MỞ ĐẦU
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm từ những năm đầu thế kỷ, có sức mạnh ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trải qua hơn 2000 năm du nhập, để có thể nhìn rõ bản sắc Phật giáo Việt Nam lại là một việc không dễ dàng từ kinh điển, pháp phục, thiền môn, kiến trúc… thậm chí là tư tưởng. Đương nhiên có quá nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhưng cho dù ở phương diện nào thì đó cũng là một sự mất mát lớn cho một Phật giáo từng là quốc giáo và tự hào là tôn giáo dân tộc.
Việc tìm về cội nguồn là một việc làm cực kỳ quan trọng để chúng ta ‘ôn cố tri tân’. Trên phương diện người Việt lãnh đạo và chủ xướng mang nét riêng của dân tộc, xét về phương pháp hành trì nếu như Ngài Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3 là người Việt đầu tiên với đường lối hành thiền qua bộ kinh An Ban Thủ Ý, một phương pháp quán niệm hơi thở được Thiền sư Nhất Hạnh kế thừa và phát triển rực rỡ ở phương Tây. Đến cuối thế kỷ thứ 13, một tinh thần độc lập dân tộc trên mọi phương diện, trong đó có tư tưởng tôn giáo, một dòng Thiền thuần Việt ra đời là Thiền Phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm Sơ tổ, với việc dung hòa ba dòng thiền trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, ngày nay dòng Thiền này được Thiền sư Thích Thanh Từ kế thừa và phát triển mạnh mẽ trong nước và cả nước ngoài. Người cuối cùng có lẽ là Thiền sư Liễu Quán vào giữa thế kỷ thứ 18, một người đã được truyền tâm tông từ thiền phái Lâm Tế để rồi từ đó xuất kệ truyền thừa thành một dòng Thiền thuần Việt mang tên Thiền phái Liễu Quán được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngày nay dòng Thiền này được truyền thừa sâu rộng trong cả nước, đặc biệt các chùa ở miền Trung và miền Nam.
Là một người dân Việt không có niềm tự hào nào lớn hơn niềm tự hào dân tộc, đó cũng là lý do vì sao Việt Nam chúng ta trải qua bao nhiêu sự biến thiên của lịch sử, bao nhiêu lần đô hộ, xâm chiếm, người Việt vẫn luôn cố gắng giữ gìn những bản sắc dân tộc để không bị phai nhạt và đồng hóa, Phật giáo cũng tương tự như vậy. Phật giáo là một phần của văn hóa dân tộc, nếu chúng ta bị ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc quá nhiều việc đó đồng nghĩa chúng ta không có văn hóa dân tộc, chúng ta đã bị đồng hóa. Chính vì thế, việc giữ gìn bản sắc dân tộc chính là giữ gìn non sông đất nước, kế thừa và phát huy những tư tưởng Phật giáo thuần Việt cũng chính là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc nói chung và Phật giáo Việt nam nói riêng.
Tag: truyền thừa, Lâm Tế Liễu Quán, Phật giáo, Phật giáo Trung Quốc, bài kệ…
NỘI DUNG
Hành trạng Thiền sư Liễu Quán
Nói về hành trạng của Tổ Liễu Quán, thì dựa vào bài văn bia do Ngài Thiện Kế biên soạn được xem là xác đáng nhất, vì văn bia này được soạn cách Tổ Liễu Quán viên tịch (1742) chỉ 6 năm “景興九年四月日中華福省溫陵桑蓮寺法姪善継和南撰”[1]( Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), tháng Tư, ngày Tốt, Trung Hoa, Phúc Kiến, huyện Ôn Lăng, chùa Tang Liên, cháu trong đạo là Hoà thượng Thiện Kế soạn. HT.Thiện Siêu dịch). Tuy còn nhiều điều chưa sáng tỏ, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đôi nét về cuộc đời của Tổ Liễu Quán như sau:
Tổ họ Lê, húy Thật Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh giờ Thìn, ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Mồ côi khi lên 6, xuất gia tại chùa Hội Tôn với Hòa thượng Tế Viên, được 7 năm thì Hòa thượng Tế Viên tịch.
Ngài ra Huế lễ Giác Phong Lão tổ ở chùa Hàm Long - Báo Quốc để tu học, nhưng chưa tròn một năm thì cha bệnh, Ngài phải trở về Phú Yên để nuôi cha, được 4 năm thì cha mất, năm Ất Hợi (1695) Ngài tiếp tục ra Huế để tu học, sau khi trở lại Thuận Đô, Ngài thọ giới Sa-di với Hoà thượng Thạch Liêm. Hai năm sau nhằm năm Đinh Sửu (1697), thọ giới Cụ túc với Từ Lâm Lão Hoà thượng. Kể từ đó bắt đầu cuộc vân du tham học khắp các chốn Tòng lâm nhưng chí nguyện vẫn chưa thỏa mãn. Sau khi nghe được đạo phong của Hòa thượng Tử Dung là bậc khéo dạy người niệm Phật, tham Thiền, nên năm 1701 Ngài đến yết kiến Hòa thượng và cầu pháp tham Thiền, Hòa thượng đã cho tham câu “vạn pháp vi nhất, nhất vi hà xứ” (Muôn pháp về một, một về chỗ nào).
Sau khi nhận được công án, Ngài trở về Phú Yên và tham cứu đến tám chín năm mà chưa khai ngộ. Một hôm nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ” bỗng nhiên khai ngộ. Năm 1708, Ngài trở lại Long Sơn cầu Hoà thượng Tử Dung ấn chứng, Hoà thượng Tử Dung nói: “Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc” (Vực thẳm buông tay, tự mình đương lấy, chết đi sống lại, dối ông sao được), ngài Liễu Quán cười lớn, Hoà thượng Tử Dung: chưa phải. Ngài Liễu Quán liền nói: “Bình thuỳ nguyên thị chuyết” (cái cân vốn là sắt). Hoà thượng Tử Dung lại nói: chưa được.
Hôm sau, Hòa thượng Tử Dung bảo với ngài Liễu Quán, chuyện hôm qua nói chưa xong hôm nay nói tiếp đi. Ngài Liễu Quán thưa: “Tảo tri đăng thị hỏa, phần thục dĩ đa thời” (Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi). Hoà Thượng Tử Dung nghe vậy thì rất khen ngợi.
Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Ngài Liễu Quán trình bài kệ “Dục Phật” (Tắm Phật) lên Hoà thượng Tử Dung. Hoà thượng hỏi : “Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm mả” (Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao nhận với nhau, chưa rõ trao nhận cái gì?). Ngài Liễu Quán đáp: “Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng; quy mao phất tử trọng tam cân” ( Măng đá nảy cành dài một trượng; phủ phất lông rùa nặng ba cân). Hoà thượng Tử Dung lại dạy: “Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã” (Thuyền đi trên đỉnh núi cao; ngựa chạy dưới đáy biển sâu là thế nào?). Ngài Liễu Quán đáp rằng: “Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, một huyền cầm tử tận nhật đàn” (Đàn cầm đứt dây rung suốt buổi; trâu đất gãy sừng rống thâu đêm). Hoà thượng Tử Dung rất vui mừng và ấn chứng.
Từ năm 1712 đến 1722, trong 10 năm Ngài ra vô hoằng hóa giữa Phú Yên và Huế tạo lập nhiều Tòng lâm và độ nhiều phật tử. Năm Nhâm Dần (1722), Sư trở lại Huế đô và không trở về Phú Yên nữa. Trong cuộc đời, Ngài có 6 lần mở giới đàn: Trong ba năm Quý Sửu, Giáp Dần và Ất Mão mở bốn giới đàn lớn. Năm Canh Thân (1740) tấn đàn Long Hoa. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) giới đàn ở chùa Viên Thông.
Mùa thu năm ấy Ngài có bệnh nhẹ, đến giữa tháng 10, Ngài gọi môn đồ đến dạy rằng: “Duyên ở đời đã hết, ta sắp đi đây”. Môn đồ khóc lóc, Sư bảo: “Các ngươi khóc cái gì? Chư Phật ra đời còn nhập Niết bàn, ta nay đến đi rõ ràng, về tất có chỗ, các ông không nên buồn khóc”.
Đến tháng 11 năm ấy, trước khi thị tịch mấy ngày, Sư ngồi ngay thẳng, lấy viết chép kệ từ biệt đời:
“Hơn bảy mươi năm trong thế giới,
Không không sắc sắc thảy dung thông,
Ngày nay nguyện mãn về nhà cũ,
Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông”.[2]
Vào ngày 22, buổi sáng sớm ngài uống trà, nói chuyện và hành lễ xong, Ngài hỏi: “Bây giờ là giờ gì?”. Môn đồ đáp: “Giờ Mùi”. Sư an nhiên thị tịch, thọ 76 tuổi; 43 năm được truyền y, 34 năm thuyết pháp lợi sinh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc làm bia ký ca ngợi đạo hạnh của Sư, ban thuỵ hiệu là: Chánh Giác Viên Ngộ Hoà thượng. Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743), nhập tháp tại phía Nam núi Thiên Thai thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Mặc dù với các Thiền sư việc đến đi chỉ là trò huyễn hoá, có duyên thì đến, mãn duyên thì trở về. Việc gốc gác đối với các Tổ nào phải chuyện để lưu tâm. Tuy nhiên ngày nay, đối với Tổ sư Liễu Quán, chúng ta là hàng hậu bối, tìm lại cội nguồn của Người như một sự tri ân công lao mà Người đã khai sinh ra một dòng Thiền mang tự hào dòng Thiền Việt. Thiết nghĩ, trong hành trạng của Thiền sư Liễu Quán có một vài điểm chúng ta cần nghiên cứu, xác quyết để được rõ ràng nhằm lưu lại cho hàng hậu học và giới nghiên cứu về sau. Ở đây xin nêu ra 3 điểm:
Về năm sinh của Ngài. Ngày nay vài chỗ còn ghi nhầm lẫn như trong Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang ghi là 1670[3], vài chỗ ghi giữa âm lịch và dương lịch chưa được rõ ràng dễ bị nhầm lẫn. Trong bia có ghi chép là Ngài sinh năm Đinh Mùi. Khi so sánh đối chiếu và tra cứu lại thì năm này là năm nhuần, nhuần hai tháng 4 và chiếu vào ngày sinh của Ngài tức ngày 18/11/ Đinh Mùi đã là ngày 1/1/1668. Vậy nếu như ghi 18/11/ Đinh Mùi thì đúng nhưng ghi 18/11/1667 dễ gây nhầm lẫn nếu không nói là sai vì một cái là ghi âm lịch và một cái là dương lịch. Vậy Tổ sinh ngày 18/11/ Đinh Mùi tức ngày 1/1/1668. Tịch ngày 22/11/ Nhâm Tuất, dương lịch 18/12/ 1742 “Năm Đinh Mùi, 1967 là năm nhuận hai tháng tư âm lịch. Tra từ điển: 556 năm đối chiếu Âm lịch - Dương lịch Việt Nam & Trung Quốc 1544 (Giáp Thìn), 2100 (Canh Thân) của Lê Quý Ngưu ở trang 261 thì thấy rõ ràng: năm âm lịch ấy, năm sinh của Tổ Sư Liễu Quán, là năm nhuận, có 2 tháng tư, tháng tư đầu (đủ), tháng tư nhuận (thiếu). Tổ sư sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi ứng với ngày 01/01/1668 nhằm đúng Tết Dương lịch”[4].
