II. NGHI LỄ CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN

Vài nét tổng quan

Hợp nhất ba Thiền phái hiện diện lúc đương thời cũng có nghĩa là nghi lễ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần (PGTLTT) khế hợp nghi lễ của ba Thiền phái đó. Một cái nhìn tổng thể, cả ba Thiền phái đều có nguồn gốc từ Trung Hoa nên nghi lễ căn bản giống nhau. Tuy vậy do ảnh hưởng của người sáng lập, đặc biệt là sự khế hợp với tín ngưỡng, văn hóa truyền thống Việt Nam mà nghi lễ Phật giáo của mỗi Thiền phái có những nét đặc thù.

Có thể điểm qua nhận xét của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận về đặc thù thiền giáo, Thiền học của ba Thiền phái để thấy được phần nào nghi lễ Phật giáo của mỗi Thiền phái.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát nhã, Tam luận và Hoa nghiêm, có khuynh hướng thiên trọng về Mật giáo theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy, sấm vĩ. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Đây là Thiền phái có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu Việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khó(1).

Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ, chú trọng con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Thiền học Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tịnh giáo… cũng như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự và đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình(2).

Thiền phái Thảo Đường mà người sáng lập thuộc truyền thống thiền của Thiền sư Tuyết Đậu Minh Giác (mất 1052) ở Trung Hoa, ông thuộc Thiền phái Vân Môn. Một đặc điểm của phái Tuyết Đậu là chủ trương dung hợp Phật giáo và Nho giáo nhằm vào sự hoằng dương Thiền học trong giới trí thức và thi ca từ đó ảnh hưởng đến hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông(3).

Các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đều chủ trương rằng Phật giáo Việt Nam là kết hợp Thiền, Tịnh, Mật. Nếu như Thiền Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển trên các bình diện thiền giáo (hệ thống tăng già) Thiền học (giáo lý), nghi lễ, tự viện thì Tịnh độ tông và Mật tông chỉ tồn tại như một pháp tu với những nghi lễ đặc thù.

Những biểu hiện cụ thể nghi lễ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

Trước hết phải kể đến nghi thức sám hối trong những thời khóa của một ngày. Nhiều chùa thực hiện khoa nghi sám hối sáu thời trong một ngày. Ấy là áp dụng Lục thời sám hối khoa nghi do Trần Thái Tông soạn thành sách. Sách trình bày một nghi thức sám hối chia làm sáu phần, mỗi phần dành một thời gian. Trần Thái Tông sáng tác để tự mình sử dụng, sau đó lưu hành để các Phật tử dùng. Mỗi lần thực hành một khoa nghi khoảng 20 phút. Sám hối không phải là xin tội với Phật mà gạn lọc, thức tỉnh bản thân. Suốt sáu nghi thức sám hối, nhu cầu sám hối thì ít, nhu cầu thức tỉnh và tinh chuyên thì nhiều.

Sám hối là một hình thức tu trì của Phật tử tại gia và xuất gia. Đương thời Phật giáo đã có một số khoa nghi về sám hối chẳng hạn như Từ bi thủy sám nhưng Trần Thái Tông một ông vua với quá nhiều nỗi niềm uẩn khúc, nhận thấy những khoa nghi sám hối đã có không hợp với mình nên đã lập ra khoa nghi riêng. Ở đó vẫn có kệ dâng hương, kệ dâng hoa, nhưng còn có những bài kệ của một số thời trong sáu thời như kệ cảnh sách giờ Dần, lễ chúc hương buổi sớm. Về vấn đề này Nguyễn Lang nhận xét: “Mỗi nghi thức bắt đầu bằng bài kệ cảnh giác, rồi đến lễ dâng hương, một bài kệ dâng hương, một bài trần bạch có tác dụng cảnh sách, một lời sám hối, một bài kệ khuyên thỉnh, một bài kệ tùy hỷ, một bài kệ hồi hướng, một bài kệ phát nguyện và cuối cùng là một bài kệ vô thường. Văn cú rất diễm lệ, hình ảnh rất phong phú, tư tưởng rất sâu sắc. Sáu nghi thức là sáu hòn bích ngọc. Lục thời sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông là một sám pháp gọn gàng, thực tiễn, đẹp đẽ và thực dụng”(4).

Theo chúng tôi, cần thiết phải đề cập đến một nghi lễ khác, nghi lễ truyền y pháp cho Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Trúc Lâm. Vào cuối đời, khi tuổi cao, sức yếu, Trần Nhân Tông/ Trúc Lâm/ Tổ thứ nhất, Trúc Lâm đã viết tâm kệ và lấy y bát truyền cho Pháp Loa, chính thức ủy Pháp Loa kế thế trụ trì chùa Siêu Loại làm tổ thứ hai. Pháp hội có sự chứng kiến của Vua Anh Tông. Việc này được ghi trong sách Tam tổ thực lục:

“Năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16, vào ngày mồng một tháng Giêng, Pháp Loa phụng mệnh làm người nối pháp trụ trì chùa Siêu Loại ở giảng đường Cam Lộ. Bắt đầu buổi lễ, mọi người làm lễ ở Tổ đường; đại nhạc được tấu lên. Các loại danh hương được xông đốt… Điều Ngự (Trần Nhân Tông - NDH) đưa Pháp Loa vào lạy ở Tổ đường xong, cùng xuống thực đường để ăn cháo sáng. Xong buổi triêu thực, nhạc tấu lên, trống lớn nổi dậy, đại chúng chư tăng được triệu tập cùng lên pháp đường: lúc đó vua Anh Tông đã ngự giá tới chùa; ngôi chủ khách đã phân xong, mọi người cùng ngồi. Anh Tông lúc đó đóng vai trò một vì đàn việt lớn của Phật pháp, ngồi vào ghế khách của pháp đường; quốc phụ thượng đế cùng với các quan cùng đứng ở dưới sân. Điều Ngự thăng đường thuyết pháp: Thuyết pháp xong, Điều Ngự rời pháp tòa, dắt Pháp Loa cho ngồi trên pháp tòa ấy, rồi đứng chắp tay đối diện Pháp Loa làm lễ thăm hỏi. Sau khi Pháp Loa đáp bái lại. Điều Ngự trao pháp y cho Pháp Loa khoác vào. Bấy giờ Điều Ngự ngồi xuống ghế Khúc Lục một bên để nghe Pháp Loa thuyết pháp. Xong rồi, Điều Ngự đem Sơn Môn (Giáo hội) Yên Tử vào chùa Siêu Loại ủy cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm”(5).

Sự hiện diện của nhà vua trong pháp hội, những nghi thức được tiến hành mà sách Tam tổ thực lục ghi lại cho thấy không chỉ tính đặc thù mà ở đó còn toát lên tính dân tộc của nghi lễ Phật giáo đương thời.

Có thể xem lục thời sám hối và pháp hội Truyền y pháp cho Nhị tổ Pháp Loa được ghi lại trong sử sách đương thời là hai biểu hiện đặc thù của nghi lễ PGTLTT.

Ngoài ra còn là các nghi lễ khác, đáng kể là nghi lễ tụng niệm buổi chiều và buổi tối gọi là hai buổi công phu (nhị thời công phu) được tăng sĩ thực hiện ở nhiều chùa. Theo đó là các nội dung thần chú các kinh buổi sáng như: Thủ Lăng nghiêm, Đại Bi Tâm, Như Ý Bảo Luận Vương, Tiêu Tại Cát tường, Công Đức Bảo Sơn, Chuẩn Đề, Dược Sư Quán Đỉnh, Quan Âm Linh Cảm, Thất Phật Diệt Tội, Vãng sinh Tịnh độ, Đại Cát Tường Thiên Nữ, Tâm Kinh Bát nhã, Niệm Phật Thích Ca, Đỉnh lễ Chư Phật, Hồi hướng. Thời khóa buổi chiều bao gồm tụng, niệm các kinh: Kinh A Di Đà, Thần chú Vãng sinh Tịnh độ, Sám pháp Hồng Danh, Nghi thức Thí Thực Mông Sơn, Tâm kinh Bát nhã, Niệm Phật A Di Đà, Đỉnh lễ Chư Phật, Hồi hướng Cực lạc, Tam Quy.

Nhìn vào những phần nội dung tụng niệm của hai thời khóa trong một ngày của một tăng sĩ cho thấy sự tổng hợp của ba tông phái Thiền, Tịnh, Mật.

Theo Tam tổ thực lục, Pháp Loa và Huyền Quang đều trì tụng thần chú và niệm Phật A Di Đà. Trì tụng thần chú là để gia trì định lực, niệm Phật là để tâm bất loạn. Từ nội dung hai thời khóa trên, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tr. 374) nhận xét “Mật giáo và Tịnh độ giáo đã lấn át thiền, dù rằng Mật giáo và Tịnh độ giáo đã được xem như đồng hóa với Thiền”. Thời Trần, PGTLTT, các tổ đình và tự viện lớn đều tổ chức an cư kết hạ thời gian từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy. Đây là thời kỳ các tăng sĩ được đào tạo hay thuộc về một tổ đình, tự viện đều trở về kết hạ. Hành giả mỗi kỳ hạ được tính thêm một tuổi đạo. Ngoài ra một số chức vị theo tuổi hạ mà được thỉnh cầu: Trải qua 5 hạ được thỉnh cầu danh hiệu a xà lê. Một vị được thỉnh cầu là Hòa thượng phải trải qua ít nhất 10 hạ. Một số chùa tổ chức kết Đông cũng theo thời gian ba tháng cho những vị không thể về trong kết hạ.

Phật giáo Trúc Lâm dưới thời Nhị tổ Pháp Loa xương minh trên tất cả các lĩnh vực. Pháp Loa dành nhiều thời gian chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật học và biên tập nhiều nghi thức. Về nghi thức có thể kể đến tác phẩm: Pháp sự khoa văn về các nghi thức và sớ điệp dùng trong những lễ lược Phật giáo(6). Pháp Loa còn là người nêu gương “ngày đêm trì chú lễ Phật”.

Vị tổ thứ ba của Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang, về nghi lễ có cuốn Công văn tập, tuyển tập các bài văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo.

Từ thời Lý một số nghi lễ Phật giáo trở thành quốc lễ, tiêu biểu là Lễ Phật đản. Người có công biến lễ Phật đản thành quốc lễ là vua Lý Thánh Tông. Nghi thức lễ Phật đản gồm các bước lễ tắm Phật cử hành vào buổi sáng tại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Vua, Hoàng hậu, các Hoàng tử, công chúa cùng triều đình đến dự. Dân chúng các nơi trở về. Sau Lễ Tắm Phật là lễ phóng sinh. Vua đưa tay vào lồng bắt rồi thảm chim, trong khi dân chúng tung hô “vạn tuế” rồi cùng thả chim rợp trời. Buổi tối có lễ phóng đăng thả hàng ngàn đèn trôi trên sông hồ(7). Thời Trần nghi lễ Phật đản, thời Lý tiếp tục được Phật giáo Trúc Lâm duy trì.

Do Phật giáo buổi đầu gắn với tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ (tín ngưỡng Tứ Pháp) với việc cầu cho phong đăng, hòa cốc (mưa thuận, gió hòa), từ thời Lý, tiếp theo là thời Trần, khi thiên tai xảy ra hạn hán lụt lội, một số nhà vua đã có những việc làm gắn với nghi lễ Phật giáo như ăn chay giữ giới, tụng kinh, phóng sinh, cầu đảo với mong muốn chư Phật, chư Bồ tát ngăn chặn tai ương. Có khi nhà vua trực tiếp đến chùa cầu đảo, cũng có khi cho rước Phật Tứ Pháp (chủ yếu là Pháp Vân) về kinh đô làm lễ cầu đảo.

Tiến trình tiếp nhận nghi lễ Phật giáo từ các tăng sĩ Ấn Độ, sau này là Phật giáo Trung Hoa là tiến trình nghi lễ Phật giáo từng bước dân tộc hóa. Một trong những biểu hiện của dân tộc hóa nghi lễ Phật giáo của Phật giáo Việt Nam đó là kể hạnh. Kể là kể chuyện, hạnh là hành trạng các vị tổ sư. Hình thức này được biết đến bắt đầu từ Phật giáo thời Trần và đã được giới Phật tử bình dân tiếp tục duy trì đến ngày nay. Thời Trần chữ Nôm đã khá phát triển. Hạnh tích Trúc Lâm Tam tổ cũng như hạnh tích một số thánh tăng được sáng tác bằng chữ Nôm dưới dạng văn vần đề Phật tử dễ đọc, dễ nhớ. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: Văn kể hạnh là văn đặc biệt của nhà chùa, đó là lối văn hát; giọng của các già lớn tuổi xen vào giọng của các thiếu nữ. Ngoài ra còn có một lối hát gọi là hát kệ.

KẾT LUẬN

Phật giáo Trúc Lâm thời Trần tiếp cận từ chiều cạnh Tự viện và nghi lễ cho thấy:

Về phương diện tự viện hình thành nên những trung tâm Phật giáo nổi tiếng. Phần lớn các trung tâm tự viện, chùa gắn liền với tháp thờ Phật với quy mô xây dựng rộng lớn, kiến trúc, điêu khắc đẹp đẽ, giàu tính thẩm mỹ. Có thể kể đến các trung tâm như Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Non Nước, đặt biệt là chùa tháp Phổ Minh. Trên cơ sở của bình đồ tự viện thời đại trước đó, bình đồ tự viện Phật giáo Trúc Lâm kế thừa, hoàn chỉnh hơn. Bình đồ kiến trúc ngoài dạng hình chữ tam, chữ công còn có bình đồ kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”. Về tượng, có lẽ ít có thời kỳ nào mà tượng Phật được tạo tác nhiều như PGTLTT. Chỉ tính riêng thời kỳ Nhị tổ Pháp Loa, Tổ đã tạo tác tới hơn 1.300 pho tượng. Vì vậy mà Hà Văn Tấn nhận xét: “Có thể nghĩ rằng bàn thờ Phật thời Trần đã có một số tượng đông đúng hơn và đa dạng hơn thời Lý”. Tự viện Phật giáo thời Trần nhất là những trung tâm Phật giáo như chùa Quỳnh Lâm được quản lý quy củ. Các tự viện đều áp dụng thanh quy của Bách Trượng Hoài Hải, một thanh quy Phật giáo Việt Nam thực hiện từ thời Lý.

Về phương diện nghi lễ, do dung nhiếp ba Thiền phái (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) nên một cách tổng quát nghi lễ PGTLTT là sự khế hợp ba Thiền phái trên. Đó còn là sự kết hợp giữa Thiền phái với nghi lễ Tịnh độ tông và Mật tông. Song nghi lễ PGTLTT có những đặc thù riêng thể hiện qua “Lục thời sám hối”, qua truyền đăng, qua khế hợp với nghi lễ dân gian và Việt hóa nghi lễ Phật giáo với nhiều biểu hiện mà kể hạnh là một ví dụ.

Tiếp cận tự viện và nghi lễ là tiếp cận từ phương diện tôn giáo học qua đó thấy được tiến trình vận động của hai phương diện này trong các phương diện hay thành tố của Phật giáo Việt Nam ở một thời kỳ lịch sử cụ thể.

Hà Nội, tháng Chín, Canh Tý

(Tiếp theo tạp chí NCPH số 167 và hết) PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương - Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021 -----------------

CHÚ THÍCH: (1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Phương Đông, Hà Nội, 2012, tr 111. (2) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 137. (3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr??? (4) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 90. (5) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 229 - 230. (6) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 252. (7) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 389.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) 2013, Hà Nội, NXB Thời Đại. 2. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên), 2017, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Hà Nội, NXB Tôn giáo. 3. Nguyễn Lang, 2012, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội, NXB Phương Đông. 4. TT.TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Đồng chủ biên), 2018, Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo tùng thư, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội. 5. Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long, 2013, Chùa Việt Nam, Hà Nội, NXB Thế giới.