Trang chủ Đời sống Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo mà cốt lõi của tư tưởng đó là ứng dụng, phát huy các giá trị, tư tưởng nhân văn tốt đẹp của các tôn giáo, là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, đặc biệt là đoàn kết tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức mạnh.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo mà cốt lõi của tư tưởng đó là ứng dụng, phát huy các giá trị, tư tưởng nhân văn tốt đẹp của các tôn giáo, là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, đặc biệt là đoàn kết tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức mạnh.

TS.Nguyễn Thị Quế HươngViện Nghiên cứu Tôn giáo
ThS.Nguyễn Ngọc Thúy & CN.Hoàng Thị Chi Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc không chỉ xuất phát từ thực tế đất nước, truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa, từ lý luận Mác – Lê nin,… mà còn từ tình cảm yêu thương, lòng nhân ái của Người với đồng bào các tôn giáo.

Bài viết trên cơ sở tổng kết tư tưởng đại đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thấy được những ứng dụng giá trị đạo đức của tôn giáo, nhằm phát huy các mặt tích cực của đạo đức tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển xã hội.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo, Việt Nam.

1. Nền tảng, nguyên tắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc

Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết được kế thừa chính trên nền tảng truyền thống gia đình, nếp sống trong gia đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với truyền thống dân tộc tương thân tương ái, bình đẳng, tự do, lương thiện, khoan dung…

Theo Nguyễn Xuân Trung, đặc điểm khoan dung trong tôn giáo là một trong những cơ sở quan trọng đề hình thành tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh. Bởi, khoan dung chính là thái độ hài hòa trong khác biệt. Với thái độ tôn trọng, cách nhìn rộng lượng, sự hòa quyện giữa các tôn giáo theo phương châm “hòa nhi bất đồng”, đặc biệt với việc tiếp thu sâu sắc tư tưởng khoan dung tôn giáo, dân tộc của chủ nghĩa Mác lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng khéo léo, linh hoạt việc đoàn kết các tôn giáo để cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào (Nguyễn Xuân Trung, 2015, tr 13-15).

Kế thừa truyền thống khoan dung của tôn giáo, Hồ Chí Minh nâng thành tư tưởng khoan dung tôn giáo đậm chất nhân văn sâu sắc.

“Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh được thể hiện trong những nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, triết lý nhân sinh thể hiện ở sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người. Thứ hai, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao những người sáng lập ra các tôn giáo, các học thuyết chính trị – xã hội cũng như các giá trị tích cực của các học thuyết đó. Thứ ba, ứng xử khoan dung, độ lượng với những người vi phạm chính sách tôn giáo”(Nguyễn Xuân Trung, 2017).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm tôn giáo vừa là bộ phận cấu thành của văn hoá vừa là di sản văn hoá của nhân loại. Điều này đã được Người phát biểu rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằn thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh, 1995, t3, tr 431).

Cùng với định nghĩa về văn hóa là sự tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu mà các tôn giáo luôn hướng tới: “Mục tiêu cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giê su đều giống nhau: Thích ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 239).

Như vậy, có thể thấy rằng điểm tương đồng về giá trị văn hóa giữa dân tộc và các tôn giáo đã tạo tiền đề cho sự tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Điều nhấn mạnh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Cơ sở nền tảng nòng cốt của tư tưởng đoàn kết tôn giáo đó là tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, có đoạn viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Người đã kế thừa và phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trên thế giới.

Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, về Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3 – 9 – 1945,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 vấn đề cấp bách cần làm ngay, trong đó, vấn đề thứ 6 là: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết” (Hồ Chí Minh, 1995, t4, tr 9).

Ngày 09-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong đó ghi: “Nhân dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Trong Chính cương của Đảng lao động Việt Nam, điều thứ 8 nói: “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 239).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong Ho Chi Minh doan ket ton giao 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 03/01/1957. Ảnh: St

Trên cơ sở nguyên tắc ấy, các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các tôn giáo; quan hệ giữa người theo tín ngưỡng, tôn giáo; giữa tôn giáo với chính quyền. Chính những vấn đề nảy sinh đó, Người đã luôn phân định rạch ròi thái độ, cách thức ứng xử theo các mức độ khác nhau, Người luôn theo dõi tình hình một cách thường xuyên và chỉ đạo giải quyết rất kịp thời.

Phương pháp của Người là kiên trì, nhẫn nại, chân tình. Nếu đã hết sức kiên trì mà không đạt kết quả thì Người kiên quyết, rất nghiêm khắc: “Trong hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm Hiến pháp và khiêu khích bà con Công giáo sẽ bị xử lý” (Trần Tam Tỉnh, 1998, tr 71).

Phương pháp giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải toả hiểu lầm, tăng cường đoàn kết nhân dân. Muốn vậy, phải biết phân biệt bạn, thù để ứng xử phù hợp nhất. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những quan điểm, giải pháp đúng đắn để thực hiện thành công vấn đề đoàn kết các tôn giáo mà trọng tâm là đoàn kết Lương – Giáo.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc, nên mỗi tôn giáo đều có những vai trò, giá trị khác nhau trong lòng dân tộc. Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh đã tìm ra cơ sở khoa học, đó là sự tương đồng giữa các tôn giáo, thống nhất để hạn chế và giải quyết những yếu tố khác biệt, vì xét cho cùng, các tôn giáo chân chính luôn hy vọng giải thoát con người, và mong muốn con người sinh ra đều được sung sướng, tự do, hạnh phúc.

Người nói: “Chúa Giê su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 28). “Cho nên, ở tư tưởng Hồ Chí Minh không có sự đấu tranh trực diện với thần học, giáo lý các tôn giáo mà chủ yếu là cố gắng chỉ ra sự thống nhất giữa mục tiêu của cách mạng với lý tưởng của các tín ngưỡng tôn giáo, bỏ qua “tiểu dị” tìm ra điểm “đại đồng” giữa tín ngưỡng tôn giáo với sự nghiệp cách mạng” (Nguyễn Xuân Trung, 2015, tr 37).

Như vậy, tư tưởng đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính chất toàn diện, điều đó được thể hiện cả trong kinh tế, chính trị và văn hoá, xã hội. Lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung cho việc thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc. Người nói: “Lương giáo đoàn kết; Diệt hết quân thù… Kính chúa yêu nước chúng ta phải đấu tranh, đặng giữ tự do tín ngưỡng, và giành độc lập cho nước ta” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 59).

Chúng ta có thể thấy qua các bức thư Hồ Chủ tịch gửi cho đồng bào các tôn giáo và các chức sắc tôn giáo, mà trong đó Người luôn đề cao cái chung, cái căn bản của mọi người, đó là lòng yêu nước; còn cái riêng, cái dị biệt về đức tin, về lối sống, Người cho rằng, đồng bào Giáo thì có tình cảm kính Chúa, đồng bào Lương thì ngưỡng mộ đức Phật chỉ là sự khác biệt nhỏ, không căn bản, chúng ta cần bỏ qua cái nhỏ để giữ lại cái tương đồng lớn.

Như vậy, có thể tóm lược nội dung tư tưởng đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí minh được thể hiện qua các tư tưởng về: Đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo; Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; Đoàn kết đồng bào trong nội bộ các tôn giáo (Nguyễn Xuân Trung, 2015, tr 32-59).

2. Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quan điểm quan trọng nhất trong tư tưởng về tín ngưỡng, tôn giáo của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó của Người được thể hiện nhất quán cả trong lý luận và các hoạt động thực tiễn, trong cách mạng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng này đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta qua từng giai đoạn. Muốn có tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì phải đoàn kết tôn giáo, bởi Hồ Chí Minh coi đoàn kết tôn giáo là bộ phận quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập cho nước nhà.

Trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam điều thứ 8, nói: “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân”. Thế là rõ ràng, đúng dân chủ. Người Việt Nam bất kỳ lương hay giáo, theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật, Cao Đài hay Hòa Hảo, mọi người đều có thể tán thành và ủng hộ chính sách ấy” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 239). Xét một cách khách quan nhất đó là muốn các tôn giáo đoàn kết thì chính sách đối với các tôn giáo đều phải hải hòa và bình đẳng, có như vậy mới mong sự đoàn kết đích thực.

Trong giáo lý của Phật giáo là Từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha và cứu khổ cứu nạn, với Công giáo, Tin Lành là Kính Chúa – Yêu người, với đạo Cao Đài là “Công bình – Từ bi – Bác ái”, với Phật giáo Hòa hảo là học Phật tu nhân, với Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là Phước huệ song tu… là những nhân tố quan trọng nuôi nấng, phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, yêu người ở mỗi cá nhân, mong muốn định hướng nhân cách cho con người trong mọi hoạt động xã hội đều cho con người và vì con người.

Trên tinh thần phương châm hành đạo đó, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ của các tôn giáo luôn đoàn kết, giúp đỡ, chăm sóc người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, đó là chất keo gắn kết đồng bào các tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo, gắn kết giữa đạo – đời trong khối đoàn kết toàn dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Chính bản thân Người cũng luôn đau đáu về việc thống nhất nước nhà, mong muốn cho toàn dân đều được ấm no, hạnh phúc, thế giới đại đồng. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh, 1993, t3, tr 123).

Hồ Chí Minh luôn lấy tư tưởng Phật giáo để răn dạy cách làm người, Người nói: “Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất:“Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác” và khẳng định: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là chuẩn mực đạo đức cao quý của con người; tứ đức ấy, đức nào cũng quý, cũng cần, như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, thiếu một đức, thì không thành người (Nguyễn Đức Quỳnh, 2018).

Ngoài các giá trị, từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, trong giáo lý nhà Phật có tư tưởng “lục hòa”, đó là những nguyên tắc để xây dựng nếp sống hòa hợp, bình đẳng, đoàn kết giữa cá nhân, tổ chức và xã hội. Có thể nói, tư tưởng “lục hòa” là một trong những cách thức xây dựng cuộc sống tự tại, an nhiên, giải tỏa sức ép mà con người trong xã hội đang phải gánh chịu (Nguyễn Quốc Tuấn, 2020, tr 178-181).

Như vây, “Kế thừa phép “lục hòa”, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của cách mạng. “Dân” là chỉ mọi người con đất Việt, đều là con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già hay trẻ..:“Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Người khuyên: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Theo Người, muốn đoàn kết thì phải biết “Cầu đồng tôn dị”: Lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc; phải khoan dung, độ lượng với con người; phải chống khuynh hướng: “Cô độc, hẹp hòi; đoàn kết vô nguyên tắc”.

Người nhấn mạnh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; là tự do, dân chủ, bình đẳng; đó chính là ngọn cờ đoàn kết, là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam” (Nguyễn Đức Quỳnh, 2018). Đạo Cao Đài cũng trên nền “cầu đồng, tôn dị” để có được một tổ chức liên giao giữa các tổ chức của Cao Đài nhằm tạo môi trường đoàn kết trong toàn đạo, yêu nước, thương dân, giúp sức góp phần bảo vệ quê hương, đất nước trên tinh thần nước còn, đạo mới còn.

Nội dung tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí minh được thể hiện qua tư tưởng đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo; tư tưởng đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và tư tưởng đoàn kết đồng bào trong nội bộ các tôn giáo.

Các đoạn trích trong các văn kiện, báo cáo, thư… của Hồ Chí Minh gửi các tôn giáo, gửi đồng bào các tỉnh thành, gửi nhân dân cả nước… về động viên, thăm hỏi, chúc tết của Người đều lấy tấm gương của đức Phật để nhắc nhở người dân trong vấn đề đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để chiến thắng kẻ thù và có chiến thắng kẻ thù mới có tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực sự.

* Trước hết là đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo được Hồ Chí Minh vận dụng trong các lời kêu gọi toàn dân, toàn quân kháng chiến: “Trong Việt Minh, đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo” và “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc”(Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 153, 180).

Trong Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa : “Vấn đề thứ ba :… Tất cả các công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cửu và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, giòng giống”(Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 154).

Trong lễ mừng Liên hiệp quốc gia, Hồ Chí Minh đã phát biểu tại buổi lễ về lòng hy sinh vì Tổ quốc, vì đồng bào, Người nói:

“Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là Toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật giáo; tín đồ Gia Tô tin ở Đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 169).

Cũng trong buổi nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên, Người đã nói “… Đồng bào ta bất kể là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 170).

Có thể thấy, trong bất cứ văn bản nào, Người cũng đều hướng đến tinh thần tương thân tương ái, lòng bao dung nhằm hướng đến đoàn kết tôn giáo, nhất là đoàn kết giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, đoàn kết dân tộc để thống nhất đất nước, đó là niềm mong mỏi của Người cũng như của toàn dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.

* Trong tư tưởng đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, để phá tan mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thù địch hòng chia rẽ tôn giáo, lợi dụng giáo phái để hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn kịp thời, khéo léo động viên tinh thần các tôn giáo cùng nhau đoàn kết lại để kháng chiến thống nhất đất nước trong Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam bộ, miền Nam Trung bộ nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày Nam bộ kháng chiến:

“Chúng ta, lương cũng như giáo, Phật cũng như Cao Đài, đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết kháng chiến để giành giải phóng giống nòi, giữ gìn Tổ Quốc” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 203).

Người cũng luôn coi trọng các tôn giáo như nhau, không phân biệt, xem trọng tôn giáo nào hơn trong bất kỳ ở lĩnh vực nào của đời sống Đạo cũng như đời sống xã hội. Ngay trong chính sách cải cách ruộng đất cũng rất công bằng:

“Điều 25: Những người sau đây được chia:…Nhà Chung, Nhà Chùa, Từ Đường học và các cơ quan tôn giáo khác được để lại một phần ruộng đất để dùng vào việc thờ cúng….. Những người làm nghề tôn giáo nếu không đủ sống, có sức cày cấy và yêu cầu, thì được chia một phần ruộng đất ở nơi họ hoạt động, hoặc ở quê quán họ” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 265).

Đặc biệt, trong buổi tiếp đón đại biểu giáo hội của ba tôn giáo là Công giáo, Phật giáo và đạo Cao Đài năm 1945, Người nói: “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có Quốc gia và không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 362).

Trong mọi nơi, mọi lúc, Hồ Chí Minh luôn đặt tinh thần đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo lên hàng đầu, đặc biệt đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau để hòng phá tan âm mưu chia rẽ đồng bào, chia rẽ tôn giáo của quân địch, do vậy ngay tại bữa cơm chay trong lễ hành nguyện Phật giáo có cả đoàn đại diện Công giáo đến dự, Người nói:

“Mặc dù hai tôn giáo là hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra thì không lý gì, lúc này, cũng là dân con Việt Nam, lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo được” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 365).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong Ho Chi Minh doan ket ton giao 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)

* Tư tưởng đoàn kết đồng bào trong nội bộ các tôn giáo cũng được Hồ Chí Minh nhắc đến trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam như sau: “Nhân ngày Lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta…Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang… Đức Phật là đại từ bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng,… Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 200).

Cũng trong Thư gửi các vị tăng, ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp Lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo năm 1957 và Thư gửi Hội nghị đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam, Hồ Chí Minh đã động viên tinh thần tới các vị chức sắc và tín đồ

“…Tôi có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử… Đời sống của nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm. trong dịp này, Tôi mong các vị chư tăng ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi… cuối cùng, Tôi chức các vị luôn luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình” và “… đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, 1998, tr 335-336, 352).

Có một tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo mà cốt lõi của tư tưởng đó là ứng dụng, phát huy các giá trị, tư tưởng nhân văn tốt đẹp của các tôn giáo, là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, đặc biệt là đoàn kết tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức mạnh. Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng các tư tưởng đoàn kết tôn giáo trong kháng chiến và trong xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

3. Một vài nhận xét

Có thể nói rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo quan điểm mácxít về tín ngưỡng, tôn giáo trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Do bởi kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo trong việc xử lý các vấn đề tôn giáo, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ mềm dẻo, hợp tình, hợp lý trong việc ứng xử các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Người đã để lại cho chúng ta một khối di sản quý giá trong đó có những giá trị tương đồng với giá trị Phật giáo, đó là giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ, từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo.

Với mục tiêu của đoàn kết tôn giáo là đoàn kết dân tộc, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vấn đề đoàn kết của dân tộc không những đoàn kết về bề rộng, mà còn phải cả về chiều dài, chiều sâu.

Do đó, đoàn kết tôn giáo trước hết là phải đoàn kết giữa những người có đạo và không đạo; tiếp đó là phải đoàn kết giữa những người có đạo khác nhau và đoàn kết những người trong cùng một đạo, dù bất luận thế nào cũng không được phân biệt đối xử không công bằng, Người đã chỉ rõ:

“Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất linh” nên chúng ta phải hi sinh cho nhân loại và chúng sinh” (Huy Thông, 2004, tr 36).

Cho đến ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, là bài học quý cho chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Người, trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định:

“… phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr 165).

Nhờ có quan điểm đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp của Nhà nước mà Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được “nguồn lực tôn giáo” đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc, bởi vậy mà hơn lúc nào hết, việc đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc luôn đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp. Cần phải vận dụng tư tưởng của Người như thế nào cho phù hợp với tình hình đất nước như hiện nay, nhất là trong việc tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hơn bao giờ hết, việc vân dụng các tư tưởng đoàn kết tôn giáo nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực trong các hoạt động của Phật giáo để tiếp tục hành Đạo theo phương châm “đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là việc làm có ý nghĩa và thiết thực.

TS.Nguyễn Thị Quế HươngViện Nghiên cứu Tôn giáo
ThS.Nguyễn Ngọc Thúy & CN.Hoàng Thị Chi Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Cung, (2008), Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, đăng trên trang https://giacngo.vn/lichsu/phatgiaovietnam/2008/05/20/73C410/; 20/05/2008 11:59 (GMT+7), truy cập 26/8/2021.

2. Nguyễn Thế Cường, Nguyễn Thị Ngọc Lan (2008), “Vai trò của Phật giáo đối với sự ổn định và phát triển xã hội”. Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo, số 12, tr. 18-23.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.

4. Hồ Chí Minh, (1993). Biên niên Tiểu sử, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh toàn tập,(2011), tập 9. Nxb Chính trị quốc gia-sự thật.

6. Hồ Chí Minh, (1993). Biên niên Tiểu sử, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. Hồ Chí Minh, (1995): Toàn tập, tập 3. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Hồ Chí Minh, (1995). Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Chủ tịch Hồ chí Minh với đồng bào Công giáo, (2004). Huy Thông sưu tầm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10. Nguyễn Đức Quỳnh. (2018), “Nét tinh hoa Phật giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3, 2015. Hoặc trang https://phatgiao.org.vn/net-tinh-hoa-phat-giao-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-d17737.html; 09:06 27/04/2018; 6.040, truy cập 28/6/2021.

11. Trần Tam Tỉnh, (1998). Thập giá và lưỡi gươm, NXB Trẻ, TP HCM.

12. Huy Thông sưu tầm, (2004). Chủ tịch Hồ chí Minh với đồng bào Công giáo., Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

13. Nguyễn Xuân Trung, (2015). Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo giá trị lý luận và thực tiễn. Nxb Lý luận chính trị.

14. Nguyễn Xuân Trung, (2017), “Triết lý nhân sinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5.

15. Nguyễn Xuân Trung, (2017), “Triết lý nhân sinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 5. Hoặc: http://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/triet-ly-nhan-sinh-trong-tu-tuong-khoan-dung-ton-giao-cua-ho-chi-minh-33 . Thứ Sáu, 1/12/2017 23:1′(GMT+7); truy cập, thứ ba, ngày 7/4/2020.

16. Nguyễn Quốc Tuấn, (2020). Tôn giáo học và Khảo cổ học tôn giáo, Nxb Đại học Sư phạm.

17. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, (1998). Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb KHXH, Hà Nội.

18. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, (2015). “Phát huy giá trị của tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay„đề tài cấp Nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhiệm, Hà Nội, Tài liệu lưu hành nội bộ tại Thư viện, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường