Ban Trị sự GHPHVN tỉnh Quảng Bình Tham luận tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm hiện diện và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã gắn bó mật thiết với dân tộc Việt Nam. Quá trình đó đã có những thời kỳ thịnh, suy của dân tộc, đạo Phật Việt Nam đã tích cực đóng góp công sức của mình cho công cuộc chống lại các thế lực thù địch, ngoại bang, khôi phục hòa bình đem lại an lành, hạnh phúc, giành lại độc lập, chủ quyền dân tộc. Đạo Phật Việt Nam đã trở thành một tôn giáo của dân tộc.
Tôn chỉ xuyên suốt của đạo Phật lấy trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường dẫn lối, lấy hạnh nguyện từ bi để làm phương tiện phổ độ chúng sinh. Lấy tinh thần xuất thế làm mục tiêu hướng thượng, giác ngộ, giải thoát. Lấy tinh thần nhập thế để thể hiện phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Là những đệ tử của đức Như Lai noi theo hạnh Phật, luôn luôn lấy tinh thần phục vụ Phật sự làm trợ duyên để tinh tấn trên bước đường tu học, hoằng pháp, lợi sanh, góp phần cùng Giáo hội xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam ngày càng vững chắc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp bao giờ cũng là thành viên đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kính thưa liệt quý vị.
Hơn 40 năm qua, từ năm 1981 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qua 8 nhiệm kỳ Đại hội, mỗi nhiệm kỳ Đại hội suy cử chư tôn giáo phẩm uy tín, đạo đức lãnh đạo Giáo hội. Từ đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập trung trí tuệ hoạch định tổ chức và triển khai các hoạt động Phật sự cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mang tính thiết thực, khẳng định rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) các cấp là một thể thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong tất cả Phật sự phù hợp với xu thế phát triển của xã hội mới.
Trong giai đoạn hiện nay, Phật giáo luôn phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội” để chủ động, sáng tạo trong hội nhập thế giới.
Ngay từ khi mới thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được kế thừa mối bang giao quốc tế trong quá khứ, với tư cách là thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, thành viên tích cực tham gia vào tổ chức Phật giáo Quốc tế như Hội Phật giáo châu Á vì hòa bình, và mối quan hệ Phật giáo với các nước trong khu vực như: Mông Cổ, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan…
Trong bối cảnh đất nước đang phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, dân giàu nước mạnh, xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng với thời cơ vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi mà tình hình trên thế giới và trong khu vực đang có những thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp nguyên nhân đưa đến nguy cơ của chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó lường. Giáo hội cần phải phát huy hơn nữa truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Trong điều kiện đối diện với những khó khăn, thách thức trong hoạt động giao lưu quốc tế do những tác động nêu trên đặt ra yêu cầu GHPGVN tiếp tục đẩy mạnh vai trò của Phật giáo trong hội nhập. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động Đối ngoại Nhân dân, Ngoại giao Văn hóa, Tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua 2017 - 2022. Ban Phật giáo quốc tế dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Trưởng ban, chúng ta đã thiết lập được các mối quan hệ, đối thoại quốc tế trên nhiều lĩnh vực cũng như các hoạt động giao lưu Văn hóa Phật giáo Việt Nam với các nước bạn và một số Phật sự quan trọng đã được sự ghi nhận, tôn trọng của các nước trên thế giới.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa các Phật sự của GHPG Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Xác định rất rõ theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đó là chúng ta làm bạn với tất cả các nước trên thế giới và coi hoạt động đối Ngoại của Giáo hội là ngoại giao Nhân dân và Ngoại giao Văn hóa.
Kính thưa Quý liệt vị!
Với bối cảnh đặt ra như trên, chúng tôi xin đề xuất một vài biện pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước truyền thống Phật giáo trên thế giới, đồng thời tổ chức các đoàn của GHPGVN thăm viếng Phật giáo các nước, cũng như tiếp đón các phái đoàn Phật giáo các nước trên tinh thần hữu nghị, sâu sắc mối quan hệ quốc tế.
Thứ hai, trau dồi kiến thức và giao lưu học thuật trên các diễn đàn quốc tế, thông qua các Hội nghị, hội thảo Quốc tế về Phật giáo; tiêu biểu là những lần đại lễ Vesak Liên Hợp quốc khi Việt Nam là nước đăng cai tổ chức. Đây là dịp để quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, nghĩa tình và yêu chuộng hòa bình.
Thứ ba, tổ chức những chuyến Hoằng pháp sang các nước để phục vụ, chăm sóc đời sống tâm linh cho cộng đồng bà con ở nước ngoài, hướng bà con về cội nguồn Tổ quốc thân yêu, xây dựng nếp sống lành mạnh, giữ gìn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, phát huy vai trò của mô hình Ban liên lạc Phật tử hải ngoại.
Thứ tư, tùy thuộc vào điều kiện thực tế, các hoạt động giao lưu quốc tế của GHPGVN sẽ tiến hành trực tiếp và trực tuyến thông qua các diễn đàn Phật giáo quốc tế.
Thứ năm, duy trì và mở rộng mối liên lạc thường xuyên để hướng dẫn Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thứ sáu, GHPGVN tạo điều kiện tối đa cho việc chư Tăng Ni được trau dồi trình độ Phật học tại nước ngoài. Đây là cơ hội để đưa Phật giáo Việt Nam hội nhập với Phật giáo Quốc tế.
Kính thưa Liệt quý vị, Trên đây là bài tham luận với nội dung “Những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp trong hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế của GHPGVN” chúng tôi trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. Xuất phát từ thực tiễn bối cảnh thế giới và trong nước như hiện nay, chúng tôi mạnh dạn đề xuất những giải pháp ở trên được Đại hội lưu tâm để GHPGVN tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động đối ngoại thời kỳ hội nhập với những thuận lợi và thách thức mà đất nước đang có trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, khẳng định được vai trò của Phật giáo trong công cuộc xây dựng đất nước, đưa Việt Nam phát triển xa hơn trên trường quốc tế.
Một lần nữa, kính chúc Đại hội thành công viên mãn, kính chúc liệt Quý vị an lạc.
Ban Trị sự GHPHVN tỉnh Quảng Bình Tham luận tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Bình luận (0)