Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Ngôn ngữ Pali và Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy

Ngôn ngữ Pali và Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: An Tường Nhân
Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

A. MỞ ĐẦU

Ngôn ngữ Pāli được dùng để lưu trữ nền văn học Pāli đồ sộ và vô cùng giá trị của Phật giáo cho đến ngày nay và mãi về sau. Đó là một trong số các nguồn văn liệu đặc biệt quan trọng của Phật giáo.

Quan trọng bởi nguồn gốc lịch sử khá ổn định của nó và bởi nó là nguồn văn liệu được giữ gìn kỹ lưỡng và đầy đủ nhất trong số các văn liệu sớm nhất  của đạo Phật.

Theo các sử liệu Sri Lanka Dipavamsa, Mahāvamsa và tác phẩm Samantapāsādikā thì toàn bộ Tam tạng (Tipitaka) Kinh, Luật, Luận Phật giáo được đúc kết tại cuộc kết tập Kinh điển lần thứ ba tổ chức dưới triều đại Asoka đã được Mahinda đưa vào Sri Lanka cùng lúc với sự mở rộng của Phật giáo sang xứ sở này. Như vậy ngôn ngữ Pāli đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ nền văn học Phật giáo bởi nguồn gốc cổ xưa của nó và bởi sự nguyên vẹn nó giữ được cho đến tận ngày nay. Việc nghiên cứu một ngôn ngữ cổ, một nền văn học cổ xưa mang bản sắc khá độc lập như vậy không những cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng về đạo Phật ở những thời kỳ đầu của nó cùng nhiều sự kiện lịch sử liên quan mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề Phật học có nguồn gốc tương đồng được viết bằng ngôn ngữ Sanskrit.

Công cuộc nghiên cứu văn học Pāli bắt đầu ở châu Âu vào đầu thế kỷ XIX, khi E. Burnouf và Christian Lassen cho công bố lần đầu (1826) ở Pháp các bài viết của họ về Pāli. Tiếp sau đó là dịch sang tiếng Anh phần đầu của tác phẩm Mahāvamsa của George Turnour (1837). Năm 1875, cuốn Tự điển Pāli đầu tiên do Robert Caesar Childers biên soạn. Năm 1881 là năm đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Kinh tạng Pāli (Pāli Text Society) ở London do RhysDavids làm chủ tịch, nhằm giới thiệu kho tàng phong phú của văn học Phật giáo Nguyên Thủy cho thế giới. Nhiều công trình dịch thuật sau đó của nhiều học giả khác lần lượt được xuất bản đã đánh thức giới học giả châu Âu tìm đến với đạo Phật.

Hiện nay, văn học Pāli tiếp tục được nghiên cứu, phiên dịch và giảng dạy tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ như Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia cũng như nhiều trung tâm Phật học và đại học trên thế giới.

Ngoài ra các quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa cũng nỗ lực trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và phiên dịch văn tạng Pāli.

Ở Việt Nam, có bộ Kinh tạng Pāli hoàn chỉnh do cố Trưởng lão Thích Minh Châu Việt dịch, Luật và Luận cũng đã có mặt tại Việt Nam. Còn các bộ chú giải và văn học hậu Kinh tạng thì hầu như chưa được dịch. Và, hẳn là duyên lành lớn khi người viết được tiếp xúc và chiêm nghiệm những lời giáo huấn của Thế Tôn qua ngôn ngữ được xem là trung thành với lời dạy lúc Ngài còn tại thế[1]. Trong giới hạn tìm hiểu, người viết không mong gì hơn là muốn nắm bắt vấn đề rõ ràng, hầu có cái nhìn đúng đắn, thâu tóm được những gì liên quan đến ngôn ngữ Pāli và Kinh tạng Phật giáo.

Trong quá trình làm việc, người viết cố gắng tìm đọc các tài liệu liên quan đến đề tài “Ngôn ngữ Pāli và Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy” để làm rõ một vài thông tin về ngôn ngữ Pāli , vai trò, ảnh hưởng của ngôn ngữ này đối với kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy… Thật ra, “Ngôn ngữ Pāli và Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy” là một đề tài có thể mở ra rất nhiều khía cạnh, có thể là công trình với quy mô lớn hơn một tiểu luận. Song, với sức làm việc và tầm hiểu biết còn hạn chế, người viết xem đây là một sự mở đầu, gợi mở cho công cuộc nghiên cứu tiếp tục về sau.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ngon Ngu Pali Kinh Tang Phat Giao Nguyen Thuy 1

B. NỘI DUNG

1. Khái quát về ngôn ngữ Pāli

1.1. Ngôn ngữ của đức Phật

1.1.1 Quan niệm của đức Phật về ngôn ngữ

Thời bấy giờ, Ấn Độ có rất nhiều tiểu vương quốc điển hình như: Tì-xá-li (Vaśiali), Kiều-tát-la (Kosala), Thất-la-phiệt (Śrāvasti), Ma-kiệt-đà (Magadha), Ba-la-lại (Bārāṇasi), Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu), Câu-thi-na (Kuśinagara), Kiều-thiểm-di (Kauśāmbi), Bát-trá-la (Pañcāla), Ba-trất-la (Pāṭaliputra), Mạt-thổ-la (Mathurā), Ô-thi (Uṣa), Bôn-trá-bạt-đa (Puṇgavardhana), Đề-bà-bạt-đa (Devātāra), Ca-thi (Kāśi), Chiêm-ba (Campā)…, mỗi vương quốc đều có ngôn ngữ hay phương ngữ riêng, nhưng người dân của mỗi nước đều có thể giao tiếp và hiểu nhau được bằng một cách nào đó. Sự kiện Đức Thế Tôn là người Kapilavastu, đi tu ở rừng Uruvilvā thuộc nước Magadha, chuyển pháp luân ở nước Vāraṇasi, sau đó vân du giáo cùng các vị Tỳ-kheo khắp toàn cõi Ấn Độ, nhập Niết-bàn ở nước Kuśinagara… cho thấy giữa các vương quốc hẳn có một thứ ngôn ngữ chung mà người dân mỗi nước đều có thể nói, nghe và hiểu được. Cho đến thời điểm này chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh thuyết phục, có tính khẳng định đức Phật đã thuyết pháp bằng ngôn ngữ nào, cho dù có nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng đức Phật đã giảng kinh bằng tiếng Magadhi, ngôn ngữ của vương quốc Magadha.

Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, đức Phật luôn chỉ cho chư đệ tử của mình biết rằng nó chỉ mang tính quy ước, tương đối và giới hạn mà thôi. Nó là phương tiện, là công cụ giúp con người tự chuyển hóa, nói giúp con người đi vào thế giới thế tục tương đối rồi đi đến sự tuyệt đối, siêu thoát và tạo truyền thông trong giao tiếp giữa người với người, người với tập thể và chính bản thân mình. Ngôn ngữ Phật giáo luôn dễ nhớ, không đặt nặng về vấn đề ngắn hay dài, nhưng chú trọng đến ý nghĩa. Điều này khác với Bà-la-môn với văn cú ngắn gọn dễ nhớ nhưng không chú trọng đến ý nghĩa, họ còn cho rằng ngôn  ngữ là thực tại tuyệt đối là cứu cánh tối hậu.

Trong kinh Saṃyutta-nikāya, thiên Tương Ưng uẩn, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo! Ta không tranh luận với thế gian, chỉ có thế gian tranh luận với ta. Này các Tỷ-kheo, người thuyết Pháp không tranh luận với bất kỳ một ai ở thế gian. Những gì kẻ trí trong thế gian chấp nhận là không, Ta cũng nói là không. Những gì kẻ trí trong thế gian chấp nhận là có, Ta cũng nói là có”[2]. Trích dẫn này muốn nói rằng mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đối ở phương tiện diễn đạt của ngôn ngữ hay bất kì hình thức truyền thông nào. Đó là lý do tại sao các tác giả Phật học thường có thói quen mở đầu các tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến. Người ta không thể nhầm lẫn hay đánh đồng giữa ngón tay và mặt trăng, nhưng có điều ngón tay cũng phải chỉ thẳng và chỉ đúng thì phương hướng được xác định mới khả dĩ chính xác. Dĩ nhiên, ngôn ngữ ở đây tác động trong những tâm trí bình thường. Hậu quả của nó sẽ là khuôn mẫu để khảo sát và phân loại các sự thực của kinh nghiệm. Tức là ngôn ngữ của triết lý, bất kể đó là triết lý gì.

Trong Kinh Sutta Nipata, đức Phật so sánh ngôn ngữ như cái rìu, do người sử dụng mà cái rìu có tốt có xấu cũng như ngôn ngữ cũng có thiện có ác vậy. Bài Kinh số 58 – Abhayarājakumāra sutta, thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật giúp chúng ta nhận thức lời người khác đúng hay sai. Nếu sai thì dừng lại và chấm dứt cả việc nói, việc nghe. Nếu như lời nói đó đúng nhưng khó chịu thì chúng ta cố gắng thực hiện một cách khéo léo. Cụ thể, đức Phật trình bày như sau: “Cũng vậy, này Vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy. Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.”và “ Cũng vậy, này Vương tử, những Sát-đế-lỵ có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi, Như Lai sẽ trả lời ngay (tại chỗ). Vì sao vậy? Này Vương tử, pháp giới (Dhammadhatu) đã được Như Lai khéo biết. Và vì Như Lai khéo biết pháp giới nên Như Lai trả lời ngay (tại chỗ)”.

Ngoài ra, đức Phật còn dạy phải sử dụng ngôn ngữ trong chánh niệm tỉnh giác, luôn sử dựng chánh ngữ trong mọi trường hợp. Vì nó là điều kiện cần cho một cuộc sống bình an thảnh thơi vô ưu trong hiện tại, là nấc thang quan trọng trong tiến trình thực hiện con đường Bát chính đạo vào việc hoàn thành sự giải thoát tối thượng.

Qua những gì mà đức Thế Tôn đã để lại, chúng ta thấy rằng Ngài đã ứng dụng ngôn ngữ của mình trên ba khía cạnh. Ngài sử dụng từ nguyên: Tức là đức Phật đã trình bày về ngữ nghĩa với những thuật ngữ được sử dụng phù hợp, chính xác thí như các từ đã có từ trước vẫn được tận dụng vận dụng như kama (nghiệp), saṃsāra (luân hồi)… các từ được chính đức Phật khai sinh như  anātman (vô ngã), pratītyasamutpāda (duyên khởi)…. Thứ hai, sử dụng một cách thiện sảo cả các từ đồng ngữ, đồng nghĩa. Và gần gũi nhất là đức Phật tùy thuận căn cơ chúng sinh nên sử dụng ngôn ngữ mô tả với các ví dụ, hình ảnh minh họa, ẩn dụ… như Kinh ví dụ con rắn, Kinh ví dụ cái cưa, Kinh trạm xe, Kinh bẫy mồi, Kinh ví dụ lõi cây, Kinh sư tử hống….

1.1.2. Quan điểm của đức Phật về sử dụng ngôn ngữ

Hơn bốn mươi lăm năm hoằng hóa độ sinh, đức Phật đã sử dụng mười hai thể loại hay thể tài văn học, từ thi kệ, văn xuôi, đến ẩn dụ, thí dụ… để giảng pháp, nhưng hầu như đức Phật không đặt nặng vấn đề ngôn ngữ và cũng không chủ trương biên tập những lời dạy của Ngài thành kinh điển bằng một ngôn ngữ văn học nào đó. Đoạn ghi chép sau đây trong Luật tạng Nam truyền cho chúng ta thấy quan điểm của đức Phật về ngôn ngữ kinh điển: “Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-kheo tên Yamelu và Tekula là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này: – Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-kheo có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật.” [3]

Đoạn ghi chép này phác họa bức tranh hoằng pháp sinh động và đa dạng của Tăng-già thời đức Phật. Tăng-già này tập hợp mọi tầng lớp trong xã hội, với tên gọi, dòng dõi, giai cấp, gia tộc, quốc tịch… khác nhau, nhưng ai cũng nghe, hiểu, thực hành được lời Phật dạy, đặc biệt là họ đều có ước muốn và nỗ lực hoằng pháp, truyền bá lời dạy của đức Phật theo ngôn ngữ của mình. Việc làm này, đối với hai vị Tỳ-kheo Yamelu và Tekula – vốn xuất thân từ dòng dõi Bà-la-môn, sử dụng ngôn từ nhã nhặn, âm điệu ngọt ngào, tức là có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của một Bà-la-môn cao quý là làm mất giá trị lời Phật dạy và đề nghị được hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật.

Hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật, có vần có điệu, tức là sử dụng ngôn ngữ tiếng Phạn Vệ-đà, thứ ngôn ngữ vốn dành riêng cho giai cấp Bà-la-môn mà hầu hết mọi người dân bình thường thuộc các giai cấp thấp hơn không được quyền học. Do đó, đức Phật đã bác bỏ ngay đề nghị của hai Tỳ-kheo. Ngài khiển trách rằng: “Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật? Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, và làm thay đổi niềm tin của một số người đã có đức tin.”[4]

Tại sao đức Phật lại khiển trách hai vị Tỳ-kheo nặng như vậy? Bởi, đức Phật là “Một Chúng sinh duy nhất, một Con Người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại.” (Kinh Tăng nhất A-hàm). Đức Phật và những lời dạy của Ngài chắc chắn không phải phục vụ cho một nhóm đặc quyền, đặc lợi cho một giai cấp, một tầng lớp người nào. Trong khi đó, tiếng Phạn Vệ-đà lại là ngôn ngữ thuộc về số ít, của giai cấp tự cho mình cao quý, mặc nhiên được thừa hưởng những đặc quyền, đặc lợi về danh văn, lợi dưỡng, trái ngược với tinh thần vô ngã, vị tha của đạo giải thoát. Do đó, đức Phật khuyến khích: “Này các Tỳ-kheo, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật; vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkata (đột-cát-la, ác tác, khinh cấu tội). Này các Tỳ-kheo, ta cho phép học tập lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ.”[5]

Rõ ràng đức Phật mong muốn tất cả mọi người đều có thể nghe, hiểu, thực hành và diễn đạt những lời dạy của Ngài bằng chính tiếng địa phương của mình. Nói một cách khác, đức Phật mong muốn những lời dạy của Ngài được truyền bá bằng một thứ ngôn ngữ phổ thông nhất, dễ hiểu nhất, để cho mọi tầng lớp người dân đều nghe và hiểu được. Đức Phật từ chối hoán chuyển những lời dạy của Ngài sang thứ ngôn ngữ hàn lâm, kinh viện, với những kỹ thuật niêm luật, văn phạm quá khó đối với nhiều người. Và nếu ai làm điều này sẽ phạm tội đột-cát-la, bởi có thể khiến cho số đông dân chúng đánh mất niềm tin nơi Tam bảo khi họ nghĩ rằng đạo Phật cũng không khác đạo Bà-la-môn chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, quý tộc nếu sử dụng tiếng Phạn Vệ-đà. Và ngôn ngữ Ngài chọn dĩ nhiên đối trị được tự cao tự mãn như trường hợp trên là một thí dụ sống động và thiết thực nhất.

1.1.3. Ngôn ngữ truyền bá chính pháp

Khi Thánh giáo của đức Phật bắt đầu được truyền bá rộng rãi suốt thời đại của Aśoka, thì chúng đã được nỗ lực phiên dịch sang các thổ ngữ hoặc phương ngữ khác. (cf. Winternitz, Moriz (1963). History of Indian Literature. Motilal Banarsidass Publ. p. 462; History of Indian Buddhism by Étienne Lamotte (Institut Orientaliste de Louvain)). Điều này theo truyền thống Nam truyền, đã được chính đức Phật chỉ giáo và cho phép: “anujānāmi, bhikkhave, sakāya niruttiyā buddhavacanaṃ pariyāpuṇitunti”. (Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép các ông học Phật ngôn bằng chính phương ngữ của mình (ngôn ngữ của đức Phật).”

Theo Luận Đại trí độ đức Phật thuyết pháp với ngôn ngữ âm thanh được gọi là Phạm âm với các tính chất sau: vang rền như sấm ở mọi không gian và thời gian, trong suốt khiến mọi người nghe hoan hỷ, khiến người nghe sinh tâm cung kính, rõ ràng dễ hiểu, khiến mọi người nghe mãi không thấy chán. Dĩ nhiên, quảng học đa văn để có được biện tài vô ngại luôn là mục đích lý tưởng của nhà hoằng pháp. Nhưng hơn hết, không phải là kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ và văn phạm, mà là khéo léo thủ hộ trước năm con đường của ngôn ngữ: nói đúng thời hay không đúng thời, nói chân thật hay không chân thật, nói dịu dàng hay cứng ngắt, nói từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa hay không có nghĩa. Đối với năm con đường của ngôn ngữ này, các Tỳ-kheo phải tu tập Tứ vô lượng tâm, học hạnh như đất, học hạnh như nước, học hạnh như hư không… để tâm không biến đổi, tâm từ mẫn, tâm như đất, như nước, như hư không, không kết, không oán, không nhuế, không tranh… Như vậy mục đích của việc thuyết pháp là làm sao cho thính chúng dễ dàng hiểu nội dung bài pháp để thực hành chứ không cầu kỳ ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt trăng, là chiếc bè đưa hành giả qua sông, nếu chấp thủ và không quá chú trọng, trau chuốt về ngôn từ mà quên đi giá trị truyền đạt nghĩa lý của nó sẽ là sự sai lầm lớn trong việc gìn giữ và lưu truyền chánh pháp mà đức Phật đã để lại cho chúng ta.

1.2. Ngôn ngữ Pāli

1.2.1. Từ nguyên

Pāli bắt nguồn từ chữ Pāli – bhāsā có nghĩa là ngôn ngữ (bhāsā) văn bản (Pāli) hay ngôn ngữ kinh điển. Từ nguyên “Pāli” có nghĩa là đường thẳng, hàng, dãy và Phật giáo Nguyên Thủy dùng từ này để biểu thị ý rằng kinh điển Phật giáo được hệ thống, sắp xếp theo thứ lớp, trật tự để tạo nên kho tàng kinh điển Phật giáo.

1.2.2. Nguồn gốc ngôn ngữ Pāli

Ngôn ngữ Pāli xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Ấn – Hằng, là hình thức đơn giản xuất phát từ Phạn ngữ Sanskrit. Đây là ngôn ngữ Phật giáo, không phải dùng để giao tiếp, không phải dùng để sáng tác các đề tài khác mà đây là ngôn ngữ để bảo tồn và duy trì lời đức Phật dạy (Buddhavacana).

Với quan điểm sử dụng ngôn ngữ của đức Phật như trên thì ngôn ngữ Pāli này phải là ngôn ngữ quần chúng hay nói cách khác là ngôn ngữ bình dân. Loại ngôn ngữ mà tất cả các giai cấp Ấn Độ đều có thể sử dụng được nhất là các giai cấp thấp. Nhà chú giải kinh điển Buddhaghosa (thế kỷ V công nguyên) đã viết rằng: nếu một đứa trẻ không được nghe một ngôn ngữ nào, khi lớn lên nó sẽ tự động nói tiếng Pāli và đây là loại ngôn ngữ gốc. Pāli là tên ngôn ngữ duy nhất được dùng trong kinh sách của Phật giáo Nguyên Thủy, được xem là ngôn ngữ thiêng liêng hay Thánh ngữ của Phật giáo. Kinh điển Pāli được viết thành văn tự chính thức vào năm 235 sau sự kiện đức Phật nhập Niết Bàn tại đảo quốc Tích Lan.

Như đã nói ở trên, đức Phật và các đệ tử của Ngài hoằng pháp tại nhiều quốc gia bằng chính ngôn ngữ của địa phương đó. Vậy đâu là quê hương của ngôn ngữ Pāli?

1.2.3. Quê hương ngôn ngữ Pāli

Đã có nhiều học giả đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về quê hương của tiếng Pāli. Những học giả Pāli trước kia cho rằng tiếng Pāli văn học chính là tiếng bản xứ Magadhi (thuộc miền Đông Ấn) do đức Phật dùng để thuyết pháp. Còn những học giả sau này thì có ý kiến dựa trên những cơ sở về triết học mà đưa ra quan điểm khác. Họ cho rằng tiếng Pāli có rất nhiều điểm giống với thứ tiếng Paisaci (thuộc miền Tây Ấn). Theo học giả Oldenburg cho rằng tiếng Pāli có quê hương xuất xứ từ cao nguyên núi Vindhya (thuộc miền Trung Ấn). Quan điểm của Franke cho rằng quê hương của Pāli có thể là khu vực nằm giữa miền Trung và miền Tây của dãy núi Vindhya (Trung Ấn). Bhikkhu Bodhi cho rằng tiếng Pāli chính là một dạng ngôn ngữ lingua franca (ngôn ngữ chung) được tạo ra bởi cộng đồng tu sĩ Phật giáo ở miền Bắc Ấn chừng 200 năm sau Niết Bàn của đức Phật. Trong khi đó B.C. Law cho rằng rất khó khăn để mà đi đến kết luận về quê hương nguồn gốc của tiềng Pāli một cách chính xác. Trong các quan điểm trên thì quan điểm cho rằng quê hương của tiếng Pāli là Magadhi là được xem là chiếm ưu thế nhất vì những luận cứ cho quan điểm đó phù hợp với những truyền thống và hoạt động của Tăng đoàn. Luận cứ đó là gì? Đó là dựa vào dữ kiện lịch sử của ba kỳ kết tập kinh điển.

Tất cả các trường phái Phật giáo đều đồng ý là ba kỳ kết tập là những sự kiện lịch sử. Như vậy, một câu hỏi thẳng thắng được đặt ra là: “Ngôn ngữ nào những vị A La Hán từ miền Tây hay miền Đông đã dùng để đọc tụng những lời dạy của đức Phật trong những lần kết tập thứ nhất, thứ hai và thứ ba”?

Trong lần thứ nhất, không có gì nghi ngờ đó là tiếng Magadhi, bởi vì tất cả các thành viên của hội đồng kết tập đều là những người vừa mới học pháp từ chính đức Phật, đồng thời lần kết tập này diễn ra tại động Thất Diệp thuộc xứ Magadha.

Trong lần thứ hai, những Tỳ kheo miền Đông và miền Tây đều tập hợp lại để nghe tụng đọc tạng Kinh và Luật ở Vesali. Tất cả tám trưởng lão đã được chọn ra để giải thuyết về vấn đề “10 Điểm” đều là đệ tử trực tiếp của ngài Ananda và ngài Anuruddha nổi tiếng. Trưởng lão lớn tuổi nhất, Sabbakami người đứng ở vai trò phân xử. Vì họ đã học giáo pháp từ hai đệ tử nổi tiếng của đức Phật, cho nên chắc hẳn họ đã dùng cùng một ngôn ngữ Magadhi để đọc tụng lại giáo pháp và giới luật ở kỳ kết tập thứ hai.

Lần kết tập thứ ba diễn ra ở Pataliputta với sự bảo trợ của vua Aśoka với chủ tọa là ngài Moggaliputta Tissa. Dưới triều đại của vị vua này, Magadha thuộc quyền cai quản của vương triều Maurya, nên ngôn ngữ có thể là tiếng Magadhi. Mặt khác, người tổ chức hội đồng kết tập lần này cũng đã bảo lưu ngôn ngữ nguyên gốc truyền thống dòng dõi làm thầy về Luật tạng (luật sư Acaryaparampara) của mình. Vì vậy, khi vị A La Hán Mahinda và những thành viên khác của Tăng đoàn truyền đạo này cũng sẽ truyền bá giáo pháp bằng ngôn ngữ của hội đồng kết tập kinh điển thứ ba để duy trì sự tương đồng và tính tiếp nối và tránh những diễn dịch sai lệch.

Dù cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về quê hương của tiếng Pāli của những học giả, tuy vậy Tăng đoàn (nhất là Thượng tọa bộ) đã rất thành công khi dùng ngôn ngữ Pāli để giữ gìn thánh điển Phật giáo.

1.2.4. Vai trò của ngôn ngữ Pāli đối với Kinh tạng Phật giáo

Đối với phật giáo Nguyên Thủy thì Pāli là thánh ngữ thiêng liêng, cao quý và là ngôn ngữ duy nhất của Phật giáo Nguyên Thủy. Có nhiệm vụ lưu giữ và truyền thừa Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Dùng cho việc tụng đọc hằng ngày của chư tăng ni và tín đồ Phật tử theo hệ phái này.

2. Kinh tạng Phật giáo Nguyên Thủy

Theo giáo sư Richard Gombrich, pāli-bhāsā được dịch là “văn bản cho việc đọc tụng” hoặc “văn điển để trùng tuyên”. Đây là ngôn ngữ của kinh điển Phật giáo thời kỳ đầu được duy trì bởi một truyền thống Phật giáo đặc biệt, đó là truyền thống Theravada. Các văn bản này được các nhà học giả Phật giáo thời kỳ sau này sưu tập lại và phân chia thành Tipitaka (Tam Tạng Kinh Điển). Chúng cũng được gọi là “Buddhavacana” bởi vì đa số những lời dạy ở trong Tipitaka đều do chính đức Phật thuyết ra. Chúng còn có các tên gọi khác nữa là “Kinh điển Pāli” hay “Văn tạng Pāli” (canonical Pāli literature), một số nơi còn gọi là “Văn học Pāli”.

Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy được kết tập và được chép thành văn bản là cả một nỗ lực của các thế hệ Tăng già trong suốt chiều dài lịch sử từ sau khi đức Phật nhập Vô dư Niết Bàn khoảng ba tháng cho đến khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch.

2.1. Các kỳ kết tập Kinh điển Phật giáo

Lần kết tập thứ nhất còn được gọi là kỳ kết tập Rajagaha (Vương Xá) được tổ chức tại Vương Xá sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng ba tháng kéo dài bảy tháng, với 500 vị A La Hán tham dự, dưới sự bảo trợ của vua Ajatasattu xứ Magadha vào năm thứ tám ông trị vì. Kỳ kết tập này đã kết tập được hai tạng là tạng Luật (Vinaya Pitaka) bởi ngài Upali và tạng Kinh (Sutta Pitaka) bởi ngài Ananda. Sau khi biên tập lại giáo Pháp và giáo Luật bằng truyền khẩu, các đề mục luận cũng được kết tập chuẩn mực, những bậc trưởng lão đã xếp đặt một cách có hệ thống, sao cho một số lượng Tỳ kheo ở gần nhau trong một địa phương (hay xứ sở) được giao trách nhiệm ghi nhớ (bằng trí nhớ) một số phần nào đó của giáo Pháp và giáo Luật bằng tiếng Magadhi ( vì địa điểm kết tập ở Magadha nhưng không biết là ngôn ngữ Pāli hay Sanskrit) và nếu kết hợp tất cả những phần được giao cho những nhóm trong một địa phương, thì Tăng đoàn ở địa phương đó sẽ có khả năng cùng  nhau đọc tụng lại tất cả giáo Pháp và giáo Luật.

Lần kết tập thứ hai diễn ra khoảng một thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết Bàn với 700 vị A La Hán tham dự ở Vesali. Hội đồng đã làm việc liên tục tám tháng để tụng đọc, trùng tuyên tất cả giáo Pháp và giáo Luật để đảm bảo chắc chắn là những giáo lý đích thực của đức Phật được bảo tồn và truyền bá cho những thế hệ tương lai. Hội đồng kết tập lần thứ hai còn được gọi tên là Yasatthera Sangiti có nghĩa là Hội đồng Tăng già của Trưởng lão Yasa. Sau kỳ kết tập này hình thành hai bộ phái là Thượng tọa bộ (Theravada) và Đại chúng bộ (Mahasanghika) và sau đó từ hai bộ phái chính này tiếp tục phân thành nhiều bộ phái khác. Đại hội này không nói rõ Tam Tạng Kinh điển được kết tập như thế nào. Lịch sử chủ yếu đề cập đến mười điều phi pháp là nguyên nhân dẫn đến sự kết tập lần này.

Kết tập lần thứ ba được tổ chức vào năm thứ 236 sau Niết Bàn của đức Phật dưới sự bảo trợ của hoàng đế Aśoka do ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, diễn ra tại Pataliputra với một ngàn A La Hán tham dự, kéo dài trong chín tháng. Sau khi trở thành vị vua Phật tử, dưới sự bảo trợ của vị hoàng đế này đã thu hút hàng ngàn những kẻ dị giáo, ngoại đạo giả dạng khoát y vàng để hưởng nhiều quyền lợi vật chất. Mặc dù ở sống cùng các Tỳ kheo nhưng họ luôn thuyết giảng những giáo lý sai lạc và tạo ra nhiều phức tạp trong Tăng đoàn. Lần kết tập này được tổ chức với mục đích thanh lọc và củng cố Tăng đoàn, đồng thời biên soạn lại tất cả kinh điển chính thống. Trong kỳ kết tập này Tam tạng Pāli hình thành một cách tương đối đầy đủ gồm có Kinh, Luật, Luận.

Sau khi đại hội kết thúc, vua Aśoka đã phái các đoàn truyền giáo đi các nơi để truyền bá giáo pháp của đức Phật trên khắp Ấn Độ cũng như mở rộng ra nước ngoài. Trong số các đoàn truyền giáo đó có đoàn do vị A La Hán Mahinda, vốn là con trai của vua Aśoka đã mang Tam Tạng này truyền đến đảo quốc Sri Lanka.

Tam Tạng tuy đã được kết tập tương đối hoàn chỉnh nhưng hình thức để giữ gìn và hoằng truyền Tam Tạng này cũng chỉ là khẩu truyền và bằng trí nhớ siêu việt của các trưởng lão Thánh Tăng. Trong văn học Kinh điển Pāli, chúng ta sẽ thấy rất nhiều từ ngữ mô tả về những tu sĩ, vì những phần hay phạm vi của Tam Tạng mà những nhóm tu sĩ khác nhau đó chuyên trì hay thuộc, nhớ, tụng đọc, chẳng hạn như:

1) Suttantika: Thầy hay pháp sư về Kinh tạng (Sutta Pitaka)

2) Vinaya-dhara: Thầy hay pháp sư về Luật tạng (Vinaya)

3) Matika-dhara: Thầy hay pháp sư về Diệu Pháp tạng (Abhidhamma)

4) Digha-bhanaka & Majjhima-bhanaka: Thầy hay người chuyên trì về Trường bộ (Digha-Nikaya) & Trung bộ (Majjhima-Nikaya).

Điều này hoàn toàn xác minh được rằng những bậc Trưởng lão (Tỳ kheo) vào những ngày xa xưa đã phát triển được một hệ thống truyền thừa tập thể một cách khoa học như vậy cho nên đã có thể giữ gìn nguyên vẹn giáo điển Tam Tạng trong trí nhớ của các ngài. Nhiều bậc Trưởng lão trong số đó là những A La Hán, và theo định nghĩa của Phật, là những người “hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh” đã không còn vướng vào dục vọng, điều xấu ác và vô minh (tham, sân, si). Với tâm thanh tịnh, các ngài rõ ràng có thêm khả năng tập trung để học, tụng, và ghi vào trí nhớ những lời dạy của đức Phật.

Kết tập thứ tư thực hiện trên đảo quốc Sri Lanka. Sự kiện mang tính lịch sử này diễn ra tại chùa hang động Aloka Vihara hay còn gọi là tu viện Alu thuộc Matale, một nơi nằm trên đảo Tambapanni, nước Tích Lan.

Khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, Tích Lan rơi vào họa xâm lăng bởi người Tamil và liên tiếp chịu nhiều thiên tai đói kém. Trước tình hình nguy kịch của quốc gia ấy, các sinh hoạt truyền thống của Phật giáo cũng bị đe dọa. Trước hoàn cảnh nguy khó ấy nên một ý tưởng được đề xuất là: “Trong tương lai, mọi người chỉ còn chánh niệm, trí tuệ và chánh định kém cõi, không thể ghi nhớ trong tâm trí (Tam Tạng kinh) bằng con đường truyền tụng”, cho nên Hội đồng kết tập đã quyết định ghi chép ba tạng Kinh Pitaka cùng với những luận giải dưới dạng sách. Đó là những lúc mà những viharas (chùa chiền, tinh xá, tu viện dành cho tu sĩ Phật giáo) không còn đông đúc và việc bảo tồn Tam Tạng Kinh bằng con đường truyền tụng với nhau là rất khó khăn. Vào lúc này, nghệ thuật chữ viết cũng đã phát triển sâu rộng, cho nên điều thiết thực và cần thiết nên làm là ghi chép toàn bộ giáo pháp của đức Phật thành sách, để tránh tình trạng sau này chánh pháp biến mất, mai một hay tranh luận, một khi không còn ai hay nhóm người nào có thể thuộc nhớ và đọc tụng lại một cách chính xác toàn bộ ba tạng kinh đồ sộ như vậy.

Hội đồng kết tập lần thứ tư này là hội đồng kết tập của Phật giáo Nguyên Thủy, mặc dù ở Ấn Độ lúc đó cũng diễn ra một cuộc kết tập khác dưới sự bảo trợ của vua Kanishka của xứ Kushan vào khoảng năm thứ 100 sau công nguyên cũng được cho là kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ tư. Sau khi hội nghị diễn ra, tất cả Kinh điển, cùng với những luận giải đã được khắc bằng chữ viết trên lá bối và tất cả những mẫu chữ viết đều được kiểm tra lại một cách cẩn thận đến chắc chắn về tính chất xác thật, chính xác của chúng. Đó là cách và quá trình mà ba tạng kinh Pitakas đã được bảo tồn.

Đến thế kỷ thứ năm sau công nguyên, có Trưởng lão Budhaghosa người Ấn Độ sang Tích Lan, trú tại đại tự (Mahāvira) theo Trưởng lão Tăng Già Ba La (Sanghapāla Thera) nghiên cứu thánh điển tàng trữ tại chùa ấy rồi đem dịch sang tiếng Pāli. Ông đã đem giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ ra soạn thuật thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó có thể nói Thanh Tịnh Đạo luận là một tác phẩm toát yếu toàn bộ Tam Tạng kinh điển và Luận sớ. Ngài đã dịch bốn bộ kinh Nikaya từ tiếng Sinha của Sri Lanka sang tiếng Pāli. Buddhaghosa đã hoàn tất công việc dịch kinh trong vòng ba tháng. Ngài cũng đã soạn các bộ chú giải về Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Chi bộ kinh. Đến lúc này thì Tam Tạng Pāli mới cực kỳ hoàn bị. Sau khi hoàn tất công việc dịch thuật, ngài đã báo cho vị thiền viện trưởng. Ngài Sangharāja hết lòng khen ngợi và đã nổi lửa đốt hết những cuốn sách Mahinda đã viết bằng tiếng Sinha. Từ đó cho đến nay Văn tạng Pāli đã được bảo tồn, lưu giữ, tiếp tục phát triển và truyền bá rộng đến nhiều quốc gia khác.

2.2. Văn học Kinh Tạng Pāli

Văn học Pāli như ngày nay cơ bản được phân thành hai thể loại là văn học Kinh tạng (canonical literature) và văn học không thuộc Kinh tạng (non- canonical literature) hay còn gọi văn chương hậu Kinh tạng. Văn học Kinh tạng tiêu biểu cho văn học Pāli bao gồm các tác phẩm Kinh, Luật, Luận (còn gọi là Pāli Tipitaka) được sưu tập và mở rộng dần tại ba kỳ kết tập tổ chức tại Ấn Độ và được chép thành văn bản bằng tiếng Sinha tại hội nghị kết tập thứ tư được tổ chức tại Tích Lan vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Đến thế kỷ thứ năm Tây lịch thì được dịch sang tiếng Pāli bởi Trưởng lão Buddhaghosa. Pāli tipiṭaka được giữ gìn và lưu truyền trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, tiêu biểu cho sự hợp tuyển sớm nhất và hoàn bị nhất của văn chương Phật giáo.

Văn học Kinh Tạng Pāli được sắp xếp theo thứ tự Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng.

2.2.1. Luật tạng (Vinaya Pitaka)

Luật tạng đại thể gồm có bốn phần: Pātimokkha, Suttavibhanga, Khandhaka, Parivāra.

Pātimokkha: Gồm 227 học giới của Tỳ kheo. Pātimokkha có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống tu học của chư Tăng Phật giáo. Theo Luật tạng quy định thì mỗi nửa tháng Tăng chúng phải họp mặt nhau lại một lần để tự sám hối các lỗi lầm và nghe tụng Pātimokkha. Đối với giáo hội ni chúng, nội dung và ý nghĩa quan trọng của Pātimokkha cũng tương tự như bên Tăng chúng.

Suttavibhanga: Bao gồm hai phần là Mahāvibhanga và Bhikkhunīvibhanga. Mahāvibhanga giải thích về tám trường hợp phạm tội của Luật tạng và Bhikkhunīvibhanga là phần giải thích về các học giới Pātimokkha của Tỳ kheo Ni.

Khandhaka: Gồm hai phần là Mahāvagga và Cullavagga. Khandhaka được xem là phần hậu bộ cho Suttavibhanga. Mahāvagga đề cập sự hình thành và phát triển của Tăng già thời đức Phật bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Phật dưới cội bồ đề, những hoạt động thuyết giáo và hóa độ đầu tiên của ngài, sự hình thành và phát triển giới luật gắn liền với nếp sống của chư Tăng và các sinh hoạt của Tăng già. Cullavagga tiếp tục mô tả nếp sống sinh hoạt của Tăng già, sự ban hành giới luật, các sự vi phạm khác nhau của các Tỳ kheo, sự tranh chấp trong Tăng già, các phận sự của Tỳ kheo ni… Hai kỳ kết tập kinh điển đầu tiên cũng được nói đến trong tác phẩm này. Khandhaka là những án văn học Pāli cổ điển mà cho tới hôm nay, có nhiều câu chuyện vừa mang tính sử học, vừa mang tính nhân bản…

Parivāra: Parivāra được biên soạn muộn màng nhất, được trình bày trong hình thức vấn đáp, bao gồm 19 chương đề cập các mục từ vựng, danh mục đặc biệt là danh mục 40 vị tổ giới luật bắt đầu từ Đức Phật sang Upāli và sau cùng là Sīvatthera, người sống vào khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch.

2.2.2. Kinh tạng (Sutta Pitaka hay còn gọi Pañca Nikaya)

Kinh tạng gồm có năm tuyển tập.

Trường Bộ kinh (Dīgha Nikaya): gồm toàn những bài kinh dài nhất của Kinh tạng, gồm 34 bài kinh chia thành 3 phẩm: Phẩm Sīlakkhandha gồm 13 bài kinh đầu, phẩm Mahāvagga gồm 10 bài kinh tiếp theo và phẩm Pātikavagga gồm 11 bài kinh cuối. Trường Bộ kinh cho chúng ta một bức tranh khá sinh động về bối cảnh xã hội thời đức Phật. Bộ kinh còn nói đến những sự kiện chính trị, xã hội cùng với các hoạt động tư tưởng và tôn giáo diễn ra khá phức tạp trong thời gian này, về các hội chúng Bà La Môn và du sĩ đông đảo, các tư tưởng được lưu truyền từ các kinh điển Vệ Đà…

Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya): là những bài kinh có độ dài trung bình, gồm 152 bài chia làm ba phần: Phần thứ nhất là Mahāpannāsa gồm 50 bài kinh đầu, phần thứ hai là Majhimapannāsa gồm 50 bài kinh tiếp theo và phần thứ ba là Uparipannāsa gồm 52 bài kinh cuối. Các bài kinh Majjhima Nikaya cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin liên quan đến hoạt động giáo hóa cả bậc Đạo sư, các cuộc tiếp xúc của Ngài với các tầng lớp vua chúa, các quan quyền hay đại diện của các giáo phái đương thời cùng nhiều tầng lớp khác của xã hội. Các bài kinh này còn cho chúng ta nguồn thông tin lớn về số lượng giáo lý và pháp môn thực hành trọng yếu của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn, lý Vô ngã, Niết Bàn… phê bình các dòng giáo lý tà kiến của Bà La Môn, Kỳ Na giáo.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Ngon Ngu Pali Kinh Tang Phat Giao Nguyen Thuy 2

Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta Nikaya): có 56 phẩm với tổng số lượng 2889 bài kinh, được chia thành năm thiên chính phân loại theo chủ đề. Phẩm Sagāthāvagga gồm các bài kinh có xen kệ tụng nói về nếp sống thánh hạnh của Phật, phẩm Nidānavagga chủ yếu giải thích về duyên khởi, phẩm Khandhavagga dẫn giải về ngũ uẩn, phẩm Sadayatanavagga chuyên sâu về mười hai xứ, và phẩm Mahāvagga nói về các chủ đề như Giác chi, Niệm xứ, Căn, Lực….

Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikaya): có 2308 bài kinh nằm gọn trong mười một chương, theo thứ tự từ chương một pháp đến chương mười một pháp. Toàn bộ những vấn đề giáo lý vốn đã dàn trải ở Trường Bộ và Trung Bộ, giờ lại được chắc lọc và hệ thống hóa ở bộ này.

Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nikaya): thuộc văn kệ, một số ít là văn xuôi, những tác phẩm thi ca quan trọng nhất của Pāli đều nằm trong Tiểu Bộ kinh.

Theo ngài Budhaghosa sắp xếp thì Tiểu Bộ kinh gồm có 15 phần:

Tiểu tụng (Khunddkapātha) gồm chín phần: Đức tin nơi Phật pháp; mười học giới của Sa Di; ba mươi hai thể trược; mười đề tài pháp số; các nguyên tắc xã hội học theo nhân sinh quan Phật giáo; vấn đề tôn trọng Tam Bảo và các phi nhân; vấn đề tang lễ và nghiệp lý, mà ở đây là vấn đề hồi hướng và cúng dường; các công đức cần thực hiện trong đời sống hiện tại; vấn đề tình thương đối với tất cả chúng sinh.

– Pháp Cú kinh (Dhammapada)

Pháp Cú kinh gồm 423 bài kệ được sắp xếp trong hai mươi sáu phẩm.

– Cảm Hứng Ngữ (Udāna)

Do cảm hứng nói lên, gồm các kệ ngôn và giai thoại, có bảy phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm mười bài kinh. Có những Cảm Hứng Ngữ do chính Đức Thế Tôn tự khái mà nói lên, nói về lý tưởng sống Thánh hạnh và hạnh phúc Niết Bàn. Cách nói chuyện trong Udana hết sức trong sáng, giản dị.

– Như Thị Thuyết (Itivuttaka)

Như thị thuyết có nghĩa là “Đức Phật đã nói như thế”. Phần này gồm có hai thể loại văn xuôi và văn kệ. Vấn đề nội dung được nêu ra bằng văn xuôi rồi sau đó được thu gọn trong một bài kệ kết luận. Đó là những lời thuyết giáo trực tiếp của Đức Phật cho một đệ tử của mình. Itivuttaka có bốn phân mục (nipāta), mỗi phân mục chia thành nhiều tiểu phẩm. Có tất cả 120 bài. Ngôn phong của Như Thị Thuyết rất sáng sủa, một phần cũng nhờ cách nói ẩn dụ của đức Phật. Các vấn đề giáo lý được minh họa rõ ràng.

– Kinh tập (Suttanipāta)

Đây là thể loại tường thuật và đối thoại gồm năm phẩm lớn. Trong bốn phẩm đầu gồm 54 bài trường thi được đánh giá là loại hình thi ca trữ tình của Pāli.. Phẩm cuối cùng chỉ một bài kinh Đáo Bỉ Ngạn (Parāyanāsutta) là một bài trường thi gồm mười sáu phân đoạn. Nội dung Kinh Tập đánh đổ toàn bộ những nghi thức tôn giáo vô lối, niềm tin mù quáng về sự tồn tại của thượng đế ảo tưởng và đồng thời nêu bật tinh thần tự giác, tự lực của mỗi người. Ai cũng có thể chứng ngộ Niết Bàn bằng con đường liễu tri Tam tướng và chứng ngộ Tứ đế thông qua công phu tu học Bát Thánh Đạo.

– Thiên Cung Sự (Vimānavatthu)

Nhan đề Pāli này nghĩa đen là “chuyện kể về tiên giới”. Đây là một tập thơ dài kể về các phúc lạc ở thiên giới, nơi được xem là chốn về của những người đã từng tu tạo công đức.

– Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu)

Đây là một tác phẩm thi ca Pāli. Nội dung kể về khổ quỷ do tạo nhiều ác nghiệp trong tiền kiếp. Loại này chỉ có thể giải thoát được bằng phước báu hồi hướng.

– Trương Lão Tăng Kệ (Theragāthā) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā)

Đây là những câu chuyện tự thuật hoặc cảm hoài về kỷ niệm cuộc đời hoặc kinh nghiệm tu chứng của thánh Tăng và thánh Ni. Trưởng Lão Tăng Kệ gồm 107 bài kệ với 1279 câu kệ. Trưởng Lão Ni Kệ gồm có 73 bài với 522 câu kệ.

Phong cách ngôn ngữ dùng hình ảnh ẩn dụ, lối nói ví von, gợi hình. Về cú pháp thi ca thì phải nói rằng đây là những tác phẩm thi ca trữ tình có giá trị đứng vào bậc nhất trong vòng văn chương Ấn Độ cổ đại nói chung. Ta có thể cảm nhận được ở đây một dòng thi pháp độc đáo và vô cùng thơ mộng.

– Bổn Sanh Kinh (Jātaka)

Jātaka có nội dung kể về những câu chuyện tiền kiếp của đức Phật khi Ngài còn là một vị Bồ Tát. Jātaka gồm có 547 câu chuyện, chia thành năm phần chính:

+ Paccuppannavatthu: Tức duyên sự hiện tại. Ở đây chính là sự kiện gợi ý để Đức Phật dựa vào đó mà nhắc tích xưa.

+ Atīavatthu: Câu chuyện quá khứ có liên quan đến sự kiện hiện tại.

+ Gāthā: Phần kệ ngôn thường nằm ở cuối mỗi câu chuyện quá khứ do một nhân vật nào đó trong câu chuyện phát biểu.

+ Veyyākarana: Phần giải thích từ vựng hoặc văn phạm cho những chỗ cần thiết ở các phần trên.

+ Samodhāna: Phần nhận diện bổn sanh, tức là ở cuối mỗi câu chuyện Đức Phật thường xác định từng nhân vật trong câu chuyện tiền thân là người nào trong thời hiện tại, lúc Ngài đang kể chuyện.

Bổn Sanh Kinh không những có giá trị như một sứ điệp của Phật giáo, mà bản thân tác phẩm còn trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng vào dòng văn học thế giới. Trong kho tàng cổ tích của nhiều quốc gia đã có ít nhiều vay mượn và đã trở nên phong phú từ những chất liệu được mô phỏng từ Bổn Sanh Kinh.

– Xiển Minh (Niddesa)

Niddesa gồm hai phần chính là Mahāniddesa (Đại Xiển Minh) và Cullaniddesa (Tiểu Xiển Minh). Nội dung là những giải thích về 33 bài kinh của hai phẩm cuối cùng trong Kinh Tập. Tác giả được coi là ngài Xá Lợi Phất, vị đệ nhất Thanh Văn của đức Phật. Đại Xiển Minh chú thích về Atthavagga, Tiểu Xiển Minh chú thích về hai bài kinh Khaggavisānasutta và Pārāyanasutta.

– Bổn Sự Kinh (Apadāna)

Apadāna kể về những công đức quá khứ của chư vị Thánh Thanh Văn thời đức Phật. Đây là một tập tự truyện kể về tiền thân của 500 vị Thánh Tăng và 40 vị Thánh Ni.

– Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidāmagga)

Là phương pháp phân tích. Có ba phẩm lớn là Đại Phẩm (Mahāvagga), Song Tu Phẩm (Yunanaddhavagga) và Tu Tuệ Phẩm (Pannāvagga). Nội dung của Vô Ngại Giải Đạo gần như chỉ thuần các vấn đề của tạng Thắng Pháp dưới dạng câu vấn đáp.

– Phật Tông (Buddhavamsa)

Đây là thi kệ về 24 vị Phật thọ ký các kiếp tiền thân của đức Phật Thích Ca.

– Hạnh Tạng (Cariyapitaka)

Nội dung bao gồm 35 câu chuyện tiền thân kể về các kiếp tu tạo pháp độ của Bồ Tát và hoàn toàn thuộc thể văn kệ được rút ra từ Bổn Sanh Kinh.

2.2.3. Luận tạng (Abhidhammapitaka – Tạng Thắng Pháp)

So với Kinh Tạng, Tạng Thắng Pháp là một công trình rất mới mẻ. Phần lớn nội dung được viết trong thể vấn đáp. Tạng Thắng Pháp gồm có bảy bộ.

Bộ Pháp Tụ (Dhammasagin): Nội dung giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của Tạng Diệu Pháp. Đặc biệt bộ này còn có giá trị của một cẩm nang về đạo đức tâm lý học. Chính nhờ nội dung này mà trong nhiều thế kỷ, bộ Pháp Tụ là một giáo khoa thư rất phổ biến của Phật giáo Tích Lan.

Bộ Phân Tích (Vibhanga): Trong bộ này ngoài những vấn đề bổ sung cho bộ Pháp Tụ, còn có thêm những giáo lý chuyên biệt. Bộ Phân Tích gồm ba phần: Phần một bàn về giáo lý căn bản của Phật giáo, phần hai bàn về các cấp độ trí tuệ và phần ba bàn về những trở ngại của trí tuệ giác ngộ.

Bộ Nguyên Chất Ngữ (Dhātukathā): Bộ này gồm mười bốn chương bàn về năm Uẩn, mười hai Xứ, mười tám Giới, bốn Đế, bốn Thiền, năm Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh

Bộ Nhân Chế  Định (Puggalapananatti): Bộ này có nội dung là phân loại các hạng người. Hình thức trình bày rất giống Kinh Tạng, đặc biệt là phép ẩn dụ rất độc đáo.

Bộ Ngữ Tông hay Luận Sự (Kathāvatthu): Tương truyền rằng tác giả của bộ này là ngài Mục Liên Đế Tu (Moggaliputta Tissa), người chủ trì cuộc kết tập Tam Tạng thứ ba. Có thể nói đây là một tác phẩm kinh điển Pāli duy nhất mà tên tuổi tác giả được xác định rõ ràng. Kathāvatthu gồm có 23 phần. Tất cả các câu hỏi đều được nêu lên từ một lập trường đối chọi với Phật giáo và do vậy, dĩ nhiên các câu trả lời luôn được xử lý từ góc độ giáo lý truyền thống. Ngoài giá trị về giáo lý Phật học, bản thân bộ Ngữ Tông còn là sử liệu quan trọng của Phật giáo.

Bộ Song Đối (Yamaka): Yamaka bao gồm những câu vấn đáp có lý luận hai chiều và nội dung giải quyết những vấn đề rắc rối còn tồn đọng ở những bộ trước.

Bộ Đại Xứ (Patthāṇā): Nội dung của bộ này tập trung vào giáo lý duyên hệ, nguyên tắc tồn tại của vạn pháp thông qua các mối tương quan mà ở đây chính là hai mươi bốn duyên hệ. Ở đây phần giải thích chỉ nằm trong khuôn khổ của một thư tịch, nên để thẩm thấu được cái độc đáo tuyệt vời của hệ thống giáo nghĩa này cần phải có một công phu nghiên cứu chuyên biệt.

2.3. Văn học hậu Kinh Tạng Pāli

Văn học Pāli hậu Kinh Tạng gồm nhiều tác phẩm chia thành các thể loại như sau:

2.3.1. Tạp tạng (các tập sớ cổ)

Các tập sớ cổ được biên soạn vào thời kỳ chư vị A-xà-lê hoàn chỉnh hóa dòng kinh điển Tam Tạng thành văn. Điển hình là các ngài Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapāla. Giai đoạn ra đời các tập sớ cổ từ đó có thể xác định là vào khoảng những năm đầu Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư sau đó.

Tạp Tạng hay Tục Tạng có thể phân loại như sau:

– Các tác phẩm mang tính kinh viện

– Các tập sớ giải danh tiếng

– Các tài liệu sử học

– Các tập trích yếu nội dung Tam Tạng

– Các tác phẩm thi ca Pāli

– Các sách văn phạm Pāli

– Các sách về ngữ âm học và tu từ học Pāli

– Từ vựng học Pāli

* Các tác phẩm mang tính kinh viện: Ở đây có thể kể (theo niên đại đã nêu) ba tác phẩm được ra đời vào thời điểm này:

– Nettipakarana: Tác phẩm của ngài Kaccāna, giải thích rộng những lời dạy ngắn gọn của bậc Đạo Sư.

– Petakosadesa: Bộ này cũng được cho là của ngài Mahākaccāna. Nội dung giải thích sâu sắc về vấn đề giáo lý cơ bản nhất, mà đại biểu là lý Tứ Đế.

– Milindapanhā (Những nạn vấn của vua Milanda)

Milanda là tên của vua Hy Lạp Menandros, một nhân vật nổi tiếng của triều đại Hy Lạp tại Ấn Độ. Ông mang trong mình cả hai dòng máu chiến sĩ và học giả. Ông đã từng có một cuộc đối thoại gay cấn với Trưởng lão Nāgasena của Phật giáo. Chính những câu vấn đáp của hai người đã được ghi chép thành nội dung bộ sách.

2.3.2. Các tập Chánh Sớ (Atthakathā)

Đây là chú giải Phật ngôn. Lừng danh nhất có lẽ là ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapāla.

* Ngài Buddhadatta với các tác phẩm:

– Abhidhammāvatāra: Chú giải các vấn đề Luận Tạng.

– Vināyavinicchaya: Chú giải về Luật Tạng.

– Uttaravinicchaya: Chú giải về Luật Tạng.

– Rūpārūpā-vibhāga: Chú giải một số vấn đề về Luận Tạng.

– Madhuratthavilāsinī: Chú giải tập Phật sử (Budhavaṃsa), Tiểu Bộ.

* Ngài Budhaghosa: Là tác giả của hầu hết các tác phẩm chú giải về Tam Tạng Pāli. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài chính là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà nội dung là xoay quanh ba pháp Vô Lậu Học. Bộ Thanh Tịnh Đạo còn giải quyết một cách khái quát khía canh triết học của Phật giáo dựa trên những tinh hoa được chắt lọc từ Tam Tạng cùng các tập sớ cổ.

* Ngài Dhammapāla có những tác phẩm:

– Paramatthamanjusāmahatīka: Chú thích bộ Thanh Tịnh Đạo.

– Nettipakaraṇassa atthasamvannanā, Līnatthavaṇṇana (phụ chú về các sớ giải Luận Tạng).

– Sīnatthapakāsinī chú thích các tập Chánh Sớ của bốn bộ Nikaya đầu.

– Chú giải Bổn Sanh Kinh

– Chú giải của tập Chánh Sớ Madhuratthavilāsinī (Sớ Phật Tông)

2.3.3. Các sử liệu Pāli

– Dīpavamsa: là bộ sử liệu xưa nhất bằng chữ Pāli. Sách ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ 4-5 Tây lịch, và được viết trong thể văn kệ với vài chỗ bằng thể văn xuôi. Nội dung nói về lịch sử Phật giáo Tích Lan qua các triều đại.

– Mahāvamsa: đây là tác phẩm của tác giả Mahānāma, một người có lẽ ra đời dưới triều vua Dhātusena, nhằm vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch. Theo một số học giả Ấn Độ thì Mahāvamsa như là phần bổ túc và chú giải cho Dīpavamsa. Bộ Mahāvamsa đã kể lại khá rõ từng chi tiết về sự kiện ngài Mahinda sang truyền đạo ở Tích Lan xong rồi mới nhắc đến những sự kiện xảy ra dưới triều vua Mahāsena.

– Culavamsa: Một tập sử ký có nội dung bổ túc cho bộ Mahāvamsa. Đây là một công trình được thực hiện bởi nhiều người qua nhiều giai đoạn không liên tục. Tác giả là Trưởng lão Dhammakitti.

– Buddhaghosuppatti: Nội dung chủ yếu là bộ tự truyện của ngài Buddhaghosa. Tác giả là ngài Mahāmangala.

– Saddhammasangaha: Đây là tác phẩm của ngài Dhammakitti có nội dung kể lại lịch sử Phật giáo bằng nhắc lại các kỳ kết tập Tam Tạng cùng các dữ kiện lịch sử khác từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ XIV. Sách được viết trong cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ và được thực hiện vào cuối thế kỷ XIV.

2.4. Kinh tạng Pāli và Phật giáo nguyên thủy

Kinh tạng Pāli và Tam bảo: Theo Kinh tạng Pāli thì Phật bảo là lời dạy của đức Phật. Pháp bảo là cốt tủy, là nền tảng là tất yếu của Pháp. Tăng bảo là cẩm nang tu học của Tăng đoàn. Như vậy, để Tam bảo cửu trụ ở thế gian thì phải giưc gìn và truyền thừa Kinh tạng Pāli.

Kinh tạng Pāli và Tứ chúng: Nếu chúng xuất gia có nhiệm vụ là học, hành và truyền bá giáo pháp mà cụ thể là Kinh tạng Pāli thì chúng tại gia lại có trách nhiệm là học, hành và hộ trì giáo pháp tức Kinh tạng Pāli. Đối với Tứ chúng thì việc: Học, hành, truyền bá đúng và chân chính, đúng nghĩa về kinh điển Pāli là nhiệm vụ hàng đầu.

Kinh tạng Pāli và Tam pháp: Tam pháp ở gồm: Pháp học (pariyattisāsana) đó là tam tạng pāḷi và chú giải pāḷi đã có từ thời kỳ đức Phật, pháp hành (paṭipattisāsana) nó có nhiều pháp, trong đó có ba pháp hành chính là: Pháp hành giới, pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Pháp thành (paṭivedhasāsana) đức Phật tuyên thuyết Kinh tạng Pāli. Sự liên quan giữa pháp học, pháp hành và pháp thành Phật giáo là sự liên quan theo nhân với quả với nhau. Cho nên, khi pháp này phát triển, thì pháp kia cũng phát triển, trái lại khi pháp này suy thoái, khiến cho pháp kia cũng suy thoái. Để hiểu đúng đắn, chính thống và chân chính thì phải học từ Kinh tạng Pāli vì vậy cần duy trì và bảo tồn Kinh tạng Pāli.

Kinh tạng Pāli và Tam vô lậu học: Giới (Vinaya) là những nội dung, quy tắc của Tăng đoàn. Định (Sutta) là những pháp để định tâm, tịnh tâm. Huệ (Abhidhama) là những lời giải thích rộng trên phương diện nghiên cứu và học thuật. Như vậy muốn truyền đạo thì phải giữ gìn và bảo tồn Kinh tạng Pāli.

C. KẾT LUẬN

Qua bài viết, người đọc sẽ bắt gặp một vài thông tin về từ nguyên, nguồn gốc, quê hương và vai trò, ảnh hưởng ngôn ngữ Pāli. Đồng thời sẽ có cái nhìn khái quát về tầm quan trọng của ngôn ngữ Pāli đối với Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy khi nó là ngôn ngữ duy nhất của hệ thống Kinh tạng này, lại có khả năng giữ nguyên lời dạy cổ xưa của đức Phật và ảnh hưởng của Phật giáo Sri Lanka…

Ngôn ngữ Pāli là ngôn ngữ lưu giữ kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy. Mặc dù cho đến nay, nguồn gốc hay quê hương của ngôn ngữ Pāli vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi, tuy vậy truyền thống Phật giáo Theravada vẫn có niềm tin vững chắc rằng quê hương của ngôn ngữ này là xứ Magadha. Nhờ có loại ngôn ngữ này mà những lời Phật dạy được bảo lưu đến này hôm nay gần như nguyên vẹn. Ngày nay các văn bản văn học Pāli đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được giảng dạy tại nhiều quốc gia mà nhất là các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng Tọa Bộ. Giá trị nội dung của nguồn văn học này là rất lớn mà đến nay vẫn chưa được khai thác hết.

Để hệ thống Kinh tạng Pāli hoàn chỉnh như ngày hôm nay là sự nổ lực rất lớn của tập thể Tăng già qua nhiều thế hệ. Đến nay, nguồn văn bản này tạo rất nhiều cảm hứng cho các giới nghiên cứu khắp nơi trên thế giới về mọi lĩnh vực của đời sống từ lịch sử, văn hóa, xã hội, triết học…Văn học Kinh tạng đã mang lại cho loài người nhiều di sản văn hóa vô giá mà giá trị của nó sẽ là mãi mãi theo thời gian.

Bởi đức Phật vào cuộc đời mang tình thương đến muôn loại, nơi nào có khổ đau Ngài khiến cho an ổn, nơi nào an ổn Ngài sách tấn tu hành để cùng nhau đồng lên bờ giác. Ngài đem trí huệ để chỉ bày phương tiện khiến chúng sinh chuyển mê khai ngộ, chuyển khổ thành lạc, chuyển sinh tử thành Niết Bàn. Chính vì vậy mà đức Phật dạy, phương tiện đích cứu cánh. Trước hết cần hiểu, phương tiện là gì? Có nhiều nghĩa nhưng ở đây chỉ đề cập đến vấn đề trọng yếu, đó là phương pháp tiện lợi, tùy thuận thế gian hướng dẫn chúng sinh đến nơi an lạc. Đó chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đầu tiên là của đức Phật sau đó là chư Tổ kiết tập và biên lại bao đời nhưng mỗi lúc ngôn ngữ lại càng hoàn bị hơn, phù hợp hơn với đại đa số người tiếp nhận. Ngôn ngữ có khả năng chỉ dẫn phương pháp phá tan si mê, chấp trước, nghi lầm, hướng chúng sinh quay về với bản thể viên giác nhiệm mầu, vượt ra khỏi mọi khổ đau, đạt được an lạc, thanh tịnh, giải thoát nếu hành giả biết cách vận dụng những ưu điểm của nó. Cũng từ phương cách và ngôn ngữ kiết tập kinh điển từ kim khẩu của đức Phật qua ngôn ngữ Pāli. Xin cúi đầu đảnh lễ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, sáng tạo, xuất sắc của chư Phật, chư Tổ qua loại ngôn ngữ này. Đảnh lễ những giá trị mà ngôn ngữ này mang lại về cả giá trị lưu trữ, lĩnh vực tinh thần, phương pháp tu tập và cả lĩnh vực văn học Phật giáo để hàng hậu học về sau có kim chỉ nam trên lộ trình tu học không bị lạc đường, sai hướng bồ đề tâm thuở ban sơ.

Tác giả: An Tường Nhân
Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế

***

Chú thích:
[1] Thích Tâm Minh, Khảo cứu về văn học Pāli, Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, 2006, tr. 12.
[2] Pāli, S iii, 113, Hán dịch tương đương Tạp A-hàm 2, Đại 2, tr. 8b.
[3] Vinayapitaka Cullavagga, Tạng luật, Tiểu phẩm, V, 33, Tỳ-kheo Indacanda dịch Việt.
[4] Vinayapitaka Cullavagga, Tạng luật, Tiểu phẩm, V, 33, Tỳ-kheo Indacanda dịch Việt.
[5] Vinayapitaka Cullavagga, Tạng luật, Tiểu phẩm, V, 33, Tỳ-khưu Indacanda dịch Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A. K. Warder, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Thiện Chánh (dịch), Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2021.
2. David J. Kalupahana, Lịch sử triết học Phật giáo tương tực và gián đoạn, Huyền Tâm (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2021
3. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1995.
4. Thích Tâm Minh, Khảo Cứu Về Văn Học Pāli, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2006.
5. Thích Đồng Thành, Tài liệu giảng dạy bộ môn Sự hình thành và phát triển kinh điển Phật giáo, Lưu hành nội bộ, 2022.
6. Pháp sư Ấn Thuận, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Thích Nhuận Thịnh (dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2020.
7. Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2006.
8. Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, Thích Nữ trí Hải (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2000.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường