Câu hỏi: Tu 13 hạnh đầu đà là tu khổ hạnh hay trung đạo? Nếu đó là tu khổ hạnh thì nó có phải là cách tu mà đức Phật xiển dương hay không? Kết quả cao nhất của việc tu khổ hạnh theo 13 hạnh đầu đà thì sẽ thu được thành tựu gì?
Trả lời: Trước thời đức Phật Đản sinh cho đến thời đức Phật tại thế, các tôn giáo, các bà la môn, sa môn,... đều có cách hành pháp và đời sống khác biệt với nhau trong thực hành các pháp hành tâm linh. Thống kê có đến 62 hệ tư tưởng các tông phái xen lẫn vào nhau cùng với các thế lực ngầm của các tông phái ấy chống phá và tiêu diệt lẫn nhau một cách khốc liệt tạo nên một xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ thật là ngổn ngang và bất an. Vua quan câu kết hoặc bị các tôn giáo chi phối quá nặng nề gây ra các cuộc giao tranh thảm khốc.
Qua đó cho chúng ta thấy được một bức tranh ảm đạm, sự đau đớn tột cùng của nhân loại mà nguyên nhân chính bắt nguồn là sự mâu thuẫn giữa các hệ tư tưởng tôn giáo, bởi vì tính chất nguy hiểm của tôn giáo là sự đại ngã trong tư tưởng tôn giáo của họ.
Trong bối cảnh lịch sử tối tăm ấy, chúng sinh lầm than khổ đau đến tận xương tủy nhưng chưa có một hệ tư tưởng nào đứng ra để giải quyết các vấn đề cấp bách này. Nhưng có một vấn đề hay có một số hệ tư tưởng không chấp nhận các tôn giáo hay các hệ tư tưởng sa môn hay bà la môn mang tính độc đoán và phán quyết, luôn sống trên nền tảng thụ hưởng và sự ma mị huyền bí.
Họ rời xa và từ bỏ giáo phái, tông phái, tăng đoàn của mình để đi tìm sự bình an trong nội tâm, từ đó họ cảm thấy rằng khi tâm họ còn mắc kẹt hay vướng vào các hệ tư tưởng của một giáo phái, tông phái, hay giáo đoàn, tăng đoàn thì họ bị mất đi sự tự do trong tự tính của mỗi con người, họ muốn có được sự thanh thản an lạc và vô cùng với những gì mà họ có thể làm được bằng chính mình chứ không bị phụ thuộc vào bất cứ một tổ chức hay tông phái nào.
Lúc bấy giờ trong một xã hội, một quốc độ lộn xộn ấy xuất hiện các luồng tư tưởng bài trừ, tảy chay sự trói buộc kiết sử mà hằng bao thế hệ đã xiết chặt họ trong cái thai kén của sự bảo thủ và đại ngã. Họ bắt đầu hình thành nên các luồng tư duy hướng đến của sự buông xả, chấp nhận lối sống bình dị và tự do, họ tự chọn cho mình tư tưởng mà họ cho rằng với hành pháp ấy sẽ đưa họ đến sự an lạc cho tự thân, có khả năng hướng thượng, đạt được các giá trị chân giải thoát có quả niết bàn.
Trong bối cảnh ấy, phân chia làm hai luồng tư tưởng chống đối với nhau đó là lợi dưỡng và khổ hạnh, như vậy 62 luận thuyết ra đời cũng dựa theo các luận cứ trong tu tập của các nhóm, hệ phái phân hóa trong nhận thức xã hội.
Khi Thế Tôn thành tựu viên mãn về trí tuệ thì Thế Tôn nhìn thấy hai luồng tư tưởng này, hay nói cách khác là trong 62 luận thuyết nó mang tính chấp thủ và cực đoan, một luồng tư tưởng cho rằng các vị thần linh có đầy đủ oai hùng, oai lực mới có đủ thần lực cứu rỗi chúng sinh về với Phạm Thiên Giới.
Còn một luồng tư tưởng luôn nghĩ rằng chỉ có đời sống khổ hạnh ép xác đến tận cùng sinh mệnh thì trở nên sáng chói như một ánh hào quang đã xua tan đi tất cả các góc khuất của bóng tối của các hệ tư tưởng, luận thuyết đã bao đời nay đã nhấn chìm làm cho cả một dân tộc, một quốc độ sống trong một thế giới cùng cực của sự khổ đau bất hạnh, địa ngục.
Từ đó Thế Tôn dựng lại những gì mà họ đã vứt bỏ, những gì họ đã nhấn chìm, những gì họ đã che đậy, Thế Tôn nói lên các giá trị của sự thật đang hiện hữu, đang chi phối, đang tác động và đang vận hành xung quanh các thế giới mà chúng sinh lấy nó làm sự sống sinh diệt.
Các sự thật mà Thế Tôn muốn nói đến và tuyên thuyết đó là Nhân Quả, đây là trí tuệ hiểu về sự tương tác giữa nhân sinh quan và thế giới quan, sự thật này nếu như chúng sinh không hiểu, không thấu đạt, không thông suốt sẽ đưa chúng sinh đến với những vấn đề khổ đau trong tâm trí. Khi chúng sinh hiểu được giá trị sự thật này thì ngay đó là sự buông xả và có trạng thái chấp nhận hơn là trước đây nó có thái độ chống đối và không chấp nhận.
Sự thật thứ hai mà Thế Tôn muốn nói đến đó là sự Vô Thường của vạn pháp, cái gì có sinh ra thì nó có sự hủy diệt. Các pháp đều phải sinh, trụ, hoại, diệt là vô thường biến diệt, không có một pháp nào là bất biến là thường còn, là vĩnh cửu, sự thật này mà chúng sinh không thấu đạt, không thông suốt thì sẽ rơi vào trạng thái bất an, khổ đau.
Sự thật thứ ba mà đức Thế Tôn muốn nói nữa đó là Vô Ngã của vạn pháp, vì các pháp vốn không có tự tính, không có bản ngã, không có bản thể, không có tiểu ngã, không có đại ngã mà các pháp có mặt bởi các duyên tập khởi mà có mặt, và không có mặt cũng do các duyên tập khởi để pháp ấy không có mặt, chúng sinh nào không thẩm thấu và hiểu biết lý duyên sinh khởi, duyên diệt này thì ngay đó sẽ rơi vào bất an, phiền não, khổ đau ngay lập tức.
Và một sự thật nữa mà Thế Tôn muốn nói đến là sự Bất Tịnh của vạn pháp, nó có tính tan rã hủy diệt mà bản chất cuối cùng của một pháp sẽ trở thành bất tịnh, nếu chúng sinh nào không thấu hiểu và thông suốt pháp ấy thì trở nên tham đắm, đắm nhiễm rồi đưa chúng sinh ấy đến các vấn đề khổ đau, nạn ách trong thế giới này.
Như vậy qua các giá trị sự thật mà đức Thế Tôn đã thấy đã biết đã thẩm thấu một cách triệt để như thế làm cho các nhà bà la môn và các tín đồ của bà la môn đi từ phấn khởi hoan hỉ này đi đến phấn khởi hoan hỉ khác không một chút nghi ngờ và khó khăn gì trong vấn đề tư duy. Con đường Trung Đạo mà đức Thế Tôn đã tuyên thuyết nó cũng không quá xa rời với hai luồng tư tưởng cực đoan của các tôn giáo, của các nhà bà la môn giáo.
Chủ trương của đức Thế Tôn khuyến cáo các đệ tử của mình:
"Này các tỷ kheo, ta không hướng về lối sống quá lợi dưỡng vì nó sẽ làm tăng trưởng các lậu hoặc và có khả năng đưa đến sự ô nhiễm nơi nội tâm, còn nữa! Này các tỷ kheo ta không hướng về các lối sống khổ hạnh, các đời sống đưa đến tận cùng sinh mệnh, vì nó sẽ làm trí tuệ của ta bị hao mòn tổn thất nghiêm trọng, nó không đưa đến sự an lạc nơi tự thân. Này các tỳ kheo, đây là bát, đây là y áo, đây là pháp mà Như Lai đã tuyên thuyết, các ông hãy đi trên con đường Trung Đạo".
Con đường trung đạo là con được "Bát Chính Đạo", con đường này, lộ trình này, hành trình này,phương pháp này đều là hệ thống trí tuệ siêu phàm của Như Lai định hướng cho chúng sinh có hữu duyên có khả năng hướng thượng tự trí mà giác ngộ, có thể gõ vào cửa bất tử.
Tư tưởng trung đạo mà đức Thế Tôn triển khai trong bối cảnh không mấy được thuận lợi, với trí tuệ siêu phàm Thế Tôn biết thiện xảo trong đạo, biết thiện xảo trong pháp ngõ hầu giúp cho các hệ tư tưởng cực đoan tiếp cận được lộ trình tư tưởng trung đạo mà không thấy ngỡ ngàng, không thấy khó hành, để làm được điều đó con đường trung đạo này được đức Thế Tôn không làm cho nó đi quá xa vời hai luồng tư tưởng cực đoan. Ngài vẫn hoan hỉ chấp thuận một số điều kiện trong luận và luật của các hệ tư tưởng cực đoan.
Nói về đời sống sung túc lợi dưỡng của các nhà thần giáo bà la môn, đức Thế Tôn chấp thuận một số điều kiện cần thiết để làm cho con đường Trung Đạo của Ngài không bị tổn thất, Thế Tôn chấp nhận sự cúng dường về y áo, sàn toạ, thuốc men, dụng cụ tứ sự và cuối cùng là nhận thức ăn hay nhận lời mời đến thọ trai tại tư gia của các thân chủ bà la môn, thương gia giàu có hay trong các vương Triều do các nhà vua thỉnh mời.
Qua kinh sách cho chúng ta thấy rõ bức tranh rất đỗi thiết thực khi đức Thế Tôn và các đệ tử được thỉnh mời các loại đồ ăn thức uống rất là thịnh soạn, có nhiều thức ăn loại cứng, loại mềm, chiên đàn, phấn sáp, có đủ loại thức uống của các loại hoa quả,...
Như vậy trong tư tưởng trung đạo của đức Thế Tôn không quá khắt khe về thọ dụng, chỉ giới hạn được cúng dường khi cần thiết hoặc chỉ giới hạn khi được thỉnh mời thọ trai. Còn tư tưởng cực đoan hướng về sự khổ hạnh ép xác đối với tư tưởng Trung Đạo của đức Thế Tôn thì sao?
Trong đời sống ly dục, ly bất thiện pháp thì đời sống khổ hạnh hay ép xác, tất cả đều là cứu cánh cho sự phạm hạnh, lúc bấy giờ trong các hệ tư tưởng hành pháp của các học thuyết hay các giáo điều của bà la môn giáo đều lấy sự khổ hạnh để chế ngự sự tham ái và khát ái nơi tự thân, họ cho rằng mọi sự khổ đau bắt nguồn từ sự ham muốn của sắc thân, từ đó họ thiết lập các giới luật hay cách hành pháp một cách lập dị (dị giáo) làm cho các hành giả hành pháp cũng trở nên lập dị.
Lúc bấy giờ có rất nhiều đạo hạnh được thiết lập và có nhiều tín đồ hưởng ứng, mỗi hành giả tự lập cho mình những hạnh mà nó phù hợp với đặc tính và đặc tướng của mình, các hạnh như:
Tu theo hạnh con bò, tu theo hạnh con chó, tu theo hạnh con heo, tu theo hạnh đứng một chân, tu theo hạnh lõa thể, tu theo hạnh bện tóc, tu theo hạnh ở trong rừng, tu theo hạnh ăn trái cây và rễ cây rừng, tu theo hạnh ăn đồ ăn thừa trong bãi rác, tu theo hạnh ngủ trên cây, tu theo hạnh ngủ ngồi, tu theo hạnh ngủ không nhắm mắt, tu theo hạnh ngủ ở bãi tha ma, nghĩa địa, tu theo hạnh ngủ ở nơi nhà trống hay ụ rơm, tu theo hạnh ngủ ở gốc cây, tu theo hạnh không nói chuyện, tu theo hạnh ở ngoài bãi biển, tu theo hạnh lượm vải ngoài nghĩa địa để may y, tu theo hạnh ăn ngày một bữa, tu theo hạnh không cất giữ vật chất, tu theo hạnh chỉ mặc ba y, tu theo hạnh đi xin ăn, tu theo hạnh ăn bằng bát, tu theo hạnh không để dành thức ăn thừa, tu theo hạnh chỉ ăn một hạt mè, tu theo hạnh để móng tay dài,....
Các hạnh tu này đều nhắm đến tiêu diệt mầm mống của sự tham ái và khát ái nơi tự thân, các phạm hạnh này đức Thế Tôn đều tán thán và đức Thế Tôn biết rằng với sự phạm hạnh này nó có thể làm kinh động đến đại địa làm rung chuyển đến phạm thiên.
Trong kinh Pháp cú đức Thế Tôn có tán thán đức hạnh này qua câu cú "Hương của các loài hoa thì bây theo chiều gió. Hương của người Đức hạnh thì ngược gió thổi tung bay".
Đức Thế Tôn vẫn thấy được các giá trị cực đoan về sự khổ hạnh ép xác này, bởi vì đức Thế Tôn biết rằng muốn chế ngự tham ái và khát ái trên tâm thức thì có "bát chính đạo" chế ngự, còn muốn chế ngự tham ái và khát ái nơi thân thì không có pháp nào tối thượng hơn cả là pháp khổ hạnh.
Cho nên trong thời quá khứ hay hiện tại, khi nói đến, bàn luận đến các giá trị của đạo Phật thì không thể không nói đến sự tu tập khổ hạnh, và khẳng định một cách rõ ràng trên nền tảng trí tuệ tư duy đúng đắn thì giáo pháp của đức Thế Tôn không nằm ngoài sự rèn luyện của sự khổ hạnh.
Ở đây chúng ta thấy rằng đức Thế Tôn không chấp nhận tu theo hạnh ép xác và cũng như một số hạnh của lối tu khổ hạnh. Vì như trên đã nói, lối tu ép xác cho đến tận cùng sinh mệnh thì sẽ làm tổn hại về trí lực của Thế Tôn, bên cạnh đó Thế Tôn cũng không chấp nhận một số hạnh về lối tu của khổ hạnh, vì có một số hạnh nếu tu tập và hành pháp sẽ không có kết quả viên mãn mà ngược lại nó sẽ làm bại hoại thân và tâm của hành giả.
Với lối tu khổ hạnh như tu theo hạnh con bò, con chó, con heo, đứng một chân, với trí tuệ siêu phàm của đức Thế Tôn thì các hạnh này sẽ tạo thành "tác ý nhất thiết tướng" với pháp hành khổ hạnh này thì khi thân hoại mạng chung thì hành giả ấy sẽ thể nhập vào môi trường thế giới của loài thú.
Ngoài ra còn một số hạnh khi hành pháp cũng không đưa đến kết quả giải thoát biết bàn, vì nó gây ra sự đau đớn về thể xác và nó sẽ làm ảnh hưởng và làm tổn hại đến đến tâm thức, như vậy hành giả đã làm mất đi sự khinh an và hỷ lạc do ly dục sinh có tầm có tứ (tầm tứ là tâm thức).
Đức Thế Tôn chỉ tán thán và khuyến khích các môn đệ nên sử dụng một số hạnh của pháp khổ hạnh làm mục tiêu, làm ý chí, làm đời sống, các vị ấy tự mình lập hạnh đầu đà cho công cuộc hành pháp của mình, trong đó có các hạnh như:
Lượm vải trong nghĩa địa may thành y _ mặc đúng ba y _ đi xin ăn _ ăn ngày một bữa _ sống một mình _ sống ở nghĩa địa _ sống dưới gốc cây _ sống ngoài trời _ sống không ở một chỗ _ không cất giữ vật chất _ chỉ ăn bằng bình bát _ và trước lúc ngủ phải tác ý thức dậy (ít ngủ).
Ở đây đức Thế Tôn không chấp nhận ngủ ngồi, bởi vì với pháp khổ hạnh này cũng sẽ làm tổn hại đến thân và tâm thức, không có chân giá trị hướng thượng dẫn đến sự vô lậu giải thoát.
Trong kinh sách chúng ta cũng thường bắt gặp các tình huống hoặc các hình ảnh mà đức Thế Tôn và các đệ tử thường nằm kiết tường hai chân duỗi thẳng mình nghiêng về phía bên phải, tay trái duỗi thẳng theo đặt trên hông duỗi thẳng, tay mặt gối ở dưới đầu (dáng nằm của con sư tử chúa). Như vậy chứng tỏ rằng pháp khổ hạnh ngủ ngồi là một trạng thái cực đoan, thuộc về lập dị (dị giáo) cũng giống như các hạnh ngủ một chân, ngủ trên cây, ngủ không nhắm mắt,...
Lúc còn tại thế trong giáo đoàn của đức Thế Tôn dù cho các đệ tử có hành pháp nào đi chăng nữa thì cũng phải lấy đời sống phạm hạnh (khổ hạnh đã được sàng lọc) làm cứu cánh, làm chỗ quy tụ, làm y chỉ, tùy theo khả năng đặc tính và đặc tướng của mỗi hành giả mà lập hạnh đầu đà, có vị hành 5 hạnh đầu đà, có vị 10 hạnh đầu đà, có vị 8 hạnh đầu đà, có vị 13 hạnh đầu đà, có vị 15 hạnh đầu đà,...
Nói đến giá trị của hạnh đầu đà thì không có từ ngữ nào của thế gian mà tán thán cho tường tận, hạnh đầu đà đi đến đâu thì nơi ấy trở thành thiện xứ (phước báu nơi ấy sung mãn) người dân nơi ấy sẽ được sung túc vì thắng lợi về mùa màng, mưa thuận gió hòa, âm dương hòa hợp.
Nhưng với đức hạnh siêu phàm này đi đến đâu thì danh lợi sẽ được khởi lên, nên đức Thế Tôn đã cảnh báo cho các đệ tử của mình rằng "này các tỷ kheo, nếu các ông đi đến đâu mà nơi ấy khởi lên danh và lợi thì thời các ông phải ấn bóng", vì khi có danh có lợi khởi lên thì sẽ có ác pháp khởi lên khi ác pháp khởi lên thì lậu hoặc sẽ có cơ hội rỉ chảy.
Nên với sự phòng hộ triệt để không cho các lậu hoặc có cơ hội phát triển như vậy đức Thế Tôn bắt buộc các đệ tử phải ẩn bóng ngay lập tức. Đến đây cho chúng ta thấy rằng pháp khổ hạnh chỉ hỗ trợ cho con đường Trung Đạo chứ không phải pháp khổ hạnh là pháp trung đạo, khổ hạnh hay gọi là hạnh đầu đà không phải là pháp môn và cũng không phải là giới luật mà lấy các hạnh ấy làm đời sống hành pháp cho hành giả.
Đời sống khổ hạnh (hạnh đầu đà) chỉ trợ duyên cho phạm hạnh, còn vấn đề để giải quyết sinh tử, giải quyết khổ đau, giải thoát niết bàn thì không ngoài bát chính đạo (ngoài bát chính đạo không có quả sa môn), đạo của đức Thế Tôn là phải trí tuệ giác ngộ và trí tuệ hành pháp, phải biết tùy trí, thắng trí, tùy pháp và thắng pháp tất cả pháp.
Đời sống đầu đà không giải quyết được cái thấy của thực tại, không thể thấy được các giá trị của sự thật, không thể thấy được vạn pháp, muốn chứng đạt được chân lý tối thượng thì phải có chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính trí.
Tác giả: Sa môn Quang Hạnh *** Ghi chú: Những trao đổi, lập luận, quan điểm thể hiện chính kiến, cách hành văn và tư duy riêng của tác giả. Tạp chí NCPH đăng tải để rộng đường trao đổi, mang tính học thuật, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử Phật giáo.
Tạp chí mong nhận được các trao đổi, luận giải, đối chiếu với kinh sách để phục vụ công tác nghiên cứu học thuật Phật giáo.
Tiêu đề (*): Do BBT Tạp chí NCPH đặt
Bình luận (0)