Là tấm gương sáng của Phật giáo dấn thân xã hội, theo tinh thần của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Việt Nam) và Đại lão Hòa thượng Preah Maha Ghosananda (Campuchia), Tôn giả Pomnyun Sunim, vị Tăng sĩ khả kính đến từ Hàn Quốc, đã trở thành một ngọn đèn trí tuệ và từ bi của Phật giáo đương đại giữa thế giới đầy bất an hôm nay.
Tâm nguyện hoằng truyền phật pháp một cách tự nhiên, không mỏi mệt, Ngài thể hiện sống động lý tưởng của con đường Bồ tát: biến trí tuệ thành hành động, lấy lòng từ làm nền tảng để hóa giải khổ đau, giúp con người và cộng đồng tìm thấy hạnh phúc.

Tôn giả Pomnyun Sunim là người sáng lập của nhiều tổ chức, dự án và sáng kiến có mặt trên khắp thế giới, như những biểu hiện sống động của tinh thần từ bi nhập thế của Phật giáo:
+ JTS (Join Together Society) - tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế hoạt động nhằm xóa đói, giảm nghèo.
+ Jungto Society - cộng đồng thiện nguyện hướng tới đời sống đơn giản, bền vững và xã hội vị tha dựa trên lý tưởng Phật giáo.
+ EcoBuddha - cổ vũ đạo đức sinh thái và đời sống hài hòa với thiên nhiên.
+ Good Friends - tổ chức thúc đẩy hòa giải và hợp tác giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Ngài cũng là bảo trợ của Mạng lưới Phật giáo Dấn thân Quốc tế (INEB - International Network of Engaged Buddhists).
Ghi nhận những đóng góp bền bỉ và vô ngã trong việc giảm nhẹ nỗi khổ của các cộng đồng bị áp bức và thiệt thòi, năm 2002, Tôn giả Pomnyun Sunim đã vinh dự được trao Giải thưởng Ramon Magsaysay vì hòa bình và sự thấu hiểu quốc tế, đặc biệt cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu hậu quả nhân đạo của tình trạng chia cắt hai miền Triều Tiên và thúc đẩy tiến trình hòa giải, thống nhất.
Năm 2020, Ngài tiếp tục được Quỹ Hòa bình Niwano (Nhật Bản) trao tặng Giải thưởng Hòa bình Niwano lần thứ 37 nhằm tôn vinh những cống hiến trong hoạt động nhân đạo quốc tế, bảo vệ môi trường, vận động xã hội và xây dựng niềm tin, thiện chí vượt qua ranh giới văn hóa và tôn giáo, hướng đến lý tưởng hòa bình toàn cầu(*).

Gần đây, sau nhiều tháng chu du khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ để trực tiếp giảng pháp và dẫn dắt các hoạt động từ thiện cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, từ Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Syria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines, Tôn giả Pomnyun Sunim đã trở về Hàn Quốc để củng cố và gắn bó sâu sắc hơn với Tăng đoàn quê hương.
Ngày 16 tháng 2, Ngài chính thức khai mạc Lễ hội Pháp thoại 2025: 100 Ngày pháp thoại, một chuỗi thời khóa tu học và giảng pháp đặc biệt kéo dài từ 17/02 đến 01/06, đồng thời kết nối với lễ kỷ niệm ngày Phật đản (05/05) theo truyền thống Phật giáo Đại thừa.
Khi tiết trời khắc nghiệt của mùa đông xứ Hàn dần lùi bước, nhường chỗ cho hương xuân dịu dàng và sắc màu ấm áp, lòng người như được sưởi ấm bởi tâm nguyện của vị Bồ tát hiện thân, một sự chuyển hóa hướng về ánh sáng, sự sống và hy vọng.
Nhân dịp này, BDG (Buddhistdoor Global) đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ Tôn giả Pomnyun Sunim về hành trình Phật giáo dấn thân, những giá trị cốt lõi dẫn lối cho mọi hoạt động của Ngài, cũng như ý nghĩa sâu xa của giai đoạn tu học 100 ngày đặc biệt này.

BDG: Ngài đã dành rất nhiều thời gian để giảng pháp và thực hiện các hoạt động phật sự tại nhiều quốc gia trong thời gian qua. Hiện tại, Ngài đang dành trọn 100 ngày tại Hàn Quốc để giảng dạy và hành trì phật pháp. Xin Ngài chia sẻ, điều gì đã dẫn đến quyết định đặc biệt này?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Đã khoảng năm năm kể từ khi Jungto Society, cộng đồng tu học của chúng tôi, chuyển sang hình thức trực tuyến cho các buổi tụng kinh, pháp thoại và thực hành tập thể.
Lý do đầu tiên để khởi xướng giai đoạn trở về này là bởi, tuy hình thức trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Điều đáng tiếc nhất là chúng tôi mất đi cơ hội gặp gỡ trực tiếp, để tu học bên nhau, cùng tinh tấn, không chỉ giữa hành giả và giảng sư mà còn giữa những người bạn đồng tu. Sự truyền cảm hứng lẫn nhau trong thực hành cũng vì thế mà giảm đi đáng kể.
Kết quả là niềm tin suy yếu, động lực tu học và hành động xã hội cũng vì thế mà giảm sút. Khi nghe pháp thoại tại nhà, người ta dễ bị xao nhãng, dễ làm nhiều việc cùng lúc, khó giữ được sự tập trung. Do đó, để giúp mọi người có thể hành trì sâu sắc hơn, sống gắn bó hơn với tinh thần phật pháp trong đời sống xã hội, chúng tôi mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội tu học trực tiếp.
Chúng tôi đã xây dựng Trung tâm Văn hóa - Xã hội Jungto tại Seoul như một không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng, nhằm làm nơi khởi phát cho việc phục hồi tu học và các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi buộc phải chuyển toàn bộ hoạt động sang hình thức trực tuyến ngay trước khi trung tâm kịp hoàn thành, nên chưa thể khai thác hết tiềm năng của nơi này.
Để khơi dậy tinh thần sinh hoạt trực tiếp, chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện 100 ngày pháp thoại theo hình thức ngoại tuyến, nhằm củng cố nội lực tu hành và ứng dụng phật pháp vào thực tiễn đời sống. Để “kích hoạt” thực sự cho không gian mới này, tôi phải trực tiếp giảng pháp tại đây và đó chính là mục tiêu trọng tâm: làm sống lại sinh hoạt tu học trực tiếp.
Lý do thứ hai, hiện tại xã hội Hàn Quốc đang ở trong tình trạng bất ổn và phân hóa. Để góp phần ổn định xã hội, tôi cảm thấy cần thiết phải khuyến khích cộng đồng tu tập nhiều hơn, đồng thời bản thân tôi cũng phải hiện diện thường xuyên hơn tại Hàn Quốc, ít nhất là trong 100 ngày, thay vì tiếp tục chu du nước ngoài để giảng pháp hay thực hiện các dự án từ thiện.

Bên cạnh căng thẳng kéo dài giữa hai miền Triều Tiên, nội bộ xã hội Hàn Quốc hiện cũng bị chia rẽ sâu sắc bởi mâu thuẫn chính trị. Để xoa dịu những bất ổn này, chúng ta không chỉ cần cầu nguyện một cách chân thành, mà còn phải dấn thân tiếp cận, đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo xã hội và chính trị, giúp họ hiểu được quan điểm và lập trường của phía bên kia. Vì lý do đó, tôi đã hoãn toàn bộ các hoạt động quốc tế cho đến sau tháng 6 để bắt đầu chuỗi 100 ngày pháp thoại từ tháng Hai.
Tôi hy vọng, qua những nỗ lực nhỏ bé này, mình có thể góp phần tạo ra một chút bình an cho bán đảo Triều Tiên.
BDG: Như vậy, có phải các buổi pháp thoại công cộng lần này chủ yếu xoay quanh những vấn đề xã hội và sự ổn định?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Đúng vậy, các buổi pháp thoại công cộng của tôi có đề cập đến chủ đề ổn định xã hội và các vấn đề cộng đồng. Tuy nhiên, vì hình thức pháp thoại của tôi chủ yếu dựa trên các câu hỏi trực tiếp từ thính chúng, nên trọng tâm vẫn là giải quyết các vấn đề cá nhân, dưới ánh sáng của phật pháp.
Chúng tôi cũng tổ chức các lớp học phật pháp dành cho hành giả, như: Nhập môn Phật học, khóa học kinh điển với các bài giảng về Kinh Kim Cương và Tâm Kinh, cùng khóa Phật giáo và Xã hội, nơi các học viên được học về những vấn đề xã hội dưới góc nhìn Phật giáo, bao gồm các chủ đề như: Phật giáo và dân chủ, Phật giáo và nhân quyền…
Mỗi sáng và tối thứ Sáu, chúng tôi tổ chức các buổi Hỏi - Đáp Phật pháp. Mỗi sáng thứ Bảy có nghi lễ lạy 1.080 lạy, và mỗi sáng Chủ nhật, cộng đồng cùng thực tập thiền định chuyên sâu.
Hiện có hơn 5.000 người tham gia các buổi thực hành: khoảng 1.500 người có mặt trực tiếp tại Trung tâm Jungto, số còn lại tham gia trực tuyến.
BDG: Hiện nay, bối cảnh chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như tại Hàn Quốc đang ngày càng phân cực và đối kháng. Theo Thầy, triển vọng hòa bình và ổn định tại Hàn Quốc hiện nay ra sao?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Chúng ta đang chứng kiến một sự tái cấu trúc và phân tầng lại trật tự quyền lực quốc tế. Sau Thế chiến thứ hai, thế giới phân chia thành hai khối chính trị - địa chiến lược lớn. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, vẫn có sự hợp tác đa dạng giữa các quốc gia và khu vực nhỏ hơn.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, cục diện địa chính trị toàn cầu tạm thời xoay quanh một siêu cường duy nhất. Nhưng giờ đây, chúng ta thấy xuất hiện nhiều cường quốc lớn, và mỗi nước đang tìm cách định vị lại vị thế và quyền lực của mình. Do đó, tôi cho rằng trong giai đoạn chúng ta đang tiến đến việc thiết lập một trật tự thế giới mới, rất có thể sẽ xảy ra thêm nhiều xung đột. Các cấu trúc quyền lực cũ đang tan rã, trong khi trật tự mới thì vẫn chưa rõ ràng. Vì sự bất định cao này trong cục diện chính trị - xã hội, nên tình trạng hỗn loạn và bất ổn nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Đây là hiện thực mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta cần thừa nhận thực tế này và tìm hiểu những gì có thể làm được trong khuôn khổ đó.
Nếu nhìn vào tình hình bán đảo Triều Tiên, tôi cho rằng không hoàn toàn tiêu cực. Trước đây, việc hóa giải căng thẳng giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên rất khó khăn, nhất là khi Bắc Triều Tiên luôn vướng vào các xung đột với Mỹ và Nhật Bản. Dưới trật tự cũ, Bắc Triều Tiên thường bị xem là một quốc gia toàn trị, xấu xa. Nhưng khi trật tự mới hình thành, tình hình bán đảo Triều Tiên có thể có cơ hội cải thiện, dĩ nhiên cũng có thể xấu đi, nhưng tôi tin khả năng cải thiện là có thật!
Về mặt kinh tế, Hàn Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế rất quan trọng, nhưng hòa bình còn quan trọng hơn. Do đó, trong bối cảnh rối ren hiện nay, tôi đang nỗ lực tập trung giải quyết vấn đề hòa bình vì trong suốt 80 năm qua, chúng ta vẫn chưa thể tìm được giải pháp cho vấn đề này.

Trên bình diện toàn cầu, bối cảnh hỗn loạn có thể còn gia tăng, nhưng đối với Hàn Quốc, chúng ta có một cơ hội mới để hành động khác đi, hướng tới hòa bình.
BDG: Chuyển sang vấn đề Myanmar: Jungto Society và JTS đã và đang tích cực tham gia các dự án nhân đạo liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. Cuộc kháng chiến dân sự kéo dài chống lại chính quyền quân sự cùng với trận động đất vào cuối tháng 3 vừa qua đã khiến đời sống của nhiều cộng đồng yếu thế trở nên khó khăn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động Phật giáo dấn thân tại Myanmar?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Trước khi trận động đất xảy ra, JTS đã gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động trực tiếp tại Myanmar, do chính quyền quân sự ngăn cản chúng tôi tiếp cận và thực hiện các chương trình cứu trợ. Vì vậy, chúng tôi rút khỏi các hoạt động trực tiếp tại Myanmar và tập trung nguồn lực để hỗ trợ người tị nạn Rohingya tại Bangladesh cũng như các cộng đồng tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar.
Gần đây, chúng tôi nghe tin rằng tỉnh Rakhine của Myanmar đang thiếu lương thực nghiêm trọng, và đã tìm cách cung cấp thực phẩm tới khu vực này thông qua ngả Bangladesh. Sau đó, trận động đất tháng 3 xảy ra. Chính quyền quân sự Myanmar có cấp phép cho chúng tôi nhập cảnh với mục đích nhân đạo, nhưng việc cấp thị thực lại bị trì hoãn.
Chúng tôi đã cử được một nhóm nhỏ đến Yangon, nhưng chính quyền không cho phép họ di chuyển đến Mandalay, vì hiện nay mọi người nước ngoài đều bị cấm vào khu vực này. Tuy nhiên, một khi chúng tôi có thể tiếp cận Mandalay, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình tại chỗ và tìm cách hợp tác cùng các đối tác địa phương để triển khai cứu trợ.
Nếu tình hình cho phép, chúng tôi sẽ quay lại hoạt động trực tiếp tại Myanmar. Nếu không thể, chúng tôi vẫn sẽ duy trì hỗ trợ từ các quốc gia lân cận, đồng thời phối hợp với Mạng lưới Phật giáo Dấn thân Quốc tế (INEB) tại Bangkok để tiếp tục sứ mệnh nhân đạo này.
BDG: Các dự án cộng đồng của JTS tại vùng nông thôn Bhutan đã có nhiều tiến triển. Kế hoạch phát triển bền vững của Thầy ở đó có đang dần thành hiện thực không?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Đây là một dự án thí điểm nằm trong kế hoạch thực hiện kéo dài năm năm. Vào tháng 6 tới, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn chính. Chúng tôi đã lập ngân sách và kế hoạch chi tiết cho các cộng đồng mà mình sẽ làm việc cùng. Tháng 12 năm ngoái và tháng Một năm nay, tôi đã đích thân đến thăm từng ngôi làng mà chúng tôi dự định hỗ trợ.

Càng đi sâu vào những vùng núi xa xôi, chúng tôi càng thấy điều kiện sống ở đó rất thiếu thốn. Chúng tôi nhận ra rằng sẽ phải xây dựng nhiều nhà ở hơn dự kiến ban đầu, đồng thời đơn giản hóa loại hình các dự án để phù hợp với thực tế.
Các hạng mục chính trong giai đoạn đầu gồm:
1. Xây nhà mới cho những người và hộ gia đình không có nơi ở ổn định.
2. Cải tạo nhà ở xuống cấp, tập trung vào nhà bếp và khu vệ sinh.
3. Làm đường trong làng, đặc biệt là những đoạn dễ bị sạt lở, nguy hiểm hoặc không thể đi lại được trong mùa mưa.
4. Lắp đặt đường ống dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.
5. Đảm bảo nguồn nước uống sạch và ổn định cho cộng đồng.
6. Xây hàng rào bảo vệ hoa màu, tránh bị động vật hoang dã xâm hại.
Dĩ nhiên, chúng tôi không thể làm đường bê tông toàn bộ, nhưng sẽ gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Các dự án này đều được triển khai phối hợp chặt chẽ với người dân địa phương.
Song song với đó, chúng tôi còn khảo sát nhu cầu y tế của những người dễ tổn thương, như người cao tuổi bị suy giảm thị lực, thính lực, hoặc gặp vấn đề răng miệng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm cách nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường tiểu học và cung cấp thêm đồ dùng học tập.
Đó là phạm vi của giai đoạn đầu trong kế hoạch.
Giai đoạn hai sẽ tập trung vào hỗ trợ cộng đồng nâng cao thu nhập, ví dụ bằng cách trồng thêm các loại cây thương phẩm bên cạnh các sản phẩm tự cung tự cấp như trái cây, thảo quả, chè… Chúng tôi cũng đang hỗ trợ người dân tiếp cận giống lúa và ngô chất lượng cao, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn để tăng năng suất.
Tuy nhiên, việc nâng cao thu nhập không dễ dàng. Rất nhiều người trẻ đang rời bỏ các làng quê, chuyển lên thành phố hoặc ra nước ngoài. Hiện nay, trong tổng số khoảng 800.000 dân Bhutan, đã có 150.000 người đang sống ở nước ngoài – con số này ngày càng tăng. Ngay cả những người có công việc ổn định, như giáo viên hay công chức, cũng đang di cư ra nước ngoài. Đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, phần nào do hệ thống giáo dục Bhutan sử dụng tiếng Anh ngay từ tiểu học, khiến giới trẻ dễ thích nghi khi xuất cảnh.
Vì vậy, tôi cố gắng thuyết phục người dân nông thôn Bhutan rằng việc mơ làm giàu là không khôn ngoan. Thay vào đó, họ nên trân trọng những giá trị quý giá sẵn có: không khí trong lành, nước sạch, và môi trường tự nhiên nguyên sơ. Vấn đề nhà ở có thể giải quyết được, còn lại thì họ đang sống trong những điều kiện rất lý tưởng. Do đó, tôi khuyến khích họ không nên rời làng quê hay ra nước ngoài, vì trong thời kỳ khủng hoảng môi trường hiện nay, sống ở đây chính là một lối sống bền vững và hạnh phúc.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy kết quả rõ rệt của những dự án này trong vài năm tới. Dù không thể làm cho các cộng đồng ấy trở nên giàu có, nhưng chúng tôi mong muốn giúp họ có một cuộc sống ổn định, tiện nghi và bền vững hơn.
BDG: Ngoài những vấn đề mà chúng ta đã đề cập, theo Thầy, đâu là những việc cấp thiết nhất hiện nay cần được giải quyết?
Tôn giả Pomnyun Sunim: Hiện nay, tái thiết Syria là một nhiệm vụ rất lớn, sau 12 năm nội chiến, nhiều thành phố đã bị tàn phá nghiêm trọng. Thêm vào đó, trận động đất lớn năm 2023 càng khiến cho công cuộc tái thiết trở nên gian nan. Syria hiện không có đủ nguồn thu nhập trong nước, trong khi sự hỗ trợ quốc tế lại rất hạn chế. Một nửa dân số đã rời bỏ đất nước để tị nạn. Ngay cả khi họ trở về, nhà cửa đã sụp đổ, trường học bị phá hủy, không có điện, và bệnh viện thì hoàn toàn vắng bóng, điều đó khiến cho việc mưu sinh trở nên bất khả.
Cũng giống như người Hàn Quốc, người Syria rất coi trọng giáo dục. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của họ là hỗ trợ xây dựng lại trường học. Chúng tôi đang trao đổi với chính phủ Syria về việc tái thiết các trường học và bệnh viện, tuy nhiên, quy mô của quốc gia này rất lớn và khả năng của chúng tôi có giới hạn.
Hiện tại, ba quốc gia mà tôi cho rằng cần được quan tâm nhiều nhất là:
1. Bắc Triều Tiên, vì tình trạng thiếu lương thực vẫn chưa được giải quyết.
2. Myanmar, nơi người dân đang chịu thiếu hụt lương thực và thiệt hại nặng nề sau trận động đất.
3. Syria, quốc gia đang đối mặt với những khó khăn sâu sắc trong công cuộc tái thiết quốc gia, và chúng tôi đang bàn bạc để tìm hướng hỗ trợ phù hợp.
Cả ba nơi đều đang trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng và có tính hệ thống, cần sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế.
BDG: Một lần nữa xin cảm ơn Thầy vì sự chia sẻ đầy từ bi và thời gian quý báu của Thầy.
* Bài phỏng vấn được thực hiện nhân dịp Tôn giả Pomnyun Sunim được trao tặng Giải thưởng Hòa bình Niwano lần thứ 37.
Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Tâm Nguyện/Nguồn: buddhistdoor.net
Bình luận (0)