Trang chủ Chuyên đề Tư tưởng truyền thừa của Thiền sư Huyền Quang

Tư tưởng truyền thừa của Thiền sư Huyền Quang

Thiền sư Huyền Quang đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Những vấn đề mà Ngài đã thấu triệt về thị phi ở thế gian, những bon chen lợi ích tất cả cũng chỉ là ảo, vô thường.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thiền sư Huyền Quang đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Những vấn đề mà Ngài đã thấu triệt về thị phi ở thế gian, những bon chen lợi ích tất cả cũng chỉ là ảo, vô thường.

TS. Lê Thị Thu Dung
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2022

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tu tuong truyen thua cua thien su Huyen Quang 1

1. Đôi nét về Tam tổ Trúc Lâm

Trần Nhân Tông (1258-1308) trên tư cách bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi nhường ngôi thì lên núi Yên Tử, tu tại chùa Hoa Yên từ năm 1299.Theo các nhà nghiên cứu, vua Trần Nhân Tông vốn được sư Huệ Tuệ trao truyền giới pháp. Huệ Tuệ là tổ thứ 5 của sơn môn Yên Tử, một dòng Thiền có tư tưởng bản địa, có ảnh hưởng của dòng Lâm Tế Trung Hoa, có những vị Thiền sư nổi tiếng như vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Vua Trần Nhân Tông đã đưa sơn môn Yên Tử thành trung tâm Phật giáo, khai mở một dòng Thiền mới “thuần Việt” và trở thành người lãnh đạo “Giáo hội” đầu tiên của Việt Nam.

Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa cũng là người am hiểu Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. xuất gia năm 21 tuổi, là người được ngài Trần Nhân Tông chọn để lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm Yên Tử từ khi Ngài còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi (năm 1308). Sau khi được giao phó trọng trách đứng đầu giáo hội, Ngài đã có những cải cách về mặt tổ chức đáng kể, với nhiều hoạt động phật sự sôi nổi. Trong thời gian Ngài lãnh đạo, số lượng tăng sĩ và phật tử tại gia, chùa tháp được tăng lên rất nhiều, phong trào tu học được đẩy mạnh và phổ biến trong các thành phần xã hội, đặc biệt là ấn hành được Ðại tạng kinh. Ngoài ra, ngài Pháp Loa còn là một tác gia lớn, người đã viết, biên soạn và biên tập khoảng 10 tác phẩm. Ðáng tiếc là nhiều tác phẩm của Ngài đã thất lạc.

Người cuối cùng trong số ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Ðạo Tái, 1254-1334), hơn Pháp Loa tròn ba mươi tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn, là một trong những người kế tục ngắn ngủi của ngài Pháp Loa, thường được gọi là đệ tam Tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, tên đời là Lý Ðạo Tái, người tỉnh Bắc Ninh, từng thi đỗ và làm quan. Năm 51 tuổi xuất gia, từng học Thiền với ngài Trần Nhân Tông, và phụ giúp Ngài soạn một số sách, sau khi ngài Trần Nhân Tông mất thì theo ngài Pháp Loa. Nếu ngài Pháp Loa thường được nhắc đến với những tài năng về mặt lãnh đạo và xây dựng giáo hội, thì ngài Huyền Quang được biết đến là một tác gia văn học lớn của Phật giáo và nền văn học của dân tộc đời Trần.

Sự kiện ra đời dòng thiền này có ý nghĩa rất lớn, nó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng đất nước Đại Việt độc lập tự chủ, không chỉ được xác định trên cương thổ biên giới mà còn độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo.

Với sự hiện diện của ba vị sư tổ Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang và khoảng hơn ba mươi năm hưng thịnh, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt. Tư tưởng Phật giáo được Thiền sư Huyền Quang hoằng dương một cách mềm mại, uyển chuyển phù hợp với giai đoạn lịch sử, giúp cho các bậc tu học, cư sĩ, phật tử và nhân dân dễ tiếp cận, thấu hiểu và hành trì đem lại sự thanh tịnh, giải thoát trong tâm trí.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tu tuong truyen thua cua thien su Huyen Quang 2

2. Giá trị tư tưởng của thiền sư Huyền Quang về nhân sinh quan Phật giáo

Nhân sinh quan Phật giáo là hệ thống quan điểm, quan niệm của đạo Phật về nguồn gốc, bản chất và cấu tạo con người, định hướng mục tiêu, thái độ sống và giá trị của con người nhằm hướng đến giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân. Nội dung cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo tập trung vào 2 vấn đề chính cơ bản nhất là sự khổ não và sự giải thoát khỏi nỗi khổ. Khổ là sự tất yếu, sự luân hồi, muốn thoát khỏi khổ đau thì con người phải tu tâm dưỡng tính, tích công đức để tự mình thoát khỏi vòng luân hồi, nghiệp chướng. Tất cả đều tựu chung ở sự giác ngộ, có tìm được sự giác ngộ thì mới có thể giải thoát. Điều này được Thiền sư lý giải trong các tác phẩm thi ca của mình.

2.1. Tư tưởng nhập thế, hoằng dương Phật giáo của Thiền sư Huyền Quang

Tư tưởng của Trúc Lâm là hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời, mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng “nhập thế”. Do vậy, thực tại cuộc sống là một yếu tố cấu thành giáo pháp, dẫn đến việc hoằng dương Phật pháp trước tiên phải tôn trọng thực tế cuộc sống với đặc điểm dân tộc, làm cho dân tộc trường tồn.Về phương diện lịch sử tư tưởng, Thiền phái Trúc Lâm có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển tư tưởng dân tộc Việt. Trên nền tảng tư tưởng của những Thiền phái Phật giáo đã có từ trước như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, có tiếp thu các Thiền phái Trung Hoa, đặc biệt là Lâm Tế (với biện pháp hành thiền quyết liệt), Thiền phái Trúc Lâm đã tổng hoà những tư tưởng đó, nâng cao về phương diện bác học, đưa Thiền học vào cuộc sống bằng cách coi trọng yếu tố thực tiễn Việt Nam.

Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt, sự ra đời Thiền phái đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Nhưng đồng thời cũng có thể tu chứng trên cơ sở nền tảng giáo giáo Pháp của Phật.

Do Thiền học Việt Nam gắn chặt với triều đình nhà Trần nên một khi triều đại này sụp đổ thì hệ phái này cũng phải tiềm ẩn sự suy tàn. Với sự thay đổi của lịch sử cũng là nguyên nhân khiến các bậc tăng sĩ có tài đức phải ẩn cư nơi núi rừng hoặc thôn dã khiến cho Thiền học Việt Nam chìm lặng một thời gian dài.

Cúc hoa kỳ 5
Hoa tại trung đình nhân tại lâu,
Phần hương độc toạ tự vong ưu.
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh,
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.

Dịch nghĩa

Hoa ở dưới sân, người trên lầu,
Một mình thắp hương ngồi tự nhiên
quên hết phiền muộn.
Người với hoa hồn nhiên không tranh cạnh,
Trong các loài hoa thì cúc trội hơn một bậc.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988

Với đặc điểm lịch sử nên thời kỳ của Thiền sư, Thiền phái Trúc Lâm không phát triển do chịu tác động rất lớn của các yếu tố chính trị, xã hội. Điều đó được thể hiện trong các bài thơ của Thiền sư Huyền Quang. Sự trường tồn của Phật giáo được Thiền sư đưa vào hình ảnh của hoa cúc. Hoa cúc vàng là một trong 4 mảnh ghép quan trọng trong bộ tranh Tứ quý (mai – trúc – cúc – tùng) tương ứng với 4 mùa (xuân – hạ – thu – đông), là biểu tượng cho người quân tử, của sự trường tồn. Với đặc điểm “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” tức lá không rời cành và hoa không rụng xuống đất, hoa cúc vàng biểu tượng cho sự kiên trung, bất khuất của người quân tử trước khó khăn cuộc đời. Thiền sư và hoa ở hai nơi khác nhau, “Hoa tại trung đình nhân tại lâu. Dịch: Hoa ở dưới sân, người trên lầu”, đọc câu thơ như thể người và hoa chẳng liên quan đến nhau. Thiền sư đã vào rừng để ẩn cư tu thiền, không màng đến thế sự. Nhưng chính từ sự giác ngộ, buông bỏ, thanh tao đã đưa hoa và người hòa làm một. Đức Phật luôn giáo huấn: “Người lãnh đạo quốc gia phải là người biết đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình, không được lợi dụng địa vị, quyền lực của mình để lo cho mọi sự hưởng thụ”. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm và trong bộ chú giải Jàtaka I (Chuyện tiền thân), có ghi mười tiêu chuẩn xây dựng đạo đức của người đứng đầu đất nước. Đó là quan điểm trị nước bằng đức trị của đức Phật [1].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tu tuong truyen thua cua thien su Huyen Quang 3

Giáo pháp của đức Phật có thể giúp cho thân tâm của họ được thanh thản, được giải thoát khỏi tham – sân – si. Những triết lý của đạo Phật có thể giúp cho họ có những định hướng đúng đắn trong tư tưởng, đó là lấy việc hành thiện, tu nhân làm tôn chỉ trong hành động và suy nghĩ hàng ngày. Nhà nghiên cứu Phật giáo giáo sư Nguyễn Duy Hinh nhận xét: “Không có phái Trúc Lâm thì không có Phật giáo Việt Nam” [2]. Thiền phái Trúc Lâm hiện vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc đến các thiền môn, vì đã giải quyết hài hòa hai vấn đề tôn giáo và xã hội hay nói cách khác, đó là Đạo và Đời. Ngài Huyền Quang đệ tam tổ Trúc Lâm đã mở ra một bước ngoặt cho lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thời Trần nói riêng. Trong 2 năm tu tập cùng với Ngài Pháp, thiền sư Huyền Quang đã soạn nhiều bộ kinh sách để lưu hành trong sơn môn, đó là các bộ kinh: Chư phẩm kinh: Tuyển tập những bài kinh thiết yếu và thực dụng để thuyết pháp cho đệ tử nghe, học và theo. Công văn tập: Tuyển tập những bài văn sớ, điệp, trạng dùng trong các khoa lễ của Phật giáo. Thích khoa giáo: Tập sách giáo khoa nói về nguồn gốc và lịch sử đạo Phật và các môn phái đạo Phật ở Việt Nam. Việc hiệu đính và cho khắc ván in kinh của thiền sư Huyền Quang vô cùng quan trọng, không chỉ với việc phát triển, phổ cập thiền phái Trúc Lâm tới quảng đại quần chúng nhân dân lúc bấy giờ mà vẫn còn có tác dụng hữu ích cho đến tận ngày nay và mai sau. Trong cuốn “Tổ Gia Thực Lục” chép rằng, Đức Phật Hoàng đệ nhất tổ Trần Nhân Tông rất hài lòng với công việc hiệu đính, sáng tác kinh sách của thiền sư Huyền Quang. Khi đọc xong bản thảo “Thích khoa giáo”, đức Phật Hoàng đã ngự bút phê và nhận xét về sư Huyền Quang như sau: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo thì không thể thêm hay bớt chữ nào được nữa“ [3].

Phật giáo vốn không chủ trương về chính trị, chủ trương chủ đạo của Phật giáo là hướng đến giải thoát cho kiếp nhân sinh, hướng đến đến sự bình an và hạnh phúc của chúng sinh. Vì thế trong bối cảnh xã hội có nhiều biến cố lịch sử Thiền sư quán tưởng vạn vật trong vũ trụ đều phải tuân theo quy luật của tự nhiên đó là “Thành – Trụ – Hoại – Diệt”, như lời đức Phật đã dạy “Ai đối với sắc (thọ, tưởng, hành, thức) mà yêu thích, thì đối với khổ cũng yêu thích”. Một khi sống trong khổ đau mà cảm thấy yêu thích thì còn mong gì sự giải thoát? Thái độ vui thích trong khổ đau đó gọi là vô minh: “Vô minh là không biết, không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường, mà không biết như thật sắc là vô thường”. Ngược lại là trí hay minh. Chỉ có người trí mới mong giải thoát khỏi khổ đau: “Ai không yêu thích sắc (thọ, tưởng, hành, thức), thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát” (Kinh Tạp A Hàm). Dù lịch sử, thời cuộc có xoay vần thì chân lý giác ngộ Phật giáo vẫn mãi trường tồn như hoa cúc vậy, Thiền sư và hoa đã hòa làm một không khác, dân tộc Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm đã hòa làm một, tất cả đều có một mục đích là đem lại sự bình yên cho nhân dân, phật tử, chúng sinh trên đất nước.

Đó là lời khẳng định của Thiền sư, điều này được thể hiện rõ hơn ở bài thơ sau:

Cúc hoa
Vong thân vong thế dĩ đô vong
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Hoa cúc

Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương

(Thơ văn Lý Trần)

Hết mùa hoa cúc tàn rồi thu khác lại sang, rồi mùa cúc nữa tới “Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật. Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”. Thiền phái Trúc Lâm cũng vậy, sẽ trường tồn mãi mãi cùng thời gian, sẽ cùng người dân Việt vượt qua những thách thức của lịch sử và là niềm tự hào của dân tộc Việt. Đó là khí thế, khí chất của một Thiền sư tiếp nối sứ mệnh cao cả của Phật giáo Thiền Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

2.2. Tư tưởng kiến tính – minh tâm vì cuộc sống nhân sinh của Thiền sư Huyền Quang

Địa lô tức sự
Ổi dư cốt đốt độc phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả xuy thương hoà mộc đạc
Tòng lai nhân tiếu lão tăng mang
Lò sưởi tức cảnh
Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình
(Bản dịch của Nguyễn Lang)

Trong núi có khi ông ở am vắng với một tiểu đồng. Là tăng sĩ, nhưng Thiền sư cũng là nghệ sĩ. Người làm thơ, ngâm thơ, thổi sáo, tụng kinh, tham thiền, dạy chú tiểu học Phật. Ở đây, chúng ta học được gì từ Người…

“Ổi dư cốt đốt độc phần hương

Dịch: Củi hết lò còn vương khói nhẹ”

Cuộc sống con người ngày nay hiện đại rất nhiều, chúng ta được hưởng thành quả của khoa học công nghệ phục vụ cho cuộc sống, nhận thức cũng được mở mang. Khoa học cũng giúp con người, nhân loại vượt qua rất nhiều biến cố, thử thách của thiên nhiên, bệnh dịch… Khoa học cũng giúp con người nhìn được quá khứ, xây dựng được kế hoạch cho tương lai. Trong đại dịch Covid 19 đang diễn ra thì chúng ta mới thấm thía, mới thấy giá trị của sự tĩnh tại, khi sự sống và cái chết trở nên mong manh thì mỗi cá nhân trong cuộc sống mới thấy được ý nghĩa giải thoát, giác ngộ. Có chân lý của đức Phật chúng ta không hoang mang trên con đường sinh tử này, thấy: “củi hết” nhưng vẫn còn “vương khói nhẹ – độc phần hương”.

Tham – là một trong tam độc, là nguồn cơn dẫn chúng sinh vào luân hồi, sinh tử, vào khổ đau trầm luân. Ý thơ của Người giản dị mà sâu sắc, một lời nhắc nhở, răn dạy hậu thế cần biết mục đích sống của mình là gì, đang sống ở đâu và rồi sau khi chết ta sẽ đi về đâu. Nhưng trước hết hãy sống tựa như cây củi khô đã cháy hết kia vậy. Khi sống là thân cây xanh, khi chết làm củi ấm và khi tàn vẫn còn vương khói… Như đức Phật đã dạy:

54. “Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.”
(Trích Kinh Pháp Cú 04 – Phẩm Hoa)

Khói ở đây như Hương của người đức hạnh, phàm làm thân người phải “…thân sinh tử. Phải làm nhiều việc lành” (Kinh Pháp Cú – Phẩm Hoa).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Tu tuong truyen thua cua thien su Huyen Quang 4

Đây cũng chính là tư tưởng tu dưỡng đạo đức, minh tâm kiến tính của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tư tưởng này có nhiều ảnh hưởng trong đời sống xã hội thời bấy giờ và các thời đại về sau. Tư tưởng này dạy con người phải tu dưỡng đạo đức bản thân để trở thành người tốt cho xã hội và cho đất nước, làm việc thì tâm phải sáng và tâm có sáng thì mọi việc tốt đẹp đem lại sự tin tưởng của mọi người, lời khuyên của Trần Thái Tông trong Tọa thiền luận: “Phàm người học đạo chỉ cần kiến tính” và lời răn dạy của Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo Phú: “Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí”.

“Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương”, khi đã về già Thiền sư sống cùng một “sơn đồng”, Ngài chỉ dạy cho chú tiểu học kinh, thiền tập. Cuộc sống giản dị, sớm chiều gõ mõ, tụng kinh thổi sáo làm thơ. Ngài sống chậm, khoan thai nhưng ngài cũng hiểu rằng ngoài kia, sau cánh cửa thiền là bộn bề đua chen. Khi Ngài Pháp Loa tịch (năm 1330), Huyền Quang kế thừa làm Tổ thứ ba của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nhưng vì tuổi đã cao nên mọi việc thường giao cho Thiền sư An Tâm. Huyền Quang vừa là nhà sư đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng thời Trần. Các thi phẩm của Huyền Quang còn chép trong sách như Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục. Như Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc phú đã làm sáng rõ hơn quan niệm minh tâm kiến tính. Theo Ngài thì con người phải biết giữ gìn tính cho sáng, không lạc vào tà đạo; Phật ở trong lòng mỗi người khi minh tâm, tức Phật ở trong tâm:

“Gìn giữ tính sáng, mựa lạc tà đạo.
Sửa mình học, cho phải tính tông.
Chỉn Bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ(1)”

Tư tưởng kiến tính – minh tâm vì cuộc sống nhân sinh của Thiền sư Huyền Quang, khi suy ngẫm trong xã hội có nhiều biến động như ngày hôm nay chúng ta nhận ra rằng, dù lịch sử có xoay vần, nhận thức xã hội có thay đổi, vạn vật trong vũ trụ đều phải sinh – diệt thì cái tồn tại, bất biến vẫn là Tâm là cái bất sinh, bất diệt trong vạn pháp. Tâm này là tâm rỗng không, vắng lặng trong sáng, biến hóa, tâm không phải là không hình hài hay là tâm được nhào nặn vẽ lên cái con người có thể quan sát và hình dung. Chúng ta phải tu, vượt qua vướng mắc, khổ đau nhìn ra chân tướng sự vật, sự việc để rồi tự buông bỏ tìm sự giải thoát mới có thể tìm ra chân tâm của mình. Đó là cái cốt, là mục đích thực sự của sự sống, việc tìm ra bản thể rồi đem sự giác ngộ đó lan tỏa cho những người khác là đã góp phần đem hạnh phúc đến cho họ, là món quà vô giá là việc làm công đức vô lượng đến cho xã hội, cho nhân sinh. Như thể, hơi ấm của cây củi khi đã tắt còn sưởi ấm được một chút cho thế gian, hương đời, hương người sẽ để lại mãi cho hậu thế. Biết chế ngự Tham – Sân – Si chính là giải pháp để con người tìm ra lối thoát không chỉ cho bản thân mỗi cá nhân mà cho cả nhân loại. Đó là thông điệp mà Thiền sư Huyền Quang muốn gửi gắm đến những thế hệ tiếp sau. Bằng những gì đóng góp cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cho Phật pháp ngài đã nỗ lực thực hiện, những ý tưởng cao đẹp, suy nghĩ tích cực lạc quan với thời cuộc của Ngài là động lực cho những thế hệ sau tiếp nối, là bài học, là cách thức mà các bậc hậu học áp dụng sửa mình, tự tu, tự chứng trong thế giới đầy biến động.

3. Kết luận

Thiền sư Huyền Quang, Đệ Tam tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, dân gian coi Huyền Quang là ông tổ của khoa nghi Phật giáo thời Trần. Ông là một tác gia quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử

“…Muôn duyên chẳng vướng, xa trần tục,
Một mảy nào lo rộng nhãn quan.
Thấu hiểu thị phi đều thế cả,
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn”.
(Trích: Bài thơ Chùa Diên Hựu(2))

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã đáp ứng những vấn đề cốt yếu của Phật giáo là: Giáo lý Phật giáo, niềm tin Phật giáo và cộng đồng Phật giáo. Thiền sư Huyền Quang đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Những vấn đề mà Ngài đã thấu triệt về thị phi ở thế gian, những bon chen lợi ích tất cả cũng chỉ là ảo, vô thường. Nhìn lại mới thấy chốn quan trường hay thị trường hay cuộc sống thế gian với vô vàn hình tướng, nếu chúng ta để tâm tham chi phối thì bể khổ sẽ nhấn chìm, trầm luân trong luân hồi lục đạo không biết khi nào thoát ra được. Giữa Ma – Phật trong mỗi con người là ranh giới rất mong manh, hiểu về quy luật nhân quả, hiểu được lẽ vô thường sẽ giúp cho chúng ta biết lựa chọn con đường chính đạo, tránh xa tà đạo, ngoại ma. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tại thời điểm này chúng ta càng thấm thía những giá trị nhân văn cao đẹp mà Tam tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế.

TS. Lê Thị Thu Dung
Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Thượng tọa, TS.Thích Thanh Quyết, PGS, TS. Trịnh Khắc Mạnh (2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư, NXB Khoa học xã hội, trang 64 – 65
(2) Thượng tọa, TS.Thích Thanh Quyết, PGS, TS. Trịnh Khắc Mạnh (2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư, NXB Khoa học xã hội, trang 469 – 470

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Vũ Ngọc Định (2017), “Truyền thống nhập thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội”, Hội thảo Quốc tế Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.270-282].
[2]. Nguyễn Duy Hinh (1981) “Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của phái Trúc Lâm thời Trần”, in trong cuốn “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần”, Nxb Khoa học xã hội, tr.640.
[3]. Nguyễn Lang “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Văn học, Hà Nội 2000, tr.335.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường