Vào ngày 3/6/2024 vừa qua, tại chùa Quán Sứ, Ban Thông tin Truyền thông T.Ư - Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận được phản ánh về trường hợp chị K.T.N (Bình Dương) có kết nối với tài khoản Telegram Trần Tiến Thành, sđt 037.6955.xxx với chức danh "ảo" thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để đăng ký khoá tu mùa hè "ảo" cho con gái.
Tác giả: Diệu Linh
Kết thúc năm học, mỗi kì nghỉ hè kéo dài 1-3 tháng là lúc các gia đình tổ chức du lịch, vui chơi cho các con, các cháu được thư giãn nghỉ ngơi sau 1 năm học bận rộn. Bên cạnh đó, cũng là lúc các bậc phụ huynh tìm hiểu đăng ký các khóa học hè cho các em, trong đó có khoá tu mùa hè ngắn ngày tại các chùa, tịnh, xá.
Nếu như các bậc phụ huynh trang bị đầy đủ kiến thức cũng như lựa chọn và tìm đến các Chùa, Tự viện cụ thể để đăng ký cho các con tham gia Khóa tu mùa hè thì đây là một việc làm rất tốt. Qua đó, các con em học sinh sẽ được rèn luyện và giảng dạy các kỹ năng ứng xử đạo đức, lòng hiếu kính để biết thương yêu cha mẹ mình hơn, cũng như những người xung quanh, biết trân trọng cuộc sống.
Đáng tiếc rằng, khi mà những phật tử chân chính, những cơ sở Phật giáo đang cố gắng nỗ lực từng ngày để mang những giá trị tốt đẹp của giáo lý Phật giáo, đưa phật pháp chạm tới gần con người và đời sống hơn, thì mặt khác lại không ít những đối tượng xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ của phụ huynh để lừa đảo và trục lợi bằng cách chiếm đoạt tài sản (tiền bạc) thông qua việc tổ chức khóa tu mùa hè "ảo".
Vào ngày 3/6/2024 vừa qua, tại chùa Quán Sứ, Ban TTTT T.Ư - GHPGVN đã nhận được phản ánh trường hợp chị KTN (Bình Dương) có kết nối với tài khoản Telegram Trần Tiến Thành với sđt 037.6955.xxx với chức danh thuộc Ban Trị sự Giáo hội PGVN để đăng ký khoá tu mùa hè "ảo" cho con gái.
Đối tượng đưa chị KTN vào nhóm trên mạng xã hội Telegram, sau khi trao đổi tạo niềm tin về khóa tu, đối tượng yêu cầu chị KTN mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy - nhà tài trợ chính cho khóa tu thuộc Ban Trị sự Giáo hội. Khi mua vật phẩm, sau 3- 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền cộng thêm 10% hoa hồng cho phụ huynh.
Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: Sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, điểm tín nhiệm. Tổng số tiền chị KTN đã chuyển khoản cho đối tượng là gần 200 triệu đồng qua tài khoản được coi là tài khoản chuyên dụng của Công ty Truyền thông CP Phật giáo.
Thật đáng tiếc, sự nhẹ dạ này đã dẫn đến việc mất tài sản nhưng kèm theo đó cũng là con sâu làm giàu nồi canh gây lên tai tiếng không đáng có và đầy oan uổng cho một số tự viện, cơ sở Phật giáo và hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, với các thông tin trên mạng online, mọi người cần tìm hiểu kỹ, trang bị cho mình kiến thức và nguồn tin tức được thẩm định kỹ trước khi thực hiện các thao tác đăng ký, khai báo thông tin cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.
Trước chiêu trò lừa đảo thông qua khoá tu mùa hè trên mạng tràn lan, Ban Thông tin Truyền thông T.Ư - Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, cẩn thận tìm hiểu rõ ràng, tới trực tiếp cơ sở tự viện có địa chỉ người thật - việc thật, đúng chức danh để trao đổi đăng ký.
Người dân cần theo dõi cập nhật tin tức thông tin tội phạm để phòng chống lừa đảo diễn ra. Cũng như theo dõi các trang thông tin Phật giáo chính thống để cập nhật những tin tức phật sự của GHPGVN, tin về các khóa tu tại các cơ sở Phật giáo. Khi phát hiện những trường hợp lừa đảo này, các bậc phụ huynh cũng cần báo ngay cho cơ quan công an tại nơi mình sinh sống để tiếp nhận giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Diệu Linh
Bình luận (0)