Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Khái quát lịch sử truyền thừa Tổ đình Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam

Khái quát lịch sử truyền thừa Tổ đình Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Thuần Giới

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông

Chùa được xem là nơi nương tựa tinh thần của con người và vị trụ trì là linh hồn của ngôi chùa đó.

Chùa Phước Lâm được biết đến là ngôi tổ đình có lịch sử gần 300 năm (gần 3 thế kỷ),  tính đến nay (năm 2023), chùa Phước Lâm đã trải qua 14 đời trụ trì khái quát như sau:

Tổ sư khai sơn: Tổ Thiệt Dinh – Chánh Hiển – Ân Triêm (1712 – 1796), là người thành lập chùa Phước Lâm vào giữa thế kỷ 18[1], ngài họ Lê tên Hiển, sinh quán tại xã Bến Đền phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Biết con có duyên với của thiền nên năm 10 tuổi, ngài được cha mẹ đưa đến chùa Chúc Thánh thọ giáo với thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo. Năm 20 tuổi, Ngài được Tổ sư cho thọ giới cụ túc, nối pháp đời 35 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 2 pháp phái Chúc Thánh. Sau khi đắc pháp, Ngài ra khai sơn chùa Phước Lâm để làm nơi tu học và hoằng pháp. Hơn 50 năm hoằng hóa độ sinh, Ngài đã đào tạo được các vị đệ tử xuất sắc như ngài Pháp Ấn Tường Quang Quảng Độ, Pháp Liêm Luật Oai Minh Giác (Trụ trì đời thứ 2 và thứ 3 Tổ đình Phước Lâm); Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (khai sơn chùa Từ Quang – Phú Yên); Pháp Tịnh Luật Phong Viên Quang (khai sơn chùa Thiên Hòa – Bình Định) v.v.. Từ đây, các vị đệ tử của Ngài nhiệt tâm hoằng dương chính pháp phát triển tông môn ở các tỉnh, thành lân cận, góp phần đưa thiền phái Chúc Thánh ngày một vững mạnh và lan rộng ở trong và ngoài nước.

Năm Bính Thìn (1796) tổ Ân Triêm viên tịch, trụ thế 85 tuổi, đồ chúng xây bảo tháp ở phía Tây Nam chùa Phước Lâm để phụng thờ. Hơn 80 năm tu hành và hoằng pháp độ sinh, ngài đã thắp sáng ngọn đèn chính pháp và làm cho Phật giáo Quảng Nam ngày một hưng thịnh cũng như đào tạo được các thế hệ kế thừa xuất sắc trong tương lai.

Trụ trì đời thứ 2: Pháp Ấn – Tường Quang – Quảng Độ (PD: Pháp Ấn, tự Tường Quang, hiệu Quảng Độ) (1739 – 1811) nối pháp đời 36 dòng Lâm Tế.

Thế danh của ngài là Nguyễn Văn Viên, sinh năm 1739 tại huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay là huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Về cuộc đời và hành trạng của ngài đến nay vẫn chưa thấy tư liệu nào đầy đủ, nhưng dựa vào long vị tại chùa Phước Lâm nên biết ngài là người kế thế trụ trì Phước Lâm sau khi tổ Ân Triêm viên tịch: “Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Lục Thế Húy Pháp Ấn hiệu Tường Quang Quảng Độ Hòa thượng”. Tương truyền, ban đầu ngài xuất gia với tổ Thành Đẳng Minh Lượng (chùa Vạn Đức) có pháp danh là Phật Tuyết, hiệu Tường Quang, sau đó tổ Minh Lượng vào Nam nên ngài cầu pháp với tổ Ân Triêm với pháp danh là Pháp Ấn và trụ trì Phước Lâm. Ngoài ra, ngài còn trụ trì chùa Viên Tông (Diệu Giác) tại Bình Sơn, Quảng Ngãi[2].

Ngày 17 tháng 9 năm 1811, ngài viên tịch, trụ thế 73 năm, bảo tháp của ngài được kiến lập tại chùa Diệu Giác (Quảng Ngãi). Tại đây còn phụng thờ long vị của ngài: “Viên Tông Đường Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Lục Thế Húy Phật Tuyết Hiệu Tường Quang Quảng Độ Hòa Thượng”.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc To Dinh Phuoc Lam Hoi An Quang Nam 1

Tổ đình Phước Lâm, Hôi An, Quảng Nam. Ảnh: St

Trụ trì đời thứ 3: Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác (1747 – 1830), nối pháp đời 36 dòng Lâm Tế, thế danh Võ Đức Nghiêm, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1747, tại thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi (nay là huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi). Năm 12 tuổi ngài xuất gia với tổ Ân Triêm có pháp danh Pháp Kiêm, tự Luật Oai. Sau 10 năm tu học ngài trở về quê thì gặp nạn giặc mọi Đá Vách quấy phá, cướp bóc tại Quảng Ngãi nên ngài tòng quân dẹp giặc, lập nhiều công lớn và được phong làm chỉ huy. Sau khi giặc được dẹp tan, ngài từ quan trở lại Quảng Nam phát nguyện quét chợ Hội An 20 năm rồi cùng ngài Pháp Ấn kiến tạo lại Phước Lâm bị tàn phá bởi cuộc chiến Tây Sơn. Năm 1798, ngài được sơn môn thỉnh về trụ trì chùa Chiên Đàn và suy tôn lên Hòa Thượng với hiệu là Minh Giác. Ngài là Hòa Thượng chứng minh trong lễ đúc Đại hồng chung tại chùa Vạn Đức (1818), Phước Lâm (1822) và Hải Tạng (1830) hiện nay chuông vẫn còn.

Năm 1830, ngài thị tịch, trụ thế 84 tuổi, mộ tháp được đồ chúng kiến lập bên trái chùa Phước Lâm.

Cuộc đời của ngài là bài học lớn cho thế hệ tăng sĩ đời sau noi theo trong tinh thần “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, chỉ khi nào đất nước thái bình thì việc tu hành mới có thể yên ổn, không thể ngồi gõ mõ tụng kinh khi ngoài kia dân chúng đang loạn lạc, lầm than. Bên cạnh đó hình ảnh quét chợ cũng cho thấy mật hạnh của ngài, quét chợ mà tâm thanh tịnh, thuần khiết cũng chính là tu. Do đó, ngài được người đời ca tụng và nhắc đến với tên gọi rất giản dị ‘Tổ Bình Man Tảo Thị’: “Bình Man, tảo thị, lưỡng độ gian lao, xuất gia kỳ phát nguyện vưu kỳ, bát dật sinh niên thành chính giác.

Tạo tự, chú chung, thị thung công đức, cách cựu hảo đảnh tân cố hảo, thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng”.

(Dẹp giặc, quét chợ mấy độ gian lao, xuất gia lạ, phát nguyện càng rất lạ, tám mươi vãng sinh thành chính giác.

Làm chùa, đúc chuông, biết bao công đức, sữa cũ đẹp, làm mới lại thêm đẹp, ngàn năm sáng mãi ngọn đèn thiền).

Thích Hạnh Niệm dịch

Trụ trì đời thứ 4: Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông (1798 – 1883), đời 37 dòng Lâm Tế, thế danh Nguyễn Văn Định, sinh năm 1798 tại thôn Thanh Liêm, tỉnh Bình Định (nay là thị trấn An Nhơn, Bình Định). Ngài xuất gia với tổ Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác được ban pháp danh là Toàn Nhâm, tự Vi Ý, hiệu Quán Thông và kế thừa Phước Lâm năm 1830. Sau đó, được sơn môn thỉnh về trụ trì tổ đình Chúc Thánh sau khi ngài Bảo Đăng – Toàn Nguyên viên tịch.

Năm 1845, Ngài trùng tu tổ đình Chúc Thánh và đổi hướng chùa từ Tây sang Tây Nam để phù hợp địa thế. Năm 1847, Ngài tổ chức Đại giới đàn tại tổ đình Chúc Thánh để truyền trao giới pháp. Đến năm 1849, ngài khởi công xây dựng tiền đường, mở rộng diện tích chính điện tổ đình. Ngài có công rất lớn trong việc trùng kiến tổ đình Chúc Thánh và Phước Lâm ngày càng nguy nga tráng lệ cũng như đào tạo các thế tăng lữ.

Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1883 ngài thị tịch, trụ thế 86 năm, bảo tháp của ngài được an trí trong khuôn viên chùa Phước Lâm.

Trụ trì đời thứ 5: Chương Nhẫn – Tuyên Hòa – Quảng Hóa (1817 – 1887), đời 38 dòng Lâm Tế, thế danh Nguyễn Hòa, sinh ngày 5 tháng 7 năm 1817 tại Thăng Bình, Quảng Nam, là đệ tử của ngài Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông. Hành trạng của ngài chưa có tư liệu cụ thể, theo lời truyền lại của sơn môn chỉ biết ngài kế thừa chùa Phước Lâm năm 1883, sau khi tổ Quán Thông viên tịch. Đến ngày 3 tháng 9 năm 1887 ngài viên tịch, trụ thế 71 năm, bảo tháp được tôn trí bên cạnh tháp ngài Minh Giác tại chùa Phước Lâm.

Trụ trì đời thứ 6: Ấn Bổn – Tổ Nguyên – Vĩnh Gia (1840 – 1918), đời 39 dòng Lâm Tế, thế danh Đoàn Văn Hiệu, sinh ngày 19 tháng 2 năm 1840 tại phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1858, sau khi thân phụ qua đời, ngài đến Phước Lâm nhập chúng tu học, đến năm 1859, ngài xuất gia với tổ Quán Thông nhưng làm đệ tử với ngài Chương Tư – Tuyên Văn – Huệ Quang có pháp danh Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên.

Năm 1869, ngài thọ cụ túc tại giới đàn chùa Phước Lâm do ngài Huệ Quang làm đàn đầu và được phú pháp hiệu Vĩnh Gia.

Năm 1884, dưới đời vua Phúc Kiến, ngài được cử về trụ trì chùa Linh Ứng (Đà Nẵng).

Năm 1887, thiền sư Chương Nhẫn – Quảng Hóa, trụ trì tổ đình Phước Lâm viên tịch, ngài được sơn môn thỉnh kế thế trụ trì tổ đình.

Năm 1893, đời vua Thành Thái, ngài làm Giáo thọ trong Đại giới đàn ở chùa Chúc Thánh do Hòa thượng Chí Thành làm Hòa thường đàn đầu.

Năm 1910, đời vua Duy Tân, ngài mở Đại giới đàn tại Phước Lâm có hơn 100 giới tử, trong đó có các giới tử nay là những bậc cao tăng xuất chúng như ngài Tịnh Khiết, Giác Nhiên… là đệ nhất, đệ nhị Tăng thống của GHPGVN thống nhất.

Ngài thường dặn dò tăng chúng rằng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, nếu phá giới phải hoàn lại y bát, ra khỏi già lam, để cho trong đục rõ ràng, tà chính phân minh. Có vậy nước thiền định mới khai thông, đèn tri giác thêm sáng tỏ…”[3].

Ngày 20 tháng 3 năm 1918, ngài thị tịch, thọ thế 79 tuổi, bảo tháp của ngài cũng đặt tại khuôn viên chùa Phước Lâm[4].

Trụ trì đời thứ 7: Chơn Thể – Đạo Viên – Phổ Minh (1867 – 1936), đời 40 dòng Lâm Tế, thế danh Lê Văn Chạy, sinh năm 1867 tại xã Gia Phước, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ngài là đệ tử của tổ Vĩnh Gia, sau khi tổ viên tịch năm 1918, ngài kế thừa mạng mạch trụ trì Phước Lâm đời thứ 7.

Năm 1920, ngài được sơn môn Chúc Thánh ở Quảng Ngãi thỉnh làm Đệ nhất tôn chứng giới đàn chùa Sắc tứ Phước Quang.

Năm 1928, Ngài làm Yết-ma-a-xà-lê tại giới đàn chùa Từ Vân (Đà Nẵng).

Ngày 23 tháng 2 năm 1936, ngài viên tịch, trụ thế 69 tuổi, bảo tháp an trí tại bổn tự.

Trụ trì đời thứ 8: Chơn Huệ – Đạo Nhật – Phổ Trí (? – 1947), đời 40 dòng Lâm Tế, thế danh Lê Văn Sự (tức Sạ), sinh tại xã An Bình, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình). Ngài xuất gia với tổ Vĩnh Gia, sau đó vào Nam Kỳ trợ duyên cho pháp huynh là ngài Chơn Sâm Đạo An Phổ Truyền hoằng pháp tại chùa Văn Thánh và được mời làm Yết-ma-a-xà-lê.

Năm 1928, Hòa Thượng Như Tiến Quảng Hưng mở trường tại chùa Từ Vân (Đà Nẵng), ngài được thỉnh làm Chánh Chủ Kỳ.

Năm 1936, Hòa Thượng Phổ Minh viên tịch, ngài được thỉnh làm trụ trì chùa Phước Lâm. Đây cũng là khoảng thời gian đất nước chuyển mình với những phong trào yêu nước nên hành trạng của ngài không được ghi chép rõ. Được biết ngài bị giặc Pháp sát hại tại chùa ngày 25 tháng 3 năm 1947.

Trụ trì đời thứ 9: Như Trạm – Tịch Chiếu (1912 – 2016), đời 41 dòng Lâm Tế.

Ngài sinh năm 1912, thế danh Trần Đình Thấu, quê quán tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trước khi xuất gia, ngài có một thời gian dài làm đạc điền (đo ruộng đất) tại phố cổ Hội An, đồng thời là hội viên Hội Phật học Trung kỳ do cư sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng.

Năm 1941, ngài vào Nam xuất gia với tổ Chơn Phổ – Minh Tịnh tại chùa Thiên Chơn ở Bình Dương. Năm 1942, ngài được tổ cho thọ Đại giới do Hòa thượng Minh Tịnh và Hòa thượng Thiện Giới làm đàn đầu, ngài được ban pháp danh là Như Trạm, hiệu Tịch Chiếu, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.

Năm 1943, theo sự chỉ dạy của tổ, ngài về trông coi chùa Huê Lâm cùng với ngài Thường Chiếu. Năm 1945, ngài về trụ trì tổ đình Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam). Năm 1947, chính quyền Pháp nghi ngờ ngài hoạt động cho Việt Minh nên hạch sách khám xét. Vì thế, ngài về ngụ tại chùa Viên Giác (Hội An) một thời gian. Đến năm 1950, ngài vào lại Bình Dương và kế nghiệp trụ trì chùa Tây Tạng sau khi bổn sư viên tịch vào năm 1951. Năm 1953, ngài đảm nhận chức vụ Tổng thư ký Giáo hội Lục hòa Tăng. Năm 1965, ngài làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Dương. Năm 1976, ngài là Phó ban Liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương. Hòa thượng là người kế thừa Tổ nghiệp của Tổ sư Chơn Phổ – Minh Tịnh nên ngài là một trong những hành giả Mật tông đương thời. Năm 1992, Hòa thượng đại trùng tu chùa Tây Tạng theo kiến trúc Mật giáo Tây Tạng. Đây cũng được xem là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt theo truyền thống Kim Cương thừa.

Đến ngày 4 tháng 7 năm 2016, ngài thâu thần thị tịch tại bổn tự, thượng thọ 105 tuổi.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc To Dinh Phuoc Lam Hoi An Quang Nam 2

Toàn cảnh tổ đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: St

Trụ trì đờ thứ 10: Chơn Trấn – Đạo Quả – Đương Như (1881 – 1961), đời 40 dòng Lâm Tế, thế danh Đinh Công Tương, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1881, tại Duy Xuyên Quảng Nam. Ngài là đệ tử của Tăng cang Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí tại chùa Linh Ứng. Năm 1920, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Thanh Phước tại Quế Sơn. Năm 1940, ngài được triều đình bổ làm Tự trường chùa ngự chế Vĩnh An tại Duy Xuyên, đến năm 1945 chùa bị tàn phá nên ngài về lại chùa Tam Thai – Linh Ứng. Năm 1950, Ngài Như Trạm – Tịch Chiếu vào trụ trì chùa Tây Tạng (Bình Dương) nên sơn môn cử ngài về trụ trì Phước Lâm. Đến năm 1955, Hòa thượng Phổ Thoại trụ trì chùa Long Tuyền viên tịch nên Giáo Hội cử ngài về trụ trì chùa Long Tuyền.

Ngày 28 tháng 8 năm 1961, ngài thị tịch, trụ thế 81 năm, bảo tháp được tôn trí tại khuôn viên chùa Long Tuyền.

Trụ trì đời thứ 11 và 13: Như Nhàn – Giải Lạc – Trí Giác (1915 – 2005), đời 41 dòng Lâm Tế, thế danh Dương Đức Thanh, sinh năm 1915 tại làng Cẩm Văn, Điện Bàn, Quảng Nam.

Năm 1942, Ngài xuất gia với Hòa Thượng Thiện Quả tại chùa Chúc Thánh và được thọ cụ túc năm 1949 tại giới đàn Báo Quốc do Hòa Thượng Tịnh Khiết làm Đàn Đầu.

Năm 1950, ngài thành lập sơn môn Tăng Già Quảng Nam và 1 năm sau ngài làm trưởng đoàn sơn môn tham dự Đại Hội đại biểu Phật giáo Thống nhất lần thứ nhất tại chùa Từ Đàm (Huế). Năm 1952, Giáo hội Tăng Già Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập, ngài giữ chức vụ thư ký của Giáo hội.

Năm 1954, ngài được cử về trụ trì chùa Phước Lâm, trong thời gian này ngài vận động trùng tu chùa Phước Lâm và chùa Nghĩa Trũng (Điện Bàn).

Năm 1956, ngài được mời làm Hội trưởng hội Phật học Quảng Nam.

Năm 1958, ngài được bầu làm Trị sự trưởng Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam.

Năm 1959, Giáo hội Tăng Già Trung phần bổ nhiệm ngài làm trụ trì chùa Tam Thai (Đà Nẵng).

Năm 1966, ngài lãnh đạo Phật giáo đồ Quảng Nam đấu tranh chống hiến chương Vũng Tàu và chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Thiệu – Kỳ.

Năm 1968, ngài giữ chức vụ Chánh đại diện GHPGVN tỉnh Quảng Nam.

Năm 1970, ngài được thỉnh làm phó chủ đàn Đại giới đàn Vĩnh Gia tại chùa Phổ Đà (Đà Nẵng).

Năm 1975, ngài giữ chức Đặc ủy Tăng sự.

Năm 1980, sau khi Hòa thượng Như Vạn viên tịch, ngài một lần nữa được môn phái mời về trụ trì chùa Phước Lâm.

Từ năm 1982 đến 1989, khi GHPG tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập, ngài giữ chức vụ Trưởng ban tăng sự liên tiếp 3 nhiệm kỳ.

Năm 1992, ngài được môn phái suy tôn lên ngôi vị Trưởng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Năm 1996, ngài được thỉnh làm chánh chủ đàn Đại giới đàn  Phước Huệ tại chùa Phổ Đà (Đà Nẵng).

Năm 1997, ngài được ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam thỉnh làm chứng minh Ban trị sự Phật giáo tỉnh.

Năm 1998, vì tuổi cao sức yếu nên ngài trở về chùa Tam Thai. Đến ngày 26 tháng 8 năm 2005, ngài viên tịch, trụ thế 91 năm, bảo tháp được lập tại tổ đình Tam Thai (Đà Nẵng).

Trụ trì đời thứ 12: Như Vạn – Giải Thọ – Phước Trí (1930 – 1980), đời 41 dòng Lâm Tế, thế danh Trần Văn Chín, sinh năm 1930 tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam, ngài là đệ tử của Hòa thượng Chơn Chững – Đạo Tâm – Thiện Quả.

Năm 1950, ngài xuất gia tại tổ đình Chúc Thánh và thọ đại giới năm 1955.

Từ năm 1951 đến năm 1959, ngài theo học tại Ấn Quang, sau khi ra trường được cử về trụ trì chùa Phước Lâm (1959) và là giảng sư tại tỉnh Quảng Nam năm 1960.

Trong pháp nạn Phật giáo năm 1963, ngài là 1 trong những thành phần cốt cán của Ủy Ban tranh đấu bảo vệ Phật pháp tỉnh Quảng Nam. Năm 1964, GHPGVN Thống Nhất tỉnh Quảng Nam được thành lập, ngài được bầu giữ chức vụ Đặc Ủy cư sĩ kiêm Chánh Đại Diện GHPGVN Thống Nhất quận Hiếu Nhơn. Năm 1968, ngài làm Đặc Ủy cư sĩ kiêm hoằng pháp tỉnh Quảng Nam. Sau năm 1975, ngài làm Chánh Đại Diện Phật giáo thị xã Hội An.

Chiều ngày 24 tháng 3 năm 1980, ngài đột ngột viên tịch, trụ thế 51 năm, bảo tháp được lập tại Phước Lâm.

Trụ trì đời thứ 14: Thị Vinh – Hạnh Hoa – Huệ Liên, đời 42 dòng Lâm Tế. Thế danh Lê Xuân Quang, sinh năm 1954 tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, ngài xuất gia với Hòa Thượng Như Vạn tại Phước Lâm và được thọ Đại giới năm 1980 tại chùa Ấn Quang (TP HCM). Năm 2001, ngài được cử lên ngôi trụ trì Phước Lâm cho đến ngày nay (2023).

Trên đây là sơ lược về các thế hệ trụ trì chùa Phước Lâm để thấy được vai trò của các thiền sư xuất thân từ Phước Lâm đã đóng góp rất lớn trong sự hình thành và phát triển thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng và hưng thịnh Phật giáo Quảng Nam nói chung. Hầu hết các Ngài đều là những bậc cao tăng xuất chúng, có đầy đủ uy quyền và danh vọng nhưng không vì thế mà bị đắm chìm vào đó làm lu mờ đức hạnh của người con Phật, mà luôn kiên định trên con đường giải thoát, hành đạo để hoằng truyền Phật pháp, dấn thân để độ tăng hóa chúng chẳng vì lợi ích cá nhân. Thế nên, dù ở phương diện tu tập hay hoằng đạo, các ngài đều là tấm gương sáng để hàng hậu học theo.

Lần nữa, tổ đình Phước Lâm đã khẳng định tầm quan trọng và xứng danh là ngôi Tổ đình thứ hai thuộc dòng Chúc Thánh tại Quảng Nam. Không những vậy, các thế hệ truyền thừa đã không ngừng xiển dương tông chỉ của Tổ làm sáng ngời thiền phái, tông môn hưng thịnh để “Phước Lâm vẫn mãi là rừng phước vô hạn theo đúng tâm nguyện của tổ khai sơn khi đặt tên cho tổ đình”[5].

Tác giả: Thích nữ Thuần Giới

***

THƯ MỤC THAM KHẢO:
1. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP HCM, 1995.
2. Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, TP HCM, 2009.
3. Ban trị sự PG Hội An biên soạn, Phật giáo Hội An lịch sử tự viện và danh tăng tiêu biểu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2001.

Chú thích:
[1] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP HCM, 1995, tr 48.
[2] Ban trị sự PG Hội An biên soạn, Phật giáo Hội An lịch sử tự viện và danh tăng tiêu biểu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2001, tr 21.
[3] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, TP HCM, 2009, tr 163.
[4] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB Tp. HCM, 1995, tr 49-50.
[5] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, TP HCM, 2009, tr 149

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường