Trang chủ Bài viết nổi bật Ảnh hưởng của Phật giáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ảnh hưởng của Phật giáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ảnh hưởng của Phật giáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trong suốt 4 tháng xuất gia đã tạo ra cho Bác Hồ một nhân cách sống thật gần gũi với đời sống của nhân dân.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ảnh hưởng của Phật giáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh – Trong suốt 4 tháng xuất gia đã tạo ra cho Bác Hồ một nhân cách sống thật gần gũi với đời sống của nhân dân.

Nhà nghiên cứu Tuệ Ân
Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Trên chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7 năm 1928, Bác Hồ từ Đức về Thái Lan dưới danh nghĩa một Hoa kiều tuyên truyền giác ngộ Việt kiều. Trang 143 cuốn “Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước” của tác giả Hoàng Thanh Đạm, Nhà xuất bản Lý luận chính trị năm 2005 mô tả:

“Đầu tháng 6.1928, ông Nguyễn đáp tàu thủy của Nhật Bản qua Sri Lanka tới Bangkok, thủ đô của Thái Lan. Tháng 7.1928, các đồng chí Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Phichit, miền bắc Thái Lan, đã được gặp lại Nguyễn Ái Quốc, người thầy, người lãnh tụ của mình”.

Liên quan tới nội dung trên, trang 55 cuốn “Hồ Chí Minh, vị thánh sống” của tác giả Sukprida Banomyong, xuất bản lần thứ nhất tại Thái Lan tháng 7.2009 có miêu tả: “khi tàu thủy cập bến Bangkok, ông Nguyễn Ái Quốc đến thẳng chùa Từ Tế (tên Thái Lan là Wat Locanukho) nằm trên phố Rachavong. Ông Nguyễn chọn nơi đây làm địa chỉ đầu tiên ở Thái Lan vì đã có liên hệ với vị sư người Việt Nam trụ trì chùa Từ Tế”.

Thực dân Pháp biết tin đó nên đã phối hợp với nhà cầm quyền ở Thái Lan truy bắt Bác Hồ. Để tránh bị chúng bắt nên Bác lánh thân vào một ngôi chùa Việt trong thời gian 4 tháng. Quãng thời gian tưởng chừng là nghịch duyên này hóa ra lại rất thuận duyên bởi mỗi ngày được sống, thực hành giáo pháp, giữ gìn phạm hạnh đã giúp Bác thấm đẫm tinh thần của Phật giáo, giúp cho Bác trui rèn và hoàn thiện nhân cách Hồ Chí Minh – một lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.

1. Bác Hồ xuất gia xả ly thế tục để tu dưỡng đạo đức và ly tham dục

Trong các quốc độ coi Phật giáo là quốc giáo, nhất là các nước nơi Phật giáo nguyên thủy đang được truyền bá và thực hành sâu rộng như Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Lao, Cambodia…thì việc được xuất gia, thực hành phạm hạnh là một truyền thống vô cùng cao quý. Hàng năm, các gia đình có con trai thường gửi con mình vào chùa để xuất gia gieo duyên.

Những thanh thiếu niên ấy được xuất gia, học tập giáo lý, thực tập theo lời Phật dạy, sống trong nếp sống thiền môn ít nhất là ba tháng, có người thì kéo dài một năm, hai năm,… hoặc có người thì phát nguyện xuất gia trọn đời. Nếu người nào không phát nguyện trọn đời xuất gia thì sau khi mãn kỳ hạn xuất gia gieo duyên, họ trở lại cuộc sống đời thường, biết sống giữ gìn giới hạnh của người cư sĩ tại gia và được mọi người quý mến, kính trọng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Anh huong cua Phat giao toi nhan cach cua Chu tich Ho Chi Minh 1

Việc xuất gia gieo duyên theo truyền thống của Phật giáo, ngoài ý nghĩa là để tu học và rèn luyện nhân cách đạo đức theo lời Phật dạy, còn có ý nghĩa khác nữa, đó là xuất gia gieo duyên để báo đáp công ơn cha mẹ. Dù với ý nghĩa nào đi nữa, xuất gia gieo duyên cũng là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của các nước theo Phật giáo Nguyên thủy, và truyền thống này có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Bác Hồ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, Từ thủa thiếu thời, Bác đã tiếp nhận ảnh hưởng sâu đậm những tư tưởng cao đẹp của Phật giáo ngay trong gia đình. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chính cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ trong thời gian dạy học ở Đồng Tháp đã chủ trương phục hưng phong trào Phật giáo như là nền tảng để phát động tinh thần yêu nước thương nòi của mọi tầng lớp sĩ phu nhằm chống lại giặc ngoại xâm.

Khi hoạt động bí mật ở Thái Lan, do nhân duyên nhiều đời kiếp đã trổ quả lành, Bác Hồ được xuất gia, đắp y sống đời phạm hạnh trong vòng 4 tháng tại chùa Từ Tế – Một ngôi chùa Việt Nam tại Bangkok, Có thể khẳng định rằng trong 4 tháng thực hành phạm hạnh đó đã giúp cho Bác định hình nhân sinh quan của mình theo đúng lời dạy của đức Phật – Bậc đã giác ngộ, Bậc thầy của chư Thiên và nhân loại.

Thật vậy, đức Phật sau khi giác ngộ tại Ấn Độ đã chỉ ra cho đại chúng thấy sự cao quý của việc xuất gia phạm hạnh cũng như những bổn phận mà cả hai hàng xuất gia và tục gia đều cần phải thực hành trong đời sống hàng ngày, đó chính là việc thực hành 3 bổn phận bố thí, trì giới và tham thiền.

Theo giới luật mà đức Phật chế định ra thì người đã xả ly thế tục, thọ đại giới để xuất gia trọn đời thì sẽ phải nghiêm trì 227 giới hàng ngày, các vị chỉ xuất gia gieo duyên thì phải nghiêm trì 10 giới, còn tục gia cư sĩ thì phải thọ trì 5 giới hàng ngày. Việc bố thí giới hạnh trong sạch của mình chính là pháp đại bố thí cao thượng vì sẽ đem lại cho chúng sinh hữu tình xung quanh một đời sống an lành và hạnh phúc.

Việc nghiêm trì giới hạnh theo nếp sống nhà Phật trong suốt 4 tháng liên tục đã giúp Bác trui rèn phẩm chất tri túc, thiểu dục, xả ly tham ái, vun bồi tâm từ tới pháp giới chúng sinh theo cách đức Phật đã dạy. Trong thời gian xuất gia, Bác Hồ cũng đã được tiếp cận giáo lý của Phật giáo nguyên thủy, được chư Tăng hướng dẫn thực hành thiền định và thiền tuệ.

Điều này đã được Bác Hồ thực hành miên mật, nhất là khi Bác bị thực dân Pháp cầm tù thì quãng thời gian khó khăn đó đã được Bác tận dụng để hành thiền, giúp cho việc định tâm sáng suốt, trầm tĩnh để lo cho đại sự của nước Việt sau này. Việc hành thiền còn được Bác Hồ duy trì mãi đến những năm cuối đời và được các nhà viết sử, các phương tiện truyền thông ghi lại.

Một dấu ấn ghi đậm nét với Bác Hồ trong 4 tháng xuất gia tại Thái Lan là việc thực hành hạnh trì bình khất thực. Theo truyền thống có từ thời đức Phật còn tại thế, tất cả các vị xuất gia hàng ngày đều phải ôm bát đi khất thực.

Hình ảnh từng đoàn những vị xuất gia đầu trần, chân đất, tam y một bát đều đặn mỗi ngày xuất hiện trước cửa nhà dân trong vùng, với oai nghi tế hạnh thanh cao, dáng đi thiền hành trầm ổn, chậm rãi trong tĩnh lặng tỉnh giác, ôm bình bát đi khất thực “một bát cơm ngàn nhà” trong suốt 4 tháng xuất gia của mình chắc chắn đã tạo ra cho Bác Hồ một nhân cách sống thật gần gũi với đời sống của nhân dân.

Giáo lý nhà Phật dạy rằng các vị xuất gia xả ly thế tục, không còn nhà cửa, vợ con tài sản, chân đạp đất, đầu đội trời, tứ cố vô thân hàng ngày thực hiện hạnh trì bình khất thực đi xin đồ ăn do thiên hạ bố thí, sống đời xuất gia phạm hạnh là hạng người vô cùng cao quý, trong kinh điển có ghi rằng “phạm hạnh của một vị vừa xuất gia cũng đủ khiến vua trời Đế Thích phải quỳ xuống rập đầu đảnh lễ”.

Hình ảnh phật tử quỳ rạp xuống sát đất, cung kính đảnh lễ, dâng cúng dường đồ ăn tới các vị xuất gia đầu trần chân đất là một trong số hiếm những hình tượng khiến cả trời người đều hoan hỉ.

Hoạt động trì bình khất thực hàng ngày của chư Tăng đến tận từng nhà phật tử nâng đỡ đời sống tinh thần, sách tấn cho đại chúng phật tử làm lành, lánh dữ, tri túc thiểu dục là những bài học hết sức quý báu sau này giúp cho Bác Hồ hoạch định và kiện toàn chính sách cán bộ theo những chuẩn mực của đạo Phật là rất cao quý nhưng bình dị, chân thành “cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

2. Giáo lý của đạo Phật được áp dụng trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh

Năm 1941, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuyển phương pháp đấu tranh cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pác Bó, Bác Hồ đã vẽ ảnh đức Phật treo lên vách đá để hàng ngày nhắc nhở mình và các cán bộ rèn luyện tâm tính và tri túc cần kiệm.

Sau khi giành độc lập năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhằm tạo điều kiện giúp giới tăng, ni và phật tử có thể tham gia phong trào yêu nước một cách thiết thực hơn.

Ngày 15-3-1946, Hồ Chủ tịch kí quyết định thành lập Việt Nam Phật giáo Hội, trụ sở tại 73 phố Quán Sứ, Hà Nội. Bác Hồ một lần nữa khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với dân tộc khi đến thăm các vị cao tăng như Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Thanh Hỷ, Hòa thượng Võ Thịnh… tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Trong buổi nói chuyện với chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo cùng phật tử tại đây, Hồ Chủ Tịch khẳng định: “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi – vô ngã – vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc” (1)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Anh huong cua Phat giao toi nhan cach cua Chu tich Ho Chi Minh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 03/01/1957. (Ảnh tư liệu)

Tiếp theo đó, tại chùa Bà Đá, Hà Nội, trong buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái, Bác lại nói: “Nhân ngày lễ Phật Rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở thành nước Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện“.

Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất, trong bức thư “Gửi Hội Phật tử Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang… đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn.

Người phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc.

Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của đức Phật, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi ách nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, cộng đồng Phật tử đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất, độc lập thành công”.

Trong thời gian từ năm 1954 đến những năm cuối đời, Bác Hồ đã đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo ở miền Bắc, tiếp xúc với nhiều tăng ni, phật tử. Ngày 8-1-1957, trong thư gửi các vị tăng ni và tín đồ Phật giáo nhân dịp Đại lễ Vesak, Hồ Chủ tịch đã gửi lời khen ngợi các tăng ni và tín đồ đã “sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là phật tử.

Ngày 19-5-1960, đúng dịp sinh nhật lần thứ 70 của Bác. Sáng hôm đó, Bác Hồ vào thăm chùa Hương. Trong những giây phút thanh thản giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ, phảng phất hương thiền, Bác dạy: “Chùa Hương là một nơi cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi, cần được bảo vệ và mở mang quy hoạch lại, phải trồng cây cối cho đẹp để bà con trong nước và khách nước ngoài đến đây vãn cảnh”.

Bác đã chỉ thị cho chính quyền địa phương ở Bến Đục, làng Yến Vĩ phải sửa lại thuyền bè, làm thêm cầu phao và mở thêm đường mới để du khách và chư tăng ni, phật tử dễ dàng đi lại, chiêm bái cảnh chùa được tự do, an toàn.

Bác Hồ luôn đánh giá cao đạo Phật với thái độ trân trọng. Ta có thể nhận rõ những nét giá trị cao đẹp, có sự gần gũi, giao thoa với tư tưởng Phật giáo với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng của Phật giáo, nghệ thuật khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới” (2). Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Bác nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương đức Phật, quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới” (3).

Ông Srivalisnha, Chủ tịch Hội truyền bá đạo Phật Mahabodi ở Ấn Độ phát biểu trong lần tiếp Bác Hồ khi Bác sang thăm Ấn Độ: “Chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh ngài Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy… Cũng như Đại Đế Asoka, một Phật tử đầy lòng từ bi bác ái, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người đầy lòng tin tưởng…

Chủ tịch thật là một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng từ bi là đạo đức quý nhất của tín đồ Phật giáo. Phật tử Ấn Độ rất lấy làm tự hào xem Ngài là một con người ưu tú của một nước đã có quan hệ mật thiết về văn hóa và tín ngưỡng hơn hai ngàn năm với đất nước chúng tôi”(4).

Nhà thơ Huy Cận viết: “Khi bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có một tấm lòng kính mộ sâu sắc và cảm động đối với Đức Phật ở Ấn Độ – người sáng lập ra đạo Phật, cũng như đối với tất cả các vị sáng lập những tôn giáo lớn. Người đã cảm nhận ở các vị giáo chủ này trước hết là lòng thương cảm sâu sắc đối với số phận của những chúng sinh và ý muốn thiết tha làm sao giảm nhẹ hoặc xóa bỏ những nỗi đau khổ của con người trên trái đất” (5)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, Bác Hồ đã viết lời kêu gọi tăng ni, phật tử “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm và bọn tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”.

Khi chế độ Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Vesak năm 1963, Cộng đồng tăng, ni, phật tử miền Nam đã đấu tranh quyết liệt, đỉnh điểm là ngày 11-6-1963, Đại đức Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối sự áp bức Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Trước sự xả báo cao quý và anh dũng của Đại đức Thích Quảng Đức, Bác Hồ đã hết sức cảm động và Bác đã làm câu đối kính viếng:

“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt.
Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà” (6)

Ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời tuyên bố nghiêm khắc lên án bè lũ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp dã man tăng ni, phật tử và khủng bố, bắt bớ giáo sư, sinh viên, học sinh miền Nam: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại sảy ra thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt giáo sư và sinh viên, học sinh.

Tội ác của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình… Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”.

Bác Hồ khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tất yếu sẽ thắng lợi: “Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định giành được thắng lợi”; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, tín đồ Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm:

“Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ – Diệm và nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của tăng ni, tín đồ Phật giáo trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1964, trong thư gửi Đại hội kỳ 3 Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Người viết: “Các vị Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”..

Trên tinh thần tiếp thu, kế thừa truyền thống từ bi bác ái của đạo Phật, với tư duy độc lập và sáng tạo, Bác Hồ đã xây dựng lên thành giá trị đạo đức của người cộng sản, trong đó đề cao các giá trị tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội để làm chuẩn mực cho các thế hệ cán bộ cách mạng trong việc ứng xử với quần chúng và tôn giáo.

Từ đó giúp cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hòa đồng bản sắc tôn giáo với bản sắc dân tộc để tất cả đồng lòng góp sức xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, bình an và hạnh phúc.

Những giá trị cốt lõi của Phật giáo hòa quyện với tư tưởng Hồ Chí Minh đang trở thành những bài học vô cùng quý báu trong việc hoạch định đường lối xây dựng cán bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

NNC Tuệ Ân
Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

***

Chú thích nguồn;
(1) Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.321-322.

(2) Hồ Chí Minh. Truyện và ký. NXB Văn Học, Hà Nội, 1985, tr.201.

(3) Hồ Chí Minh. Sđd, tr.208.

(4) Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr.30.

(5) Cù Huy Cận. Hồ Chí Minh – nhà văn hóa lớn, một người hiền của thời đại chúng ta. Báo Nhân Dân ngày 1-9-1989.
(6) Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005.

(7) Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 29-8-1963, tr.1

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường