Trang chủ Bài viết nổi bật Tây Hồ – địa danh có nhiều ngôi chùa đẹp và cổ kính

Tây Hồ – địa danh có nhiều ngôi chùa đẹp và cổ kính

Tây Hồ với những ngôi chùa đẹp, cổ kính cùng với những di sản văn hóa khác và danh thắng bên Hồ Tây thơ mộng, gắn liền với sự hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Đăng bởi: Phạm Tuấn Minh
ISSN: 2734-9195

Tây Hồ với những ngôi chùa đẹp, cổ kính cùng với những di sản văn hóa khác và danh thắng bên Hồ Tây thơ mộng, gắn liền với sự hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Tác giả: Đặng Việt Thủy

 Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội là một vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời, luôn gắn liền với sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Quận Tây Hồ hiện nay gồm 8 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La và Phú Thượng.

Thủ đô Hà Nội có hàng trăm hồ nước lớn nhỏ, được tạo nên từ những biến động địa chất hàng vạn năm của sông Hồng vùng hạ lưu. Hồ Tây là hồ có diện tích rộng nhất nằm ở khu vực nội thành của Thủ đô với hơn 500 ha mặt nước, vốn là dòng cũ của sông Hồng, do phù sa bồi đắp đầy dòng chảy chuyển dần về phía Đông mà tạo thành Hồ Tây. Trên bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1470-1497) còn thấy vẽ Hồ Tây thông với sông Tô Lịch và sông này lại có một nhánh thông ra sông Hồng, một nhánh nối với sông Thiên Phù.

Hồ Tây vừa là danh thắng vừa là “lá phổi” lớn nhất của Thủ đô Hà Nội. Hồ có nhiều tên gọi: Dâm Đàm, Đầm Xác Cáo, Lãng Bạc, Đoài Hồ, hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng)… Đầm Xác Cáo có lẽ là tên gọi xưa nhất của Hồ Tây. Tên gọi này gắn liền với sự tích con Hồ ly tinh chín đuôi.

Sự tích kể rằng nơi đây ngày xưa là rừng rậm hoang vu và nhiều gò núi. Ở đó có một con Hồ ly tinh chuyên tác oai tác quái, quấy nhiễu đời sống dân lành. Việc diệt trừ con Hồ ly tinh được dân gian kể nhiều chuyện khác nhau, trong đó có chuyện Lạc Long Quân vì thương xót con dân nên đã dâng nước biển dìm chết con cáo thành tinh này và tạo ra hồ nước.

Một chuyện khác kể về Huyền Thiên cũng vì thương xót và nghe lời cầu khẩn của dân chúng mà diệt trừ con cáo. Việc diệt trừ xảy ra ác liệt, khi con cáo bị diệt xong đã tạo ra một hồ nước. Từ đó hồ có tên là Đầm Xác Cáo.

Hồ Dâm Đàm (Hồ mù sương) với ý nghĩa là đầm tràn đầy nước. Có lẽ muốn nói tới sự rộng lớn, mênh mang của sóng nước Hồ Tây. Tên gọi này được các nhà nghiên cứu cho rằng có từ thời nhà Lý. Hồ Tây còn gọi là hồ Lãng Bạc với ý nghĩa là hồ đầy sóng vỗ, thể hiện rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ.

Hồ Kim Ngưu gắn với sự tích con trâu vàng, song sự tích này được kể khác nhau. Một câu chuyện kể rằng, con Kim Ngưu khi nghe thấy tiếng chuông của ông Khổng Lồ ngỡ là tiếng trâu mẹ gọi, bèn chạy từ phương Bắc sang đến bên quả chuông lớn. Nó cứ loay hoay tìm quanh quả chuông, rút cuộc làm đất lở khiến cả quả chuông và nó sụt xuống tạo thành một vực sâu. Về sau mưa làm ngập lụt thành hồ.

Chuyện khác lại kể rằng ngày xưa ở núi Tiên Du có con Trâu vàng bị một Pháp sư yểm bùa, làm cho con Trâu vàng vùng dậy chạy. Chạy mãi, chạy mãi qua mỗi nơi, bằng sức mạnh của mình, nó đều tạo nên các dấu tích. Cuối cùng nó chạy tới đầu sông Tô gặp một hồ nước, nó nhao xuống bơi lội thỏa thích rồi ở luôn trong lòng như đứa con lưu lạc vừa tìm được mẹ. Từ đó Hồ Tây còn được gọi là Hồ Kim Ngưu và dân gian truyền tụng câu: “Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ/ Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi”.

Đến năm  Quý Dậu – 1573, để tránh tên húy của vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, triều đình nhà Lê Trung Hưng đã hạ lệnh đổi hồ Dâm Đàm thành Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của Hồ Tây, và Hồ Tây trở thành cái tên gần gũi, lâu dài và nên thơ nhất đối với người Hà Nội và nhân dân cả nước.

Chung quanh Hồ Tây có nhiều làng cổ mang đậm sắc thái dân gian như làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân, làng Xuân Tảo, làng Trích Sài, làng Kẻ Bưởi… với nhiều ngành nghề truyền thống như trồng hoa, làm giấy, dệt lụa, lĩnh… Lĩnh Bưởi là mặt hàng mềm mại, óng mượt, quý phái, quyến rũ. Khi mặc vào, đường nét thân thể người phụ nữ được phô bày, tôn lên. Làng Yên Thái có nghề làm giấy từ xa xưa.

Ca dao có câu: “Người ta buôn vạn bán ngàn/ Thân em làm giấy cơ hàn vẫn vui/Dám xin nho sĩ chớ cười/Bởi em làm giấy để người chép thơ”. Những tờ giấy cho cha mẹ làm ra, những người con trai vùng Bưởi đã siêng năng học tập, làm vẻ vang dòng họ, quê hương. Làng nào cũng có người đỗ đạt, chỉ riêng Yên Thái đã có năm vị đỗ tiến sĩ. Ca dao xưa nói về cảnh đẹp của Hồ Tây trong đó có kể về việc giã bột giấy ở Yên Thái ven Tây Hồ như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Tây Hồ - Nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính

Ảnh 1 – Một số hình ảnh tượng trưng

Hồ Tây là nơi hội tụ chốn tâm linh. Số lượng của những ngôi chùa nổi tiếng xung quanh hồ rất nhiều như: chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên, chùa Kim Liên, chùa Thiên Niên, chùa Tào Sách, chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải), chùa Quảng Bá (Hoằng Ân tự), chùa Mật Dụng, chùa Quán La, chùa Võng Thị, chùa Phổ Linh, chùa Bà Già, chùa Chúc Thánh…

Sau đây ta sẽ tìm hiểu về một số ngôi chùa đẹp và nổi tiếng trên địa bàn quận Tây Hồ. Chùa Trấn Quốc: Chùa thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, đây là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội và nước ta.

Chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 – 548), có tên là Khai Quốc được xây dựng tại thôn Yên Hòa (sau đổi là Yên Phụ) trên một bãi cạnh sông Hồng. Đến đời Lê Thái Tông (1434 – 1442) chùa được gọi là chùa An Quốc. Đến đời Lê Kính Tông (1600 – 1619) do bãi sông bị lở, chùa được dời vào một hòn đảo nhỏ gọi là Kim Ngư (đảo Cá Vàng) là địa điểm ngày nay. Đời Lê Hy Tông 1676 – 1705) chùa được đổi tên là Trấn Quốc.

Năm 1842, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn tới thăm và đổi tên là Trấn Bắc, nhưng dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc. Chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) vào thời nhà Lý là trung tâm Phật giáo của Kinh thành Thăng Long, là nơi thụ lý giáo huấn của nhiều thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông. Thái hậu Ỷ Lan cũng mở tiệc chay khoản đãi các vị sư già và thiền sư kê cứu kinh Phật ở nơi đây. Trước đó, từ thời Ngô Quyền, thiền sư Văn Phong thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông đã trụ trì ở chùa Khai Quốc.

Học trò của thiền sư Văn Phong là thiền sư Khuông Việt, thụ nghiệp ở chùa Khai Quốc, đã nổi tiếng trong cả nước, được vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư làm quốc sư (cố vấn tối cao) của triều đình. Chùa Trấn Quốc thực sự là một di sản văn hóa quý của dân tộc, danh thắng của Thủ đô. Chùa Trấn Quốc đã được nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách trên thế giới đến thăm chùa. Có vị tổng thống còn tặng cây bồ đề trồng ở sân chùa cách đây hơn 65 năm, nay đã thành cổ thụ xum xuê bóng mát.

Chùa Vạn Niên ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Thăng Long – Hà Nội, tồn tại 1.000 năm trên đất thôn Vệ Hồ, Xuân La. Chùa là một trong những di tích Phật giáo có lịch sử xây dựng sớm nhất Thủ đô Hà Nội. Tương truyền, chùa có gốc lịch sử từ năm 1014 vào thời Lý Thuận Thiên, khi thiền sư Hữu Nhai Tăng xin nhà vua cho lập đàn ở chùa Vạn Niên để tập hợp tăng đồ thụ giới.

Vua xuống chiếu ban xây dựng chùa. Nơi đây cũng là nơi trụ trì của nhiều nhà sư danh tiếng kế tiếp nhau như nhà sư Lâm Tuệ Sinh, nhà sư Lý Thảo Đường… Điểm nổi bật trong những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Vạn Niên là nghệ thuật điêu khắc tượng tròn (46 tượng cổ trong chùa) có niên đại từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, XVIII. Chùa còn lưu giữ, bảo tồn 10 đạo sắc phong thần thời Lê, Tây Sơn liên quan đến những nhân vật nổi danh trong buổi đầu xây dựng Kinh đô của Vương triều Lý.

Ngày 31-10-2010, tại chùa Vạn Niên đã long trọng diễn ra Lễ An vị tượng Phật Ngọc cao 1,3m, trọng lượng 600 kg làm từ ngọc Phỉ Thúy, chất lượng loại A là một trong những tượng Phật bằng ngọc tự nhiên quý và hiếm có ở Việt Nam. Một vị đại đức đã cùng các phật tử sang Myanmar tìm kiếm đặt và tac tượng bằng khối ngọc tự nhiên. Sau gần 2 năm, ngày 15 tháng 7 Âm lịch năm Canh Dần 2010, tượng Phật đã ngự trên bệ đá tại chùa Vạn Niên.

Chùa Kim Liên tức Kim Liên tự (Bông Sen Vàng) thuộc địa phận làng Nghi Tàm, phường Quảng An. Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ một cung điện của công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông (1128 – 1138), đã đem cung nữ tới khu vực này, trồng dâu nuôi tằm, mở ra trại Tầm Tang (tằm dâu). Đến đời Trần, trại Tầm Tang được đổi tên thành phường Tích Ma (dệt gai). Cuối đời Trần cũng bị đổ nát, người địa phương nhân đó dựng chùa và đặt tên là Đống Long. Sang đời Lê, tên Tích Ma được đổi thành Nghi Tàm.

Theo bia “Đại Bi tự bi ký” dựng năm Thái Hòa nguyên niên (1443), cho biết chùa được xây dựng vào thời Lê Nhân Tông (1442 – 1459) và có tên là Đại Bi tự. Đây là một trong những tấm bia đá cổ nhất hiện được biết đến trên đất Hà Nội. Chùa đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần trong thời Lê – Trịnh và đã được chúa Trịnh đổi tên thành Kim Liên tự.

Đến thời Tây Sơn chùa được mở rộng, làm thêm nhà tiền đường. Trên thượng lương chùa Hạ và chùa Thượng cũng như trên tấm bia đặt bên trái tiền đường còn ghi rõ niên hiệu Quang Trung ngũ niên (Quang Trung năm thứ 5). Lời trong văn bia ghi: “Tháng trọng năm Nhâm Tý (1792), nhân dân trong phường chữa lại chùa, xây thêm tiền đường”. Diện mạo của chùa Kim Liên còn lại như ngày nay là di sản của kiến trúc chủ yếu thời Tây Sơn.

Chùa có kiến trúc độc đáo, đẹp, có những tấm bia rất cổ, quý hiếm. Chùa Kim Liên được coi là một trong những ngôi chùa cổ vào loại đẹp nhất Thăng Long – Hà Nội.

Chùa Thiên Niên thuộc thôn Trich Sài, phường Bưởi. Chùa đã trên nghìn tuổi. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 – 548), cho hai vị công chúa con vua Lý Nam Đế tu hành, từng học phép thuật để trừ yêu quái hại dân ở vùng ven Hồ Tây. Khi trụ trì ở chùa, hai công chúa cho xây dựng tám cây tháp nên gọi là chùa Bát Tháp.

Dưới triều Lý, hai mùa xuân thu đều có quốc lễ. Đến đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), nhà vua chia một nửa ruộng đất của Trích Sài cho các cung phi làm, hưởng hoa lợi, lập nên Thiên Niên trang, chuyển chùa Bát Tháp về nơi đất cao hơn mà thành Thiên Niên tự (chùa Thiên Niên). Chùa còn nhiều di vật có giá trị: 34 pho tượng có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, một chuông đồng, một lư hương đồng, sáu hoành phi, 10 câu đối, năm ngai thờ, bảy bia đá, bia đá có niên hiệu sớm nhất là Vĩnh Thịnh 5 (1709) đời vua Lê Dụ Tông.

Chùa Quảng Bá còn gọi là Hoằng Ân tự (Ân đức sâu rộng), được dựng từ đầu đời Lý với tên gọi là Báo Ân. Trong những năm Thống Thụy (1034 – 1038) đời vua Lý Thái Tông, Thiền sư Trần Tuệ Long tu đắc đạo ở đây. Mùa xuân năm Quý Mão, niên hiệu Hưng Long thứ 11 (1303) đời vua Trần Anh Tông, nhà sư nổi tiếng Lý Huyền Trang ở Yên Tử (Quảng Ninh) đã đến đây giảng kinh. Thời vua Lê Thái Tổ (1428 – 1433) chùa được trùng tu.

Đến năm Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông, công chúa Ngọc Tú con vua Lê Kính Tông, vợ chúa Trịnh Tráng đã chủ trì đại trùng tu chùa rồi đổ tên thành Long Ân. Năm Tân Tỵ (1821) đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, chùa được đổi tên thành Sùng Ân. Đến năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị khi đến thăm chùa đã cho đổi thành Hoằng Ân. Tên chữ Hoằng Ân tự được giữ từ đó đến nay. Trong chùa có tượng bà Ngọc Tú.

Chùa còn lưu giữ quả chuông đồng cao 1,50 mét, đường kính 0,80 mét đúc thời vua Lê Hiển Tông (1743), trên mặt chuông còn rõ ba chữ “Long Ân tự” khắc nổi. Có 33 tấm bia từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX; 30 pho tượng có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Hệ thống tượng của chùa khá đầy đủ, có giá trị nghệ thuật cao như: các pho tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm tạc vào thế kỷ XVII – XVIII. Tượng Phật Di Lặc là một trong những tượng đẹp nhất của chùa.

Trong thời ký kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Quảng Bá là một cơ sở hoạt động cách mạng bí mật. Hiện ở nhà Tổ còn dấu vết hầm bí mật. Tại khu vực vườn tháp còn có tháp mộ hòa thượng Giác Minh Phạm Ngọc Đạt, người đã từng có công giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở Người hoạt động bí mật trên đất Thái Lan.

tap chi nghien cuu Phat hoc Ho Tay noi co nhieu ngoi chua co kinh anh 2.2

Ảnh 2 – Một số hình ảnh tượng trưng

Chùa Tào Sách thuộc phường Nhật Tân. Chùa còn có tên nôm là chùa Thôn Nam theo cách gọi phân chia địa lý của xã Nhật Tân trước kia. Theo dòng chữ khắc trên câu đối ở đài kỷ niệm thì chùa có thể xây dựng vào thời Tiền Lê. Chùa Tào Sách ngự trên dải đất cao, liền kề bờ nước Hồ Tây.

Hiện vật còn lại khá phong phú với 29 tấm bia, sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng (thời vua Lê Hiển Tông 1740 – 1786), số còn lại thời Nguyễn. Chùa còn giữ được một số pho tượng Phật, tượng Mẫu, phần lớn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX-XX, có ba pho Tam Thế được làm nửa cuối thế kỷ XVIII.

Chùa Tĩnh Lâu (Tĩnh Lâu tự) còn gọi là chùa Sải: nằm bên bờ Hồ Tây trên địa phận làng Hồ Khẩu, nay thuộc phố Trích Sài, phường Bưởi. Tương truyền chùa có nguồn gốc ban đầu là một am thờ các vương tôn quý tộc thời Lý, sau trở thành nơi thờ Phật do các sãi trông nom hương khói, gọi nôm là chùa Sãi, sau dân làng gọi chệch ra là chù Sải.

Chùa lúc đầu có tên là “Thanh Lâu tự”. Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) bia hậu của chùa vẫn ghi tên đó. Đến thời vua Tự Đức, niên hiệu thứ 14 (1862) chùa đổi tên là “Tính Lâu tự”, chùa mang tên Tính Lâu từ đó tới nay. Chùa có kiến trúc cổ, khu chính điện được kết cấu theo kiểu chứ đinh, gồm năm gian tiền đường và bốn gian hậu cung, có bậc tam cấp chạy dài, hai bên là cột đồng trụ có câu đối, có nghê chầu nghiêm trang và cổ kính. Gắn liền với năm gian tiền đường là tòa thượng điện – nơi thờ Phật và Bồ Tát.

Chùa còn lưu giữ được những tác phẩm có giá trị mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, đặc biệt là tòa Cửu Long của chùa được làm khác các tòa Cửu Long khác với hình thức như chiếc lọng che thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Các pho tượng khác được tạo tác công phu, đường nét thanh thoát, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI – XVII.

Ba pho tượng Tam Thế trong chùa gần với kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiêt già trên đài sen. Chùa còn bảo tồn được một quả chuông cỡ lớn có niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Trong chùa còn có 15 tấm bia đá, khu vườn tháp mộ cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ, tạo nên một quần thể kiến trúc Phật giáo hoàn chỉnh và nguyên mẫu của chùa cổ Việt Nam.

Chùa Mật Dụng thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ. Tương truyền chùa dựng từ trước đời Lê Sơ. Trong chùa có nhiều tượng Phật có giá trị. Chùa có quả chuông “Mật Dụng hồng chung” đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794). Chùa có hai bia đá, trong đó có tấm bia được dựng từ năm Minh Mệnh thứ 4 (1824) và nhiều câu đối cổ.

Chùa Quán La thuộc thôn Quán La, phường Xuân La. Chùa cũng có tên là chùa Hang, vì ở đây có một hang cổ. Theo sách “Việt Điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thì chùa và quán được xây dựng từ niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường (715). Đến năm Thiệu Long đời vua Trần Thánh Tông (1258), thiền sư Văn Thao dựng lại thành chùa thờ Phật. Chùa còn lưu giữ được những mảnh chạm khắc cổ thế kỷ XIX. Hệ thống tượng Phật đầy đủ. Trong số các tượng Phật đang thờ có pho tượng Phật ngàn tay ngàn mắt được tạc rất công phu, tinh vi và rất đẹp.

Chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh tự) thuộc làng Hồ Khẩu xưa, nay thuộc phố Thụy Khuê, phường Bưởi. Chùa được xây dựng từ thời Lê Sơ, gần ngay đình làng Hồ Khẩu. Trong chùa có nhiều tượng Phật cổ, đặc biệt có pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn là một công trình nghệ thuật điêu khắc rất đẹp. Trước sân chùa gần bên cạnh tam quan có tấm bia đá cổ rất quý mang niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 4  (1622)  đời vua Lê Thần Tông.

Chùa Võng Thị: tên chữ là Vĩnh Khánh tự, được xây dựng từ thời nhà Lý, thuộc làng Võng Thị, nay cũng thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ. Làng Võng Thị có có đình và chùa ở gần ngay bên bờ Hồ Tây. Chùa Võng Thị ở trong một khuôn viên rộng, cũng là một ngôi chùa có từ lâu đời nhưng qua thời gian chiến tranh cũng bị hư hỏng nặng, về sau mới được trùng tu.

Chùa có tam quan đẹp nằm dưới tán lá cổ thụ tươi xanh. Sau sân rộng là các dãy tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu, tăng phòng bố trí dàn hàng ngang nhìn thẳng ra tam quan. Hiện vật cổ trong chùa chỉ còn lại một ít tượng Phật và một số đồ gỗ khắc chạm.

Chùa Phổ Linh: tọa lạc trên phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Theo truyền thuyết, chùa được xây dưng từ thời vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Anh Vũ 5 (1079). Theo văn bia ghi chép lại, vào thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định 18 (1618) chùa Phổ Linh được thiền sư Minh Tạng và tiểu đệ Đức Quang cùng dân làng Nghi Tàm – Quảng Bá, đặc biệt có sự trợ quyên của Hoàng tộc Lê Phi Tự, Quận chúa Trịnh Ngọc Liên… trùng tu hơn hai năm mới xong.

Nằm ngay bên cạnh hồ sen rộng lớn, chùa Phổ Linh là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội (tính đến thời điểm hiện tại) có hẳn một “động thờ thai nhi”  – nơi những người vì trót vứt bỏ mạng sống của các thai nhi đến để gửi gắm, cầu nguyện, tưởng nhớ đứa con yểu mệnh. Trong khuôn viên gian thờ thai nhi đã được xây thêm một động tiên nhằm trang trí cho sinh động, ấm cúng, bớt phần lạnh lẽo, u ám…

Hàng năm, nhà chùa đều tổ chức nhiều đàn lễ cầu siêu cho các thai nhi yểu mệnh với mong muốn các bé có cơ hội nghe kinh Phật để sớm siêu thoát. Nơi đây cũng được coi là ngôi nhà chung, nơi ôm ấp giấc ngủ vĩnh hằng cho những em bé không may phải từ giã cõi đời từ khi chưa lọt lòng. Về góc độ xã hội, đây cũng được xem như một lời “cảnh tỉnh” lương tâm những ông bố, bà mẹ trẻ để không tái diễn lỗi lầm này

Chùa Bà Già: thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nằm ở phía tây bắc Hồ Tây. Chùa còn có tên gọi theo địa danh thôn là chùa Phú Gia, là ngôi cổ tự đã có lịch sử hơn 1.000 năm. Trước kia chùa nằm trên địa phận làng Gạ (sau này là làng Phú Thượng, phường Phú Thượng), là nơi các vua nhà Trần định cư một bộ phận người Chăm được đưa từ phía Nam ra đã dựng một ngôi chùa mà sử Toàn thư phiên âm là Đa-da-li.

Thái úy Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1330), một vị tướng tài ba, mưu lược thời Trần thường đến đây đàm đạo về Phật giáo với vị sư người Chăm trụ trì. Có thể cái tên Bà Già là từ Đa-da-li mà ra. Trong chùa còn bức hoành phi cổ khắc ba chữ “Bà Già tự”.

Chùa có hai quả chuông, trong đó có chuông “Trùng tạo trú hồng chung Bà Già tự” niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1695). Chuông cao 146cm cả quai, đường kính rộng 86cm, bốn mặt chuông khắc chữ Hán, dòng chữ trên chuông khắc trong hình lá đề. Quả chuông kia nhỏ hơn làm vào tháng 8 năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ ba (1928), có đường kính 30cm, cao 60cm.

Ngoài bức hoành phi, hai quả chuông và tấm bia, chùa còn lưu giữ 58 pho tượng tròn, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích… được tạc công phu theo nghệ thuật Lê – Nguyễn, sơn son thếp vàng rất đẹp. Theo tấm bia “Bà Già tự bi ký” dựng tại chùa thì chùa được trùng tu lớn vào tháng hai tiết xuân năm Dương Hòa thứ hai (1636). Tấm bia đá cao 90cm, rộng 51cm, dày 15cm. Trán bia trang trí rồng chầu mặt trời, diềm thân trang trí hoa cúc dây. Đến nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.

Hồ Tây có bản đảo và phủ Tây Hồ, thuộc phường Quảng An. Phủ Tây Hồ nằm liền bên mép nước, sóng vỗ ba bề, tạo không gian bát ngát mây trôi. Đáng chú ý là ở đây là có hồ sen bao quanh hai chùa Phổ Linh và Hoằng Ân vì đó là điểm đặc trưng, tạo được vùng đệm ngăn cách khu tấp nập phía ngoài và vùng công viên yên tĩnh phía trong gần hồ. Vào mùa sen, hương sen từ các đầm hồ gần đó bay qua làm nao lòng mỗi người dân, đặc biệt là du khách khi đến đây.

Tây Hồ với những ngôi chùa đẹp, cổ kính cùng với những di sản văn hóa khác và danh thắng bên Hồ Tây thơ mộng, gắn liền với sự hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Đây là những di sản vật thể vô giá. Mỗi di sản ấy là sự tiềm ẩn kết tinh trong nó những giá trị văn hóa đa tầng của nhiều thời đại. Đó là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô cũng như người dân Việt Nam.

Tác giả: Đặng Việt Thủy


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hỏi đáp về những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2009
2. Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long, Tập I, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2007.
3. Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2013.
Và các tài liệu khác.

***
Địa chỉ tác giả:
ĐẶNG VIỆT THỦY
Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường