Theo như nghiên cứu của chúng tôi thì khoảng thế kỷ thứ V, âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã được định hình và phát triển. Các nghiên cứu của Giáo sư Lê Mạnh Thát1 và của tác giả hơn 10 năm qua trên cơ sở nguồn tài liệu thành văn, các nguồn tư liệu khảo cổ học và mỹ thuật hiện còn lưu trữ tại các ngôi chùa, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều pho tượng được tạc có gắn với dấu ấn âm nhạc trong nhiều ngôi chùa cổ Việt Nam - là minh chứng sống động khẳng định âm nhạc Việt Nam đã có đời sống dài lâu gắn với ngôi chùa Việt2. Cần nói thêm, nhiều khả năng âm nhạc nghi lễ Phật giáo đã từng được sử dụng trong cung đình dưới thời Lý - Trần hoặc có sự tham gia của cung đình trong định chế âm nhạc nghi lễ Phật giáo từ thời kỳ này3. Di sản văn hóa độc đáo này cần được chú trọng, đánh thức và bảo tồn, phát triển trong đời sống văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung hôm nay và mai sau.

1. Tại sao cần công nhận di sản âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam?

Âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung không chỉ là một hình thái ý thức mang tính lịch sử, sinh ra để phục vụ nhu cầu giải trí hoặc thực hiện chức năng phương tiện thuần túy, mà trên hết, nó là sự trưng cất đỉnh cao, phản ánh tư tưởng, bản lĩnh trí tuệ của một dân tộc, ở đây là thông qua giáo đoàn Phật giáo Việt Nam, với bề dày hàng nghìn năm lịch sử để cấu thành nên bản sắc của một nền văn hóa cụ thể. Ở những nước có nền văn hóa lâu đời như Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Tây Á, Bắc Á, thậm chí là những tộc người thiểu số có lịch sử phát triển lâu dài như Khơ me, Chăm,…thì chỉ thông qua nghe âm nhạc truyền thống của họ, chúng ta phần nào nhận diện được nền văn hóa cũng như sắc thái đặc trưng riêng của họ trong sự đa dạng của văn hóa quốc gia, nhân loại.

Âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam, mặc dù sinh ra trên nền tảng của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam nhưng đã thể hiện được đặc trưng riêng gắn với triết lý và tập quán tu tập của tôn giáo này. Có thể nói, âm nhạc Phật giáo, sinh ra để thực hiện chức năng nghi lễ, nhưng vô hình chung, đã đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam một di sản với sắc thái đáng chú ý. Chỉ nhìn vào âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam, người ta có thể nhận diện phần nào lịch sử, trí tuệ và những đóng góp của tăng đoàn cũng như giới trí thức Phật giáo Việt Nam cho văn hóa dân tộc và cho văn hóa Phật giáo thế giới. Chúng ta có quyền tự hào rằng, âm nhạc nghi lễ Phật giáo của chúng ta là một giá trị độc đáo so với nền âm nhạc Phật giáo ở nhiều quốc gia trong khu vực. Những hình thức Tán, Tụng cổ xưa còn lưu truyền đến ngày hôm nay đã thể hiện được những giá trị độc đáo với hình thức, cấu trúc tương đối ổn định, có quy luật của một thể loại âm nhạc chuyên nghiệp bác học.

Âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam phong phú, đa dạng; giữa miền Bắc, Trung, Nam đã có sự khác nhau, thậm chí có sự khác nhau ngay trong từng tiểu vùng của từng miền. Tính địa phương, vùng miền trong âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam chính là một đặc sản nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một chương trình Liên hoan Âm nhạc nghi lễ Phật giáo toàn quốc, chúng ta sẽ nhận diện được những đặc sắc đó. Thế giới họ khá quan tâm đến những giá trị độc đáo này, bởi đây là sự trưng cất – như trên đã trình bày – với sự sáng tạo, thực hành từ hàng nghìn năm lịch sử.

Đứng trước vấn đề hội nhập văn hóa, vấn đề nhận thức của người thực hành, chúng ta cần chủ động đưa ra chiến lược bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam, tránh nguy cơ lai căng, thất truyền trong thời gian rất sớm. Sẽ là một tổn thất rất lớn nếu như chúng ta tự làm mất đi, hoặc lai căng, thất truyền một kho tàng âm nhạc nghi lễ Phật giáo vốn được ông cha ta dày công xây dựng trên một nghìn năm qua! Đồng thời, trước bối cảnh giao lưu và hợp tác quốc tế hiện nay, âm nhạc Phật giáo nói chung sẽ là một kênh rất quan trọng để chúng ta khẳng định được bản lĩnh trí tuệ và bề dày lịch sử văn hóa Phật giáo và dân tộc Việt Nam trước thế giới khi chúng ta sử dụng di sản này trong quá trình giao lưu, đối thoại văn hóa, đặc biệt là các sự kiện lớn như Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.

UNESCO là một tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc; Việt Nam đã có nhiều di sản được Cơ quan này công nhận. Việc UNESCO công nhận sẽ thuật lợi cho chúng ta trong việc hoạch định chính sách, phương pháp bảo tồn và phát huy di sản này một cách khoa học, phù hợp ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. UNESCO rất quan tâm tới giá trị di sản, tôn trọng cộng đồng sản sinh và thực hành nó trong đời sống hằng ngày. Vì thế, để tránh tình trạng di sản âm nhạc Phật giáo bị thất truyền, lai căng thì chúng ta cần dựa vào một tổ chức với kinh nghiệm theo chuẩn quốc tế thực hiện công việc ghi nhận và tôn vinh đối với di sản âm nhạc nghi lễ cổ truyền của chúng ta.

Thông qua đó, cũng là để âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam cần được bảo tồn, bảo vệ và phát huy bởi Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số cơ quan chuyên trách khác; việc sử dụng âm nhạc Phật giáo hôm nay và mai sau cần được định hướng bởi các cơ quan quản lý và các chuyên gia từ Trung ương tới địa phương để âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam ở mỗi vùng miền sẽ phát huy được sắc thái riêng của mình, như một mạch nguồn trong trẻo chảy mãi trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam. Ngược lại, nguy cơ lai căng, thất truyền, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” (bản sắc Bắc – Trung – Nam lẫn lộn), người ta không phân biệt được truyền thống của nhau – là một tổn thất rất lớn mà chúng ta cần phải chú trọng ngay từ hôm nay. Chính vì thế, âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam cần được công nhận ở cấp độ quốc gia, thế giới để chúng ta nhận diện, nhận thức sâu sắc hơn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này và trách nhiệm của chúng ta khi thực hành, bảo tồn và phát triển cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau.

2. Những động thái cần làm hiện nay là gì?

Nói ra có thể ai đó nghĩ rằng “đao to búa lớn” nhưng ngay bây giờ chúng ta đang rất cần một “hồi chuông” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta cần tổ chức những cuộc hội thảo chuyên sâu về nghệ thuật Phật giáo, thậm chí là riêng lĩnh vực âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Đồng thời chúng ta cần phải có phương án triển khai ngay hoạt động KIỂM KÊ VỐN DI SẢN ÂM NHẠC NGHI LỄ PHẬT GIÁO VIỆT NAM nhằm nhận diện, đánh giá lại diện mạo và thực trạng âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam trên phạm vi cả nước. Như vậy, ở đây chúng ta sẽ cần chính sách, cần thiết chế riêng để kiểm kê, bảo tồn và duy trì loại hình di sản này một cách chuyên nghiệp.

Tiến tới, chúng ta sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về âm nhạc Phật giáo nói chung, bao gồm cả âm nhạc nghi lễ và các ca khúc viết về Phật giáo. Để, thông qua đó, chúng ta nhìn nhận và khẳng định mình, cũng là để học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc cũng như di sản văn hóa nghệ thuật Phật giáo.

Thiết nghĩ, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cần có một trung tâm nghiên cứu và bảo tồn nghệ thuật Phật giáo Việt Nam một cách chuyên nghiệp, có nguyên tắc và nghiêm túc thật; có như thế chúng ta mới khẳng định được chúng ta, là cơ sở để các nền Phật giáo khác “đo” được chúng ta.

Tựu chung lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần:

Một là, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Di sản Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, trong đó có âm nhạc. Tập hợp một cách công tâm các nhà chuyên môn, các chuyên gia để thực hiện bảo tồn và phát huy những di sản nghệ thuật Phật giáo.

Hai là, tổ chức tổng kiểm kê vốn di sản nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, trong đó có âm nhạc nghi lễ Phật giáo. Ở đây, chúng ta có thể tập hợp toàn bộ các tư liệu thành văn, tư liệu khảo cổ và mỹ thuật liên quan đến âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Ba là, cho tổ chức các cuộc hội thảo chuyên sâu về âm nhạc nghi lễ Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo ở cấp Học viện, Ban Văn hóa, Tạp chí, hoặc ở cấp quốc tế về vấn đề chuyên sâu này.

Bốn là, đưa âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam vào giảng dạy trong các trường Trung cấp, học viện Phật giáo; mỗi trường Phật học ở khu vực, căn cứ vào tính vùng miền và tông phái mà đưa âm nhạc khu vực đó vào giảng dạy cho tăng, ni sinh. Chỉ có lực lượng tri thức này mới có thể tham gia một phần tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy loại hình di sản độc đáo này.

Năm là, đưa âm nhạc Phật giáo cùng với âm nhạc truyền thống dân tộc vào giới thiệu trong các kỳ Đại lễ Vesak, đặc biệt là các kỳ lễ được tổ chức tại Việt Nam.

Chạm khắc Nhị, Sáo, Phách trên chất liệu gỗ, chùa Thái Lạc, Lạc Hồng, Văn Lâm

Ngoài ra, đây là vấn đề liên quan tới văn hóa Việt Nam nói chung nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sự phổ hợp với các Bộ, Ban, Ngành liên quan trực thuộc chính phủ để, thông qua bảo tồn văn hóa Phật giáo, Nhà nước và Chính phủ ta bảo tồn và phát triển tinh hoa nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

 

3. Thay lời kết

Chúng ta cần phải nhìn vào một sự thật là: hiện nay, nhiều vấn đề trong giáo dục và văn hóa ở ta đang xuống cấp. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu về lĩnh vực liên quan nhưng ít được cơ quan, tổ chức liên quan quan tâm, tham vấn kinh nghiệm. Bởi vì, những vấn đề trong phạm vi “không chết ai” thì đương nhiên không mấy ai quan tâm làm gì; văn hóa thuộc thứ “sống hay chết không quan trọng!” (lời của một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Việt Nam khi than phiền về thực trạng làm văn hóa ở ta hiện nay). Chính vì thế, nhiều giá trị của chúng ta đã, đang và sẽ biến mất sau hàng nghìn năm sinh thành và phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc cũng là một tất yếu. Do đó, đối với nền văn hóa nói riêng, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, rất cần một cuộc “chấn hưng thật”!

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2019.

Tác giả: TS.Nguyễn Đình Lâm Đại học Quốc gia Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2019 ---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Đình Lâm (2013), Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo ở Hà Nội, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội. 2. Lê Mạnh Thát (2005), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tạp I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 3. Tài liệu điền dã thực địa tại Bắc bộ từ năm 2006 đến năm 2013.