Trang chủ Bài viết nổi bật Khái lược 3 tông phái Phật giáo: Nguyên thủy – Đại thừa – Kim cương thừa

Khái lược 3 tông phái Phật giáo: Nguyên thủy – Đại thừa – Kim cương thừa

Trải qua hơn 25 thế kỷ, ngày nay chúng ta có thể phân biệt được ba tông phái chính trong Phật giáo: Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism), Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) và Kim cương thừa (Vajrayāna Buddhism).

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Trải qua hơn 25 thế kỷ, ngày nay chúng ta có thể phân biệt được ba tông phái chính trong Phật giáo: Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism), Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) và Kim cương thừa (Vajrayāna Buddhism).

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddho.org

Vào thế kỷ thứ 5 trước kỷ nguyên Tây lịch, từ khi đức Phật nhập diệt tại Ấn Độ, đạo nhiệm màu và hạnh đức Như Lai, ánh sáng từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng Phật pháp đã lan rộng khắp thế giới. Không có gì phải đáng ngạc nhiên khi đạo Phật đã trải qua thăng trầm theo thời gian, bằng cách tiếp cận với đủ hạng người và các nền văn hóa khác nhau. Như đức Phật đã dạy sự thật về Vô thường, bất cứ sự thay đổi nào của vạn vật đều sinh diệt không ngừng trong từng khoảnh khắc.

Là một triết lý, tôn giáo, con đường tâm linh hay bất cứ tên gọi nào các đạo hữu muốn tìm hiểu, những lời dạy của đức Phật (Dhamma) có thể chỉ kim chỉ nam hướng dẫn cho mỗi người nhận thức rằng chúng ta đều có khả năng chứng thành Phật quả, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác là quả vị tu chứng cuối cùng và là mục tiêu cuối cùng trên lộ trình tu tập giải thoát, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, đẳng cấp, hay giới tính.

Đây là đại hùng đại lực của chân lý dẫn đến sự giác ngộ giải thoát.

Trải qua hơn 25 thế kỷ, ngày nay chúng ta có thể phân biệt được ba tông phái chính trong Phật giáo: Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism), Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) và Kim cương thừa (Vajrayāna Buddhism).

Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) bắt đầu hình thành vào khoảng năm 250 trước kỷ nguyên Tây lịch. Tông phái này được coi là hình thức Phật giáo Phật giáo Nguyên thủy và có Phật giáo đồ chủ yếu ở Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Sri Lanka.

Phong trào Vipassanā – thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Truyền thống thiền này được đức Phật Thích Ca Mâu Ni tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại – một Nghệ Thuật Sống.

Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) phát triển ở Ấn Độ vào khoảng từ thế kỷ 1 trước kỷ nguyên Tây lịch trở đi. Phật giáo Đại thừa chấp nhận các kinh điển và giáo lý chính của Phật giáo sơ kỳ, nhưng được bổ sung nhiều học thuyết và kinh điển mới, với những người theo tông phái Phật giáo này chủ yếu tại các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc. . . Các tông phái Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) như Thiền tông và Tịnh Độ tông, Duy thức tông. . .

Vajrayāna Buddhism, hay Phật giáo Kim Cương thừa, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau kỷ nguyên Tây lịch như một phần mở rộng của Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ tông phái này vào khoảng thế kỷ thứ 7 sau kỷ nguyên Tây lịch.

Trước đây vẫn duy trì, rất hay khi nhận ra rằng thậm chí sau bao thế kỷ ấy, vẫn có nhiều điểm tương đồng giữa các tông phái Phật giáo khác nhau này. Chúng ta có thể biết rằng nền tảng của các tông phái luôn được giữ nguyên.

Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo bao gồm sự huân tu Tam vô lậu học, môn học thù thắng gồm: Giới, Định và Tuệ trong đạo Phật. Giáo lý Duyên khởi là học thuyết cốt tủy của đạo Phật, thuyết minh về sự liên hệ hỗ trợ giữa các sự vật, hiện tượng hay các pháp và Nghiệp (Kamma), nghiệp chướng, nghiệp báo, quả báo hay báo ứng là một khái niệm về hoạt động, hành động hay công việc và tác động hay hệ quả của nó. Việc theo đuổi Niết bàn và lòng tôn kính sâu sắc đối với đức Phật luôn luôn có thể được nhìn nhận.

Cốt lõi này vẫn không thay đổi, ngay cả ở hiện tại.

Cho dù các đạo hữu xem Kinh Tạng Nam Truyền (Pali Tạng) hay toàn bộ kinh tạng Bắc Truyền (Bộ A Hàm) xuất sứ từ bản tiếng Phạn (Sanskrit) chuyển dịch qua chữ Hán, hầu hết các kinh điển (kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu của đức Phật) đều giống nhau. Đúng hơn là hình thức đã thích nghi với môi trường, được định hình theo khuynh hướng và hoàn cảnh của người tu học phật pháp.

Tại nơi các quốc gia mà đạo Phật du nhập, người ta nhận thấy sự phản kháng từ tôn giáo bản địa ban đầu, sau đó là sự Khế cơ: có nghĩa là phù hợp với thời cơ, hoàn cảnh, xứ sở, cảnh giới, không gian và thời gian. Khế lý: có nghĩa là phù hợp với chân lý, đạo lý, pháp lý (cơ chế bản địa hóa). Dần dần nhiều phân chi phái được hình thành trong các tông phái lớn và lại có chi phái trong các tông phái này.

Tổng quan sau đây cho thấy điều này chỉ là cách đồ họa. Lưu ý rằng chiều rộng không phản ánh quy mô của các tông phái. Hiện tại Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) ước tính có khoảng 185 triệu phật tử, Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) 125 triệu phật tử và Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayāna Buddhism) 20 triệu phật tử.

tapchinghiencuuphathoc phat giao dai thua nguyen thuy kim cuong thua

Trong văn bản này, chúng tôi sẽ đề cập ngắn gọn về lịch sử Phật giáo và phân chia thành các chi nhánh chính này.

Những chi nhánh Phật giáo này có thể khác nhau về triết lý và thực hành nhưng do sự kiêu mạn giữa những người thực hành theo bất kỳ xu hướng nào đối với người khác, theo nghĩa là:

“Những gì tôi thực hành tốt hơn/tiên tiến hơn những gì các đạo hữu thực hành”  không gì khác hơn là sự biểu hiện trong tâm trí của một người về sự tâm bất thiện giận dữ, sân hận, ác cảm (Dosa) đối với người khác và bối rối, thiếu kiên nhẫn, ghen tị, ham muốn, bám víu, ham muốn không chính đáng, ham muốn thái quá, ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, mong được khoái lạc, danh vọng (Lobha) vào quan điểm và niềm tin của chính mình.

Do vậy, mục đích của văn bản này không phải là chỉ ra điều gì là hoàn hảo nhất.

Hãy tiến bước cách tu tập mà các đạo hữu yêu thích, phù hợp với các đạo hữu, đây là điều quan trọng nhất.

Điều kiện tiên quyết về quả vị Thánh quả A La Hán.

Thánh quả A La Hán là bậc giác ngộ, người đã đoạn diệt tam độc tham lam, thù hận và si mê, đạt đến cảnh giới Niết bàn (Nibbāna) ngay hiện đời này từ kinh nghiệm cá nhân.

Đức Phật đã trải qua chứng Thánh quả A La Hán. Tuy nhiên, không giống như các vị A La Hán khác. Đức Phật đã tự mình khám phá ra con đường mà không cần chỉ dẫn. Nói cách khác, đức Phật là vị Thánh quả A La Hán đầu tiên.

Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt hơn là việc chỉ dẫn đầu tiên khám phá ra con đường. Bởi đức Phật không chỉ là vị đầu tiên mà còn là vị cao nhất trong số các vị chứng Thánh quả A La Hán. Sau khi tham thiền nhập định suốt 49 ngày đêm, Ngài đã chứng đạt Vô sư trí (một thứ hiểu biết mà người tu hành tự chứng ngộ cảnh giới cao nhất của Phật đạo… Vì thế, Vô sư trí còn có tên Tự nhiên trí, Phật trí, Nhất thiết chủng trí).

Sự khác biệt này không phải là vấn đề mức độ giải thoát, nó không khác nhau mà được hình thành bởi những phẩm chất và khả năng tinh thần khác. Ví dụ, Đức Phật có thể điều chỉnh thông điệp của Ngài cho người nghe một cách không giống ai khác.

Sự khác biệt cũng có thể được tạo ra giữa các vị chứng Thánh quả A La Hán. Sự khác biệt ở chỗ một đệ tử có được bao nhiêu trong số Lục thần thông (अभिज्ञा), những dạng kiến thức cao hơn (hoặc sức mạnh tinh thần) trên cơ sở Định lực.

Lậu tận thông (आस्रवक्षय) là quan trọng nhất, nhận thức rõ về tam độc từ tâm tham lam, hận thù và si mê, thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.

Ví dụ trong năm thần thông còn lại là khả năng biết được tâm trí của người khác.

Khi Đức Phật còn tại thế, ai là vị chứng Thánh quả A La Hán, và ai không phải là điều luôn rõ ràng. Đức Phật đã thừa nhận điều này bằng lời nói, như chúng ta có thể đọc trong Tam tạng Thánh điển Phật giáo.

Đức Phật tịch diệt từ giã trần gian

Năm chính xác Đức Phật tịch diệt từ giã trần gian là chưa khẳng định. Các nhà sử gia hiện đại cho rằng, đức Phật tịch diệt từ giã trần gian vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 trước kỷ nguyên Tây lịch.

Sau khi đức Phật tịch diệt từ giã trần gian, có những vị Tỳ kheo, thoát khỏi dục vọng, bình tĩnh tư duy về sự viên tịch của Đức Phật: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Làm sao chuyện này có thể xảy ra theo cách khác được?”.

Có những vị xuất gia tu sĩ vô cùng đau buồn kính tiếc, hối hận và khóc than. Tôn Giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) nói với các huynh đệ đồng tu rằng: “Đủ rồi, các huynh đệ đừng quá đau buồn! Chẳng phải đức Như Lai đã nhiều lần tuyên thuyết rằng mọi sự vật người ta yêu quý đều có thể thay đổi và mất mát đó sao?”

Bấy giờ, Du sĩ ngoại đạo Subhadda là đệ tử cuối cùng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã nói rằng: “Rất tốt khi chúng ta đã thoát khỏi nhà tu hành khổ hạnh vĩ đại. Hỡi các huynh đệ của tôi, đã từ lâu chúng ta đã bị áp đặt bởi những lời dạy của Ngài: ‘Đây là cách cư xử không phù hợp với các huynh đệ; đây không phải là hành vi phù hợp với huynh đệ.’ Giờ đây cuối cùng chúng ta cũng có thể làm những gì chúng tôi muốn và những gì chúng tôi không muốn làm thì chúng ta sẽ không làm”.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa, महाकाश्यप) với giọng nghiêm khắc, thẳng thừng với các vị tỳ kheo này. Tuy nhiên, lời của Du sĩ ngoại đạo Subhadda chỉ ra một thực tế rõ ràng rằng, không phải đệ tử nào cũng là vị Thánh đệ tử đã thâm nhập được thực tại bằng trực tiếp kinh nghiệm cá nhân, và không phải đệ tử nào cũng sẵn lòng trang nghiêm đạo đức, tuân giữ giới luật.

Trong những lời này là sự khởi đầu của sự phân chia đầu tiên.

Nếu có sự thiếu rõ ràng giữa các phật tử về giai đoạn giác ngộ mà một đệ tử đã đạt đến, thì luôn có thể thỉnh vấn đức Phật về điều này có câu trả lời dứt khoát.

Vì thế, vào thời đức Phật còn tại thế, không còn nghi ngờ gì về những phẩm chất của một tu sĩ chứng Thánh quả A La Hán.

Với kiến thức cần thiết này, chúng ta có thể tiếp tục. Hãy bắt đầu từ sự tịch diệt từ giã trần gian của đức Phật.

Khởi đầu sự rạn nứt

Không lâu sau khi đức Phật tịch diệt từ giã trần gian, 500 vị chứng Thánh quả A la Hán đã tập hợp và thành lập cuộc họp Hội đồng Tăng đoàn Phật giáo Thanh tịnh Hòa hợp đầu tiên do Đại lão Hòa thượng Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa, महाकाश्यप) làm Thượng thủ, bậc trưởng lão đức cao trọng vọng hơn trong số họ, chủ trì, để trùng tuyên lại những kim ngôn khẩu ngọc giáo lý cao quý của đức Phật và ghi nhớ chúng.

Trong những năm đầu tiên sau khi đức Phật tịch diệt từ giã trần gian vẫn còn có những đệ tử đã giác ngộ trực tiếp dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Vẫn còn có những vị chứng Thánh quả A La Hán vĩ đại, chẳng hạn như Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa), người được công nhận là có năng lực biết được tâm người khác (tha tâm thông), nên trong trường hợp còn nghi ngờ vẫn có thể thấy được người đó đã đạt được giải thoát hay chưa.

Nhiều năm trôi qua, những vị Tôn giả này viên tịch, và những vị Tôn giả sau họ cũng viên tịch. Càng ngày càng khó biết chắc ai đó đã đạt đến Thánh quả A La Hán hay chưa. Có những người đã đạt đến Thánh quả A La Hán, đã trực tiếp nhìn thấy thực tại, nhưng không có khả năng nhìn thấy tâm người khác (ta tâm thông).

Chú giải Kinh Tạng Nam Truyền (Pali Tạng) đưa ra ví dụ về các vị tu sĩ Phật giáo vào thời đó đã lầm tưởng là chứng Thánh quả A La Hán.

Đôi khi các vị xuất gia tu sĩ Phật giáo, không hẳn do ý định sai lầm, họ đã lầm tưởng rằng mình đã chứng Thánh quả A La Hán. Chú giải Kinh Tạng Nam Truyền (Pali Tạng) đưa ra ví dụ về các vị tu sĩ Phật giáo vào thời đó đã lầm tưởng là mình đã chứng Thánh quả A La Hán, trong 60 năm cho đến khi một trong số họ thực sự đã đạt được Thánh quả A La Hán kết hợp với thần lực nhìn thấy được tâm người khác (tha tâm thông).

Vị trẻ tuổi chứng Thánh quả A La Hán này đã nhìn thấy những khuyết điểm về tâm trí của những vị thầy cũ của mình, những người hóa ra không thực sự là đã chứng Thánh quả A La Hán.

Cũng có những vị xuất gia tu sĩ Phật giáo giả trang thiền tướng, lạm dụng Thánh quả A La Hán, bởi điều này mang đến nhiều uy tín và thọ nhận cúng dường lễ phẩm hơn. Tất nhiên, đây là hành vi phạm luật tăng đoàn Phật giáo và quy củ chốn tùng lâm, trong đó không được phép (cố ý) đưa ra tuyên bố như thế một cách bất xứng, nhưng việc xác minh những tuyên bố này đã trở nên vô cùng khó khăn.

Bởi lý do này mà có những vị được tôn vinh là vị chứng Thánh quả A La Hán sống trong xã hội không đáp ứng được những phẩm chất mà một vị Thánh quả A La Hán thực sự có được sau một thời gian dài. Điều đó gây nên tình trạng bất ổn trong giới cư sĩ phật tử tại gia và hàng xuất gia tu sĩ Phật giáo.

Chúng ta đã thấy nghe, sự phá giới phạm trai, suy thoái đạo đức gia tăng sớm sau khi đức Phật nhập diệt từ giã trần gian.

Nửa thế kỷ thứ Tư trước kỷ nguyên Tây lịch, chưa đầy 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt từ giã trần gian, sự bất hòa nảy sinh trong Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp. Nguyên nhân chính là không rõ ràng. Có thể là do sự khác biệt về quan điểm liên quan đến Luật tạng, những quy tắc đạo đức ứng xử dành riêng cho người xuất gia tu sĩ Phật giáo, nhưng ngay cả điều này cũng không chắc chắn.

Sự bất đồng này là lý do cho cuộc họp lần thứ 2 của Hội đồng Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp.

Đại chúng bộ, do Đại Thiên (महादेव, Mahādeva) một nhân vật gây tranh cãi xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau trong thời kỳ các bộ phái Phật giáo sơ kỳ.

Theo các nguồn phát sinh từ chi nhánh, Trưởng lão bộ (Sthaviravāda, स्थविरवाद), một trong hai bộ phái Phật giáo đầu tiên của Phật giáo sơ kỳ, Đại Thiên là người sáng lập Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika, महासांघिक), và là nhân vật đã gây ra sự rạn nứt chia rẽ Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy. Từ đó, khoảng 35 năm sau Hội Nghị Kết Tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo.

Lần thứ 2: Hội nghị thứ hai được diễn ra tại thành Vaishali, vào năm 386 trước kỷ nguyên Tây lịch, tức là khoảng một thế kỷ sau hội nghị thứ nhất, đã xảy ra một sự tranh luận nảy lửa về 5 điểm được cho là do Đại Thiên tổ chức. 5 điểm này chủ yếu liên quan đến học thuyết về tính sai lầm và bất toàn của các vị Thánh quả A La Hán, vốn bị một số người phản đối.

Hệ quả của nó là việc đa số tu sĩ Đại chúng (Mahāsaṃgha) đứng về phía Đại Thiên, và thiểu số còn lại hàng Giáo phẩm Thượng tọa (Sthavira – danh xưng dành cho những vị trưởng lão, có tuổi hạ cao, và có vị trí cao trong Tăng chúng và thường đảm nhận vai trò giảng dạy Phật pháp) phản đối, do đó gây ra sự rạn nứt chia rẽ trong Tăng đoàn (Saṃgha, संघ).

Đại chúng bộ, do Đại Thiên (महादेव, Mahādeva) lãnh đạo, dường như ủng hộ những giới luật ít giới hạnh hơn và có quan điểm rằng một vị chứng Thánh quả A La Hán vẫn còn hạn chế về tinh thần, bởi vì đó là điều có thể thấy ở nhiều vị được gọi là chứng Thánh quả A La Hán, và là mục tiêu cuối cùng của một vị xuất gia tu sĩ phải tiến lên quả vị Phật, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác.

Những người theo Thượng Tọa Bộ (Sthaviravadin, Theravada) dường như muốn có nhiều quy tắc đạo đức chặt chẽ hơn và coi quả vị A La Hán là mục tiêu cuối cùng trên con đường của quả vị Phật, tuyên bố rằng những người tự nhận mình đã chứng Thánh quả A La Hán nhưng vẫn còn những hạn chế về tinh thần (hoặc chủ yếu là đạo đức) hoàn toàn không phải là Thánh quả A La Hán.

Mặc dù nhìn cách nào thì cuối cùng, sự bại hoại của một số thành viên Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp là vấn đề cơ bản dẫn đến sự rạn nứt chia rẽ.

Việc cá nhân người muốn loại bỏ quy tắc khỏi Luật tạng hay người kia muốn thêm các quy tắc mới là một cuộc thảo luận học thuật diễn ra. Tuy nhiên, kể từ thời điểm bấy giờ trở đi, có hai phong trào với hai Luật tạng hơi khác nhau, đó là Thượng Tọa Bộ (Sthaviravadin, Theravada) và Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika, महासांघिक).

Ý tưởng phấn đấu đạt đến Phật quả thay vì Thánh quả A La Hán đã ra đời.

Sau sự rạn nứt chia rẽ đầu tiên đó, dần dần nhưng chắc chắn có nhiều chi phái nhỏ Phật giáo xuất hiện. Sự phân chia không phải là loại trừ, các vị xuất gia tỳ kheo, tỳ kheo ni đã công phu tu tập thiền định và sống trong các tùng lâm tự viện của nhau và thảo luận về Giáo pháp với nhau.

Tuy nhiên, lần đầu tiên Giáo pháp đã thích ứng với xu hướng của nhiều người khác nhau.

Vị vua nhân từ với tôn hiệu Dhammasoka (Ashoka Chính pháp), và sự ra đời của Phật giáo Nguyên thủy.

Minh quân Thánh triết Ashoka, vị Quốc vương thứ ba của vương triều Maurya thời Ấn Độ cổ đại, trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước kỷ nguyên Tây lịch, một trong những hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Ấn Độ, Ashoka đã toàn thắng trong loạt các cuộc chinh phạt và cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore, một vị vua ủng hộ Phật giáo.

Đức Quốc vương Ashoka đã quy y tam bảo, thụ trì thập thiện giới và tập trung vào ahimsā, bất bạo động không giới hạn nơi việc không làm tổn thương thân thể mà hình thức cao nhất của nó là sát hại; mà còn bao gồm việc tránh không lạm dụng ngôn ngữ chẳng hạn như nói dối.

Ngay cả những dạng hành vi sai trái khác, chẳng hạn như xâm phạm sở hữu của người khác, hay gây ra khổ tâm cho bất kỳ ai thông qua việc ngoại tình với vợ hay chồng của họ cũng được Phật giáo coi là bạo động và nên tránh. Ông được coi là một nhà lãnh đạo vĩ đại, bao dung độ lượng và đáng tôn kính, là tấm gương rạng ngời cho các vị quốc vương kế vị ông. Dưới triều đại của ông, có sự thống nhất và hòa hợp giữa con người và động vật.

Ngài sử dụng của cải vật chất cá nhân cho dân chúng và Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp. Tuy nhiên, với điều này, ông cũng đã tạo ra một vấn đề.

Những kẻ tham lam vô độ và vô đạo đức, không liêm sĩ đã trà trộn vào Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp để lợi dụng hảo tâm phúc lợi từ thiện của vị minh quân hiền triết. Họ chẳng quan tâm đến sự giác ngộ giải thoát mà chỉ tập trung chú ý vào những vật phẩm cúng dường được cung cấp và địa vị liên quan nên có tà kiến, dẫn đến sự tôn trọng đối với hàng Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp bị suy giảm.

Khi Đức Quốc vương Ashoka hiền đức nhân từ phát hiện sự tiêu cực tham nhũng này, Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 diễn ra sau Đại hội kết tập lần thứ 2 đúng 118 năm, nghĩa là sau khi Đức Phật nhập Niết bàn khoảng 218 năm, tức là khoảng năm 325 trước kỷ nguyên Tây lịch. Đại hội kéo dài khoảng 9 tháng dưới sự chủ tọa của Tôn giả Moggaliputta-Tissa (Mục-kiền-liên-tử Đế-tu) thuộc Phân biệt thuyết bộ (Vibhajjavāda), và do vị Minh quân Thánh triết, Đại hộ pháp Asoka bảo trợ, nhằm thanh tịnh hóa Phật giáo và Ghi lại Giáo pháp chân chính.

Kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu của đức Phật được ghi lại trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 và được vị Minh quân Thánh triết, Đại hộ pháp Asoka bảo trợ là Tam tạng kinh điển (Tipitaka). Những người theo phong trào này tự xưng mình là ‘trưởng lão, thượng tọa hay Theriya’ và theo cách này Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) đã ra đời.

Một chi tiết cần lưu ý là trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 này, Luận tạng Phật giáo Nguyên thủy cũng được ghi lại, kathāvatthu bộ ngữ tông (những điểm dị biệt), bộ thứ năm trong bảy bộ của Luận tạng thuộc hệ thống Pāli tạng chứa đựng một tuyển tập các câu hỏi và câu trả lời của Tôn giả Moggaliputta-Tissa (Mục-kiền-liên-tử Đế-tu).

Trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 này, nhiều vị xuất gia tu sĩ Phật giáo đã bị thẩm vấn. Bất cứ ai đưa ra câu hỏi trả lời không phù hợp với Chính pháp Phật Đà đều bị trục xuất khỏi Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp.

Như thế là vị Minh quân Thánh triết, Đại hộ pháp Asoka đã giúp thanh tịnh hóa Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp.

Điều quan trọng nhất trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 này là việc Minh quân Thánh triết, Đại hộ pháp Asoka đã ban Thánh chỉ cho các vị tăng sĩ Phật giáo truyền bá Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) khắp nơi trên thế giới. Các vị Sứ giả Như Lai đã truyền bá Chính pháp Phật Đà đến các nơi Hy Lạp, dãy Himalaya, Myanmar và có lẽ quan trọng nhất là tới Sri Lanka.

Không ai khác chính là trưởng lão Arhanthà Mahinda, con trai của Hoàng đế Ashoka, dưới thời trị vì của Devanampiya Tissa của Anuradhapura. Sau khi Thánh tăng A La Hán Arhanthà Mahinda quang lâm, Ngài đã mời em gái mình là Trưởng lão Ni Sanghamitta nguyên là công chúa con gái của Đại đế Asoka mang một cây Bồ đề (nơi Đức Phật thành đạo) đến Sri Lanka, hình thành tu viện Phật giáo đầu tiên tại đây.

Thánh tăng A La Hán Arhanthà Mahinda cũng cho xây dựng một số cơ sở tự viện Phật giáo và mời các vị đại sư Phật giáo Ấn Độ đến đây giảng dạy Phật pháp, từ đó Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Vương quốc Sri Lanka.

Kinh điển Phật giáo Theravāda Tipitaka được ghi chép trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba lần đầu tiên được viết ra bằng tiếng Sinhala ở Sri Lanka vào thế kỷ thứ 1 trước kỷ nguyên Tây lịch.

Vào thế kỷ thứ 5 sau kỷ nguyên Tây lịch, luận sư, dịch giả và triết gia Ấn Độ, Tôn giả Bhadantācariya Buddhaghosa, đến từ Ấn Độ, đã ghi chép giáo lý bằng tiếng Pali, ngôn ngữ cổ đại của Giáo pháp Phật đà, cùng với một loạt lời bình luận bình bằng khẩu truyền của các vị Đạo sư vĩ đại của các thế kỷ trước.

Kể từ đây Kinh điển Pāli là bộ tổng tập kinh điển tiêu chuẩn trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, được bảo tồn bằng ngôn ngữ Pāli, phiên bản của Tam tạng Thánh điển Phật giáo, đã tồn tại. Kể từ Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 vào năm 250 trước kỷ nguyên Tây lịch, không có giáo lý nào được thêm vào hoặc bớt khỏi các văn bản chính.

Tuy nhiên, nhiều Bình luận và Tiểu bình luận đã được ghi chép. Những điều luôn được coi là ngụy kinh điển và do đó không được Đức Phật trực tiếp giảng dạy. Visuddhi-magga (Thanh Tịnh đạo) do Luận sư Tôn giả Bhadantācariya Buddhaghosa trước tác vào tiền bán thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, là một bộ sách tóm tắt giáo lý nguyên thuỷ thuộc Pàli tạng, theo một hệ thống đặc biệt dưới những đề mục Bảy thanh tịnh và Ba vô lậu học. Đây là một chỉ nam rất tốt cho hành giả trong việc thanh lọc bản thân.

Từ bi tâm vô hạn của đức Phật và sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa.

Vào thời kỳ đầu, Phật giáo Đại thừa (महायान, MahāyānaBuddhism) thiên về triết lý siêu hình nhiều hơn, một ý tưởng bao quát phổ biến trong một số Phật tử của các tông phái Phật giáo sơ khai.

Chúng tôi đã trình bày ở trên về việc các Đại chúng bộ (Mahasanghika) trong Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 2 (thế kỷ thứ 4 trước kỷ nguyên Tây lịch) bắt đầu thấy mục tiêu trở thành Thánh quả A La Hán là không thỏa đáng như thế nào. Điều này đã mở ra con đường đến Phật quả Phật, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác như một lựa chọn thay thế, dường như là điểm xuất phát đầu tiên.

Xung quanh Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ 3 năm 250 trước kỷ nguyên Tây lịch, có 18 tông phái Phật giáo khác nhau (Thượng tọa bộ, Độc tử bộ, Hóa địa bộ, Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Mật lâm trú bộ, Chính lượng bộ, Pháp tạng bộ, Nhất thiết hữu bộ, Ẩm quang bộ, Thuyết chuyển chấp bộ (Sankràntika), Kinh lượng bộ, Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Khôi sơn bộ, Thi thiết bộ, Đa văn bộ, Chế đa bộ).

Không thể nói rằng một tông phái Phật giáo cụ thể nào đó là tiền thân của Phật giáo Đại thừa, tình huống giống như sự kết hợp của các tông phái, dường như đã có ảnh hưởng đến sự phát triển của tông phái Phật giáo Đại thừa như sự kết hợp Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), một bộ phái Phật giáo cho rằng mọi sự đều có, đều tồn tại (một sự tách biệt của Sthavrivavadins đã nêu trên) cùng với Đại chúng bộ (महासांघिक, Mahasanghika).

Một câu hỏi quan trọng đến cốt tủy nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa về Từ bi tâm của đức Phật.

Tóm tắt lý luận nhận thức: Nếu thực sự đức Phật có từ bi tâm vô hạn, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng sinh trong vũ trụ. Điều này có nghĩa là đức Phật sẽ không bao giờ tịch diệt từ giã trần gian (nhập Niết bàn) như đã được dạy cho đến thời điểm cuối đời đức Phật, bởi từ Niết Bàn Ngài không còn có thể làm điều hoàn hảo cho chúng sinh nữa. Vì thế, phải có một khía cạnh nào đó của đức Phật vẫn còn hiện diện ở đây và ngay bây giờ như một biểu hiện của từ vi tâm vô hạn của Ngài.

Lý luận này đã được xây dựng và tìm kiếm những cách thức để đạt được Phật quả Phật, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác như nhau, nhằm cống hiến lâu dài cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Một trong những văn bản cổ nhất ghi lại dòng tư tưởng này là Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Maha (Maha Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Heart of Perfect Wisdom Sutra) tên của một số bộ kinh quan trọng, xuất hiện khoảng thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên Tây lịch, với nội dung xoay quanh chính bởi phủ nhận chấp thật để hiển hiện trí bát nhã của bờ bên kia (ba la mật) tức là bến bờ giác ngộ.

Trong những thế kỷ kế tiếp, ngày càng có nhiều văn bản được viết ra, nhằm định hình và đào sâu nội dung tư tưởng cơ bản.

Thật khó để đưa ra một bản tóm tắt về những quan điểm thịnh hành lúc bấy giờ bởi Phật giáo Đại thừa. Điều này nêu bật rằng, một khía cạnh đặc biệt quan trọng là sự phấn đấu đạt đến quả Phật, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, thông qua vững bước trên đường phẩm hạnh Bồ Tát, luôn tinh tấn tu tập và luôn tinh tấn để hóa độ chúng sinh.

Sự nhấn mạnh là nỗ lực đạt được sự giác ngộ cho cộng đồng chúng sinh chứ không phải chỉ riêng cá nhân bản thân. Từ đó dẫn đến như lời Đức Phật tuyên thuyết trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. Những ai có Phật tính đều có thể thành Phật” (一切众生皆有佛性, 有佛性者皆可成佛). Về cơ bản như Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết “Phật tính bình đẳng bất nhị”, Phật tính của mỗi người và Phật tính của Đức Phật Thích Ca bình đẳng như nhau không khác.

Vì thế, tất cả thần thông trí tuệ vô ngại biện tài của Phật tính của mỗi người đồng nhất với Đức Phật Thích Ca, không kém hơn một chút nào. Nếu có hơn kém thì có cao thấp là không bình đẳng, Có cao thấp là rơi vào nhị biên phân biệt, trái với giáo lý của đức Phật Thích Ca. Vì thế, mỗi người phải thâm tín tự tâm toàn hảo, mới phát huy hết tự tâm. Nếu không thâm tín tự tâm thì làm sao phát huy hết tự tâm, phát hiện tự tâm gọi là giác ngộ.

Một hiện tượng nổi bật, có thể xuất phát từ điều này, là một vũ trụ học Phật giáo mới với các vị Bồ tát và Bồ tát khác nhau cùng chung sống ở các thế giới (cõi) khác nhau, những người vẫn có thể hiển thị trong thế giới của chúng ta vì lợi ích cho chúng sinh.

Pháp tu tiệm tiến; chỉ cho sự chuyển hoá dần tập khí phiền não thông qua thực hành Tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ, tiệm tu thật sự đã từng dẫn đến giác ngộ; nhưng chắc chắn được các Phật tử coi là ưu việt hơn so với các tông phái Phật giáo thời kỳ đầu, và điều này tất nhiên đã gây ra nhiều lời chỉ trích.

Lời chỉ trích lớn nhất là các Kinh điển Phật giáo Đại thừa không phải ngôn phong của Đức Phật trực tiếp tuyên thuyết mà do các Thánh đệ tử sau này của Ngài dùng văn học nghệ thuật để thực hiện triết lý Phật học, diễn dịch kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu của Đức Phật, hy vọng phương tiện thiện xảo này tỏa ánh sáng từ bi, trí tuệ Phật pháp khắp muôn nơi.

Có lẽ một phần để đáp lại lời chỉ trích này, các kinh văn Phật giáo Đại thừa thường viết về lợi ích tinh thần to lớn mà người ta đạt được chỉ bằng cách đọc tụng, diễn giải kinh này. Lịch đại Tổ sư Phật giáo Đại thừa giải thích giáo lý bí mật chân ngôn mà đức Phật tuyên thuyết các kinh điển Phật giáo Đại thừa, chỉ là không phải ai cũng có thể hiểu được những kinh này, và do đó chúng chỉ được trao truyền cho những đệ tử cụ thể.

Tông phái Phật giáo Đại thừa lan rộng khắp Trung Á thông qua con đường tơ lụa vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau kỷ nguyên Tây lịch.

Thuật ngữ Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) xưng danh hiệu cho phong trào này lần đầu tiên được tìm thấy vào thế kỷ thứ 2 sau kỷ nguyên Tây lịch.

Trong những thế kỷ tiếp theo, một số chi nhánh phụ đã sớm xuất hiện, chẳng hạn như Trung Quán Luận tông (Mādhyamika), Duy Thức tông (Yogācāra), Tịnh Độ tông (Buddha-kṣetra) và Thiền tông (Dhyāna).

Không giống như Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism), kho văn bản lớn của Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) không cố định, không khép kín mà năng động. Nó thích nghi với các nền văn hóa mà nó tiếp xúc và đồng hóa ở đây (khế cơ khế lý, cơ chế bản địa hóa) và tồn tại với tôn giáo dân gian bản địa.

Mặt dù các tông phái Phật giáo Đại thừa khác nhau, có những giáo lý và thực hành khác nhau, nhưng chúng tương đối nhất quan về Luật tạng cơ bản.

Đại thành tựu giả, Kim Cương thừa và Phật giáo Tây Tạng.

Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayāna Buddhism) là một chi nhánh tương đối muộn của Phật giáo Đại thừa, đã bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau kỷ nguyên Tây lịch.

Nguồn gốc của nó bởi việc tìm kiếm con đường nhanh hơn để đạt đến quả Phật, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác (tam mật tương ưng tức thân thành Phật), có thể đây là một phản ứng trước môi trường thay đổi trên lục địa Ấn Độ, nơi Kỳ Na giáo, một tôn giáo của Ấn Độ, một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Kinh Vệ đà và Ấn Độ giáo, tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, trở nên phổ biến hơn và người Hun thường xuyên tấn công gây hậu quả tàn khốc cho cộng đồng Phật giáo.

Sự khởi đầu của phong trào này được cho là do một các bậc Đại Thành Tựu giả (གྲུབ་ཐོབ་ཆེན་པོ།, Mahā-siddha), người trì niệm chân ngôn thần chú đạt đến tâm mật tương ưng mà thành tựu các diệu quả thế gian và xuất thế gian, bổ sung giáo lý quý báu của Đức Phật bằng các nghi thức hành trì Mật tông – Kim Cương Thừa.

Các vị ấy được coi là những hành giả có khả năng cao. Mật tông là sự kết hợp của các chân ngôn thần chú, hành động và hình tượng nhằm đẩy nhanh con đường dẫn đến giác ngộ.

Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayāna Buddhism) đã du nhập vào Tây Tạng trong khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 và đã trở thành quốc giáo chính thức Tây Tạng, nơi hợp nhất một phần tôn giáo bản địa và do đó hình thành nên các chi nhánh phụ như dòng truyền thừa Đại Viên Mãn, khởi thủy được trao truyền từ Pháp thân Đức Phật Phổ Hiền, Báo thân Kim Cương Tát Đỏa và Hóa thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Một số ảnh hưởng khác đối với các tông phái Phật giáo.

Thậm chí ngày nay, những người ít nhiều có cùng quan điểm vẫn bị hấp dẫn lực với nhau. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự chênh lệch về mặt địa lý xuất hiện ở Ấn Độ.

Các dòng tiền thân của Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism) ở phía bắc Ấn Độ, các dòng tiền thân của Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) ở phía nam.

Dưới triều đại của Minh quân Thánh triết Ashoka trị vì từ năm 273 – 232 Tây Lịch, vị hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ, người đầu tiên thống trị toàn cõi Tiểu lục địa Ấn, vị vua Phật tử có nhiều cống hiến rất to lớn cho sự truyền trì mạng mạch Phật pháp và cho đất nước Ấn Độ và truyền bá Phật giáo đến những xứ sở khác nhau bên trong và bên ngoài Ấn Độ, người được coi Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) là dòng chính, các vị Thánh tăng từ dòng này đã được gửi đến Vương quốc Sri Lanka để truyền trì mạng mạch Phật giáo.

Từ thế kỷ thứ 5 sau kỷ nguyên Tây lịch, người Hun xâm chiếm Ấn Độ và phá hủy nhiều cơ sở tự viện Phật giáo. Vào thế kỷ 12 sau kỷ nguyên Tây lịch, người Hồi giáp chinh phục tiểu lục địa Ấn Độ.

Sự xâm chiếm miền bắc Ấn Độ của các nhóm khác nhau như Huns, Turco-Mongols và Ba Tư và sau đó phá hủy các tổ chức Phật giáo như Nalanda và các cuộc đàn áp tôn giáo. Cạnh tranh tôn giáo giữa Phật giáo với Ấn Độ giáo và Hồi giáo sau này cũng là những yếu tố quan trọng. Quá trình xâm lấn của Hồi giáo ở Bengal và việc phá hủy Đại học Phật giáo Nalanda, Vikramasila, một trong hai trung tâm học tập bậc cao của Phật giáo ở Ấn Độ trong thời Đế quốc Pala, Trường Đại học Phật giáo Odantapuri university, được thành lập bởi Gopala I vào thế kỷ thứ 8.

Ông Ikhtiyār al-Dīn Muḥammad Bakhtiyār Khaljī, một vị tướng và người cai trị Thổ-Afghan cai trị Ghurid Muhammad của Ghor, người đã chỉ huy các cuộc chinh phục của người Hồi giáo ở các vùng Bengal và Bihar phía đông Ấn Độ, người đã phá hoại và làm suy yếu nghiêm trọng việc thực hành Phật giáo ở Đông Ấn Độ. Sự suy tàn của Phật giáo Ân Độ đi đến kết thúc vào khoảng thế kỷ thứ 12, Phật giáo gần như biến mất khỏi Ấn Độ vào thời điểm này.

Ngoài việc xâm lược Ấn Độ, hầu hết các quốc gia Phật giáo tìm đường đi đều có những thay đổi về động cơ quyền lực. Tại Vương quốc Sri Lanka, đạo Phật đã xảy ra việc tranh chấp khi một vị Quốc vương có quan điểm tôn giáo khác lên ngôi, giống như ở Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, v.v.

Ví dụ, ở Sri Lanka, vào một thời điểm nhất định, Phật giáo phải được du nhập trở lại từ Myanmar vì không còn vị xuất gia tu sĩ nào sống sót. Ở Tây Tạng, Giáo pháp Kim Cương thừa mật tông tồn tại chủ yếu trong các gia đình nơi mọi người thực hành bí mật. Ở Trung Quốc, là lý do để các nhà sư theo học võ thuật.

Sự phân bố về mặt địa lý cũng ảnh hưởng đến hình thức thực hành, cùng với đó là ảnh hưởng của truyền thống bản địa.

Cho dù đó là Phật giáo Tây Tạng biệt lập trên dãy Himalaya, việc thực hành Phật giáo Nguyên thủy trên hòn đảo xa xôi của Sri Lanka, sự truyền bá Phật pháp giữa các dân tộc du mục ở Trung Á rộng lớn, hay sự hợp nhất giữa các dân tộc và các tông phái Phật giáo ở Myanmar.

Chẳng hạn, qua những cách ảnh hưởng này, chún ta có thể thấy rằng ở Phật giáo Tây Tạng, tông phái Ninh Mã (Nyingma, Cổ Mật) ban đầu không có cơ sở tự viện Phật giáo (do cư sĩ Phật tử thực hành tại tư gia) là truyền thống lâu đời nhất còn tồn tại. Với điều này chúng ta cũng có thể giải thích tại sao Luật tạng cuối cùng lại thay đổi nhanh quá.

Ví dụ, ngày nay, một sự khác biệt lớn giữa Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) và các hệ phái khác là các vị tu sĩ từ truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhism) luôn được cho là sống độc thân trong khi điều này không phải lúc nào cũng đúng trong các dòng của các hệ phái khác.

Sự khác biệt có lớn không?

Khả năng thích ứng của Giáo pháp Phật đà có thể được coi là điểm trọng yếu, Tuy nhiên, những người nhìn sâu hơn sẽ thẩm thấu cốt tủy được bảo tồn và nhận ra rằng sự thật, thực tế mà chính pháp Phật đà nói đến, về cơ bản là không thể diễn ta thành lời.

Đây là một kinh nghiệm có được từ sự phát triển tâm trí sâu sắc và lâu dài thông qua Tam vô lậu học, Giới, Định, Tuệ môn học thù thắng giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại.

Thế là chẳng phải sự khác biệt rất lớn hay sao?

Ai sẽ diễn thuyết? Chúng ta chỉ có thể chia sẻ điều gì đó về những gì mình đang thực hành. Lama Ahbay Tulku Rinpoche đã nhiều lần nói rằng, các đạo hữu không nên nghĩ rằng việc các đạo hữu làm tốt hơn việc người khác làm. Vì các đạo hữu thực sự biết gì về việc công phu tu tập của người khác? Về chiều sâu cốt lõi có thể đạt được sau nhiều năm nỗ lực trong hệ thống này?

Bản thân Ngài Lama Ahbay Tulku Rinpoche không tuyên bố nào về cảnh giới Niết bàn (Nibbāna) của Phật giáo Đại thừa hoặc sự tồn tại của các vị Bồ tát.

Tất cả những gì Ngài từng nói là việc đạt đến giai đoạn giác ngộ cao nhất Thánh quả A La Hán (Arahant) khi các đạo hữu có vợ (hoặc chồng) là điều không thể thực hiện được vì chúng ta vẫn còn ham muốn. Chính để đoạn dứt dục vọng này mà Đức Phật đã hướng dẫn hành trình của Ngài. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người đều trở thành nhà sư, chỉ là chúng ta không nên tự lừa dối mình và biết kết quả của những lựa chọn mà mình đưa ra.

Nếu trong một thời gian dài chúng ta công phu tu tập thiền định, có thể chúng ta nhận ra những trải nghiệm được viết trong các hệ thống khác. Nếu chúng ta Buddho – Thiền là một cái gì đó thật tĩnh lặng và mát lành. Nó chính là con đường đưa đến an lạc và bình an – con đường duy nhất sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi mọi đau khổ trên thế gian này, thì có thể nhận ra những kinh nghiệm từ Dzogchen hay Zen.

Thiền định về những phẩm tính siêu việt của đức Phật được bảo tồn trong mọi hệ thống. Ví dụ, một đạo sư vĩ đại của Tây Tạng, một trong những đại Lama của thế hệ cuối cùng hoàn thành sự học tập và tu hành ở Tây Tạng, Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991) dạy rằng tất cả chư Phật trong quá khứ đều đã công phu tu tập thiền định về những phẩm tính siêu việt của đức Phật.

Phần lớn siêu việt triết học trong đó các dòng chảy khác nhau có lẽ không quá quan trọng đối với cuộc sống thường nhật. Khi chúng ta tịnh hóa tam nghiệp tham lam, hận thù và si mê, bằng cách phát triển đạo đức và sự định lực thì trí tuệ phát sinh và chúng ta trở thành một người thật an lạc hạnh phúc và hoàn hảo hơn.

Liệu chúng ta làm điều này với ý định trở thành quả vị Phật, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác hay một vị Thánh quả A La Hán có quan trọng hay không?

Nếu thực hành một hệ thống cụ thể đủ lâu, chúng ta sẽ tự mình trải nghiệm rằng có những điều mà trước đây bản thân không nghĩ là có thể thực hiện được. Rằng có những hành trình bản thân chưa từng đọc trong thư tịch.

Cuối cùng, tôi tư duy giáo lý quý báu của đức Phật cung cấp một khung khổ thận trọng trong đó có thể nhận thức được sự đa dạng phong phú của cách thực hành và lý giải (SN 56:31):

Một thời, Thế Tôn ở lại Kosambi, trong rừng Samsapa. Tại đây, Ngài nhặt một nắm lá Simsapa và hỏi các tu sĩ:

“Này các Tỳ kheo nghĩ thế nào, còn gì nữa, mấy chiếc lá Samsapa trong tay ta hay những chiếc lá trên đầu chúng ta trong khu rừng này?”

“Những chiếc lá trong tay Đức Thế Tôn rất ít, thưa Ngài. Những chiếc lá trên đầu chúng ta ở khu rừng Samsapa này còn nhiều hơn nữa.”

“Cũng vậy, này các Tỳ kheo, những điều Ta biết từ trực giác nhưng chưa tuyên thuyết thì nhiều hơn những điều Ta đã dạy. Và tại sao ta chưa dạy họ? Bởi vì chúng không liên quan đến mục tiêu, không quan trọng đối với đời sống phạm hạnh, không quan trọng đối với việc giải tỏa dục vọng, từ bỏ đam mê, dừng lại, bình tĩnh, hướng trí, tự giác, giải thoát. Đó là lý do tại sao ta không dạy họ.”

“Vì thế, nhiệm vụ của các đạo hữu là phải quán chiếu, ‘đây là khổ. . . đây là nguyên nhân của khổ. . . đây là sự chấm dứt của khổ. Nhiệm vụ của các đạo hữu là quán chiếu, ‘Đây là lộ trình thực hành đưa đến sự chấm dứt sự bất toại nguyện.”

Thực tế có nhiều phương diện, hãy nỗ lực phát triển tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ và biết đâu các đạo hữu sẽ có thể tự mình đốn ngộ thành Phật quả.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: Buddho.org

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường