Tác giả: Thích nữ Liên Truyền[1]
1. Dẫn nhập
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng, tinh thần nhập thế là triết lý hành động của Phật giáo, được thể hiện qua việc nhân sĩ Phật giáo tham gia vào các phương diện văn hoá, chính trị, kinh tế, giáo dục của đất nước. Chính vì những hành động thiết thực này, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam, tiếp nối tinh thần nhập thế của các Thiền sư thời Đinh - Lê - Lý - Trần, tăng, ni, phật tử thể hiện hành động nhập thế của mình trong công cuộc đấu tranh đòi hòa bình, chống lại sự cai trị tàn bạo của chế độ độc tài, một lần nữa đã làm sống dậy quá khứ huy hoàng về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, điển hình là Ni trưởng Huỳnh Liên với tinh thần nhập thế mãnh liệt đã đồng cam cộng khổ, đồng hành với dân tộc vượt qua khúc quanh lịch sử, góp phần viết nên trang sử vàng cho Phật giáo Việt Nam.

Bài viết dựa trên những công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối về lịch sử Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, tiểu sử của Ni trưởng Huỳnh Liên và tác phẩm “Đoá sen thiêng”..., người viết mong muốn trình bày tinh thần nhập thế của Ni trưởng Huỳnh Liên trong công cuộc đấu tranh vì hoà bình dân tộc, những hoạt động này đã thể hiện tinh thần nhập thế mạnh mẽ của đạo Phật Khất sĩ nói riêng và công cuộc phục vụ nhân sinh của Phật giáo Việt Nam nói chung.
Từ khoá: Ni trưởng Huỳnh Liên, tinh thần nhập thế, Ni giới Khất sĩ
2. Khái niệm và bối cảnh ra đời của Phật giáo nhập thế
Trước khi bàn về tinh thần nhập thế của Ni trưởng Huỳnh Liên, điều đầu tiên chúng ta cần phải hiểu khái niệm “nhập thế” là gì? Nếu hiểu bên ngoài ngữ nghĩa thì “nhập” có nghĩa là đi vào, “thế” chỉ cho thế gian, cuộc đời. “Đạo Phật nhập thế” nghĩa là đạo Phật đi vào cuộc đời, đi vào xã hội. Vậy, đi vào cuộc đời, xã hội để làm gì? Để giải quyết những vấn đề của xã hội, của nhân sinh dựa theo nhân sinh quan của Phật giáo, nhằm cải biến cuộc đời theo hướng tốt đẹp hơn.
Trong lịch sử, lần đầu tiên khái niệm “nhân gian Phật giáo” được xuất hiện vào năm 1930 tại Trung Quốc. Nhưng mãi đến năm 1935, ở Việt Nam mới xuất hiện khái niệm “nhân gian Phật giáo” (tức là đạo Phật trong nhân gian) trên tuần báo “Đuốc tuệ” (ra mắt số đầu tiên ngày 10/12/1935), gắn liền với một số bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Thuật.[2]
Theo bài viết “Lịch sử đạo Bụt nhập thế”, Thiền sư Nhất Hạnh trình bày: Vào năm 1954 ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm, được Mỹ hậu thuẫn, đang cố gắng lèo lái đất nước đi theo một hệ thống ý thức hệ khác với truyền thống của nhân dân Việt Nam, đó là “công giáo hoá”, với mục tiêu vô cùng thâm độc là loại bỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Nhưng Phật giáo là tôn giáo có truyền thống lâu đời ở Việt Nam, mà đa số người Việt đều tín ngưỡng. Với mục tiêu “Công giáo hoá” và đàn áp tín đồ Phật giáo của Diệm khiến cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là tăng, ni và phật tử có chung tâm lý hoang mang tột độ.
Vì muốn chia sẻ tuệ giác của đạo Phật, chỉ ra hướng đi tâm linh có khả năng giúp người dân thoát khỏi tình trạng hoang mang nên Thiền sư Nhất Hạnh đã viết một loạt 10 bài đăng trên tờ nhật báo Dân chủ với tựa đề “Đạo Phật qua nhận thức mới”, trong đó có đề cập đến khái niệm về “Đạo Phật nhập thế”- Phật giáo trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, chính trị... Như vậy chúng ta thấy khái niệm “Đạo Phật nhập thế” đã xuất hiện vào năm 1954.
Thiền sư Nhất Hạnh giải thích: “Phật giáo nhập thế” là đạo Phật tham gia giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhân sinh và xã hội, ví dụ như tình trạng biến đổi khí hậu, chiến tranh, nghèo đói, tự tử, ly hôn, tệ nạn xã hội…, cụ thể: “…đạo Bụt nhập thế là đạo Bụt đáp ứng được với những gì diễn ra ngay bây giờ và ở đây.”[3]
Tác phẩm Đạo Phật đi vào cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản năm 1964, vốn tập hợp các loạt bài của Thiền sư đã viết vào thập niên 50 của thế kỷ XX. Tên của quyển sách một lần nữa đã thể hiện rõ nét về “tinh thần nhập thế” của đạo Phật, theo đó Thầy Nhất Hạnh giải thích: “đem đạo Phật đi vào cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của cuộc sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời.”[4]
Tóm lại, theo Thiền sư Nhất Hạnh: “Đạo Bụt nhập thế, về nghĩa tiếng Việt được hiểu là đạo Bụt đi vào cuộc sống, đạo Bụt đi vào xã hội. Tiếng Trung Quốc gọi là ‘nhân gian Phật giáo’, tiếng Việt gọi là ‘đạo Bụt nhập thế’.”[5]
“Nhập thế” chính là bản chất tự thân của Phật giáo, bởi lẽ nếu Phật giáo không đi vào cuộc đời thì sau khi thành đạo, đức Phật đã an hưởng vô vi Niết-bàn, sẽ không có 45 năm đi vào cuộc đời để hoằng pháp độ sinh. Trong quá trình truyền thừa của Phật giáo, nếu chư đệ tử không có tinh thần nhập thế, không dùng giá trị của Phật giáo để giải quyết những vấn đề của nhân sinh thì đạo Phật sẽ không phát triển và sẽ không trở thành một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới.
Trong Kinh Tương ưng bộ, đức Phật đã khuyến khích các Tỳ-kheo đi vào cuộc đời để hành đạo như sau: “Này các Tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hâu thiện, có văn có nghĩa.”[6]
3. Ni trưởng Huỳnh Liên và sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình cho dân tộc
3.1 Ý thức yêu nước của Ni trưởng Huỳnh Liên trước và sau khi xuất gia
Trước khi xuất gia
Ni trưởng Huỳnh Liên thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh năm 1923, Người sinh ra và lớn lên trong lúc đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chiến tranh khói lửa khắp nơi nơi, “nên mặc dầu đã là phật tử tu tại gia theo truyền thống của một gia đình Phật giáo từ năm 20 tuổi (1943) tại Phật đường Minh Sư”[7] nhưng khi cách mạng bùng nổ vào năm 1945, khi vừa tròn 22 tuổi, do ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của người cậu Lê Quý Đàm[8] nên cô gái trẻ Nguyễn Thị Trừ cùng với bạn bè hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh giành chính quyền ở địa phương.
Ngày 23/09/1945, chưa đầy một tháng sau ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, thực dân Pháp núp dưới quân đội Anh vào giải giáp ở Sài Gòn với âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đứng trước sự trở lại của thực dân Pháp, quân dân ta vì muốn bảo tồn lực lượng, cách mạng tạm lui vào bưng biền. Cô gái Nguyễn Thị Trừ lúc đó cũng gác lại mọi việc, quay trở về với am tranh của người dì ở Phú Mỹ để ẩn mình.
Sau khi xuất gia
Sau khi xuất gia với Tổ sư Minh Đăng Quang vào năm 1947, với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ, Ni trưởng được đức Tổ sư giao trọng trách tiếp độ chúng Ni và hướng dẫn chư Ni tu học. Từ khi Tổ sư vắng bóng năm 1954, Ni trưởng một mình lèo lái chiếc thuyền Khất sĩ, đồng thời, Ni trưởng nhận thấy chỉ có đất nước thanh bình thì đạo Phật mới được hưng thịnh, chính vì thế mà người nữ lưu yếu ớt ấy gánh trên vai hai trách nhiệm: Vừa tham gia đấu tranh đòi hoà bình, vừa lèo lái chiếc thuyền Ni giới Khất sĩ đi đúng quỹ đạo.
Như chúng ta đã biết, đạo Phật vốn là một tôn giáo hoà bình và đề cao tinh thần từ bi, trí tuệ.
Trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh thì những người con Phật phải có trách nhiệm đấu tranh vì hoà bình dân tộc là lẽ đương nhiên, tuy nhiên cách thức đấu tranh của tăng, ni và phật tử dựa trên tinh thần bất bạo động, thể hiện qua các hoạt động mít-tinh biểu tình, dùng thơ văn làm vũ khí đấu tranh hoặc dùng từ bi làm khí cụ để chống bạo quyền, như bài “Tôi yêu Phật giáo Việt Nam” có đoạn viết:
“Từ bi khí cụ yếu mềm,
Đối đầu độc thủ bạo quyền võ trang”.
Như vậy chúng ta thấy, nhân sĩ Phật giáo, đã dùng những phương thức đấu tranh hết sức đặc biệt, để đòi hòa bình cho dân tộc mà không gây ra bất cứ cuộc đẫm máu nào. Bởi lẽ, khi một người đổ máu, bất luận là bên giặc hay bên ta đều gây ra đau thương cho họ và chính gia đình họ, điều này không đúng với tinh thần từ bi của Phật giáo.
Trong cảnh đất nước bị đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền đàn áp gây bao đau khổ cho đồng bào, trong đó có nhiều tín đồ Phật giáo bị áp bức bất công. Điều này đã khiến Ni trưởng Huỳnh Liên xung phong tham gia phong trào đấu tranh ôn hoà theo cách riêng của mình.
3.2 Tham gia mít-tinh biểu tình, đòi hoà bình cho dân tộc
Những năm 1960, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo, mà cao điểm là biến cố Phật giáo năm 1963 đã góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh lên đến đỉnh điểm, Ni trưởng ý thức được người con Phật cũng là công dân đất nước, nên phải có trách nhiệm với đất nước là điều hiển nhiên, như lời bộc bạch trong bài thơ “Khúc thanh bình”:
Dầu tu sĩ cũng công dân đất nước
Vì tình thương, vì đạo đức đấu tranh
Cho tự do trong độc lập hòa bình
Cho hạnh phúc trong phồn vinh vĩnh cửu.
Trong lúc đất nước lâm nạn binh đao thì người con Phật không thể nào an nhiên tĩnh toạ:
Chiến tranh nữa mười năm khốc liệt,
Ngày ngày đưa, đám chết thanh niên.
Đau lòng tự hỏi liên miên,
Tu chờ người chết cầu lên cõi nào?
Sao chẳng nhập phong trào quần chúng,
Cùng đấu tranh không súng không gươm.[9]
Ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, nên trong Mặt trận Giải phóng miền Nam lúc bấy giờ, đâu đó cũng có hình bóng của tăng, ni và cư sĩ, phật tử. Với tư cách là người đứng đầu Ni giới Khất sĩ, Ni trưởng đã lãnh đạo toàn Ni giới và khuyến khích phật tử tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và quyền dân sinh, dân chủ của Phật giáo, của sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định. Phong trào lần lượt lan rộng và phát triển mạnh ở các tỉnh Trung Bộ như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng.
Chiến tranh ngày càng leo thang, các phong trào của sinh viên, học sinh ngày càng quyết liệt. Trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng này, vào ngày 02/08/1970, phong trào Phụ nữ đòi quyền sống được ra mắt tại chùa Ấn Quang do luật sư Ngô Bá Thành làm chủ tịch và Ni trưởng làm cố vấn, trụ sở đặt tại tịnh xá Ngọc Phương, với tuyên ngôn “Đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập một chính phủ thật sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ.”[10]

Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống được thành lập là sự kiện nổi bật lúc bấy giờ, được báo chí Sài Gòn đăng tin rầm rộ, vì có mục tiêu hành động rõ ràng cho công cuộc đấu tranh vì tự do. Trong bài thơ “Ba mươi năm diễn tiến”, Ni trưởng viết:
Rồi từ đó lao đầu hoạt động
Chẳng tị hiềm lửa bỏng dầu sôi.
Trước đi vào giữa vạn người
Sau cùng tranh đấu, dẻo dai với mình
Biểu tình lại biểu tình tới tấp
Yêu sách rồi yêu sách dẳng dai.
Vốn là người nữ lưu hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, với tư chất thông minh bẩm sinh và hiểu biết rộng, Ni trưởng đã thành công trong việc tổ chức những hoạt động hòa bình tạo ra ảnh hưởng lớn trong nước và nước ngoài, bằng chứng vào ngày 18/10/1970, là người đầu tiên khởi xướng thành công lễ “xuống tóc vì hoà bình”, sau khi buổi lễ kết thúc nhận được sự ủng hộ đông đảo của mọi người, đặc biệt được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đánh giá cao, vì “có tác động mạnh mẽ đến gia đình viên chức và binh sĩ ngụy.”[11]
Ngoài ra các hoạt động vì dân tộc, thể hiện tinh thần nhập thế rõ nét được lịch sử ghi nhận như sau:
Ngày 25/10/1970, Ni trưởng cùng với lực lượng các giới đã tham gia mít-tinh chống Mỹ- Nguỵ.
Đến ngày 07/11/1970, Ni trưởng tiếp tục tổ chức mít-tinh và ra tuyên ngôn 10 điểm vì hoà bình của Mặt trận Dân tộc tranh thủ hoà bình.
Ngày 22/11/1970, Ni trưởng cùng với Ban lãnh đạo phong trào thành lập chi nhánh phong trào Phụ nữ đòi quyền sống ở Cần Thơ.
Ngày 01/01/1971, Ni trưởng tham gia cùng phong trào học sinh, sinh viên, phong trào dân tộc tự quyết, Uỷ ban cải thiện chế độ lao tù tổ chức mít-tinh, diễu hành yêu cầu thả tù chính trị.
Ngày 05/01/1971, Ni trưởng phối hợp với Hội phụ nữ quốc tế, cùng lên án chiến tranh, đòi lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Từ đầu năm 1971 đến tháng 11/1971, địch đàn áp khốc liệt, bắt giam lãnh đạo của phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận Nhân dân tranh thủ Hòa bình làm cho các phong trào như rắn không đầu. Ni trưởng đã dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm, tiếp tục cùng các đoàn thể khác đấu tranh bằng những biện pháp hết sức thông minh[12], yêu cầu chính quyền Sài Gòn phải thực hiện đầy đủ các yêu sách chính đáng của nhân dân. Kể từ đó, danh hiệu và hình ảnh các nhà Sư nữ hiên ngang đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc ở thế kỷ XX, hình ảnh “đội quân đầu tròn” (tu sĩ) hoạt động song song với “đội quân tóc dài” (phụ nữ). Biểu tình, tuyệt thực, mít-tinh liên tục tại các công viên, Dinh Độc Lập,chợ Bến Thành, nếm trải biết bao lựu đạn cay, dùi cui, ma trắc. Quý tu sĩ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, thậm chí bị thủ tiêu trong bóng tối. Dầu vậy, càng bị khủng bố thì tinh thần đấu tranh càng cao.
Các Ni sư Khất sĩ ngồi tuyệt thực trước Dinh Độc Lập, chỉa loa vào Dinh hô vang: “Phải chấm dứt độc tài, độc diễn. Tổng thống Thiệu phải từ chức. Mỹ phải cút khỏi miền Nam Việt Nam”.[13] Những hoạt động này của Ni trưởng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần bất khuất và anh dũng của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc chống Mỹ xâm lược, được các giới trong và ngoài nước biết đến với sự khâm phục và kính trọng. Các hành động này khiến cho ngụy quyền lúng túng và bắt buộc phải thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và quần chúng nhân dân. Đồng thời trong giai đoạn này, các phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục diễn ra rất sôi động, với mục tiêu rõ ràng như đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thực hiện Hiệp định Paris, đòi hoà bình, hoà giải, hoà hợp dân tộc.
Ni trưởng tham gia phong trào chống Mỹ - Ngụy rất nhiệt tình, song song với việc đấu tranh công khai, bên trong tịnh xá Ni trưởng bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng và hỗ trợ hậu cần. Như chúng ta biết trong thời chiến, cuộc sống muôn vàn khó khăn, rất nhiều người không có việc làm, lo cơm ba bữa cho gia đình không phải chuyện dễ, vậy mà Ni trưởng là bậc Trưởng Ni giới Khất sĩ, một mặt vất vả chăm lo cho cuộc sống cho chư Ni trong hệ phái, mặt khác Ni trưởng nhịn ăn nhịn mặc, kêu gọi bá tính quyên góp, để giúp đỡ tài chính cho các cơ sở cách mạng. Đây là tinh thần nhập thế tích cực, đáng trân trọng trong bối cảnh đất nước lâm nguy thiếu thốn, rất cần sự giúp đỡ của những nhân vật có tấm lòng yêu nước như vậy.
3.3 Thái độ và hành động khi bị giám sát và giam lỏng (1970-1975) dưới chế độ Mỹ - Ngụy
Trong thời điểm này, mọi hoạt động ở tịnh xá Ngọc Phương hầu như dồn hết cho việc giải phóng miền Nam. Chính vì thế mà tịnh xá Ngọc Phương bị chính quyền Sài gòn lúc bấy giờ “chiếu cố” và bị hàng rào kẽm gai bao bọc, phong toả.[14] Mặc dầu vậy, Ni trưởng và chư Ni đã vượt qua hàng rào kẽm gai, kết hợp với Ni trưởng Ngoạt Liên từ Biên Hoà xuống, cùng nhau tập trung trước nhà hát Lớn Sài Gòn quyết liệt phản đối ngụy quyền phong toả tịnh xá Ngọc Phương, đồng thời yêu cầu thả tù chính trị, các nhân sĩ yêu nước, sinh viên, học sinh.
Từ năm 1974, tình hình tịnh xá Ngọc Phương ngày càng căng thẳng, bị phong toả gắt gao, có công an cảnh sát canh gác nghiêm mật nhằm giam lỏng và kiềm hãm các hoạt động yêu nước của Ni trưởng. Vì muốn phản đối sự phong toả của ngụy quyền, Ni trưởng đã cho dựng một giàn hoả thiêu dã chiến ngay trước cổng tịnh xá, nếu bị chính quyền tấn công đàn áp thì sẽ hy sinh tập thể để phản đối, quyết không khuất phục trước ngụy quyền.
Ni trưởng cho rằng nếu bị chính quyền đàn áp trước sau gì cũng chết, chết dưới sự đàn áp của chính quyền tay sai là cái chết trong tủi nhục, chi bằng tự thiêu tập thể, dùng chính cơ thể của mình làm ngọn đuốc nhằm báo động cho cả nước và thế giới biết về tình trạng vi phạm nhân quyền, sự cai trị tàn bạo của chính quyền lâm thời, nếu chuyện này xảy ra thì các giới trong nước và quốc tế sẽ thấy được tinh thần bất khuất của “đội quân đầu tròn” trong cuộc đấu tranh bất bạo động và sự tàn ác của ngụy quyền. Nếu bị thế giới can thiệp và lên án sẽ khiến ngụy quyền có nguy cơ sụp đổ, đó là ý nguyện của Ni trưởng khi cho chất một giàn thiêu dã chiến ngay trong sân tịnh xá. Sự kiện lịch sử này, được Ni trưởng thể hiện rất rõ trong bài thơ “Ba mươi năm diễn tiến”:
Cùng biểu tình, vang rền khẩu hiệu
Chống độc tài bẩn thỉu chiến tranh.
Đạn bom giết trẻ đầu xanh,
Độc tài đàn áp tu hành nữ lưu.
Ngụy quyền sợ nguy cơ đấu dịu,
Nhốt thầy chùa, sư tiểu như nhau.
Công an cảnh sát bọc rào,
Bất xuất bất nhập chất cao hoả đài.
Đợi tấn công châm ngay ngòi lửa,
Cháy chùa rồi khó chữa ngôi cao.
Miệng mồm mắm muối tương chao,
Chùa chưa kịp cháy ngôi cao ngã rồi.
Tịnh xá Ngọc Phương căng thẳng từ tháng 08/1970 đến 12 giờ trưa ngày 29/04/1975 mới được buông tha.
“Hoà bình đến đạo đời giải nạn,
Tháo xích xiềng nắng hạn mừng mưa.
Ba mươi giải phóng thành đô,
Mà ngày hăm chín cửa chùa còn canh”.
Ngày 04/10/1974, Ni trưởng Huỳnh Liên dẫn đầu đội quân gồm các nhà Sư nữ phối hợp với Ủy ban Chống tịch thu báo chí tổ chức mít-tinh tại chợ Bến Thành để phản đối chính quyền tịch thu báo và tiến hành “đọc báo nói cho đồng bào tôi nghe” qua loa đài, sự việc đã thu hút hàng ngàn người tham gia.
Ngày 10/10/1974, Ni trưởng tham gia “Ngày Ký giả ăn mày” mang bị gậy diễu hành quanh chợ Bến Thành rồi đến mít-tinh trước Hạ nghị viện, gây ra trận xung đột lớn giữa binh lính ngụy và đoàn biểu tình, trong bài “Cây tự do” miêu tả sự kiện này như sau:
Ngày Ký giả ăn mày, ôi cảm xúc!
Bị vai mang và gậy trúc cầm tay.
Nón lá cời khó nhận diện ra ai,
Ngực mang bảng chống độc tài bức bách.
“Tần Thủy Hoàng chôn học trò đốt sách”,
“Luật oan khiên Ký giả phải ăn mày”,
Bước lom khom dưới nắng sớm trời mai,
Rừng cảnh sát dàn chào thêm ngoạn mục![15]
Kết quả cuộc xung đột đã khiến hai Ni cô và một số sinh viên bị thương phải đưa vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.
3.4 Tham gia các hoạt động chính trị-xã hội sau giải phóng (1975-1987)
Cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam cuối cùng cũng đến hồi chấm dứt, giống như quy luật vô thường của cuộc sống, tất cả vạn vật trên thế gian không có gì tồn tại mãi mà không bị thay đổi, chiến tranh cũng thế, rồi cũng sẽ có ngày kết thúc, nhưng là kết thúc trong thất bại hay thắng lợi mà thôi. Thật may mắn và vinh dự cho dân tộc Việt Nam, khi đại chiến mùa Xuân năm 1975 hoàn toàn thắng lợi, đưa dân tộc Việt Nam bước sang thời kỳ mới, thời kỳ độc lập.
Sau thời kỳ đất nước giải phóng, Ni trưởng vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội như:
Ni trưởng Huỳnh Liên được vinh dự làm Đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981).
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khóa I và II (1976-1987).
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Tp. Hồ Chí Minh.
Trên đây là những hoạt động nhập thế trên phương diện đấu tranh vì hoà bình dân tộc của Ni trưởng Huỳnh Liên đã được ghi nhận trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, những sự kiện này đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống hộ quốc an dân và tinh thần nhập thế tích cực của các vị thiền sư Việt Nam thời Đinh - Lê - Lý - Trần. Với triết lý hành động thiết thực này, Ni trưởng Huỳnh Liên đã viết nên trang sử vàng cho Ni giới Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
4. Kết luận
Qua những phân tích ở trên cho thấy, những hành động thiết thực của Ni trưởng Huỳnh Liên được thể hiện qua công cuộc đấu tranh vì hoà bình bình dân tộc, đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến dân tộc và đời sống nhân dân. Những hành động này đã thực sự thể hiện tinh thần nhập thế tích cực của tăng, ni Phật giáo trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Xin mượn lời của Hòa thượng Thích Trí Quảng thay cho lời kết: “Tóm lại, quan sát cuộc sống tu hành của Ni trưởng, chúng ta rút ra bài học làm thế nào để hành đạo, lợi ích cuộc đời mà không câu nệ giáo pháp. Qua một số việc làm của Ni trưởng, tôi thiết nghĩ đó là tấm gương sáng cho Ni giới Khất sĩ nói riêng và những người tu hành nói chung”.
Tác giả: Thích nữ Liên Truyền
Tài liệu tham khảo:
1. Hoà thượng Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, NXN. Hồng Đức.
2. Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Đoá sen thiêng, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.
3. Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (chủ biên), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, NXB. Đại học Hà Nội, 2018.
4. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, NXB. Lá Bối, Sài Gòn, 1964.
5. Thích Nhất Hạnh, “Lịch sử đạo Bụt nhập thế”, https://phatgiao.org.vn/lich-su-dao-but-nhap-the-d24940.html
6. Chân Minh, Nhân gian Phật giáo tới đạo Bụt ứng dụng,https://phatgiao.org.vn/nhan-gian-phat-giao-toi-dao-but-ung-dung-d20821.html
7. Nhật Huy - Thích Nữ Khiêm Liên, Ni Trưởng Huỳnh Liên - Cuộc đời và đạo nghiệp, NXB. Hồng Đức, 2016.
8. Thích Như Nguyệt (chủ biên), Hành trạng chư Ni Việt Nam, NXB. Tôn giáo, 2007.
9. Dương Hoàng Lộc, Một tấm gương phụng sự đạo pháp và dân tộc, đăng trên tập san Hoa Đàm.
10. Hòa thượng Thích Giác Toàn (chủ biên), 64 ngôi tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Lâm - Nguyễn Hữu Việt, Hệ phái Khất sĩ sau thời trụ xứ, Viện nghiên cứu Tôn giáo.
12. Ni trưởng Ngoạt Liên, Ni giới Khất sĩ - Một dấu ấn trước dòng thời gian, tham khảo trên trang https://nigioikhatsi.net/giao-phap-ks/ni-gioi-khat-si-mot-dau-an-truoc-dong-thoi-gian_6290.html.
13. Nguyễn Túc, Ni trưởng Huỳnh Liên - Hiện thân của đạo pháp và dân tộc, được đăng trên trang https://www.phattuvietnam.net/ni-su-truong-huynh-lien-hien-than-cua-dao-phap-va-dan-toc/.
14. https://nigioikhatsi.com/tinh-xa-ngoc-uyen/
15. https://nigioikhatsi.net/tieu-su-nt-huynh-lien/tieu-su-ni-truong-huynh-lien.html
Chú thích
[1] Nghiên cứu sinh tại ĐH Tây Bắc, Trung Quốc.
[2] Để hiểu rõ hơn về sự ra đời của “nhân gian Phật giáo” xin tham khảo bài viết “Nhân gian Phật giáo tới đạo Bụt ứng dụng” của tác giả Chân Minh tại https://phatgiao.org.vn/nhan-gian-phat-giao-toi-dao-but-ung-dung-d20821.html
[3] Thích Nhất Hạnh: “Lịch sử đạo Bụt nhập thế”, https://phatgiao.org.vn/lich-su-dao-but-nhap-the-d24940.html
[4] Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, NXB. Lá Bối, Sài Gòn, 1964, tr. 41.
[5] Như trên
[6]HT Thích Minh Châu (dịch), “KinhTươngƯngBộ”, ViệnnghiêncứuPhậthọcViệt Nam, NXB.HồngĐức, tr 126.
[7] http://daophatkhatsi.vn/tieu-su-ni-truong-huynh-lien.html
[8] Lê Quý Đàm là em trai của bà thân mẫu Ni trưởng Huỳnh Liên. Ông tham gia cách mạng từ những năm 1930, là Đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ nhỏ Ni trưởng được học Pháp văn và tư tưởng cách mạng với người cậu này. Khi thực dân Pháp xâm lược, người cậu này đã ra đi chống giặc ngoại xâm theo tiếng gọi của Tổ quốc.
[9] Ni trưởng Huỳnh Liên, “Ba mươi năm diễn tiến”, trích trong Đoá sen thiêng, NXB.Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 172.
[10] Ni trưởng Ngoạt Liên, “Ni giới Khất sĩ - Một dấu ấn trước dòng thời gian”,theo https://nigioikhatsi.net/giao-phap-ks/ni-gioi-khat-si-mot-dau-an-truoc-dong-thoi-gian_6290.html.
[11] Nguyễn Túc, “Ni Trưởng Huỳnh Liên - Hiện thân của đạo pháp và dân tộc”, theo https://www.phattuvietnam.net/ni-su-truong-huynh-lien-hien-than-cua-dao-phap-va-dan-toc/
[12] http://daophatkhatsi.vn/tieu-su-ni-truong-huynh-lien.html
[13] Thích Nữ Khiêm Liên, “Ni Trưởng Huỳnh Liên - Cuộc đời và đạo nghiệp”phần 1, theo https://nigioikhatsi.net/cac-bai-viet-tuong-niem/ni-truong-huynh-lien-cuoc-doi-va-dao-nghiep-phan-1.html
[14] Năm 1973, chính quyền Sài Gòn ra lệnh làm kẽm gai sơ sài bao quanh tịnh xá Ngọc Phương, tức còn ra vào được. Nhưng đỉnh điểm là đến tháng 02/1974 mới siết chặt an ninh, tăng cường làm hàng rào kẽm gai và phong toả, có cảnh sát canh gác nghiêm mật. Đến trưa ngày 29/04/1975 mới được gỡ phong toả.
[15] Ni Trưởng TN Huỳnh Liên: Đoá Sen Thiêng, nxb tổng hợp TP.HCM, 2012, tr 263.
Bình luận (0)