Vấn đề thứ hai, năm Ngài xuất gia, có chỗ thì ghi sau khi mẫu thân qua đời 6 tuổi Ngài xuất gia, có chỗ ghi Ngài đi tu năm 12 tuổi, vậy Ngài đi tu năm nào? Chưa có một văn bản nào hay chứng cứ nào để xác quyết vấn đề này tuy nhiên dựa vào hành trạng của Ngài chúng ta có một vài suy luận! Trong hành trạng của Ngài ghi rằng, Ngài tu được 7 năm thì Hoà thượng bổn sư tịch, sau đó Ngài vượt núi băng ngàn ra Thuận Hoá tu học, nếu như đi tu năm 6 tuổi nghĩa là lúc ấy Ngài mới 13 tuổi vậy việc đi ra Thuận Hoá là việc bất khả thi! Thêm vào đó với tuổi này trong khi cha Ngài còn đó, huynh đệ Ngài còn đó, liệu có để cho Ngài đi như vậy không? Nên chúng tôi cho rằng Ngài đi tu năm 12 tuổi như một số thuyết và ra Thuận Hoá khi ấy 19 tuổi là hợp lý hơn.
Vấn đề thứ ba, chính là quê quán của Ngài, một số tài liệu ghi là Ngài sinh làng Bạch Mã[5], nhưng Bạc Mã mới đúng, chữ bạc“泊”có nghĩa là bến thuyền gồm bộ thủy (nước) và bạch (trắng). Chữ mã“馬”là con ngựa. Ngày xưa có nhiều cách để đặt tên làng hay một địa danh, có thể lấy tên những vị có công, cũng có khi là tên một dòng họ… và một trong những cách đặt tên là dựa vào “những đặc thù cảnh quan, môi trường sinh thái” [6] để đặt tên làng. Hai chữ “bạc mã” có lẽ là nói đến đặc thù nơi làng này, chính là có bến đò để giao thương buôn bán (ngày nay khu vực này sát bến đập Hà Yến, ngày xưa nó có tên là bến đò Bà Diễn) và phương tiện vận chuyển chính là ngựa. Sự nhầm lẫn giữa “bạc” và “bạch” có lẽ bắt nguồn từ chữ hán“泊”và“白”, trong khi chữ “bạc” có bộ thủy, bỏ bộ thủy thành chữ “bạch”, có lẽ trong việc phiên dịch đã có sự nhầm lẫn này. Tuy nhiên, ngày nay khi đi điền dã và phỏng vấn những người dân lâu năm ở đó, có người bảo rằng “bạc má” chứ không phải “bạc mã” vì khu này ngày xưa có một loài chim gọi là “bồ chao bạt má” rất nhiều, điều này vẫn chưa được nghiên cứu chứng minh, người viết ghi nhận và xin nêu ra như một giả thuyết để có thể nghiên cứu điều này thêm.
Nhìn lại cuộc đời và hành trạng của Tổ, điều đáng tiếc nhất chính là pháp ngữ của Ngài không được lưu lại. Ngoài cuộc đối đáp với ngài Tử Dung, bài kệ truyền pháp và bài kệ trước khi tịch thì dường như không để lại một trước tác hay bài pháp nào, đây là một mất mát lớn cho hàng hậu học. Và muốn hiểu được phần nào tư tưởng của Ngài không gì khác hơn là hiểu được nội dung bài kệ truyền pháp vì “Pháp hệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán có tính cách định hướng đường lối tu tập và hành đạo, qua đó thể hiện ý chí của Tổ một cách rõ ràng rằng, nội dung mà một dòng thiền chuyên chở phải là sự vận hành công đức giải thoát và giác ngộ trong đời sống của xã hội nhân sinh”[7].
Nội dung, tư tương bài kệ truyền pháp
實際大導 Thật tế đại đạo
性海清澄 Tánh hải thanh trừng
心源廣潤 Tâm nguyên quảng nhuận
德本慈風 Đức bổn từ phong
戒定福慧 Giới định phước huệ
體用圓通 Thể dụng viên thông
永超智果 Vĩnh siêu trí quả
密契成功 Mật khế thành công
傳持妙里 Truyền trì diệu lý
演暢正宗 Diễn xướng chánh tông
行解相應 Hạnh giải tương ưng
達悟真空 Đạt ngộ chơn không
Dịch:
“Đường lớn thực tại Biển thể tính trong Nguồn tâm thấm khắp Gốc đức vun trồng Giới định phước huệ Thể dụng viên thông Quả trí siêu việt Hiểu thấu nên công Truyền giữ lý mầu Tuyên dương chính tông Hành giải song song Đạt ngộ chân không”[8].
Bài dịch của Thiền sư Nhất Hạnh ngày nay được sử dụng nhiều nhất, cũng có một vài bài dịch khác nhưng không được phổ biến rộng rãi cũng như độ tin cậy. Nghiên cứu về nội dung bài kệ Hòa thượng Viên Giác chia thành 6 phương diện:
1-Thể tính vắng lặng 2- Tâm thức thánh thiện 3- Công phu hoàn chỉnh 4- Trí tuệ vẹn toàn 5- Hóa độ nhân gian 6- Thành tựu thánh quả[9].
Ngài Nhất Hạnh cũng có phân tích bài kệ qua từng câu kệ mà không phân ra các ý hay đoạn. Ở đây người viết xin chia bài kệ ra 3 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, để phân tích, cụ thể:
Đoạn 1:
Thật tế đại đạo Tánh hải thanh trừng Tâm nguyên quảng nhuận Đức bổn từ phong.
Đoạn 2:
Giới định phước huệ Thể dụng viên thông Vĩnh siêu trí quả Mật khế thành công.
Đoạn 3:
Truyền trì diệu lý Diễn xướng chánh tông Hạnh giải tương ưng Đạt ngộ chơn không.
