Trang chủ Bài viết nổi bật Tóm luận Kinh Kim Cương – Phá chấp (Phần cuối)

Tóm luận Kinh Kim Cương – Phá chấp (Phần cuối)

Nền tảng cốt lõi của Kinh Kim Cương là "phá chấp", có nghĩa là không chấp tướng, không chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ nhận,… Nếu ai nghe kinh, học giáo lý mà cảm thấy mình rất hay, mọi người không bằng mình, cần theo mình để được học hỏi, thì có nghĩa con đường tu hành của mình còn nhiều sương mù lắm.

Đăng bởi: Phạm Tuấn Minh
ISSN: 2734-9195

Nền tảng cốt lõi của Kinh Kim Cương là “phá chấp”, có nghĩa là không chấp tướng, không chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ nhận,… Nếu ai nghe kinh, học giáo lý mà cảm thấy mình rất hay, mọi người không bằng mình, cần theo mình để được học hỏi, thì có nghĩa con đường tu hành của mình còn nhiều sương mù lắm.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

Nền tảng cốt lõi của Kinh Kim Cương là “phá chấp”, có nghĩa là không chấp tướng, không chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ nhận,… Nếu ai nghe kinh, học giáo lý mà cảm thấy mình rất hay, mọi người không bằng mình, cần theo mình để được học hỏi, thì có nghĩa con đường tu hành của mình còn nhiều sương mù lắm.

1. Thọ trì kinh Kim Cương

Tại sao lại gọi kinh này tên là kinh Kim Cương Bát – nhã Ba – la – mật. Kim cương gồm đủ ba tính chất: cứng, sáng và sắc bén.

  • “Cứng” thể hiện cho sự kiên cố, không vật nào có thể hủy hoại nó, còn riêng nó thì phá hủy được các thứ khác. Công dụng của kinh là phá tan hết mọi thứ.

Mục đích của công dụng đó là làm đại diện tượng trưng cho việc phá chấp tướng, nếu vẫn còn tướng, dù là dưới bất kì tướng gì, cũng phải phá cho tới khi thành vô niệm

  • “Sáng” khi có thì bóng tối tự diệt. Một người mê muội đi trong tối có thể vấp ngã, còn một người đi trong ánh sáng thì chắc chắn nhìn được đường đi, vật cản, biết cách tránh né những thứ chắn ngang trên đường
  • “Sắc bén” công dụng dùng để chặt đứt. Chặt đứt hết tà tri, tà kiến của phiền não vô minh

Kim Cương là ví dụ cho trí Bát – nhã. Bát – nhã có 3 loại:
(1)Văn tự bát – nhã
(2)Quán chiếu bát – nhã
(3)Thật tướng bát – nhã

Văn tự bát – nhã là loại trí tuệ ở văn tự, kinh điển. Do trí tuệ này mà phát sinh trí tuệ quán chiếu. Chữ quán là quan sát, chữ chiếu là so sánh, thẩm định. Do văn tự mà có quán chiếu, do quán chiếu bát – nhã này mà có thể đạt tới trình độ của thật tướng bát – nhã.

Thế nào là thật tướng bát – nhã? Tức là vô tướng vậy.

Văn tự bát – nhã, quán chiếu bát – nhã, thật tướng bát – nhã, nếu phân ra thì có ba thứ, nhưng hợp lại chỉ còn là một thứ bát – nhã. Dùng tên theo phân loại mà gọi, còn bản thể của Bát – nhã thì đương thể tức không, đương thể tức giả.

“Kinh điển” phải được tôn kính, nghiên cứu Phật học, thấy “kinh điển” là thấy Phật, là thấy Pháp, là thấy Tăng.

Thực chất, hai chữ “kinh điển” ở đây, không phải nhìn chữ, nhìn sách để đội lên đầu, để coi như sinh mạng, coi như là Phật sống. Hai chữ “kinh điển” được sử dụng như ý nghĩa biểu tượng, là đại diện cho “lối sống đạo đức”.

Lối sống đạo đức chính là nhìn thấy Phật, nhìn thấy Pháp, nhìn thấy Tăng, hành lối sống tin vào nhân quả chính là có đạo đức, chính là hiểu sâu xa hai chữ “kinh điển”, là dựa vào “kinh điển” mà thâm nhập văn tự giáo lý, hành lối sống tin nhân quả chính là quán chiếu với “kinh điển” để tự trực nhận thực tướng “kinh điển”.

Thọ trì kinh Kim Cương chính là không chấp trước, không chấp có, chẳng chấp không, không chấp nhân, không chấp pháp. Nhiều người không nắm rõ ý nghĩa cốt lõi của cụm từ chẳng chấp có, cũng chẳng chấp không, sinh ra loạn tưởng.

Ví dụ như con người vì “danh” mà sinh ra tham đắm để hãm hại nhau. “Danh” trên đời này là có, nhưng “bản chất thật sự” thì không thực sự có.

Vì do con người tự vẽ lên cái “danh” đó để phân chia cho nhau. Không chấp có, tức không chấp phải bằng mọi cách có cái “danh”, vì thế mà mình đem lại khổ đau cho người khác. Không chấp không, tức không phải vì những lý luận suông coi là không có “danh” nên mình không cố gắng trong cuộc sống này nữa.

Trung đạo, là biết không chấp không ở điều gì, không chấp có ở điều gì, là sống một đời sống cố gắng chính đáng, chứ không tham đắm chấp chặt vào một thứ. Trong kinh Kim Cương gọi là Tam quán.

tap chi nghien cuu Phat hoc tom luan kinh kim cuong pc 1

Tam quán của kinh Kim Cương là:

  • Quán không: Quán mọi tướng là không thật sự có
  • Quán giả: Mọi tướng chỉ là giả tạm
  • Quán trung: Nhìn trung đạo, có trí tuệ, có thẩm định

2. Hình ảnh “vô sở thuyết” của kinh Kim Cương

Vô sở thuyết tức là không thuyết pháp, trong kinh Kim Cương có phân đoạn rất nổi bật, khi Phật hỏi ông Tu-bồ-đề:

“Như Lai có thuyết pháp không ?”
Ông Tu-bồ-đề đáp rằng: “Như Lai không có thuyết pháp”

Thực chất, phân đoạn này không mang tính chối bỏ những thứ Đức Phật đã thuyết, mà là đoạn mang biểu tượng cho sự linh hoạt. Vì lời Phật dạy là tuỳ người, tuỳ chỗ, tuỳ bối cảnh, nếu sống không linh hoạt, chấp pháp cực đoan thì cũng chẳng khác gì một người không học pháp.

Không chỉ xả tướng, không chấp tướng, mà còn phải xả cả pháp, không chấp pháp. Nếu có ai chỉ ưa thích pháp này, kinh này, mà phản bác pháp khác, kinh khác một cách mù quáng, tức đã sinh ra chấp ngã kiến, chấp nhân, còn tồn tại tâm tham, tâm sân, tâm si.

3. Bố thí pháp theo kinh Kim Cương

Pháp thí theo góc độ kinh Kim Cương là thuyết pháp hoan hỉ, không oán hận, không kiêu ngạo, vì hạnh phúc người chứ không phải vì hơn thua với người. Pháp thí là khiến người nghe vượt qua sự sợ hãi, xa lìa tội lỗi, thực hiện trì giới, không ngại chia sẻ giải nghĩa, biết chút nào, nói chút đó, không che giấu, không lười biếng.

Kinh Kim Cương dạy chúng ta phải vì tất cả mọi người mà bố thí, dù là tài thí hay pháp thí, phải sinh tâm không có chỗ trụ mà hành việc bố thí.

4. “Nhẫn” của kinh Kim Cương

Đối với ai chê mình, khinh mình, chửi mình, đây thực sự là dịp để mình trau dồi đức hạnh, chăm bón cho “nhẫn”. Nếu một người có tu tập nhẫn, có công phụ thu phục tâm, gặp lời khen chê, tâm vẫn bình đẳng, gặp lời xúc phạm, tâm không xao xuyến. Nhẫn không chỉ thể hiện ở lời chê, mà còn phải nhẫn với lời khen.

Nếu tâm đã bình đẳng với lời chê, thì phải rèn cả bình đẳng với lời khen, không ưa thích khen, không chìm đắm vào lời khen, lời chê thì đẩy tâm xuống chỗ sân hận, nhưng lời khen cũng không giúp ta giác ngộ, mà lời khen đưa tâm ta tới chỗ ngã mạn.

5. Cứu cánh vô ngã của kinh Kim Cương

Đây là phần quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng lớn, và sâu xa. Kinh Kim Cương thể hiện góc độ rằng một người muốn phát tâm vô thượng, thì phải nương nơi tâm Bồ tát với đại nguyện cứu độ toàn bộ chúng sinh. Ý viết tuy ngắn, nhưng ý ẩn thì rộng lớn.

Như nào là đại nguyện cứu độ toàn bộ chúng sinh?

  • Tự giác: Là tự mình giác ngộ

Biểu tượng của của độ “toàn bộ chúng sinh” với ý niệm tự giác, chính là sự diệt thọ tưởng của chính mình. Một người muốn phát tâm vô thượng, trước hết phải thu phục sự phóng dật của tâm, không để bất kì một tạp niệm, một vọng động nào được khởi.

Toàn bộ chúng sinh trong ý niệm tự giác biểu tượng cho toàn bộ ý niệm của tâm cần phải được xả bỏ.

  • Giác tha: Là cứu độ chúng sinh khác

Sự cứu độ toàn bộ chúng sinh trên phương diện giác tha, không thể hiểu chữ “toàn bộ” một cách đơn thuần, nếu hiểu toàn bộ là tất cả chúng sinh trên cõi đời này thì Thái tử Tất Đạt Đa sẽ chẳng bao giờ có thể thành Phật. Sự cứu độ toàn bộ chúng sinh thực chất chính là sự cứu độ dựa trên toàn bộ nhân duyên của mình, và không chấp tướng.

(1)Toàn bộ nhân duyên:

Một vị Bồ tát đem theo đại nguyện, sẽ phổ độ giáo lý và khuyên nhủ chúng sinh quy tâm nơi giới pháp với mọi nhân duyên mà mình gặp gỡ, không bỏ qua một nhân duyên nào, không phân biệt nhân duyên nào trong đời, không từ bỏ nhân duyên nào tới để cầu học

(2)Không chấp tướng:

Toàn bộ chúng sinh cũng chính là biểu tượng của sự truyền bá đạo đức một cách vô tướng, xả tướng. Vị Bồ tát phát tâm vô thượng là sự phổ độ giáo lý vì lợi ích chúng sinh, không phải vì người mình phổ độ là người quyền thế, giàu có, là người sẽ đem lại lợi lạc cho mình trong tương lai.

Cứu cánh vô ngã, chính là sự giúp đỡ, cứu độ với tâm từ bi không có tướng hình. Nếu một sự giúp đỡ, cứu độ được xây dựng dựa trên nhu cầu về đối tượng, sẽ đem lại lợi ích cho mình, thì đó không gọi là cứu độ, mà đó là lợi dụng.

6. Làm công đức của kinh Kim Cương

Công đức là cách hành xử, thái độ trân trọng của một chúng sinh khi đem công sức, hoặc tiền của của mình để bố thí tới chúng sinh khác. Công đức được sinh ra ở chỗ, khi chúng ta gửi gắm cho chúng sinh khác một cái gì, dù là tiền bạc, hay chỉ là một nụ cười, chúng ta cũng cho đi với thái độ thương yêu. Công đức không thể sinh ra ở thái độ cho đi mà cống cao ngã mạn.

Đối với kinh Kim Cương, sự phát tâm làm công đức không được có lòng chấp trước, chúng sinh chỉ cần phát tâm công đức, chứ không cần phải biết công đức đó dành cho ai. Làm công đức cũng ví như làm ruộng, phải gieo hạt xuống trước đã, sau đó đợi thời tiết, nhân duyên, công sức chăm sóc mà hạt giống thành cây. Sản lượng ít thì tới tay ít người, sản lượng nhiều tới tay nhiều người.

Nếu không gieo hạt thì hi vọng gì mà có lúa, cũng giống như nếu không làm công đức thì trông đợi nhân gì mà trổ quả thiện lành ?

Nếu công đức mà đi theo ý niệm là không làm cho người này, vì người này không xứng, làm cho người kia vì đó là người thân mình, như thế chẳng phải là làm công đức, công đức là phải bình đẳng, vì sự hợp thời mà làm.

7. Pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác của kinh Kim Cương

Theo góc độ kinh Kim Cương, một người phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, hành trì những việc sau đây:

  • Mọi pháp bình đẳng.
  • Cần phải làm các điều lành
  • Không làm các điều ác
  • Làm pháp lành mà tâm không chấp trước, coi như huyễn hoá, coi như giấc mộng, không coi là thật.
  • Pháp tu không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sinh, không có tướng thọ giả.

Trong Phật giáo hay sử dụng hình ảnh núi Tu – di để làm ví dụ. Núi Tu – di, tiếng Phạn là “Sumeru”, tiếng Pali là “Sineru”, đây là một biểu tượng lớn trong truyền thống Ấn Độ giáo và kể cả Phật giáo, được sử dụng như một đại diện cho hình ảnh to lớn vĩ đại.

Núi Tu – di vừa là hình ảnh ngọn núi khổng lồ có thật, lấy làm tượng trưng cho sự miêu tả, vừa là hình ảnh đại diện bản ngã to lớn của con người, tuỳ vào bối cảnh giảng pháp mà chúng ta có thể linh động hiểu ở các góc độ khác nhau.

Kinh Kim Cương sử dụng núi Tu – di để làm hình ảnh miêu tả, kinh nói rằng nếu một người có vàng bạc chất cao như ngọn núi này, đem đi bố thí cũng không thể nào bằng một người giải nói kinh Kim Cương và đem đi giảng nghĩa cho chúng sinh

tap chi nghien cuu Phat hoc tom luan kinh kim cuong pc 2

Hình vẽ biểu tượng Núi Tu – di

Ngụ ý của phân đoạn này là diễn tả về sự bố thí phải hợp thời, pháp vô thượng chính là khuyên nhủ con người giữ giới, không làm điều bất thiện, siêng năng làm thiện. Nếu có thể nhờ ngữ nghĩa, giải nói mà khuyên nhủ được người đời sống đạo đức, còn cao quý hơn nhiều so với vật chất.

Hình tượng núi Tu – di cũng như bản ngã trong tâm

Chúng ta nghe kinh xong thử tự hỏi lòng mình: “Đối với tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, ta có còn chấp hay không?” Nếu ta tự cảm thấy ta là rất hay, mọi người không bằng ta, tức là trái núi Tu-di của ta chưa san bằng được.

Nếu còn thấy tướng nhân là quan trọng, tức núi Tu-di đối với người chưa được san bằng, cho đến núi Tu-di của tướng chúng sinh, tướng thọ giả, cũng đều chưa san bằng. Các loại tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, vẫn còn to như núi Tu-di, vừa cao, vừa lớn.

Nay chúng ta đã học Phật pháp tất phải san bằng núi Tu-di của mình, thực hiện cho được câu: “Pháp bình đẳng, không có cao thấp gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Chúng sinh nghe kinh thì nhất định phải thực hành lời kinh dạy, chẳng phải nghe xong rồi bỏ lại tất cả, đã thông hiểu đạo lý thì phải chiếu theo lý mà hành đạo.

8. Vô sinh pháp nhẫn

Vô sinh pháp nhẫn là không thấy pháp sinh, không thấy pháp diệt, đoạn kiến, thường kiến đều không còn.

Với kinh Kim Cương, một người chứng được vô sinh pháp nhẫn là người biết hết mọi các pháp, mọi giáo lý đều có thể tóm gọn lại,…nhưng cũng biết tất cả các pháp đều là vô ngã, đối với ngã coi như là không, đới với không cũng coi là không.

Cảnh giới này khi chứng ngộ được, thì có thể cảm nhận được, nhưng chẳng thể nói ra bằng lời vì đã lìa tướng, không chấp tướng hình, sinh ra cảm thọ nơi tâm, nên gọi là vô sinh pháp nhẫn. Thành tựu được lý vô sinh pháp nhẫn, sẽ không còn chấp vào việc hưởng phước đức hay không nữa. Làm phước đức mà chẳng có lòng tham nơi thọ nhận đó là vô sinh pháp nhẫn.

9. Như Lai không đến, không đi

Thân xác Phật thì có đến, có đi, còn Như Lai thì chẳng đến, chẳng đi.

Cách lập luận biểu tượng này chỉ để sử dụng để phá chấp cho người học kinh. Không nên học một cách mù quáng, giống như người mù dùng gậy để làm người chỉ đường vậy, và cũng không nên chấp vào tướng hình giả tạm.

Như Lai, được phiên âm từ tiếng Phạn là từ “Tathãgata”, đây là từ mang tính biểu tượng, và có một vài sự giải thích cơ bản trên mặt ngữ nghĩa như sau:

  • Bậc nương vào Chân như (Như) mà biến hiện đến (Lai), nên gọi là Như Lai
  • Theo Kinh Kim Cương, Như Lai có nghĩa là “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, không từ đâu đến và cũng chẳng về đâu, hàm ý từ bản thể Chân như (hiện ra) và có mặt cùng khắp mọi nơi. Khi nói về Đức Phật Thích Ca, kinh điển xưng gọi là Như Lai.
  • Theo Hoà thượng Tuyên Hoá, “Như” là bất động (tĩnh), “Lai” là đến, là động. Động tĩnh nhất như, tức bình đẳng, không hai.

Chúng ta có thể nhận thấy sự hạn hẹp về mặt từ ngữ, sự giải nghĩa là không thể thoả đáng, tuy nhiên, chúng ta có thể tạm hiểu nét tương đồng trong tất cả sự giải nghĩa đều chỉ nhằm mục đích dẫn lối chúng sinh biết Như Lai là biểu tượng của “thật pháp”.

Thật pháp, tức là không tướng. Thân xác Phật thì có tướng. Chúng sinh học pháp là phải hành theo giới, nương theo duyên, khởi sinh từ bi, thu phục tâm bất thiện,… để trực ngộ “pháp”, chứ không thể nhìn Đức Phật, để chứng ngộ “Như Lai”.

Nếu chấp vào cái tướng, cái giả danh, thì chẳng thể chứng ngộ, vì cái tướng thì thay đổi, cái tướng thì hư hoại, như bọt nước, nhìn vào tướng mà nói là thấy Như Lai, chẳng khác nào nói Như Lai cũng hư hoại theo cái tướng đó ? Phật, thì có đến, có đi, “Phật” chỉ là giả danh ghép vào một giả tướng mà thôi, còn bản thể thật tướng “Như Lai” thì không đến, không đi, chỉ có hội tụ đủ duyên để hiện. Kinh Kim Cương ví dụ bằng câu “nước trong trăng hiện”.

Mặt nước lặng yên, thì bóng trăng tự khắc hiện, vốn dĩ bóng trăng chẳng đến, mà do mặt nước không động nên mới đủ nhân duyên cho bóng trăng hiện ra. Tâm không vọng tưởng, Như Lai mới có nhân duyên hiện hữu.

Phải đoạn trừ tâm phân biệt, mới có thể đoạn trừ tâm chấp ngã. Đoạn tận được rồi, trí tuệ mới có thể hiện hữu, trí tuệ không hiện là do tâm vọng động còn quá nhiều.

10. Tri kiến bất sinh

Phần này nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.

Kiến và tướng khác nhau thế nào? Tướng là hình tướng, do mắt nhìn thấy, rồi chấp vào tướng đó. Kiến nghĩa là thấy, do tâm ý chấp vào cái sự “thấy,” nên kiến là một loại chấp trước vi tế. Tướng là loại chấp trước thô, thuộc về phần bên ngoài. Vi tế thì sâu xa hơn, nằm ở bên trong, thuộc phạm vi tâm ý, do sự phân biệt của ý thức mà có.

Cái gì thuộc bên ngoài thì dễ trừ khử, dễ coi nó là không, nhưng cái ở bên trong, thì rất vi tế, do đó cái sự chấp trước này không dễ trừ, khó coi nó là không.

Vì vậy, kinh nói thêm không những phải lìa tướng để hàng phục tâm mà còn phải lìa kiến, lúc đó mới có thể chứng được “không có” cũng “không không”. Đoạn kinh này chính là nói về sự lìa kiến.

Thế nào là “không có”, cũng “không không” ?

Có, luôn đi kèm là có một cái gì. Không, cũng luôn đi kèm là không một cái gì. Chỉ riêng tiếng “có”, và tiếng “không” thì tự chúng không thể có nghĩa được. Ví dụ như “có cái bút”, “không có tờ giấy”,… Khi chúng sinh đọc những cụm từ như “pháp có”, thì phải hiểu rõ, pháp có là có cái gì ? Khi chúng sinh học ý niệm về “vạn pháp không”, thì phải hiểu rõ, vạn pháp không là không cái gì ?

Không thể học mù mờ, không rõ ràng được, không thể chỉ nói lý suông, là “vạn pháp không”, mà không hiểu bản chất nội dung và thế là xong được. Người học kinh, phải hiểu lý nghĩa cho đúng, pháp có, là ý nói pháp có tướng, có hình, nhưng lại không thường hằng, hư hoại, không có cái tự ngã; thì không có cái tự ngã đó, gọi là vạn pháp không có ngã.

“Có”, là có thể có cái hình, cái tướng, cái ý niệm để chụp bắt, còn “không”, là không có bản ngã. Người học kinh, không thể nói “pháp có”, “pháp không” một cách cụt vô nghĩa mà lại không nắm trọn vẹn ý hiểu được. Kinh điển khi nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, là giảng theo nghĩa của tục đế. Nếu nói theo chân đế tức chẳng có ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến; nó chỉ là một giả danh mà thôi.

Cái gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, thật sự chỉ là điều hư vọng, thật tướng chẳng có tướng, chẳng có kiến. Do mượn pháp thế gian mà thuyết pháp chân tướng nên đặt cho nó một cái tên giả (giả danh) để gọi mà thôi. Người học kinh phải học với thái độ như thế. Kinh Kim Cương nói về tính bình đẳng, vạn pháp bình đẳng bằng 5 khía cạnh tạm gọi là “trí tuệ Bát – nhã”:

  • Phật, chúng sinh bình đẳng
  • Có, không bình đẳng
  • Một, nhiều bình đẳng
  • Mọi quan điểm, mọi kiến giải bình đẳng
  • Mọi sự bình đẳng

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Kinh Kim Cang – Hoà Thượng Tuyên Hoá lược giảng, phiên dịch và xuất bản: Buddhist Text Translation Society
Ban phiên dịch Việt ngữ: Vạn Phật Thánh Thành, 2021

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường