sống từ bi-trí tuệ, chuyên tâm thực hành các Pháp mà Đức Thế Tôn và chư Thánh đệ tử giảng dạy.

Kết quả ông trở thành bậc Thánh Dự Lưu và đang hướng đến thành tựu Thánh quả Nhất lai. Với những người thân trong gia đình ông hết mực thương yêu, nếu có vấn đề gì khúc mắc, ông sẽ tìm cách tháo gỡ. Hơn thế nữa, ông còn tạo mọi điều kiện để gia quyến tìm hiểu, có cơ hội gặp gỡ đức Phật cũng như Tăng đoàn để học hỏi và thực hành Pháp. Ông là một người cha, người ông mẫu mực để con cháu kế thừa noi gương theo cả về lối sống thanh cao, đạo đức tăng thượng khó ai sánh phần và phương thức trị nước-an dân, dùng chính pháp để trị nước. Với tư cách là một người chồng, kể từ khi biết đến Phật Pháp, ông chấm dứt đời sống trăng hoa, không còn dang díu với những nữ nhân bên ngoài, thay vào đó ông sống chung thủy, hết mực thương yêu người bạn đời của mình.

Về phương diện xã hội, ông là bậc minh quân, dùng chính pháp trị nước, thương yêu dân như con, tạo mọi cơ hội để người dân ổn định đời sống gia đình, phát triển kinh tế, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Ngược lại, những người thân xung quanh và dân chúng hết mực cung kính, tôn trọng, quý mến vua Bimbisàra, đã có những lời ca tụng, tán thán công đức vua trong nhân gian như sau: “Vua Seniya Bimbisàra xứ Magadha, sống như Pháp, dùng Chính pháp trị nước, có lòng thương tưởng các vị Bà-la-môn, Gia chủ, dân chúng thị thành và dân chúng thôn quê”. Thật khó có vị vua nào hoàn thiện được cả về phương diện tự lợi và lợi tha như vua Bimbisàra.

Về phương diện đạo Pháp, ông là một cư sĩ, phật tử thuần thành, hết lòng giữ gìn, xây dựng và phát triển giáo Pháp. Tinh thần hộ trì chính pháp đáng được ca tụng, như một tượng đài, ngọn đuốc lớn thắp sáng cho những thế hệ sau quy ngưỡng và làm theo. Vua ra sức bố thí, cúng dường tứ sự, tinh cần học, thực hành Pháp, góp ý thiết lập giới luật và bảo vệ Tăng đoàn. Công hạnh của vua dược dân chúng ca tụng: “Vị Vua này cũng tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ… Cho đến khi mệnh chung, vua Seniya Bimbisàra xứ Magadha luôn luôn tán dương Thế Tôn”. Với tư cách là một vị vua, thành phần trí thức lãnh đạo đất nước theo Chính pháp, vua Seniya Bimbisàra thật xứng đáng để biểu dương, làm khuôn mẫu để những cư sĩ, phật tử về sau noi gương.

2.1.2. Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta thấy sự xuất hiện của vua Pasenadi qua các bài kinh số 3 (kinh A-ma-trú, Ambattha Sutta), 4 (kinh Chủng Đức, Sonadanda sutta), 5 (kinh Cứu-la-đàn-đầu, Kutadanta sutta), 12 (kinh Lô-hi-gia, Lohicca Sutta), 23 (kinh Tệ Túc, Pàyàsi Sutta), 27 (kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Agganana Sutta).

Thông qua bài kinh số 3 và 12, ta thấy được vua Pasenadi là một người người rất quý trọng những vị xuất gia tu hành, dù ở bất kỳ tôn giáo, học thuyết nào vua đều hoan hỷ cúng dường, chu cấp tức sự; bằng chứng là vua Pasenadi đã chu cấp cho Pokkharasàdi và Lohica những khu đất màu mỡ, tốt tươi để làm nơi tu hành; tuy nhiên, ngoại trừ đức Phật và Tăng đoàn, vua luôn giữ thái độ chừng mực, không có sự thân cận với những vị Bà la môn hay các tôn giáo khác.

Với bài kinh số 4, 5, thông qua lời kể của hai vị Bà la môn là Sonadanda và Kutadanta, ta thấy được những phẩm hạnh cao quý của vua Pasenadi khi hết lòng tôn Đức Như Lai: “Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama được vua Pasenadi nước Kosala kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ trọng vọng.” [8] Ở bài kinh số 27, qua lời dạy của đức Phật, càng xác chứng hơn sự cung kính, tôn trọng của vua Pasenadi dành cho đức Phật và Pháp do Ngài tuyên thuyết.

Vua Pasenadi cũng là một vị đại thí chủ trong hàng vua chúa của đức Phật, ông trị vì xứ Kosala. Vua Pasenadi là anh của hoàng hậu Videhi, vợ của vua Bimbisara; vua Ajātasattu là cháu của vua Pasenadi; vợ của vua Pasenadi là hoàng hậu Malika. Hoàng hậu Malika là người rất kính tin Tam bảo và cũng là người hướng dẫn vua Pasenadi quy y với đức Phật. Sau khi quy y, vua Pasenadi có nhiều hỗ trợ đóng góp cho đức Phật và cũng như Tăng đoàn.

Vua Pasenadi đã từng khởi binh chiến tranh với cháu trai của mình là vua Ajātasattu vì cái chết của em gái – hoàng hậu Videhi. Đức Phật đã hai lần đứng ra giải hòa cho mâu thuẫn của hai nước. Một lần, đức Phật đã dạy cho vua Pasenadi nên từ bỏ hận thù, từ bỏ chiến tranh để được sống an lạc hạnh phúc hơn. Đức Phật còn dạy vua Pasenadi về luật nhân quả của việc xâm lăng, cướp bóc người khác.

Trong Tương Ưng bộ kinh, vua Pasenadi đã đi đến với đức Phật và thưa hỏi đức Phật về đạo quả của đức Phật khi tự cho mình đã đạt được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Đức Phật đã giảng cho vua Pasenadi về bốn loại tuổi trẻ (còn nhỏ) không nên kinh thường hay miệt thị, đó là khattiya (hoàng tử trẻ), con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ và Tỷ-kheo trẻ.  Sau khi nghe bài pháp thoại này, vua Pasenadi sinh lòng hoan hỷ và quy y Tam Bảo.

Khi hoàng hậu Mallikā sinh được tiểu công chúa, vua không vui vì điều đó. Đức Phật cũng đã dạy cho vua Pasenadi về cách nhìn nhận khác trong việc phân biệt đối xử trong giới tính. Khi bà nội của vua Pasenadi chết, vua buồn phiền và đi đến thưa đức Phật cách nào để  lấy lại sự sống của những người vua yêu thương. Đức Phật an ủi vua Pasenadi rằng: tất cả chúng sinh đều phải chết, cái chết luôn hiện hữu trước mắt và không ai thoát khỏi cái chết. Ngoài ra, vua Pasenadi hay đi đến đảnh lễ đức Phật, thỉnh pháp và nghe được rất nhiều pháp thoại của đức Phật về các đề liên quan đến tâm, con người và đất nước.

Phải nói vua Pasenadi rất may mắn, vì có cơ hội được tiếp xúc, thân cận, học hỏi giáo Pháp với đức Phật và chư Tăng rất nhiều (trong kinh Tương Ưng, có nguyên một chương Tương Ưng Kosala nói về sự trao đổi giáo Pháp giữa đức Phật và vua Pasenadi).  Ban đầu, vì chưa đạt được chính tri kiến, nên nhà vua có những tư tưởng lệch lạc với chính pháp, đôi khi có những hành động sai lầm, suýt gây nên tội ác. Như chuyện thiết lễ tế đàn, giết hại rất nhiều sinh vật; hay chuyện luyến mộ một phụ nữ đã có chồng và có ý định tư thông, vua tìm cách giết hại người chồng; cho đến sự ăn uống vô độ, sinh ra nhiều tật bệnh… Nếu không được những người thân xung quanh can ngăn, cùng với sự khuyên giải, giảng dạy của đức Phật thì vua Pasenadi hẳn là một người ác.

Vua Pasenadi có một hoàng tử tên là Vidudabha (Tỳ-lưu-ly), mẹ của hoàng tử thuộc dòng dõi Sakya nhưng lại là con của một nô tỳ. Cho nên, khi hoàng tử Vidudabha biết được thân thế của mình và bị ngoại tộc phân biệt đối xử, hoàng tử rất tức giận và nuôi ý định trả thù. Về sau, khi vua Pasenadi vào hầu chuyện với đức Phật tại Medatalumpa, tướng quân Dīgha-Kārāyana đã tiến hành đảo chính, tôn Tỳ Lưu Ly lên làm vua. Sau khi kết thúc cuộc hội kiến và bái biệt đức Thế Tôn, nhận ra tình hình nguy cấp, vua Pasenadi không quay trở lại Sāvatthī, mà ngay tức khắc cùng với người hầu gái cưỡi ngựa thẳng đến Rājagaha nhằm tìm sự trợ giúp từ vua Ajātasattu. Do tuổi già, cộng với khoảng cách quá xa, khi đến Rājagaha thì trời tối nên cổng thành đã đóng, chính vì vậy vua Pasenadi đã đột ngột băng hà trong trước cổng thành Rājagaha.[9] Khi chiếm được vương quyền, không lâu sau Tỳ Lưu Ly tiến hành các cuộc chinh phạt đẫm máu dòng tộc Sakya.

Xét về phương diện cá nhân và gia đình, vua Pasenadi là người có nhân cách cao thượng, từ ái, thành tựu những phạm hạnh tốt đẹp do Thế Tôn chỉ dạy. Bên cạnh đó, đối với những người thân trong gia đình, vua đã tạo mọi phương tiện tốt nhất để ai cũng có thể Quy y Tam Bảo, thực hành lời dạy của đức Phật, như việc cho phép con trai của mình là Brahmadatta xuất gia và Tôn giả này đã chứng đắc quả vị A-la-hán[10]. Đúng như lời nói của vị Bà la môn Sonadanda và Kutadanta về vua Pasenadi: “Này các Hiền giả, thật vậy, vua Pasenadi nước Kosala, cùng với vương tử, cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama.”[11]

Xét về phương diện xã hội, nhờ Thập vương pháp đức Phật chỉ dạy[12], vua Pasenadi là một vị vua từ ái, hết lòng thương yêu dân chúng, quần thần, ngay cả với kẻ thù và nghiêm minh trong phép nước. Với trí tuệ của mình, vua không để ai phạm phải án oan và cực kỳ sáng suốt trong cách phân xử.[13] Nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước, đối với những kẻ phạm trọng tội, vua đã dùng những hình phạt hết sức nghiêm khắc để răn đe.[14] Những việc làm của vua Pasenadi giúp quốc gia Kosala phồn thịnh, dân chúng an hòa. Mặc khác, vì Kosala là nơi có các Tinh xá lớn, đức Phật và chư Tăng hay cư ngụ để thuyết giảng chính pháp, nhờ đó dân chúng có cơ hội học hỏi, thực hành Pháp và Luật do đức Thế Tôn giảng dạy.

Xét về phương diện đạo Pháp, vua Pasenadi là một cư sĩ, phật tử thuần thành, tận tụy trong việc bảo vệ thanh danh của đức Phật Tăng chúng, áp đảo mọi hành động bôi nhọ, xuyên tạc Phật giáo. Bên cạnh đó, vua còn góp phần xây dựng Luật Tạng về việc không cho Tỷ-kheo tắm giỡn dưới nước, nếu làm phạm Ưng Đối Trị. Với phương diện vật chất, vua Pasenadi cho xây dựng Tinh xá Rājakārāma [15] để chị của mình là Sumanā và chư Ni ở Rājagaha có chỗ cư trú, tu tập. Vua còn nhiệt tâm hộ trì tứ sự đến đức Phật và Tăng đoàn. Với phương diện tu tập, vua Pasenadi là người ưa thích học hỏi và thực hành Pháp, hễ có điều gì bất trắc trong đời sống khi cai trị đất nước, hoặc chỉ đơn giản là muốn bỏ ác-làm lành, tăng tiến trên đạo lộ tâm linh, vua đều tìm cách gặp đức Phật cùng chư Tăng để thưa hỏi giáo Pháp, lắng nghe một cách chân thành, thực hành một cách miên mật. Như kinh Trường bộ đã nêu, vua hết sức tôn kính Phật và Pháp, vô cùng quý trọng chư Tăng, luôn dành những phần ưu ái nhất đối với Tam Bảo. Có thể nói, vua Pasenadi là một tấm gương sáng để các thế hệ về sau học hỏi về phương diện hộ trì chính pháp.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ho Tri Chinh Phap 1

2.1.3. Vua Ajātasattu (A-xà-thế)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta thấy sự xuất hiện của vua Ajātasattu qua bản kinh số 2 (kinh Sa Môn Quả, Sàmanana-Phala Sutta) vài bài kinh số 16 (kinh Đại Bát Niết-bàn, Mahà-Parinibbàna Sutta).

Với bài kinh số 2, Ajātasattu ý thức thấm thía về tội ngũ nghịch, chỉ vì lòng tham và sự ngu muội, đã giết cha, hại mẹ, Ajātasattu rơi vào trầm cảm nặng nề. Mặc dù được quần thần tìm kiếm những vị danh y chữa trị, hay giới thiệu những vị tu hành có tiếng để vua yết kiến, giải tỏa tâm bệnh, nhưng không thể chữa trị tâm lý “kẻ trực tiếp giết cha, gián tiếp hại mẹ” của mình. Về sau, y sĩ Jīvaka đã khích lệ tinh thần của Ajātasattu rằng: Đức Phật là đấng giác ngộ, Ngài sẽ tha thứ cho lỗi lầm của vua. Do vậy, vua cùng Jīvaka đi đến diện kiến đức Phật, học Pháp, hiểu Pháp và xin sám hối với Thế Tôn: “Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chân chính, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chận về tương lai”[16], vì sám hối đúng Pháp, đức Phật đã đồng ý nhận lời sám hối chân thành của vua. Từ đó, Ajātasattu Quy y đức Phật và Tăng đoàn, trở thành đệ tử tại gia của Ngài. Hơn thế nữa, khi Ajātasattu ra về, đức Phật còn khẳng định với đại chúng: “Này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất ăn năn, này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chính, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế”.[17]

Với bài kinh số 16, không bao lâu sau trước khi Phật nhập Niết bàn, Ajātasattu cử đại thần Vassakāra đến xin ý kiến của đức Phật nên đi đánh lại người Vajjian không. Đức Phật đã nói bảy pháp khiến đất nước được hưng thịnh của người Vajjian, nên không thể tấn công được người Vajjain. Tuy nhiên, đức Phật cũng nói rằng: Ajātasattu sẽ có cơ hội đánh thắng người dân Vajjain khi họ từ bỏ lối sống hiện tại của họ. Ba năm sau, Ajātasattu đã đánh thắng người Vajjian vì Vassakāra đã gieo hạt giống bất hòa giữa người dân Vajjian.

Theo một số sử liệu, vua Ajātasattu là con của vua Bimbisāra và hoàng hậu Videhi. Tên “Ajātasattu” có ý nghĩa là kẻ thù của cha mình khi được sinh ra. Vua Ajātasattu trị vì được 32 năm và 8 năm trong thời kì đức Phật còn tại thế. Lúc còn trẻ, Vua Ajātasattu là một vị vua hùng mạnh của vương quốc Magadha và cũng bị tác động rất nhiều bởi Tỷ-kheo Devadatta trong giáo đoàn của đức Phật.

Có một thời kì, Vua Ajātasattu đã bị điều phục bởi năng lực siêu nhiên của Devadatta, nên Ajātasattu trở thành một người đệ tử hết sức tận tụy của Devadatta. Vua Ajātasattu đã xây dựng cho Devadatta một tu viện tại Gayāsīsa, và cung cấp đầy đủ các vật dụng cho giáo đoàn của Devadatta. Bên cạnh đó, Ajātasattu đã nghe lời xúi giục của Devadatta, dẫn hành động ngũ nghịch là âm mưu giết cha (vua Bimbisāra) để giành lấy vương quyền. Mặc dù biết Ajātasattu có ý xấu như vậy, vua Bimbisāra vẫn giao lại ngai vàng cho con. Bị quyền lực che mờ đôi mắt tuệ, cũng như nghe những lời xúi giục bất chính, Ajātasattu tống giam cha mình vào trong ngục tối. Vua Bimbisāra bị cấm không cho ai vào thăm trừ hoàng hậu Videhi. Vì thương chồng, hoàng hậu tìm đủ mọi cách để đem thức ăn vào cho vua Bimbisāra, ngay cả việc trét bơ sữa vào người mà vẫn bị phát hiện. Đến cuối cùng, vua Bimbisāra phải chết trong ngục tối. Không những thế, Devadatta còn sai khiến Ajātasattu mọi cách, trong đó có việc dùng voi say để ám hại đức Phật nhưng không thành.

Sau khi vua Bimbisāra chết, Hoàng hậu Videhi (em gái của vua Pasenadi) cũng chết theo vì quá đau khổ trước cái chết của chồng. Do vậy, vua Pasenadi đã phát động chiến tranh với nước Magadha do vua Ajātasattu trị vì, trải qua nhiều trận chiến dằng co, vua Ajātasattu bị bắt sống. Để giữ mối quan hệ hòa bình và tính mạng, vua Ajātasattu đã cưới con gái vua Pasenadi làm vợ.

Xét về phương diện cá nhân và gia đình, Ajātasattu như một chúng sinh điển hình đam mê quyền lực và danh vọng, khi lý trí bị lu mờ, bị những ác tâm chi phối, sẽ sẵn sàng làm tất cả nghiệp ác để đạt được mục đích mà không màng đến hậu quả. Nhưng thẩm sâu trong tâm mỗi con người đều hàm chứa Phật tính-tức tâm thuần thiện và có khả năng thành Phật, Ajātasattu cũng không ngoại lệ. Thẩm sâu trong tâm khảm Ajātasattu là một người con hiếu thảo, biết lắng nghe và thực hành những Pháp thiện, chỉ vì gặp nhân duyên xấu ác nên mới có những hành động bất thiện.

Như đức Phật đã từng dạy, trên đời có hai hạng người đáng quý: Một là không bao giờ phạm phải lầm lỗi, hai là phạm lỗi nhưng biết sám hối; Ajātasattu là một người đáng quý trọng, mặc cho trước có làm việc ác, khi trở thành người con Phật vua đã hết sức ăn năn và hối cải, trở thành một con người mới, ra sức hướng thượng, hướng thiện, thành tựu đạo đức Phạm hạnh và những nhân cách cao thượng. Mặc khác, đối với vợ con của mình, Ajātasattu hết đỗi thương yêu và bảo bọc. Khi thấy vua một lòng sám hối và hướng đời sống đến đời sống Thánh thiện, những người thân xung quanh vua dần có được cảm tình và yêu quý vua như xưa.

Xét về phương diện xã hội, khi trở thành người con Phật, vua Ajātasattu đã xây dựng một quốc gia hùng mạnh, trị nước bằng chính pháp, khuyến khích người dân làm thiện. Giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp trong nước như kính trên, nhường dưới, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính các bậc sư trưởng…

Xét về phương diện đạo Pháp, Ajātasattu là một cư sĩ, phật tử thuần thành, với những phẩm hạnh tốt đẹp đáng để học hỏi. Tiếp nối vua cha, Ajātasattu ra sức hộ trì tứ sự cho đức Phật và Tăng đoàn, vua sẵn sàng đứng ra bênh vực và bảo vệ Tam Bảo khi bị ngoại đạo hay người thế gian xuyên tạc. Bên cạnh đó, vua còn tinh tấn tu học không có biếng lười. Mặc khác, sau khi đức Phật nhập diệt, vua Ajātasattu đã sai sứ giả đến nhận một phần xá lợi của Ngài và xây bảo tháp thờ cúng tại Rājagaha. Đồng thời sau hai tháng đức Phật nhập diệt, chính vua Ajātasattu đã bảo trợ cho công cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, nhằm xác chứng lại những lời dạy của đức Phật và chư Thánh đệ tử trong suốt 45 năm thuyết Pháp độ sinh.[18] Thật quý giá thay, trước là một người lầm đường lạc lối, sau khi sám hối đã trở thành Pháp khí trong Phật Pháp, có những đóng góp không hề nhỏ trong phong trào hộ trì chính pháp, như người truyền cảm hứng cho những thế hệ về sau.

2.2. Cư sĩ, phật tử là thương nhân và thành phần bình dân trong xã hội

2.2.1. Anāthapindika (Cấp Cô Độc)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta chỉ thấy sự xuất hiện gián tiếp của Anāthapindika thông qua địa điểm đức Phật và chư Tăng trú ngụ, thuyết giảng tại Kỳ viên tịnh xá (bài kinh số 9, 10, 30), nước Kosala (bài kinh số 3, 12, 13), dưới quyền trị vì của vua Pasenadi.

Điển hình ở bài kinh số 9 (kinh Bố-Thác-Bà-Lậu, Potthapàda Sutta), nhờ có tinh xá Kỳ viên do Anāthapindika hiến cúng, đức Phật đã hàng phục được một du sĩ ngoại đạo tên Poṭṭhapāda. Trong bản kinh này, đức Phật đã bác bỏ những quan niệm sai lầm về cái gọi là “linh hồn”, trình bày những quan đúng đúng đắn thuộc về Pháp, thuộc về căn bản Phạm hạnh, đưa đến giải thoát và Niết-bàn. Poṭṭhapāda với tâm thành kính, lắng nghe Pháp một cách chăm chú, hiểu Pháp, ca ngợi, tán thán Thế Tôn và xin quy y Tam Bảo trọn đời. Hoặc ví như với bài số 3 (kinh A-ma-trú, Ambattha Sutta), đức Phật trú ở Kosala, đã dẹp trừ tâm ngạo nghễ thượng đẳng của Bà-la-môn Pokkharasti vì cho rằng dòng tộc Thích Ca không chịu lễ bái cúng dường các Bà-la-môn, đức Phật đã thuyết giảng loại bỏ ý niệm phân biệt giai cấp cho Pokkharasti cùng chư đệ tử. Với hành động cúng dường đức Phật và Tăng chúng thọ trai, Pokkharasti lắng nghe Pháp, thấy Pháp, chứng được Pháp nhãn và tán thán, ca ngợi đức Thế Tôn.

Ngoài sự xuất hiện gián tiếp của Anāthapindika thông qua địa điểm đức Phật thuyết Pháp, còn có sự xuất hiện gián tiếp thông qua sự thưa hỏi của tôn giả A Nan; ở bài kinh số 16 (kinh Đại bát Niết-bàn, Mahà-Parinibbàna Sutta), khi đức Phật cùng chư Tăng đến Nàdika, tại ngôi nhà gạch (Ginjakàvasatha), tôn giả A Nan đã thưa hỏi những trú xứ tái sinh và hậu thế trạng thái ra sao của những vị đệ tử có công hạnh lớn, trong đó có Sudatta. Đức Phật đã dạy: “Này Ananda, cư sĩ Sudatta, diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Nhứt lai sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.”[19]

Theo nhiều sử liệu, Sudatta hay còn gọi là Anāthapindika, nghĩa là Cấp Cô Độc. Anāthapindika là một trưởng giả giàu có ở thành Sāvatthi tại nước Kosala. Anāthapindika là một trong những vị cư sĩ nổi tiếng của đức Phật và cũng là một vị đại thí chủ đối với Tăng đoàn của đức Phật. Anāthapindika là tên được mọi người hay gọi bởi hạnh bố thí, giúp đỡ những người nghèo đói, những người vô gia cư của Sudata.

Nhân dịp nhà anh vợ của Anāthapindika ở vương quốc Magadha đang chuẩn bị thiết trai cúng dường cho đức Phật và Tăng đoàn. Anāthapindika rất vui mừng, và hứng khởi khi nghe được tin đức Phật sẽ đến vào ngày hôm sau. Trong đêm đó, trưởng giả Anāthapindika không ngủ và luôn niệm tưởng suy nghĩ đến đức Phật. Giữa đêm thức giấc, tưởng chừng trời sáng, nên trưởng giả đi đến tu viện Veḷuvana. Khi vừa đến tu viện, trưởng giả được đức Phật gọi đến bên Ngài trong lúc Ngài đang kinh hành. Được đức Phật gọi tên, trưởng giả rất vui mừng, đảnh lễ và vấn an Ngài. Sau đó, đức Phật thuyết Pháp cho trưởng giả về bố thí, giới cấm, các cõi trời, các tai hại của sự ô nhiễm các dục, lợi ích của sự xuất ly[20]. Bên cạnh đó, đức Phật còn giảng cho trưởng giả về Tứ Diệu Đế. Sau thời Pháp thoại đó, Anāthapindika đã Quy y Tam bảo và thiết trai cúng dường cho đức Phật và Tăng đoàn tại nhà anh rể.

Sau buổi thọ trai do trưởng giả Anāthapindika cúng dường, trưởng giả đã thỉnh đức Phật và Tăng đoàn an cư tại thành Sāvatthi, đức Phật đã nhận lời. Vì không có một nơi thanh vắng thích hợp cho việc an cư trong những tháng mùa mưa, trưởng giả đã đi về thành Sāvatthi để tìm một nơi thích hợp, không quá gần hoặc quá xa làng mạc, để thuận tiện cho việc tu tập hành Thiền của đức Phật và chúng Tỷ-kheo, bên cạnh đó thuận tiện cho việc dân chúng đi đến để nghe pháp, tu tập và hộ trì Chính pháp. Trong thành đó, trưởng giả thấy chỉ có khu vườn của vương tử Jeta là thích hợp nhất, nên đã đến xin mua. Trưởng giả đã xây dựng tinh xá Kỳ Viên đầy đủ các công trình chính và phụ cho hơn một ngàn Tỷ-kheo trú ngụ. Trong suốt ba tháng an cư, Anāthapindika không chỉ dâng cúng tu viện, mà còn cúng dường các vật dụng cần thiết cho chư Tăng như đồ ăn, y bát, thuốc trị bệnh và sàng tọa.

Trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật đã giảng cho Anāthapindika về bốn lợi ích của sự bố thí cúng dường cho người bố thí và cả người nhận. Bốn sự lợi ích đó gồm có thọ mạng, có được sắc đẹp, an lạc, và sức mạnh. Đối với người bố thí, họ có được bốn lợi ích đó ở loài người và cả cõi trời. Ngoài ra, đức Phật còn giảng cho trưởng giả nghe về sự lợi ích của tứ sự cúng dường. Nếu cư sĩ nào cúng dường tứ sự này, gồm y áo, thức ăn, sàng tọa và thuốc trị bệnh, người ấy đang từng bước đi trên con đường của phước báo chư thiên.

Thêm nữa, có nhiều câu chuyện về trưởng giả Anāthapindika trong thời đức Phật còn tại thế. Sau khi đắc quả Dự lưu trong hàng tứ Thánh, trưởng giả có niềm tin bất động vào ba ngôi Tam Bảo, cho nên mỗi ngày ba lần Anāthapindika đều đến Jetavana để cúng dường cho chúng Tăng. Ngoài việc cúng dường thức ăn, Anānthapindika còn cúng các vật dụng cần thiết cho chúng Tỷ-kheo; không chỉ cúng dường Tam bảo, trưởng giả còn bố thí giúp đỡ cho người nghèo khổ. Hạnh của Anāthapindika là bố thí, giúp đỡ cho người khó khăn hơn mình, cho nên, trưởng giả cho nhiều người mượn tài sản nhưng không bao giờ đòi lại.

Theo nhiều tài liệu, gia tài của Sudatta có hết thảy 90 triệu đồng tiền vàng, nhưng ông đã xuất ra đến 54 triệu đồng tiền vàng để mua đất, cất chùa và cúng dường tứ sự đến chư Tăng. Mặc khác, ông còn cho người khác mượn 36 triệu đồng tiền vàng, số người mượn tiền biết ông là người hào sảng, ít khi đòi nợ, nên ý định sẽ không trả. Khi thiên tai ập xuống, Sudatta mới ngày nào là một đại triệu phú,
thì hiện tại đã trắng tay, trở thành người nghèo khó. Tuy nhiên, nhà của Anāthapindika có một vị nữ thần cùng các con đang cư ngụ ở tầng thứ bốn (có nơi ghi là tầng bảy), bị Sudatta đuổi đi vì hay bất bình trước việc Suddatta thỉnh mời 700 chư tăng (có khi hơn cả nghìn người) đến nhà thọ trai mỗi ngày.

Vì ác nghiệp xúc phạm đức Phật và Tăng đoàn, vị nữ thần này đã lang thang khắp nơi để tìm chỗ cư ngụ, nhưng không ai chấp thuận. Cuối cùng nhờ sự chi dạy của Thiên chủ Sakka, như một phần lấy công chuộc tội, vị nữ thần này đã đi khắp nơi lấy lại được số tài sản đã mất do thiên tai cuốn đi, cộng với số tài sản Sudatta cho người khác mượn được hoàn trả. Nhờ đó, gia đình của Sudatta trở lại giàu có như trước, vị nữ thần cùng các con của mình được trở về sống trong nhà của Sudatta.

Như bao người bình thường khác, trưởng giả Sudatta có một người vợ hiền tên Punnalakkhana, nghĩa là “nữ nhân phúc tướng”. Trong gia đình, bà là người từ hòa, kính trên nhường dưới, đối xử thân tình với con cháu, họ hàng, bạn bè và người giúp việc, được mọi người hết đỗi quý mến. Ngoài xã hội, nhờ nhân duyên dẫn dắt của người anh, bà đã quy y Tam Bảo trở thành một Cận sự nữ thuần thành, hết lòng tu học, hộ trì đức Phật và chư Tăng không có thiếu sót.

Sudatta có bốn người con, ba đứa con gái và một đứa con trai. Trong ba tiểu thư ấy, có hai nàng tên là Tiểu Minh (Little Subhaddà) và Ðại Minh (Big Subhaddà) rất thấm nhuần Chính pháp và đã đắc quả Dự Lưu. Riêng người con gái tên Sumanà (tạm dịch là Mỹ Hoa) thiện căn vượt hẳn mọi người trong gia đình, với trí tuệ siêu việt, Sumanà đã chứng đắc Thánh quả Nhất Lai ở lần nghe Pháp đầu tiên. Theo thường Pháp của bậc Thánh, Sumanà chán ghét sinh tử, đã dụng công tu tập không màng đến ăn uống, do đó cô viên tịch khi còn trẻ tuổi trước sự tiếc thương của gia đình. Sumanà tái sinh lên cõi trời Tusita, và ở đó cô đã tu tập đến khi đoạn trừ hết các phiền não vi tế, chứng đắc Thánh quả A la hán, không còn sinh tử luân hồi.

Người con trai duy nhất của Sudatta tên là Kàla, có nước da ngâm đen. Cậu ta là đứa con nối dòng của gia tộc họ Tu Ðà. Kàla là người đam mê kinh doanh, không ưa thích, thậm chí chán ghét việc nghe Pháp. Nhờ vào phương tiện của người cha, Sudatta hứa sẽ cho 1000 đồng tiền vàng nếu Kàla thọ giới và tu Bát quan trai, đến cuối ngày Kàla nhận thấy được sự hoan hỷ và an lạc khi thực hành Pháp do đức Phật và chư Tăng thuyết giảng. Kể từ đó, mỗi tuần Kàla nghỉ việc một ngày, tập trung tu tập Bát quan trai, không khí gia đình trở nên hòa thuận hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, Sudatta còn khuyến khích cậu con trai của mình thường xuyên đến tinh xá để nghe đức Phật thuyết Pháp với lời hứa sẽ cho 1000 đồng tiền vàng. Trải qua thời gian không lâu, Kàla chứng đắc Thánh quả Dự Lưu, có niềm tin bất động vào ba ngôi Tam Bảo và giới Pháp đã lãnh thọ. Kể từ đó, Kàla chuyên tâm tu tập và làm việc phước thiện, hộ trì Tam Bảo không thối lui.

Kàla lập gia đình với nàng Sujàtà, em gái của một nữ thí chủ nổi tiếng là bà Visàkhà. Với sự giàu có của hai gia đình, Sujàtà là người hết sức ương ngạnh và hay cáu gắt, chấp nhặt từng chút một, Sujàtà có thậm chí có thể đánh mắng người giúp việc và vô lễ những người thân trong gia đình. Với tính nết, thái độ như thế, Sujàtà không được mọi người ưa mến, thậm chí muốn lánh xa. Như thường ngày, đức Phật cùng chư Tăng đến nhà Sudatta thọ trai, cô thường tỏ ra thái độ bất mãn, chán ghét. Có lần sau khi thọ trai xong, đức Phật thuyết Pháp cho cả nhà, Sujàtà làm ầm ĩ vì quát mắng người giúp việc, nhân đó đức Phật gọi lên và có bài thuyết Pháp về bảy hạng vợ cho Sujàtà. Kể từ đó, cô được khai ngộ, dần bỏ được những thói hư tật xấu, tinh tấn tu học và hộ trì chính pháp, trở thành một người con hiếu thuận, một người vợ hiền, thương yêu và giúp đỡ mọi người xung quanh, dần dần được mọi người yêu mến.

Sudatta có một người cháu trai, được thừa hưởng gia sản lên đến 40 triệu đồng tiền vàng. Cậu ta đam mê cờ bạc và nữ sắc, chỉ lo thừa hưởng không lo làm ăn, có khi một ngày tiêu xài hàng trăm ngàn tiền vàng. Chẳng bao lâu tài sản bị khánh kiệt, cậu đã về xin chú Sudatta của mình giúp đỡ, Sudatta vui vẻ cho cậu 1000 đồng tiền vàng để làm vốn kinh doanh. Với tính nào tật đấy, tiền bạc trong chốc lát đã tiêu sạch, cậu ta lại về nhà chú của mình xin tiền; lần thứ hai, lần thứ ba… Sudatta đều đồng ý cho tiền để cậu làm vốn kinh doanh, nhưng cậu chỉ đem đi đánh bạc và hưởng thụ nữ sắc. Đến lần thứ năm, cả gia đình nhất trí chỉ cho vật thực ăn uống hằng ngày, không cho đứa cháu này một đồng tiền nào nữa. Với bản tính lười biếng, ương ngạnh và ham thích hưởng thụ, cậu đã bỏ nhà đi xin ăn, kết quả cậu bị chết đói trong một góc đường tăm tối. Sudatta vô cùng hối hận vì nghĩ mình đã gián tiếp làm chết đứa cháu. Đức Phật, bậc Nhất thiết trí, biết được hết thảy nhân quả thế gian và xuất thế gian trong nhiều đời, đã giảng giải cho Suddatta trừ bỏ tâm hối tiếc, trong đó có đoạn: “Làm sao ông mong làm thỏa mãn một kẻ chính Ta ngày xưa cũng không thể làm thỏa mãn”[21]. Từ đó, với tâm không nghi ngại, Sudatta và cả gia đình một lòng hướng thượng, hướng thiện, nỗ lực hộ trì chính pháp.

Ngoài hiến cúng Tinh xá Kỳ Viên, Sudatta còn cho xây dựng rất nhiều giảng đường tại Sāvatthi để thuận tiện cho đức Phật cùng chư Tăng thuyết Pháp, người dân ở thành Sāvatthi cũng dễ dàng đến để tu học. Đến cuối đời, trước lúc mạng chung, trưởng giả Anāthapindika được tôn giả Sāriputta và Ānada giáo giới về những pháp dành cho đệ tử xuất gia lẫn đệ tử tại gia mà trưởng giả chưa được nghe trước đó. Sau khi mạng chung, Anāthapindika được sinh lên cõi trời Tuṣita.

Từ đó ta có thể thấy công lao của Sudatta không hề nhỏ trong việc góp phần xây dựng và hộ trì Tam Bảo. Xét về phương diện cá nhân, Sudatta là người có đạo đức và nhân cách cao thượng không cần phải bàn cãi. Mặc khác, ông còn là bậc Thánh Dự Lưu đoạn trừ được thân kiến, nghi, giới cấm thủ và đang tiến dần đến các Thánh quả cao hơn. Phải nói, tâm tham lam tiền của là một bản tính cố hữu khó có thể dứt trừ, nhưng với Sudatta thì hoàn toàn ngược lại, tính tình hào sảng, với bàn tay rộng mở sẵn sàng bố thí, cúng dường không chút luyến tiếc. Ông có niềm tin, cung kính tuyệt đối vào Tam Bảo và các học giới mà đức Thế Tôn đã giảng dạy, giữ cẩn thận những giới đã lãnh thọ. Sudatta Anàthapidika mãi là tấm gương tốt cho các thế hệ cư sĩ phật tử học hỏi và làm theo để hộ trình chính pháp.

Xét về phương diện gia đình, Sudatta là một người chồng gương hạnh, một người cha mẫu mực, một người ông hết mực thương yêu cháu, một người chủ lý tưởng với những người giúp việc. Dùng mọi phương tiện thiện xảo, Sudatta đã khuyến hóa vô số người thân trong gia đình trở tành người đệ tử Phật và đa phần đều chứng Thánh quả, đây là ý nghĩa cao tột nhất trong việc hộ trì chính pháp.

Xét về phương diện xã hội, Sudatta là một mẫu người lý tưởng, luôn hướng đến tinh thần xây dựng quốc gia hòa hợp, hùng mạnh. Ông đã đóng góp tích cực và hiệu quả các công tác cải tiến xã hội khi thành lập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm cứu đói, Viện dưỡng lão, Viện mồ côi, nhất là năm trăm khẩu phần thường trực tại tư gia cho những người xin ăn nghèo đói, giúp đỡ tận tình những người cô thân yếu thế mà không hề có chút vụ lợi. Với nhiều mảng kinh doanh, Sudatta đã tạo ra vô số công ăn việc làm cho người dân, cải thiện đời sống xã hội. Mặt khác, ông còn góp phần xây dựng những công trình kiến trúc đồ sộ, nâng tầm văn hóa, văn minh nước Kosala lên một tầm cao mới.

Xét về phương diện đạo Pháp, Sudatta là mẫu hình cư sĩ Phật tử lý tưởng hộ trì chính pháp. Đức Phật đã từng khẳng định: “Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta… những vị bố thí, tối thắng là gia chủ Sudatta Anàthapidika.”[22] Nhờ những công trình do Sudatta xây dựng, đức Phật cùng chư Tăng có nơi cư trú, thuận tiện trong việc hành Thiền, thuyết giảng Pháp và Luật đến các đệ tử, cũng như những ngoại đạo đến yết kiến, luận bàn Pháp. Vô số du sĩ ngoại đạo, Bà la môn… được đức Phật hóa độ, phá bỏ tà kiến trở về chính kiến, phát khởi niềm tin Quy y Tam Bảo trọn đời tại các trú xứ này. Sudatta đã hộ trì tứ sự đến đức Phật và Tăng chúng một cách trọn vẹn, nhờ đó chư Tăng đã yên tâm tu học, không còn lo lắng hay hướng tâm ra ngoài để tìm cầu vật chất. Nhờ vào sự hộ trì hết mình của Sudatta, rất đông những vị xuất gia đã thành tựu cứu cánh Sa môn hạnh, chứng đắc Thánh quả A la hán, vượt thoát khỏi dòng bộc lưu.

Tóm lại, cư sĩ, phật tử muốn phát nguyện hộ trì chính pháp, muốn thành tựu những công hạnh của bậc Thánh, thì hãy học tập, noi gương cư sĩ, phật tử Sudatta Anàthapidika.

2.2.2. Nữ cư sĩ, phật tử Visākhā Migàramàtà

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta chỉ thấy sự xuất hiện gián tiếp của Visàkhà thông qua địa điểm đức Phật thuyết kinh. Ở bài kinh số 27 (kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Agganana Sutta), đức Phật thuyết giảng ở kinh này ở Lộc Mẫu giảng đường (một giảng đường do Visākhā hiến cúng). Nhân vì hai thanh niên Bà la môn Vāseṭṭha và Bhāradvājā có ý định xuất gia làm Tỷ-kheo, nhưng bị những vị Bà-la-môn khác chỉ trích dữ dội khi từ bỏ giai Bà-la-môn tối thượng, trở thành giai cấp hạ tiện Sát-đế-lỵ. Đức Phật đã dùng trí tuệ của mình phá bỏ sự mê lầm của những vị Bà la môn về quan niện đẳng cấp, cuối cùng Ngài xác chứng chỉ có giới, định và trí tuệ mới thật sự là tối thượng giữa loài trời và loài người.

Tuy sự xuất hiện của bà Visākhā không nhiều trong kinh Trường bộ, nhưng những ảnh hưởng, sự đóng góp và tinh thần hộ trì chính pháp của bà đáng để lưu tâm. Visākhā là nữ cư sĩ Phật tử nổi tiếng, cô đã chứng được Thánh quả Tu-đà-hoàn trong thời đức Phật còn tại thế. Những gì được viết lại cho biết rằng: Visākhā là người mạnh mẽ, xinh đẹp và đoan trang từ khi còn nhỏ. Visākhā có được năm vẻ đẹp của người phụ nữ về tóc, da, xương, vóc dáng và tuổi trẻ. Bên cạnh đó, Visākhā là một người thông minh, có trí tuệ với những việc ở thế gian, cũng như trong lĩnh vực đạo đức tâm linh.

Theo sử liệu, vào năm mười lăm, mười sáu tuổi, Visākhā cùng với các tỳ nữ ra sông để tắm, bất chợt trời mưa, mọi người đều chạy đến một căn nhà để trú mưa, chỉ riêng Visākhā vẫn khoan thai đi đến trú mưa tại căn nhà đó. Có một số Bà-la-môn thấy làm lạ nên hỏi Visākhā về sự tình đó, Visākhā cho rằng nếu bỏ chạy như vậy sẽ mất hết nét đẹp đoan trang của một người phụ nữ; cô cũng lấy ví dụ liên quan đến vị vua hay các nhà sư, nếu chạy trong trường hợp đó quần áo sẽ xốc xếch, mất đi sự trang nghiêm của một vị vua hay của nhà sư.

Về sau, Visākhā được gả về làm dâu cho một gia đình Bà la môn sùng tín đạo của Nigaṇha Nātaputta (Ni Kiền Tử). Một ngày, cha chồng của Visākhā có thỉnh các vị tu sĩ lõa thể về nhà và gọi Visākhā ra để đảnh lễ, khi bước ra Visākhā thấy như vậy nên không chịu được, phiền trách cha chồng, sau đó vội đi trở vào. Các tu sĩ này tức giận, bảo gia đình đuổi Visākhā ra khỏi nhà. Thêm một ngày nữa, cha chồng của Visākhā đang ăn cháo thì có một vị Tỷ-kheo đi khất thực vào nhà, Visākhā đứng qua một phía để cha chồng trông thấy, nhưng cha chồng của Visākhā không để ý đến vị Tỷ-kheo đó. Visākhā đã lịch sự mời vị Tỷ-kheo sang khất thực nhà khác, vì món của cha chồng đang ăn đã bị hư nên không thể cúng dường được. Cha chồng của Visākhā nghe thấy vậy, tức giận nên muốn đuổi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, dưới sự bảo lãnh của tám vị thân nhân trong nhà, họ đều cho rằng Visākhā là người không có lỗi và không có lý do gì đuổi Visākhā đi, người cha chồng đành miễn cưỡng cho phép Visākhā ở lại trong nhà. Sau sự việc đó, cha chồng của Visākhā đã ôm lòng tức giận, nên đã tìm cách bắt lỗi Visākhā để tống cổ cô ra khỏi nhà, nhưng không được như ý muốn của ông. Về sau, cha chồng của Visākhā cho phép cô được tự do sinh hoạt theo tôn giáo của cô. Nhân cơ hội, Visākhā đã thỉnh đức Phật về nhà thọ trai và thuyết Pháp, cha chồng ngồi sau bức rèm nghe trộm và đã chứng được quả Dự Lưu. Từ đó, cha chồng của Visākhā cảm động, tỏ lòng biết ơn đối với con dâu vì đã giúp ông bước vào con đường giải thoát. Nhờ trí huệ và sự thông minh, Visākhā đã giúp mọi người và cả bên nhà chồng đều quy ngưỡng Phật Pháp.

Visākhā là một nữ cư sĩ, phật tử giàu có đứng hàng thứ nhì ở thành Xá Vệ, chỉ sau Cấp Cô Độc. Tại thành Xá Vệ, bà đã dành một khu vườn xoài lớn, rộng rãi và thoáng mát để cúng dường đức Phật và chư Tăng. Trong khuôn viên này, bà xây dựng một đại giảng đường ở phía Đông của khu vườn nên được gọi là Đông Viên Tịnh Xá. Mặc khác vì bà là người cư sĩ đức hạnh, mẫu mực, yêu thương giúp đỡ mọi người, nên được người dân trong thành tôn xưng là Lộc Mẫu (Migāramāta), nghĩa là tình thương yêu, chăm sóc dành cho mọi người hiền lành như nai mẹ thương con. Và đó là lý do vì sao ngôi đại giảng đường có tên là Lộc Mẫu. Mỗi ngày, Visākhā đều cúng dường thức ăn cho chư Tăng, buổi chiều thì đến chùa nghe Pháp và cúng dường các vật dụng cần thiết cho chư Tăng [23].

Khảo sát qua Tạng Luật, Visākhā xuất hiện rất nhiều, bà đã đóng góp những ý kiến giúp Đức chế định giới luật cho hai chúng Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni. Có lần bà đã cầu xin và được đức Phật chấp thuận cho tám điều nguyện ước: Bà đã thỉnh cầu đức Phật để dâng vải choàng (tắm) mưa đến hội chúng, dâng thức ăn dành cho vị đi đến, dâng thức ăn dành cho vị ra đi, dâng thức ăn dành cho vị bị bệnh, dâng thức ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dâng dược phẩm dành cho vị bị bệnh, dâng cháo hàng ngày, dâng vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni đến trọn đời. [24] Đức Phật đã từng xác định: “Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của Ta, này các Tỷ-kheo, bố thí tối thắng là Visàkhà Migàramàtà.” [25]

Về phương diện cá nhân và gia đình, từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành bà thành tựu những phẩm chất đạo đức tốt đẹp khó ai sánh phần. Trong gia đình, bà là một người con hiếu thảo, một người vợ nết na, một người mẹ hiền hòa, một người bà khả kính. Đối với những người giúp việc trong gia đình, bà đối xử một cách từ hòa, có trước sau nên cũng quý mến.

Về phương diện xã hội, tuy sinh trong gia đình giàu có, nhưng bà không ưa hưởng thụ, chỉ thích bố thí cúng dường, làm những việc phước thiện. Bà hay bố thí cho những người cơ khổ, bệnh tật, không có nơi cư trú. Do bà đối xử hài hòa, nhiệt tâm giúp đỡ mọi người với tất cả tâm thành, nên được mọi người trong thành Xá Vệ hết mực kính trọng và quý mến.

Về phương diện đạo Pháp, như đã đề cập ở trên, bà là một nữ cư sĩ Phật tử thuần thành đóng góp những giá trị lớn và tích cực cả về vật chất và tinh thần. Không quá đáng khi nói bà là nữ hộ pháp, là ngọn cờ đầu trong phong trào hộ trì Chính pháp.

2.2.3. Thái y Jīvaka Komārabhacca

Khảo sát qua kinh Trường bộ, thái y Jīvaka xuất hiện trực tiếp qua bài kinh số 2 (kinh Sa Môn Quả, Sàmanana-Phala Sutta). Vào đêm rằm tháng tư, nhân ngày lễ Bố tát, Ajàtasattu (A-Xà-Thế) con bà Videhi (Vi-Đề-Hi) vua xứ Magadha (Ma-Kiệt-Đà) đang ngồi trên lầu đài trang nghiêm cùng các vị đại thần bao quanh, đã khởi lên cảm hứng muốn đến yết kiến những vị Sa môn hay Bà la môn nào khiến tâm được tịnh tín. Với sự giới thiệu của những vị đại thần, Ajàtasattu đã đi khắp nơi để yết kiến, đảnh lễ và hỏi Pháp những vị Sa môn, Bà la môn của các giáo phái khác, nhưng không làm cho Ajàtasattu khởi lên sự hoan hỷ, tâm được tịnh tín. Cuối cùng, thông qua sự giới thiệu của Jīvaka, Ajàtasattu đã đến Tinh xá Kỳ-bạt để yết kiến, đảnh lễ và hỏi Pháp với đức Phật cùng 1250 vị tỳ kheo. Tại đây, đức Phật đã giảng giả cặn kẽ về 13 lợi ích của hạnh Sa môn. Ajātasattu luôn mặc cảm tội lỗi là người bất hiếu khi giết cha xoán ngôi, nhưng khi nghe đức Phật giảng giải Chính pháp, Ajātasattu khởi lên lòng tịnh tín, hoan hỷ sám hối những tội nghiệp đã gây ra trong quá khứ và xin quy y với đức Phật và chúng Tăng.

Theo nhiều sử liệu, Jīvaka Komārabhacca (Kỳ-bà) là một y sĩ giỏi và nổi tiếng, là con của kỹ nữ Sālavatī ở thành Rājagaha. Lúc vừa mới chào đời, Jīvaka Komārabhacca bị bỏ trong một thùng rác, và được vương tử Abhaya (con vua Bimbisāra) đem về nuôi dưỡng. Jīvaka Komārabhacca (có nghĩa là “kẻ còn sống”, có lẽ khi đứa bé được lượm thùng rác, Abhaya đã thốt lên như thế) [26] là tên được đặt bởi vương tử Abhaya. Khi lớn lên, Jīvaka đi học nghề thuốc ở Takkasilā trong vòng bảy năm, sau đó Jīvaka trở lại thành Rājagaha để cứu giúp mọi người, người dân khắp nơi hễ ai có bệnh tình dù nặng hay nhẹ, Jīvaka đều tận tâm cứu chữa như những người thân trong gia đình. Jīvaka Komārabhacca đã chữa bệnh trĩ cho vua Bimbisāra nên được vua phong làm ngự y để chữa bệnh ở trong cung. Với y thuật cao siêu, Jīvaka Komārabhacca còn được phép chữa bệnh cho đức Phật và Tăng đoàn.

Sau khi nghe đức Phật thuyết giảng về năm điều làm mất công đức khi cúng dường vật thực cho đức Phật và chúng Tăng; bên cạnh đó đức Phật còn giải thích về Tam tịnh nhục, ba loại thịt thanh tịnh mà Thế Tôn và Tăng đoàn được thọ dụng, Jīvaka Komārabhacca đã quy y Phật, Pháp, Tăng trở thành đệ tử tại gia của đức Phật. Với tâm thành kính, thuần tịnh, Jīvaka cúng dường vườn xoài của mình để thành lập nên Tinh xá Kỳ-bạt (Jìvàkàràma), tinh xá này ở ngoại ô thành Ràjagaha (Vương xá) cách chân núi Gradhrakuta không xa, đức Phật và chư Tăng (lên đến 1250 người) thường hay trú ngụ, thuyết giảng, luận bàn Phật Pháp ở tinh xá này mỗi khi đến thành Ràjagaha.

Thái y Jīvaka cũng có nhiều đóng góp trong việc ban hành một vài điều luật trong Tăng đoàn. Y sĩ Jīvaka thấy đức Phật và chúng Tăng sử dụng vải bị quăng bỏ để may y, nên sau khi giúp đức Phật thanh lọc các độc tố trong cơ thể, Jīvaka đã cúng dường xấp vải tốt lên đức Phật và xin Ngài cho phép các vị Tỷ-kheo được thọ nhận y cúng dường bởi các gia chủ, đức Phật đã chấp thuận việc thỉnh cầu của Jīvaka. Sau khi Jīvaka  ra về, đức Phật triệu tập chư vị tỳ kheo và chế định: “Này các tỳ khưu, ta cho phép y của gia chủ. Vị nào thích thì hãy là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, vị nào thích thì hãy chấp nhận y của gia chủ. Và này các tỳ khưu, ta ngợi khen sự biết đủ (dầu) với loại này hay loại kia.”[27] Bên cạnh đó, Jīvaka còn thấy các thầy Tỷ-kheo bị bệnh béo phì, nên xin đức Phật cho phép chúng Tăng được sử dụng phòng tắm hơi và đường kinh hành để phòng trị bệnh. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho chư Tăng, tránh những căn bệnh nguy hiểm mang yếu tố lây nhiễm, chính Jīvaka đã đề nghị đức Phật nên ban hành những quy định hạn chế người mắc các căn bệnh truyền nhiễm xuất gia vào Tăng đoàn, đức Phật đã chấp thuận trước thỉnh cầu của ông.

Mặc dù Jīvaka xuất hiện không nhiều trong kinh Trường bộ, nhưng xét về phương diện xã hội thì tinh thần hộ trì Chính pháp, cũng như những ảnh hưởng của Jīvaka đến Ajātasattu không hề nhỏ cả về phương diện tu tập tâm linh lẫn các phương thức cai trị đất nước ở xứ  Magadha. Do y thuật cao siêu, nhiệt tâm chữa trị không màng vụ lợi, nên Jīvaka ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội từ người bình dân, thành phần trí thức, doanh nhân, vua quan trong nước và ngoài nước, các Tăng lữ. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta, được dân chúng kính mến, tối thắng là Jìvaka Komàrabhacca.”[28]

Xét về phương diện cá nhân và gia đình, mặc dù sinh ra đã mồ côi cha mẹ ruột, được Abhaya đem về nuôi dưỡng khôn lớn. Bên cạnh đó, ông lớn lên trong môi trường quyền quý, chính trị, nhưng Jīvaka không tiêm nhiễm những thói hư tật xấu như ương ngạnh, thích hưởng thụ, thậm chí mưu mô độc ác… Ngược lại Jīvaka là người bản tính rất hiền lành, tốt bụng, hiếu thuận với cha mẹ nuôi, đối xử hài hòa với mọi người xung quanh. Vì bén duyên với y thuật, chẳng bao lâu ông đã trở thành người thầy thuốc giỏi với tay nghề cao, tâm đức tràn đầy. Không ngại khó khổ, không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần bệnh còn có thể chữa trị được thì Jīvaka không bao giờ nề hà. Đời sống đạo đức của ông trở nên tăng thượng khi phát nguyện quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, trở thành Cận sự nam trong Chính pháp. Có thể nói, đạo đức của Jīvaka là tấm gương tốt để học hỏi đối với các y bác sĩ, thành phần tri thức trong xã hội.

Xét về phương diện đạo pháp, Jīvaka đã nỗ lực tinh tấn giữ gìn giới, tinh cần tu định và tuệ, trải qua năm tháng không hề có sự lười mỏi. Ông là ngọn cờ đầu trong tinh thần hộ trì Chính pháp. Jīvaka là một cư sĩ, phật tử tri thức điển hình trong mọi thời đại, khi đã dùng nghề nghiệp của mình để cảm hóa những người xung quanh, với những ai có duyên, ông đều khuyến khích họ đến nghe đức Phật cùng chư Tăng thuyết giảng chính pháp. Những người này sau khi nghe Pháp xong, đa phần đều phát nguyện trọn đời là đệ tử Thế Tôn. Mặc khác, đối với Tam Bảo Jīvaka hết lòng phụng sự cả về phương diện cúng dường tứ sự, lẫn góp ý kiến xây dựng Tăng đoàn.

2.2.4. Cô kỹ nữ Ambapāli

Khảo sát qua kinh Trường bộ, Ambapāli xuất hiện trong bài kinh số 16 (kinh Đại Bát Niết-bàn, Mahà-Parinibbàna Sutta), vào những ngày tháng cuối cùng, đức Phật đang ở vườn xoài của Ambapāli tại thành Vesāli để thuyết giảng chính pháp. Khi nghe tin, nàng vội đến nơi đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên, lắng nghe Pháp từ đức Thế Tôn giảng dạy. Nàng nghe với tâm tịnh tín, phát sinh hoan hỷ và thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nhà thọ trai, đức Phật đã im lặng nhận lời. Trên đường về, nàng để xe va chạm với các công tử ở Licchavi. Các công tử hỏi nguyên do nàng đi vội vã thì được Ambapāli trả lời: “Tôi vừa mới mời Thế Tôn cùng chúng Tỷ-kheo ngày mai đến dùng cơm.”[29] Khi được nghe nói thế, các công tử ở  Licchavi đã ngõ ý muốn nàng nhường bữa cúng dường lại và sẽ trả một số tiền vàng lớn. Ambapāli khước từ ngay và bảo với những công tử Licchavi rằng: “Dầu quý Công tử có cho tôi cả thành Vesàli cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này.”[30] Khi nghe nói thế, những vị công tử này sinh tâm tức tối và bảo: “Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này đả thắng! Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này phổng tay trên.”[31] Ambapāli tự tay chuẩn bị các loại thức ăn tối thắng và dâng cúng đến đức Phật cùng chư Tăng vào ngày mai. Khi đức Phật thọ trai xong, Ambapāli đã thỉnh cầu Ngài cùng chư Tăng nhận lãnh khu vườn do nàng hiến cúng, đức Phật đã hoan hỷ thọ nhận. Nhân đó, đức Phật đã thuyết Pháp, Ambapāli phấn khởi, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn giảng dạy.

Theo nhiều sử liệu, trong thời kì Phật còn tại thế, Ambapāli là một nữ cư sĩ tài năng và xinh đẹp, được nhiều công tử nhà quyền quý cầu hôn. Vì nhiều nhân duyên, Ambapāli trở thành một kĩ nữ nổi tiếng ở thành Vesāli. Có thể nói, Ambapāli là một tuyệt sắc giai nhân, với tài năng đàn ca múa hát của mình, cô đã khiến không biết bao nhiêu người đàn ông say đắm, ngay cả với vua Bimbisāracũng không ngoại lệ. Ambapāli chỉ yêu thương thật lòng vua Bimbisāra và hai người có một người con trai tên là Vimala Kondañña.

Xuất thân của Ambapāli là con của vua Mahanama và một cung nữ, cô bị bỏ rơi tại một vườn xoài và được nuôi dưỡng bởi người quản lý khu vườn ở hậu cung. Thêm nữa, sau khi Ajātasattu hại chết vua Bimbisāra, Ajātasattu đã ngỏ lời tình ý với Ambapāli, nhưng bất thành, trong cơn tức giận, Ajātasattu đã tấn công Vesāli nhưng không làm gì tổn hại đến Ambapāli.[32]

Về sau, khi đức Phật đang giáo hóa ở vùng Vesāli, Ambapāli đã đến nghe Pháp, phát khởi tín tâm quy y Tam Bảo và từ bỏ việc làm kĩ nữ. Từ đó, Ambapāli trở thành một con người mới, chuyên tâm tu hành phạm hạnh, hướng đến đời sống cao thượng của người cư sĩ, phật tử.

Có một vài mẩu chuyện liên quan đến đức Phật và đệ tử của Ngài với nàng Ambapāli. Trong một lần Ambapāli thỉnh đức Phật và chư Tăng đến nhà ngọ trai, nàng đã ngỏ ý muốn được múa hát để cúng dường lên đức Phật, nhưng Ngài đã từ chối. Một câu chuyện khác liên quan đến người con trai của Ambapāli, sau khi trưởng thành, Vimala Kondañña đã xuất gia làm Tỷ-kheo. Ambapāli mời vị Tỷ-kheo này đến vườn xoài của cô để cư trú, nhưng vị ấy không chấp nhận vì chưa được sự đồng ý của đức Phật. Khi đức Phật nghe được sự việc, đã cho phép vị Tỷ-kheo này đến cư trú, tu tập ở vườn xoài của Ambapāli. Dưới sự giáo hóa của người con trai, không lâu sau Ambapāli đã xuất gia trở thành Tỷ-kheo ni. Ambapāli tinh cần tu tập, trong thời gian ngắn đã chứng được Thánh quả A-la-hán trong giáo pháp của đức Phật.

Ambapāli chỉ xuất hiện thoáng qua trong kinh Trường bộ, nhưng tinh thần hộ trì Chính pháp của Ambapāli khiến ta phải suy nghĩ và đáng để học hỏi.

Thứ nhất, tuy xuất thân, công việc của nàng không thượng đẳng, thậm chí bị chê khinh, nhưng Ambapāli vẫn giữ cho mình một tâm hồn thuần tĩnh cao quý.

Thứ hai, khi đủ duyên là người con Phật, nàng đã ra sức hộ trì Chính pháp cả về phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, nàng dâng cúng đức Phật và chư Tăng khu vườn rộng lớn, thường hay thỉnh đức Phật và chư Tăng thọ trai… Về phương diện tinh thần, nàng ra sức học hỏi Pháp, lắng nghe với tâm thành kính và tinh tấn thực hành những điều lành mà Đức Thế Tôn giảng dạy.

Thứ ba, nàng là một người trọng Pháp khinh tiền tài và quyền lực. Với câu nói đáp trả các công tử Licchavi [33], đủ để khẳng định không gì làm lay chuyển tâm hộ trì Chính pháp của Ambapāli. Đối với người thường, tiền bạc và quyền lực là hai thứ vô cùng quý giá, rất khó để xem nhẹ. Nhưng với Ambapāli, một người con Phật có nhân cách cao tuyệt, khinh nhẹ mọi thứ, duy chỉ Chính pháp mới là quan trọng nhất, mới đặt nặng nhất.

Khi còn là cư sĩ Phật tử, Ambapāli  đã hoàn thành những bổn phận và trách nhiệm của mình đối bản thân, gia đình và xã hội; tất cả tạo nên nền tảng công đức để sau này Ambapāli duyên xuất gia làm tỳ-kheo ni, chứng được Thánh quả A-la-hán.

2.3. Nhóm các cư sĩ, phật tử khác nhau trong xã hội

Như đã trình bày về sự hình thành của cư sĩ, phật tử trong kinh Trường bộ vô cùng phức tạp, phân chia thành nhiều nhóm khác nhau, với những phương thức hộ trì Tam Bảo khác nhau.

2.3.1. Nhóm những Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo đã Quy y Tam Bảo

Điển hình trong kinh Trường bộ có Bà-la-môn Soṇadaṇḍa trong bài kinh số 4. kinh này kể về cuộc đối thoại giữa Bà-la-môn Soṇadaṇḍa và đức Phật về những đức tính để tác thành một vị Bà-la-môn. Soṇadaṇḍa lắng nghe Chính pháp, từ bỏ tà kiến, phát nguyện Quy y Tam Bảo, ông còn thỉnh đức Phật và tăng chúng thọ trai.

Mặc dù chính thức là đệ tử của đức Phật, nhưng Soṇadaṇḍa vẫn có danh tiếng rất lớn với giới Bà-la-môn đương thời. Ông đã dùng những phương thức đặc thù ngăn những Bà-la-môn khác phỉ báng Tam Bảo, ngăn sự tổn giảm danh tiếng, tứ sự cúng dường đối với đức Phật và Tỷ-kheo Tăng như: “Tôn giả Gotama, nếu ở trong hội chúng mà con chắp tay vái chào, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con đứng dậy. Tôn giả Gotama, nếu trong hội chúng mà con tháo khăn đầu, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con vái chào với đầu của con. […] Tôn giả Gotama, nếu trong khi con đi xe, con hạ cán roi xuống, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con xuống xe. Tôn giả Gotama, nếu trong khi con đi xe, con vẫy tay, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con vái chào với đầu của con.”[34]

Có thể thấy, Bà-la-môn Soṇadaṇḍa là một cư sĩ, phật tử vô cùng thông thái, với những việc làm hộ trì chính pháp hết sức thiết thực trên nhiều phương diện: Lắng nghe Chính pháp, cúng dường tứ sự, bảo vệ uy tín – thanh danh đức Phật và Tỳ-kheo Tăng. Đây là một minh chứng điển hình cho giới Bà-la-môn phát nguyện làm đệ tử đức Phật trong kinh Trường bộ. Bên cạnh đó còn thể hiện tinh thần hộ trì chính pháp cao thượng, đáng để những người con Phật về sau học hỏi và làm theo.

Ngoài ra, ta còn thấy sự xuất hiện của một số Bà-la-môn và du sĩ ngoại đạo qua các kinh như: Pokkharasti, Kūṭadanta, Poṭṭhapāda, thanh niên Bà-la-môn Subha Todeyyaputta, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha, Lohicca, Vāsaṭṭha, Bharadvāja và Pukkusa, dòng họ Mallà, đệ tử của ngài Alāra Kālāma. Những vị Bà-la-môn và du sĩ ngoại đạo này, sau khi nghe đức Phật thuyết Pháp từ bỏ được ác kiến, phát nguyện làm đệ tử đức Phật. Những vị này, với hai phương thức hộ trì chính pháp là cúng dường tứ sự, lắng nghe lời dạy của Thế Tôn, hoan hỷ tín thọ và tinh tấn thực hành, đã có nhiều vị bước lên địa vị của bậc Thánh.

2.3.2. Nhóm một số gia chủ, dân làng và những người có nghề nghiệp khác nhau

Trong nhóm này, ta bắt gặp nhiều nhân vật với tinh thần hộ trì chính pháp khác nhau. Điển hình có thợ rèn Cunda xuất hiện trong hai bài kinh số 16 và kinh số 33. Trong bài kinh số 33, nhân khi đức Phật và chư Tăng đang ở Pàvà, ông đã cúng dường rừng xoài để đức Phật và chư Tăng cư ngụ.

Trong bài kinh số 16, kể về những ngày tháng cuối cùng của đức Phật. Rời Bhoganagara, đức Phật đến Pāvā. Tại đây, đức Phật ngự tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda (Thuần Đà). Nghe đức Thế Tôn đang ngự tại vườn xoài của mình, người thợ rèn rất hạnh phúc, tìm đến để nghe pháp. Hôm sau, ông xin thỉnh đức Phật và Tăng chúng đến cúng dường tại tư gia. Ông đã công phu chuẩn bị những món ăn thượng vị cứng mềm rất chu đáo, đặc biệt có món được gọi là Sūkara-maddava (một loại mộc nhĩ) cúng dường riêng đến đức Phật.

Thọ trai xong đức Phật nói với Cunda: “Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.”[35]

Khi thọ trai xong, đức Phật tuần tự thuyết Pháp cho Cunda nghe, khiến phát sinh tâm hoan hỷ. Mặc khác, “sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chính niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.”[36]

Sau sự kiện đó, Cunda vô cùng đau xót, thầm trách mình là thủ phạm gây tổn hại đức Phật. Tuy nhiên, đức Phật đã nhiều lần biểu dương và tán thán hai bữa ăn phước báu nhiều nhất, thù thắng nhất là bữa ăn trước khi đắc quả vị Chính Đẳng Giác do thôn nữ Sujātā cúng dường ở rừng khổ hạnh và bữa ăn trước khi Niết bàn do Cunda thành tâm dâng cúng.  Cả hai bữa ăn ấy, phước giống nhau, quả báo thù thắng giống hệt nhau, bằng nhau. Nghe những lời ấy, Cunda dần định tĩnh, bớt những ăn năn, hối tiếc.

Với bài kinh số 12, thiện nhân Bhesika nhờ Thế Tôn giảng dạy khiến Lohicca trừ bỏ ác kiến. Lohicca khởi lên tâm tịnh tín cúng dường đức Phật và tăng chúng thọ trai. Sau đó, lắng nghe Pháp, hiểu Pháp, ca ngợi, tán thán Thế Tôn và xin quy y Tam Bảo trọn đời.

Ngoài ra, ta còn bắt gặp nhiều người ở các dân làng, các gia chủ khác nhau xuất hiện trong các kinh với tinh thần hộ trì Chính pháp không biết mỏi mệt. Nhưng tựu trung lại, với hai hình thức hộ trì phổ biến là cúng dường tứ sự đến đức Phật và Tỳ-kheo Tăng; lắng nghe Chính pháp, hoan hỷ thực hành những lời dạy.

Đặc biệt, trong bài kinh số 16, xuất hiện đông đảo người dân khắp nơi tụ hội về khi nghe tin đức Phật nhập Niết-bàn. Trong đó các người dân Mallà ở Kusinàrà đã dâng cúng âm nhạc, tràng hoa… để trà tỳ thân Thế Tôn. Những người Licchavi ở Vesālī, những người Sakya ở Kapilavatthu, những người Buli ở Allakappa, những người Koli ở Rāmagāma, những người Mallà ở Pàvà, những người Màllà ở Kusinàrà, những người Moriyà ở Pipphalivana đã xây dựng tháp Xá-lợi và tổ chức lễ cúng dường.

3. Thiện nam tín nữ chưa xác định quy y Tam Bảo

3.1. Nhóm những Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo

Đầu tiên phải kể đến Brahmadatta. Trong bài kinh số 1, khi đức Phật thuyết Pháp ở Ambalatthikà, nhà nghỉ mát của vua tại Ràjagaha. Trong khi thầy của mình là Bà-la-môn Suppiya hủy báng Phật, Pháp, Tăng; chính Bà-la-môn Brahmadatta đã nói những lời tương phản, ngăn thầy mình không phỉ báng Tam Bảo. Nhân đó đức Phật thuyết Pháp cho chư vị Tỳ-kheo về bốn điểm chính yếu, rất hữu ích cho sự tu tập: (1) điềm tỉnh trước khen và chê, (2) chỉ có hạng vô văn phàm phu mới tán thán giới hạnh của Đức Thế Tôn, (3) đức Phật đã trình bày về 62 tà kiến của ngoại đạo, (4) đức Phật đã trình bày về nguyên nhân phát sinh tà kiến dẫn đến tà thuyết.

Kế đến ở bài kinh số 7, nhân đức Phật đang thuyết Pháp ở Kosambi, vườn Ghositàràma, du sĩ ngoại đạo Mandissa và Jàliya thắc mắc vấn đề “mạng căn và thân thể” là một hay khác. Đức Phật đã dùng nhiều lời lẽ để chỉ dạy hội chúng trước thắc mắc của hai vị trên. Du sĩ ngoại đạo Mandissa và Jàliya đã lắng nghe, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy về vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

Bài kinh số 16, khi đức Phật đang ở núi Linh Thứu, Bà-la-môn Vassakāra đại thần nước Magadha đã cùng vua Ajātasattu đến yết kiến đức Phật và thưa hỏi về việc có nên chinh phục người dân Vajji hay không. Đức Phật thuyết bảy pháp bất thối, khéo léo hòa giải mâu thuẫn giữa hai dân tộc, Ajātasattu và Vassakāra lắng nghe Pháp, hiểu Pháp, ca ngợi, tán thán Thế Tôn, từ đó bỏ ý định chinh phục dân Vajjì. Một lần khác, Sunidha và Vassakāra (hai vị đại thần xứ Magadha) đã thỉnh đức Phật và Tăng chúng về tại nhà mình ở Pātaligāma để thọ trai. Sau khi thọ trai xong, đức Phật đã thuyết Pháp cho hai vị đại thần, nhờ đó hai vị này đã nỗ lực xây dựng thành trì, ngăn chặn chiến tranh với dân Vajjì để dân chúng, người có giới hạnh sống an ổn.

Mặc khác, trong bài kinh số 16, khi đức Phật nhập Niết-bàn, các nước xảy ra tranh chấp trong việc phân chia Xá-lợi, thậm chí mâu thuẫn đến mức có thể xảy ra chiến tranh. Chính Bà-la-môn Doṇa đã đứng ra dàn xếp, phân chia Xá-lợi một cách thỏa đáng đến các nước.

Ở bài kinh 24, đức Phật thuyết giảng bộ lạc Malla (Mạt-la), tịnh xá du sĩ Bhaggava. Du sĩ Bhaggava đã đem câu chuyện về một đệ tử của đức Phật có tên là Sunakkhatta, thuộc bộ lạc Licchavi tuyên bố từ bỏ Ngài. Nhân đó đức Phật đã trả lời về việc từ bỏ của Sunakkhatta với những vấn đề liên hệ đến thần thông, khởi nguyên của thế giới, cuối cùng đức Phật xác nhận một vài quan điểm sai lầm của ngoại đạo. Du sĩ Bhaggava đã chăm chú lắng nghe Pháp, hiểu Pháp, trừ bỏ tà kiến, đặt nặng lòng tin  và hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

3.2. Nhóm chư Thiên, Dạ-xoa, Càn-thát-bà

Trong hội chúng mỗi lần đức Phật thuyết Pháp, ngoài loài người còn có phi nhân đến nghe thuyết giảng. Họ cũng là số đông các cư sĩ Phật tử, xuất hiện nhiều qua các bài kinh trong kinh Trường bộ. Những vị này với tâm thành kính nghe Pháp, hộ trì Tam Bảo với nhiều cách thức khác nhau.

Trong bài kinh số 16, có sự xuất hiện vô số chư Thiên, phi nhơn đến cúng dường các phẩm vật khi đức Phật nhập Niết-bàn.

Trong bài kinh số 18, khi đức Phật đang trú ở Nādika (bộ lạc Na-đề-ca) tại Ginjakàvasatha (nhà làm bằng gạch), Dạ-xoa Janavāsabh tự xưng là hậu thân vua Bimbisāra đã đến nghe Pháp và khéo léo kể lại buổi đại hội của chư Thiên ở Tam thập tam thiên với những sự kiện đã xảy ra, làm cho Phạm hạnh được hưng thịnh, được quảng bá, được truyền rộng cho đại chúng càng ngày càng đông. Bên cạnh đó có sự xuất hiện của Thiên chủ Ðế thích (Sakka Inda), đã ca ngợi, khuyến khích Thiên chúng học Pháp và sống theo Pháp mà Thế Tôn đã tuyên thuyết. Ngoài ra, cũng trong bản kinh số 18, có sự xuất hiện Phạm thiên Sanankumāra, vị Phạm thiên này đã khéo giảng giải Chính pháp, ca ngợi và tán thán Thế Tôn.

Trong bài kinh số 19, khi đức Phật đang ở núi Linh Thứu, Thiên chủ Ðế thích (Sakka Inda), Phạm thiên Sanankumāra, Càn-thát-bà Pañcasikha, đã khéo giảng giải Chính pháp, ca ngợi và tán thán Tam Bảo, làm cho đông đảo thính chúng phát khởi niềm tin và tu tập theo Chính pháp.

Trong bài kinh số 20, khi đức Phật đang trú tại thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở Ðại Lâm (Mahāvana), Bốn Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa), sau đến danh sách một số chư Thiên, quỷ thần tụ hội, những vị này đã chính tâm chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo, sau đó dùng những lời hay để tán thán Phật, Pháp, Tăng.

Trong bài kinh số 21, khi đức Phật đang trú ở thành Vương Xá, trong hang Indasàla, Thiên chủ Sakka, Càn-thát-bà Pañcasikha, Thiên tử Gopikā (con Thiên chủ Sakka) đã đến yết kiến đức Phật để thưa hỏi và lắng nghe Chính pháp. Thiên chủ Sakka, sau khi hỏi Pháp, đã lắng nghe Pháp, hiểu Pháp và chứng được Sơ quả. Pañcasikha dùng âm nhạc hay cúng dường đức Phật. Gopikā tin sâu Tam Bảo và dùng phương tiện chỉ trích, để khuyến khích ba vị Tỷ-kheo tham đắm dục lạc tinh tấn tu tập.

Trong bài kinh số 32, đức Phật đang trú ở Rājagaha (Vương Xá), núi Gijjhakùta (Linh Thứu), có sự xuất hiện của bốn Thiên vương và các vị Dạ-xoa. Vessavana (Tỳ sa môn) đã khéo léo khuyên ngăn Thiên, Dạ xoa… sống theo năm giới. Bên cạnh đó Vessavana còn nói lên bài chú hộ kinh để bốn chúng đệ tử được hộ trì, không bị phi nhơn gia hại.

4. Tinh thần hộ trì chính pháp hiện nay

4.1. Về phương diện vật chất

Cư sĩ Phật tử cúng dường tứ sự đến chư Tăng Ni thường phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chùa và cư sĩ nhiều hơn là nhu cầu thực tế của chùa ấy. Nơi chùa nào làm công tác truyền thông tốt, có nhiều vị tu sĩ nổi tiếng, hoặc sư trụ trì có tài ăn nói hoạt bát, khả năng thu hút quần chúng đông đảo thì chùa ấy sung túc hơn. Sự cúng dường này mang tính thiên lệch. Cư sĩ Phật tử cần ý thức được, Tăng Bảo là đoàn thể của những người xuất gia thanh tịnh và hòa hợp, chứ không phải riêng một vị tu sĩ nào. Nếu xét thấy chư Tăng Ni nào cần sự hộ trì về tứ sự, cư sĩ Phật tử có thể cúng dường tùy vào khả năng của mình, không nên có sự phân biệt thân sơ “đây là thầy tôi” hoặc “đây không phải thầy tôi”.

Đối với việc xây dựng chùa tháp cũng rơi vào tình trạng hiện tại. Khi có chùa xây dựng quá mức, dẫn đến sự xa xỉ, nhưng có chùa lại vô cùng khó khăn trong việc xây dựng. Lẽ dĩ nhiên, để xây cất ngôi Tam Bảo, cần phụ thuộc vào nhiều nhân duyên, yếu tố, nhưng cư sĩ Phật tử thấy rõ được vấn đề này cần có những suy tư để có thể hộ trì đúng lúc và đúng đối tượng.

4.2. Về phương diện tinh thần

Sự thực hành Chính pháp của một số nhỏ cư sĩ Phật tử còn mang tính “theo số đông”, chưa có sự nhất quán trong việc lựa chọn một pháp môn tu thích hợp với bản thân để ra sức dụng công tu tập. Dẫn đến tình trạng dễ dàng bị khủng hoảng tinh thần, khi bị số đông đả kích về phương thức tu tập đó. Thấy được vấn đề tồn đọng trên, cư sĩ Phật tử nên tham học nhiều Pháp môn tu với nhiều vị thiện tri thức, rồi lựa chọn ra cho mình một phương pháp tu tập phù hợp với bản thân, kiên định trong lập trường và tư duy, ra sức hành trì để có thể hưởng được “vị ngọt” của Pháp.

Thực tế ngày nay có nhiều cư sĩ Phật rất uyên bác Phật Pháp, nhưng vẫn chưa có nhiều cơ hội để phát triển năng lực bản thân. Cư sĩ Phật tử khó tiếp cận các môi trường Phật học lớn để có thể giảng dạy, thỏa sức truyền bá giáo lý. Tuy nhiên “hương của người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”, chỉ cần có đủ trí tuệ, lại có giới đức Phạm hạnh, với hạnh nguyện Bồ tát dấn thân để cùng người xuất gia tuyên dương Chính pháp, thì sẽ có vô số phương tiện thiện xảo để có thể đưa Chính pháp vào đời.

Vấn đề cải đạo đang như hồi chuông cảnh báo đối với Phật giáo hiện nay. Trong gia đình, cha mẹ nên thẳng thắn giáo dục con cái về nạn cải đạo qua hôn nhân. Mặc khác, chính cha mẹ phải là siêng năng thực tập Chính pháp, là bậc mô phạm trong gia đình, lan tỏa Chính pháp, truyền thụ cách sống đúng lời đức Phật chỉ dạy cho con cái. Có như thế, gia đình mới hài hòa, hạnh phúc và cũng là cách tốt nhất để hạn chế việc cải đạo đối với cư sĩ Phật tử.

4.3. Tinh thần thực hành chính pháp trong đời sống

4.3.1. Đối với cá nhân

Mục đích tu học của người con Phật nói chung và cư sĩ, phật tử nói riêng, đều hướng đến sự giải thoát giác ngộ, đoạn tận những khổ đau. Bản thân của mỗi cư sĩ, phật tử đều gánh trên vai nhiều vai trò và trách nhiệm khác nhau, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Nếu tâm ý không vững chãi, cư sĩ, phật tử dễ dàng chạy theo những giá trị hư ảo trong đời sống vật dục. đức Phật đã chỉ ra con đường, định hướng những tiêu chí để giúp cư sĩ, phật tử thành tựu đạo lộ tâm linh của mình đó là phải đầy đủ giới đức, lòng tin, sự bố thí và trí tuệ. Như đức Phật đã từng dạy qua kinh văn:

“Một thời đức Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, họ Thích Mahanama đi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên thưa: Bạch đức Thế Tôn, cho đến như thế nào là người cư sĩ?

Đức Thế Tôn đáp: Ai quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Như thế là người cư sĩ.

Cho đến như thế nào là người cư sĩ đầy đủ giới đức?

Người cư sĩ từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy là người cư sĩ đầy đủ giới đức.

Cho đến như thế nào là người cư sĩ đầy đủ lòng tin?

Người cư sĩ có lòng tin vào sự giác ngộ của Như lai. Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán… Phật, Thế Tôn. Như vậy là người cư sĩ đầy đủ lòng tin.

Cho đến như thế nào là người cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?

Người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế xan tham, biết bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng yêu cầu, thích thú chia sẻ vật bố thí. Như vậy là cư sĩ đầy đủ lòng bố thí.

Cho đến như thế nào là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?

Người cư sĩ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ của bậc Thánh, đưa đến chân chính đoạn tận khổ đau. Như vậy là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.” [37]

Quy y Tam Bảo là sự khởi đầu cho tiến trình chuyển hóa phiền não. Khi quy y Tam Bảo, người cư sĩ có nhiều cơ hội thực hành phương pháp tu dưỡng có hiệu quả. Từ đó, họ cảm nhận sự an lạc và lợi ích lớn trong đời sống bản thân. Nương tựa Phật, Pháp và Tăng là thừa hưởng sức mạnh đạo đức của đại chúng và vận dụng được kinh nghiệm quý báu trong việc tu học.

Bước đầu tiên trong sự thực tập Chính pháp đối với cá nhân mỗi cư sĩ Phật tử là giữ giới, vì giới có công năng ngăn ngừa những điều tội lỗi, phát sinh vô lượng công đức lành. Thọ giới, giữ giới và đắc giới là diễn tiến quá trình tu học tích cực. Năm giới là nền tảng căn bản để chúng ta rèn luyện đạo đức cá nhân, gia đình, và xã hội. Ai giữ giới trong sạch thì có đời sống lành mạnh và trí tuệ sáng suốt. Mặc khác thành tựu giới để Định và Tuệ vô lậu phát sinh.

Bước thứ hai trong sự thực hành Chính pháp là thành tựu chính tín. Đối với người con Phật, để có thể phụng sự Tam Bảo thì yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có chính tín-tức niềm tin chân chính vào Phật, Pháp, Tăng. Khi niềm tin phát khởi thì có sự tu học tinh tấn. Phật tử luôn nhớ nghĩ đến ân đức Tam Bảo mà khởi tâm gìn giữ căn nhà Phật Pháp.

Bước thứ ba trong tiến trình rèn luyện bản thân của cư sĩ, phật tử, là thực hành hạnh bố thí để từ bỏ xan tham và vun bồi những công hạnh Ba-la-mật, tích chứa những thiện căn, kết duyên lành với vô số chúng sinh. Bố thí có Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí, tùy vào khả năng của mỗi, phật tử, nên chọn phương pháp bố thí thích hợp mới có thể thành tựu viên mãn.

Đức Phật đã từng dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật)”[38]. Không dừng lại ở việc tu phước, Đức Thế Tôn còn khuyến khích các cư sĩ Phật tử nỗ lực thực tập Thiền quán trên mọi hiện tượng để thành tựu tuệ giải thoát. Có tuệ giải thoát, hành giả sẽ đoạn trừ những phiền não chấp thủ, ly dục, ly bất thiện pháp, an trú vào trạng thái thanh tịnh của bậc Thánh, đưa đến chân chính đoạn tận khổ đau.

Tóm lại, sự thực tập Chính pháp của cư sĩ Phật tử được diễn tả trong kinh điển rất nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn bắt đầu từ sự quy y, tu tập năm giới, giữ lòng tịnh tín với Tam Bảo, thực hành bố thí và thành tựu trí tuệ vô lậu, chứng đắc các Thánh quả, vượt thoát khỏi dòng Bộc lưu. Thiết nghĩ, nếu cư sĩ Phật tử đón nhận và thực hành theo đúng lời dạy của đức Phật, còn hộ trì, lan tỏa chính pháp đến những người thân xung quanh thì đạo Phật sẽ phát triển mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, thời đại, đem lại lợi ích an vui cho vô số chúng sinh.

4.3.2. Đối với gia đình

Thực hành lời Phật dạy mang lại kết quả tốt đẹp trong đời sống gia đình và xã hội, đó là góp phần làm sáng lên giá trị của đạo Phật, qua đó chính pháp được trân trọng bảo tồn. Thực tập chính pháp trong gia đình, ngoài cá nhân mỗi thành viên trong gia đình phải tự kiểm thúc bản thân, thành tựu được tín, giới, bố thí, trí tuệ đã nêu trên, còn phải áp dụng triệt để tinh thần kinh Thiện Sinh vào đời sống, quân bình, đối xử hài hòa giữa các mối quan hệ trong gia đình. Đối Với Gia Đình: Có hai mối quan hệ là con cái và cha mẹ; vợ chồng đối xử với nhau.

4.3.2.1. Con cái và cha mẹ

Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. (1) Cung phụng cha mẹ không để thiếu thốn: Nói lên trách nhiệm con cái phải chăm lo quan tâm cha mẹ dù là vật chất hay tinh thần. (2) Muốn làm gì thưa cha mẹ biết: Đây là sự lễ phép của con cái với cha mẹ, phản ánh đạo đức của con đối với cha mẹ.  (3) Không trái điều cha mẹ làm: Con cái phải tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, không làm những việc trái với truyền thống tốt đẹp đó. (4) Không trái điều cha mẹ dạy: Cha mẹ luôn dạy con cái những điều tốt đẹp, bởi kinh nghiệm và tình thương của cha mẹ sẽ dẫn dắt con cái trưởng thành tốt đẹp, chống trái những lời dạy của cha mẹ sẽ gây ra tổn thương cho bản thân và cho cha mẹ. (5) Không cản chính nghiệp mà cha mẹ làm: Chính nghiệp là công việc chính đáng, mang lại nguồn sống cho gia đình, con cái không được khiến cha mẹ bỏ chính nghiệp để làm việc tà nghiệp, là những công vệc gây ra tổn thương về đạo đức cho chính bản thân cha mẹ hoặc cho xã hội.

Phận làm cha mẹ phải lấy năm điều sau để chăm sóc con cái. (1) Ngăn con đừng để làm ác: Những hành động gây tổn thương cho bản thân và tha nhân, là những hành động ác, hành động ác sẽ gây ra hậu quả xấu đến đạo đức của con cái, do vậy bổn phận cha mẹ là phải ngăn con cái làm các việc xấu. (2) Chỉ bày những điều ngay lành: Cha mẹ phải dạy con cái những điều thiện lương, chính là bảo vệ con cái trước những sa ngã phía trước của cuộc sống. (3) Thương yêu đến tận xương tủy: Thương yêu con cái, đó là chất liệu tốt nhất để xây dựng một gia đình hạnh phúc, tình thương là động lực để con cái nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. (4) Chọn nơi hôn phối tốt đẹp: Dựng vợ gả chồng là trách nhiệm lớn lao mà cha mẹ phải lo cho con cái, nó quyết định toàn bộ hạnh phúc của con cái về sau, vì thế chọn đối tượng và gia đình tốt đẹp để con mình kết hôn, đó là việc rất quan trọng. (5) Tùy thời cung cấp đồ cần dùng: Bởi con cái ra riêng lập nghiệp sẽ rất khó khăn, phận làm cha mẹ luôn quan tâm xát xao nhằm giúp đỡ con cái khi chúng cần, đặc biệt là về vật chất.

“Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.”[39]

4.3.2.2. Vợ chồng đối xử với nhau

Chồng phải có năm điều đối với vợ. (1) Lấy lễ đối đãi nhau: Người chồng thường có quyền hơn trong gia đình, do vậy cách cư xử của người chồng phải luôn tôn trọng vợ. Lễ ở đây là xem nhau như khách quý, như vậy tình cảm vợ chồng luôn gắn bó keo sơn. (2) Oai nghiêm không nghiệt: Là người chồng luôn phải mạnh mẽ, làm điểm tựa vững chắc cho người vợ, tuyệt đối không được bạo hành vợ, không đươc ỷ mình có quyền, có sức mạnh mà áp chế vợ, đây là điều gây tổn giảm hạnh phúc gia đình. (3) Tùy thời cung cấp y, thực: Đạo vợ chồng đồng cam cộng khổ, no đói có nhau, quan tâm chăm sóc vợ là việc phải làm, đó là trách nhiệm của đấng nam nhi. (4) Tùy thời cho trang sức: Phái nữ luôn thích trang sức để bản thân đẹp hơn trong mắt chồng và mọi người, do vậy tùy theo khả năng mà chồng tặng vợ những món trang sức để thể hiện tình yêu chồng dành cho vợ. (5) Phó thác việc nhà: Người chồng luôn phải hướng ra bên ngoài làm việc kiếm tiền, do vậy việc nhà phải giao cho vợ quản lý chăm lo, đây là phương pháp tốt để đảm bảo gia đình luôn yên ấm hạnh phúc.

Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. (1) Dậy trước: Vợ phải thức dậy sớm hơn để lo cơm nước buổi sáng cho chồng, bản năng của phụ nữ là tỉ mỉ và giỏi nội trợ, do vậy việc dậy sớm chính là thể hiện tình yêu đối với gia đình nhỏ của mình. (2) Ngồi sau: Ngồi sau là đại diện cho tất cả cách cư xử, hành động của vợ tôn trọng chồng mình, là nét đẹp đạo đức của người vợ cần phải có. (3) Nói lời hòa nhã: Dù bất cứ hoàn cảnh nào, lời nói của vợ đối với chồng cũng phải nhã nhặn, khiêm tốn, tránh những ngôn từ xúc phạm làm tổn thương lòng tự trọng của chồng. (4) Kính nhường tùy thuận: Luôn dành tất cả mọi điều tốt đẹp cho chồng, tùy thuận những việc mà chồng muốn nếu điều đó không sai trái. (5) Đón trước ý chồng: thể hiện tinh thần của người vợ khôn khéo, khiến chồng luôn hài lòng, tự hào với bạn bè vì có người vợ tuyệt vời.

Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

4.3.3. Đối với xã hội

Đối với xã hội, để có thể thực tập Chính pháp, người con Phật ngoài hoàn thành được những bổn phận, trách nhiệm nơi cá nhân và gia đình, còn phải đối xử hài hòa, trọn vẹn với các mối quan hệ trong đời sống. Như lời đức Phật đã dạy, tựu trung những mối quan hệ trong xã hội có bốn: (1) Đạo thầy trò; (2) Tình thân quyến; (3) Quan hệ giữa chủ và thợ; (4) Tín đồ đối với bậc đạo sư.

4.3.3.1. Đạo thầy trò

Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm điều. (1) Hầu hạ cung cấp điều cần: Trách nhiệm của học trò là phải xem Thầy như cha mẹ, phụng sự Thầy là đạo đức của người học trò cần phải có. (2) Kính lễ cúng dường: Ngoài tinh thần thì phương diện vật chất, học trò phải cúng dường để Thầy an ổn trong việc dạy học trò. (3) Tôn trọng quí mến: Tôn trọng Thầy là lẽ đạo cần phải có ở học trò. Thầy là người mang lại kiến thức để tương lai mình phát triển. (4) Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch: Theo Thầy học tập thì không được trái lời Thầy, như vậy việc học mới có kết quả tốt. Đó là nếp sống khuôn phép tạo nên hạnh phúc giữa Thầy trò. (5) Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên: Những điều Thầy dạy sẽ là hành trang cho học trò bước vào đời lập nghiệp, ghi nhớ lời Thầy là tôn trọng Thầy cũng như tôn trọng việc học tập của bản thân.

Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử. (1) Tùy thuận pháp mà huấn luyện: Sự khéo léo ở một vị Thầy nắm bắt được căn cơ của học trò có các phương pháp dạy phù hợp, làm tăng hiệu quả việc dạy và học. (2) Dạy những điều chưa biết: Trách nhiệm của Thầy giáo là chỉ dạy học trò những điều học trò chưa biết, đây là yêu cầu về kiến thức của vị Thầy cần phải đủ sâu rộng để dạy cho học trò. (3) Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi: Thắc mắc trong quá trình học là điều không thể tránh, nên khi học trò hỏi nhiều, hỏi khó vv… vị Thầy đáp ứng mọi câu hỏi đó một cách tốt đẹp để học trò được mở mang hiểu biết. (4) Chỉ cho những bạn lành: Thầy là người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, do vậy sẽ có con mắt nhìn người sâu sắc hơn, nhờ thế chỉ dạy học trò việc kết bạn lành để thêm những hành trang tốt đẹp cho mai sau. (5) Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc: Một vị Thầy khả kính là luôn nhiệt tâm với học trò, dạy tất cả những điều cần dạy để tạo nền tảng cho học trò bước vào đời.

Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời Thầy, Thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.

4.3.3.2. Tình thân quyến

Phải lấy năm điều thân kính đối với bà con thân quyến. (1) Chu cấp: Hỗ trợ lẫn nhau về vật chất để cùng nhau phát triển một gia tộc lớn mạnh hưng thịnh, đó là trách nhiệm xây dựng chung của mỗi thành viên. (2) Nói lời hiền hòa: Ứng xử lịch sự, bảo ban nhau, tình đoàn kết thắm thiết là điều mỗi thành viên trong thân tộc cần phải ý thức xây dựng giữ gìn. (3) Giúp ích: Tương trợ nhau mỗi lúc khó khăn hoặc mỗi khi có công việc lớn ở mỗi gia đình trong thân quyến, cần giúp nhau để hoàn thành tốt mọi công việc quan trọng. (4) Đồng lợi: Một người giàu có, cả họ được nhờ, tinh thần đùm bọc lẫn nhau trong thân quyến là nét đẹp của tình cảm gia đình dòng họ. (5) Không khi dối: Đối với thân quyến, mình phải luôn trung thực, bởi đây là đạo đức, là nếp sống của tổ tiên.

Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại. (1) Che chở cho mình khỏi buông lung: Là người thân, phải quan tâm giám sát các thành viên trẻ trong dòng tộc để tránh những việc sai lầm từ tuổi trẻ bồng bột nông nổi. (2) Che chở cho mình khỏi hao tài sản vì buông lung: Tuổi trẻ còn chưa nhiều kinh nghiệm, rất dễ buông lung sa đọa, do vậy quyến thuộc thân tình phải quan tâm che chở cho các thế hệ trẻ trong dòng tộc của mình. (3) Che chở khỏi sự sợ hãi: Bảo vệ các thành viên trẻ trước những bất an của cuộc sống. (4) Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người: Khuyên răn cũng phải đúng lúc đúng thời, tinh thần xây dựng hòa hợp phát triển thể hiện ở những lời khuyên bảo nhẹ nhàng đoàn kết, lời nói mang đậm tình thương, tránh nói những việc không tốt của người khác ở chỗ đông người. (5) Thường ngợi khen nhau: Khen ngợi sẽ kích thích sự phấn khởi, hoan hỷ, do vậy cần có lời khen chính đáng đúng thời để mọi người cảm nhận được hạnh phúc có mặt khi bên nhau.

Tình thân quyến, tình làng nghĩa xóm, biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ.

4.3.3.3. Quan hệ giữa chủ và người giúp việc

Chủ đối với thợ có năm điều để sai bảo. (1) Tùy khả năng mà sai sử: Người chủ phải nắm được ưu và nhược điểm của người làm để sắp xếp cho họ các công việc phù hợp, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao. (2)Tùy thời cho ăn uống: Quan tâm chăm lo cho người làm bằng những bữa ăn đầy đủ hợp lý, tùy theo điều kiện và thời gian để cho họ được ăn uống đầy đủ. (3) Phải thời thưởng công lao: Phần thưởng cho người xứng đáng là món quà động viên tinh thần cho người làm, nhờ vậy họ sẽ chăm chỉ hơn, trung thành hơn. (4) Thuốc thang khi bệnh: Con người ai cũng có lúc ốm đau, khi họ khỏe mạnh, họ dốc sức làm cho mình, khi họ đau ốm, mình phải có trách nhiệm lo thuốc thang cho họ, đây là nét đẹp, tính nhân văn giữa tình người. (5) Cho có thời giờ nghỉ ngơi: Thi thoảng sắp xếp thời gian cho họ được nghỉ ngơi hồi phục năng lượng, có thể cho đi du lịch đây đó ít ngày, bản thân người chủ sẽ tài trợ chi phí. Nhờ đó người làm sẽ hạnh phúc và kính trọng người chủ, họ sẽ trung thành và cố gắng trong công việc.

Người giúp việc lấy năm điều phụng sự chủ. (1) Dậy sớm: Dậy sớm để lo công việc cho gia chủ là bổn phận của người làm, siêng năng là bước đệm để được chủ yêu quý che chở. (2) Làm việc chu đáo: Trách nhiệm của người làm là phải luôn chu đáo mọi việc, lười nhác thì sẽ không được trọng dụng và mất nhiều quyền lợi ưu ái từ chủ. (3) Không gian cắp: Gian cắp là một thói xấu, làm bại hoại đạo đức con người. Người làm phải trung thành với chủ, bởi họ cho mình công ăn việc làm, phải nhớ ơn chủ. (4) Làm việc có lớp lang: Làm việc có khoa học, sắp xếp công việc một cách bài bản, thể hiện sự tháo vát của người làm. (5) Bảo tồn danh giá chủ: Người làm phải biết bảo vệ danh tiếng cho chủ, không được nói xấu chủ sau lưng. Thậm chí nếu có ai nói xấu chủ, mình phải đứng ra ngăn cản khuyên họ không được như vậy.

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ.”[40]

4.3.3.4. Quan hệ giữa tín đồ và bậc đạo sư

Người đàn việt đối với hàng xuất gia có năm điều. (1) Thân hành từ: Hành động luôn từ tốn cung kính đối với bậc đạo sư. (2) Khẩu hành từ: Lời nói dịu dàng, khiêm tốn đối với bực đạo sư. (3) Ý hành từ: Sự chân thành không chỉ biểu hiện bên ngoài bằng Thân và khẩu mà còn xuất phát từ bên trong nội tâm với sự thành kính tuyệt đối. (4) Tùy thời cúng dường: Cúng dường là phương pháp gieo phước, hàng xuất gia là bực tu hành đức hạnh, cúng dường tự mình được phước cũng, lại giúp hàng tu sĩ an tâm hành đạo. (5) Không đóng cửa khước từ: Khi hàng xuất gia khất thực, tín thí nên hoan hỷ mở cửa đón mừng và cúng dường cho họ để tự mình được lợi ích và cũng là thể hiện tinh thần hộ trì của tín đồ đối với hàng xuất gia.

Hàng xuất gia cũng khuyên dạy theo sáu điều. (1) Ngăn ngừa chớ để làm ác: Với kinh nghiệm và trí tuệ của hàng xuất gia chính là điểm tựa tinh thần cho các tín đồ, luôn khuyên dạy các tín đồ không làm các việc ác để cuộc sống được bình an. (2) Chỉ dạy điều lành: Khuyên bảo tín đồ làm các việc phước thiện để tăng trưởng phước báo, thăng hoa trong đời sống qua việc đóng góp lợi ích cho cộng đồng và xã hội. (3) Khuyên dạy với thiện tâm: Hàng xuất gia phải dùng từ tâm để khuyên dạy tín đồ, nếu dùng tâm nóng giận dạy tín đồ thì không Tương Ưng với đạo. (4) Cho nghe những điều chưa nghe: Hàng xuất gia là bực đạo đức mô phạm, trí tuệ hơn người, do đó phải truyền đạt mọi kinh nghiệm, triết lý cho tín đồ để họ nương theo tu tập. (5) Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ: Nói lên tính ân cần, tỷ mỉ của bậc thầy tâm linh khi chỉ dạy các tín đồ, đây là đức tính mà hàng xuất gia cần phải có. (6) Chỉ ra con đường sinh Thiên: Sinh Thiên là một nơi sinh sống tốt đẹp ở đời sống kế tiếp, chỉ có hàng xuất gia mới nắm rõ phương pháp tu thiện để sinh Thiên giới, do vậy cần phải chỉ dạy cho các tín đồ những phương pháp đúng đắn để họ được lợi ích.

“Này Thiện Sinh, nếu đàn-việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.”[41]

 Các pháp là duyên sinh và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, do vậy khi gia đình thực hiện nếp sống đạo đức theo lời Phật dạy, gia đình đó luôn an vui hạnh phúc. Khi xã hội thực hành lời Phật dạy trong các mối quan hệ như trên thì xã hội bình an, phát triển bền vững. Đây chính là biểu đạt giá trị lời đức Phật chỉ dạy, kết quả của các giá trị này đang góp phần cho Chính pháp được trân trọng, đạo đức, lối sống trong xã hội luôn được đề cao.

Kết luận

Kinh Trường bộ là một bộ kinh phá tà hiển chính, giúp chúng sinh tiếp cận chân lý do đức Phật cùng chư Thánh đệ tử tuyên thuyết. Kinh đã cung cấp cho ta những giá trị tuyệt diệu với nguồn sử liệu vô cùng phong phú, khi phát họa lên những hình ảnh cổ xưa của đất nước Ấn Độ, với lớp lớp người tin theo Phật, quy y Tam Bảo, hộ trì chính pháp.

Kinh cũng là nơi quy tập của số đông các cư sĩ Phật tử, với nhiều thành phần trong xã hội, là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần hộ trì Chính pháp của những người con Phật dù xuất gia hay tại gia. Như người viết đã phân tích, cư sĩ, phật tử ở mỗi cương vị khác nhau sẽ có phương thức hộ trì chính pháp khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là hộ trì tứ sự đến Tam Bảo, thực hành chính pháp, giữ gìn và truyền thừa chính pháp. Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ, phật tử trong kinh Trường bộ là tấm gương tốt để người con Phật lấy đó học và thực hành theo, nhờ đó mau chóng thành tựu đạo lộ tâm linh của mình.

Tác giả: ĐĐ.Thích Nhuận Giác
Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

***

[1] “Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta, này các Tỷ-kheo, đã quy y đầu tiên, tối thắng là các người buôn bán Tapassu Bhallikà.”
H Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi bộ I, XIV. Phẩm người tối thắng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 62.
[2]“Ông phú hộ, thân phụ của công tử Yasa, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo đầu tiên trong giáo-pháp của Đức Phật Gotama, gọi là Tevācikasaraṇagamana.”
Tỷ-kheo Hộ Pháp, Nền tảng Phật giáo II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, tr.249.
[3] “Như vậy, bà phú hộ và con dâu của bà là người cận sự nữ đã quy-y Tam-bảo đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, gọi là Tevācikasaraṇagamana.”
Tỷ-kheo Hộ Pháp, Nền tảng Phật giáo II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2019, tr.253.
[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 2, 18. Kinh Xà-ni-sa, Nxb.Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 62.
[5] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ 2, Phẩm I. Phẩm con rắn – Chuyện Ngạ quỷ ngoại bức tường, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 408.
[6]  K.T.S. Sarao, Jeffery D.Long, Buddism and jainism, Nxb. Springer Nature, 2017,  tr. 239 – 241.
[7] Thích Đồng Niệm, Thánh đệ tử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.332.
[8] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 4. Kinh Sonadanda, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 209.
[9] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ 7, Chương XII. Phẩm mười hai bài kệ, 465. Chuyện Sàla, Cổ thụ cát tường, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 628.
[10] HT. Thích Minh Châu dịch, kinh Tiểu bộ 3, Trưởng lão Tăng kệ. Chương sáu. Phẩm Sáu kệ, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 277.
[11] HT. Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ, 4. Kinh Chủng đức, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 113.
[12] HT. Thích Minh Châu dịch, kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Đại vương Janasandha, số 468, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.193.
[13] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Bạn – thù, số 473, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.214.
[14] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 148.
Xem thêm: HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng bộ, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ nhất, kinh Triền phược, Nxb. Viện NCPHVN, 1993, tr.177-178; Trần Phương Lan dịch, kinh Tiểu bộ, tập 5, Chuyện Tiền thân đức Phật, truyện Nhà tù trói buộc, số 201, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr.412-413.
[15] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ, Tập 3, chương hai (hai bài kệ) – Phẩm Daḷha, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 530.
[16] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 2. Kinh Sa-Môn quả, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.157,
[17] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 2. Kinh Sa-Môn quả, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.158.
[18] K.T.S. Sarao, Jeffery D.Long, Buddism and jainism, Nxb. Springer Nature, 2017, tr. 51 – 52.
[19] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 16. Kinh Đại bát Niết-bàn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 292, 293.
[20] Thích Đồng Niệm, Thánh đệ tử, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2017,  tr. 292.
[21] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ, tập IV, phẩm Kosya, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 239.
[22] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi bộ 1, chương I. Một Pháp, XIV. Phẩm Người tối thắng, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 55.
[23] Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.110-116.
[24] Tỳ Khưu Indacanda, Tập yếu tập 2, Tăng theo từng bậc, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 87.
[25] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi bộ, Tập I, XIV. Phẩm Người tối thắng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 62.
[26] HT. Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, chương 3: Sự hình thành các tinh xá, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr. 68.
[27] Tỳ Khưu Indacanda, Đại phẩm tập 2, VIII. Chương y phục – Câu chuyện về vị Jīvaka, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 159.
[28] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi bộ 1, Chương I. Một pháp, XIV. Phẩm Người tối thắng, Nxb Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 56.
[29] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 16. Kinh Đại bát Niết-bàn, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 578.
[30] Sđd, tr. 578.
[31] Sđd, tr. 578.
[32] Bipin Shah, Ambapali of Vaishali, Buddha of Kapilvastu and Kings of their time (bản PDF), 2020, tr. 18 – 22.
[33] Ambapāli nói với các công tử Licchavi: Dầu quý Công tử có cho tôi cả thành Vesàli cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này.
[34] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 4. Kinh Sonadanda, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 225
[35] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ 1, 16. Kinh Đại bát Niết-bàn, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 624.
[36] Sđd, tr. 624.
[37] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng bộ II, IV. Phẩm Phước đức sung mãn, Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr.760.
[38] HT. Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cương, IV. Như Lai, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 1999, tr. 161.
[39] Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trường A-hàm, tập 1, 16. Kinh Thiện Sinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 352.
[40] Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trường A-hàm, tập 1, 16. Kinh Thiện Sinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 353.
[41] Sđd, tr. 353.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường