Thích Chúc Duyên Học viên Cao học Khóa 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh có ý nghĩa rất lớn. Thiền phái Chúc Thánh tự có nét độc lập, tính nhập thế, tinh thần không phụ thuộc thân ngoại, đã khoác lên dân tộc chiếc áo tôn giáo thuần chất Việt nói chung và vùng đất xứ Quảng nói riêng.
Nếu nói Tổ đình Chúc Thánh (Hội An) là trung tâm thiền phái, thì Phước Lâm là trung tâm hoằng dương Phật pháp của Thiền phái lúc bấy giờ. Sau khi Tổ Minh Hải Pháp Bảo viên tịch, các vị Tổ sư thiền phái tiếp tục cũng theo con đường này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Thiền phái, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Quảng Nam nói riêng và tất cả vùng từ Quảng Nam tiến phải Nam bộ.
Cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Phật giáo nói chung và Thiền phái Chúc Thánh nói riêng luôn tồn tại và gắn liền với cuộc sống người dân Quảng. Suốt gần 300 năm qua, tư tưởng cốt lõi của Phật giáo và sự kế thừa tư tưởng đó của Tổ Minh Hải và Chư vị Tổ sư Thiền phái là nhân văn cao cả, từ bi bác ái, vì cuộc sống an lạc cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Những tư tưởng đó không hề xa lạ với truyền thống nhân văn quý báu của người Việt Nam cũng như người dân xứ Quảng, nó là một nhân tố tạo nên đời sống văn hóa, tư tưởng đoàn kết, tương thân, tương ái cùng mưu cầu hạnh phúc chung của người Việt Nam.
Tư tưởng nhân văn Phật giáo và sự đan xen nhưng tư tương riêng biệt của Thiền phái xét theo bản chất mang tính nhân loại, đã góp phần trong quá trình hòa nhập văn hóa, tư tưởng dân tộc vào trong dòng chảy chung của tư tưởng, văn hóa nhân loại. Vì thế, việc khai thác những hạt nhân tích cực, hợp lý của Thiền phái Chúc Thánh nhằm xây dựng và sự hòa quyện văn hóa Phật giáo với truyền thống Quảng Nam. “Trên lộ trình khẳng định giá trị hệ tư tưởng, Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương. Nói cách khác, Phật giáo được “bản địa hóa”, khoác vào mình chiếc áo “dân tộc tính” để đến với vạn loại chúng sinh, khai mở trí tuệ, dẫn đường giác ngộ giải thoát”[1]
Trong ý nghĩa đó, sự phát triển của Thiền phái Chúc Thánh thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc qua tinh thần “chúc thánh thọ miên trường”; sự tự tin, tinh thần sáng tạo của văn hóa xứ Quảng. Đó là quá trình hợp luyện với các giá trị truyền thống, xây dựng một tâm thế mới, khẳng định cốt cách, giá trị mới để từ đó đem lại sinh lực mới cho sự phát triển Quảng Nam. Đặc tính căn bản của dòng phái này là sự khoan hòa, có năng lực nhập thế cao và tinh thần dân tộc sâu sắc. Nói cách khác, Thiền phái Lâm tế Chúc đã chuyển hoá thành công một trong những triết lý căn bản của Phật giáo từ vô vi xuất thế sang nhập thế hữu vi, đồng thời đưa quan niệm này thành giá trị chung, hòa với dòng chảy của văn hóa - tín ngưỡng - tâm thức người dân xứ Quảng để trở thành tinh hoa của Thiền Việt và văn hóa dân tộc. Tinh thần và chủ trương nhập thế đó được thể hiện trong rất nhiều hành vi và thế ứng xử của Chư vị Tổ sư Thiền phái.
Cũng như những cảm nhận của A.Sallet vào đầu thế kỉ XX khi tiếp xúc với Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, hay cuộc đời các thiền tăng ở các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm được hậu nhân ghi lại đã nói lên rằng, những vị thiền sư nơi đây một mặt là người rất chăm chú tu trì giới luật, am tường kinh nghĩa đạo Phật, lấy tham thiền và cầu nguyện làm pháp tu để giải thoát; mặt khác, dường như họ đã thấu đạt chân lý vô thường, vô ngã, đoạn trừ được các vọng hoặc, giả tướng nên không câu nệ giáo lý, sống an nhiên tự tại giữa đời trần cùng với tín hữu nhân quần và tích cực lo việc trần thế. Các thiền sư như Ấn Lan Tổ Huệ Từ Trí, Ấn Bổn Tổ Nguyên Vĩnh Gia, Chân Đĩnh Đạo Đạt Phước Thông, Ấn Diệu Tổ Truyền Từ Nhẫn xứng đáng được coi là những bậc cao tăng tôn quý, được triều đình ân trọng, tưởng thưởng công đức, nhưng không vì thế mà trở nên xa lánh đời tục, ngược lại họ nhập thế, cứu rỗi tha nhân. Hình ảnh về một vị tăng cang (Từ Trí) qua cảm nhận của Sallet trở nên gần gũi và giản tiện lạ thường.
Trong quá trình phát triển, Thiền phái Chúc Thánh đã thâm nhập vào đời sống người dân Quảng Nam và tìm được cho mình chỗ đứng nhất định trong đời sống tinh thần của người dân vùng đất này. Khi đã hội nhập với văn hóa, tín ngưỡng vùng đất xứ Quảng để tìm phương thức bén rễ lâu dài trên mảnh đất này. Tổ sư Minh Hải và các thế hệ Tổ sư Thiền phải đã vận dụng nhưng tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo là một hệ thống những triết lý sâu sắc, độc đáo và hấp dẫn con người. Điều đặt biệt và sự khéo léo đó đã dung hợp cùng những giá trị truyền thống Việt Nam, thể hiện được khát vọng sống thiện, yêu thương, nhân nghĩa và có hậu của con người Việt Nam. Lối sống ấy đã hòa nhập vào nhịp sống của dân tộc và đã có ảnh hưởng lên mọi bình diện của lối sống người Việt. Trải qua quá trình hội nhập và phát triển, thông qua sự chọn lọc, tiếp thu của các thời đại, Thiền phái Chúc Thánh không ngừng lớn mạnh và phát triển và đã ăn sâu bén rễ vào trong lòng người dân xứ Quảng là mạch nguồn hòa chảy vào suối nguồn dân tộc. Có thế khẳng “trong khi truyền bá, đạo Phật tuyệt nhiên không dùng phương pháp bạo hành, mua chuộc hay ỷ thế của chính trị để truyền đạo, mà chỉ dùng phương pháp thấm nhuần kiên nhẫn của văn hóa mà thôi. Chính điều này đã làm cho đạo Phật trở thành một tôn giáo chung của nhân loại”[2]
Thiền phái Chúc Thánh đã góp phần ổn định nhân tâm, tạo nền tảng tinh thần quan trọng, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của quần chúng. Con người luôn có nhu cầu đa dạng về tín ngưỡng. Thế kỉ XVII – XIX, nhất là giai đoạn thế kỉ XIX, cư dân Quảng Nam đã hình thành nhiều giá trị văn hóa phong phú, đa dạng. Các thiết chế tín ngưỡng được xây dựng hàng loạt, văn hóa làng đã thực sự định hình. Làng hoàn toàn là một thực thể kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Bởi vậy, người dân có nhiều “mảnh đất” hơn để gửi gắm niềm tin, để cầu nguyện và được xoa dịu bởi nhiều thế lực thần thánh. Nhưng như thế chưa đủ. Những vị thần trong tín ngưỡng cổ truyền chưa thể giải quyết hết mọi ham muốn, đòi hỏi của người dân, chưa thể làm họ hoàn toàn an tâm trong cuộc sống. Do thế, người dân vẫn cần có Phật giáo nói chung và Thiền phái Chúc Thánh nói riên đã thê hiện vai trò của mình để nâng đỡ những thân phận nghèo hèn, cho họ sự tự tin, rằng con người đều bình đẳng, sự khổ cực rồi sẽ qua đi và tương lai an lành rồi sẽ đến; cao hơn nữa, Phật giáo đã giúp họ giải quyết những lo lắng sau khi chết. Người dân đến chùa lạy Phật không chỉ thỏa mãn những ước vọng cho riêng mình mà còn cầu sự tốt lành cho cả mọi người. Như vậy, sự xuất hiện và tồn tại của Thiền phái Chúc Thánh, đối với người dân xứ Quảng, như những suối nguồn tư tưởng, đạo đức, tâm linh chảy vào cánh đồng tinh thần khô hạn.
Phật giáo mặc nhiên trở thành một sự lựa chọn không thể tốt hơn để khỏa lấp sự trống thiếu và tìm lại sự cân bằng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân chúng. Rõ ràng là Phật giáo Quảng Nam lúc bấy giờ đã góp phần ổn định nhân tâm, giúp con người yên tâm hơn trong cuộc sống đời thường; đồng thời tạo ra nền tảng tinh thần quan trọng, góp phần đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của mọi người trong xã hội, khi mà các dòng tư tưởng, các tín ngưỡng tôn giáo khác không thể thỏa mãn được, hoặc ít có cơ hội thâm nhập sâu vào quần chúng nhân dân. HT Thích Minh Châu đã nhận định: “Sự tiếp nhận này dường như không gây ra sự thay đổi nào đột ngột trong đời sống tinh thần của người Việt. Họ thờ cúng chư Phật cũng như đã thờ cúng các vị thần vốn có của họ”[3]
Thiền phái Chúc Thánh còn dung hợp với tín ngưỡng dân gian khác nữa. Ngôi chùa không chỉ để thờ Phật mà còn thờ nhiều vị hữu công, những người tiền bối khai canh làng xã, thờ ông bà tổ tiên của những gia đình có nhiều công đức với Phật giáo địa phương. Việc thờ tự các vị vua tiền triều như đã nói ở trên, một phần cũng thể hiện đạo lý truyền đời của dân tộc, một giá trị văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam. Các tự viện Thiền phái còn có một án thờ âm hồn, tức thờ những vong linh không nơi trú ngụ, không được siêu thoát. Đó cũng là một nét văn hóa nhân văn của người Việt Nam từ xưa đến nay. Nguyễn Văn Khoan đã nhận định trong đó đạo Phật được dung hợp trong thể thống nhất: “Người An Nam thờ Trời và Đất, những thần linh trong ấy, thờ Phật, thờ linh hồn người chết, thờ những nhân vật nổi tiếng”[4]
Ngày nay, một bộ phận người dân Quảng Nam mặc dù không phải là tín đồ Phật giáo, nhưng vào những ngày Rằm, mồng Một hàng tháng và những ngày lễ của Phật giáo thường đến các chùa, các nơi thờ tự với lòng thành kính để cầu khấn cho gia chung được an lành, mạnh khỏe, bình an trong cuộc sống. Họ không hiểu thấu đáo những giáo lý của nhà Phật, như “Tứ diệu đế”, hay “Bát chính đạo”; không biết cặn kẽ thuyết “nhân quả”, “luân hồi” nhưng họ có thể tin những điều đó dưới góc độ luân lý, đạo đức. Khi đến chùa người ta cư xử với nhau có nghĩa, có tình, không ồn ào, xô bồ như các nơi khác. Ý nghĩa đạo đức và nét đẹp chính là ở chỗ đó, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ phóng sinh diễn ra ở các Tổ đình của Thiền phái, nhất là Chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Tam Thai..... với quy mô trang trọng, không chỉ là nghi lễ của nhà Phật, mà được nhiều người dân Quảng hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều người, ngoài công việc đời sống dân sinh, xây dựng và phát triển xã hội, họ tìm đến chùa để cầu một sự yên tĩnh trong tâm hồn và cũng là để sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những tổ chức gia đình hướng thiện các Tự viện đang là nơi giáo dục đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội mới.
Như vậy, có thể thấy, trải qua quá trình lịch sử lâu dài tồn tại và phát triển ở Quảng Nam, Thiền phái Chúc Thánh đã được bổ sung, được làm mới bằng nhiều giá trị văn hóa của vùng đất xứ Quảng. Đến lượt mình, Thiền phái Chúc Thánh lại góp phần củng cố, duy trì và chuyển tải các phong tục mang giá trị văn hóa truyền thống xứ Quảng. Những phong tục mang giá trị văn hóa truyền thống ấy chính là một phần quan trọng trong nền tảng văn hóa tinh thần để tiến hành xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Gs Trần Quốc Vượng khẳng định những giá trị văn hóa của đạo Phật “Đạo Phật có thể mất đi như mọi hiện tượng vô thường. Song cái tinh túy của văn hóa Phật giáo đã được dân tộc hóa và dân gian hóa thì mãi mãi trường tồn”[5]
Góp phần xây dựng xã hội nhân văn, hướng thiện và hướng thượng. Tổ Minh Hải – Pháp Bảo và chư vị Tổ sư thiền phái Chúc Thánh đã truyền tải nhưng tư tưởng, giáo lí Phật giáo luôn luôn đề cao những giá trị chân, thiện, mỹ. Đó trước hết là những nội dung về bình đẳng, bác ái, khuyến thiện, đạo đức hiếu nghĩa. Chính tư tưởng đó đã thâm nhập vào con người cũng như đời sống thường nhật của người dân xứ Quảng, hòa cùng truyền thống văn hóa dân tộc để tạo nên giá trị văn hóa bình đẳng, đậm chất nhân văn của người Việt. Như vậy, rõ ràng là Phật giáo Quảng Nam đã dự góp và cùng bồi bổ, hun đúc nên giá trị văn hóa truyền thống đất Quảng thấm đẫm tính nhân văn.
Đóng góp trước hết của Phật giáo nói chung và Thiền phái Chúc Thánh vào bức tranh văn hóa xứ Quảng là hình ảnh chùa chiền. Chùa xứ Quảng không phải là những công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ mang nhiều giá trị nghệ thuật. Điều đó đã được khẳng định. Nhưng như thế không có nghĩa nó không mang chở giá trị văn hóa. Một trong những đóng góp quan trọng của Thiền phái Chúc Thánh là ngôi chùa, rất đặc biệt mà cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân. Chùa đã hòa nhập vào làng xã mà biến thành chùa làng. Chùa làng là chùa của làng, nhiều nơi lấy tên làng để đặt tên cho chùa và thường không phải là chùa của sư, tuy rằng vẫn có sư trụ trì chùa. Chùa đã vào làng thì theo lệ làng và được người dân gọi bằng cái tên dân làng ưa thích. Vai trò của ngôi chùa làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân vì ngôi chùa góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho dân làng. Bởi vậy, một trong những điều đặc biệt là đất nước bị xâm chiếm nhưng làng xã Việt Nam không mất, các sinh hoạt trong cộng đồng làng xã, trong đó có ngôi chùa vẫn cơ bản giữ được truyền thống, ít bị đồng hóa. Người dân từ nhiều đời đã coi ngôi chùa là trung tâm văn hóa, là trường học góp phần giáo dục nền đạo đức, lòng từ bi nên khi.
Trong tư duy của người Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Quảng nói riêng, chốn chùa cửa Phật là nơi gần gũi, thân quen với nhân dân nên ai cũng có thể tìm đến để bày tỏ lòng thành của mình. Chỉ cần có tấm lòng hướng Phật thì ai cũng có thể tìm thấy cho mình sự che chở, an ủi về mặt tinh thần. Mặc dù mỗi người Việt Nam đi theo đạo Phật bởi những lý do khác nhau, nhưng họ đều chung mục đích rất dân dã, đời thường. Người dân Việt Nam đến với đạo Phật chủ yếu để giải quyết nhu cầu tinh thần, được biệt yếu tố “tâm” được xem trọng.
Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh đóng giữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội địa phương. Các giá trị về mặt tư tưởng được Chư tổ truyền đạt đã nâng đỡ con người về mặt tinh thần; nó đặt ra mục tiêu và đồng thời cũng là phương tiện để con người tiến đến sự hoàn thiện, xây dựng xã hội an lạc. Nhưng rõ ràng, cũng trên lí thuyết, nếu không có sự tách bạch về mặt vai trò giữa các tôn giáo, hay giữa các bộ phận địa phương của cùng một tôn giáo, thì thử hỏi con người cần gì có nhiều tôn giáo đến thế, đồng thời phải trả lời làm sao về sự đậm nhạt của mỗi hình thức tôn giáo, giữa và trong mỗi quốc gia - dân tộc hay giữa các địa phương của cùng một quốc gia – dân tộc nào đó. Vì thế, “Phật giáo Việt Nam phải là Phật giáo tiếp nối truyền thống rất nhân bản, một Phật giáo tôn vinh con người và phục vụ con người, đáp ứng những nhu cầu tâm linh cao đẹp nhất của con người”[6]
Như vậy, sự ảnh hưởng Thiền phái Chúc Thánh đã góp phần tạo nên triết lý sống của người dân Quảng Nam. Người dân xứ Quảng vốn ưa chừng mực, thích ổn định, bình yên, thiên về âm tính, trọng tình hơn trọng lý, trọng tinh thần hơn vật chất, trọng tĩnh hơn động. Trong quá trình Thiền phái tồn tại và phát triển ở Quảng Nam, Thiền phái đã gắn bó mật thiết với người dân nơi đây. Tổ Minh Hải và chư vị Tổ sư Thiền phái đã truyền tải những giáo lý của nhà Phật như đã ngấm sâu vào máu thịt của người dân nơi đây. Cho nên, dù ít dù nhiều, trực tiếp hay gián tiếp người dân đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của Phật giáo, đặc biệt là trong cách thức giao tiếp, ứng xử.
Tóm lại, do yêu cầu thời đại, Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng đã Việt hoá, dân tộc hoá đặc biệt vùng đất Quảng Nam được sáng tạo thêm một số tư tưởng cụ thể, sắc bén, thích hợp với hoàn cảnh vùng đất miền Trung lúc bấy giờ, làm nên bản sắc rất riêng, phần nào đáp ứng được yêu cầu của thời đại lịch sử xã hội. Ngoài tôn chỉ chung là phá chấp, đốn ngộ, tâm truyền, thì Thiền phái Chúc còn có những nét riêng như đưa Phật vào cuộc sống, phục vụ đất nước và nhân dân, tu dưỡng nhân cách con người. Thiền phái còn kết hợp với Tịnh độ tông và Mật tông cùng tín ngưỡng dân gian để phù hợp với thực tiễn và mang tính đại chúng. Riêng quan điểm tư tưởng “kỳ quốc tộ địa trường” – một Thiền phái nhất tông đã tác động nhiều đến xã hội, giúp con người ta rèn luyện luân lý đạo đức hơn là tôn giáo, góp phần duy trì bình ổn xã hội. Đồng thời, Thiền phái đã đào tạo nên những vị Tổ sư tâm hướng về Phật mà lòng vẫn gắn bó với đời, với cuộc sống trần thế. Có thể nói Thiền phái Chúc Thánh đầy sức sống mà tinh thần chung được Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo đúc kết.
Thích Chúc Duyên Học Viên Cao Học Khóa 4, PGVN tại Tp.HCM ***DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Minh Chi (2004), “Vài suy nghĩ về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (4), tr.58 - 61. 2. Mai Thị Dung (2003), Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự biến đổi của nó trong quá trình đổi mới hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 3. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, 4. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb TP. Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Hùng Hậu (1996), “Một số suy nghĩ về ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư duy người Việt”, Tạp chí Triết học (5), tr.24 - 26. 6. Học viện Phật giáo Việt Nam (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb tôn giáo, Hà Nội. 7. Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam (1986), Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Triết học, Hà Nội. 8. Lê Xuân Thông (2016), “Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỉ XIX nhìn từ trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, (11), tr.209-222. 9. Lê xuân Thông (2016), “Mạch nguồn thiền phái Trúc Lâm trong Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỉ XVII”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, (6), tr.41-50. 10. Lê Xuân Thông (2018), “Sinh hoạt sơn môn và nghi lễ của Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng thế kỉ XIX”, Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, (98), tr.37-46
Chú thích [1] https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9882 [2] Thích Đức Nhuận, Phật học tinh hoa-Một tổng hợp đạo lý, tr.495. [3] Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, tr.53. [4] Nguyễn Văn Khoan, Lê Sơn (dịch), Đình làng và tục thờ cúng thần Thành hoàng tại làng thôn Bắc bộ, tr.1 [5] https://phatgiaobaclieu.com/nhung-anh-huong-cua-phat-giao-voi-van-hoa-dan-toc/ [6] Minh Chi, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XXI, tr.26.
Bình luận (0)