Trang chủ Bạn đọc Đồ cổ của ngoại

Đồ cổ của ngoại

Nó - món đồ cũ kĩ, từ cái hồi năm năm nào xa miết mà chẳng nhớ. Nó là cái bình hoa thật sự rất đơn giản, giản đơn hơn từ ngữ diễn tả về nó.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Đang cầm cái giẻ lau chiếc bình bông trên tay, Mỹ ngừng tay một lúc, đưa mắt ngó từng đường nét của chiếc bình ma mị ấy, nó như có sức hút đặc biệt với Mỹ. Xoay qua xoay lại rồi lật phần đáy, ngửa phần miệng, hai con mắt của Mỹ như cái máy soi. Nắm lấy cổ bình để ra xa rồi ngía ngía như một tên buôn cổ vật…lại sờ tay vào những đường viền nét vẽ trên chiếc bình được làm bằng sành mà ở nhà hay gán cho nó là đồ cổ của ngoại.

Tác giả: Kim Thị Thu
Trường Tiểu học Kim Hòa B – Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
tapchinghiencuuphathoc do co 1
Nó – món đồ cũ kĩ, từ cái hồi năm năm nào xa miết mà chẳng nhớ. Nó là cái bình hoa thật sự rất đơn giản, giản đơn hơn từ ngữ diễn tả về nó. Cái miệng bình thì bè ra một tí, cổ thon nhỏ, thân hơi phình ra và tóp nhẹ về phần đáy, những nét cọ khi đậm khi nhạt đan xen các mảng màu xanh dương tạo thành một bức tranh trên đó. Nếu chịu khó dòm kĩ một chút nó như là một bức phong cảnh, có cây có núi và một mái nhà tranh vách lá, một đặc điểm dễ nhận thấy ở đa số các món đồ bằng sành thời đó.
Đó là tất cả những gì mà chiếc bình cổ mang lại cho người xem, trong nó toát lên một sự duyên dáng của thời đại nào đó mà chỉ khi ta làm các phép toán trừ các ẩn số mới tìm được nguồn gốc của nó. Đương nhiên là nó lớn tuổi hơn Mỹ nhiều, ngoại thường bảo vậy.
Trái tim ta có hai ngăn, một bên dành cho cuộc sống thực tại bên còn lại dành hết cho yêu thương, một trong các lối nghĩ suy non choẹt của con bé nhà quê lắm tính mộng mơ. Từ dạo tiếng ru đầu mùa cơn gió đêm thu yên ả, có chiếc lá vàng về cội về nguồn như Mỹ vẫn thường mang máng trong tim.
Kí ức dẫu là đã xa vời vợi như phía chân trời chỉ còn một đường thẳng mảnh tanh như sợi chỉ mành thì kí ức cũng chẳng rõ ràng gì hơn. Nhưng nó vẫn có, vẫn là một gam màu không thể thiếu trong tâm khảm của mỗi người như đường kẻ chân trời là một điểm tựa cho cảnh vật trong tranh của người họa sĩ.
Có những kỉ vật thô sơ lắm, không mấy gì đáng để tâm thế mà rớt lại cõi lòng biết mấy thương vương, bao phen thương nhớ dập dìu, réo rắt như dòng suối ngọt len lỏi qua kẽ tâm hồn một cách êm ái. Đó là khi nỗi niềm sâu lắng thật nhiều…Chiếc bình bông đó, được dùng để cắm hoa cúng Phật mỗi ngày Rằm, ngày cuối tháng hay các ngày lễ, tết cổ truyền: Đolta, Chol Chnam Thmay,… hoặc những dịp thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu của gia đình.
Mỗi lần như thế, chính tay ông ngoại là người tự tay kì cọ từ trong ra ngoài, rửa sạch chiếc bình trước khi cắm hoa. Cũng chính ngoại là người dùng dao cắt tỉa từng gốc, nhánh, lá mấy cây hoa. Tẩn mẩn, tỉ mỉ đưa từng nhánh ướm chừng cái thân bình, ngoại nghiêng trái, nghiêng phải rồi nhìn trước nhìn sau ước chừng vừa mắt, bấm tay làm giấu và cắt tỉa.
Những nhánh nào lá nhiều ngoại sẽ tỉa bớt cho thoáng, cũng để nhường chỗ cho mấy cái bông vàng vàng, cam cam được hiện diện một cách trọn vẹn sắc màu. Mỹ rất thích nhìn ngoại làm, mỗi lần như thế nó cứ lẩn quẩn bên ngoại mắt không rời một phút những động tác điềm nhiên và quá đỗi thư thái, lạ kỳ của ngoại. Được gần ngoại từ bé nên phần nào tính cách của nó cũng giống ngoại in ít, nó luôn tự hào về điều này với tất cả anh chị em trong dòng họ ngoại.
tapchinghiencuuphathoc do co
Đất mẹ Trà Vinh bảo bọc vào lòng những người con của ba dân tộc anh em: Kinh – Khmer – Hoa, là một điểm rất riêng và dễ nhận biết mỗi khi nhắc nhớ về mảnh đất miền Tây thắm đượm ân tình. Nơi được ca ngợi với tình làng nghĩa xóm, tình đất, tình người đỏ thắm trong tim.
Mỹ là cô bé người Khmer rặt ri. Lúc còn nhỏ nhỏ, đâu chừng chín mười tuổi gì đó Mỹ cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, theo phong tục của dân tộc cứ mỗi dịp lễ Dâng y Kathina (thường được gọi là lễ dâng bông diễn ra từ nửa cuối tháng chín đến nửa đầu tháng mười theo lịch Khmer) sẽ được gia đình sắm sửa một cái bình bông thật đẹp, trong đó có kèm số tiền cúng dường tùy duyên mỗi người.
Mỗi đứa trẻ như Mỹ từ nhỏ đã được gia đình hướng đến tín ngưỡng tôn giáo, đây là một đặc trưng cố hữu của dân tộc Khmer từ xa xưa truyền lại cho con cháu. Mỹ quá rành những mùa lễ hội của dân tộc, dù rằng cái tuổi non èo nhưng nếu kêu nó kể tên các lễ hội trong năm thì nó làm vanh vách một hơi không cần chấm phẩy gì ráo. Trong cái giọng nói nhựa nhựa đậm nét, mà nếu nghe kĩ sẽ cho ta cái cảm giác chân chất, giản dị và sự chất phác của người dân Khmer Nam Bộ vẫn thường được nghe nói đến. Đôi mắt con bé to tròn, đen láy lúc nào cũng nhe hai cây cuốc trắng phóc với người đối diện.
Những năm tháng đó, mỗi lần tới mùa dâng bông là ông ngoại đã rục rịch chuẩn bị cho Mỹ các thứ. Ngoại kêu mẹ mua bó hoa về, chính tay ngoại cắm vào chiếc bình hoa “huyền thoại” ấy, bởi vì hầu như nó luôn có mặt và gắn kết với hình ảnh của một người ông kính yêu.
Với Mỹ đó là bức ảnh đẹp nhất trong cuộc đời mình, dẫu rằng cho đến lúc ngoại ra đi Mỹ chưa hề có tấm ảnh nào chụp cùng ngoại. Đó cũng là một trong những điều trăn trở với Mỹ từ khi xa ngoại đến nay. Ngoại lặng lẽ, cắm cho cháu một cái bình hoa thật đẹp, không dừng lại ở đó, tự tay ngoại chặt một thanh tre mỏng chẻ đôi một đoạn vừa dành để kẹp tiền trên ấy.
Không như những người khác họ sẽ dùng kim chỉ luồn vào một góc tiền rồi cột vào các nhánh hoa cho nó thả mình phất phơ theo chiều gió. Với ngoại, ngoại cẩn thận dùng giấy tập gói mấy tờ tiền lại, viết thêm cái tên của cháu mình lên rồi mới kẹp vào thanh tre được cắm giữa bình hoa. Trên thân bình đương nhiên là viết tên Mỹ chứ còn đâu. Và với hai dòng chữ Việt – Khmer ngoại nắn nót tên đứa cháu thân yêu, bấy nhiêu thôi chỉ nhớ đến cũng đủ chạnh lòng.
Đến bây giờ, nhiều lúc ngẫm nghĩ, Mỹ luôn tự hỏi, đáng lý ra những phần việc ấy phải để cho mẹ hay bà làm mới đúng, mà sao lúc nào ông ngoại cũng là người lặng lẽ làm tất cả. Mà cũng chẳng sao, yêu thương không nhất thiết phải tìm hiểu. Và chính vì sự ấm áp ấy mà cho đến bây giờ, dù đã xa ngoại năm bảy năm nhưng trong mắt Mỹ vẫn nhớ như in những hoài niệm yêu thương một thuở. Hình bóng của ngoại với mái tóc trắng như màu sữa, một ông giáo trường làng đã đi qua bao sương gió cuộc đời, hằng khắc sâu trong nỗi nhớ dại thơ.
Thời gian tiếp bước, cuộc sống nối tiếp theo vòng lăn bánh về tương lai, quá khứ hôm qua dường như còn thấp thoáng trong hoài thương hiện tại. Sao ấm áp lòng mình với những hoang lơi, nhặt nhạnh lòng theo ngọn sóng triều dâng. Lại một mùa Chol Chnam Thmay đã về trong sắc nắng vàng tháng Tư. Qua bữa nay thôi ngày mai sẽ là ngày đầu năm mới, mọi sự sắp bày sửa soạn nhà cửa trong ngoài nhằm để đón Thevada của năm, vị thần cai quản cuộc sống theo tín ngưỡng của người Khmer.
Tối đó, nhìn ba lên đèn, thắp hương trong lòng Mỹ rạo rực một niềm vui khó tả, thời khắc giao thoa năm mới và năm cũ như ngưng đọng cả trong hơi thở, ánh mắt mọi người và cả những người con của dân tộc. Nhìn lên bàn thờ Phật chiếc bình bông của ngoại được cắm đầy các nhánh hoa vạn thọ, nào vàng nào cam nào hoa to, nhỏ, búp xen kẽ. Mùi thơm nồng nàn ngập tràn sắc hương lễ hội cổ truyền, Mỹ cúi đầu đôi mắt nhắm nghiền, thầm thì nhủ lòng, ngoại ơi con nhớ ngoại lắm..!
Tác giả: Kim Thị Thu
Trường Tiểu học Kim Hòa B – Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường