Trang chủ Chuyên đề Phan Chu Trinh với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Phan Chu Trinh với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Phan Chu Trinh là người có chí ham học, tính tình khoáng đạt, kết giao rộng rãi với các sỹ phu yêu nước cùng thời và những nhà tân học, có tư tưởng canh tân như Trần Quý Cáp, Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Trọng Hàm, v.v…

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phan Chu Trinh là người có chí ham học, tính tình khoáng đạt, kết giao rộng rãi với các sỹ phu yêu nước cùng thời và những nhà tân học, có tư tưởng canh tân như Trần Quý Cáp, Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Trọng Hàm, v.v…

TS. Phan Thành Nhâm
Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.
TS. Lê Thị Vinh
Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay đã trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta dưới sự cai trị của thực dân Pháp, sức ảnh hưởng của Phật giáo suy giảm, những hiện tượng tiêu cực trong Phật giáo ngày càng phổ biến. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đã diễn ra, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ các trí thức Nho học cấp tiến. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích hoàn cảnh lịch sử, đặc biệt là những đóng góp của Phan Chu Trinh – một chí sĩ cách mạng, một nhà Nho cấp tiến, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Từ khóa: Phan Chu Trinh, Phật giáo, Việt Nam.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Với lịch sử khoảng 2000 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã để lại cho dân tộc ta những dấu ấn đậm nét trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, tình cảm và tâm thức của con người Việt Nam. Phật giáo ở Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, có những lúc hưng thịnh và có những khi suy thoái. Vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, dưới ách cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tầng lớp Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhiều Tăng Ni, Phật tử đáng lẽ phải nghiêm túc thực hiện giáo lý, giáo luật lại sa ngã vào những bụi trần như cờ bạc, rượu chè, sắc dục, vi phạm các giới luật; phần đông tăng già chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, trụ trì, sắc tứ… Đứng trước tình cảnh như vậy, một số người có duyên với đạo Phật quan tâm đến sự hưng suy của Đạo pháp đã vân động mọi người từ bỏ những thói tục lạc hậu, kêu gọi chấn hưng, canh tân và tìm hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam lúc này1. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX với nhiều hoạt động nhằm tìm lại sự hưng thịnh từng có của Phật giáo trong bối cảnh lịch sử với những biến động của xã hội thời Pháp thuộc. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX trở đi, nhiều cao tăng trong cả nước đã tích cực đứng lên kêu gọi mọi người tích hơn trong việc học tập, nghiên cứu, giải thích, chú giải kinh điển, giáo lý, giáo luật Phật giáo; đổi mới nội dung, phương thức và quy mô đào tạo tăng tài, đổi mới cách thức tổ chức Giáo hội, v.v…

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của giai tầng khác nhau trong xã hội. Nhiều phương diện liên quan đến Phật giáo đã trở thành chủ đề trên các văn đàn báo chí, trong các buổi diễn thuyết, đàm luận của tầng lớp trí thức Nho học và trí thức Tây học. Trong số những trí thức ủng hộ và cổ súy cho công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu kế kỷ XX ở Việt Nam không thể không nhắc đến Phan Chu Trinh – một trí thức có tinh thần yêu nước và khát vọng canh tân đất nước, người đã tham gia khởi xướng phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích hoàn cảnh lịch sử trong nước và quốc tế của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX và chỉ ra vai trò của Phan Chu Trinh đối với phong trào này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phan Chu Trinh phong trao chan hung Phat giao 1

II. NỘT DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Hoàn cảnh lịch sử của phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Việt Nam

– Hoàn cảnh trong nước:

Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đã có những biến động lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa và tư tưởng:

Về chính trị, năm 1887, thực dân Pháp đã ban hành sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở Việt Nam, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”, chia nước ta thành làm 3 xứ, với 3 bộ máy quản lý khác nhau: Nam kỳ – xứ thuộc địa, đứng đầu là viên Thống đốc; xứ Trung kỳ – nửa bảo hộ, đứng đầu là Khâm sứ; xứ bảo hộ Bắc kỳ, đứng đầu là Thống sứ. Chính sách cai trị của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ đến tình hình Phật giáo ở Việt Nam lúc này. Vị thế của Phật giáo trong xã hội bị suy giảm, bởi niềm tin tôn giáo mà chính quyền thực dân Pháp theo đuổi và nâng đỡ không phải là đạo Phật mà chính là Công giáo. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến sự suy yếu của Phật giáo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX là do sự thiếu liên hệ giữa các sơn môn, tổ đình với nhau. Chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp được thực thi ở nước ta đã làm cho vấn đề này của Phật giáo ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Thượng tọa Trí Quang nhận định rằng: “Một ngôi nhà chung là của ba anh em đồng cha mẹ, nhưng ngăn ra ba gian cho ba người con thì tự nhiên ba anh em phải phân ly và ai lo phần nấy. Ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phải phân ly chỉ vì sự phân chia ba kỳ bộ Trung, Nam, Bắc”2. Vì vậy, việc chấn hưng vừa là để nhất thể hóa cách thức tu tập và rèn luyện, nhưng đồng thời nó cũng chính là sợi dây để liên kết Tăng Ni, Phật tử trong cả nước hướng đến xây dựng một Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Về kinh tế, các chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đặc biệt là công cuộc khai thác xứ thuộc địa lần thứ hai sau khi thế chiến thứ nhất (1914-1918) kết thúc đã biến Việt Nam trở thành một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào tư bản Pháp. Đời sống của các giai cấp và tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân ngày càng bị bần cùng hóa, chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Đối với Phật giáo, vốn là tôn giáo rất thích hợp với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam cũng phải bị tác động mạnh mẽ bởi chính sách kinh tế của thực dân Pháp. Cùng với đó là sự hiếp đáp của cường hào, địa chủ dẫn đến những khó khăn về phương diện đời sống kinh tế của các Tăng Ni, Phật tử, nên họ buộc phải chú trọng nhiều hơn đến các nghi lễ cúng cấp mà thiếu đi sự chuyên tâm tu hành Phật pháp. Nhưng về phương diện nào đó, chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tạo điều kiện cho phương thức sản xuất tư bản thâm nhập vào Việt Nam, tuy là manh mún nhưng cũng đủ dẫn đến sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, kéo theo những biến đổi sâu sắc về đời sống văn hóa – xã hội và tâm linh của dân tộc. Từ đó, Phật giáo đứng trước những yêu cầu phải đổi mới để có thể thích ứng với những biến đổi nói trên.

Về văn hóa – xã hội, để củng cố địa vị thống trị của mình, thực dân Pháp đã tìm cách thay thế những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam bằng văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp, cùng với đó là việc thực hiện chính sách “ngu dân”, khuyến khích duy trì các hủ tục, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội như cơ bạc, rượu chè, nghiện hút. Những hủ tục và các hiện tượng tiêu cực thẩm thấu nơi xã hội đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với Phật giáo trong việc củng cố vị thế của nó trong tâm thức người Việt và nền văn hóa dân tộc. Hơn nữa, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, cơ cấu xã hội ở Việt Nam cũng có nhiều biến đổi. Bên cạnh những giai cấp cũ, trong xã hội Việt Nam đã xuất hiện các giai tầng mới như công nhân, tư sản, tiểu tư sản, trí thức. Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển như vậy, một bộ phận quần chúng nhân dân tìm đến Phật giáo như là một liều thuốc an thần trước những sóng gió của cuộc sống, một bộ phận khác tìm đến nhà chùa để lánh nạn hoặc chờ thời, bộ phận còn lại với trăn trở và khao khát tìm kiếm con đường cứu nước thì nhìn thấy ở Phật giáo khả năng xây dựng và bảo vệ đất nước giống như ở hai triều đại Lý – Trần, tiêu biểu như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, v.v… Đây cũng chính là bộ phận trí thức có nhiều đóng góp quan trọng nhất cho sự ra đời và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Như vậy, chính sự chuyển biến của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dưới sự cai trị của thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Phật giáo ở Việt Nam, làm cho tôn giáo này ngày càng suy yếu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải phục hưng Đạo pháp, chấn hưng Phật giáo nhằm đáp ứng xu hướng phát triển chung của dân tộc và thời đại.

– Hoàn cảnh quốc tế:

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia Á châu như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản,… Chính sự thức tỉnh và phục hưng của Phật giáo tại nước Á châu này đã có những tác động tích cực đến sự ra đời và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Tại Trung Hoa, dấu hiệu suy yếu của Phật giáo bộc lộ ngày càng rõ nét dưới triều Mãn Thanh. Sự tươi mới, sức sống và mức độ ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống xã hội, đời sống tinh thần của người dân Trung Hoa ngày càng suy giảm, không còn giữ được vị trí tôn giáo độc tôn như các triều đại trước đây. Chính trong bối cảnh đó, một bộ phận Tăng Ni, Phật tử Trung Hoa cùng với nhiều học giả, trí thức đương thời đã đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo trên cả nước. Trong số các nhân vật lỗi lạc của phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ thì nổi bật hơn cả chính là Thái Hư Đại sư. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn trong việc chỉnh đốn tăng già, đổi mới phương thức đào tạo tăng tài và thống nhất Phật giáo tại Trung Hoa. Trong khi vận động chấn hưng Phật giáo, ông đã bộc bạch rằng: “Phải chỉnh lý tăng già mới có người duy trì Chánh pháp. Phải thống nhất cư sĩ mới phổ cập Phật pháp vào các tổ chức quần chúng”3. Năm 1918, sau những chuyến khảo sát thực trạng Phật giáo ở Đài Loan và Nhật Bản, Đại sư đã cho thành lập tạp chí Giác xã Tùng Thư (tại Vũ Xương, năm 1920 đổi thành Hải Triều Âm). Đây được coi là một trong những tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Cùng với việc kêu gọi thống nhất Phật giáo, Đại sư Thái Hư còn thường xuyên tổ chức các buổi thuyết pháp ở nhiều nơi. Đối tượng mà ông hướng tới không chỉ là các Tăng Ni, Phật tử mà còn có cả trí thức, thanh niên. Đổi mới, cải cách Phật giáo ở Đại sư Thái Hư được thể hiện qua ba vấn đề chính là “cách mạng giáo lý”, “cách mạng giáo chế”“cách mạng giáo sản”. Quan điểm đổi mới Phật giáo của Đại sư không chỉ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tăng Ni, Phật tử ở Trung Hoa mà nó còn tác động một cách sâu sắc đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam sau này. Theo Thượng tọa Trí Quang: “Riêng Việt Nam, ảnh hưởng ấy rất lớn. Pháp sư Trí Độ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, có thể là học trò bằng sách của ngài. Ngay cả ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định, người dẫn đầu nghĩa học Phật giáo Việt Nam, cũng tiếp nhận Thái Hư Đại sư không ít”.4

Tại Nhật Bản, thời kỳ Edo (1603 – 1867) thì Nho giáo, Phật giáo và Thần đạo cùng tồn tại một cách hòa hợp với nhau. Phật giáo được các Shogun (Tướng quân, Mạc chúa/Mạc chủ) bảo vệ và gần như giữ địa vị quốc giáo tại quốc gia này. Nhưng đến thời Minh Trị Duy Tân thì sự gắn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo này cũng chấm dứt. Thiên Hoàng Minh Trị (Meiji) năm thứ nhất 1868 đã cho ban hành Sắc lệnh Shinbutsu bunrirei (Thần Phật phân ly lệnh hay còn gọi là lệnh Thần Phật phán nhiên) nhằm phục hồi chức Thần kỳ quan và thực hiện Tế chính nhất trí, tách Phật giáo ra khỏi hệ thống quốc giáo. Lệnh Thần Phật phân ly đã bắt tất cả những người có chức tăng trong đền thờ Thần đạo như Biệt đương (Bettō) hay Xã tăng (Shashō) và cấm tất cả những tên gọi theo Phật giáo như Gongen (Quyền hiện) hay các thần thể là tượng Phật đặt ở trong đền thờ5. Tầng lớp tăng lữ phải thay đổi cách ăn mặc theo Thần đạo, việc thờ Phật và sử dụng các vật dụng thường thấy trong chùa như mõ, chuông, v.v… bị cấm. Năm 1894 thời Minh Trị (Meiji) đã diễn ra cuộc chiến tranh Nhật – Thanh, chủ nghĩa đế quốc ngày càng phát triển ở Nhật. Để tiếp tục tồn tại, Phật giáo đã có sự biến chuyển biến, thể hiện tinh thần dân tộc và trở thành một trong những công cụ cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ này. Từ năm 1897, nhiều tông phái Phật giáo ở Nhật Bản đã tích cực triển khai học tập và nghiên cứu những nội dung của Phật giáo mới, khuyến khích tiếp thu những giá trị của các nền văn hóa, văn minh bên ngoài nước Nhật. Tinh thần học thuật mới này tiếp tục kéo dài đến thời Taisho (1912 – 1925) và đã thu được những thành tựu đáng kể, nhiều tịnh xá được xây dựng, giáo dục Phật giáo được đẩy mạnh đã đào tạo ra nhiều nhân tài trong lĩnh vực Phật học.

Tại Ấn Độ, Anagarika Dharmapala (1864 – 1933) là một trong những trí thức tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo sau nhiều thế kỷ suy nhược. Dharmapala là người tích cực truyền bá đạo Phật ra thế giới thông qua những buổi thuyết pháp ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Ông đã tích cực đứng ra vận động các Tăng Ni, Phật tử tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo. Mục đích của Dharmapala trong khi tiến hành chấn hưng là “truyền bá giáo lý Phật giáo và vận động mọi người trong xã hội góp phần xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, tín ngưỡng hay sắc tộc, chú trọng các hoạt động giáo dục, từ thiện xã hội nhất là đối với người nghèo và người tàn tật”6. Năm 1891, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh chùa tháp điêu tàn, tượng Phật lăn lóc sụp đổ không người chăm sóc tại Bồ Đề Đạo tràng, Dharmapala đã quyết tâm trùng tu lại thánh thất này. Năm 1892, Dharmapala đã cho di chuyển trụ sở của Hội Maha Bodhi (còn được gọi là Hội đại Bồ đề) từ Colombo về Calcutta với mục đích là thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, khôi phục các thánh tích Phật giáo tại Gaya, Sarnath và Kushinara. Cũng trong năm này, Hội đã tạo ra bước ngoặt bằng việc cho ấn hành Tạp chí Bồ đề Đạo tràng thế giới Phật tử đoàn kết (The Maha Bodhi and the United Buddhist World). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo có một tờ tạp chí định kì đã được ấn hành bằng ngôn ngữ tiếng Anh để phổ biến giáo lí đức Phật cho toàn thể giáo đồ và cũng là tờ tạp chí đầu tiên cổ vũ cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở tầm mức thế giới.

Như vậy, những hoạt động mới mẻ và tích cực từ quá trình chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nêu trên đã thổi vào Phật giáo Việt Nam một làn gió mới. Nhiều Phật tử đã hứng khởi quay lại nghiên cứu giáo lý, giáo luật theo hướng mới, tích cực đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực của Phật giáo, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự ra đời và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh những nhân tố khách quan thuộc về hoàn cảnh lịch sử, thì các nhân tố chủ quan cũng đóng vai trò rất quan trọng để có thể dẫn đến sự ra đời và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu kế kỷ XX. Nhân tố chủ quan muốn nói tới ở đây chính là vai trò của Tăng Ni, các trí thức đã đứng ra tiên phong trong việc cổ súy, hô hào và vận động mọi người tham gia thực hiện duy tân, cải cách và chấn hưng Phật giáo, trong đó có nhà trí thức yêu nước Phan Chu Chinh.

2.2. Vai trò của Phan Chu Trinh đối với phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

Phan Chu Trinh sinh ngày 09 tháng 9 năm 1872 (Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25), tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã. Ông quê làng Tây Lộc, huyện miền núi Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ của ông là Phan Văn Bình, làm Quản cơ sơn phòng, sau có tham gia phong trào Cần Vương nhưng do bị hiềm khích và hiểu lầm nên đã bị sát hại vào năm 1887. Thân mẫu của ông là Lê Thị Trung, xuất thân trong một gia đình vọng tộc cũng ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Thân mẫu mất sớm, Phan Chu Trinh theo cha học chữ Hán và học võ. Sau khi thân phụ qua đời, ông trở về quê sống với anh trai và tiếp tục sự nghiệp học hành. Năm 1899, Phan Chu Trinh được vào học tại trường tỉnh ở Thanh Chiêm, thuộc phủ Điện Bàn. Trường là nơi quy tụ nhiều nhân tài đất Quảng, nhiều người nổi tiếng trong văn giới như: Phan Quang, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Huỳnh Thúc Kháng, v.v… Phan Chu Trinh là người có chí ham học, tính tình khoáng đạt, kết giao rộng rãi với các sỹ phu yêu nước cùng thời và những nhà tân học, có tư tưởng canh tân như Trần Quý Cáp, Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Trọng Hàm, v.v…

Trong niên biểu đồ của Phan Chu Trinh ở trong Giai Nhân Kỳ Ngộ (niên biểu đồ do Huỳnh Thúc Kháng soạn) có ghi: “Năm 1903, Quý Mão, bổ làm Thừa biện Bộ Lễ ở kinh. Học Tân học 32 tuổi”. Cùng năm này, Phan Chu trinh đọc Thiên Hạ Đại Thế Luận của nhà trí thức có tư tưởng canh tân Nguyễn Lộ Trạch. Điều này cho thấy khi mới ra Huế làm quan, việc đầu tiên của Phan Chu Trinh không phải là tìm “cái ghế” mà tìm ngay những quyển sách, tức là tìm kiếm tri thức mới. Lúc ấy tân thư, tân văn, nhất là của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cũng đã có nhiều, nhưng chắc không có sách nào có hệ thống và gây xúc cảm mạnh bằng bài luận nói trên của Nguyễn Lộ Trạch, vì không chỉ có trước khi sách Khang, Lương qua, nó còn là cây nhà lá vườn, thích hợp với một xã hội nửa phong kiến, bán thực dân mà dân chúng còn đang ở trong một trình độ thấp kém, có nhiều điểm không giống với xã hội Trung Hoa nơi mà phần lớn lãnh thổ chưa bị xâm lăng7. Trong cuốn sách Phong trào Duy Tân, Nguyễn Văn Xuân có nhận xét: “Từ Nguyễn Lộ Trạch với “Thiên Hạ Đại Thế Luận”, ý thức hệ phong kiến vẫn còn, ông còn tin tưởng ở chánh Nho giáo, ở vua tôi trên dưới, đến Lương Khải Siêu đã hé ra một ý thức thế hệ mới: Phan Chu Trinh đã vượt lên trên ý thức hệ phong kiến, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng”8. Như vậy, Phan Châu Trinh có ý muốn chấm dứt ý thức hệ phong kiến vốn bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa cũ, để tiếp thu văn minh phương Tây thông qua một đường hướng xây dựng nước Việt Nam mới. Vì lẽ đó, năm 1904, sau thời gian làm việc ở Bộ Lễ trong triều đình Huế và nhận thấy triều đình phong kiến hủ bại, Phan Chu Trinh đã từ quan và đi chu du với bạn bè cùng chí hướng. Sỡ dĩ Phan Chu Trinh không còn niềm tin ở Nho giáo là do sự hủ hóa và sự thất bại của ý thức hệ phong kiến trong việc tìm kiếm con đường cứu nước, mà hiện thực phũ phàng nhất là sự thất bại của phong trào Cần Vương.

Thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đã chứng tỏ ý thức hệ phong kiến không còn là con đường cứu nước, cứu dân được nữa. Bước sang đầu thế kỷ XX, yêu cầu bức thiết đặt ra cho lịch sử Việt Nam là phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới, phải kết hợp đấu tranh giải phóng dân tộc với duy tân đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, tinh thần và tư tưởng. Trong thời gian này, trí thức Nho học cấp tiến nước ta đứng trước hai nhiệm vụ lịch sử quan trọng và có mội quan hệ chẽ với nhau, đó là “đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập cho Tổ quốc và cải cách xã hội để tiến kịp các nước văn minh trên thế giới”9. Trong cuốn sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang viết: “Những người trí thức yêu nước lúc bấy giờ khám phá ra được một sự thực: muốn đánh đuổi xâm lăng Tây phương, phải vận động duy tân xứ sở và phải thay thế cuộc kháng chiến Cần Vương của nho sĩ thành một cuộc vận động toàn dân. Tư tưởng mới của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cùng công cuộc vận động cách mạng ở Trung Hoa đã làm sáng tỏ thêm ý thức ấy. Sự kiện Nhật Bản duy tân và đánh bại nước Nga càng làm cho đức tin kia thêm mãnh liệt. Phong trào Duy Tân và Đông Du do những nguyên cớ trên đã được phát sinh một cách mạnh mẽ”10.

Để thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, các trí thức Nho học cấp tiến trong quá trình vận động nhân dân giải phóng dân tộc đã tìm thấy những tiếng nói mới, phương thức hoạt động mới qua tân thư, tân văn gửi từ Trung Quốc sang. Chính sự đổi mới về tư duy và phương thức cứu nước này, đã giúp cho nhiều trí thức Nho học tiến bộ thấy được sức mạnh nội tại của đất nước và tâm quan trọng của tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, để từ đó đứng ra kêu gọi, hô hào, vận động và khởi xướng phong trào duy tân, đổi mới đất nước. Cũng do vậy mà cuộc vận động chấn hưng Phật giáo diễn ra từ sau năm 1920 đã nhanh chóng đón nhận được sự quan tâm, tán trợ của nhiều trí thức Nho học đương thời như: Phan Chu Trinh, Phan Khôi, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu,…

Với Phan Chu Trinh, ông tin tưởng ở sự đóng góp của Phật giáo trong việc củng cố, phát huy các giá trị tư tưởng truyền thống của dân tộc và “ở sự nhận thức về khả năng duy tân của một xã hội Phật giáo như quốc gia Nhật Bản nữa”11. Theo ông, chính Nho học cùng với những hủ bại của tầng lớp quan lại, vua chúa phong kiến đã làm cho nước Việt Nam ngày càng suy yếu, đẩy người dân phải chịu cảnh nỗi nhục mất nước. Phan Chu Trinh là một trong những người tiên phong trong việc thực hiện chủ trương “phế Nho hưng Phật” để đổi mới xã hội, canh tân đất nước và chấn hưng dân tộc. Ông cho rằng “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc” tức không bỏ chữ Nho, không cứu được nước Nam. Như vậy, có thể thấy, trước những yêu cầu mới của lịch sử dân tộc, nhiều trí thức yêu nước tiến bộ vốn xuất thân từ cửa Khổng sân Trình đã thể hiện tư tưởng muốn vượt bỏ Nho giáo, vượt bỏ ý thức hệ phong kiến. Họ đã đi tìm kiếm hướng đi mới cho con đường cứu nước, với phương thức hoạt động cách mạng và đấu tranh mới để thay thế cho cuộc vận động cứu nước mang hệ tư tưởng phong kiến vốn đã thất bại từ những năm trước đó. Với mong muốn khôi phục lại hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ và hùng cường như hai triều đại Lý – Trần, nhiều trí thức Nho học đã đứng lên kêu gọi, vận động chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy sự bất lực của tầng lớp Nho sĩ, cho dù là cấp tiến trước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc. Đó là việc tìm ra lời giải cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi sự thống trị, áp bức và bóc lột phi nhân tính của thực dân Pháp. Bởi hệ tư tưởng tôn giáo, dù đã được chấn hưng đi nữa, cũng không thể đảm đương được vai trò là hệ tư tưởng chủ đạo cho con đường giải phóng dân tộc, vì nó thiếu tính khoa học và cách mạng.

Phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có sự ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến giới Phật tử Việt Nam, khởi dậy ở họ niềm tự tin và sự hăng say với công việc chấn hưng Phật giáo nước nhà, biểu lộ điều mà sĩ phu yêu nước Phan Chu Trinh (1872 – 1926) đã từng gọi là “tinh thần tôn giáo”. Trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang cho rằng, trong số các trí thức yêu nước lãnh đạo phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, có thể thấy Phan Chu Trinh là người có niềm tin tưởng hơn cả về những đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng. Ông thường là người đứng lên hô hào mọi người tham gia vào việc chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.12

Xuất phát từ thực trạng của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với những đóng góp to lớn của Phật giáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là với sự hưng thịnh của hai triều đại phong kiến Lý – Trần, Phan Chu Trinh cho rằng: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo; không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lợi riêng của mình. Này bà con thử xét đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy; quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu, nào bị cướp sáo ở Chương Dương độ nào bị bắt trói ở Hàm Tử quan, rồi ôm hận ở trận Vạn Kiếp, chịu nhục ở trận Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư, nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”13. “Tinh thần tôn giáo” mà Phan Chu Trinh nhắc đến ở trên đây không phải là tinh thần Nho giáo hay Đạo giáo mà chính là tinh thần Phật giáo. Theo ông, chính Nho học cùng với chế độ khoa cử hủ bại đã góp phần làm suy yếu đất nước Việt Nam. Vì vậy, ông kêu gọi thực hiện duy tân, đổi mới giáo dục, thay thế chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ.

Theo Phan Chu Trinh, Nho học – cốt tủy của ý thức hệ phong kiến đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, do vậy cần khuyếch trương tinh thần Phật giáo. Ông tin tưởng vào Phật giáo không chỉ vì ông nhận thấy vai trò của tôn giáo này đối với sự hưng thịnh của triều đại Lý – Trần mà còn ở sự cảm nhận đặc biệt về khả năng đổi mới, cải cách của Phật giáo đối với xã hội giống như nước Nhật Bản. Nhưng vì nhiều sĩ phu thuộc hội Đông Du, Nghĩa Thục còn quá sâu đậm với Nho giáo nên ông không thể hô hào chấn hưng đạo Phật và phế bỏ Hán học. Vì lẽ đó, trong cuốn sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang viết: “Phan Chu Trinh không phải là một nhà nho cố chấp, thấy sao thì ông nói vậy. Sự tin tưởng của ông nơi Phật giáo không những bắt nguồn ở nhận thức về thời đại cực thịnh Lý – Trần mà còn ở sự nhận thức về khả năng duy tân của một xã hội Phật giáo như quốc gia Nhật Bản nữa. Nhưng nhiều đồng chí của ông vì lòng yêu Nho giáo sâu đậm quá nên đã cực lực chống đối đường lối phê Nho hưng Phật của ông. Phục tùng đa số, ông đành bỏ những bài diễn văn hô hào phục hưng đạo Phật và phế bỏ Hán học, kể cả bài Bất Phế Hán Tự,… vừa nói”14.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phan Chu Trinh phong trao chan hung Phat giao 2

Trong những người phản đối gay gắt nhất quan điểm “phế Nho hưng Phật” của Phan Chu Trinh, phải kể đến cụ Phương Sơn. Trong cuốn sách Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê có ghi đại khái như sau: Khi cụ Tây Hồ (Phan Chu Trinh) vừa tạm dừng diễn thuyết thì cụ Phương Sơn đã ra hiệu xin được phản biện. Cụ Phương Sơn cho rằng sự hưng thịnh của đất nước ta thời Lý – Trần không phải do tinh thần tôn giáo, bởi tinh thần tôn giáo mạnh như Ấn Độ vẫn phải chịu kiếp nô lệ cho thực dân Anh. Nếu nói nhà Trần thắng quân Nguyên hùng mạnh là nhờ Phật giáo hưng thịnh, thì những đời sau, Phật giáo không còn hưng thịnh nữa mà sao nước ta vẫn thắng được quân Minh, Thanh. Lần khác, Phan Chu Trinh soạn thảo bài diễn thuyết “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc” và đưa cho cụ Phương Sơn xem bản thảo, vừa xem xong nhan đề bài viết, cụ Phương Sơn đã phản đối. Cụ Phương Sơn cho rằng chế độ khoa cử phong kiến hủ bại cần phải bỏ, nhưng còn Hán học thì không. Cụ Lương Trúc Đàm biết chuyện, cũng tỏ rõ thái độ đồng tình với cụ Phương Sơn. Phan Chu Trinh với tinh thần khoáng đạt của người quân tử đã cười và nói: Hai tiên sinh đều phản đối thì tôi xin thôi và sẽ xem xét lại.15 Tuy không thể phủ nhận nền Hán học đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng dân tộc, những nhà chính trị, nhà văn hóa và tư tưởng lớn của dân tộc. Nhưng chính chữ Hán (rất khó học) đã trở thành rào cản lớn cho sự tiếp cận những giá trị dân chủ, tự do và khoa học của nền văn minh Phương Tây. Chủ trương dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán của Phan Chu Trinh dù đương thời bị phản đối, những lịch sử đã minh chứng sự thay thế đó là cần thiết và tất yếu không tránh khỏi. Sau này, nhờ việc in ấn Tam Tạng kinh (Kinh, Luật, Luận) của Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đã làm cho việc truyền bá đạo Phật đến với quần chúng nhân dân (đa số là không biết hoặc không giỏi chữ Hán) dễ dàng hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX và những thập niên tiếp theo.

Những sĩ phu yêu nước có tư tưởng cấp tiến trong khi vận động quần chúng thực hiên phong trào duy tân đã nhận thấy lực lượng chống lại cải cách, đổi mới và cách mạng hơn ai hết lại chính là tầng lớp nho sỹ bảo thủ, quan liêu. Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền,… khi lui về cơ sở ở quần chúng trong lúc tham gia họat động cho phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục thường tụ họp tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo như chùa Trấn Quốc, Hòa Mã, Liên Phái, v.v… để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân Pháp và họ đã nhận được sự ủng hộ lớn từ giới tăng sĩ Phật giáo16.

Phần lớn chí sĩ lãnh đạo phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đều thừa nhận phương thức đấu tranh hòa bình, bất bạo động là con đường đấu tranh khả thi và hiệu quả hơn cả. Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chủ trương bạo động cũng như chủ trương ngoại viện bằng câu thơ đanh thép: “Bất bạo động, bạo động tắc tử – Bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu” (Không bạo động, bạo động ắt chết – Không hướng ngoài, hướng bên ngoài là ngu).17 Phan Chu Trinh không tán thành quan điểm bạo động không phải vì ông là con người hèn yếu, không có tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi, cũng không phải xuất phát từ cảm tính thích hay không thích mà là khởi phát từ những điều kiện lịch sử chưa cho phép đấu tranh bạo động. Sau này lịch sử đã minh chứng, chủ trương bất bạo động của Phan Chu Trinh là lựa chọn sáng suốt tại thời điểm đó, tránh được sự đổ máu và hy sinh không đáng có. Phương thức bất bạo động hiệu quả chính là đổi mới giáo dục, thức tỉnh tinh thần yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của quần chúng nhân dân thông qua con đường tuyên truyền văn thơ yêu nước và các buổi diễn thuyết, sách báo cổ động thực hiện cải cách. Cuộc vận động cải cách ở Quảng Nam – quê hương của Phan Chu Trinh nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Trung và chuyển hướng thành các cuộc biểu tình rộng lớn chống thuế trong năm 1908, huy động tới hàng vạn người tham gia đấu tranh trực diện chống lại thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Phong trào chống thuế đã cho thấy xu hướng bạo động và cải cách nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau, đều thể hiện tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, “đến khi thẳng tay đàn áp phong trào, thực dân Pháp đâu có phân biệt bạo động và cải cách, bạo động hay cải cách với chúng đều nguy hiểm. Nhân dịp này, chúng bắt giam Phan Chu Trinh, rồi kết án đày ra Côn Đảo, mặc dù thời gian vụ “xin xâu” xảy ra ở Quảng Nam (3/1908) Cụ đang ở ngoài Hà Nội”.18

Phong trào Đông kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh và các sĩ phu cách mạng khác tuy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 9 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1907 nhưng đã gây tiếng vang lớn, có sức lan tỏa nhanh chóng khắp các tỉnh Bắc kỳ và Trung kỳ, lôi cuốn được nhiều chí sĩ yêu nước, mở ra con đường duy tân sau này và có sức ảnh hưởng to lớn đến công cuộc phục hưng Phật giáo và chấn hưng dân tộc Việt Nam. Những cố gắng cải cách văn hóa, giáo dục, làm rạng danh Quốc học, chấn hưng Phật giáo chính là sự nối tiếp tinh thần bất bạo động với đường lối đấu tranh ôn hòa của Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm mục nâng cao dân trí, chấn dân khí và tìm kiếm ý thức hệ mới cho dân tộc. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang có viết: “Sống dưới sự bảo hộ của một ngoại bang, cái lo âu sâu đậm nhất của người Việt là sự đánh mất cá tính và linh hồn Việt, cho nên sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng “quốc học” đã được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những công việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp. Nơi đây hai giới tân học và cựu học có thể gặp nhau để cùng hoạt động: cả trong hai lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Tây đều được sử dụng. Chữ “quốc ngữ” trở thành một phương tiện mầu nhiệm nối liền hai thế hệ cựu và tân học”.19

Vào những năm 1925, 1926, trong các buổi diễn thuyết của Phan Chu Trinh ở đường Lăng-da-rốt-tơ đã có hàng chục nhà sư trẻ tham dự. Ngày mít tinh (24-3-1926) đón tiếp Bùi Quang Chiêu từ Pháp về cũng là ngày mất của Phan Chu Trinh đã có sự tham gia của 20 nhà sư. Khi bị nhà chức trách chất vấn “ai xui thầy chùa đi biểu tình”, giáo thọ Thiện Chiếu chùa Linh Sơn đã trả lời trên báo rằng “Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ xui Phật tử tham gia công cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xui cả”.20 Điều này cho thấy phong trào dân tộc dân chủ những năm 1925, 1926 của các trí thức yếu nước, trong đó có Phan Chu Trinh đã có ảnh hưởng đáng kể đến các Phật tử, nhà chùa, đặc biệt là tầng lớp Tăng Ni trẻ. Nhiều tăng ni Phật giáo muốn sửa đổi những phép tắc lạc hậu đã làm mất uy thế của Phật giáo, đưa đạo Phật dấn thân vào các hoạt động xã hội (nhập thế), đóng góp vào công cuộc chấn hưng dân tộc, làm cho Phật giáo sống mãi trong lòng dân tộc và tâm thức người Việt.

III. KẾT LUẬN

Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Phong trào đã góp phần tạo ra sự thay đổi quan trọng, căn bản và mang tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, với sự đổi mới gần như toàn diện trên nhiều lĩnh vực, như tổ chức giáo hội, cách thức sinh hoạt, sự xuất hiện các Phật học đường, Phật học viện, báo chí, hệ thống kinh sách bằng chữ Quốc ngữ,… Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX để có thể diễn ra phải kể đến những đóng góp của các trí thức đương thời, trong đó có góp sức không nhỏ của Phan Chu Trinh gắn với những hoạt động của phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ là các cuộc “bút chiến”, “bút đàm” trên các văn đàn báo chí, trong các buổi diễn thuyết, nhưng “tinh thần Duy Tân” của Phan Chu Trinh và các trí thức Nho học cấp tiến thời kì này là nguồn động lực tinh thần to lớn, góp phần tạo nên những tiền đề quan trọng, nhất là về phương diện tư tưởng canh tân, đổi mới cho sự ra đời và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX và cả trong các giai đoạn tiếp theo.

TS. Phan Thành Nhâm
Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội.
TS. Lê Thị Vinh
Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Xem Dương Thanh Mừng (2015), “Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/thuc- dan-phap-voi-van-de-chan-hung-pgvn-trong-nua-dau-the-ky-xx-d17106.html. Truy cập ngày 26- 7-2021.
2 Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế, tr. 329.
3 Hội Phật học Việt Nam (1952), “Lời nói đầu”, Nguyệt san Viên Âm, số 112, tr. 3
4 Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế, tr. 256.
5 Xem Sueki Fumihiko (2011), Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội.
6 Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 20-21.
7 Xem Nguyễn Văn Xuân (1970), Phong trào Duy Tân, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr. 41-42.
8 Nguyễn Văn Xuân (1970), Phong trào Duy Tân, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr. 44-45.
9 Chương Thâu (2007), Góp phần tìm hiểu Nho giáo, Nho sĩ, trí thức Việt Nam trước năm 1945, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr. 152.
10 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 749.
11 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 751.
12 Xem Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 750.
13 Nguyễn Hiến Lê (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr. 80.
14 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 750-751.
15 Xem Nguyễn Hiến Lê (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, tr. 80-81.
16 Xem Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 749-750.
17 Xem Đinh Xuân Lâm (2006), Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nôi, KHXH&NV, số 2, tr. 2.
18 Đinh Xuân Lâm (2006), Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, KHXH&NV, số 2, tr. 3.
19 Xem Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr. 754-755.
20 Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 230.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Sueki Fumihiko (2011), Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập II, Nxb Khoa học Xã hội.
Đinh Xuân Lâm (2006), Phan Châu Trinh – Cuộc đời và sự nghiệp, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, KHXH&NV, số 2, tr. 1-7.
Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Hiến Lê(1968), Đông Kinh Nghĩa Thục, La Bối xuất bản, Sài Gòn.
Dương Thanh Mừng (2015), “Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/thuc-dan-phap-voi-van-de- chan-hung-pgvn-trong-nua-dau-the-ky-xx-d17106.html. Truy cập ngày 26-7-2021.
Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hung Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.
Hội Phật học Việt Nam (1952), “Lời nói đầu”, Nguyệt san Viên Âm, số 112, tr. 3.
Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần xuất bản, Huế.
Chương Thâu (2007), Góp phần tìm hiểu Nho giáo, Nho sĩ, trí thức Việt Nam trước năm 1945, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
Nguyễn Văn Xuân (1970), Phong trào Duy Tân, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường