Tác giả: Tác giả: Gs Ts Đinh Khắc Thuân

Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.[1]

Chùa Đồng Bụt có tên chữ là “Thiền Sư tự” (chùa Thiền Sư), ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội là ngôi chùa cổ, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1996.

Chùa Đồng Bụt hiện lưu giữ khá nhiều tư liệu quý liên quan đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh thời Lý. Đó là kiến trúc chùa, hệ thống tượng thờ, hoành phi câu đối, văn bia, chuông đồng cổ, lễ hội,...

Bài viết giới thiệu khái quát những nét đặc sắc của chùa Đồng Bụt, đặc biệt là quả chuông đồng cổ ở chùa. Đây là nguồn sử liệu quý về lịch sử ngôi chùa Đồng Bụt, về văn hóa tín ngưỡng Thánh Từ.

Từ khóa: Đồng Bụt, Từ Đạo Hạnh, chuông chùa

Chùa Đồng Bụt

Chùa Đồng Bụt được tôn tạo khá khang trang theo quy mô kiến trúc từ xa xưa. Ngoài chùa chính kiến trúc kiểu chữ “Công”, chùa còn có nhà Tổ, điện Mẫu, nhà bia, nhà khách. Khác với các ngôi chùa làng khác, phía trước chùa có cổng tam quan, chùa Đồng Bụt lại có hai cột trụ như ở đình, miếu... Hai cột trụ đắp nổi đèn lồng, rồng phượng trên đỉnh cột. Xung quanh bốn mặt cột vuông vức có những đôi câu đối ca ngợi cảnh Phật, cảnh chùa.

Các bức tường tòa Bái đường, trung cung, thượng điện đều được xây bằng đá ong, một loại vật liệu xây tường bền vững và cũng là một “ đặc sản” của xứ Đoài.

Tam bảo chùa Thiền Sư (chùa Đồng Bụt)
Tam bảo chùa Thiền Sư (chùa Đồng Bụt)

Tòa bái đường chùa Đồng Bụt rộng 5 gian 2 dĩ. Kết cấu kiến trúc vì kèo theo kiểu “chồng rường con nhị”. Các đầu dư, tiền kẻ chạm nổi hình rồng và hoa lá cách điệu, được làm toàn bộ bằng gỗ lim. Bài trí tượng Phật ở tòa bái đường: bên trái là tượng Đức Ông, bên phải là tượng Đức Thánh Hiền. Chuông đồng cổ treo một bên. Đối xứng ở gian giữa bái đường là các pho tượng khuyến thiện và trừng ác. Không gian nội thất bái đường rộng rãi giành chỗ cho phật tử hành lễ.

Tòa trung cung được nối liền từ gian giữa bái đường vào thượng điện, được gọi là ống muống. Các lớp tượng Phật được tập trung bài trí ở đây. Lớp tượng trên cao nhất là ba pho Tam thế. Lớp thứ hai, chính giữa là tượng A Di Đà, hai bên là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Lớp thứ ba là tượng Tuyết Sơn, hai bên là tượng Đế Thích và Phạm Vương. Lớp thứ tư là tượng Di Lặc, hai bên là tượng Thị nữ. Lớp thứ năm là tòa Cửu Long, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ở tòa trung cung có ban thờ long ngai, bài vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hai bên tường có hai mảng phù điêu chạm nổi Thập điện Diêm Vương.

Kiến trúc nội thất, ngoài hệ thống tượng Phật có niên đại khoảng thế kỉ XVII - XVIII, tạc bằng gỗ, thếp bạc phủ hoàn kim, còn có các bức hoành phi “Thiền sư tự禅師” (tên chữ của chùa), “Từ cơ đản Thánh慈基誕聖” (Nền từ sinh Thánh). Thượng điện chùa Đồng Bụt là nơi thờ thân Phụ, thân Mẫu và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hạng mục kiến trúc này cũng được xây bằng đá ong, phần mộc bằng gỗ lim, mái lợp ngói ri cổ, có các đầu đao uốn cong như tòa bái đường.

Tượng Thánh phụ, Thánh mẫu.
Tượng Thánh phụ, Thánh mẫu.

Bên trong tòa thượng điện, gian bên phải thờ tượng thân Phụ và thân Mẫu là Ngài Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Tượng Ngài Từ Vinh tạc ngồi trên ngai, mặc triều phục tạc liền vào thân tượng. Tượng bà Tăng Thị Loan mặc quần áo tứ thân, tay cầm quạt, nét mặt nhân hậu hiền từ. Gian bên trái thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Pho tượng này được tạc ngồi trong một khám lớn, sơn son thếp vàng, trên khám có mui luyện, có hai cánh cửa phía trước. Ở đây đặt hòm sắc, có 11 đạo sắc phong từ các triều Lê, Quang Trung và triều Nguyễn phong tặng.

Tượng Đức Thánh Từ
Tượng Đức Thánh Từ

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh ngồi thiền định, nét mặt tươi sáng, như nhiên. Từ cổ xưa, thượng điện là chốn linh thiêng. Việc mở khám thờ chỉ có những người được làng cử ra mới được mở. Khám thờ thường mở cửa khi lễ mộc dục vào dịp hội làng. Đến nay lệ này vẫn được thực hiện theo truyền thống nghi lễ cổ truyền.

Ở đây có đôi câu đối chữ Hán truyền ngôn do Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) soạn, khá đẹp và cổ kính:

“Sắc không hoàn nhân quả ư bát bình địa lực đại lực đại hùng huy hiển tích; Sinh hóa thoát tụ gia nhi cổn miện nãi Thần nãi Thánh hách dư linh/色空完因果於缽瓶大力大雄徽顯跡; 生化脫衲珈而袞冕乃神乃聖赫鍾靈.

Nghĩa là: Sắc không với nhân quả nhờ quyền uy đại hùng đại lực ngời hiển tích; Sinh hóa thoát y bát mà mũ áo thành Thần thành Thánh rạng uy linh.

Rõ ràng, chùa Đồng Bụt là ngôi chùa Tiền Phật hậu Thánh: Trước thờ Phật sau thờ Thánh. Thánh ở đây là Từ Đạo Hạnh và thân phụ, thân mẫu Ngài. Tài liệu Thần tích ở làng cho biết, làng này là nơi sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nơi đây lưu truyền câu ca:

Tháng ba mùng bảy hội Thày,

Mùng  mười hội Sếp nhớ ngày mà đi.  

Hội Sếp là tên Nôm của hội chùa Đồng Bụt. Đây là lễ hội lớn nhất vùng ven sông Tích của huyện Quốc Oai.

Chuông chùa Đồng Bụt

Chuông chùa Đồng Bụt được đúc vào những năm đầu triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 18 (1819). Tuy là chuông thời Nguyễn, nhưng có phong cách chuông thời Tây Sơn, thợ đúc chuông này là thợ huyện Siêu Loại, Bắc Ninh, phường thợ đúc khá nhiều chuông Tây Sơn. Chuông Đồng Bụt thuộc loại hồng chung, tức chuông lớn, nên có kích thước khá lớn, với tổng chiều cao là 115 cm, trong đó phần quai chuông cao 30 cm, đường kính miệng chuông rộng 65 cm.

Chuông có hình khối trụ tròn liền khối bằng đồng, khum dần về phía đỉnh. Trên óc chuông là quai chuông, được tạo hình đôi bồ lao đấu lưng vào nhau, đây là biểu tượng phong thủy mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Bốn chân của bồ lao ôm lấy thân chuông. Các chi tiết trang trí trên bồ lao như râu, tóc, sừng, vây, đao lửa đều được chạm khắc công phu, thể hiện sự tỉ mỉ và kỹ thuật tinh xảo của nghệ nhân Siêu Loại, Bắc Ninh. Đỉnh nóc quai chuông là hình hồ lô biểu tượng của sự trường thọ và phúc lộc.

Chuông chùa Đồng Bụt. Ảnh: Đinh Khắc Thuân
Chuông chùa Đồng Bụt. Ảnh: Đinh Khắc Thuân

Miệng chuông loe rộng, gờ miệng được giật cấp tạo thêm nét mạnh mẽ, vững chắc cho cấu trúc tổng thể. Thân chuông được chia thành bốn múi theo chiều dọc, mỗi múi lại chia làm hai ô theo chiều ngang. Các ô này được ngăn cách bởi những đường gân nổi, gồm năm đường ngang và năm đường dọc. Đường gân ở giữa có kích thước lớn hơn hai đường gân bên cạnh, tạo nên sự đối xứng hài hòa cho cấu trúc tổng thể.

Bao quanh thân chuông ở vị trí các đường gân ngang là bốn núm đánh hình tròn, đối xứng nhau. Mỗi núm có đường kính khoảng 15 cm và được đính 37 hạt tròn (hạt lựu) xung quanh. Các núm này không chỉ là nơi để đánh chuông mà còn mang giá trị thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn cho toàn bộ thiết kế của thân chuông, đồng thời tượng trưng cho sự giao hòa giữa bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong vũ trụ quan của người Việt xưa.

Tên chuông có bốn chữ "Thiền Sư tự chung" (chuông chùa Thiền Sư) được đúc nổi ở phía trên mỗi múi chuông. Minh chuông bằng chữ Hán được khắc chìm (khắc sau khi đúc chuông xong) trên bốn ô lớn ở bốn múi chuông. Các chữ Hán này được khắc rất cẩn thận và tinh tế, từng đường nét rõ ràng, thể hiện trình độ cao trong nghệ thuật khắc chữ trên đồng thời bấy giờ. Đây là dấu ấn riêng biệt, xác nhận nguồn gốc và chủ sở hữu của chuông, đồng thời tôn vinh ngôi chùa cổ Thiền Sư như một biểu tượng tâm linh của cộng đồng làng Đồng Bụt xưa.

Minh văn khắc trên chuông chùa Đồng Bụt khá dài, khoảng 2.900 chữ, trong đó sử dụng phần lớn là chữ Hán, bên cạnh đó có một vài chỗ sử dụng chữ Nôm, chủ yếu là tên các xứ đồng và tên người.

Nội dung minh văn gồm bài ký, ghi về lịch sử ngôi chùa và lí do đúc quả chuông này, cùng ý nghĩa, công dụng tiếng chuông chùa. Phần còn lại kê họ tên người hưng công, công đức cúng chuông.

Bài ký là nguồn văn liệu và sử liệu quan trọng, nên được dịch giới thiệu dưới đây.

“Chuông chùa Thiền Sư

Ghi chép được khắc lại về việc đúc mới chuông lớn.

Chuông là một trong những thanh âm của lễ nhạc. Vào thời cổ đại, dùng để ghi về công tích, chép về thế hệ. Đến khi Hùng thị (Phật) dấy khởi, mới bắt đầu dùng để cảnh tỉnh lòng trần, phát ra vần đạo. Từ đó dần dần trở thành bảo khí của chốn tùng lâm.

Hư hoại rồi sửa sang lại, liệu đây chính là công hạnh rõ rệt của Thiền giáo mà có thể nhận biết được chăng? Thôn Đồng Bụt huyện Yên Sơn, chính là quê tổ của vị Thánh tăng họ Từ (Từ Đạo Hạnh). Nơi đây có suối lạch cùng núi rừng uốn lượn xinh đẹp, lại được Thần Phật chở che mà đúc ra sự linh thiêng, cách không xa là đến núi Phật Tích (Sài Sơn), thật là chốn phồn thịnh của đàn việt trải tám trăm năm!

Chuông cũ tại chùa thôn ta, vốn được đúc vào niên hiệu Đại Trị thứ 12 (1369), trải gặp binh biến, thanh âm vẫn còn. Đây chỉ có thể là bởi uy linh của Đức Thánh phù trợ, thường thường trắc giáng tại nơi đây. Vì hội tụ rõ ràng như thế, do đó Thiền cảnh mới được hộ trì, sung túc cho đến mãi mãi, ước chừng có thể đo lường được ơn đức của Đức Thánh vậy! Nhưng chuông vốn chỉ là khí dụng, mà có hình trạng thì ắt sẽ hoại tan. Hạo kiếp vận chuyển tuần hoàn, bể dâu thật khó hồi phục. Di vật tiền nhân nhân khắp trong bốn cõi, cũng sao có thể giữ cho được trường tồn?

Gần đây, vì gặp binh biến năm Bính Ngọ (1786) mà khí dụng bằng đồng tất thảy đều tiêu tan. Chuông này cũng vì vậy mà vắng đi âm hưởng Bồ lao đến ngoài ba mươi năm vậy! Ngày nay đất nước thái bình, huyền phong (giáo hóa vô vi của bậc Thiên tử) lại thổi. Các viên sắc mục kỳ lão trong thôn, rộng mến duyên lành, nhóm họp quả thiện. Bèn ở phía Tây thành Phượng mà rộng mở cưu công, nhân một lần hun đúc mà thành tựu nên pháp khí: Rộng đến bốn thước sáu tấc, nặng hai trăm tám mươi cân. Liền rước về Phạn lâm, lại treo lên giá cũ. Khiến tông phong đã qua đi lại được phấn chấn, làm âm hưởng đạo pháp kéo dài đến vô cùng. Chốn nhà Thiền thêm rạng rỡ vẻ vang, mà tai mắt của nhân gian được rọi soi cho tỉnh thức.

Việc nay đã sắp hoàn thành, bèn cùng nhau đến xin văn của ta. Ta thấy rằng: Còn - mất là bởi số, Phế - hưng ấy do thời; Tàn khuyết rồi lại sùng tu, đã đủ chứng minh cho vận thái; Lâu dài nhưng chẳng ngưng nghỉ, có thể dự báo cho tương lai. Âm thanh của chiếc chuông này, sẽ khiến Phật nhật thêm thịnh vượng. Sợ rằng nói ra thì rất nhiều, mà nay lòng thành của các vị thiện tín, không thể không ghi chép lại. Bèn mượn bút viết ra, đặc biệt ghi lại bằng bài minh rằng: 

Chuông trống đúc thành, Tiếng vang lanh lảnh,

Chỉ đây tròn đầy, Oai linh Phật tổ,

Khắp trong đất trời, Tiếng Đạo chẳng dứt,

Ngút tựa núi xanh, Truyền đến mãi mãi.

Nay, ngày 28 tháng Mạnh Đông năm Kỷ Mão niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819). Sài Sơn Di Lão Cựu Tiến sĩ Đại phu Dụ Am Khiêm Thụ Phủ (Phan Huy Ích) soạn. Bản thôn Cựu Cai hợp Hương trưởng Đỗ Danh Chí kính viết. Kinh Bắc Siêu Loại huyện Đề Vĩnh xã Trịnh Danh Trọng khắc chữ”.

Như vậy là chuông này được đúc vào năm Gia Long thứ 18 (1819). Người soạn minh chuông là Tiến sĩ Đại phu Dụ Am Khiêm Thụ Phủ, tức Phan Huy Ích (1751- 1822). Phan Huy Ích nguyên quán người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay là thôn Thu Hoạch, Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh) là con của Tiến sĩ Phan Huy Áng. Năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Phan Huy Ích đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Thời điểm soạn văn bia, Phan Huy Ích đã cao tuổi và đã chuyển tới sinh sống ở thôn Di Lão xã Sài Sơn, ngay sát làng Đồng Bụt. Chữ trên văn chuông do thôn Cựu Cai hợp Hương trưởng người bản thôn là Đỗ Danh Chí viết. Thợ đúc và khắc chuông Trịnh Danh Trọng người xã Đề Vĩnh huyện Siêu Loại xứ Kinh Bắc.

Thông tin từ minh chuông cho biết, chùa có chuông cổ được đúc vào năm Đại Trị thứ 12 (1369) thời Trần. Tuy trải qua chiến tranh và bao thăng trầm thời cuộc, nhưng chuông vẫn được bảo lưu và tiếng chuông vẫn luôn vang vọng. Đến khi gặp binh biến năm Bính Ngọ thì chuông bị phá hủy.

Việc phá hủy chuông này vào năm Bính Ngọ (1786) chính là do kiêu binh của Tây Sơn, như minh chuông đã cho biết “khí dụng bằng đồng tất thảy đều tiêu tan”. Cùng thời gian này, còn có quả đại hồng chung quý giá thời Lý ở chùa Thày cũng bị phá hủy. Kể từ khi bị phá hủy năm 1786 đến năm 1819 mới đúc lại, nên minh chuông cho biết thời gian chùa không có tiếng chuông có đến trên 30 năm “Chuông này cũng vì vậy mà vắng đi âm hưởng Bồ lao đến ngoài ba mươi năm vậy!”.

Điều đặc biệt là minh chuông cho biết chùa Đồng Bụt có tên là chùa Thiền sư, tức chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nơi đây là quê hương của Ngài hiện có lễ hội làng gắn với sự tích Ngài Đạo Hạnh. Chùa có từ thời Lý, đến thời Trần chùa đã khá quy mô, có chuông lớn được đúc năm 1369 và được duy trì đến cuối thời Lê, năm 1786 thì chuông bị phá hủy. Minh chuông cũng cho biết, thôn Đồng Bụt có 47 mẫu ruộng lưu lại cho Hộ nhi, chia đều cho bốn giáp để lo việc thờ phụng và giỗ chạp.

Phần kê họ tên Hội chủ hưng công và đúc chuông khá nhiều, trước hết là các vị cước sắc địa phương như các vị Xã chính, Chính đội trưởng, Tổng trưởng, Trùm trưởng, Xã giáo (chức quan phụ trách giáo dục ở xã), Hương trưởng, Xã nhiêu, Hương lão,...; cùng dân làng; tổng cộng trên 100 vị. Ngoài ra còn có các thiện nam tín nữ trong xã, tổng, huyện, phủ và thập phương. Số lượng tín thí có tới trên 500 vị, mỗi vị cúng từ một quan tiền trở lên.

Sở dĩ nhiều người cung tiến đúc chuông và họ tên của họ đều được khắc đầy đủ lên chuông, là bởi, đó là việc thiện nên làm được dân gian truyền tụng là “Xây chùa, tạc tượng, đúc chuông. Ba công đức ấy thập phương nên làm”. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống được nơi đây gìn giữ.

Nét đặc sắc nữa ở chùa Đồng Bụt và làng Đồng Bụt là lễ hội. Hội làng Đồng Bụt diễn ra vào ngày chính hội, ngày 10 tháng 33, trong đó việc rước kiệu Thiền sư Từ Đạo Hạnh từ chùa ra Quán (được xây trên chỗ gọi là đất Vườn Nở) là một nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhưng cũng rất rộn rã, tưng bừng. Đây cũng là dịp để người dân nhớ lại sự tích, công lao của Thiền sư mà bao đời ông cha đã truyền lại.

Vườn Nở tương truyền là nơi sinh nở ra Thánh Từ. Nhiều câu chuyện truyền kì về cuộc đời của Ngài Từ Vinh khi làm quan trong triều Lí cũng như việc “mâu thuẫn” với Đại Điên, chuyện Đức Thánh Từ học hành thời trẻ, lớn lên đi tu ở núi Thầy, sang Tây Trúc cùng Minh Không, Giác Hải học được phép trả thù cho cha, rồi lại về chùa Thầy giáo hóa, chữa bệnh cho dân đến chuyện hóa thân đầu thai thành Vua Lý Thần Tông... người dân ở Đồng Bụt đều thuộc và kể lại cho nhau nghe với tấm lòng tự hào và thành kính.

Tại chùa Đồng Bụt, ngoài khoa cúng Phật còn có khoa cúng Đức Thánh Từ. Hàng năm còn có các ngày giỗ của gia đình Đức Thánh Từ. Đó là ngày 10 tháng Giêng giỗ thân Phụ, ngày 07 tháng 03 giỗ Đức Thánh Từ, ngày 10 tháng 04 giỗ thân Mẫu và ngày 26 tháng 09 giỗ Vvua Lý Thần Tông! Các ngày giỗ này được tổ chức tại chùa Đồng Bụt do nhà sư trụ trì và các cụ cao niên đứng ra tổ chức.

Tóm lại, chuông chùa Đồng Bụt không chỉ là bảo khí của chùa mà còn là chứng tích sống động về nguồn gốc, lịch sử ngôi chùa gắn với cuộc đời của vị Thiền sư nổi tiếng thời Lý: Từ Đạo Hạnh. Quê hương, gia thế Từ Đạo Hạnh thường được truyền ngôn gắn với chùa Láng thuộc Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, ở chùa Đồng Bụt xã Ngọc Liệp huyện Quốc Oai cũng lưu truyền khá đậm nét về sự tích và dấu tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là tài liệu quý bổ sung kho tàng sử liệu về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, văn hóa tín ngưỡng Thánh Từ, cũng như Phật giáo và lịch sử thời nhà Lý.

Tác giả: Gs Ts Đinh Khắc Thuân - Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

*  [1] Dự án này được tài trợ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) trong Dự án mã số  VINIF09.2024.DA07.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ngô Đức Thọ chủ biên, Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 632.

[2] Đinh Khắc Thuân, “Chuông chùa An Xá, Long Biên, Hà Nội”, Tạp chí Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh, Số 9.2023, tr.40-47.

[3] Đinh Khắc Thuân, “Chuông chùa Mèo huyện Lang Chánh, Thánh Hóa”, Tạp chí Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, số 6/2023, tr.79-83.