Trang chủ Chuyên đề Tư tưởng hiếu đạo của người Việt qua ngày lễ Vu lan

Tư tưởng hiếu đạo của người Việt qua ngày lễ Vu lan

Từ quá khứ đến hiện đại, hiếu đạo luôn được người Việt coi trọng, giữ gìn và phát huy. Lối sống “có trước có sau”, luôn trân trọng và nhớ về cội nguồn đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Điều đó đã tạo nên sự tương đồng giữa đạo đức của người Việt Nam với tính nhân văn trong ngày lễ Vu Lan. Trong dịp lễ trọng đại này, dù là tín đồ đạo Phật hay người ngoài tôn giáo, họ đều bày tỏ lòng biết ơn và sự thành kính với cha mẹ. Đây cũng là cơ hội cho mỗi cá nhân tự soi chiếu lại bản thân và cố gắng sống tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Đăng bởi: Phạm Tuấn Minh
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt: Từ quá khứ đến hiện đại, hiếu đạo luôn được người Việt coi trọng, giữ gìn và phát huy. Lối sống “có trước có sau”, luôn trân trọng và nhớ về cội nguồn đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Điều đó đã tạo nên sự tương đồng giữa đạo đức của người Việt Nam với tính nhân văn trong ngày lễ Vu Lan. Trong dịp lễ trọng đại này, dù là tín đồ đạo Phật hay người ngoài tôn giáo, họ đều bày tỏ lòng biết ơn và sự thành kính với cha mẹ. Đây cũng là cơ hội cho mỗi cá nhân tự soi chiếu lại bản thân và cố gắng sống tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Từ khóa: Lễ Vu Lan, Hiếu đạo, Phật giáo, Người Việt.

Tác giả: TS. Bùi Thị Ánh Vân
Trường Đại học KHXH & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

1. Vu Lan – Ngày lễ Phật giáo gần gũi với người Việt

Biết ơn và tri ân cha mẹ là lẽ sống từ ngàn đời của người Việt. Điều này cũng thấy rõ nét khi tìm hiểu về Phật giáo. Hằng năm, vào Rằm tháng 7 Âm lịch, các ngôi thiền tự lại tổ chức lễ Vu Lan. Đây là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng của cộng đồng Phật giáo.

Theo kinh Vu Lan Bồn(1), chữ “Vu Lan” mà người Việt thường gọi là cách nói ngắn gọn của cụm từ “Vu Lan Bồn” – Trong tiếng Phạn đọc là Ullambana. “Ullam” được hiểu là “treo ngược”/ đảo huyền và “bana” nghĩa là “cứu giúp”. Như vậy, sự kiện Phật giáo này được tổ chức với ý nghĩa giải thoát các vong hồn của người bị tội, giúp họ thoát khỏi sự đày đọa, khổ cùng khi bị treo ngược nơi địa ngục(2).

Truyền thuyết Phật giáo Đại thừa cho biết, khi tu thành chính quả, Mục Kiền Liên(3) đã dùng tuệ nhãn tìm kiếm bậc sinh thành để báo hiếu. Khi nhìn xuống cõi âm, thấy mẹ mình đang mắc kẹt trong cõi ngạ quỷ và bị hành hạ khổ sở. Thân mẫu Mục Kiền Liên không thể ăn được cơm do Ngài mang đến:

“Cơm đưa chưa đến miệng đà,
Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.
Thấy như vậy âu sầu thê thảm,
Mục Kiền Liên bi cảm xót thương”(4)

Để giúp mẹ thoát khỏi cảnh đó, Mục Kiền Liên cần thiết phải nhờ đến sự hợp lực của các vị chư tăng mười phương. Sự chú nguyện của nhiều tu sĩ sẽ giúp hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác, như vậy mới có hy vọng giải thoát được cho thân mẫu của đệ tử. “Đức Phật dạy ngài (Mục Kiền Liên – TG) muốn cứu vớt mẹ phải đến ngày Rằm tháng Bảy, khi có đủ chư tăng đại đức hội về làm tiệc mà cúng Phật và khoản đãi chư tăng. Dựa vào sức lành của các Ngài mà siêu độ được vong linh, làm cho cha mẹ bà con hiện còn sống được thêm phúc đức (5)”.

Lễ Vu Lan đã ra đời theo truyền thuyết như thế, được lưu truyền và bổ tích sự phong phú trên các phương diện đạo hiếu. Cha mẹ luôn là ngọn lửa linh thiêng bất diệt trong trái tim của những người con hiếu đạo. Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là nét đẹp của Phật giáo mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt. Kinh Tăng Chi bộ có dạy: Cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha, người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người(6).

Tap chi nghien cuu Phat hoc Tu tuong hieu dao cua nguoi Viet qua ngay le Vu LanĐến chùa trong dịp lễ Vu Lan, sau khi được nghe các sư giảng nhiều bài pháp về luân hồi, chuyển kiếp theo quan niệm Phật giáo, các phật tử và những người mến mộ đạo Phật sẽ tự chiêm nghiệm, tự kiểm chứng và hoàn thiện thêm cách sống của mình. Để rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ Phật giáo này, chúng tôi tìm gặp Hòa thượng Thích Huệ Thông. Nhà sư trụ trì chùa Hội Khánh (Bình Dương) cho chúng tôi biết: “Vu Lan mang nhiều ý nghĩa tích cực, không những giúp cho người đã quá vãng có cơ hội được thoát khỏi cảnh khổ, mà còn giúp cho người sống thấy được nhân quả để hướng thiện và làm lợi ích cho xã hội”. Đồng thời, trong dịp lễ Vu Lan và mùa an cư, đạo hạnh và giới luật của những tu sĩ Phật giáo cũng được tăng trưởng và điều này tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh. Sau kỳ an cư kiết hạ là thời gian hoan hỷ của hàng Tăng chúng trong tinh thần ngày “Tự tứ” (Tiếng Phạn là Pràvaràna – nghĩa là “Sự thỉnh mời”)(7).

Nổi bật trong các nghi thức ngày Vu Lan là nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Trong những dịp khảo sát thực tế tại nhiều chùa Phật, chúng tôi đã nhận về câu trả lời giống nhau khi hỏi về nguồn gốc của nét văn hóa này(8). Theo đó, việc hoa hồng được chọn trong dịp lễ Vu Lan là bởi chúng biểu tượng cho lòng biết ơn, sự hiếu thảo và mong muốn được tri ân của người con với bậc sinh thành – dù họ còn sống hay đã khuất(9). Bên cạnh đó, hoa hồng còn là biểu trưng cho tình yêu chân thành, cao quý, mãi mãi không đổi thay.

Tap chi nghien cuu Phat hoc Tu tuong hieu dao cua nguoi Viet qua ngay le Vu Lan 1Người tham dự nghi thức sẽ lựa chọn màu hoa phù hợp với mình trong ba giỏ hoa (hồng/ đỏ, trắng, vàng) để cài lên áo. Ai còn cha mẹ thì sẽ lựa chọn một đóa hoa hồng màu đỏ/hồng để vinh danh những bậc thân sinh; đóa hoa hồng màu trắng được cài lên ngực áo những người không còn cha mẹ để ưởng nhớ công ơn dưỡng dục của họ. “Trong vô số công hạnh bồ tát thì hạnh hiếu là trên hết. Cha mẹ được ví như Bồ tát nhất sinh Bổ xứ của cuộc đời mỗi con người” – Giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam Thích nữ Hương Nhũ phân tích cho chúng tôi nghe(10). Bông hồng cài áo còn là lời hứa sống tốt, ngay thẳng, trung thực của những người con dành cho cha mẹ.

Hoa hồng vàng là sắc hoa đặc biệt trong lễ Vu Lan và đây được coi là màu biểu tượng cho sự giải thoát hay thoát tục. Có thể hiểu, bông hoa hồng vàng cài trên ngực áo của các nhà sư ngày lễ Phật giáo này mang ý nghĩa là sự báo hiếu hay báo ân rộng lớn đến tất cả chúng sinh. Với hạnh nguyện “Trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”, nên khi đạt đến sự giác ngộ là cách báo ân tuyệt diệu nhất đối với họ, bởi đó không chỉ là sự báo hiếu cho cha mẹ hiện đời mà còn là báo hiếu cho thân mẫu của họ ở nhiều đời khác. Mùa Vu Lan này, chúng tôi vinh dự được tham gia khóa lễ tại ngôi cổ tự ở phương Nam. Nhà sư trụ trì đã cho chúng tôi biết: “Người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này”.  Trong không gian thiêng liêng của ngày lễ báo hiếu, đóa hồng vàng như nhắc nhở các bậc xuất sĩ Phật giáo về trọng trách đặc biệt của họ trong hành trình đưa con người xa rời điều ác, nhận thức và thực hành cái thiện.

Tap chi nghien cuu Phat hoc Tu tuong hieu dao cua nguoi Viet qua ngay le Vu Lan 2Theo thời gian, hình ảnh những đóa hồng trong ngày lễ Vu Lan đã trở thành biểu tượng gửi gắm nhiều ý niệm đẹp đẽ, đậm tính nhân văn. “Bông hồng cài áo” cùng các nghi thức khác đã góp phần xây dựng nên một biểu tượng mới giàu ý nghĩa, gây xúc động lớn trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung. Sự kiện này không chỉ lắng đọng những điều tốt đẹp trong tâm hồn mỗi người tham dự lễ Vu Lan, mà còn có sức lan tỏa rất lớn, gây ấn tượng sâu sắc đối với toàn xã hội.

2. Tinh thần hiếu đạo trong lễ Vu Lan tại các ngôi chùa Việt

Trong một gia đình, bậc phụ mẫu luôn là người tần tảo sớm hôm, trải bao mưa nắng, hy sinh, sẵn sàng xả thân, đùm bọc lấy các con mình giữa bão tố của cuộc đời. Ý thức được điều đó, mỗi người con Việt luôn trân trọng và biết ơn cha mẹ của mình.

Hiếu thuận với cha mẹ đã trở thành một chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc Việt Nam(11). Theo đó, bất hiếu là tội lớn nhất. Đối với cha không kính, đối với mẹ không thương, người đó sẽ không thể trở thành một người đối nhân xử thế, có phẩm chất tốt. Hiếu hạnh với dân tộc Việt Nam mang ý nghĩa cao cả, thiết thực và có giá trị lớn lao.

– “Tu đâu cho bằng tu nhà.
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”;
– “Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”

Những câu ca dao trên đã chỉ rõ ý nghĩa và giá trị của chữ “tu” trong đời sống hàng ngày của người Việt. Đối với người dân trên mảnh đất hình chữ S, “tu” có ý nghĩa thực tế, là sự vận dụng đạo lý của cha ông răn dạy vào thực tế, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, góp phần trong việc xây dựng hệ giá trị mới trong bối cảnh đương đại.

Để có thể du nhập và tồn tại trên mảnh đất của người Việt, Phật giáo đã có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa bản địa, đặc biệt thể hiện qua sự hòa quyện với tư tưởng Hiếu của người Việt. Điều đó bộc lộ rõ nét trong lễ Vu Lan – một nghi lễ truyền thống của đạo Phật. Vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, đồng bào Phật giáo và cả những người có thiện cảm với tôn giáo này lại tụ tập về chốn thiền tự để tham gia vào nghi lễ nhân văn này. Dưới ánh sáng Phật pháp, họ tự hứa với bản thân cần nỗ lực học tập, lao động, sống có ý nghĩa để không phụ công sức dưỡng dục của các đấng sinh thành. Tín đồ đạo Phật luôn quan niệm: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”(12). Do đó, họ luôn tôn trọng và hiếu kính với cha mẹ.

Truyền thống Hiếu đạo, tình yêu và sự kính trọng dành cho người đi trước của  dân  tộc Việt đã hòa quyện, gắn kết với tinh thần từ bi của Phật giáo. Sự tương đồng về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với lễ Vu Lan Phật giáo đã góp phần tạo nên nét phẩm chất quý báu của người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự hòa hợp của tín ngưỡng bản địa với Phật giáo – thứ tôn giáo ngoại sinh, đã tạo nên không gian văn hóa để họ luôn kính trọng và thực hành đạo Hiếu với ông bà, cha mẹ, những người có công với cộng đồng, với tổ quốc. Đất nước Việt Nam trường tồn bao đời, dù nhiều lần bị đô hộ, xâm lược cũng không mất đi bản sắc, chính bởi truyền thống luôn nhớ và khắc ghi cội nguồn quý báu ấy.

Nhịp sống hiện đại luôn khẩn trương với những guồng quay chóng mặt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Hệ giá trị mới có sự thay đổi không nhỏ. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ Vu Lan về, các tín đồ Phật giáo và những người có thiện cảm với tôn giáo này lại được dịp sống chậm lại, hướng về gia đình và cội nguồn. Mỗi người có cơ hội được chiêm nghiệm, ý thức được tầm quan trọng của gia đình, biết hướng về mái ấm của mình, trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống; Từ đó, họ điều chỉnh hành vi, lối sống để xứng đáng với bậc sinh thành.

Sống hiếu đạo với mẹ cha không chỉ là một loại tình cảm cao đẹp, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong mọi hoàn cảnh đối với mỗi người dân Việt. Lối sống thủy chung, “có trước có sau” đã thấm sâu vào văn hóa Việt, góp phần rất lớn trong việc duy trì những giá trị, phẩm chất đạo đức cao đẹp, gắn kết cộng đồng dân tộc(13). Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được dân tộc ta duy trì và phát huy. Quy mô của lễ Vu Lan trong các ngôi chùa Phật vì thế được mở rộng theo thời gian, những triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn sâu trong sự kiện này luôn được trân trọng.

Tap chi nghien cuu Phat hoc Tu tuong hieu dao cua nguoi Viet qua ngay le Vu Lan 3

Kết luận

“Câu hiếu đạo cù lao chín chữ
Người hiếu tử vai cõng mẹ cha”(14)

Đây là cách ứng xử truyền thống của người Việt, thể hiện sự hiếu thảo, lối sống “có trước có sau”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ ngàn năm. Tình cảm đó lại một lần nữa khắc sâu trong dịp lễ Vu Lan của cộng đồng Phật giáo vào rằm tháng Bảy hàng năm. Những tín đồ Phật giáo đều hiểu rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Do đó, họ luôn ngập tràn hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ để được sống với trọn lành hiếu đạo.

Tác giả: TS. Bùi Thị Ánh Vân
Trường Đại học KHXH & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyệt Anh (2022), Ý nghĩa nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan. https://baodantoc.vn/, 22/8/2022, ngày truy cập: 15/3/2024.
  2. Thích Minh Châu (2017), Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Pàli, https://daibaothapmandalataythien.org/, 11/4/2017, ngày truy cập: 27/02/2024.
  3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Thích Thiện Hạnh (2020), “Nghiêm trì giới luật là an cư kiết hạ”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2020.
  5. Nội dung Kinh Vu Lan – Báo ân cha mẹ, https://phatgiao.org.vn/, 01/6/2023, ngày truy cập: 12/3/2024.
  6. Thích nữ Hương Nhũ (2022), Nội dung bài giảng pháp ngày lễ Vu Lan báo hiếu, 12/8/2022 – tức ngày 15/7 âm lịch, Thiên Quang ni tự, Dĩ An, Bình Dương.
  7. Thích nữ Hằng Như (2017), Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan, Trang Điện tử của Thư viện Hoa sen, https://thuvienhoasen.org/, 17/8/2017, ngày truy cập: 10/4/2024.
  8. Phật Nói Kinh Vu Lan Bồn, Trang Điện tử của Phật giáo Khất sĩ, https://phatgiaokhatsi.com/, ngày truy cập: 12/01/2024.
  9. Thích Trí Quảng (2011), Chữ Hiếu trong đạo Phật, Trang Điện tử Thư viện Hoa sen, https://thuvienhoasen.org/, 10/8/2011, ngày truy cập: 18/02/2024.
  10. Phương Thanh (2022), Bông hồng cài áo, Trang Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/, 11/8/2022, ngày truy cập: 16/01/2024.
  11. Võ Thạnh (2020), Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan, https://vnexpress.net/, 31/8/2020, ngày truy cập: 13/01/2024.
  12. Thích Huệ Thông (2020), Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ, Trang Điện tử của Thư viện Hoa sen, https://thuvienhoasen.org/, 02/9/2020, ngày truy cập: 12/5/2024.
  13. Bùi Thị Ánh Vân (2018), “Vai trò kết nối cộng đồng xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”, Kỷ yếu Hội thảo Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại – Lý luận và ứng dụng, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Hà Nội, tháng 12/2018.
  14. Bùi Thị Ánh Vân (2019), “Thờ cúng tổ tiên – Tín ngưỡng phát khởi lòng nhân ái”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, ISSN: 0866 – 7314), Số 76, tháng 3/2019.

CHÚ THÍCH:

(1) Nội dung Kinh Vu Lan – Báo ân cha mẹ, Trang Điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, https://phatgiao.org.vn, 01/6/2023, ngày truy cập: 12/3/2024.

(2) Thích Nữ Hằng Như (2017), Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan, Trang Điện tử Thư viện Hoa sen, https://thuvienhoasen.org/, 17/8/2017, ngày truy cập: 10/4/2024.

(3) Mục Kiền Liên là một trong hai đại đệ tử đáng kính của Phật tổ, sau khi đắc đạo, có phép thần thông.

(4) Phật Nói Kinh Vu Lan Bồn, Trang Điện tử của Phật giáo Khất sĩ, https://phatgiaokhatsi.com/, ngày truy cập: 12/01/2024.

(5) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.1547.

(6) Thích Minh Châu (2017), Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Pàli, https://daibaothapmandalataythien.org/, 11/4/2017, ngày truy cập: 27/02/2024.

(7) Đọc:
– Thích Thiện Hạnh (2020), “Nghiêm trì giới luật là an cư kiết hạ”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 7/2020.
– Thích Huệ Thông (2020), Vu-lan trong tinh thần ngày Tự tứ, https://thuvienhoasen.org/, 02/9/2020, ngày truy cập: 12/5/2024.

(8) Nghi lễ bắt nguồn từ tác phẩm đầy xúc động “Bông hồng cài áo” của sư Thích Nhất Hạnh, ra đời khoảng những năm 60 của thế kỷ XX. Trong một chuyến công tác ở Nhật Bản, vị thiền sư đã được cài tặng lên ngực một bông hồng trắng. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa sâu xa của hành động ấy, sư Nhất Hạnh rất xúc động. Ngài đã kể lại cho môn đệ của mình nghe về sự kiện bông hồng cài áo của người dân xứ hoa Anh Đào. Trong sự kiện ấy, mỗi người con mà còn cha mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ; và bông hồng trắng sẽ được cài bởi những ai đã mất cha mẹ.

(9) Võ Thạnh (2020), Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan, https://vnexpress.net/, 31/8/2020, ngày truy cập: 13/01/2024.

(10) Ni sư Hương Nhũ (2022), Nội dung bài giảng của Ni sư Hương Nhũ ngày lễ Vu Lan báo hiếu, ngày 12/8/2022 (15/7 âm lịch), Thiên Quang ni tự, Dĩ An, Bình Dương.

(11) Bùi Thị Ánh Vân (2019), “Thờ cúng tổ tiên – Tín ngưỡng phát khởi lòng nhân ái”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, ISSN: 0866 – 7314), Số 76, tr.56-61.

(12) Thích Trí Quảng (2011), Chữ Hiếu trong đạo Phật, Trang Điện tử Thư viện Hoa sen, https://thuvienhoasen.org/, 10/8/2011, ngày truy cập:18/02/2024.

(13) Bùi Thị Ánh Vân (2018), “Vai trò kết nối cộng đồng xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”, Kỷ yếu Hội thảo Vai trò của tín ngưỡng Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại – Lý luận và ứng dụng, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Hà Nội, 12/2018, tr.163-182.

(14) Thơ của Ni sư Huệ Giác – Cố trụ trì chùa Thiên Quang, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

 

 

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường