Tác giả: Vũ Nguyễn Khôi

Hướng tới tôn vinh di sản tâm linh và bản sắc văn hoá dân tộc, Triển lãm Văn hoá Phật giáo khai mạc lúc 10h30 ngày 05/05/2025 tại phòng triển lãm, khu vực phía bên phải Hội trường Minh Châu – Học viện Phật giáo Việt Nam (Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP. HCM), trong khuôn khổ Đại lễ Vesak LHQ 2025.

Triển lãm do Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Tổ chức Đại lễ Vesak và sự phối hợp của nhiều đơn vị văn hoá trong nước và quốc tế (Sri Lanka, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mông Cổ...).

Mục tiêu của triển lãm không chỉ là trưng bày, mà còn là một không gian sống động để lan tỏa tri thức, tôn vinh di sản và khơi dậy niềm tự hào dân tộc thông qua dòng chảy Phật giáo hơn 2.000 năm tại Việt Nam.

Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Theo KTS Đinh Việt Phương – Tổng đạo diễn chương trình, triển lãm mang chủ đề "Văn hoá Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản", với mong muốn giới thiệu diện mạo phong phú, sống động của Phật giáo Việt Nam trong bức tranh đa dạng của Phật giáo thế giới.

Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Điểm nhấn đặc biệt của triển lãm là 87 bảo vật Quốc gia – những hiện vật có giá trị vô giá, phản ánh chiều sâu lịch sử và tư tưởng Phật giáo Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng các tượng Phật, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ, mộc bản, sắc phong được lưu giữ tại các di tích và tự viện lớn từ Bắc vào Nam. Những pho tượng đã ngưng đọng hơi thở thời gian, không chỉ là tác phẩm mỹ thuật mà còn là hiện thân của đức tin và từ bi.

Việc quy tụ 87 bảo vật Quốc gia từ khắp các di tích, tự viện phía Bắc vào Nam cho triển lãm lần này không chỉ đòi hỏi nỗ lực hậu cần lớn, mà còn thể hiện sự trân quý tuyệt đối đối với di sản Phật giáo nghìn năm. Mỗi bảo vật được chuyển vào đây là một hành trình đầy thận trọng – không chỉ là hành trình địa lý, mà là hành trình gìn giữ ký ức lịch sử và tâm linh của dân tộc.

Giữa muôn vàn khó khăn về khoảng cách, khí hậu, điều kiện bảo quản, việc 87 bảo vật Quốc gia có mặt tại triển lãm lần này là một minh chứng sống động cho tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ và lòng tôn kính đối với văn hoá Phật giáo Việt Nam.

Tượng cổ Thiên Thủ Thiên Nhãn tại Triển lãm Văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak 2025, Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM). Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Tượng cổ Thiên Thủ Thiên Nhãn tại Triển lãm Văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak 2025,
Học viện Phật giáo Việt Nam (TP.HCM). Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Pháp) được cho là có nguồn gốc từ chùa Báo Ân – một trong những ngôi chùa lớn nhất Hà Nội thế kỷ XIX. Trong bối cảnh chiến tranh giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp, chùa bị tàn phá và pho tượng được Gustave Dumoutier đưa về Pháp, sau đó hiến tặng cho bảo tàng vào năm 1889.

Pho tượng bằng gỗ, phủ sơn thếp vàng, cao 151cm, thể hiện Bồ Tát trong tư thế đứng, với hàng trăm cánh tay xếp thành sáu lớp dạng cánh cung. Tượng có ba đầu, đội mũ miện hình mây gắn bảo châu, trên mũ có năm vị Phật đang thiền định, trong đó vị Phật trung tâm lớn hơn ngồi trên tòa sen. Khuôn mặt chính diện có dấu tích của con mắt thứ ba – biểu tượng của tuệ giác – đã bị lớp sơn phủ mờ. Tượng được đánh giá là một kiệt tác tiêu biểu của mỹ thuật Phật giáo Việt Nam trong tổng thể nghệ thuật Phật giáo châu Á. Đây là hình mẫu độc nhất của tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn dạng đứng trong lịch sử điêu khắc Phật giáo Việt Nam. Pho tượng đồng thời là minh chứng cho truyền thống tôn thờ Quán Âm tại Việt Nam, bên cạnh các pho tượng nổi tiếng ở Bút Tháp, Mễ Sở hay Đào Xuyên. Trong những tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn hiện biết, đây là pho tượng duy nhất mang hình tướng đứng.

Tượng cổ Tuyết sơn chùa Mía được trưng bày tại Triển lãm Văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak 2025 (TP.HCM). Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Tượng cổ Tuyết sơn chùa Mía được trưng bày tại
Triển lãm Văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak 2025 (TP.HCM).
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Tượng Tuyết Sơn tại chùa Mía (làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo đặc sắc, tái hiện giai đoạn tu khổ hạnh của Thái tử Tất Đạt Đa trên dãy Hy Mã Lạp Sơn trước khi giác ngộ thành Phật. Hình tượng Đức Phật được khắc họa trong tư thế ngồi bất đối xứng: một chân gấp ngang, một chân chống, thân hình gầy gò, hiện rõ các đường nét xương và cơ thể khắc khổ.

Trang phục chỉ là mảnh áo khoác hờ, làm lộ rõ sự tiều tụy của thể xác, thể hiện sâu sắc tinh thần dấn thân tu hành và ý chí vượt qua khổ đau của Đức Phật. Tuy nhiên, phần đầu tượng lại là một khối căng tròn, gương mặt tuy xương xẩu nhưng ánh lên nội lực mạnh mẽ, phản ánh sự chuyển hóa nội tâm từ khổ hạnh đến giác ngộ. Nghệ thuật tạo hình với các nếp gấp áo, khối lõm thân thể và cấu trúc khung xương đã khắc họa chân thực một giai đoạn đầy thử thách trong hành trình tu tập của Đức Thích Ca. Tượng Tuyết Sơn chùa Mía là biểu tượng của tinh thần kiên định và quá trình tìm kiếm chân lý, đồng thời là minh chứng cho trình độ tạo hình điêu luyện và tư tưởng Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam thế kỷ XVII.

Ngoài ra, còn một số tượng cổ khác:

Bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Linh Ứng được trưng bày tại Triển lãm.
Bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Linh Ứng được trưng bày tại Triển lãm.
Tượng Quán Âm toạ sơn chùa Mía được trung bày tại Triển lãm.
Tượng Quán Âm toạ sơn chùa Mía được trung bày tại Triển lãm.
Tượng Phật Pháp Vân chùa Dâu được trưng bày tại Triển lãm.
Tượng Phật Pháp Vân chùa Dâu được trưng bày tại Triển lãm.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Một không gian nghệ thuật đương đại đặc biệt cũng được dành để giới thiệu bộ sưu tập tranh họa vàng của họa sĩ Thiên Hải – người tiên phong trong việc kết hợp mỹ thuật truyền thống với kỹ thuật xử lý kim loại hiện đại nhằm tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn tâm linh sâu sắc.

Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.
Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.

Mỗi bức tranh là kết tinh của nhiều công đoạn công phu, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tập trung tuyệt đối. Tranh được vẽ trên nền tấm đồng nguyên khối, sau đó được xử lý bằng nhiệt độ khò lửa vừa đủ để tạo ra hiệu ứng chuyển màu trên bề mặt kim loại – một quá trình đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối, bởi chỉ cần quá nhiệt hoặc sai lệch nhịp khò là bức tranh sẽ mất đi độ tinh khiết vốn có.

Tiếp đến, vàng lá nguyên chất được kiểm định bởi trung tâm Vàng bạc đá quý DOJI được dát từng lớp mỏng lên bề mặt đã xử lý, kết hợp với chất liệu sơn màu khoáng học hoặc sơn mài truyền thống để tạo nên hiệu ứng ánh sáng đặc trưng vừa lung linh như ánh nắng thiền môn, vừa trầm lắng như một lời kinh cổ vọng lên từ đáy tâm. Các chủ đề được khai thác chủ yếu là thiền định, chân dung chư Phật và Bồ tát, trong đó bố cục tối giản và biểu cảm khuôn mặt đều được tính toán kỹ lưỡng để truyền tải trạng thái nội tâm thanh tịnh.

Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.
Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.

Không chỉ là một tác phẩm hội họa, mỗi bức tranh hoạ vàng 9999 còn là một “đối tượng thiền”, nơi người chiêm ngưỡng có thể dừng lại, thở sâu và bước vào thế giới tỉnh thức, nơi ánh vàng không chỉ là sắc màu vật lý mà còn là biểu tượng của trí tuệ và từ bi soi sáng con đường giác ngộ.

Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.
Tranh hoạ vàng 9999 của hoạ sĩ Thiên Hải được trưng bày tại Triển lãm.

Không dừng ở đó, triển lãm còn giới thiệu lịch sử pháp phục Phật giáo Việt Nam – thành quả của gần một thập kỷ nghiên cứu và phục dựng. Pháp phục từ các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ được trình bày bên cạnh bản thảo thiết kế và thuyết minh ý nghĩa tượng trưng – như biểu trưng Bát Chính Đạo, Tứ Diệu Đế, và lý tưởng giải thoát.

Gian trưng bày lịch sử trang phục Phật giáo.
Gian trưng bày lịch sử trang phục Phật giáo.

Không gian triển lãm mở ra hành trình trải nghiệm văn hoá Phật giáo đa chiều: từ nhạc cụ truyền thống như chuông, mõ, đàn tranh; đến nghi thức trà đạo, làm nhang trầm thủ công truyền thống,... những hoạt động kết nối người xem với hơi thở tinh tế của đời sống thiền quán và nghệ thuật dân gian.

Sách kinh được trưng bày tại Triển lãm.
Sách kinh được trưng bày tại Triển lãm.

Các bộ kinh sách, đặc biệt là kinh “Chuyển Pháp Luân” – bài pháp đầu tiên của đức Phật được khắc in bằng ba ngôn ngữ Pali – Việt – Anh trên trụ kinh, thể hiện khát vọng lan tỏa chính pháp đến muôn nơi.

Triển lãm không chỉ nhằm chiêm ngưỡng, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo, hướng tới xây dựng một cộng đồng tâm linh biết gìn giữ, kế thừa và làm mới bản sắc trong dòng chảy hiện đại.

Với sự tham gia của tăng ni, phật tử trong và ngoài nước, Triển lãm Văn hoá Phật giáo Vesak LHQ 2025 hứa hẹn là nhịp cầu nối giữa truyền thống và đương đại, giữa Việt Nam và thế giới, góp phần hiện thực hóa chủ đề Vesak năm nay: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người – Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Tác giả: Vũ Nguyễn Khôi