Khái quát nội dung
Ở đoạn đầu tiên, Tổ khái quát về bản thể chân như, Phật tánh, là cái đích của việc tu tập qua “thật tế”, “đại đạo”, “tánh”, “tâm”, “đức”. Từ trước giờ chúng ta hay dịch câu “thật tế đại đạo” là “đường lớn thực tại” hay “con đường chân như”… Tuy nhiên, “thật tế” là “chân như”, mà “đại đạo” cũng là “chân như”, Diệu Kinh Văn Cú Tư Chí Ký ghi: “大道者即證極理體也”[10]. Nếu dịch sát hơn thì câu này có thể hiểu là “sự thật đại đạo” thay vì cứ dịch là “con đường lớn”. Và 3 câu sau chính là giải thích cho chữ “đại đạo”. Sự thật đại đạo là gì? Là biển tánh lắng trong, là nguồn tâm thấm nhuần rộng khắp, là gốc đức mát mẻ như làn gió. Việc dịch như vậy đoạn văn sẽ liền ý hơn là dịch “đường lớn thực tại”. Chữ “thực tại” Ngài Nhất Hạnh dịch không sai nhưng việc đảo trật tự từ khi dịch làm mạch văn trở nên khó hiểu và thiếu logic. Chữ “đại đạo” dịch là đường lớn thì ý nghĩa quá khiên cưỡng cho nghĩa chữ “thật tế”, vì “đường lớn của chân như” là đường gì? Các câu sau sẽ không khớp với câu hỏi đặt ra trước đó. Vì “đường lớn” thì phải là các phương pháp để trở về Chân như, Phật tánh, là con đường tu tập, trong khi các câu sau là Tánh, là Tâm, là Đức chỉ là tên khác của Chân như. Nên theo thiển ý người viết câu này nên dịch là “sự thật đại đạo” sẽ đúng hơn.
Tháp mộ Tổ sư Liễu Quán ở chân núi Thiên Thai, Huế
Câu cuối trong đoạn 1 “đức bổn từ phong” Ngài Nhất Hạnh dịch là “gốc đức vun trồng”. Ở đây chữ“風”cũng có nghĩa là phong cách, nhưng theo mạch thơ và hàm nghĩa giải thích cho từ “đại đạo” thì chữ “từ phong” phải dịch là “gió từ bi” làn gió yêu thương, lắng nghe thấu hiểu, giúp đỡ ban vui… là những biểu hiện của chân tâm thanh tịnh, thì mới sát nghĩa.
Nếu trong đoạn 1 nói về thể tánh chân như, Niết bàn tịch tịnh, là kết quả của sự tu hành, là Diệt đế thì đoạn 2 chính là con đường để đi đến kết quả đó, là phương pháp để hành trì, thực hiện, tu tập để đạt đến kết quả, là Đạo đế. “Giới định phước huệ; Thể dụng viên thông” đây là căn bản của giáo lý nhà Phật, không một pháp môn nào, con đường tu tập nào vượt ra ngoài Giới, Định và Tuệ và Ngài Liễu Quán cũng lấy phương pháp này làm đạo lộ duy nhất để đi đến bảo sở. Ở đây có hai điều đặc biệt trong phương pháp tu hành theo tư tưởng của Tổ Liễu Quán, chúng ta cần lưu ý: một là phước và hai là thể, dụng phải đầy đủ, thông suốt.
Tinh thần của Thiền tông thường không đặt nặng đến chữ “phước”, ngay như sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đến Trung Quốc gặp vua Lương Võ Đế, vua hỏi đã tạo tượng, đúc chuông, độ tăng… có công đức không? Tổ Đạt Ma trả lời không có công đức. Cái gọi là “công đức” theo quan điểm của Thiền tông chính là trí tuệ, tâm giải thoát chứ không phải chỉ những việc làm vì cho rằng đó chỉ là phước hữu lậu vẫn còn trong vòng sinh tử. Nhưng khi qua đến Việt Nam, mà ở đây là Tổ Liễu Quán, Ngài đã thêm chữ “phước” vào trong vấn đề tu tập, hành trì để giác ngộ giải thoát, đắc đạo, đây là một điểm khác, đặc biệt của dòng Thiền Việt Nam.
“Viên thông” đầy đủ nhưng thông suốt, không chấp chặt, vướng víu, đây là bệnh rất phổ biến của người có chút tu hành. Thông thường khi có một chút công phu, một chút giữ giới là bắt đầu chê bai những người có lỗi, người không tu rồi từ đó sinh tâm yêu ghét, giận hờn, khinh bỉ… Tổ muốn chúng ta, hay đúng hơn chỉ cho chúng ta biết muốn tu hành đạt đến quả vị giải thoát thì cần phải áp dụng Tam vô lậu học một cách đầy đủ không thiếu sót và phải thông suốt, hành trì cho tự thân và ứng xử ra bên ngoài một cách uyển chuyển và trí tuệ.
Hai câu “Vĩnh siêu trí quả; Mật khế thành công” là bảo chứng cho việc hành trì giới định tuệ viên thông, là hai câu thay thế cho 4 câu đầu nói về kết quả của sự tu tập. “Vĩnh siêu trí quả” chính là vĩnh viễn thoát ly sinh tử đạt đến Bồ đề; “mật khế thành công” thầm ứng hợp với tâm tông, trở về với Phật tánh, công phu như vậy đã đạt thành công. Có thể nói 2 đoạn thơ này chính là diễn dịch của Diệt đế và Đạo đế, cũng giống như cách đức Phật nói về Tứ đế là nói quả trước rồi nói nguyên nhân sau, ở đây Tổ cũng truyền đạt như vậy nói Diệt đế trước rồi nói Đạo đế sau.
