Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền - Viện Sử học

Tóm tắt

Bài viết làm rõ lai lịch, công trạng, đóng góp của Tuệ Trung Thượng Sĩ đối với lịch sử dân tộc ở thế kỷ XIII. Với những đóng góp quan trọng về mặt quân sự, tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên xâm lược, sáng tác tác phẩm, nghiên cứu thiền học,…Tuệ Trung Thượng Sĩ không chỉ là một nhà quân sự, nhà thơ mà còn là nhà tư tưởng, nhà thiền học có những công lao không nhỏ đối với xã hội Việt Nam.

Ông còn là người có tư duy triết học Phật giáo độc đáo và ảnh hưởng đến Thiền Phái Trúc lâm sơ tổ.  

Từ khóa: lai lịch, thiền sư, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đóng góp, tư tưởng.

Mở đầu

Nhà Trần đạt được thành công to lớn trong việc ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên, tạo ra sự đoàn kết quân dân một lòng, hình thành biểu tượng hào khí Đông A của thế kỷ XIII- XIV.

Thời Trần xuất hiện nhiều thiền sư gốc gác từ vương hầu tôn thất có những đóng góp quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Quá trình phát triển của Phật giáo tại Việt Nam cũng ghi nhận sự có mặt và lan tỏa những ảnh hưởng của các thiền sư dưới thời Trần. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một trường hợp như vậy. Với các giai đoạn trong cuộc đời, trải qua nhiều chức vụ và đóng góp trên những lĩnh vực khác nhau, Tuệ Trung Thượng Sĩ thực sự là một thiền sư đặc biệt ở thế kỷ XIII.

Bài viết này tập trung tìm hiểu về Tuệ Trung Thượng Sĩ và những đóng góp cụ thể của ông đối với lịch sử đất nước trong bối cảnh đương thời.

Vài nét về Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291)

Tuệ Trung Thượng Sĩ vốn là pháp hiệu của Trần Tung, hay còn gọi là Trần Quốc Tung, được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi và phong làm Hưng Ninh Vương. Ông sinh năm 1230, tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc xã Lộc Vương, ngoại thành Nam Định, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, anh trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Lai lịch của Trần Tung có nhiều dị bản. Theo nhiều nguồn tư liệu cho biết Trần Tung là con trai của Trần Liễu, anh trai của Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, cũng có tư liệu khẳng định Trần Tung là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai của Trần Hưng Đạo. Lại thêm ý kiến cho rằng khẳng định Trần Tung là con trai của An Ninh Vương- một trong những vương hầu tôn thất nhà Trần[1]. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu để làm rõ An Ninh Vương là ai thì chúng tôi chưa có đủ tài liệu để kết luận về vấn đề này.

Mặt khác, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là một trong những vương hầu được phong đất đai lập điền trang ở phía Đông của tổ quốc, là con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo, gọi Trần Thánh Tông bằng chú, nên Trần Quốc Tảng không thể là Hưng Ninh Vương (Trần Tung). Ngay cả Lê Tắc trong sách An Nam chí lược cũng khẳng định Trần Tung là anh họ của Thế tử Trẩn Nhật Huyên/Trần Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông)[2]. Do vậy, theo quan điểm truyền thống, có thể đi tới khẳng định rằng Trần Tung là con trai của Trần Liễu, anh trai của Trần Hưng Đạo là chính xác hơn.

Tước Hưng Ninh Vương của Trần Tung là do vua Trần Thái Tông phong vào năm 1251 khi Trần Liễu (cha của ông) qua đời. Tuệ Trung Thượng Sĩ được vua Trần Thánh Tông rất kính trọng, tôn làm sư huynh; vua Trần Nhân Tông tôn ông làm thầy. Mặc dù sử không chép gì về việc Tuệ Trung có trực tiếp đào tạo ra phái Trúc Lâm hay không, nhưng qua vài lần vào chầu với vua Trần Nhân Tông và tham dự các kỳ lễ hội, có thể thấy ông cũng có những ảnh hưởng đối với thiền phái này.

Sau thời gian tham gia kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược, giữ chức Tiết Độ sứ ở vùng biển Thái Bình, thì Tuệ Trung Thượng Sĩ còn chú tâm nghiên cứu thiền học. Thời gian Tuệ Trung Thượng Sĩ theo học thầy Tiêu Dao có lẽ vẫn chưa được làm rõ nhưng qua sáng tác của ông, có thể thấy ông rất kính trọng thầy của mình.

Tuệ Trung Thượng Sĩ mất vào năm 1291 ở núi Dưỡng Chân (Hải Phòng). Hiện nay, Trần Tung được người dân Hải Phòng lập đền thờ tại thôn 11, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Đây là đền thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ, được xây dựng vào năm 2004 và thời gian trùng tu gần nhất là năm 2009. Trong đền thờ có sắc phong Hưng Ninh Vương Tuệ Trung Thượng Sĩ với nội dung tóm tắt sự tích, công trạng của ông đối với đất nước. Ngày 21-1- 2005, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng đã vinh dự đón nhận tượng đồng danh nhân Tuệ Trung Thượng Sĩ do Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Tạp chí Xưa & Nay trao tặng. Vào ngày 01 tháng 4 Âm lịch hàng năm- ngày hóa của Tuệ Trung Thượng Sĩ, người dân đã tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của ông.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)

Đóng góp về quân sự, chính trị

Sau khi được thừa kế vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay thuộc huyện Đông Triều và Tiên Hưng, Quảng Ninh) của cha, Trần Tung đã xây dựng thái ấp của mình khá vững chắc. Một trong những đặc điểm nổi bật của thời Trần là việc xây dựng quân đội và phân phong đất đai cho các vương hầu tôn thất lập điền trang, thái ấp, ở đó, họ có phủ đệ riêng, huấn luyện lực lượng lao động thành đội ngũ trở thành quân của vương hầu, sẵn sàng tham gia bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm.

Thực tế hai cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên xâm lược đã cho thấy sự đóng góp quan trọng của quân đội ở các thái ấp. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi chép về sức mạnh của đội quân đông đảo từ các lộ khi kéo về kinh đô họp bàn, tập trận diệt giặc: “Tháng 8 năm Giáp Thân (1284), Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu” và di chuyển vào phía Nam: “Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần”[3]. Trong số đó, phụ trách khu vực Hải Đông cũng có vai trò của Trần Tung. Trong kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai (1285), bản thân ông đã đem hơn hai vạn quân kịch chiến với tướng giặc Lưu Thế Anh, đánh đuổi Thoát Hoan thua chạy đến sông Như Nguyệt.

Bước sang năm 1287, nhà Nguyên chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 3. Về sự kiện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhà Nguyên phát quân Mông Cổ, quân Hán Nam, 3 hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, lính Vân Nam, lính người Lê ở 4 châu ngoài biển chia đường vào cướp. Sai bọn vạn hộ Trương Văn  Hổ đi đường biển, chở 70 vạn thạch lương theo sau”[4]. Trước động thái của quân xâm lược, nhà Trần cũng chuẩn bị lương thảo, tổ chức duyệt binh, tuyển thêm quân bổ sung cho cuộc chiến.

Vào tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan đã rút khỏi Thăng Long, tấn công vào Vạn Kiếp, đóng quân tại đây và đem quân đánh vào căn cứ của quân nhà Trần ở Trúc Động, nay thuộc xã Lưu Kiếm, huyện thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng. Khi mọi cố gắng của Thoát Hoan nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường đều không mang lại hiệu quả thì quân ta đã khôi phục được các địa điểm quan trọng, buộc giặc phải rút về đóng ở Vạn Kiếp.

Trong tình thế này, Hưng Ninh Vương Trần Tung đã theo lệnh của vua Trần thực hiện kế trá hàng: “mấy lần đến thành giả vờ hẹn ngày ra hàng để làm cho địch mất cảnh giác không đề phòng và tiêu tan hết tinh thần chiến đấu”[5]. Ghi chép của Lê Tắc cũng cho biết trận đánh quân Mông- Nguyên có sự tham gia của Trần Tung: “Qua tháng 2, Thế Tử khiến anh họ là Hưng Ninh Vương Trần Tung nhiều lần tới xin đầu hàng, có ý làm cho quân ta mệt mỏi rồi ban đêm cho quân cảm tử tới quấy rối các đồn, Trấn Nam Vương tức giận, sai Vạn Hộ là Giải Chấn đốt thành, những người chung quanh can ngăn lại […] Trấn Nam Vương cũng nói: “Xứ đất nóng nực, ẩm ướt, lương phạn thiếu, quân lính mệt mỏi”, bèn kéo quân về”[6].

Với kế trá hàng địch của Trần Tung, binh lính nhà Trần vừa được nghỉ ngơi, tiết kiệm được binh lương, vừa thể hiện được tài trí của vua tôi nhà Trần. Điều này cũng là một nhân tố tạo nên thắng lợi của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên lần thứ ba.

Sau khi kháng chiến chống quân Mông- Nguyên thắng lợi, Trần Tung được phong chức Tiết Độ sứ ở vùng biển Thái Bình và ông đã cai quản khá tốt vùng này. Tiết Độ sứ là chức võ quan, cai quản một vùng rộng lớn có thể là một đơn vị hành chính lớn gồm nhiều châu, quận. Tư liệu không chép nhiều về giai đoạn này của Trần Tung, chỉ cho biết là ông phụ trách vùng biển Thái Bình.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)

Đóng góp về văn hóa, tư tưởng

Tuệ Trung Thượng Sĩ được biết đến với những sáng tác thơ, kệ chữ Hán khá nhiều thời trung đại. Sáng tác của ông gồm bốn phần, thứ nhất là Ngữ lục, chủ yếu là những lời giảng về Thiền học với hình thức vấn đáp giữa thầy và trò; thứ hai là 49 bài thơ với nhiều thể loại, nội dung khác nhau; thứ ba 8 bài tán của các nhà sư trong phái Trúc Lâm Yên Tử để phúng tế Tuệ Trung; thứ tư có 6 bài kệ của Trần Tung. Trong số này, 49 bài thơ của Tuệ Trung có ý nghĩa và đóng góp sâu sắc nhất.

Tuệ Trung có những bài thơ đề vịnh, xướng họa, chúc tụng với sư thầy và bạn bè. Ngoài ra, còn có các bài thơ răn dạy dân chúng hướng về Phật, ngợi ca tấm gương học đạo của Trần Thánh Tông, hay vui với đời theo cách nhìn của Phật giáo. Tiêu biểu các bài thơ như Điệu tiên sư, Thị chúng, Thị học, Xuất trần, Tự tại. Nổi bật là tâm tư xuất khỏi bụi trần, vui với Phật pháp như bài thơ:

Xuất trần

"Tằng vi vật dục dịch lao khu,

Bãi lạc trần hiêu thế ngoại du.

Tán thủ ná biên siêu Phật tổ,

Nhất hồi đẩu tẩu nhất hồi hưu."

Dịch thơ:

Ra khỏi bụi trần

"Vật dục hành cho xác mệt nhoài

Rong ruổi thoát quách chốn trần ai.

Buông tay sang đấy ta siêu Phật,

Gột rửa bao rồi, bấy nghỉ ngơi[7]."

Hoặc là tâm thế ung dung, tự tại, hòa mình với thiên nhiên trong bài thơ Tự tại của ông:

Tự tại

"Đằng thử vô đoan tiệm tiệm xâm,

Quy lai chung lão ký sơn lâm.

Sài môn mao ốc cư tiêu sái,

Vô thị vô phi tự tại tâm."

Dịch thơ:

"Nanh chuột giây bìm cứ lấn xâm,

Về thôi, già gửi chốn sơn lâm,

Nhà tranh cửa liếp phong quang chán,

Phải trái đều không, tự tại tâm[8]."

Tuy nhiên, để hiểu rõ được tư tưởng và nội dung mà Tuệ Trung Thượng Sĩ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình không phải là việc đơn giản, bởi tác phẩm của ông chứa đựng triết lý Phật giáo và yếu tố Thiền học của trường phái Đại thừa rất cao. Nếu là những người chưa có kiến thức căn bản về những khái niệm, nội dung của Phật học thì rất khó lĩnh hội. Tuy vậy, đặt tác phẩm của ông trong hoàn cảnh Phật giáo thế kỷ XIII, trong sự thịnh trị của Phật giáo thời bấy giờ, có thể rút ra được nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Quan niệm của Tuệ Trung Thượng Sĩ về các khái niệm của Phật học là nội dung tư tưởng chủ yếu trong các tác phẩm của ông. “Sắc”, “Không” được nhắc đến nhiều lần trong nội dung kinh Phật, hai mặt này luôn song hành với nhau, hoặc có thể không là sắc, sắc là không, nó đem lại cái nhìn sự vật một cách “trung dung” đối với người học Phật nói riêng và con người nói chung. “Sắc” và “không” trong quan điểm của Tuệ Trung vừa tượng trưng nhưng cũng vừa cụ thể, càng đọc càng thấy rất sâu sắc. Ông cho rằng:

"Sắc tức là không, không tức sắc,

Ba đời chư Phật quyền biến đặt,

Không vốn không sắc, sắc không không,

Thể tính sáng làu, chẳng được mất[9]."

Theo Tuệ Trung, sắc và không đều như nhau, là một và rốt cuộc là “không”. Khi ông giảng giải cho học trò, ông cho rằng cái “sắc thân” đó chính là sắc, nhưng “sắc tức không” nghĩa là không nhìn thấy cái “không” có hình dáng thế nào: “Ngươi có nhìn thấy cái “không” có trạng mạo gì không?”, và ông đi đến khẳng định: “Sắc vốn chẳng phải không, Không vốn không phải sắc”[10].

Từ khái niệm sắc, không, người đọc có thể hiểu được ý nghĩa của Phật giáo muốn truyền tải đến chúng sinh, không đề cao quá cái sắc, cũng không nhấn mạnh quá cái không. Có thể nói sắc, không tồn tại trong mọi mặt của đời sống. Ví như thế giới vật chất mà ta nhìn thấy là hiện hữu, là cái có, nhưng một khi nó mất đi thì lại là không. Hiểu rõ được sắc và không, con người mới hiểu được các quy luật tồn tại khác của sự vật, hiện tượng. Một khi đã nắm chắc được quy luật của sự vật thì bản thân họ sẽ tránh được vô minh, phiền não. Bởi vậy, cái “thể tính sáng làu, chẳng được mất” theo quan niệm của Tuệ Trung chính là một cách để giác ngộ bản thân của con người.

Khái niệm về “tâm thể” và luật nhân quả cũng được Tuệ Trung đề xuất trong các tác phẩm của mình. Với khái niệm “tâm thể”, ông đặc biệt đề cao vai trò của con người. Tâm, theo quan điểm của Phật giáo chính là chủ của mọi hoạt động tinh thần của con người, bao gồm ý (năng lực suy nghĩ) và thức (năng lực biện biệt đối với các hiện tượng) hay nói khác đi thì tâm là nguyên nhân của các hiện tượng[11]. Bởi vậy, Tâm giữ vai trò trung tâm, chủ thể. Tuệ Trung cho rằng: “tâm thể luôn sẵn có trong bản tính của mỗi con người, là nguồn gốc, là bản thể của tất cả các pháp, […] bản thể nơi mỗi chúng sinh vốn sáng suốt, không mê mờ; Phật và chúng sinh đều cùng một tâm thể, không có gì khác biệt”[12]. Trong bài thơ “Gợi bảo học trò”, Tuệ Trung khẳng định:

Niệm khởi, tâm tâm khởi,

Tâm vong, niệm niệm vong”

Dịch nghĩa:

"Một ý nghĩ nổi lên thì mọi tâm nổi lên,

Một tâm quên đi, thì mọi ý nghĩ quên đi”[13].

Như vậy, nhân quả theo quan niệm của Tuệ Trung có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, mà đầu mối của sự liên hệ đó, hay nguồn gốc của nó chính là cái tâm của con người.

Tuệ Trung còn đề xuất cái nhìn thế giới và pháp tu tập nhằm đạt đến sự giác ngộ của con người. Ông viết:

Kiến giải

"Kiến giải trình kiến giải,

Tự niết mục tác quái,

Niết mục tác quái liễu,

Minh minh thường tự tại."

Dịch thơ:

"Kiến giải bày kiến giải,

Như dụi mắt làm quái.

Dụi mắt làm quái rồi,

Sáng sủa thường tự tại."

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm)

Phương pháp tu tập đạt trí tuệ theo Tuệ Trung đó là:

Đốn tỉnh

"Đoán tri không hữu bất tương sa (sai).

Sinh tử nguyên lòng nhất phái ba.

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,

Tân niên hoa phát cố niên hoa,

Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,

Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.

Hoặc vấn như hà vi cứu cánh,

Ma ha bát nhã tát bá ha."

Dịch thơ:

Chợt tỉnh

"Biết rằng “không”, “có” chẳng cách xa,

“Sống”, “chết” nguyên từ đợt sóng ra.

Trăng rọi tối nay: trăng tối trước.

Hoa cười năm ngoái: hoa năm qua.

Ba sinh: gió thổi, đuốc lòe tắt,

Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.

Muốn hỏi thế nào là cứu cánh,

Ma- ha bát nhã, tát bà ha![14]"

Ba sinh” vốn là thế giới mà con người phải trải qua gồm ba kiếp : kiếp trước, kiếp này và kiếp sau; “chín cõi” gồm chín cảnh giới phân ra từ trong tam giới. Phải có cách nhìn sự vật của trí tuệ bát nhã- nguồn gốc của tất cả các pháp lành, nơi tận cùng của trí tuệ con người thì mới thắng được vô minh.

Tuệ Trung dùng trí tuệ rộng lớn, trí tuệ bát nhã của Bồ tát để có thể chuyển hóa phiền não, đau khổ của con người thành Niết Bàn. Đó là phép tu, học Phật của trường phái Đại thừa. Việc chuyển hóa đó được coi là quan trọng nhất, vì con người không thể quét sạch cái đau khổ, phiền não ngay lập tức ở ngay thế giới họ đang sinh sống bằng cách làm thông thường, hay từ bỏ cuộc sống hiện hữu để đạt tới Niết Bàn. Sự sáng suốt của người học Phật, tu thiền là giác ngộ được Niết Bàn đang hiện có trong chính đời thực và phải cần trí tuệ, thời gian, công năng tu tập thì mới có thể đạt được điều đó.

Nổi bật trong tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ là tư tưởng phá chấp. Đó là tư tưởng phá vỡ những thứ mang tính hình thức, những quan điểm cho rằng học đạo phải bắt đầu tu từ đầu và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong nhà thiền[15]. Theo nghiên cứu của Thích Lệ Quang, tác giả cho rằng cái phá chấp của Tuệ Trung chính là “tất cả đều trong trạng thái tỉnh giác và không bị bó buộc vào hoàn cảnh, phải tùy hoàn cảnh con người có thể tu tập và ngộ được chân lý thiền trong cuộc sống”[16].

Điều này có nghĩa rằng, đối với mỗi người học Phật hoặc trên con đường tu tập làm mới mình, không nhất thiết họ phải cắt tóc, vào chùa đi tu mà có thể tu tâm ngay tại nơi mình sinh sống. Tuệ Trung cũng quan niệm người tu hành không nhất thiết phải ăn chay. Trên thực tế, Tuệ Trung không hề xuất gia, không có ý tưởng trở thành nhà sư, nhưng bản thân ông đã giác ngộ được từ cuộc sống, lĩnh hội được triết lý Phật học, sống an vui, tự tại trong thế giới trần tục. Quá trình sống và tu tập của ông đã là lối sống thực hành theo Phật giáo Đại thừa, đó chính là tìm thấy cảnh giới Niết Bàn ngay trong cuộc đời mình, chứ không phải ở một viễn cảnh tương lai nào đó.

Nhận xét

Tuệ Trung Thượng Sĩ là một nhà quân sự, chính trị, nhà thơ, Thiền sư, nhà Thiền học có thể khẳng định là đa tài trong bối cảnh lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIII. Ông đã có những đóng góp quan trọng không chỉ về quân sự, chính trị mà còn có những tư tưởng vượt thời, phá bỏ những lề lối cũ, quan niệm cũ của Phật học, đem đến cái nhìn mới mẻ nhưng vẫn thể hiện được sự nhập thế tích cực với thời cuộc.

Ảnh hưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ có thể nói là khá tích cực đối với các môn sinh học Phật đương thời và cả những thế hệ sau đó. Triết lý Phật học của Tuệ Trung thể hiện ở tư tưởng phá chấp, quan niệm sâu sắc về sắc, không, tâm thể, nhân – quả, cái nhìn độc đáo về trí tuệ và sự giác ngộ của con người. Nhận thức về thế giới, về bản thân con người, sống hòa mình với thiên nhiên và xã hội là nội dung trong các tác phẩm của ông. Có thể khẳng định, Tuệ Trung là một nhà Thiền học yêu nước sâu sắc.

Tuệ Trung không phải là người ham vinh hoa và tước vị, dù xuất thân từ vương hầu tôn thất nhà Trần nhưng lại một lòng gắn bó với đạo Phật, nghiên cứu, truyền dạy cho thế hệ sau những nội dung kinh điển của Phật giáo. Ông đã góp phần phát triển Phật giáo ở thời điểm được coi là hưng thịnh nhất của đạo Phật - thời đại nhà Trần.

Tác giả: ThS. Mai Thị Huyền - Viện Sử học

Chú thích:

[1] Nguyễn Thị Phương Chi, Thái ấp- Điền trang thời Trần (Thế kỷ XIII-XIV), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr. 126.  

[2] Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 109, 112.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 50-51.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 59.

[5] Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 305.

[6] Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 112.

[7] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 235.

[8] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 241, 242.

[9] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 324.

[10] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 324.

[11] Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr. 83.

[12] Vũ Thị Kim Oanh, Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3 (185), 2024, tr. 36.

[13] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 245.

[14] Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 269-270.

[15] Thích Lệ Quang, Tìm hiểu tư tưởng Phá chấp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1 (184), 2024, tr. 66.

[16] Thích Lệ Quang, Tìm hiểu tư tưởng Phá chấp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1 (184), 2024, tr. 67.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Thơ văn Lý- Trần, tập II, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

Cư sĩ Nguyên Giác, Chú giải về thiền đốn ngộ, Nxb. Hội nhà văn, 2016.

Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.

Vũ Thị Kim Oanh, Quan niệm về đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo thời nhà Trần, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3 (185), 2024, tr. 35-39.

Nguyễn Hữu Sơn, Trần Tung- nhà thiền học yêu nước, Tạp chí Người Hà Nội online, ngày 30/10/2023.

Thích Lệ Quang, Tìm hiểu tư tưởng Phá chấp của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1 (184), 2024, tr. 63- 67.

Vũ Văn Quân (Chủ biên), Vương triều Trần (1226-1400), Nxb. Hà Nội, 2019.

Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002.

Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.

Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn không, Ấn quán Thăng Long, Sài Gòn, 1973.