4h30 sáng ngày 6/5/2025, khi ánh mặt trời còn chưa rạng rõ trên những rặng tre quanh Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), đã có những bước chân lặng lẽ mang theo chổi tre, giẻ lau, thùng nước.
Không phải ai trong số họ cũng là thành viên Ban Tổ chức, cũng không phải ai, thành phần nào cũng được nhắc tên dù mang tính bao quát trong bất cứ sự kiện nào của Đại lễ.
Những tình nguyện viên đăng ký và chưa đăng ký nhưng tham gia thầm lặng là những người đang góp phần làm nên sự trang nghiêm, thanh tịnh cho ngày hội Phật giáo quốc tế bằng tất cả tâm thành của chính mình.

Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Khi phần lớn đại biểu còn đang chuẩn bị y phục để tham dự lễ khai mạc, thì tại các hành lang, sân sau, khu vực lễ đài, hàng trăm tình nguyện viên và Ni sinh của Học viện đã bắt đầu một “thời công phu” đặc biệt: quét dọn toàn bộ lối đi chính, sắp xếp ghế ngồi, kiểm tra từng chậu hoa, từng biểu ngữ phật kỳ, từng tấm băng rôn mang thông điệp hòa bình của Vesak.

Ảnh: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
“Chúng con chỉ mong mọi thứ sạch sẽ, trang nghiêm để đón các bậc Tôn đức và quý đại biểu từ khắp nơi về đây. Cũng như mỗi người vào chùa trước khi lễ Phật đều cần rửa tay, chỉnh y, thì đại lễ cũng cần một không gian sạch sẽ, thoáng đãng.” Ni sinh Tịnh Nghiêm, đang lau bảng tên khách mời, mỉm cười chia sẻ.

Không khí sáng sớm mang theo làn sương nhẹ. Trong tiếng chuông ngân nga từ chính điện, các nhóm tình nguyện chia nhau phần việc: người lau lan can, người gom rác khô dọc con đường đại biểu sẽ đi qua, người trải thảm dẫn vào chính điện. Họ không xôn xao, không hối hả. Mọi việc diễn ra như một khóa hành thiền: chậm rãi, cẩn trọng và đầy chính niệm.
“Quét rác trên đường cũng là quét tâm. Mỗi chiếc lá khô gom lại cũng là một niệm vọng trần được buông xuống” một Ni sinh nhẹ giọng nói trong lúc đang quét dọn đường.
Từ nhiều tuần trước, Ban Tổ chức Vesak 2025 đã huy động gần 13.000 tình nguyện viên là sinh viên, phật tử, tăng ni sinh từ khắp nơi. Nhưng không phải ai cũng được giao vị trí nổi bật. Có những người làm việc cả ngày ở hậu đài không khán giả, có người âm thầm nấu ăn trong gian bếp, có nhóm đứng ở ngã ba cách lễ đài nhiều km để phân luồng xe cộ, và có cả những người chỉ có mặt để phát nước miễn phí cho khách phương xa.

Nguyễn Bảo Trân (21 tuổi), sinh viên năm ba Đại học KHXH&NV, được phân công giữ trật tự tại cổng phụ Học viện – khu vực ít người để ý. Giữa dòng người đổ về mỗi lúc một đông, Trân phải đứng hàng giờ dưới nắng, nhắc nhở, hướng dẫn, giải thích. “Mệt thì cũng có, nhưng vui vì mình đang làm điều gì đó có ích. Chúng mình không cần ai biết tên, chỉ mong mọi người được đón lễ trong bình an và hoan hỷ”.
Tinh thần ấy không xa lạ gì với người học Phật. Trong đạo Phật, đó là vô ngã vị tha – buông bỏ cái tôi, phục vụ không vì danh. Đức Phật từng dạy: “Người tu hành chân chính không tìm danh tiếng, không cầu lợi dưỡng, chỉ lấy phụng sự chúng sinh làm niềm vui.” Cũng như giọt nước hòa vào biển cả, hành động phụng sự của các tình nguyện viên là sự cống hiến không phân biệt, không mong đền đáp – một vẻ đẹp thầm lặng nhưng bền vững như những cội tùng trong chốn thiền môn.
Không chỉ có người quét dọn, gian bếp hay nhóm hậu cần, Vesak 2025 còn được gìn giữ bởi những hàng rào thầm lặng của lực lượng an ninh và đội ngũ y tế trực chiến. Dưới cái nắng gắt đầu tháng 5, những chiếc áo phản quang của đội an ninh vẫn đều đặn di chuyển quanh các tuyến đường dẫn vào Học viện Phật giáo Việt Nam. Họ không được ngồi yên, không có thời gian ngắm lễ đài, cũng không thể chắp tay lễ Phật – bởi chính họ đang là “người giữ cửa” cho sự tôn nghiêm và an toàn của đại lễ.

Nhiều người trong số họ là sinh viên quân sự, dân phòng địa phương, hoặc các bạn tình nguyện viên đã được tập huấn kỹ năng điều phối đám đông. Có bạn suốt buổi sáng chỉ đứng ở một điểm ngã tư, tay giơ bảng hướng dẫn, miệng khô vì nói liên tục. Nhưng không ai than phiền. Tất cả như thể đã “giao thân” cho sự kiện thiêng liêng này, mang tinh thần hộ trì chính pháp.
Cạnh đó, đội ngũ y tế tuy ít được chú ý lại là tuyến bảo vệ sau cùng, sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào. Trong một căn phòng nhỏ bên hông chính điện, các bác sĩ và y sĩ tình nguyện trực xuyên lễ, không rời điện thoại, không rời bộ dụng cụ sơ cứu. Một em bé bị say nắng, một cụ già lỡ trượt ngã, hay một vị khách quốc tế cần hỗ trợ huyết áp – chỉ cần một tín hiệu, họ lập tức có mặt.
Như trong một bài kinh Tăng Chi Bộ ví người bảo hộ như “vị canh cửa thiện xảo, không để phi pháp xâm nhập đạo tràng”. Những đội ngũ an ninh – y tế Vesak hôm nay, dẫu không mang hình bóng của một thiền giả, nhưng chính họ lại là những “hộ pháp cư sĩ” giữa đời thường – lấy sự thầm lặng làm phương tiện, lấy tinh thần trách nhiệm làm đạo hạnh, để góp phần bảo vệ sự an lành và uy nghiêm cho cả một sự kiện mang tầm vóc thế giới.

Giữa cờ hoa rực rỡ, lễ đài trang nghiêm, tiếng nhạc lễ vang lên trầm hùng, có ai kịp nhớ tới những đôi tay đã cặm cụi lau sạch từng hàng ghế?
Có ai biết rằng, chiếc quạt nhỏ trên ghế khách mời là do một nhóm sinh viên tự tay đặt từng cái vào lúc 5 giờ sáng?
Có ai thấy người quét dọn nhà vệ sinh công cộng không quản ngại mùi hôi?
Nhưng chính những người ấy – không có mặt trong khung hình truyền thông, không xuất hiện trong video clip chính thức – lại là những trụ cột âm thầm của lễ hội tâm linh mang tầm cỡ toàn cầu.
Trong một thời đại dễ bị cuốn theo ánh đèn sân khấu, Vesak 2025 đã mang đến một tấm gương phản chiếu đẹp đẽ: từ bi hiện hữu trong từng hành động nhỏ và chính niệm tỏa sáng từ những nơi không ai ngờ đến nhất.
Vũ Minh Khang
Bình luận (0)