Đoạn cuối này, phải chăng là tâm tư của Tổ và cũng là tư tưởng của những nhà Đại thừa: Chính là khi tu, khi giác ngộ rồi, việc đáng lo nghĩ không gì khác hơn là duy trì mạng mạch Phật pháp, đem đạo mầu giác ngộ cho chúng sinh “truyền trì diệu lý”. “Diệu lý” là chân lý nhiệm mầu, giác ngộ, thấu được lý duyên sinh, ngộ được tâm sinh diệt, có như vậy thì mới “diễn xướng chánh tông” được. “Chánh tông” vừa mang ý nghĩa là được truyền thừa từ “Lâm tế chánh tông”, không phải từ các dòng Thiền khác (tức có cội nguồn, có chứng đắc theo tông Lâm tế), vừa mang ý nghĩa truyền bá những điều chân lý, đúng đắn từ lời Phật dạy, không xuyên tạc, sai trái lời Phật dạy.
Như đã phân tích, truyền trao giữ gìn “diệu lý”, “diệu lý” này chính là “chánh tông” là “hạnh giải tương ưng” ( câu này phải chăng tương đương với câu ‘thể dụng viên thông’) là “chơn không”. Vậy truyền trao cho đệ tử cái gì, chính là truyền trao cái diệu ngộ, tức phải làm cho đệ tử mình khai ngộ, vì có ngộ được đạo rồi thì mới “hạnh giải tương ưng” tức lời nói và việc làm tương ứng nhau, khế hợp nhau được, bằng không chỉ là ‘khẩu đầu thiền’ (Thiền trên miệng), làm sao có thể giữ gìn Phật pháp được.
Tư tưởng bài kệ
Lấy tâm phàm mà tìm hiểu ý thánh thì thật chẳng khác như kẻ mù sờ voi, bài kệ tuy chỉ là dùng làm pháp kệ truyền thừa, nhưng được lưu suất từ tâm của một vị đạt đạo thì ý nghĩa của nó không đơn thuần chỉ là một bài kệ, mà sâu bên trong ẩn chứa những thâm ý sâu xa mà thiết nghĩ chỉ có Tổ mới biết hết được. Ngày nay, chúng ta chỉ thông qua ngôn từ mà diễn giải thì chỉ phần nào nói được cái bóng của ánh trăng, con chim dưới mặt nước không thể nào nói cho hết và đúng hết ý Tổ. Cho nên sẽ là rất khấp khiễn khi nói rằng ý Tổ nói thế này, ý Tổ nói thế kia. Chính vì lẽ đó những gì người viết trình bày tư tưởng bài kệ chính là dựa vào ngôn từ bài kệ mà Tổ để lại mà mày mò phân tích dò đón ý Tổ, thực chưa có một chút tu hành hay thâm nhập nào trong tư tưởng bài kệ.
Như đã chia bố cục bài kệ ra làm 3 đoạn: Đầu tiên nói về Chân như Phật tánh; sau đó là con đường để đạt đến chân như Phật tánh; cuối cùng là truyền lại con đường đó cho hậu thế hành trì để đạt đến Chân như. Bài kệ có bố cục vô cùng chặt chẽ và logic.
Ở phần đầu tiên nói về “Chân như Phật tánh”, Tổ đã dùng rất nhiều từ để diễn tả về điều đó như “Tánh hải”, “Tâm nguyên”, “Đức bổn” các từ này rất thông dụng để diễn tả về “Chân tâm Phật tánh”, nhưng điều đặc sắc ở đây chính là cái dụng của các cặp từ này qua từng câu kệ:
Tánh hải thanh trừng Tâm nguyên quảng nhuận Đức bổn từ phong.
“Tánh hải” là thể “Thanh trừng” là dụng;“Tâm nguyên” là thể, “Quảng nhuận” là dụng; “Đức bổn” là thể, “Từ phong” là dụng. Bản thể là cái gì đó khó thấy, khó hiểu, khó hình dung được, việc viện dẫn các cặp từ nói lên cái dụng của thể làm cho người đọc, người nghe dễ dàng nắm bắt và hình dung cái thể là gì. Những từ này “Thanh trừng, Từ phong, Quảng nhuận” đứng về mặt từ ngữ là những thành tố giải nghĩa cho các từ đứng trước nó; về mặt ý nghĩa là biểu hiện, là tướng trạng để ám chỉ, biểu lộ cho bản thể.
Phật tánh là một phạm trù quan trọng trong Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền tông nói riêng, ý nghĩa thường đề cập nhất của Phật tánh là ở mỗi chúng sinh đều có Phật tánh, ở thánh không tăng ở phàm không giảm, vì thế ai cũng có thể thành Phật. Mở đầu bài kệ, Ngài nói ra như thế chính là nói cái cốt lỗi của tâm tông, chỉ ra cái thể tánh nhất như nơi mỗi người, khuyến tấn mọi người nên tu tập để trở về với Phật tâm nơi chính mình.
Một điều độc đáo hơn ở trong đoạn này chính là ngoài các cặp từ “thể, dụng” như đã nêu trên, thì 3 câu kệ “Tánh hải thanh trừng; Tâm nguyên quảng nhuận; Đức bổn từ phong” là dụng của “đại đạo”, đôi khi người ta nhờ vào chữ “tâm, tánh, đức” để diễn đạt cho “chân như”, vì tâm, tánh hay đức là từ khá quen thuộc và cũng dễ hình dung hơn là “chân như”, một từ rất khó thấu hiểu.
Sau khi đã nói ra điểm đến cho hành giả tu trì, Ngài chỉ ra con đường để đạt đến. Giới, định, tuệ và phước là các phạm trù căn bản của “Đạo”, của con đường để đạt đạo, không một pháp môn nào, tông phái nào rời được các phạm trù này. Chính trong Đạo đế, Bát chính đạo cũng chính là giới, định và tuệ. Giới định tuệ tuy 3 mà 1, bởi lẽ khi có giới, ắt có định tuệ, tương tự khi có định, tuệ cũng vậy. Các phạm trù này hỗ tương cho nhau, bổ trợ cho nhau trong quá trình sinh khởi. Chỉ có phước là đối với tư tưởng Thiền tông ít được đề cập, tuy nhiên Tổ đã đề cập, người viết không đồng ý lắm với ý kiến của Hòa thượng Nhất Hạnh khi cho rằng: “Đây là bài kệ bốn chữ cho nên thay vì giới định tuệ (tam học) thì thiền sư đã thêm vào chữ phước”[11], người viết cho rằng đây là điểm mới, đồng thời là tư tưởng khác biệt nhất đối với thiền tông Lâm Tế.
Thiền không phải việc dễ nắm bắt, nếu không phải bậc thượng căn ắt không dễ tu hành một đời có kết quả (nhất là Thiền công án). Nên việc Tổ đề cập chữ “phước” chắc chắn có lý do chứ không phải ngẫu nhiên được. Lý do đó là để phù hợp với người dân Việt Nam, đơn giản, hiền lành chất phát, bình dị chứ không phải mơ huyễn cầu huyền ở một nơi xa xăm nào đó.
Hành giả phải hành trì giới luật, tham thiền, tạo phước các việc này phải tương ưng từ tâm đến việc làm, từ thể và dụng phải viên thông. Chữ “viên thông” cực kỳ sâu sắc, nó vừa là từ để khuyến tấn, vừa là phương châm hành trì, đồng thời cũng vừa làm thước đo cho trình độ tu tập. Một người mới tu chưa có kết quả thì càng tu càng chấp, càng giữ giới càng khó chịu với những người xung quanh… đây là một loại bệnh cho những người tu hành. Chữ “viên thông” còn là “tuệ” trong nhận thức tu tập, mà hành giả trước khi bắt đầu dấn thân vào công phu hành trì cần phải học tập, để khi có được những hoa trái trong công phu không bị vướng kẹt trong kiến chấp.
“Mật khế” chính là thầm lặng khế hợp, khi chúng ta tu hành không cần phải nôn nóng đợi chờ kết quả, sự tu hành phải đi qua các thứ lớp nhất định, việc tu hành cũng đi theo một quy luật Nhân quả, khi nhân duyên chín mùi tự khắc kết quả sẽ đến. Câu này Tổ muốn khuyên các hàng hậu thế sau này khi tu hành không cần nóng vội, cứ y vào “giới định phước tuệ” hành trì “thể dụng viên thông” thì tự khắc “mật khế thành công”, đây chính là yếu chỉ mà Tổ muốn nói lại cho hàng hậu học trên lộ trình tu hành giải thoát.
Đoạn cuối chính là tâm tư và lo nghĩ của Tổ đối với hàng hậu học sau này, việc trao truyền chính tông cho hàng đệ tử giữ gìn Phật pháp là một công việc không phải muốn mà được, phải tùy thuận nhân duyên. Tuy nhiên, Ngài muốn nhắn gửi với chúng ta, để truyền thừa cho một người có thể thay mình “diễn xướng chánh tông” thì phải trao cho họ được “diệu lý” và họ phải có được “hạnh giải tương ưng” nghĩa là người đó phải “đạt ngộ chân không”. Ngày nay, chúng ta đã không làm được như thế, ngày xưa vua Nghiêu, Thuấn đã ‘truyền hiền không truyền tử’, các vua nhà Trần lên làm Thái Thượng Hoàng khi còn rất trẻ nên triều đại mới được hưng thịnh và lâu dài đến vậy.
Ngày nay, chúng ta tuy là người xuất gia xem danh lợi như phù du, bóng chớp nhưng lại không buông nổi cái chùa, một chút danh, một chút lợi, đến ngày chết vẫn bị cái chức làm khổ thân tâm. Nhận đệ tử thì không hề nuôi dạy đàng hoàng cứ nhận cho có rồi nuôi đệ tử như những người làm công, lau dọn trong chùa, ngày qua tháng lại không một chút trí tuệ nơi tâm. Đó là chưa nói đến chính mình đã không làm gương giải thoát cho đệ tử, trái lại còn dẫn nó vào trong tà kiến, không có chút lý tưởng tu hành nào, để rồi ngày tháng trôi đưa, hạt giống Bồ đề năm xưa dần héo mòn theo năm tháng.
Một vị làm trụ trì, một người lãnh đạo tinh thần mà không thể chọn được người thay thế mình gánh vác sự nghiệp trong khi mình còn sống, đó là một sự thiếu sót lớn cho những người lãnh đạo, trụ trì. Truyền trao người kế thừa, không trao lại cho những người có tâm, có trí mà cứ dựa vào tình cảm hay những ai biết nịnh nọt thì thử hỏi Phật pháp sẽ đi về đâu! Đoạn cuối của bài kệ chính là những lời răn nhắc cho hàng hậu học chúng ta, cần phải sáng suốt khi trao truyền người kế thừa pháp nghiệp. Chúng ta phải đào tạo những thế hệ kế thừa, đồng thời khi phải trao truyền đạo nghiệp cần nhất là người tài giỏi và giới đức kiêm ưu.
Đọc qua những lời của Tổ, chúng ta thấy rõ con đường đi đến bảo sở, tìm lại bản đồ đã quên mất từ lâu. Đồng thời, nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực tu hành để trở thành những người thay Tổ hoằng dương chính pháp, nhắc nhở chúng ta phải tu như thế nào và truyền trao thế hệ kế thừa như thế nào. Thật hạnh phúc và ngưỡng mộ là con cháu của Tổ.
Kế thừa tư tưởng đổi mới từ tổ sư Liễu Quán
Ngài Liễu Quán ra đời cách đây đã gần 300 năm nhưng đã có những đổi mới vô cùng quan trọng, để từ đó hình thành nên một văn hóa Phật giáo dân tộc, thoát ra cái mác Phật giáo Trung Quốc đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ, mặc dù những thay đổi đó vẫn bị vùi lấp bởi thời gian và sự mờ nhạt của các thế hệ sau này. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó những phảng phất âm vang để hàng hậu thế chúng ta có cơ hội để một lần nữa phát huy tinh thần độc lập tư tưởng Phật giáo dân tộc.
Sự thích ứng là một trong những đặc điểm vừa độc đáo mà cũng vừa đặc biệt của Phật giáo Bắc tông nói riêng và Phật giáo nói chung. Phật giáo đi đến đâu việc đầu tiên chính là sự hòa quyện vào những nét đẹp của văn hóa truyền thống, để từ đó tạo nền tảng cho những bước truyền đạo sau này. Bằng chứng là khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ, Phật giáo đã luôn đồng hành và gắn bó cùng dân tộc, đem những truyền thống, tín ngưỡng, tư tưởng tốt đẹp vào trong đạo, biến nó thành một phần của đạo Phật, đồng thời đem những tư tưởng Phật giáo lồng vào các truyền thống dân tộc để từ đó cả hai hòa quyện vào nhau không thể tách rời.
Trong thời cận đại, sự xuất hiện của Phật giáo Khất sĩ cũng là một minh chứng hùng hồn cho sự thích ứng tuyệt diệu của Phật giáo, qua hai phương diện rất tiêu biểu và xuất sắc, một là Tổ sư Minh Đăng Quang dùng chiếc áo thời Phật và ăn chay theo Phật giáo Bắc tông, bên cạnh đó là kiến trúc, kinh điển được diễn giảng chữ Việt và phổ thơ… những cải cách táo bạo này đã làm cho Hệ phái Khất sĩ có một nét riêng, độc đáo và ấn tượng trong cộng đồng Phật giáo. Trong khi ngày nay Phật giáo Việt Nam đang cố vùng vẫy để thoát khỏi cái bóng của Phật giáo Trung Quốc thì Hệ phái Khất sĩ đã nghiễm nhiên khác biệt trong cả tư tưởng và hình thức, để tạo nên dấu ấn khác biệt trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu. Đây là một điều đáng ghi nhận, trân trọng và cần học tập nơi Hệ phái Khất sĩ.
Để giải thích lý do xuất kệ của Tổ Liễu Quán, Hòa thượng Viên Giác đã đưa ra bốn lý do:
“Một là, dòng thiền Lâm Tế khi qua Việt Nam chỉ còn ý nghĩa truyền thừa pháp hệ mà không còn chất liệu sinh động “đánh, hét” một thời. Tổ sư Minh Hoằng-Tử Dung khi trao cho Tổ Liễu Quán một công án và sau ấn chứng sự đắc pháp theo truyền thống Thiền tông Trung Hoa nói chung, không mang bóng dáng đặc thù của thiền Lâm Tế. Hai là, mạch nguồn tâm linh Trung Hoa không phù hợp với dòng tâm thức Việt Nam, không đáp ứng được căn cơ và nhu cầu thời đại. Ba là, bối cảnh lịch sử phức tạp từ Trung Hoa cho đến Việt Nam thời bấy giờ đã làm phai nhạt mối gắn bó pháp hệ chính thống. Cần phải có một pháp hệ mới để nối tiếp mạch nguồn tuệ giác. Bốn là, với ý thức của người dân Việt, Tổ Liễu Quán muốn định hướng cho dòng thiền của ngài tiếp nối được mạch nguồn tuệ giác đã tạo nên dòng văn hóa Việt”[12].
Chính vì lẽ đó, việc thích nghi, đổi mới để phù hợp, vừa mang tính thời đại vừa tạo nên một văn hóa Việt chính là điều chúng ta cần học hỏi và phát huy, để tạo nên một văn hóa Phật giáo Việt Nam độc lập và đặc trưng riêng biệt, không chỉ mang tính tông phái, hệ truyền thừa mà phải mang tính toàn cầu.
Căn cơ và nhu cầu thời đại, một câu hỏi lớn và bài toán lớn trong bất kỳ bối cảnh, giai đoạn nào. Việc cân bằng giữa các triết lý và căn cơ để không gây ra các hiểu lầm như mê tín dị đoan, tín ngưỡng, cầu cúng… là một điều không dễ; cân bằng giữa thời đại và các giá trị truyền thống để không bị xói mòn, mất gốc, bị thời đại hóa… cũng là điều nan giải vô cùng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một môi trường mà sự đổi thay diễn ra vô cùng nhanh chóng, một cuộc chiến của công nghệ đang dần đổi thay cả thế giới với những úng dụng mang tính toàn cầu, một thế giới phẳng dần thiết lập. Tất cả đều đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức, Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ngày nay, chúng ta cần kiểm soát những phát ngôn khi đăng tải lên mạng xã hội. Chúng ta cần có những cơ quan rõ ràng đại diện cho tiếng nói Phật giáo, các vị giảng sư, Tăng ni, các cá nhân khi làm các công tác mang tính truyền bá Phật pháp cần phải được đăng ký và kiểm soát. Chỉ khi chúng ta làm được như vậy, một mặt chúng ta hạn chế được những Tăng ni hay Phật tử chưa có đủ thẩm quyền ( có thể là trên vấn đề kiến thức… ) phát ngôn và có những hướng dẫn lệch lạc, gây ra những hiểu lầm cho cộng đồng Phật giáo; mặt khác chúng ta có đủ lý do và bằng chứng để kiểm soát và nhờ pháp luật bảo hộ bởi các cá nhân hay tập thể cố tình gây ra các nhiễu loạn, hoang mang, ác cảm bởi những phát ngôn và việc làm sai trái trên mạng xã hội.
Chúng ta cần mạnh mẽ hơn trong công tác hộ pháp thời hiện đại. Không bàn về Phật giáo từ khi ra đời đến nay trên khắp thế giới, chỉ riêng ở Việt Nam từ khi Phật giáo du nhập đã biết bao nhiêu bể dâu, thăng trầm, với bao chỉ trích, hạ bệ, chống phá, mà gần nhất là vào những năm 1963 với chính quyền độc tài nhà họ Ngô đã làm cho Phật giáo tưởng chừng như xóa sạch… nhưng chúng ta đã may mắn với những bậc Bồ tát, long tượng đã đứng ra lèo lái để có thể đứng vững đến bây giờ. Trong bất kỳ một giai đoạn nào, chúng ta cũng bị dòm ngó và rình rập, nếu chúng ta không mạnh dạn phòng chống từ những giai đoạn đầu, rất có thể Phật giáo chúng ta sẽ tiếp tục bị các thế lực chống phá đến tàn lụi
KẾT BÀI
Xung quanh bài kệ còn nhiều điều chưa được làm rõ như: Bài kệ xuất hiện khi nào; được Tổ nói ra ở Huế hay Phú Yên hay một nơi khác; ai là người đã lưu giữ bài kệ đến nay khi không có một thư tịch nào lưu giữ … thiết nghĩ đã gần 300 năm sự xuất hiện của Tổ, chúng ta vẫn chưa làm rõ hết về Tổ quả thật là một sự thiếu xót. Bên cạnh đó, những pháp ngữ của Ngài đến nay vẫn không thấy để lại, đây cũng chính là sự mất mát và đáng trách ở những thế hệ kế thừa sau Tổ và hôm nay là chúng ta. Cần lắm những nghiên cứu chuyên sâu để qua đó làm sáng tỏ con đường hành đạo và những đóng góp lớn lao của Tổ trong giai đoạn đó và những ảnh hưởng đến ngày hôm nay.
Nếu y vào bài kệ, lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời tu hành và lý tưởng phụng sự đạo pháp, chắc hẳn đạo Phật của chúng ta, cũng như Tông môn Liễu Quán sẽ phát triển rực rỡ. Sự phát triển này không phải chỉ ở nơi rộng khắp chùa chiền và người theo dấu chân Tổ, cái chính là sự an lạc hạnh phúc được ban rải khắp nơi, người người tu hành, thiết lập một cuộc sống an vui hạnh phúc, thiết lập một tịnh độ nhân gian.
Tư tưởng của bài kệ sẽ còn được nghiên cứu sâu hơn nữa và ý nghĩa sẽ khác hơn nữa khi công phu tu tập sâu xa hơn. Tìm về tư tương của Tổ chính là hành trình trở về nguồn cội, hành trình trở về với nội tâm chính ta, chỉ khi chúng ta quay về được với chính ta thì mới có sự tương ưng với tư tưởng bài kệ và thấu hiểu được ý tổ. Không gì khác hơn chính là nỗ lực hành trì “giới định phước tuệ” để có thể trở về với chân như Phật tánh “mật khế thành công”.
Tác giả: Thích Tâm Ý
Học viên Cao học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn Học, 2014.
- https://hoavouu.com/p35a24980/van-bia-to-su-lieu-quan. Truy cập ngày 1/4/2021.
- http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c303/n14579/Que-huong-Phu-Yen-va-nam-sinh-cua-to-Lieu-Quan-theo-duong-lich.html. Truy cập ngày 13/4/2021.
- Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1999.
- https://svhttdl.hanam.gov.vn/Pages/ten-va-cach-dat-ten-lang-xa-o-phu-ly-nhan-xua.aspx. Truy cập ngày 15/4/2021.
- https://hoavouu.com/p35a24983/y-nghia-phap-ke-truyen-thua-cua-to-lieu-quan. Truy cập ngày 15/4/2021.
- 妙經文句私志記, 卷4: CBETA, X29, no. 596, p. 228, b23-24 // Z 1:45, p. 413, b5-6 // R45, p. 825, b5-6.
- https://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/truyen-thua-cua-phai-lieu-quan/. Truy cập ngày 17/4/2021.
[1] https://hoavouu.com/p35a24980/van-bia-to-su-lieu-quan. Truy cập ngày 1/4/2021.
[2] https://hoavouu.com/p35a24980/van-bia-to-su-lieu-quan. Truy cập ngày 1/4/2021.
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn Học, 2014, tr.599
[4] http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c303/n14579/Que-huong-Phu-Yen-va-nam-sinh-cua-to-Lieu-Quan-theo-duong-lich.html. Truy cập ngày 13/4/2021.
[5] Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb.Văn hóa, Hà Nội, 1999, tr.565-566.
[6] https://svhttdl.hanam.gov.vn/Pages/ten-va-cach-dat-ten-lang-xa-o-phu-ly-nhan-xua.aspx. Truy cập ngày 15/4/2021.
[7] https://hoavouu.com/p35a24983/y-nghia-phap-ke-truyen-thua-cua-to-lieu-quan. Truy cập ngày 15/4/2021.
[8] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn học, 2014, tr.603.
[9] https://hoavouu.com/p35a24983/y-nghia-phap-ke-truyen-thua-cua-to-lieu-quan.Truy cập ngày 15/4/2021.
[10] 妙經文句私志記, 卷4: CBETA, X29, no. 596, p. 228, b23-24 // Z 1:45, p. 413, b5-6 // R45, p. 825, b5-6.
[11] https://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/truyen-thua-cua-phai-lieu-quan/. Truy cập ngày 17/4/2021.
[12] https://hoavouu.com/p35a24983/y-nghia-phap-ke-truyen-thua-cua-to-lieu-quan. Truy cập ngày 15/4/2021.
Bình luận (0)