Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Vài suy nghĩ về nghi lễ Phật giáo Việt Nam hiện nay

Vài suy nghĩ về nghi lễ Phật giáo Việt Nam hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thực hành nghi lễ Phật giáo được xem như là một thời khóa công phu tu hành, dù là thực hiện trong các cơ sở tự viện chùa chiền hay những nơi công cộng, lễ hội, tư gia phật tử thì sẽ phát huy được tác dụng của nghi lễ trong đời sống tu tập của cả những vị xuất gia cũng như cư sĩ phật tử tại gia.

Tác giả: TS.Thích nữ Thanh Quế & TS.Thích Hạnh Tuệ

Trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển của khoa học lịch sử, khảo cổ, liên ngành cho chúng ta biết, từ thế kỷ thứ III trước công nguyên, Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam, tính đến nay đã gần 24 thế kỷ.

Từ những năm đầu công nguyên, Phật giáo Việt Nam gắn liền với vận mệnh của dân tộc, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, có những đóng góp vô cùng to lớn trong việc dựng nước và giữ nước trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử.

Các nhà nghiên cứu uy tín hàng đầu về khoa học xã hội nhân văn trong nước cũng như quốc tế đều công nhận, ở Việt Nam, Phật giáo đã được bản địa hóa từ lâu và quá trình này diễn ra một cách liên tục, trở thành một thành tố cực kì quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc.

Hòa trong dòng chảy văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, nghi lễ Phật giáo đã hình thành, tồn tại và lan tỏa sâu rộng vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội Việt Nam hàng ngàn năm nay. Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, nghi lễ Phật giáo có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội Việt Nam và trong công cuộc hoằng dương chính pháp lợi lạc chúng sinh.

Nghi Lễ Phật giáo là Nghi Lễ đem đến an lạc và giải thoát cho cả người thực hiện, đối tượng tham dự và cả đối tượng tiếp nhận, đối tượng tham dự.

Trong thời đại ngày nay, Nghi lễ PGVN là một bộ phận vô cùng quan trọng, góp phần quyết định một phần không nhỏ trong sự hưng suy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vì sao chúng ta lại khẳng định như vậy?

Bởi vì, không ai phủ nhận một thực tế là, hầu hết những hoạt động giao tiếp thường xuyên và trực tiếp giữa tăng, ni và quần chúng trong đó có phật tử đều thông qua việc thực hành Nghi Lễ Phật giáo. Chúng ta có thể nhận ra rằng, hiện nay Nghi Lễ chính là một trong những thành tố quan trọng của Phật giáo có sức tác động không nhỏ đối với đời sống xã hội. Cho nên Nghi Lễ là một đối tượng thiết yếu cần được Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Nghi Lễ Trung Ương nói riêng quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Xét một cách tổng quan và toàn diện, Nghi Lễ hiện nay của Phật giáo chúng ta đã thực sự đáp ứng được nhu cầu đời sống tâm linh (kể cả Sự và Lý) cho đại đa số quần chúng nói chung và đồng bào phật tử nói riêng hay chưa?

Vấn đề Nghi Lễ Phật giáo hiện nay của chúng ta có rất nhiều thứ cần thảo luận, trao đổi; rất nhiều mặt tồn tại cần giải quyết. Cho nên, chúng tôi kính mong rằng trong hội thảo này, cũng như trong các hội thảo sau này, những bài tham luận của các đơn vị nêu lên được những vấn đề bức thiết và thực tế cả mặt tích cực và hạn chế về Nghi Lễ của địa phương mình, đồng thời đề xuất phương pháp giải quyết cụ thể và khả thi những vấn đề tiêu cực tồn đọng. Có như vậy, chúng ta mới có thể từng bước giải quyết được những vấn đề đặt ra về Nghi Lễ một cách thiết thực nhất. Trên cơ sở đó phát huy các biểu hiện tích cực, hạn chế những tiêu cực, từng bước hoàn thiện dần cả Sự và Lý của Nghi Lễ.

Trong khuôn khổ bài tham luận này, chúng con xin nêu lên một vài suy nghĩ về những vấn đề mà chúng con nghĩ là rất bức thiết:

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung Phu dao trang 3

Một nghi lễ Phật giáo

1. Nghi lễ Phật giáo như là một phương pháp hành trì tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ.

Chúng ta, phải chăng đã nhìn nhận một cách nghiêm túc Nghi Lễ Phật giáo như là một phương pháp tu hành, đồng thời là một phương tiện hoằng dương chính pháp hữu hiệu.

Các chùa tu theo Bắc Truyền, mỗi ngày từ bốn đến sáu thời thực hành nghi lễ trì tụng các kinh chú như: Chú Lăng Nghiêm, Thập chú, kinh Di Dà, Kim Cang, Pháp Hoa, Phổ Môn, Dược Sư, Địa Tạng, lễ sám hối Hồng Danh, Mông Sơn, Tứ Ân…xem đó như là công phu tu hành.

Các hành giả tu tập theo Pháp Hoa tông, chuyên hành trì đọc tụng kinh Pháp Hoa mỗi ngày sáu thời. Phương pháp này cũng là phương pháp tu tập đạt đến giác ngộ giải thoát.

Có hành giả chỉ chuyên thực hành nghi lễ xướng: Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh, vừa xưng tụng vừa lễ lạy.

Có hành giả cả đời chỉ tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa và lễ lạy từng chữ cũng đạt đến kết quả thành tựu trí tuệ giải thoát.

Các vị tu theo Mật tông, thường hành trì nghi lễ tụng các thần chú, lễ quán đảnh làm công phu tu hành.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo giác ngộ, là đạo giải thoát cho nên bất kỳ phạm trù nào thuộc về Phật giáo đều nhắm đến tông chỉ giác ngộ giải thoát của đạo Phật, trong đó có nghi lễ. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta cần chú ý tập trung, nhấn mạnh tông chỉ giải thoát của Nghi Lễ Phật Giáo.

Thực hành nghi lễ Phật giáo được xem như là một thời khóa công phu tu hành, dù là thực hiện trong các cơ sở tự viện chùa chiền hay những nơi công cộng, lễ hội, tư gia phật tử thì sẽ phát huy được tác dụng của nghi lễ trong đời sống tu tập của cả những vị xuất gia cũng như cư sĩ phật tử tại gia.

Các vị tôn túc lãnh đạo Ban Nghi Lễ, các thành viên, quý tăng, ni trụ trì, hoặc có trách nhiệm ở các cơ sở tự viện khi làm lễ Quy y hay giảng dạy phật pháp nên khuyên các cư sĩ phật tử hằng ngày, nếu không về chùa tham dự các khóa lễ tụng kinh được thì nên thực hành nghi lễ tụng kinh trước bàn Phật tại tư gia. Điều nay sẽ góp phần rất lớn trong sứ mạng hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo Việt Nam.

Có thể nói, khi nào, mọi hình thức hoạt động, thực hành nghi lễ Phật giáo đều nhắm đến mục đích giác ngộ, giải thoát và cứu độ chúng sinh thì vai trò của nghi lễ Phật giáo sẽ nâng lên một tầm cao mới.

Các vị hoạt động trong lĩnh vực nghi lễ hãy nỗ lực tránh được bịnh hình thức, kiểu cách, phô trương không có thực chất và vì mục tiêu ích lợi cá nhân, sử dụng Nghi Lễ như là một nghề sinh lợi của những người “làm nghề” Nghi Lễ. Đây là một vấn đề thực trạng, không phải là cá biệt trong thời đại ngày nay cần phải có những giải pháp thiết thực, phù hợp và khả thi mới mong chấn chỉnh được.

Nghi Lễ của Phật giáo chúng ta phải là sự lý viên dung.

2. Kế thừa tinh hoa và phát huy truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

Kế thừa có chọn lọc tinh hoa của những kinh nghiệm, những kinh sách về Nghi Lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam cũng như Văn hóa Việt Nam. Nghĩa là chọn lấy những phần khế hợp với tư tưởng Phật giáo, mang bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam và phù hợp với thời đại mới – thời đại khoa học rất phát triển, thời đại công nghệ tri thức, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0.

Nên chăng, dần dần loại bỏ những phần không phù hợp, nặng tính giáo điều Nho giáo, và sắc thái mê tín thần bí của Đạo giáo.

Để có thể từng bước thống nhất Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam trong tất cả các lễ hội Phật giáo từ trong nước đến quốc tế; trung ương đến địa phương; từ trụ sở giáo hội các cấp đến tận các chùa cơ sở thì chúng ta cần nghiên cứu thực tiễn một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng. Muốn thực hiện được việc này, chúng con nghĩ rằng cần phải kiên trì và có lộ trình phù hợp và khả thi. Nếu vội vàng, hấp tấp và tư biện sẽ khó mà thực hiện được.

Ban Nghi Lễ trung ương có văn bản đề nghi Ban Nghi Lễ Phật giáo các tỉnh thành nên tập trung soạn một cuốn Nghi Lễ Thông Dụng phù hợp với thực tế địa phương truyền thống Phật giáo tỉnh mình, gửi về Ban Nghi Lễ Trung Ương.

Trên cơ sở đó, Ban Nghi Lễ Trung Ương tập trung biên soạn cuốn Nghi Lễ Thông Dụng Các Miền và cuốn Nghi Lễ Thông Dụng Toàn Quốc. Nhất là thống nhất các Nghi Lễ trong đại được sử dụng trong các Phật sự mang tầm Quốc Tế như đại lễ VESAK Liên hiệp quốc và các Nghi Lễ mang tầm Quốc gia.

Làm như vậy, không chỉ bảo lưu được những nét đặc trưng văn hóa vùng miền riêng của từng khu vực, từng tỉnh mà còn hướng đến cái chung, cái thống nhất trên toàn quốc.

Làn được như vậy tức là chúng ta hướng về tính thống nhất trên nguyên tắc bảo giữ cái đặc trưng văn hóa nghi lễ từng vùng miền.

Ví dụ như Nghi Lễ Phật giáo phía Bắc ít nhiều ảnh hưởng các điệu hát chèo, quan họ…; Nghi lễ Phật giáo miền trung ít nhiều ảnh hưởng nghệ thuật hát Bội, hát tuồng…; Nghi Lễ Phật giáo miền Nam ít nhiều ảnh hưởng nghệ thuật cải lương, hò vè…

Cần nghiên cứu để đi đến thống nhất màu sắc, kiểu dáng pháp phục theo phẩm trật một cách cụ thể, cả cho tang, ni và cư sĩ phật tử, thiện nam – tín nữ khi hành lễ.

Trong thực tế, do nhiều nguyên nhân lịch sử, hiện nay sắc phục, pháp phục còn khá tuỳ tiện, trang phục không phù hợp, kiểu thức không thống nhất trong khi hành lễ, làm mất tính trang nghiêm, trọng thể. Màu sắc của Pháp phục phải được xem xét dựa trên bản sắc văn hoá truyền thống của Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam, không nên theo sở thích, sự ảnh hưởng ngoại lai, hay sự tư biện của một số người, nhòm người mà cần có sự thống nhất phổ biến.

Thời gian thực hành nghi lễ cần phải phù hợp với từng đối tượng, từng nhòm lứa tuổi là một vấn đề quan trọng mà Phật giáo chúng ta hình như chưa có sự quan tâm đúng mức.

Nên chăng, chúng ta nên khảo sát một cách nghiêm túc vấn đề thời gian hành lễ sao cho phù hợp vời từng lứa tuổi, từng đối tượng. Vì thời khoá hiện nay ở các chùa vẫn mang tính truyền thống, chỉ phù hợp với những người lớn tuổi và không làm việc. Nên quan tâm đến thời gian và điều kiện hành lễ phù hợp cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên và những người làm việc giờ hành chính. Chẳng hạn như chúng ta đề xuất tất cả cơ sở tự viện thêm vào một thời kinh lúc 5 giờ đến 6 giờ sáng cho phật tử, chọn nghi thức và thời gian lễ Phật thích hợp dành riêng cho thiếu nhi, nhằm bảo đảm tính thường xuyên và liên tục trong việc ươm mầm Phật pháp cho các em nhỏ…

Vấn đề hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu xuất bản ấn phẩm sách Phật giáo nói chung, sách về Nghi Lễ nói riêng cần quan tâm nhiều hơn nữa. Hiện nay, nhìn một cách khái quát, rất ít các sách chuyên khảo, công trình luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ lấy Nghi Lễ Phật giáo nói chung, Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng làm đối tượng nghiên cứu.

