Tác giả: Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM
Ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo nhanh chóng trở thành chỗ dựa tinh thần để người Việt chống lại sự xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Phật giáo dân gian là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo với phong tục, tập quán của người Việt. Người Việt đã gửi gắm vào đó những quan niệm, ước vọng và các giá trị văn hóa.
Quan niệm về đức Phật trong Phật giáo dân gian cũng có nét đặc thù so với Phật giáo nguyên thuỷ. Trong Phật giáo dân gian, các hiện tượng tự nhiên vốn có đã được người Việt “thánh hóa” từ trước đó như: thần mây, mưa, sấm, chớp, và được con người phật hóa trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tín ngưỡng Phật điện hình thành ở trung tâm Luy Lâu đã truyền đi các địa phương khác và trở thành một trong những chỗ dựa về mặt tâm linh của cộng đồng dân cư.
Trong lịch sử, Phật giáo Biên Hòa - Đồng Nai xuất hiện các ngôi chùa như: Chùa Long Thiền, tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa. Chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc thuộc tông Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, người miền Trung vào khai sáng. Chùa được xây theo lối kiến trúc hình chữ tam, mặt chính chùa hướng ra sông theo hướng Đông Bắc. Khoảng sân rộng của chùa có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Dưới gốc cổ thụ có tượng Phật Di Lặc tọa thiền. Bên tả là nhà Tăng, bên hữu là hòn giả sơn phổ đá, tượng Phật Quan Âm đứng uy nghi với nét mặt nhân từ, khoan dung, chan chứa từ bi. Khuôn viên chùa là khu vườn rộng, còn lưu lại những bảo tháp cổ, trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc, vị tổ khai sơn chùa, với tấm bia bằng đá xanh chạm trỗ tinh vi. Đây là ba ngôi chùa được cho là cổ nhất của đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Ngoài chùa Long Thiền, còn có chùa Đại Giác tọa lạc tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, còn có tên gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Tượng. Chùa được xây dựng vào năm 1665, là di tích văn hóa tiêu biểu của vùng đất Biên Hòa. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo, được người Việt khởi dựng sớm ở Đồng Nai, là chứng tích cho bước đường Nam tiến ở nửa đầu thế kỷ XVII của 3 nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở Đàng Trong. Chùa có diện tích 3000 m2 với 3 dãy nhà ngang nối liền nhau. Ngoài giá trị này, ở chùa Đại Giác còn có các tượng Phật, hoành phi, liễn đối, phù điêu… mang nhiều đề tài phong phú, được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Tất cả đã thể hiện tài năng chạm khắc của những nghệ nhân xưa với nền mỹ thuật truyền thống vùng Đông Nam bộ[1]. Hiện nay ba ngôi già lam này được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đặc biệt hơn, tại Đồng Nai còn có Tổ đình Quốc Ân Kim Cang, được dựng vào năm 1698 (năm Chánh Hòa thứ 19 - đời Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu). Cũng từ đây, Phật giáo lan tỏa đến các vùng lân cận như: Bình Dương với chùa Hội Khánh (1741), Sắc tứ Thiên Ân (1773); Gia Định với chùa Phước Tường (1741), Giác Lâm (1744)... Một trong những yếu tố góp phần to lớn cho công cuộc phát triển Phật giáo còn là sự hiện diện của các nhà sư người Việt và người Hoa. Cùng với sơ tổ Bổn Kiểu, còn có các Thiền sư đạo cao, đức trọng như: Nguyên Thiều (1648-1728), Thành Nhạc - Ẩn Sơn (?), Minh Vật - Nhứt Tri (?-1786), Thành Đẳng - Nguyệt Ân (1686-1769), Phật Ý - Linh Nhạc (1725-1821) ;Viên Quang (?-1828), Tiên Giác - Hải Tịnh (1788-1875), Thiệt Thành - Liễu Đạt (1759-1823), Thành Chí - Pháp Thông...đã có công trong cuộc tạo dựng các ngôi chùa Phật giáo ở đất Gia Định.
Nét tương đồng của các chùa cổ Long Thiền (năm 1664), Đại Giác (năm 1665), Quốc Ân Kim Cang (1670), Bửu Phong (năm 1679), Hoàng Ân (1728), chùa Ông (năm 1684) tại Biên Hòa Đồng Nai đều mang phong cách kiến trúc chùa Việt, có pha trộn với đình thờ Trời (Ngọc Hoàng) bao gồm nhiều nhà ngang thấp được sắp xếp theo chữ Tam hoặc chữ Nhật có nhiều gian (phòng), mái ngói cong, được chạm trổ hình vật tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng) rất công phu tạo nên sự uy nghi và linh thiêng. Không gian kiến trúc mở, thoáng, nhiều cây cổ thụ được trồng xen kẽ tôn lên vẻ đẹp chùa cổ kính. Kiến trúc các chùa được thiết kế hài hòa với không gian, cảnh quan thiên nhiên nằm ở các vị trí đắc địa như gần ngã ba sông, trên đồi, trên gò đất cao với nhiều cây cổ thụ xanh tạo bóng mát và không gian yên tĩnh trầm mặc, biểu hiện của chốn tu thiền. Cho dù trải qua nhiều biến cố lịch sử và được tu sửa tôn tạo nhiều lần nhưng các chùa cổ vẫn giữ được các nét đẹp của kiến trúc cổ xưa.
Nhìn chung, các chùa cổ ở Đồng Nai đều thể hiện Phật giáo truyền thống rõ nét, dù bên cạnh đó luôn song hành và kết hợp cùng Phật giáo dân gian, hòa trộn giữa tín ngưỡng tam giáo lẫn tín ngưỡng bản địa một cách tinh tế, uyển chuyển trong cách bài trí. Điều đó minh chứng, trong quá trình phát triển, bên cạnh dòng Phật giáo chính thống, Phật giáo đã dần hình thành một hình thức Phật giáo dân gian với tinh thần nhập thế tích cực. Cả hai hình thức này cùng song hành và thống nhất với nhau trong cùng tôn chỉ, mục đích: từ bi và giải thoát. Từ đây, Phật giáo đã dung hòa tích hợp với các tôn giáo, tín ngưỡng khác để làm phương tiện chuyển hóa đạo pháp đến với tín đồ. Dù hình thức nào đi chăng nữa sự tiếp biến lẫn dung hợp với cách biểu trưng thờ tự của Phật giáo chính thống, không gian chính điện hầu như không thấy xuất hiện của sự hỗn dung bao gồm Phật, Bồ - tát, Thánh thần, Mẫu… theo kiểu thức thiết trí thờ “tiền Thánh/Thần hậu Phật” một đặc trưng thường thấy trong hầu hết các Phật điện ở đồng bằng Bắc Bộ.
Thiết trí tượng thờ mang tính chủ đạo trong Phật điện các chùa ở Đồng Nai gồm: (i) Gian chính giữa thờ các bộ tượng Phật, Bồ - tát và hai tượng Hộ pháp đối xứng phía trước; (ii) Hai gian tả hữu một số chùa phối thờ Bồ - tát (Đại Tạng, Quan Âm, Thế Chí, Chuẩn Đề) hoặc một ban thờ Quan Âm/ Địa Tạng và ban thờ Quan Thánh; (iii) Phía trước đối diện nhìn vào gian chính thiết trí ban thờ Tiêu Diện hoặc ở riêng một không gian khác ngoài Phật điện. Thiết trí trong không gian Phật điện luôn mang tính đơn giản, không đa dạng hay cầu kỳ như Phật điện miền Bắc, đó chính là một trong những đặc trưng thiết trí thờ tự của Phật giáo Đồng Nai khi nhìn trên tổng thể.
Ngoài những điểm tương đồng đã phân tích ở trên, các chùa cổ ở Đồng Nai cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự đa dạng trong phong cách chùa Việt ở Nam Bộ. Những khác biệt cơ bản đó là mỗi chùa được tạo lập gắn liền với công trạng của vua chúa, nhà sư… trong lịch sử nên các chùa thường dành một không gian riêng để thờ phụng và tưởng nhớ công ơn tổ khai sơn tạo lập chùa. Ngoài ra, một số chùa Bửu Thành, chùa Phổ Hiền, Phổ Quang cổ tự,…dành một không gian riêng ở nhà hậu thiết trí thờ những pho tượng Phật, Bồ tát vốn trước kia được thờ ở chính điện, quá trình trùng tu, xây dựng lại chùa mới nên không còn phù hợp với không gian mới. Nơi đây, chính là một tập hợp của nhiều hệ tượng mang các danh xưng khác nhau, được thiết trí gần như một bảo tàng, minh chứng cho quá trình phát triển của chùa qua nhiều giai đoạn khác nhau, với nhiều pho tượng có nguồn gốc lẫn chất liệu, kỹ thuật chế tác đa dạng, phong phú. Ngoài các bộ tượng Phật Di Đà Tam Tôn, Đức Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ-tát… thường thấy ở chính điện, các chùa còn bố trí không gian khác nhau để thờ phụng bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh: chùa Bửu Phong, chùa Linh Sơn Thánh Mẫu (chùa Đại Giác), Chùa Tháp Xá Lợi Phật (chùa Bửu Đức), chùa Đại Bảo Tháp 9 tầng (chùa Long Hương), chùa tượng Phật Ngọc lớn nhất thế giới (Quốc Ân Khải Tường).
Khi du nhập bào mỗi vùng miền, tông phái, pháp môn mà sơ đồ bố trí tượng Phật có đôi chút khác nhau. Tại tỉnh Đồng Nai nói riêng, hệ thống chùa chiền vô cùng đồ sộ và có lịch sử phát triển lâu đời. Việc bài trí các pho tượng Phật, chư Bồ Tát,...ở trong chùa không có sách vở nào ghi chép đầy đủ và chính xác nhưng thực chất việc bố trí luôn có công thức và ý nghĩa rất rõ ràng. Các lớp tượng cũng được phân bố theo các lớp kiến trúc tạo nên các con đường ngang dọc trong không gian chùa. Triết lý vô thường có thể thấy rõ trong bài trí tượng Phật trong các chùa miền Nam nói chung, đặc biệt tại tỉnh Đồng Nai đã để lại trong lòng người dân nhiều niềm tin tưởng tâm linh nơi mình gửi gấm vào các bộ tượng được thiết trí thờ tại các chùa.
Tác giả: Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học Học viện PGVN tại Tp.HCM
***[1] Di tích Chùa Đại Giác, Sở văn hóa thể thao và Du lịch Đồng Nai, Ban quản lý di tích và danh thắng.
Bình luận (0)