Chùa Kim Liên tức Kim Liên tự (Bông Sen Vàng) được xây dựng trên mảnh đất ven Hồ Tây, thuộc địa phận làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ một cung điện của công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), đã đem cung nữ tới khu vực này, trồng dâu nuôi tằm, mở ra trại Tầm Tang (tằm dâu). Đến đời Trần, trại Tầm Tang được đổi tên thành phường Tích Ma (dệt gai). Cuối đời Trần cũng bị đổ nát, người địa phương nhân đó dựng chùa và đặt tên là Đống Long. Sang đời Lê, tên Tích Ma được đổi thành Nghi Tàm.
Theo bia "Đại Bi tự bi ký" dựng năm Thái Hòa nguyên niên (1443), cho biết chùa được xâydựng vào thời Lê Nhân Tông (1442 - 1459) và có tên là Đại Bi tự. Đây là một trong những tấm bia đá cổ nhất hiện được biết đến trên đất Hà Nội. Chùa đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần trong thời Lê - Trịnh và đã được chúa Trịnh đổi tên thành Kim Liên tự.
Đến thời Tây Sơn chùa được mở rộng, làm thêm nhà tiền đường. Trên thượng lương chùa Hạ và chùa Thượng cũng như trên tấm bia đặt bên trái tiền đường còn ghi rõ niên hiệu Quang Trung ngũ niên (Quang Trung năm thứ 5). Lời trong văn bia ghi: "Tháng trọng năm Nhâm Tý (1792), nhân dân trong phường chữa lại chùa, xây thêm tiền đường". Diện mạo của chùa Kim Liên còn lại như ngày nay là di sản của kiến trúc chủ yếu thời Tây Sơn.
Chùa có kiến trúc độc đáo. Tam quan chùa là một hàng cột gỗ tròn, bên trên có hệ con sơn đua ra ở tầng dưới, thu hẹp dần ở tầng trên, đỡ bộ vì mái với những tàu đao vút cong thanh thoát. Đôi cột cái ở giữa to cao, nâng dải mái giữa vươn lên tạo thành cổng lớn cao rộng hơn hai bên. Nhìn từ xa tam quan chùa Kim Liên như một cánh diều no gió đang vượt khỏi lũy tre làng bay lên trời cao. Trong tam quan chùa còn có những bức chạm trổ mặt gỗ hình rồng, hoa lá hết sức tinh xảo, uyển chuyển, huyền ảo. Tam quan chùa là một dạng kiến trúc độc đáo đượm dáng vẻ cung đình. Trước đây các đòn bẩy đủ sức đỡ các tàu mái không cần trụ đỡ; đến đời sau, người ta mới xây thêm các trụ gạch để đỡ mái tam quan.

Chùa gồm ba dãy nhà được bố trí theo hình chữ "tam", cả ba dãy nhà được bố trí theo kiểu chồng diêm, mỗi dãy nhà có hai tầng mái, mỗi tầng gồm bốn mái.
Ba dãy nhà là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng được xây trên một mặt bằng gọn ghẽ theo một trục đối xứng từ tam quan đến nhà Tổ. Chân các cột đều được kê trên các tảng đá chạm hình hoa sen cách điệu.
Chùa có nhiều tượng Phật đẹp, nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (đã chuyển sang chùa Quán Sứ). Tượng Văn Thù ở thế đứng, hai ống tay ép sát ngực, hai bàn tay chắp lại, nét mặt trầm ngâm. Tượng Xá Lợi có nét mặt đăm chiêu, khuôn mặt khắc khổ, hàng xương sườn hai bên phơi lộ ra, có dáng dấp như tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương. Trong chùa còn có tượng Tôn Ngộ Không, nhìn từ phía nào cũng thấy hình không đứng im. Chùa còn có một pho tượng hình dáng một trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay cầm hốt, đầu đội mũ miện. Theo văn bia ở chùa thì đây có thể là một vị hòa thượng giám tự, nguyên là nội thị của chúa Trịnh ngày xưa, đã tu ở chùa và vì có công với chùa nên được tạc tượng để thờ.

Gian giữa chùa có bức hoành phi "Hoằng uẩn" (đạo lý sâu sắc và rộng rãi) được làm từ năm 1870; còn bức hoành phi "Liên Hoa hải hội" (cảnh sum vầy vui đẹp ở nước Phật) thì mới được làm từ năm 1930.
Chùa Kim Liên lưu giữ được nhiều bia cổ, trong đó có bia "Đại Bi tự ký" dựng năm Thái Hòa nguyên niên đời vua Lê Nhân Tông (1443). Trang trí trên bia rất gần với những bia cùng thời đó như bia Vĩnh Lăng (Lam Kinh, Thanh Hóa).
Đặc biệt, chùa Kim Liên còn có tấm bia "Trùng tu Đại Bi tự". Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn An (bài viết về "Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt - Người soạn tấm bia ghi khắc tên nước Việt Nam ở chùa Kim Liên", đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 517, tháng 3 - 2020), tấm bia "Trùng tu Đai Bi tự" được khắc năm Dương Hòa 5 (1639) hiện được dựng bên dưới Tam quan chùa Kim Liên ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Văn bia này do Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, tự là Mai Hiên, hiệu Đức Thành, người xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong (nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) soạn. Ngô Nhân Triệt đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định 8 (1607) đời vua Lê Kính Tông.

Tấm bia "Trùng tu Đại Bi tự" cao 103 cm, rộng 70 cm, dày 20 cm. Trán bia trang trí mặt trời, rồng, phượng; diềm bia trang trí hoa lá, sư tử, cánh sen đứng. Toàn văn khắc chữ Hán chân phương cả hai mặt, gồm 56 dòng, khoảng 1500 chữ. Nội dung chính của văn bia ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa còn cho biết người đứng ra hưng công sửa chữa chùa Đại Bi (nay là chùa Kim Liên) là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liễu cùng con trai là Nguyễn Thế Trình, Tham đốc tước Đô Thọ hầu Nguyễn Thế Hựu người bản phường.

Văn bia cũng cho biết tên tuổi, quan tước của người soạn là vị Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1607), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái thường Tự khanh, Lễ phái bá Ngô Độn, người làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc soạn.
Đặc biệt đoạn đầu văn bia nhắc đến tên nước Việt Nam trong câu: "chân Việt Nam đệ nhất dã" nghĩa là: thật là một danh thắng đẹp nhất Việt Nam. Tên nước Việt Nam được sử sách nhắc đến khi nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) định đặt tên nước là Nam Việt song triều đình nhà Thanh không chấp nhận và phải đổi ngược lại là Việt Nam. Tuy nhiên danh từ Việt Nam lại xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng khá phổ biến vào thế kỷ XVII. Danh từ Việt Nam được Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt viết trong văn bia này vào năm 1639 góp thêm một tư liệu quý về lịch sử hình thành tên nước Việt Nam của chúng ta. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện một vị Tiến sĩ người trấn Kinh Bắc soạn văn bia sử dụng danh từ Việt Nam đặt tại trung tâm Kinh thành Thăng Long dưới thời Lê Trung Hưng.
Chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo, đẹp, có những tấm bia cổ, quý hiếm, có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Chùa Kim Liên được coi là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất ở Thăng Long - Hà Nội.
Tác giả: Đặng Việt Thủy - Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2025
Bình luận (0)