Ban Nghi Lễ Phật giáo Trung ương, Ban Nghi Lễ các tỉnh thành phối hợp làm việc với các Trường TCPH, Cao đẳng Phật học, các Học viện PGVN và Viện NCPH Việt Nam để thúc đẩy, xúc tiến việc nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến Nghi Lễ Phật giáo. Đây là việc làm rất cần thiết và khả thi.

Cần có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện xuất bản, lưu hành, truyền bá những sách có giá trị chuẩn về Nghi Lễ Phật giáo, Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam đồng thời ngăn chặn những quyển sách linh tinh không phù hợp với giáo lý và Nghi Lễ Phật giáo, văn hóa Việt Nam.

Cần có những chính sách khuyến khích những công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học về Nghi Lễ Phật giáo của tăng, ni có trình độ và các nhà nghiên cứu Nghi Lễ Phật giáo.

3. Nghệ thuật Việt hóa Nghi Lễ Phật giáo.

Đây là một vấn đề rất lớn có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Ban Nghi Lễ Phật giáo trung ương nói riêng.

Việt hoá Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam cũng là một vấn đề được nhiều giới, nhiều người quan tâm đề cập thảo luận, bàn cãi từ mấy chục năm nay.

Dù được nhắc đến nhiều, nhưng những giải pháp khả thi, hữu hiệu và cụ thể cho công việc này thì vẫn còn là một ẩn số cho đến hiện nay.

Một trong những vị cao tăng Việt Nam đã thực hiện phật sự trọng đại này nhiều chục năm và đã đạt được những thanh tựu đáng kể đó là Hòa thượng Nhất Hạnh. Kế thừa thành tựu, di chí của các bậc tiền bối tổ sư nhiều đời của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Nhất Hạnh đã nỗ lực Việt hóa kinh điển Phật giáo Việt Nam và dạy dỗ đồ chúng của mình đọc tụng và nghiên cứu kinh điển chữ Việt.

Hiện nay, chúng ta hô hào Việt hóa, nhưng chưa đưa ra cách thức làm sao để Việt hoá triệt để. Từ trước đến nay, các bậc đại sư tiền bối đã làm, các bậc trí giả hiện nay cũng đang làm, đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng vẫn chưa gọi là khả quan lắm. Đây là một việc không đơn giản, cần phải có mục tiêu, sách lược lâu dài và sự chung tay, góp sức của toàn bộ giới Phật giáo, nhất là đội ngũ trí thức.

Các bộ Đại Tạng Kinh chữ Hán khó có thể nào dịch toàn bộ ra chữ thuần Việt được, mà chỉ có thể Việt hoá tới mức độ nào đó mà thực tế ngôn ngữ hiện nay cho phép.

Ví dụ cụm từ “Đại Tạng kinh Việt Nam” chúng ta Việt hóa như thế nào ? chẳng lẽ dịch ra: Kho kinh Việt Nam lớn hay Kho kinh lớn Việt Nam sao?

Người nghiên cứu ngôn ngữ học đều biết, hiện nay trong kho từ vựng tiếng Việt có đến khoảng 60% hay 70% là từ gốc Hán mà chúng ta quen gọi là từ Hán Việt. Nói đến công việc Việt hoá Nghi Lễ Phật giáo, hướng đến tụng kinh bằng chữ thuần Việt là một định hướng quan trọng được nói đến rất nhiều, nhưng chúng ta không nên chủ quan và tư biện mà cần có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc để hoàn thiện dần.

Công việc Việt hóa hoàn toàn kinh điển Việt Nam chắc chắn chúng ta sẽ làm được, nhưng cần sự kiên trì, trí tuệ và thơi gian.

Một thực trạng mà chúng tôi thấy rằng có nguy hại rất lớn đến tín tâm của đại đa số đồng bào Phật tử hiện tại và mai sau mà Ban Nghi Lễ cần chú ý là vấn đề ấn loát, ấn tống, phát hành, cho tặng kinh điển một cách tuỳ tiện, sai sót nhất là những cuốn kinh tụng hằng ngày. Thường thấy nhất là tình trạng in sai, in thiếu, in dư và nhiều dị bản. Chúng ta nên nhanh chóng khắc phục tình trạng này, để nâng cao tín tâm của giới cư sĩ, phật tử thập phương.

– Khuyến khích các bậc cao tăng thạc đức am hiểu cả Sự và Lý trong và ngoài Ban Nghi Lễ ở các tỉnh thành trên cả nước đóng góp ý kiến phản biện thường xuyên về vấn đề nghi lễ gửi về Ban Nghi Lễ Trung Ương. Kịp thời đề cử những nhân tài về nghi lễ cho cả các Ban Nghi Lễ các tỉnh thành, cũng như Ban Nghi Lễ Trung Ương.

– Kịp thời khen thưởng những cá nhân có công đóng góp cho sự nghiệp hoàn thiện Nghi Lễ và những tác giả của những cuốn sách có giá trị về Nghi Lễ Phật Giáo.

Vấn đề cuối cùng đề cập đến là Ban Nghi Lễ Trung Ương cũng như Ban Nghi Lễ các tỉnh nên nghiên cứu, so sánh mối quan hệ giữa Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam và Nghi Lễ Dân Tộc Việt Nam. Tức là nghiên cứu sự tương đồng, dị biệt, tiếp thu, tiếp biến giữa chúng. Quan niệm dung hòa Tam giáo (Phật – Đạo – Nho) xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu công nguyên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội suốt thời Trung Đại cho đến hiện nay, nên khi nghiên cứu, thảo luận về Nghi Lễ Phật Giáo Việt Nam, chúng ta không thể không xem xét nó trong mối liên hệ với Nghi Lễ Đạo gia và Nghi Lễ Nho gia và Nghi Lễ văn hoá truyền thống bản địa Việt Nam.

Vi dụ như cuốn Kinh Lễ của Nho gia có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân tộc Trung Hoa suốt mấy ngàn năm và ảnh hưởng lan rộng đến các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Thực ra trong chúng ta ai cũng thấy được rằng: Pháp Khí thường dùng như tang, linh, chuông, mõ và sớ điệp công văn cả các Pháp Sự khoa nghi trong nhà Phật chúng ta hiện nay đều có liên quan ít nhiều đến Nho gia va Đạo gia.

Cho đến hiện nay, rất hiếm thấy những công trình nghiên cứu chuyên biệt và nghiêm túc về vấn đề này còn bỏ ngỏ.

Chúng tôi đã từng nhìn thấy sự lúng túng của một số vị lãnh đạo khi được giới thiệu, đứng lên chào mọi người mà không biết phải chào như thế nào mới đúng với bản sắc văn hóa Việt Nam? Có người giơ tay trái; có người giơ tay phải; có người nắm hai tay lại đưa ra phía trước, hài nhất là có vị tự vỗ tay cho mình khi được giới thiệu.

Chúng ta là người Việt Nam, mà cũng không biết cách thức chào hỏi trang trọng trước mọi người, với quốc tế của người Việt là như thế nào? Chúng ta cùng nhau nghiên cứu một cách nghiêm túc về vấn đề này, sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá Phật giáo nói riêng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.

4. Thay lời kết

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nêu lên một vài suy nghĩ về một số vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu, kế thừa, vận dụng, phát huy những đặc trưng của Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam truyền thống. Nhất là ứng dụng Nghi Lễ Phật giáo Việt Nam một cách phù hợp và hữu hiệu trong công tác giáo dục ở các cấp học tại các trường Phật học, trong đời sống tu tập hằng ngày, trong việc hoằng dương chính pháp lợi lạc quần sinh của người đệ tử Phật.

Tác giả: TS.Thích nữ Thanh Quế & TS.Thích Hạnh Tuệ

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường