Việc tổ chức các khoá tu mùa hè cho giới trẻ hiện nay là cần thiết và có cơ sở thực tiễn. Thực trạng hiện nay, thế hệ trẻ đang sống trong một môi trường phát triển năng động và hội nhập quốc tế; cùng với đó, là kéo theo sự tác động, ảnh hưởng đầy phức tạp, khó lường của xã hội về nhiều mặt, trong đó có sự mất cân bằng và hụt hẫng của thế hệ trẻ về mặt vật chất cũng như đời sống tinh thần.

Tác giả: TT TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

TÓM TẮT: Trong xu hướng xã hội hoá về mọi phương diện đời sống, kinh tế, văn hoá, giáo dục…ngày càng phát triển và hội nhập cùng với quốc tế. Trong đó, Phật giáo là một tôn giáo không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Phật giáo có vai trò và trách nhiệm của mình góp phần cùng với gia đình, nhà trường, xã hội, với mục tiêu giáo dục, định hướng, giúp cho thế hệ trẻ ngày nay phát triển về nhân cách, lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức, nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại mới.

Tuy nhiên, đứng trước những thông tin trái chiều trên không gian mạng về các khoá tu mùa hè của Phật giáo, về ý kiến cho rằng “trẻ con tu gì?” Vì vậy, vấn đề được đặt ra là hoạt động về khoá tu mùa hè của các chùa, tự viện có cần thiết tổ chức trong giai đoạn hiện nay? Bài viết tập trung trình bày: Sự đồng thuận của các bậc quản lý giới trẻ; giáo dục đạo đức Phật giáo cho thế hệ trẻ ngày nay.

Mục đích bài viết thể hiện sự nhận thức đúng đắn về giáo dục tinh thần đạo đức cho thế hệ trẻ trong các hoạt động của khoá tu mùa hè, góp phần nhận thức đúng hơn về hoạt động của Giáo hội trước những tác động tiêu cực của xã hội hoá ngày nay.

Từ khoá: Khoá tu mùa hè, giáo dục, thế hệ trẻ ngày nay, quản lý, thanh thiếu niên.

Trước sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự ảnh hưởng nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa trên thế giới đã ảnh hưởng, tác động khá sâu rộng đến con người và xã hội Việt Nam.

Bên cạnh những con người Việt Nam chân chính, có lý tưởng và mục đích sống cao đẹp, có tình yêu quê hương đất nước, có tinh thần dân tộc cao cả, có trách nhiệm đối với nhân dân và đất nước… thì vẫn còn những người có quan niệm sống không đúng đắn, lý tưởng sống lệch lạc, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Chính vì thế, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đề cao vai trò của giáo dục, bồi dưỡng quan điểm, lý tưởng, phẩm chất đạo đức và lối sống cao đẹp cho mỗi con người Việt Nam, đó không chỉ là vấn đề mang tính thời sự cấp bách, mà còn là chiến lược lâu dài của dân tộc Việt Nam. Hoà chung với nhịp đập của dân tộc, Phật giáo là một tôn giáo có bề dày lịch sử gắn liền với sự thịnh suy của đất nước, một tôn giáo không thể tách rời của dân tộc Việt Nam trong suốt các chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Do đó, Phật giáo có vai trò và trách nhiệm của mình góp phần cùng với gia đình, nhà trường, xã hội, với mục tiêu giáo dục, định hướng, giúp cho thế hệ trẻ ngày nay phát triển về nhân cách, lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức, nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại mới.

Tuy nhiên, đứng trước những thông tin trái chiều trên không gian mạng về các khoá tu mùa hè của Phật giáo, về ý kiến cho rằng “trẻ con tu gì?” Vì vậy, vấn đề được đặt ra là hoạt động về khoá tu mùa hè của các chùa, tự viện có cần thiết tổ chức trong giai đoạn hiện nay?

Song, thay gì đi tìm sự phê phán, các lỗi của khoá tu mùa hè, chúng ta nên đi tìm sự hiểu biết, nhận thức đúng bản chất của các khoá tu mùa hè, hiểu đúng về sự giáo dục đạo đức của Phật giáo đối với giới trẻ thì mới mong xoá bỏ được suy nghĩ, nhận thức sai về mục tiêu của các khoá tu mùa hè một cách thiết thực trong cuộc sống.

Sự đồng thuận của các bậc quản lý giới trẻ

Trước hết, khoá tu mùa hè là một trong những hoạt động thường niên của các chùa, tự viện, thiền viện, các tổ chức Phật giáo trong những năm gần đây, được các cấp Giáo hội đồng tình ủng hộ, các cấp chính quyền cho phép và không đi ngược lại với lợi ích Nhà nước, chịu sự quy định của pháp luật, hoạt động không nằm ngoài Luật tín ngưỡng tôn giáo.

Cho nên, khoá tu mùa hè của các chùa, tự viện, thiền viện được tổ chức một cách minh bạch rõ ràng và được sự đồng thuận của các cấp Giáo hội, đặc biệt đây là chủ trương của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hướng đến mục tiêu giáo dục và tạo điều kiện vui chơi cho các em thuộc tín đồ Phật giáo trong ba tháng mùa hè.

Giáo hội Phật giáo Trung ương đã xác định một cách hết sức cụ thể, rõ ràng đối tượng tham gia khoá tu mùa hè, đó là “thanh thiếu niên của tín đồ Phật giáo”, những người có niềm tin về Phật giáo, những người “hữu duyên”, những đối tượng có duyên lành muốn hướng về Phật giáo, muốn trải nghiệm “cuộc sống nơi chốn thiền môn”. Do đó, đây là hoạt động mang tính nội bộ của Phật giáo và chủ trương của Giáo hội Phật giáo là không thúc ép, bắt buộc các đối tượng là tín đồ của tôn giáo khác.

Căn cứ theo Thông bạch số 95/TB – HĐTS gửi đến các Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố được phép tổ chức các khoá tu mùa hè, các hội trại, khoá tu gieo duyên…với mục tiêu “trải nghiệm tu học mà vui chơi bổ ích, vui chơi bổ ích mà trải nghiệm tu học”, nhằm tạo ra một không gian vui chơi lành mạnh, sinh hoạt bổ ích cho giới trẻ hiện nay.

Đồng thời tạo cho giới trẻ phật tử có cơ hội tiếp xúc với phật pháp, gieo duyên lành và thấm nhuần lời dạy của đức Phật, từ đó tích tụ nguồn dự trữ thiện lành, để xây dựng phẩm hạnh đạo đức cá nhân trong tương lai. Chính vì vậy, việc tổ chức khoá tu là chủ trương chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần giáo dục đạo đức truyền thống phụng đạo yêu nước, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Hoạt động của các khoá tu mùa hè không những trang bị cho giới trẻ những kiến thức về Phật giáo như học giáo lý, thực hành thiền, tụng kinh, các nghi thức sinh hoạt thiền môn, các mối tương quan giữa Phật giáo với môi trường, Phật giáo với khoa học, mà còn truyền đạt những kỹ năng sống trong thực tiễn xã hội như: kỹ năng chống đuối nước; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng sơ cứu, cấp cứu; văn hóa tham gia bảo đảm an toàn giao thông…; bên cạnh đó là các hoạt động vui chơi bổ trợ như: các trò chơi, giải trí vui tươi, lành mạnh.

Có thể nói, chương trình sinh hoạt Phật pháp, hướng đến mục tiêu trong việc mở rộng phạm vi giáo dục thế hệ trẻ về mặt thể chất, tinh thần, sống lạc quan, yêu đời, sống có ích cho xã hội, sống có đạo đức, hiểu rõ hơn việc làm thiện tránh xa những điều không tốt trong xã hội, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên trong ba tháng mùa hè.

Mặc dù vậy, Giáo hội cũng đòi hỏi sự quy định nghiêm ngặt của các chùa, cơ sở tự viện tổ chức khoá tu phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho sinh hoạt đông người, các khóa sinh nam và khoá sinh nữ phải có chỗ nghỉ ngơi riêng biệt, bảo đảm an toàn về sinh hoạt ăn, nghỉ, tắm giặt, vệ sinh, bảo đảm sức khỏe cho khóa sinh; bảo đảm an toàn về cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng y tế và các quy định chung về an ninh trật tự theo quy định.

Giáo hội còn yêu cầu khoá tu mùa hè ở các tỉnh, thành phố phải được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, Ban Tôn giáo, nhờ đó chính quyền sẽ bảo vệ về mặt an ninh trật tự, tránh những trường hợp gây rối, mất trật tự trong suốt quá trình tổ chức khoá tu. Mặt khác, một trong những vấn đề quan trọng để thanh thiếu niên tham gia khoá tu mùa hè, mà thiếu nó thì khoá tu mùa hè sẽ không thể tổ chức được, đó chính là sự đồng thuận, cho phép của các bậc cha mẹ, những người có trách nhiệm quản lý thanh thiếu niên.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Giáo hội không có bất kỳ văn bản nào yêu cầu bắt buộc các bậc cha mẹ, người quản lý cho con em của họ tham gia khoá tu mùa hè và đóng bắt kỳ lệ phí nào trong suốt quá trình tu học. Do đó, khoá tu mùa hè mang tính chất đồng thuận, tình nguyện của các em, cha mẹ, những người quản lý và họ muốn đăng ký cho con em của họ sống “cuộc sống trải nghiệm” trong môi trường của Phật giáo một cách tự nguyện, không ràng buộc.

Song, việc tham gia khoá tu đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản thủ tục hành chính, để Ban tổ chức quản lý chặt chẽ các khoá sinh tốt hơn. Thể lệ đăng ký bao gồm: Ghi rõ họ và tên người tham dự, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, căn cước công dân, số điện thoại của cha mẹ hoặc người có trách nhiệm quản lý. Các em phải đem theo CCCD hoặc thẻ học sinh để làm thủ tục đăng ký tạm trú đúng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thời gian tổ chức khoá tu và kết thúc khoá tu được lên kế hoạch cụ thể và thông báo rõ ràng trên các kênh truyền thông đại chúng của Phật giáo. Chẳng hạn sắp tới đây, hội trại tuổi trẻ và Phật giáo lần thứ 14, tổ chức trong vòng 4 ngày, từ ngày 11 – 14 tháng 7 năm 2024, tại chùa Quốc Ân Khải Tường (quốc lộ 51, Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) với chủ đề: “Nối vòng tay lớn”, thể hiện tinh thần yêu thương, chia sẻ, từ bi, khoan dung, đoàn kết nhau trong cuộc sống…

Do đó, việc tổ chức khoá tu mùa hè là sự chấp thuận đến từ ba phía: lãnh đạo Giáo hội, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của các bậc cha mẹ, người quản lý thanh thiếu niên. Khoá tu thể hiện sự gắn kết giữa gia đình, xã hội, Phật giáo, mang đến cho các thanh thiếu niên một sự trải nghiệm, vui chơi lành mạnh trong mùa nghỉ hè đáng nhớ trong môi trường của Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc thuyết giảng cần được khắc phục, sửa sai, làm tốt hơn, để tránh những phản ứng không đáng có đối với việc tổ chức khoá tu mùa hè. Sự thiếu xót, thiếu chu đáo trong tổ chức khoá tu là điều không thể tránh khỏi.

Song, không chỉ riêng đối với lĩnh vực Phật giáo, mà bất kỳ các công ty, tập đoàn, các tổ chức chính trị – xã hội, đều có những thiếu xót nhất định của nó trong việc hoạch định, kế hoạch, quy hoạch, đề án…của chính chủ thể. Cho nên, vấn đề là chúng ta nhận thức được mục đích của khoá tu mùa hè hướng đến giáo dục tinh thần đạo đức cho giới trẻ như thế nào?

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Giáo dục đạo đức Phật giáo cho thế hệ trẻ ngày nay

Đứng trước những ý kiến cho rằng “trẻ con tu gì?” trong các khoá tu mùa hè, là một câu hỏi cần phải có lời giải đáp. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm “tu là gì?”. Theo Từ điển Hán – Việt của Thiều Chửu, “tu” có nghĩa là: “Sửa, sửa cho hay cho tốt gọi là tu. Như tu thân: sửa mình, tu đức: sửa đức…” [1].

Song, theo Đại từ điển tiếng Việt của nhóm tác giả Nguyễn Như Ý (chủ biên), khái niệm chữ tu được hiểu như sau: “1. Sống khắt khe theo những giáo lý quy định chặt chẽ của tôn giáo nào đó: tu đạo Phật, tu ở chùa, tu hành, tu sĩ, tu viện;2. Sửa lại, sửa chữa: tu bổ, tu chỉnh, tu chính, tu lý…;3. Chú tâm vào học tập và rèn luyện: tu dưỡng, tu luyện, tu thân, tu tính, chuyên tu, tự tu” [2].

Do đó, “tu” không có nghĩa là “đi tu” từ bỏ thế tục, xa lìa cuộc sống gia đình, mà “tu” còn có ý nghĩa là tự sửa thân mình, tu dưỡng thân tâm, rèn luyện đạo đức, sửa cái xấu ác thành cái thiện lành, làm cho bản thân ngày càng tốt hơn.

Nếu cho rằng chỉ người lớn, người trưởng thành mới có thể “tu”, sửa đổi những tính hư, tật xấu, việc làm bất thiện của bản thân, còn những trẻ thơ, những thanh thiếu niên thì không cần sửa sai, không cần phải dạy dỗ, để cho nó vui chơi hồn nhiên và “hư một cách tự nhiên”.

Điều đó, có thể là một nhận thức sai lầm lớn và thiếu “tầm nhìn chiến lược” trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ca dao, tục ngữ Việt Nam thường có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, là một trong những phương châm sống đời rất hay và có ý nghĩa sâu sắc đối với con người trong cuộc sống.

Trong những năm gần đây, tình trạng phạm tội ở độ tuổi chưa thành niên có chiều hướng gia tăng về số lượng lẫn mức độ phạm tội, xuất phát từ những suy nghĩ bồng bột, thiếu hiểu biết cho đến sự suy nghĩ tính toán, khá tinh vi trong suy nghĩ và hành động, đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, gây xôn xao dư luận xã hội. Có nhiều vụ án mà bị cáo là trẻ chưa thành niên, với những thủ đoạn nhưng “cố ý gây thương tích”, “cướp tài sản”, “giết người”, “trộm cắp cướp” …để lại nỗi đau da diết trong lòng các bậc cha mẹ, người thân.

Cụ thể là vụ án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, người phạm tội là Lê Văn Luyện chưa đến 18 tuổi; vụ nữ sinh giết bạn học ở Hưng Yên mới chỉ 15 tuổi…là những hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về sự gia tăng tỷ lệ phạm tội của lứa tuổi trẻ hoá hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm đã trình Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 2, tội phạm vị thành niên chiếm 15 – 18% và ngày càng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo dự báo của ông Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thì “theo phép tính nhân trong khoảng 5 – 10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có 200 nghìn người dưới 30 tuổi”. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có những giải pháp, biện pháp hữu hiện nhất nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phạm tội của lứa tuổi vị thành niên trong tương lai.

Do đó, việc giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, mà nó còn là trách nhiệm của toàn xã hội, tổ chức, tôn giáo, trong đó có vai trò và trách nhiệm của tổ chức Phật giáo hiện nay trong việc giáo dục tinh thần đạo đức cho thế hệ trẻ; nếu xã hội không muốn thế hệ trẻ trở thành những “kẻ phạm tội” trong tương lai.

Tuy nhiên, có một số “suy nghĩ thiếu chiều sâu” cho rằng nhà chùa “dạy cái gì?” và “trẻ con tu gì?” từ trong môi trường Phật giáo, là một nhận thức lệch lạc trong tư duy thiển cận. Nếu nhìn từ góc độ lịch sử của dân tộc, chùa chiền chính là nơi giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Theo tác giả Đào Duy Anh trong tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cương, xuất bản năm 1938, cho rằng chùa chiền là nơi giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước, tác giả viết:

“Đến triều Ngô và triều Đinh độc lập thời vì trị nước không được lâu mà lại phải lo chỉnh đốn việc võ bị và chính trị, chưa rảnh mà tổ chức việc giáo dục, cho nên việc học bấy giờ chỉ có ở trong các chùa chiền. Ta có thể nói rằng đời bấy giờ Hán học nhờ Phật học mà truyền bá ở trong dân gian. Lý Công Uẩn là vua sáng nghiệp của triều Lý, cũng từng chịu giáo dục ở nhà chùa” [3].

Đến triều Trần, Trần Thái Tông đề cao con đường giáo dục, tổ chức các khoa cử một cách chu đáo. Năm 1253, lập Quốc học viện và lập Giảng võ đường luyện tập võ nghệ, mở rộng phạm vi giáo dục Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, nâng cao trí dục và thể dục.

Trần Thái Tông viết: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh” [4]. Do đó, ngay từ buổi đầu giáo dục con người đã xuất hiện trong môi trường của Phật giáo và chính nơi đây là môi trường tốt góp phần tạo nên lớp người có tài có đức, có nhân sinh quan đúng đắn, làm lợi ích cho xã hội và đặc biệt là sản sinh ra những anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Mặc dù, ngày nay có nhiều tiến bộ trong phương thức giáo dục, trường lớp đầy đủ, học sinh được tiếp cận tri thức ở trường lớp một cách khoa học, có hệ thống, giáo dục được thống nhất cả nước, giúp cho học sinh phát triển năng lực sẵn có của mình trong nghiên cứu, lao động sản xuất, để phát triển đất nước; tuy nhiên, việc giáo dục thế hệ trẻ ở nhà trường là chưa đủ, chỉ nâng cao tri thức khoa học, mà chưa trải nghiệm được thực tế của xã hội.

Vì vậy, đòi hỏi phải có sự kết hợp bổ trợ từ phía gia đình, xã hội và môi trường tôn giáo, để phát huy giá trị tinh thần đạo đức, thì mới giúp ích cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế giỏi như lại thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”[5].

Do đó, vấn đề đạo đức là một trong những truyền thống văn hóa của dân tộc và trong mọi thời đại việc giáo dục đạo đức được tiếp thu và kế thừa qua nhiều thế hệ, từ quan điểm đạo đức của phương Tây đến quan điểm đạo đức của phương Đông.

Đạo đức thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội: “Phép tắc về quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội” [6], là vấn đề cơ bản nhất của đời sống con người về mặt tinh thần; đạo đức thuộc về luân thường đạo lý của con người, biểu hiện ở những khía cạnh tốt - xấu, là thước đo về đời sống đạo đức của mỗi cá nhân con người trong quan hệ xã hội; nó gắn liền với văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, pháp luật, luật lệ của một xã hội nhất định.

Do đó, sự trải nghiệm của khoá tu mùa hè trong môi trường Phật giáo, chính là phát huy những giá trị đạo đức tinh thần cho giới trẻ trong cuộc sống. Huấn luyện các em biết soi chiếu lại chính mình, rèn luyện tác phong để trở thành một người có đạo đức trong xã hội, biết chấp hành những nguyên tắc sống mà xã hội đã qui định.

Đặc biệt là vấn đề phân biệt được thiện và ác trong đời sống con người. Cái thiện là cái tốt đẹp, là thái độ, hành vi của cá nhân đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội, đồng thời nó góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Ngược lại, một hành động đáng ghét, bị chê trách, ghê tởm, không phù hợp với mọi người, đem lại phiền phức, đau khổ, làm mất đi sự văn minh, tiến bộ, phát triển của cuộc sống con người, thì cần phải gạt bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội, như Hồ Chí Minh đã nói: “Việc thiện thì dù nhỏ đến mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ đến mấy cũng tránh” [7].

Chính vì vậy, giáo dục giới trẻ trong môi trường của Phật giáo hướng đến mục tiêu chuyển hoá nội tâm, xác định đúng cái xấu và chuyển hoá nó thành cái tốt hơn, góp phần giúp cho giới trẻ phát huy nguồn năng lượng nội tâm, dự trữ nguồn năng lượng thiện lành, sống có ý chí, tự lực, tự cường, tự lập để sinh tồn trong tương lai.

Nó không những trang bị cho giới trẻ về kiến thức Phật học, những tư duy, nhận thức, niềm tin chân chính, lý tưởng, đạo đức, nhân cách sống, mà còn sống hài hoà, tương thân tương ái, khoan dung, từ bi, đoàn kết… trong các mối quan hệ cá nhân, bạn bè, trường học, gia đình và cộng đồng xã hội. Khoá tu giúp cho thế hệ trẻ ngày nay sống cân bằng giữa tinh thần và vật chất trong cuộc sống, sống làm chủ chính mình trong môi trường xã hội hết sức phức tạp như hiện nay.

Cuộc sống không chỉ “riêng ta” mà cuộc sống “giữa ta và mọi người”, không phải lúc nào “giới trẻ” cũng được bảo vệ trong vòng tay của cha mẹ, người thân, bạn bè, đôi khi cần thiết phải tự bảo vệ chính mình. Nếu thiếu đi sự trải nghiệm cuộc sống, sự bồng bột, thiếu kiên nhẫn của tuổi trẻ, khiến họ trở thành mục tiêu “săn mồi” của thế lực ngầm bởi sự kích động, lôi kéo và bị tha hoá lối sống.

Khoá tu của Phật giáo là nhằm mục tiêu hướng giới trẻ nhận ra điều đó trong cuộc sống, giáo dục, rèn luyện các đức tính từ bi, hỷ xả, sống vì mọi người, hy sinh lợi ích cá nhân đem lại lợi ích cho người khác bằng tình thương yêu đồng loại, chống lại lối sống vị kỷ, sống thủ đoạn, chủ nghĩa cá nhân, mang đến cho giới trẻ những giá trị về mặt đạo đức xã hội.

Lối giáo dục ngày nay không chỉ hướng đến độ tuổi trưởng thành, mà giới trẻ là mục tiêu mà giáo dục hướng đến, trong đó giáo dục về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách con người…là những vấn đề cần thiết luôn luôn được Đảng và nhà nước quan tâm hàng đầu trong môi trường xã hội mở hiện nay hết sức phức tạp trên không gian mạng, đạo đức xuống cấp, tội phạm gia tăng về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm của nó.

Điều đáng báo động đó là phạm tội của giới trẻ hiện nay ngày càng tăng, thói hư, tật xấu ngày càng nhiều trong xã hội. Do đó, giáo dục đạo đức cho giới trẻ hiện nay trong môi trường Phật giáo là một vấn đề hết sức cần thiết, góp phần cùng gia đình, nhà trường, xã hội, giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức tốt, sống có lý tưởng, giúp ích cho sự phát triển của đất nước.

Tóm lại, việc tổ chức các khoá tu mùa hè cho giới trẻ hiện nay là cần thiết và có cơ sở thực tiễn. Thực trạng hiện nay, thế hệ trẻ đang sống trong một môi trường phát triển năng động và hội nhập quốc tế; cùng với đó, là kéo theo sự tác động, ảnh hưởng đầy phức tạp, khó lường của xã hội về nhiều mặt, trong đó có sự mất cân bằng và hụt hẫng của thế hệ trẻ về mặt vật chất cũng như đời sống tinh thần.

Sự khủng hoảng của niềm tin con người ngày càng trở nên báo động đến mức, chúng ta cần có những giải pháp để cân bằng niềm tin trong cuộc sống. Đặc biệt là thế hệ trẻ đang sống trong môi trường xã hội mới nhiều biến động, dể bị tổn thương về mặt tâm lý, thiếu điểm tựa tinh thần, tình yêu thương, bao dung của các bậc cha mẹ, người thân, đã tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ.

Do đó, giáo dục tinh thần, đạo đức cho giới trẻ ngày nay là hướng đi thiết thực và phù hợp, giúp cho giới trẻ hoàn thiện nhân cách, có đầy đủ nghị lực vượt lên chính mình, có những kỹ năng sống nhẫn nại, chịu khó, bình thản, ý chí, có tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, trong cách tiếp cận giáo dục giới trẻ ngày nay cũng hết sức thận trọng, phương pháp giáo dục phải luôn luôn đổi mới, tránh giới điều, hình thức, nhất là thuyết giảng giáo lý nhà Phật phải thể hiện tính triết lý sâu sắc của đức Phật, phù hợp với khoa học, minh chứng phải căn cứ trên thực tiễn đời sống con người.

Đôi khi và nhiều lúc, chúng ta đi quá xa với thực tiễn sẽ không phù hợp trong xã hội hiện đại và nhận thức của con người đang sống trong thế giới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó, vô tình tạo ra sự phản ứng trái chiều và những nhận thức nhằm “bẻ cong quan điểm của Phật giáo” của một số đối tượng không thân thiện với Phật giáo, cũng như không tán đồng quan điểm tổ chức khoá tu cho giới trẻ hiện nay trong tinh thần đạo đức của Phật giáo.

Tác giả: TT TS. Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB. Bốn phương, 1938.

2.Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1990.

3.Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

4.Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011.

5.Thiều Chửu, Hán Việt từ điển, Nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942

6.Viện Văn học, Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.

Chú thích:

[1] Thiều Chửu (1942), Hán Việt từ điển, Nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, tr. 26.

[2] Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr.1687.

[3] Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hoá sử cương, NXB. Bốn phương, tr.254.

[4] Viện Văn học (1988), Thơ Văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.27.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 399.

[6] Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr. 480.

[7] Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 55.