Kinh Kim Cương là loại kinh pháp dụ, lấy ví dụ là Kim Cương để giảng giải về Bát Nhã Ba – la – mật. Thực chất, trong kinh này, Kim Cương vừa là dụ để giảng nghĩa, vừa là hình ảnh tượng trưng đại diện cho “Tâm”.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

Phần I. Tổng quan kinh Kim Cương

1. Sơ lược kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương thuộc trong bộ Bát Nhã, mang tên đầy đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba – la – mật – đa (Vajracchedika-prajñaparamita). Kinh Kim Cương còn được biết tới với tên là kinh Kim Cang.

  • Ba – la – mật – đa: Là phiên âm từ tiếng gốc là “Pāramitā

Cụm từ này còn được dùng tắt là “Ba – la – mật”, được tạm dịch từ tiếng Phạn ra là “Đáo Bỉ Ngạn”. Nghĩa tạm dịch là “Đạt tới bờ bên kia”, “Công đức”, “Sự cứu cánh”. Từ này muốn ý nói tới công hạnh của một vị Bồ Tát, hoặc của một vị Thánh Nhân.

Thực chất đối với từ này, khi dịch sang các ngôn ngữ khác không thể dịch một cách trọn vẹn, vì không có từ ngữ nào tương đương giải nghĩa hoàn hảo. Những từ ngữ mang tính chất cứng nhắc, cho nên chỉ thay thế tạm thời. Đối với “Ba – la – mật – đa”, các nhà dịch học muốn tôn trọng ý nghĩa to lớn vượt ngoài sự miêu tả của ngôn từ, cho nên sẽ giữ nguyên tiếng Phạn, và phiên âm theo tiếng từng nước với mục đích tôn trọng ý nghĩa từ ngữ.

Đối với một vài văn kiện, sách, tài liệu thông dụng, từ này sẽ được dịch tạm đối với tiếng Việt là “Sự cứu cánh”, còn tiếng Anh dịch là “Perfection”. Tuỳ theo ngữ cảnh mà có thể giải nghĩa thêm.

  • Bát Nhã: Tiếng Pàli là “Pañña”. Tiếng Sanskrit là “Prajnà”

Từ này cũng không thể giải nghĩa bằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường, ý nghĩa của nó ly ngôn ngữ, ly văn tự. Chúng ta chỉ có thể tạm hiểu Bát Nhã là “Tuệ”, tuệ này không phải là sự thông minh, sáng suốt của ý thức sinh diệt mà có, tuệ này là tuệ của sự tu tập mà hiển lộ, không thể miêu tả, chỉ có thể trực nhận.

2. Giải thích tên kinh Kim Cương

Tên kinh được phân loại thành “Thất chủng lập đề” tức 7 loại tên kinh. Tên kinh được đặt dựa vào 3 thành phần đó là “người, pháp và ví dụ”. Dựa vào đây mà chia thành bảy loại tên kinh được phân ra 3 nhóm như sau:

(1)Đơn có 3 loại (2)Kép có 3 loại (3)Đầy đủ có 1 loại

  • Thế nào là tên kiểu “Đơn”: Tên kinh đơn tức là chỉ đề cập đến 1 trong 3 thành phần trên.

Ví dụ tên kinh theo người: Kinh Duy – Ma – Cật. Tức kinh về ông Duy – Ma – Cật. Ví dụ tên kinh theo pháp: Kinh Pháp cú. Tức kinh chia sẻ về những câu pháp, lời dạy. Ví dụ tên kinh theo ví dụ: Kinh Phạm võng. Phạm võng tạm hiểu là cái lưới bao trùm cả thế gian, khiến con người bị chấp vào tà kiến, phạm võng chính là hình ảnh ví dụ để kinh làm biểu tượng giảng giải.

  • Thế nào là tên kiểu “Kép”: Tên kinh ghép “người, pháp”; “người, ví dụ”, hoặc “pháp, ví dụ”.

Ví dụ tên kinh ghép “người, pháp”: Kinh Vu Lan báo hiếu. Vu Lan là “người”, báo hiếu là “pháp”. Ví dụ tên kinh ghép “người, ví dụ”: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Thuộc trong Trường Bộ Kinh). Kinh này lấy tiếng sư tử hống làm ví dụ để giảng giải về uy nghi của “người” ở đây là vị Chuyển luân Thánh vương. Ví dụ tên kinh ghép “pháp, ví dụ”: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tức dùng ví dụ là hoa sen (Liên hoa) để nói về kỳ diệu, màu nhiệm của “pháp”.

  • Thế nào là tên loại đầy đủ: Tên kinh gồm cả người, pháp và ví dụ.

Như Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật. “Người” là Phật, “pháp” là Đại Phương, và “ví dụ” là hoa sen.

Tóm luận Kinh Kim Cương

Việc hiểu nghĩa lý về cách đặt tên giúp học giả nắm rõ sơ bộ về kinh sẽ nói về điều gì, hay sử dụng hình ảnh gì làm cốt lõi để giảng giải. Kim Cương là “ví dụ”, Bát Nhã Ba – la – mật – đa là “pháp”, kinh Kim Cương là loại kinh pháp dụ, lấy ví dụ là Kim Cương để giảng giải về Bát Nhã Ba – la – mật. Thực chất, trong kinh này, Kim Cương vừa là dụ để giảng nghĩa, vừa là hình ảnh tượng trưng đại diện cho “Tâm”.

  • Biểu tượng Kim Cương dưới “Thể, Tướng, Dụng”

(1)Thể: Thể của Kim Cương là kiên cố. Ý kinh giải nghĩa về tâm tu hành kiên cố trước sự quấy nhiễu, dụ dỗ của dục lạc.(2)Tướng: Tướng của Kim Cương là bóng sáng, lấp lánh. Tướng này ví dụ cho vẻ đẹp của trí tuệ, Kim Cương lấp lánh, sáng chói, quý giá như nào, thì tâm có tuệ cũng lấp lánh, sáng chói, quý giá như thế. (3)Dụng: Công dụng của Kim Cương là sắc nhọn, cứng rắn. Dụng này là ví dụ ý chí, ý chí chặt đứt sạch tận mọi phiền não, cấu uế

Phần II. Những ý đẹp tiêu biểu trong kinh Kim Cương

1. Khái niệm “Ly ngôn từ” theo kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương nổi bật với phân đoạn tôn giả Tu – Bồ - Đề thưa với Đức Phật như sau:

  • "Như có người muốn phát tâm A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề thì họ phải làm sao để an trụ chân tâm? Phải làm sao để hàng phục tâm vọng tưởng, tâm phan duyên, tâm phóng túng, tâm hư vọng, tâm cống cao ngã mạn, tâm tham, tâm sân, tâm si?"

Đức Phật trả lời:

  • "Người thiện nam, người thiện nữ, phát tâm A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề, nên an trụ như thế, nên hàng phục tâm mình như thế.”

Điều đặc biệt của kinh Kim Cương chính là những câu hỏi tương tự như của tôn giả Tu – Bồ - Đề, Đức Phật đều sẽ trả lời “như thế”. Đây là một cách biểu thị mang tính ly ngôn ngữ, ly văn tự, không thể trả lời bằng lời nói giao hiệp bình thường.

Hai từ “như thế” là sự biểu lộ về sự trực nhận, muốn an trụ nơi chân tâm, thì phải biết đâu mới là tâm, đâu là vọng tưởng, muốn hàng phục vọng tưởng thì phải biết cách tu tập, phải theo giới, theo luật; mà những thứ này Đức Phật đều dạy không xót điều gì, giờ nếu chúng ta muốn diễn tả trả lời qua một vài câu nói thì thật là điều hoang đường.

Vì lẽ đó mà Hoà Thượng Tuyên Hoá trích dẫn một câu rất hay để giảng nghĩa lý: “Khẩu dục ngôn nhi từ táng, Tâm dục duyên nhi lự vong.”

Tạm dịch: “Miệng muốn nói mà lời không có Tâm muốn duyên mà ý chằng còn.” 

Sự trực nhận tâm tính thì bao la, nhưng diễn tả bằng ngôn từ thì lại là điều không bao giờ có thể làm được.

2. Niềm tin Phật pháp theo kinh Kim Cương

Pháp Phật thâm sâu như đại dương, cao như núi Tu-di, không dễ gì mà ngày một, ngày hai tu hành lại chứng ngộ nghĩa lý. Cũng như kinh tạng nhiều như một rừng cây, nghĩ biết đến ngày nào mới xem cho hết ? Nếu có đọc thì biết đâu là đúng, đâu là sai để mà hành theo ?

Nếu có lòng tin thực sự vào Phật pháp thì sẽ từ chỗ cạn đến dần chỗ sâu, từ gần đến xa, từ ít mà tới nhiều, từng điểm từng điểm một đem ra nghiên cứu, không bài trừ, không xúc phạm, mà đi từ chỗ khách quan đi tới chỗ chiêm nghiệm, cảm nhận. Đầu tiên mình phải có lòng tin sâu xa vào Phật pháp, sau đó khẩn thiết phát nguyện học tập. Khi đã có cơ hội học tập, thì phải cùng với thực hành.

Nói rằng Phật là ta, ta là Phật là sai, nhưng có thể nói rằng ta trên hành trình tu để viên mãn thành Phật. Đức Phật đem tới một hình ảnh rất rõ ràng rằng, Ngài là một chúng sinh như bao người, nhờ giới hạnh đạo đức mà chứng ngộ. Ngài đưa tới cho chúng ta con đường thực hành nuôi dưỡng sự đạo đức đó, để chúng ta cũng đi trên con đường chứng ngộ.

3. Cách bố thí theo kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương thể hiện lăng kính của bố thí với nền tảng ý nghĩa được thể hiện trong kinh Duy – Ma – Cật là giống nhau, nếu như kinh Duy – Ma – Cật giảng giải bố thí qua hình ảnh của sự “bình đẳng”, thì kinh Kim Cương diễn giải bố thí qua góc độ “vô trụ”.

Muốn chứng ngộ thì phải lìa tướng, bố thí mà không chấp tướng ngã, không chấp nhân, không chấp chúng sinh, khi bố thí thì không nên có chỗ trụ (gọi là vô sở trụ). Trong kinh gọi sự bố thí vô trụ là “Tam luân thể không”, tức là 3 thể không có gì cả:

  • Thể 1: Lòng không có ý niệm về việc “Ta đang cho đi”
  • Thể 2: Không có ý niệm đối tượng là ai
  • Thể 3: Không có ý niệm về vật cho đi

Sự cho đi mà không chấp tướng còn được hiểu như sự giúp đỡ mà không mong cầu bất kì một điều gì. Là đại diện cho sự thương cảm, yêu thương từ bi, giúp đỡ là vì mình muốn giúp đỡ chứ không vì mưu cầu cá nhân mình.

Sự giúp đỡ này không tồn tại ở định giá hay đo lường giá trị ít hay nhiều, không nằm ở vật chất, mà nằm chính là “ý niệm” muốn cho đi của sự đạo đức. Sự cho đi này được kinh diễn tả là công đức vô lượng như hư không. Tại sao lại là hư không? Một khi đã là hư không, thì chúng ta chỉ có thể biết đó là hư không mà thôi, nhìn về hướng nào cũng thấy hư không, chứ chẳng thể thấy giới hạn của hư không.

4. Lý thực kiến của kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương gọi cái thấy tuyệt đối của chân lý là “Lý thực kiến”, được diễn tả như cái thấy lìa mọi tướng phần, không chấp tướng ngã. Chỗ nào có tướng, đều là hư vọng, nếu thấy tướng, phải biết là giả tạm, vì nó sẽ hư hoại đi.

Ví như nước, thấy cái tướng nước, mà chấp vào nước có bản chất như vậy là tự đưa đau khổ tới với mình. Nước gặp đủ nhân duyên sẽ bốc hơi, “dòng nước” không còn, nhưng chuyển hoá thành hơi nước, đầy đủ nhân duyên thì lại mưa.

Bản chất nước là những hạt nguyên tử, những hạt phù hợp, trong môi trường phù hợp duyên nhau mà thành dòng chảy của nước, chứ bản chất nước không phải là dòng chảy, đó là chỉ tính chất tạm thời của tướng giả đó mà thôi, khi nhân duyên đổi thay, nước đổi thay.

Cũng vậy, không phải nhìn vào 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của thân xác Phật mà chấp đó là Phật pháp được. Vì Phật pháp là vô tướng. Không thể thấy pháp thế gian mà chấp đó là thấy Chân như được. Vì Chân như là vô ngã. Đó là để diễn tả về lý “Không”.

Kinh Kim Cương khẳng định cái tướng là sự hư dối, tức hư hoại và dối trá, chấp vào tướng thì không thể thấy sự thật.

5. Căn lành của kinh Kim Cương

Căn lành là thứ nhìn vào mà không thấy, nghe mà chẳng có tiếng, ngửi không mùi, không thể nếm, không thể chạm. Vì căn lành là vô tướng. Căn lành là cho đi, là giúp đỡ. Căn lành là tin niềm tin của đạo đức, vào điều tốt. Căn lành là cung kính. Căn lành là buông xả ghét bỏ,…

Căn lành là xả bỏ chấp tướng. Các pháp tu hành như một chiếc thuyền qua sông vậy. Khi người cần qua sông, đã qua tới bờ bên kia. Họ có vác theo cái thuyền lên vai để đi tiếp không ?

Chiếc thuyền vốn dĩ là dụng cụ trợ lực cho mục đích qua sông. Qua được sông rồi mà vẫn còn cầm theo trên vai thì chẳng khác gì một người vô minh, mà thuyền thì lại thành trở ngại. Thuyền chính là cái tướng của pháp mà ta cần xả bỏ.

Kinh Kim Cương cho rằng gieo trồng căn lành phải làm thường xuyên, nếu căn lành không được gieo, được ươm mầm đều đặn, thì căn bất thiện sẽ lớn mạnh làm hư hoại công sức tu tập của mình suốt bấy lâu. Chăm một cái cây thì khó, nhưng cỏ dại thì mọc rất dễ.

6. Không có gì để đắc, pháp không có để nghe

Kinh Kim Cương mang tới một nét đặc trưng trong sự giảng giải lìa tướng, đó là nếu vốn đã “không”, thì làm gì có gì để chứng đắc, để đạt được ? Nếu vốn đã “không” thì lấy gì để mà giảng, không có gì để giảng thì lấy gì để mà nghe ?

Thực chất ý của điều này chỉ để muốn học giả không chấp tướng, không chấp pháp, không chấp ngữ nghĩa mà thôi. Các danh vị Phật, Bồ Tát, A – la - hán suy cho cùng cũng chỉ là giả danh, nếu tham cầu vào giả danh đó, thì hoá ra tu là để phục vụ đạt tới tên gọi giả tạm, cái danh hão đó thôi, chứ chẳng nếm được vị thật sự của hạnh phúc, của an lạc.

Tu là sự cải tổ của đạo đức bản thân, là trực nhận được tâm tuệ, hạnh phúc nhờ giới đức phẩm hạnh, mà từ ngữ thì hẹp hòi, thiếu tinh tế, nghe pháp mà chấp vào từ ngữ thì không thể hành pháp cho đúng được.

Vì lẽ đó, mục đích của câu không có gì để đắc, pháp không có để nghe chỉ để học giả thấm nhuần rằng nghe pháp là phải tỉnh táo, biết chọn lọc, biết thực hành, biết linh hoạt, hiểu mục đích nội dung chứ không phải nhớ ở mặt từ, mặt chữ. Pháp Đức Phật nói thì tuỳ thời mà nói, nói xong để hiểu hoàn cảnh thời điểm đó, giá trị đạo đức, còn nghe xong phải quét ngữ nghĩa đó đi. Kinh Kim Cương gọi đó là “Bụi pháp”, tức pháp của bụi trần.

Pháp là giúp người trở nên hạnh phúc, nếu mình thực hành mà thấy khổ đau, thì cần nghiêm chỉnh xem lại xem chúng ta đã hiểu đúng nội dung hay chưa, hay chỉ đang làm theo từ ngữ một cách mê muội.

7. Phước báu lớn của vô vi theo kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương đặt vấn đề: “Con sông Hằng có số cát nhiều hay không ? Số hạt cát này có tính ra được là bao nhiêu hạt hay không ?”. Từ đây, kinh khẳng định rằng đối với một người có trang sức, vật chất quý báu nhiều đến nỗi như hạt cát sông Hằng, đem đi bố thí thì phước đức cũng không nhiều bằng người bố thí giải nói kinh điển, trì giới tu tập nghiêm chỉnh.

Kinh Kim Cương đều xoay quanh ý niệm của sự lìa tướng, phá bỏ chấp ngã, hành đời sống mà không chấp tướng, sự bố thí vật chất được gọi là bố thí pháp hữu vi, tức các pháp có hư hoại, còn bố thí giải nói kinh điển là pháp vô vi.

Đối với phân đoạn này, học giả không thể chấp niệm hiểu một cách khô khan rằng từ nay khi gặp người đói, mình sẽ giảng nghĩa lý kinh cho họ mà không cho họ bữa ăn. Mục đích của đoạn kinh thể hiện không phải là cho đi những lời nói mà gọi đó là vô vi, mà vô vi có nghĩa là dù cho đi bất kì cái gì, hữu hình hay vô hình cũng không được chấp tướng.

Sự cho đi dù là hữu hình hay vô hình, đều sẽ được coi là pháp vô vi khi có đầy đủ 5 thành phần sau: (1) Bố thí vì lòng tin: Tin vào pháp thiện, điều lành (2) Bố thí với sự kính trọng (3) Bố thí đúng thời: Đối tượng cần gì, bố thí điều đó

Đúng thời là sao? Bố thí đúng thời là sự linh động dựa trên hoàn cảnh của đối tượng tiếp nhận. Một người đói ăn, cần miếng cơm, một người rét lạnh, cần cái áo khoác, chúng ta có điều kiện để giúp đỡ điều đó, thì cho đi mà không dính mắc vào việc ghi công lao: “tôi đã cho đi cái này”

Bố thí đúng thời là sự động viên tinh thần cho người đang hoảng sợ. Bố thí đúng thời là sự chia buồn cho người đang có nỗi đau. Bố thí đúng thời là chia sẻ điều mình biết cho người cần biết. Bố thí đúng thời là giảng nói kinh điển cho người muốn được nghe, chúng ta không thể giảng nói kinh điển cho người họ từ chối nghe được. ....

(4) Bố thí với tâm hào phóng: Cho đi mà không tính toán. (5)Bố thí không làm tổn thương mình và người khác.

Bố thì mà đầy đủ 5 điều này, được coi là bố thí pháp vô vi, tức chẳng chấp tướng, tức cho đi đầy hồn nhiên, đầy an lạc sâu trong tâm hồn. Trong kinh Tăng Chi Bộ 5 (Phần III), Đức Phật gọi sự bố thì này là "Bố thí của bậc chân nhân")

8. 5 điều khi ăn tập quán tưởng của kinh Kim Cương

(1) Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ

Nghĩ tới công lao người làm nông, biết ơn họ, nhờ có họ mà mới có miếng cơm để ăn, nếu không có người làm nông, người tu hành có giảng nghĩa lý hay cao siêu tới đâu cũng không có hạt gạo để nấu. Công ơn của người làm nông lớn không kém gì người tu hành. Họ phải dậy sớm, theo mùa mà gieo hạt, đợi thời mà tưới tẩm, chăm sóc, bón phân, canh tác, thu hoạch.

(2) Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng

“Thổn” tạm dịch là suy nghĩ kỹ, xét kỹ. Sự soi xét này là soi xét “đức hạnh”. Mình nhận cơm từ công lao vất vả của người làm nông, liệu đức hạnh mình đã toàn vẹn hay chưa, có thiếu sót gì không, nếu chưa toàn vẹn thì phải bắt đầu chỉnh sửa bản thân mình ngay.

(3) Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông

Phòng hộ tâm, xa sự tham đắm, phải giữ thái độ bình đẳng. Không chọn lựa món ăn, không phân biệt, chê bai món ăn, đó là bình đẳng. Không tham ăn quá độ, không liếc ngang liếc dọc, không gây náo loạn bữa ăn bằng những câu chuyện không bổ ích.

(4) Chánh sự lương dược, vi liệu hình khô Khi ăn cần quán tưởng thức ăn chỉ là thuốc nuôi xác thân, xa lìa chìm vào hưởng thụ ngũ vị. (5) Vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực Vì sự nghiệp tu hành đạt đạo, cho nên người tu hành mới thọ nhận đồ ăn. Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO Kinh Kim Cang - Hoà Thượng Tuyên Hoá lược giảng, phiên dịch và xuất bản: Buddhist Text Translation Society Ban phiên dịch Việt ngữ: Vạn Phật Thánh Thành, 2021