Đức Phật thường dạy, tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta. Đồng bào Phật tử cư sĩ đi chùa lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh mà không hiểu kinh hoặc hiểu sai ý kinh sẽ gây ra những hậu quả phiền lụy không nhỏ, thực tế đáng tiếc này chúng ta đã có dịp chứng kiến trong thời gian qua.
Tác giả: Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ - Thích nữ Thanh Quế
1. Dẫn nhập
Phật giáo Việt Nam với hơn 2000 năm lịch sử có nhiều điểm đặc biệt mà nền Phật giáo các nước khác khó có được. Một trong những điểm đặc biệt là có nhiều hệ phái, tông phái Phật giáo cùng tồn tại phát triển làm cho nền Phật giáo nước nhà thêm phong phú đa dạng như: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ…
Nề nếp sinh hoạt tu học, kinh thường tụng của các hệ phái tông phái cũng có những điểm dị biệt. Ở đây chúng tôi chọn thực giải sáu bài kinh căn bản mà chúng tôi nhìn thấy các chùa các Phật tử thường tụng nhất gồm: Chuyển Pháp Luân, Di Đà, Phổ Môn, Địa Tạng, Dược Sư, Phước Đức.
2. Kinh Địa Tạng thực giải
Địa là đất, chỉ cho bản thể thanh tịnh, chân tâm Phật tính của tất cả chúng sinh, con người; Tạng là chứa, cất chứa dụ cho kho báu sẵn có của mỗi chúng sinh, con người. Địa Tạng chỉ cho bản thể chân tâm thanh tịnh, mảnh đất tâm sẵn có chứa đầy đủ châu báu Phật pháp. Bồ tát Địa Tạng có lòng đại từ đại bi, tâm địa của chúng sinh con người cũng có sẵn phẩm chất đại từ bi khơi dậy phát huy phẩm chất đại từ bi là việc cần làm.
Đại từ bi cứu khổ, ban vui cho chúng sinh, tức tự tính tự độ để chuyển hóa những phiền não khổ đau để cho thân tâm được an lạc lớn. Muốn được vậy, chúng ta phải phát đại nguyện rộng lớn không bao giờ thối trong việc tu tập chuyển hóa tập khí vô minh phiền não.
Tu tập thanh lọc để cho dần thanh tịnh cơ duyên ngộ được đất tâm thanh tịnh bình đẳng rộng lớn đó chính. Lỗi lầm nghiệp chướng cũng từ tâm địa sinh, giác ngộ giải thoát cũng không ngoài tâm địa. Tâm địa là giáo chủ giáo hóa cõi u minh, mà tâm địa cũng chính là gốc nghiệp đoạ địa ngục. Tâm địa địa ngục bị vô minh che mờ bởi tham, sân, si mạn nghi; tâm địa Bồ Tát từ bi hỷ xả cứu độ vô lượng chúng sinh.
Giải thoát, giác ngộ là trở về, nhận lại, sống với cái tâm thanh tịnh, sáng suốt, rắn chắc, sâu dày và rộng lớn vô biên của mình. Tâm địa thanh tịnh sáng suốt như là vị giáo chủ soi đường của cõi lòng đầy mê mờ tội lỗi cõi u minh tăm tối. Kinh lấy đất dụ cho tâm (tâm địa); bởi đất có tính cứng rắn, sâu dày và dung chứa tất cả. Bất luận thứ gì gieo xuống đất, đất cũng rộng lòng dung chứa và bất cứ hạt giống nào bỏ xuống đất thì cũng được đất nuôi dưỡng phát triển.
Kinh Địa Tạng là bộ hiếu kinh quan trọng của Phật giáo dạy kỹ về đạo hiếu, cảnh tỉnh tất cả chúng sinh nên tu hiếu đạo, bỏ bớt tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cung kính quy y hộ trì Tam Bảo, thực hành Phật pháp, tụng kinh niệm Phật, bố thí giúp người, tạo công đức lành hồi hướng cho tổ tiên ông bà nhiều đời của mình và chúng sinh.
Chúng sinh trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la, người, trời từng là thân quyến với nhau. Chỉ có quyết chí tu hành thành tựu đại giác ngộ, vận đại bi tâm phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh không phân biệt thân sơ như Bồ tát Địa Tạng mới là thật đại hiếu.
Thông thường tâm thức nghiệp thức chúng sinh, con người thì bất định, vọng tâm luôn chạy theo ngũ dục lục trần, bị vô thường chi phối và thường theo tập khí bất thiện nên duyên xấu ác tăng trưởng. Thi thoảng mới phát được chút ý lành tâm thiện, nhưng lại rất dễ bị lui sụt thay đổi tâm ý tốt ban đầu. Vì thế, chư Phật, Bồ Tát phát đại bi nguyện phân thân mà tùy duyên hóa độ, làm cho chúng sinh, con người quay lại đường lành, tránh xa đường dữ, nhận lại tâm địa thanh tịnh của mình.
Tâm địa, hiếu đạo, nhân quả, nghiệp chướng, địa ngục, tu hành, tụng kinh bố thí, hộ pháp là những nội dung quan yếu mà kinh Địa Tạng đề cập đến. Thường tụng đọc kinh điển và thực hành theo lời dạy của Phật là điều được Bồ tát ân cần khuyến khích. Nghiệp cảm vô biên của chúng sinh trong cõi ta bà thì trăm sai ngàn khác, nghiệp quả báo ứng theo đó cũng ngàn sai muôn khác, nên phương tiện giáo hóa giúp đỡ cứu độ của Bồ tát Địa Tạng cũng thiên hình vạn trạng, không bao giờ ngừng nghỉ.
Lời nguyện “Độ hết chúng sinh, mới chứng Bồ Đề, Địa ngục còn người, thệ chưa hành Phật” (Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật) của Bồ tát Địa Tạng thật vô cùng vĩ đại, Tăng Ni, Phật tử chúng ta cùng nhau học theo ngài, dù trong muôn một góp phần làm tâm từ bi của Phật phổ hoá chúng sinh
Bài học thiết thực từ Kinh Địa tạng
- Tâm địa thiện lành thanh tịnh chúng ta tạo ra cảnh Phật, thiên đường, Tịnh độ; cũng tâm địa xấu xa độc ác của chúng sinh, chúng ta tạo ra địa ngục khổ đau vô cùng vô tận. Tâm đại từ đại bi tu hành, hiếu đạo, biết tụng kinh, niệm Phật, làm phước, bố thí, giúp người, hộ trì Tam Bảo tạo nên công đức phước lành vô lượng vô biên.
- Hiếu kính tổ tiên ông bà cha mẹ hiện đời, cũng như tổ tiên nhiều đời là bổn phận, là trách nhiệm, là hiếu đạo cần tu tập.
- Kính khuyên ông bà cha mẹ, con cháu hiện đời biết cung kính quy y Tam Bảo, tu nhân tích đức làm phước bố thí để đời này an lạc, đời sau tái sinh có phước báo.
- Biết tu tập tụng kinh niệm Phật làm phước hồi hướng phước lành siêu độ cho ông bà tổ tiên nhiều đời được siêu thăng thoát hóa.
- Hiếu đạo của Phật giáo rộng lớn vô biên, là hiếu đạo đích thực, vượt qua mọi giới hạn nhân ngã, không gian thời gian mà người phật tử nên hiểu và thực hành theo.
- Người phật tử tu tập đúng theo kinh Địa tạng có nguyện lực kiên cố, tâm từ bi lớn, chính là nối dài cánh tay đại từ bi cứu tế chúng sinh, cũng có thể trở thành bồ tát Địa tạng bằng xương thịt sống động tại thế gian khổ đau.
"Ngài Địa tạng Phát nguyện lớn Chúng sinh độ hết Mới chứng Bồ đề Nam mô Phật."
3. Kinh Dược Sư thực giải
Đức Phật Thích Ca được tôn xưng vô thượng y vương, có thể chữa lành tất cả bệnh khổ chúng sinh, con người, thị hiện giữa thế giới Ta bà ngũ trược này, tu hành chính đạo, chứng quả Bồ-đề, kiến lập đạo tràng thanh tịnh, dùng vô số phương tiện, giảng dạy vô lượng pháp môn , để cứu độ chúng sinh, con người thoát sáu nẻo luân hồi sinh, lão, bệnh, tử khổ đau bất tận.
Giáo lý Tứ đế, Tứ niệm xứ, Thất giác chi, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Thiền chỉ thiền quán…là những phương pháp có tính cách tự lực, hành giả phải tự mình tu tập diệt trừ tam độc, chuyển hóa tham sân si thành giới định tuệ đích thân chứng đắc vô thượng Bồ đề.
Nhưng bởi phần đông chúng sinh, con người tham đắm ngũ dục, tâm ý điên đảo, nhiều đời nhiều kiếp tạo ra tội lỗi thâm trọng, nghiệp chướng tham sân, kiêu mạn, si mê sâu dày, bị nhiều chướng nạn tai ương, ốm đau bệnh tật, đói rách bần hàn, mê muội điên cuồng.
Khi được làm người, không chịu tu hành, sống theo nghiệp chướng, chẳng tạo phước lành, chỉ gây tạo tội lỗi oán thù ngang trái, đến khi sắp chết thần trí hôn mê, đảo điên loạn tưởng, địa ngục ngạ quỷ, cảnh giới khổ đau hiện hành, dù muốn tự lực tu hành, sám hối ăn năn sao còn kịp nữa.
Cho nên, chư Phật, Bồ tát mở bày phương tiện, cứu độ chúng sinh trong cơn nguy cấp, những người còn chút căn lành trong Phật pháp nương nhờ oai lực từ bi của mười phương chư Phật, hồi đầu phản tỉnh, thoát khỏi u mê tăm tối quay về chính đạo, bớt khổ hết sầu.
Lo sợ già yếu, bệnh tật, chết chóc là những khổ đau tất yếu mà ai cũng phải trải qua rất cần sự nương nhờ, yểm trợ, giúp đỡ của tha lực. Đương nhiên tự lực và tha lực có sự tương quan mật thiết với nhau, điều này chỉ có thể tự thân chứng nghiệm chứ ba hoa hý luận đúng sai thì chưa thể hiểu đúng được.
Kinh Dược Sư là một bài kinh có ý nghĩa thực tiễn rất cao, được nhiều người ưa chuộng thường xuyên tụng đọc nguyện cầu, chúng sinh ở cõi Ta-bà này, ai ai cũng muốn sống lâu không bệnh không não an vui hạnh phúc. Đức Phật Dược Sư trong khi tu hành đạo Bồ tát đã phát 12 nguyện lớn như sau:
Nguyện thứ 1: khi ta thành đạo Bồ-đề, thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, hào quang sáng khắp vô lượng thế giới, khiến các chúng sinh cũng được như ta.
Nguyện thứ 2: khi ta thành Phật, trong ngoài sáng chói hơn ánh sáng mặt trời, tự tại làm Phật, khiến các chúng sinh ở chỗ tối tăm đều nhờ ơn khai thị.
Nguyện thứ 3: khi ta thành Phật, đầy đủ vô lượng phương tiện trí tuệ, làm cho chúng sinh đầy đủ các món thọ dụng nơi thân tâm.
Nguyện thứ 4: khi ta thành Phật, nếu các chúng sinh tu theo tà đạo đều xoay về chính đạo, hàng Nhị thừa thì đều hướng về Nhất thừa.
Nguyện thứ 5: khi ta thành Phật, nếu có chúng sinh theo giáo pháp của ta mà tu hành, thì đều được hoàn hảo, dù có phạm giới mà nghe đến tên ta thì cũng trở thành thanh tịnh giới khỏi phải sa vào ác đạo.
Nguyện thứ 6: khi ta thành Phật, nếu chúng sinh nào có thân thể hèn yếu hay xấu xa, đui điếc hay câm ngọng, một khi nghe tên ta, niệm danh hiệu ta thì được khỏi bệnh, lại được tốt đẹp khôn ngoan.
Nguyện thứ 7: khi ta thành Phật, nếu có chúng sinh không bà con thân thuộc, nghèo thiếu ốm đau, không ai giúp đỡ, mà nghe được tên ta thì thân tâm yên lành quyến thuộc giúp đỡ cho, đến chứng đạo Bồ-đề.
Nguyện thứ 8: khi Ta thành Phật, các nữ nhân thường bị khinh dễ thấp kém, nếu nghe được tên ta thì bỏ thân nữ nhân, thành tướng trượng phu cho đến chứng quả.
Nguyện thứ 9: khi ta thành Phật, thì các chúng sinh thoát vòng ma đạo ác kiến, về nơi chính đạo, tu Bồ-tát hạnh mau chứng đạo Bồ-đề.
Nguyện thứ 10: khi ta thành Phật, nếu chúng sinh bị pháp vua trừng trị, trói buộc đánh đập, giam vào ngục tối...mà nghe tên ta, niệm danh hiệu ta thì đều thoát khỏi.
Nguyện thứ 11: khi ta thành Phật, những chúng sinh bị đói khát, cầu ăn mà tạo nghiệp dữ, nếu nghe tên ta, chuyên niệm thọ trì, thì ta trước hết cấp cho món ăn được no đủ, sau nói pháp khiến họ tu hành được hoàn toàn an vui.
Nguyện thứ 12: khi ta thành Phật, những chúng sinh nghèo không có áo mặc, muỗi mòng chích đốt, nóng lạnh, ngày đêm khổ sở, nếu nghe tên ta chuyên niệm thọ trì, thì ta theo tâm mong cầu ấy khiến được đầy đủ y phục hoa hương.
Đức Phật Dược Sư phát tâm rộng lớn tu hành chứng thành Phật quả, phát nguyện rộng lớn cứu độ giúp đỡ chúng sinh, con người mà chiêu cảm hình thành thế giới Đông Phương tịnh lưu ly an lạc. Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sinh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sinh thật tâm tin tưởng nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Nói đơn giản một lòng chí thành, kiên trì chuyên niệm một câu: Nam mô Dược Sư Phật, cũng giúp cho chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng bệnh tật, được bình yên an ổn trong đời. Tăng Ni Phật tử chúng ta tu hành theo kinh Dược Sư, cùng phát nguyện độ sinh như ngài, một người, mười người, trăm ngàn người, rất nhiều người cũng tu hành, cung kính quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, siêng tu thập thiện, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh Dược Sư, thực hành theo lời dạy của Phật, khởi tâm Bồ đề, phát nguyện rộng lớn, cứu giúp tất cả chúng sinh, con người đang bệnh khổ.
Nối dài cánh tay đại từ bi của Phật Dược Sư, Nhật Quang biến chiếu Bồ tát, Nguyệt Quang biến chiếu Bồ tát, chính là hiện thân sống động của Phật Dược Sư tại thế gian thì chắc chắn trong thế giới Ta bà ngũ trược sẽ bớt tai nạn binh đao loạn lạc chết chóc, không còn khởi tâm độc ác làm hại lẫn nhau, bớt nạn hoạnh tử chết yểu, nan y tự vẫn; ít còn nghe tiếng rên rỉ, than van của kẻ nghèo khổ, tật nguyền đói khát.. Những ngôi chùa viện, những Trung tâm nhân đạo, Tuệ Tĩnh đường ở Việt Nam ta đã và đang làm như thế.
Phật tử chúng ta hoàn toàn có khả năng cùng nhau tu hành theo kinh Dược Sư, thiết lập thế giới Đông Phương tịnh lưu ly trong sạch thanh tịnh an lạc ngay tại cõi đời này.
Nam mô Đông phương mãn nguyện tiêu tai diên thọ Dược Sư luu ly quang Như Lai. "Phật Dược Sư Cõi Lưu ly Cứu giúp chúng sinh Tiêu tai, tăng thọ Nam mô Phật"
4. Kinh A Di Đà thực giải
Kinh A Di Đà là mô tả chi tiết cảnh quan tuyệt diệu trang nghiêm thế giới Tây Phương Cực Lạc - một nơi hoàn toàn vắng bóng các khổ đau phiền não của thế gian; trình bày công đức vô lượng, những lời dạy quý báu và phát nguyện rộng lớn của đức Phật A Di Đà, cách làm, cách sống để có thể vãng sinh về thế giới Cực Lạc, sự gia hộ độ trì của chư Phật, Bồ Tát và thánh chúng cõi Tây Phương Cực Lạc.
Một nội dung rất quan trọng về giáo lý cốt lõi trong kinh nhưng hình như các Phật tử ít chú ý đến, các Phật tử thường chỉ chú tâm vào nội dung niệm Phật từ một đến bảy ngày để nhất tâm bất loạn mà vãng sinh chứ ít chú ý đến đoạn kinh văn:: Các loại chim quý bạch hạc, khổng tước, ca lăng tần già, cộng mạng ngày đêm sáu thời cất tiếng hót vang diễn nói các pháp ngũ căn ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần.
Muốn được vãng sinh, muốn được đức Phật A Di Đà, Quan Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát tiếp dẫn thì phải từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn (định). Chúng tôi hay nói vui là người có khả năng, có định lực nhất tâm bất loạn trong bảy ngày thì ở đâu cũng là Tịnh Độ, không cần phải về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Có thể nói là đoạn kinh quan trọng nhất nói về ba mươi bảy phẩm Bồ đề đã thâu tóm những giáo nghĩa cốt lõi của Phật pháp, dù là Nam tông, Bắc tông; Nguyên thủy hay Đại thừa Phật giáo.
Ngũ căn, ngũ lực gồm Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ Ngũ căn là năm nền tảng của sự tu chứng đã được đức Phật khéo tu tập, khéo chứng đắc, khéo truyền dạy
Tín căn là cội rễ căn bản của lòng tin chân chính
Tấn căn là cội rễ căn bản của tinh cần siêng năng
Niệm căn là cội rễ căn bản của chính niệm tỉnh giác
Định căn là cội rễ căn bản của tập chuyên nhất
Tuệ căn là cội rễ căn bản của trí huệ
Thất Bồ đề phần gồm Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Xả
Bát thánh đạo gồm Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính Tinh tấn, Chính niệm và Chính Định.
Nói đơn giản Chính kiến là sự hiểu biết về khổ, nguồn gốc của khổ, con đường thoát khổ và sự chấm dứt khổ.
Chính kiến tức cái thấy, cái biết đúng đắn, chân chính. Chính tư duy là sự suy nghĩ đúng đắn, chân chính, hợp chân lý.
Chính ngữ là lời nói chân chính, hiền thiện, hợp đạo. Nói năng đúng chính pháp, vì sự thật.
Chính nghiệp là nghề nghiệp chân chính không sát sinh, trộm cắp, tà dâm; mở rộng ra thì chính nghiệp tức là tạo tác sự nghiệp một cách đúng và chân chính.
Chính mạng là sống có giá trị, nuôi mạng sống bằng cách chân chính.
Chính tinh tấn là siêng năng nỗ lực chân chính. Chính niệm là nghĩ nhớ chân chính như niệm thân thọ tâm pháp trong tứ niệm xứ.
Chính định là sự tập trung tâm ý, chuyên nhất chân chính hướng đến giải thoát giác ngộ.
Bát thánh đạo chính là giới định tuệ, là con đường Trung đạo giải quyết khổ đau.
Đây là các pháp cần tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát, vượt thoát khổ đau trong sinh tử luân hồi. Tiếng chim hót ở cõi Cực Lạc đã tuyên thuyết con đường trung đạo, tuyên thuyết ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là tất cả cốt lõi của phật pháp.
Tịnh Độ là pháp môn tu học phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Pháp môn niệm Phật thâm nhập sâu rộng trong đời sống quảng đại quần chúng vì dễ thực hành. Sức hấp dẫn lớn nhất của kính là thế giới trang nghiêm thanh tịnh đẹp đẽ, không có khổ đau phiền muộn mà ai cũng mong ước và pháp môn niệm Phật vô cùng dễ dàng ai cũng làm được.
Niệm Phật là một cách tu luyện tâm, thanh tịnh tâm, chuyển hóa tâm, trụ tâm vào Phật hiệu thay vì trụ vào ngũ dục lục trần. Câu Phật hiệu A Di Đà giúp người người thức tỉnh. Tướng hảo quang minh của Phật A Di Đà khác gì ngọn hải đăng để chúng sinh vô minh, lặn hụp trong bể khổ mênh mông tìm được hướng đi về.
Một câu niệm A Di Đà Phật đúng pháp có thể giải quyết được tất cả những nỗi khổ niềm đau của thế gian. Nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy nếp sống của cư dân Cực Lạc mô tả trong kinh giống như nếp sống trong thiền môn chùa, viện chúng ta: Hằng ngày tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, ngồi thiền, đi thiền, cúng dường chư Phật, học Phật, nghe pháp sống tinh tấn trong chính niệm tỉnh thức.
Điều này rất quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà chư tổ lấy kinh A Di Đà làm kinh thường tụng trong các thời công phu. Chúng ta sống đúng như lời dạy trong kinh A Di Đà dạy, tức là chúng ta như đang sống ở Tây Phương Cực Lạc hiện tiền, không phải đợi tới khi chết vãng sinh về Cực Lạc. Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau thiết lập Tịnh Độ ngay tại nhân gian, tại ngôi chùa chúng ta đang tu tập.
Tóm lại thực tập theo kinh A Di Đà cũng là thực tập giới định tuệ, thực hành trung đạo hướng đến giải thoát giác ngộ vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi. Trong tâm có Phật, thời thường niệm Phật là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề của nhân thế. Lợi ích của kinh A Di Đà, của pháp môn niệm Phật to lớn thâm diệu khó có thể dùng ngôn từ diễn tả hết được, chỉ có thể sống tu tập thực hành mới thế nghiệm chân thực được.
"Nam mô A Di Đà Phật Kinh Di Đà Pháp niệm Phật Tịnh độ nhân gian Hàm giới định tuệ Nên học tu"
5. Kinh Phổ Môn thực giải
Kinh Quán Thế Âm tức phẩm Phổ môn trong kinh Pháp Hoa thường được các chùa Bắc truyền dùng trong thời khóa tụng kinh, nhất là tụng thời Tịnh Độ hoặc vào dịp lễ cầu an. Đa phần các Phật tử tu theo truyền thống Bắc truyền, các chùa Tịnh Độ đều tụng phẩm Phổ Môn thuộc kinh Pháp Hoa nhiều lần, nhưng không phải ai cũng hiểu được những giá trị tư tưởng cao quý thâm sâu, cũng vận dụng được trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Nhân có Phật tử Diệu Thành ở phía Bắc, trong Đạo tràng Minh Trần hỏi về ý nghĩa và ứng dụng phẩm Phổ Môn trong đời sống thực tế, nên thầy ghi lại chia sẻ lại cho các Phật tử mến đạo.
Không phải ngẫu nhiên mà chư Tổ chọn đưa vào thời khóa thường tụng, mà vì nội hàm ý nghĩa của phẩm này vừa thâm sâu, vừa thiết thực của pháp tu Đại thừa Bồ Tát, nhắm làm lợi ích rộng lớn cho muôn loại chúng sinh, con người....
Phổ môn là gì ?
Phổ là cùng khắp, môn là cửa ngỏ,. Phổ môn là cửa Bồ Tát phương tiện đưa chúng sinh, con người từ nơi mê lầm khổ đau về nẻo giác ngộ an vui, mở ra cùng khắp nơi nơi, chỗ nào cũng thấy được cửa Đại thừa đi vào thực tại, vượt thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi. Ai ai cũng có thể vượt thoát mọi nổi khổ niềm đau trên cuộc đời bằng cách theo sự chỉ dạy của Bồ tát Quan Âm, đi vào Phổ Môn.
Chú tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm
Đi đứng nằm ngồi nói năng giao tiếp làm việc... đều có thể chú tâm niệm thầm: Nam mô Quán Thế Âm bồ tát. Nương theo vô lượng nguyện lực thần thông vô lượng vô biên của Bồ tát Quan Âm với 33 thân tướng biến hóa vi diệu mà thành khẩn chí tâm xưng niệm danh hiệu: Nam mô Quan Thế Âm bồ tát, sẽ vượt thoát các tai ương ách nạn của kiếp người hay gặp như: lửa thiêu cháy, nước lụt lớn, gió bão lớn, thú dữ ăn thịt, quỷ la sát bắt hồn, bị cướp bóc, bị vua quan bỏ tù, bị gông cùm tù tội, bị sợ hãi.
Không ít người cảm thấy khó hiểu, khó tin là làm sao, chỉ niệm Quan Âm mà vào lửa không cháy, vào nước không chìm... Ví dụ như "lửa". Những người tâm còn buông lung, tính còn sân si nóng nảy, thì sẽ còn khổ đau khi bị lửa nóng nảy, lửa sân hận đốt cháy. Với những người như vậy là còn bị đốt bởi lửa củi, lửa than, lửa điện đốt nóng, thiêu cháy. Tức là chừng nào tâm tính còn sân hận thì vẫn còn bị nóng cháy thiêu đốt.
Khi ta chú tâm tập trung xưng niệm danh hiệu Quan Âm bồ tát, thể nhập vào tam muội đại bi của Bồ tát, thì tâm sân, tính nóng không còn hiện hữu, lửa sân hận không còn đốt cháy được tâm ta và khi tâm được tập trung, chú tâm thanh tịnh, vào định thì lửa nóng thế gian, nhiều lắm chỉ thiêu đốt thân thể tứ đại chứ không tác động thiêu đốt được thể tâm thanh tịnh của ta được. Minh chứng rõ nhất là bồ tát Quảng Đức ngồi an nhiên niệm Phật khi lửa nóng thế gian đốt cháy thân thể tứ đại của ngài.
Trong nhiều kinh cả Nam truyền lẫn Bắc truyền ghi lại thời đức Phật tại thế, các vị A La Hán thị hiện thần thông ngồi thiền trên lửa, giữa hư không, thân thể phát ra lửa một các tự tại, thế gian khó mà hiểu được.
Tu tập tam vô lậu học: giới, định tuệ
Tu tập về giới Bi thể giới lôi chấn Từ ý diệu đại vân... Chú cam lồ pháp vũ Diệt trừ phiền não diệm...
(Tâm bi như sấm động Lòng từ như mây lành Pháp cam lồ mưa xuống Dập tắt lửa não phiền) Dùng giới thể từ bi, diệt trừ lửa dữ phiền não, thẳng tiến trên con đường giác ngộ.
Tu tập Thiền Định tức là thực hành cả Thiền chỉ và Thiền quán:
Chơn quán, thanh tịnh quán Quảng đại trí tuệ quán Bi quán cập từ quán... Quán rõ như thật về mọi sự vật hiện tượng không còn sai lầm. Quán từ bi là pháp quán để phát khởi và tăng trưởng thương xót muôn loại chúng sinh
Tu tập về Trí Tuệ: Tuệ nhật phá chư ám... Dùng tuệ giác thanh tịnh, soi rõ đúng như thật về thực tướng của vạn pháp, thấy đúng như thật bản chất của mọi sự vật hiện tượng, kể cả các hiện tượng tâm lý vi tế, các cảnh giới thiền định thâm sâu, phá trừ tận gốc những nghiệp chướng u ám vô minh, thành tựu giải thoát giác ngộ hoàn toàn.
Đoạn trừ tam phiền não: tham sân si.... Tu tập các pháp trong kinh Phổ môn dạy sẽ dần dứt trừ ba loại căn bản vô minh là Tham, sân, si Thành kính, chú tâm niệm Quan Âm sẽ chuyển hóa ba thứ căn bản phiền não tham, sân, si và các tùy phiền não Thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm bồ tát sẽ bớt khổ, thêm vui, tăng phúc tăng thọ,
Thành tựu như ý nguyện: Tu tập đúng pháp Phổ môn, thì cầu gì cũng thành tựu, mong ước gì cũng thành hiện thực. Phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa dạy rõ công hạnh bi, trí của bồ tát Quan Âm. Có trí tuệ, có từ bi thì có thể vượt qua tất cả khổ nạn của thế gian, có thể thành tựu mọi ước nguyện. Hạnh nguyện cao cả nhất của bồ tát Quan Âm là lắng nghe những tiếng kêu cứu khổ nạn của muôn loại chúng sinh, con người mà tận tâm giúp đỡ cứu độ.
Ước nguyện cao cả của những người học và thực hành kinh Phổ môn, học hạnh Quan Âm là nối dài cánh tay từ bi trí tuệ của ngài, lắng nghe tiếng kêu khổ của tất cả chúng sinh mà góp sức cứu giúp chúng sinh bớt khổ đau ách nạn. Lấy từ bi làm lẽ sống, nương theo tâm từ bi của Bồ Tát Quan Âm, phát triển tâm từ bi của mình sẽ có thể giải quyết được mọi nỗi khổ niềm đau, nâng cao chất lượng sống.
Học theo hạnh Quan Âm, giúp chúng sinh và chúng ta sẽ bớt khổ, thêm vui. Nếu mỗi ngày càng có nhiều người học và thực hành kinh Phổ môn theo lời dạy cao quý của ngài thì thế giới sẽ thanh bình, đất nước an yên, người người phúc lạc. "Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn Cửa ngỏ giải thoát Mở khắp nơi nơi Vào thực tại"
6. Kinh Chuyển Pháp Luân thực giải
Đây là bài kinh đầu tiên, sau khi giác ngộ hoàn toàn, đức Phật đã giảng cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như về con đường giác ngộ, con đường Trung đạo, xa lìa hai cực đoan, Bốn sự thật cao quý (Tứ thánh đế), Thánh đạo tám ngành (Bát Thánh đạo). Cũng có thể nói, người Phật tử nào chưa đọc tụng bài kinh này sẽ ít nhiều có lỗi với đức Phật bổn sư của chúng ta.
Phật Giáo là nếp sống minh triết trí tuệ căn cứ trên kinh nghiệm thực chứng tâm linh của bản thân, không phải chỉ là một mớ lý thuyết triết lý cao siêu dựa trên suy niệm và lý luận suông. Tu tập rèn luyện thân và tâm đều nên tránh hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và hưởng thụ vật chất sung túc. Trung đạo chính là con đường Bát Thánh đạo cao thượng gồm: chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định. Đây là con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, giải thoát Niết bàn.
Tứ Thánh đế gồm Khổ tập diệt đạo:
Thánh đế về Khổ tức sự thật khổ đau: Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Thánh đế về Khổ tập tức nguyên nhân gây ra khổ đau là tham ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Thánh đế về Khổ diệt, là ly tham, đoạn diệt Niết bàn không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước dính mắc
Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ diệt, là phương pháp tu tập giải trừ tất cả mọi nỗi khổ đau, là Thánh đạo tám ngành gốm Tri kiến chân chính, Tư duy chân chính, Lời nói chân chính, Hành nghiệp chân chính, Nuôi mạng chân chính, Siêng năng chân chính, Nghĩ nhớ chân chính, Thiền định chân chính.
Chữ "chính" trong tu tập Bát chính đạo rất quan trọng, thường nên có bậc minh sư có đạo hạnh trí tuệ hướng dẫn, nếu không sẽ dễ lệch lạc thành bát tà đạo. Ví dụ tu tập chính kiến, chỉ lệch đường tơ kẽ tóc là đã rơi vào tà kiến sai lầm, một khi đã chấp vào tà kiến sai lệch thì càng tinh tấn tu tập càng sa vào đường tà nhanh hơn.
Đức Phật, nếu chưa hoàn toàn thấu triệt Tứ Diệu Đế về ba phương diện và đủ mười hai phương thức một cách hoàn toàn sáng tỏ thì sẽ không xác nhận rằng Như Lai đã đạt được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Đức Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn đầu tiên, nhờ sự nỗ lực cố gắng không ngừng vượt qua mọi chướng ngại chông gai.
Con đường Bát Thánh đạo đưa đến an vui hạnh phúc giác ngộ giải thoát mà đức Phật đã thân chứng là bài học vô giá cho những ai muốn sống một cuộc đời thật sự có giá trị ý nghĩa.
Một vài bài học từ Kinh Chuyển pháp luân:
- Điều quan trọng nhất trong Phật pháp là thực hành lời Phật dạy thì mới hiểu đúng giáo lý
- Những người đại ngôn đại ngữ nói lý thuyết suông không đáng nghe vì không có ý nghĩa gì
- Tứ đế, Bát chính đạo, Trung đạo là kim chỉ nam của Phật giáo
- Phật giáo chú trọng công phu thực hành, thay vì chú trọng đến tín ngưỡng và giáo điều. Thực hành Giới (Chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng), Định (Chính tinh tấn, chính niệm, chính định),Tuệ (Chính kiến, chính tư duy) mới có thể thành tựu mục tiêu giác ngộ giải thoát, vượt thoát khổ đau.
- Cực đoan và cố chấp sẽ dẫn đến sai lầm và khổ đau cho mình và người, cho nên trong cuộc sống hãy giã từ thái độ, suy nghĩ cố chấp và cực đoan.
- Tu tập thực chất là nhận diện rõ ràng và có phương pháp hữu hiệu chuyển hoá khổ đau phiền não.
- Các Phật tử hãy thường tụng đọc kinh Chuyển pháp luân, quán chiếu sâu sắc về Tứ thánh đế, tu tập Bát chính đạo chính là đang đi đúng con đường đức Phật đã đi
- Đức Phật là bậc đạo sư vĩ đại nhất, trí tuệ và tâm từ bi của ngài sẽ mãi là ánh sáng ấm áp soi đường cho muôn loài chúng sinh con người về nẻo an vui hạnh phúc giác ngộ
- Bánh xe chính pháp cứu độ chúng sinh của đức Thế Tôn sẽ chuyển động không cùng, vượt qua mọi giới hạn của không gian và thời gian.
"Chuyển pháp luân Kinh đầu tiên Tứ đế, trung đạo Thánh đạo tám ngành Vượt tử sinh."
7. Kinh Phước Đức thực giải
Đây là bài kinh thuộc Tiểu bộ kinh, ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu dễ thực hành và có giá trị thực tiễn cao. Nội dung bài kinh là những lời chỉ dẫn cụ thể bao quát tất cả mọi phương diện của đời sống con người, hướng con người có đời sống lương thiện tử tế tích cực, nâng cao phẩm chất đạo đức trí tuệ hàng ngày. Có thể nói mọi vấn đề của đời sống con người có thể tìm thấy lời chỉ dạy từ bi ân cần trong kinh. Bài kinh này đức Phật giảng cho một vị ở cõi trời thưa hỏi về cách sống một cuộc đời phúc đức và có giá trị.
Đồng bào Phật tử, thiện nam tín nữ, người có tâm hướng Phật có thể thờ bản kinh này, dạy con cháu như gia bảo truyền đời giúp cho gia môn hưng thịnh phúc đức đời đời, con cháu hiếu thuận ngoan hiền góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng xã hội đất nước nhân văn phồn thịnh. Đây là những lời rất chân thật về giá trị của bài kinh.
Trong giao tiếp hàng ngày nên gần gũi cung kinh những người hiền đức, có đạo đức tri thức, tránh xa những kẻ si mê tà kiến xấu ác, hủy nhục Tam Bảo Phật Pháp Tăng, a dua vu vạ Tăng Ni. Khi nào mình có bản lĩnh đạo lực lớn sẽ hóa độ kẻ si mê tà kiến, nhưng không dễ.
Chọn ở môi trường trong lành có văn hóa, góp sức bảo vệ môi sinh, giữ lòng thẳng ngay, biết tạo phước lành, giúp đỡ người yếu thế khốn khổ, siêng năng học hành tu tập nghe pháp, rèn luyện phát triển tốt các kỹ năng nghề nghiệp, sống theo lời Phật dạy, cư sĩ Phật tử nên kính Phật Pháp Tăng, thực tập 5 điều đạo đức: không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, rượu chè hút sách, tập nói những lời hòa ái, mang lại an vui hòa hợp hướng thượng. Không nên nói lời xấu ác, thị phi gây chia rẽ bất hoà.
Giữ tròn hiếu đạo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ già yếu, yêu mến vợ chồng con cái, hoà thuận với anh em, giao hảo bạn bè tốt, học sống tri túc tích cực đúng pháp, giúp đỡ bà con khó khăn xung quanh, hành vi việc làm lời nói chân thật ngay thẳng không quanh co gian dối, giữ gìn giới pháp Phật dạy, ngăn trừ điều ác xấu bỏ thói bài bạc rượu chè đàn đúm bê tha, chuyên cần sống tốt tu tập theo đúng chính pháp.
Thường học tập tính khiêm tốn nhẫn nại, tri ân báo ân, đơn giản biết đủ, không xa hoa cầu kỳ, kiêu căng sĩ diện hão. Ngoài thời gian làm việc sinh sống, chăm sóc gia đình, hãy dành thời gian đến chùa, học Phật nghe pháp, sám hối, lễ Phật, thân cận thăm hỏi các bậc tu hành đức độ để học hỏi giáo pháp đạo lý. Toạ thiền, tụng kinh, lễ Phật trở thành nếp sống hàng ngày như ăn cơm, mặc áo.
Các Phật tử hãy học thuộc bài kinh này, từng bước thiết lập một đời sống thánh thiện tinh tấn tích cực trong sạch, nhìn thông mọi thứ, đạt đến chân lý, triệt ngộ thật tướng các pháp, an vui tự tại giải thoát. Ông bà tổ tiên chúng ta dạy: Có phúc có đức mặc sức mà hưởng. Sống gieo trồng nhân lành, ắt sẽ hưởng quả báo ngọt.
Những ai sống không tu tập, không tạo nhân phúc đức, chỉ gây nhân xấu ác, làm điều xằng bậy, trái lương tâm đạo đức mà muốn giàu sang an vui hạnh phúc, thì khác gì muốn nấu cát thành cơm, không thể nào được. Như vậy dù là người xuất gia tu hành hay cư sĩ, phật tử tại gia, tiếp xúc với thế gian, chung đụng trong đời sống vẫn giữ được tâm thanh tịnh vững chãi, không tham đắm ngũ dục lực trần, không ích kỷ chấp ngã, không sa ngã vào bất kỳ cám dỗ nào của thế gian, lòng luôn bình an, không sầu nhiểm lo phiền khổ não.
Người nào y theo lời Phật dạy sống, làm việc học hành, tu tập y như trong kinh Phước đức này thì không khó khăn chướng ngại nào không vượt qua được, không việc gì không thành tựu được, ở bất kỳ nơi đâu cũng an lành hạnh phúc ý nghĩa hướng đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau trong sáu nẻo luân hồi
Bài kinh ngắn Dạy sống tốt Y theo pháp Phật Tích cực hướng thượng Chân hạnh phúc
Thay lời kết
Đức Phật thường dạy, tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta. Đồng bào phật tử cư sĩ đi chùa lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh mà không hiểu kinh hoặc hiểu sai ý kinh sẽ gây ra những hậu quả phiền lụy không nhỏ, thực tế đáng tiếc này chúng ta đã có dịp chứng kiến trong thời gian qua.
Thực giải các kinh thường tụng là cách trình bày nội dung lời dạy chủ yếu của đức Phật trong các kinh Di Đà, Phổ Môn, Phước Đức, Chuyển Pháp Luân, Dược Sư, Địa Tạng một cách hết sức đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành theo với hi vọng giúp cho các cư sĩ Phật tử có duyên hiểu và thực hành các kinh thường tụng góp phần rất nhỏ trong việc trang nghiêm Phật pháp tại thế gian.
Tác giả: Thượng tọa TS Thích Hạnh Tuệ - TS Thích nữ Thanh Quế
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đại chính tân tu đại tạng kinh (bản hán) 2. Phật học từ điển Huệ Quang, HT Minh Cảnh chủ biên 3. Kinh A Di Đà, bản dịch của HT Trí Tịnh 4. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn bản dịch của HT Trí Tịnh 5. Kinh Chuyển Pháp Luân, bản dịch HT Minh Châu 6. Kinh Dược Sư, bản dịch HT Đức Nhuận 7. Kinh Địa Tạng, bản dịch HT Trí Tịnh 8. Kinh Phước Đức, bản dịch HT Nhất Hạnh 9. Phật tổ tam kinh, HT Phổ Tuệ
Bình luận (0)