Trang chủ Bạn đọc Những suy nghĩ và lưu ý về Khóa Tu Mùa Hè

Những suy nghĩ và lưu ý về Khóa Tu Mùa Hè

Các chùa chiền tự viện tổ chức các khóa tu mùa hè cho nhiều thanh thiếu nhi là vấn đề cần phải xem xét và cân nhắc trên nhiều góc độ, không nên để việc tổ chức khóa tu trở thành trào lưu, mang tính hình thức với những suy nghĩ giản đơn bởi những vấn đề liên quan đến trẻ em, thanh thiếu nhi là những vấn đề cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là những hoạt động tập trung số lượng lớn học sinh.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Các chùa chiền tự viện tổ chức các khóa tu mùa hè cho nhiều thanh thiếu nhi là vấn đề cần phải xem xét và cân nhắc trên nhiều góc độ, không nên để việc tổ chức khóa tu trở thành trào lưu, mang tính hình thức với những suy nghĩ giản đơn bởi những vấn đề liên quan đến trẻ em, thanh thiếu nhi là những vấn đề cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là những hoạt động tập trung số lượng lớn học sinh.

Tác giả: An Tường Anh

Trong những ngày vừa qua, khi học sinh bước vào những tháng hè thì cũng là thời điểm nhiều chùa chiền, tự viện tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu nhi, và các khóa tu này đã được thực hiện trong nhiều năm qua và ngày càng mở rộng trong những năm gần đây ở các cơ sở chùa chiền, tự viện, thu hút số lượng lớn thanh thiếu nhi đến tham gia tu học. Tuy nhiên góc nhìn về các khóa tu mùa hè cũng có nhiều các ý kiến khác nhau.

1.Những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức khóa tu mùa hè

1.1. “Nội dung những khóa tu này là gì?” Nhìn chung nội dung các khóa tu bao gồm: Sinh hoạt tập thể, trò chơi, tìm hiểu kiến thức lịch sử, tri ân, nội dung liên quan đến phật pháp, kỹ năng sống…, (theo báo cáo ở Chùa Ba Vàng gồm 45% giáo lý Phật pháp, 40% kỹ năng sống, 15% hoạt động vui chơi).

Tuy nhiên hiện nay, tại các địa phương tỉnh thành đều có tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi với nội dung tương tự như trong chùa chiền, tự viện, bên cạnh đó, những nội dung về kiến thức, kỹ năng thì hầu như các trường học đều đã có giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh từ các cấp.

Nhìn lại chỉ có một nội dung duy nhất liên quan đến chức năng của chùa chiền là sinh hoạt về phật pháp, nhưng nội dung này khi giảng dạy cho các em cần có giáo trình thống nhất và mang tính giáo dục đạo đức là quan trọng hơn cả.

Vấn đề tôn giáo mang yếu tố tâm linh tín ngưỡng, là những gì thuộc về tâm hồn, thế giới bên trong của con người có phần thiêng liêng, huyền bí, không dễ cắt nghĩa được thế nên không thể tùy nghi rao giảng, ép buộc hoặc tuyên truyền đơn giản cho trẻ em, thanh thiếu nhi những vấn đề, nội dung mà chúng ta cảm thấy chưa phù hợp với sự phát triển nhận thức đầy đủ ở lứa tuổi này.

Nếu các cơ sở chùa chiền tổ chức tốt thì rất bổ ích, nhưng nếu không có sự giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ, để việc tổ chức hời hợt, chỉ mang tính bề nổi thì sẽ dễ xảy ra những hệ lụy khôn lường, chẳng hạn trong quá trình sinh hoạt, tuyên truyền, giảng đạo pháp có nội dung không phù hợp với lứa tuổi các em thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của tu sinh; Nơi ăn ngủ không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các em..v.v..

tapchinghiencuuphathoc khoa tu mua he 2

1.2. Ở tuổi của trẻ vị thành niên, điều cần thiết là hướng cho các em phát triển tự nhiên, chú trọng phát triển về mặt trí tuệ, tìm hiểu về khoa học, kỹ thuật công nghệ, rèn luyện thể dục thể thao để phát triển đầy đủ về năng lực, sức khỏe và tư duy, vấn đề về tôn giáo là một thế giới quan không giản đơn, vì vậy chọn nội dung hướng thượng để giáo dục trẻ là điều cũng phải cân nhắc và chọn lọc một cách rất khoa học mới được gọi là khóa tu – tức là khóa học giáo dục.

1.3. Những nội dung dạy cho tu sinh về lòng từ bi, biết yêu thương cha mẹ, làm việc tốt, kỹ năng sống, kiến thức lịch sử…thì những nội dung này trong nhà trường các em cũng đã được học và ngành giáo dục luôn có những thước đo từ thấp đến cao để giảng dạy phù hợp cho từng lứa tuổi, mang tính thực tế, nhân văn và đạo đức cho học sinh.

Các trường công lập, dân lập, quốc tế đều có đội ngũ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn, giảng dạy cho mọi thành phần học sinh, vì vậy nếu khóa tu vận dụng thuyết giảng cùng một nội dung cho nhiều lứa tuổi mà không có sự phân chia, phân cấp sẽ tạo ra sự cảm thụ, cảm hóa không tương đồng đối với sự phát triển nhận thức của mỗi em.

Bên cạnh đó, những người quản lý thanh thiếu nhi trong khóa tu học có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, đã được đào tạo trong công tác quản lý, giảng dạy cho trẻ về kỹ năng, kiến thức, tâm lý trong một tập thể số đông như vậy hay không, đây cũng là vấn đề mà đơn vị tổ chức, đơn vị phối hợp và cơ quan quản lý cần phải lưu tâm.

1.4. Một đứa trẻ theo cha mẹ đến chùa, đến nhà thờ làm lễ rồi ra về thì không sao nhưng khi các em ở xuyên suốt trong cơ sở tôn giáo để học tập thì cần phải có sự tham gia của người giám hộ;

Có sự giám sát chặt chẽ của người quản lý, cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản về nội quy sinh hoạt, nội dung thuyết giảng, học tập trong suốt quá trình diễn ra khóa tu, tránh việc tập trung các em đến học mà không có sự quản lý của cha mẹ, người giám hộ, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, không biết trẻ em “tu học” điều gì.

Tuy nhiên khi một đứa trẻ đến tham gia khóa tu mà phải có người giám hộ đi kèm thì khả năng các em tự nhận thức và hiểu về những nội dung liên quan đến phật pháp là rất ít, trừ khi đơn vị tổ chức xây dựng nội dung tu học đảm bảo được sự thấu hiểu và khơi dậy lòng ham thích tìm cầu học đạo của các em.

Việc học phật pháp để thực hành tâm đạo là điều rất tốt nhưng phải được thực hiện khi các em tự nguyện, có mong muốn được tìm hiểu; Khi các em đã đủ tuổi trưởng thành, có thể cảm thụ và tự nguyện phát tâm đi theo một tôn giáo nào đó một cách độc lập chứ không phải là sự lệ thuộc hay bắt buộc từ người khác.

2.Những khó khăn thách thức trong quá trình Tổ chức Khóa tu mùa hè

Có thể nói, những vấn đề liên quan đến trẻ em, thanh thiếu nhi vốn đã là những vấn đề được nhiều người quan tâm chú ý, vì vậy khóa tu mùa hè cũng không nằm ngoài sự “giám sát” của cộng đồng xã hội, thế nhưng thời gian qua, bên cạnh những hiệu quả mang lại từ khóa tu mùa hè thì cũng có một vài hạt sạn từ một vài nơi chưa nghiêm túc, đáng lên án là hành vi đưa trẻ em gái lên làm minh chứng cho những lý giải tà kiến trước đám đông, làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng nhân dân, phật tử.

Việc một vài nơi tổ chức khóa tu chưa chu đáo để trẻ em có hành vi bạo lực, nơi ăn ở, tu học của trẻ không đảm bảo…hoặc hình ảnh những tín đồ cực đoan cuồng tín chuyên đi khẩu chiến trên mạng xã hội thời gian qua cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người lo ngại.

Bên cạnh đó, những chùa chiền có số lượng tu sinh tham gia đông đảo, lên đến hàng nghìn em thì vấn đề về nơi ăn ở, ngủ nghỉ, vệ sinh của các em cũng là điều mà nhiều người đặt câu hỏi rằng có đảm bảo hay không? Có đảm bảo được về vấn đề sức khỏe và an toàn cho tất cả các em mà không có vấn đề gì phát sinh hay không? Đây cũng là những câu hỏi mà đơn vị tổ chức khóa tu cần quan tâm lưu ý.

tapchinghiencuuphathoc khoa tu mua he 1

3.Làm thế nào để khóa tu mùa hè thật sự tốt và hiệu quả?

Trước những nội dung nêu trên cũng là một trong những khó khăn, thách thức mà chùa chiền cần tháo gỡ. Để một khóa tu mùa hè với số lượng đông đảo tu sinh đến tham gia và đúng quy định thì đòi hỏi rất nhiều ở khâu tổ chức, trong công tác quản lý, nghiên cứu vì những vấn đề liên quan đến trẻ em cần được đảm bảo, tìm hiểu kỹ, trong đó không loại trừ quyền và những yếu tố về mặt pháp lý. Trong bài này chỉ xin đề cập đến một số nội dung cần lưu ý như sau:

3.1. Việc tu sinh đến tham gia phải đảm bảo trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc bởi nếu thanh thiếu niên bị ép buộc tham gia vào môi trường liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo mà không được sự đồng ý của trẻ em là vô tình đã cưỡng bức và vi phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của trẻ em, vi phạm vào Luật tín ngưỡng tôn giáo.

3.2. Cơ sở chùa chiền, tự viện khi tổ chức khóa tu mùa hè cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, cần có ý kiến của cơ quan chức năng khi có hoạt động liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên, cơ quan Thông tin và Truyền thông,…đối với những nội dung trong khóa tu để khi cần thiết thì có sự phối hợp hỗ trợ trong công tác tham mưu cố vấn.

3.3. Cần đảm bảo về mặt an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, bếp ăn, khu vực nghỉ ngơi, khu vực vệ sinh cho các tu sinh, đảm bảo không để xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến mất kiểm soát.

3.4. Việc tổ chức khóa tu học cho các tu sinh, trong đó có những em còn nhỏ, vì vậy đơn vị tổ chức cần có sự điều phối chương trình, nội dung giảng dạy cho phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của các tu sinh. Đảm bảo được tinh thần nhà Phật nhưng không quá mông lung, không dẫn dắt trẻ vào những câu chuyện mê tín hoang đường, những câu chuyện tâm linh không phù hợp lứa tuổi, tránh gây hoang mang hoặc gieo vào lòng tu sinh những cảm giác bất an, lo sợ.

3.5. Quá trình tu học của các tu sinh cần được công khai trên các phương tiện truyền thông, thông tin và và có sự giám sát của cơ quan chức năng. Khu vực tu học và sinh hoạt của tu sinh phải thông thoáng để tránh xảy ra những vấn đề liên quan đến các em trong suốt quá trình tu học.

3.6. Người tham gia điều phối và quản lý trong khóa tu cần đảm bảo về các chứng chỉ, bằng cấp cần thiết như: Kỹ năng mềm, kỹ năng giảng dạy, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, tâm lý học; Đã được đào tạo hoặc là những cán bộ có thâm niên công tác trong các hoạt động liên quan. Có tư cách, đạo đức, phát ngôn chuẩn mực.

3.7. Trong quá trình thuyết giảng, giảng sinh không mang hình ảnh tu sinh trong khóa tu lên làm minh chứng, dẫn chứng cho những câu chuyện có tính chất nhạy cảm, làm tổn thương đến tâm lý thanh thiếu nhi.

3.8. Cần nghiên cứu và đưa nội dung giáo dục tâm thiện cho tu sinh bằng những hoạt động đặc trưng của Phật giáo nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với bối cảnh, lứa tuổi, tâm lý thanh thiếu nhi gắn với nhu cầu thực tế trong xã hội. Tránh trùng lắp nội dung đã tổ chức ở các đoàn thể, trường học.

3.9. Những nội dung thuyết giảng, nội dung tu tập phát sinh ngoài chương trình, cần phải xin ý kiến của cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền, không tự ý thuyết giảng hoặc sinh hoạt những nội dung không nằm trong chương trình đã kiểm duyệt. Trong quá trình tu học, nếu tu sinh không hài lòng, không thích nghi và có nguyện vọng được ngừng tu học thì Ban tổ chức cần liên hệ với gia đình để có giải pháp phù hợp, không ép buộc trẻ tham gia hết khóa tu khi trẻ cảm thấy bất an hoặc không mong muốn.

Sau khi kết thúc khóa tu, cần cho tu sinh thực hiện bảng đánh giá tự bạch để các em chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng bản thân trong quá trình tu học, đó cũng là một trong những cơ sở giúp đơn vị tổ chức nắm bắt được tâm lý của tu sinh, từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn cho những khóa tu lần sau.

tapchinghiencuuphathoc khoa tu mua he 3

Lời kết:

Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc gieo mầm thiện cho chúng sinh theo triết lý nhà Phật là không có sự giới hạn, không phân biệt là ai, bởi mỗi mầm thiện được gieo sẽ sinh ra những quả ngọt của từ bi, trí tuệ, để con người biết yêu thương nhau từ trong mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi.

Việc giáo dục lòng từ bi, hiếu thuận cho trẻ em, thanh thiếu nhi trong thời đại ngày nay khi sự phát triển khoa học công nghệ đã lấn dần sang những giá trị đạo đức nhân sinh khiến cho một bộ phận giới trẻ thờ ơ, vô cảm trong cuộc sống thì việc mang đạo pháp nhà Phật đến cho các tu sinh là điều cần thiết.

Tuy nhiên trước những quy định ràng buộc về mặt pháp luật, những vấn đề phức tạp phát sinh, yếu tố tâm lý, sức khỏe mỗi cá nhân, áp lực dư luận xã hội…đòi hỏi chúng ta cần phải cân nhắc, thận trọng trong quá trình tổ chức một nội dung nào đó nếu nội dung đó được duy trì lâu dài, trở thành hoạt động thường niên và thu hút nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là thanh thiếu nhi thì chúng ta càng phải có sự lưu tâm, nghiên cứu và có những bước đi chu toàn, cẩn thận.

Dù là học ở đâu, học điều gì thì trẻ em, thanh thiếu niên cũng cần có sự tự tin, năng động và hiểu biết, trí tuệ và nhân văn để không bị dẫn dắt lôi kéo vào những biến tướng của vấn đề về tôn giáo, bởi ngày nay, tôn giáo vẫn là một chủ đề nhạy cảm, nếu một người không có chính kiến, không có trí tuệ sẽ dễ bị dẫn dắt vào những tà kiến, mê lầm, trở thành tín đồ cuồng tín cực đoan, sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng phức tạp cho an ninh chính trị, là gánh nặng cho xã hội.

Nếu nhà trường là nơi giúp con người phát triển toàn diện về năng lực, thể chất, trí tuệ thì phật pháp là một hạt giống, là cánh cửa thứ hai để củng cố, rèn giũa đạo đức, nhân cách, hành vi và nhận thức con người được nhân văn, hoàn mỹ hơn.

Những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và liên quan đến trẻ em là những vấn đề không thể lơ là, buông lỏng vì trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, mọi định hướng phát triển một đứa trẻ cần sự góp sức và định hình từ phía gia đình, xã hội, từ ngành giáo dục và nhiều ban ngành, tổ chức khác cho nên mọi vấn đề liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên đều phải được sự quan tâm, quản lý và tham gia từ phía gia đình, xã hội.

Việc ứng dụng, vận dụng một mô hình, hệ tư tưởng nào đó cho trẻ em phải có sự xem xét, cân nhắc, phối hợp và thống nhất từ nhiều cơ quan, ban ngành, cần có sự chung tay góp sức và giám sát chặt chẽ để tránh những nguy cơ tổn hại cho trẻ em và cũng tránh những rủi ro không mong muốn cho nơi tổ chức, điển hình là cơ sở chùa chiền tự viện.

Vì vậy, để khóa tu mùa hè được duy trì và phát triển đồng nhất, lâu dài thì cơ sở chùa chiền cần chứng minh được hiệu quả từ những khóa tu mang lại, khắc phục được những trở ngại từ những khó khăn thách thức bên trong lẫn bên ngoài. Bên cạnh đó là sự quan tâm giám sát, tham gia phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, cơ quan chủ quản để khóa tu mùa hè được an vui và ý nghĩa.

Tác giả: An Tường Anh

Ghi chú: Nội dung, cách hành văn, lập luận trong bài viết là góc nhìn riêng của tác giả. Ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa.

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường