Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Một vài khảo cứu về nghi lễ Phật giáo thời Lý-Trần

Một vài khảo cứu về nghi lễ Phật giáo thời Lý-Trần

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Huệ Nhật
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Đặt vấn đề:
Nghi lễ là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống sinh hoạt của các các tôn giáo nói chung, Phật giáo cũng không là ngoại lệ. Nghi lễ Phật giáo không phải là sự giao thoa hay tiếp xúc giữa các tu sĩ với đấng thần linh, thượng đế mà việc thực hiện nghi lễ là sự thể hiện lòng tín tâm, quy ngưỡng, cung kính trên ba ngôi tam bảo Phật, Pháp, Tăng.
Trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo quy định rõ ràng về cách thức hành lễ trong nhiều nghi lễ khác nhau như: nghi thức sinh hoạt đời thường, sám hối, bố tát, truyền giới, cầu an, cầu siêu… Trong văn hóa Phật giáo Việt Nam, các nghi lễ Phật giáo đã xuất hiện manh nha từ lúc đạo Phật truyền sang nước ta, đến thời đại Lý – Trần, nghi lễ Phật giáo được chuẩn hóa lên thành nghi lễ Phật giáo cấp giáo hội và nghi lễ trong tự viện, cung đình.
Từ khóa: Nghi lễ, phật giáo, thời Lý – Trần, Phật, Pháp, Tăng, văn hóa nghi lễ…..

1. Nghi lễ cấp giáo hội

Phật giáo nói riêng, nghi lễ nói chung trong đời sống sinh hoạt cộng đồng là một kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam qua việc chuyển tải những tri thức Phật học lẫn thế học, thuật ngữ, pháp số, điển cố; cộng thêm đức tu của các bậc chân tu chuyển tải vào giúp làm chuyển hóa tâm thức, khuyên người tu tâm dưỡng tính và điểm hóa các tầng lớp chúng sinh. Nghi lễ đưa Phật giáo vào đời một cách thiết thực mang tính gần gũi nhưng không kém phần tôn nghiêm, kết hợp âm nhạc Phật giáo qua các pháp khí như linh, chuông, khánh mỏ, tang, trống… cùng giai điệu tán tụng theo một biểu mẫu quy định. Tất cả các nghi thức, ý nghĩa của các nghi lễ trong Phật giáo có nguồn gốc từ lời chư Phật, chư Tổ dạy và được ghi vào trong kinh điển, có khi trực tiếp truyền khẩu lại. Qua thời gian, các vị cao tăng, thạc đức soạn định lại cho thích hợp với đời sống tín ngưỡng dân gian nhưng không làm mất đi phần tinh túy và ý nghĩa cốt lõi các giá trị truyền thống.

Xin được lấy ví dụ về nghi lễ cầu an, cầu an là nguyện cầu bình an cho bản thân và gia đạo được an ổn, mạnh khỏe, mọi việc hanh thông trong cuộc sống. Các chùa thường tổ chức lễ cầu an vào đầu bốn mùa trong năm là chính, ngoài ra tùy vào nhu cầu, tâm nguyện của các thí chủ muốn đến chùa cúng hoặc gửi tên cầu an vào thời điểm mong muốn. Khi buổi lễ cầu an diễn ra, gia chủ cùng người thân trong gia đình tháp tùng theo sẽ tham gia trọn vẹn buổi lễ cầu an, cùng chùa tụng kinh, đọc tên cầu nguyện; nếu có dâng sớ thì phải đăng ký nhờ chùa viết hoặc chuẩn bị sẵn.

Khi thỉnh chư tăng vào lễ, cử ba hồi chuông trống bát nhã, niêm hương bạch Phật dâng lời thỉnh nguyện, xưng tán chư Phật, sau đó mỗi vị an tọa rồi cùng chắp tay tụng kinh, thường những buổi lễ cầu an sẽ tụng kinh Phổ môn, kinh Pháp hoa, kinh Dược sư. Sau đó là phần phục nguyện và hồi hướng, vị chủ sám đọc tên tuổi những vị có trong danh sách được cầu an, ngoài ra còn cầu nguyện chung cho tất cả phật tử đang hiện diện và tất cả chúng sinh đều được an vui, tiêu tai giải nạn, mạnh khỏe…

Trong Việt Nam Phật giáo sử luận tác giả Nguyễn Lang có nói đến việc các tăng sĩ thời Lý – Trần khi hành đạo tại địa phương, họ giảng giáo lý, làm lễ Quy y Tam bảo cho những người mới vào đạo, tổ chức tụng kinh và cầu an tại chùa. Có khi gia chủ mời các vị tăng đến nhà giảng đạo, làm lễ cầu an. Khi vua Trần Anh Tông lâm bệnh nặng, gần băng hà, Bảo Từ Hoàng thái hậu cho người thỉnh Pháp Loa đến làm phép quán đỉnh và lập đàn chay cầu nguyện cho vua [1]. Thời Lý – Trần có những đại trai đàn lớn, treo cờ xí rợp trời để nhờ chư tăng chú nguyện, cầu an cho đất nước được thái bình, nhân dân được no ấm. Hiện nay, lễ cầu an vẫn rất phổ biến vì đây là một ước muốn chính đáng, nhưng không nên cho rằng cầu an thì sẽ mãi mãi được như ý vì bản chất muôn sự là vô thường, tùy theo phước báo của mỗi người. Mỗi người phải cố gắng cầu an cho chính mình qua việc học giáo pháp Phật Đà, quy và và thọ trì năm giới, ứng dụng vào cuộc sống để trở thành người thiện lương. Tâm an khi thấy rõ bản chất vô thường mà không còn tâm phiền muộn, sợ hãi; tâm an khi nuôi dưỡng tâm lượng từ bi, thương yêu, biết sẻ chia… thì sẽ không còn bất an, đem năng lượng an lành trang trải đến cho mình, cho người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nghi thuc Phat giao 1

Lễ cầu siêu với ý nghĩa cầu nguyện cho người đã ra đi sinh về cõi lành, giúp họ nghe được lời khai thị mà tâm được buông xả, tiêu trừ bớt nghiệp tội và nương nhờ phước lành từ người thân hồi hướng được đủ duyên sinh về cõi Tịnh Độ. Những người con vì hạnh hiếu, tưởng nhớ đến ân đức sâu dày của cha mẹ và thân quyến đã khuất, họ phát tâm cúng dường tổ chức trai tăng, trai đàn cầu siêu. Hoặc thí chủ có thể thỉnh các vị tăng về tại tư gia tụng kinh, làm lễ cầu siêu cho người đã khuất vào những ngày tang lễ, tuần thất, giỗ tùy theo nhu cầu và quy mô lớn nhỏ. Lễ cầu siêu diễn ra cũng gần giống lễ cầu an, chỉ khác nhau ở nội dung, chủ yếu tụng kinh Di Đà, Kinh Địa Tạng, Lương Hoàng Sám, xưng tán danh hiệu đức Từ Phụ A Di Đà phóng quang lân mẫn thùy từ tiếp độ chư hương linh đã quá vãng. Chư tăng thỉnh hương linh “lai đáo đàn tiền”, để “thính pháp văn kinh” được “thừa cơ siêu độ” với ý nghĩa cứu vớt chúng sinh ra khỏi lục đạo, tam đồ. Lễ cầu siêu còn được tổ chức lớn như các đàn tràng chẩn tế Thủy lục chư khoa, Du – già thí thực nghi quỹ. Thay vì tụng chú Tiêu tai ở lễ cầu an thì cầu siêu tụng chú Vãng sinh, vị chủ sám phục nguyện đọc rõ tên tuổi, địa chỉ của hương linh đã vãng mà cầu nguyện. Với ý nghĩa làm tăng trưởng phước lành, trợ duyên cho người đã mất nương nhờ oai thần tam bảo mà sinh về cõi lành, hơn nữa còn giúp người tổ chức đàn tràng lớn nhỏ đều được đầy đủ thắng duyên.

2. Nghi lễ trong tự viện

Trong thời Trần, Trúc Lâm Đại Sĩ đã từng nhờ ngài Huyền Quang soạn Công văn tập, tức là tuyển tập những bài văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo, sau được Trúc Lâm cho khắc in lưu hành trong Giáo hội Trúc Lâm, có thể được đưa vào cả đại tạng kinh thời Trần [2]. Liên quan đến nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nhằm đánh dấu sự kiện quan trọng trong ngày xuất gia vĩ đại của vua Trần Nhân Tông, toàn nước Việt được phát hành rộng rãi cuốn Phật giáo pháp sự đạo tràng công văn cách thức [3]. Đây là sách trình bày về thể thức và những bài văn sớ, tấu điệp chuyên dùng trong các nghi lễ như: thọ giới, cầu an, cầu siêu, chẩn tế, khánh thành… Cuốn sách này có vai trò nhắm đến mục đích thống nhất các nghi lễ của Phật giáo lúc bấy giờ nên được chính quyền cho ấn hành rộng rãi.

Lễ sám hối được diễn ra vào ngày 14, 29 hoặc 30 của tháng trong năm, các chùa tại Việt Nam đa số đều thực hiện nghi thức sám hối qua thời lễ sám hồng danh trước ngày bố tát tụng giới với mục đích cho mỗi các nhân tự nhìn nhận chân tâm, sửa đổi những lỗi lầm do cố ý hay vô tình gây ra, chuyển hóa thân tâm. Đây chính là phương pháp tu thiết thực giúp con người nhìn nhận lại chính mình “Sám hối là cách thức giúp con người lầm lỗi chuyển hóa các hành vi đạo đức, canh tân đời sống tâm linh và làm mới lại cuộc đời. Để sám hối, trước nhất con người cần phải ý thức về tội lỗi của mình đã gây ra, như dấu chỉ của một “lương tâm biết hối đầu”, kế đến là nhận thức rõ các nguyên nhân sâu xa gây ra chúng, và sau cùng là chân thành ăn năn, quyết tâm sửa đổi, không để tái phạm trong tương lai [4]. Không những là người xuất gia, mà người tại gia cũng nên đến chùa hoặc thực hiện nghi thức sám hối tại nhà nhằm sám hối những lỗi lầm, phát nguyện tu tập ngày một hoàn thiện, tốt đẹp thì chính mỗi người và gia đình, những người xung quanh đều đạt được lợi ích, an vui.

Vào thời nhà Trần, vua Trần Thái Tông cho soạn “Lục thời sám hối khoa nghi”, một nghi thức sám hối của Phật giáo. Vua chia làm sáu phần trong ngày thành sáu thời sám hối nhằm rửa sạch cáu bẩn cho căn thân và tâm “muốn rửa sạch thân tâm mà không dùng lễ sám, thì khác chi muốn tiện lợi đi lại không dùng thuyền, xe [5]. Vì lợi ích của việc lễ sám vô cùng lớn, tiêu trừ tội nghiệp từ trăm nghìn kiếp, nhờ sức thần từ bi oai quang của chư Phật, giác tính thanh tịnh vốn có của mỗi người mới có cơ may hiển bày, như tấm gương bụi bẩn được lau chùi sáng rõ, thấy được bản lai diện mục chân tâm rõ bày. Ngoài ra còn có Bình đẳng sám văn, cũng là nghi thức sám hối nhưng đã bị thất lạc, chỉ còn lại bài tựa trong sách Khóa hư lục với tính triết học thâm sâu.

Lễ truyền giới dành cho người đệ tử phật, dù tại gia hay xuất gia đều cần lãnh thọ giới pháp nhằm tiến thêm con đường phát triển tâm linh, tu bồi trí tuệ vì nhân giới mới sinh định và nhân có định mới phát sinh trí tuệ. Mỗi vị muốn lãnh thọ giới pháp phải xin tác bạch cầu sự chấp thuận của bổn sư hoặc vị trụ trì mới được rồi mới tham dự lễ truyền giới được tổ chức tại địa phương hay nơi nào mình được đăng ký hợp lệ. Mỗi giới tử tự phát nguyện giữ gìn những điều giới Phật chế định, những nguyên tắc nghi lễ đã được ấn định. Vì giới pháp là bậc thang giúp đệ tử Phật có khả năng phòng hộ ba nghiệp, đó chính là nền tảng đạo đức giúp hành giả tiến nhanh đến lộ trình giải thoát.

Trong lễ truyền giới cho Pháp Loa, Trúc Lâm truyền y bát cùng 20 hộp đựng kinh Phật còn trao thêm 100 hộp sử Ngoại thư và dặn ông nên mở rộng việc học cả bên trong trong lẫn bên ngoài nhằm có được tri thức uyên thâm vững vàng phục vụ cả đời và đạo, điều này cho thấy thiền phái Trúc Lâm có phần khác hẳn so với thiền phái Trung Quốc mà mang màu sắc nhập thế, tùy tục, tùy duyên hành đạo không phân biệt. Khi Pháp Loa lãnh đạo giáo hội, số lượng tăng, ni xin xuất gia, thọ giới lên đến 15.000 người do giáo hội Trúc Lâm tổ chức, có hơn 3.000 vị đến cầu pháp và đắc pháp với Pháp Loa. Sự kiện cuối năm 1304, vua Trần Anh Tông thỉnh Trúc Lâm vào đại nội nhằm truyền giới tại gia Bồ tát tâm giới (giới chưa bị ràng buộc cụ thể về phương diện hình thức vào 58 giới điều của bồ tát) cho vua. Những người trong cung lúc này thấy vua phát tâm thọ giới như vậy liền xin thọ tam quy, ngũ giới. Chứng tỏ thời đại Lý – Trần Phật giáo rất thịnh, cả triều đình cùng phát tâm hướng Phật từ vua quan cho đến dân chúng, từ tâm thức mỗi người đều có sự ảnh hưởng mạnh mẽ mà chưa có triều đại nào trong lịch sử được như vậy.

Năm 1319, Pháp Loa được Quốc Phụ Thượng Tể Quốc Chẩn thỉnh giảng Đại tuệ ngữ lục trong phủ An Hoa. Cũng trong năm này còn có sự kiện Pháp Loa trao giới tại gia cho công chúa An Hoa. Năm 1323, Văn Huệ vương và Uy Huệ vương xin thọ bồ đề tâm giới tại chùa Báo Ân. Năm 1324, Chiêu Từ Hoàng thái phi xuất gia, thọ nhận giới Bồ tát. Năm 1329, Tuyên Chân công chúa, Lệ Bảo công chúa cũng xin xuất gia.

Lễ bố tát còn gọi là lễ thuyết giới, tụng giới vào đầu tháng và rằm nhằm nhắc nhở chư tỳ kheo về giới pháp, thánh hạnh của bậc xuất sĩ, duy trì mạng mạch của Phật pháp “Này các tỷ-kheo, khi nào chúng tỷ-kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các tỷ-kheo, chúng tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm” [6]. Vì vậy, lễ Bố tát vô cùng quan trọng mà Phật chế định giúp cho hàng đệ tử ngài sống trọn vẹn đời sống thanh tịnh, tăng đoàn ngày một hưng thịnh. Ngày nay, các chùa đều thực hiện lễ bố tát vào nửa tháng, nếu vị nào có duyên sự không thể bố tát thì phải xin phép và được sự chấp thuận.

Nghi lễ Phật giáo là một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, đóng vai trò quan trọng trong phương tiện độ sinh, hoằng truyền giáo lý Phật đà vào cuộc đời. Đạo Phật đi khắp thế gian hoằng pháp độ sinh qua nhiều pháp môn tu, pháp học, pháp hành tùy theo căn cơ, trình độ, phong tục, tập quán của từng quốc gia cho phù hợp làm phương tiện độ sinh. Thể theo tinh thần Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp, các hình thức lễ nghi của Phật giáo phần nào giúp cho quần chúng nhân dân tăng trưởng thêm phần phước báu, trang nghiêm đạo tràng, tịnh hóa thân tâm cho mỗi cá nhân hay quảng đại quần chúng tu tập đúng như pháp trên tinh thần lục hòa, cộng trụ đồng tu, nhất là khi sống trong tổ chức cộng đồng Phật giáo. Đáp ứng nhu cầu tâm linh cho việc cầu an cho người còn đang sống, hồi hướng phước lành đến những người đã khuất, các cõi vô hình, vạn loại hay những nhu cầu thiết thực khác. Với bề dày lịch sử song hành cùng dân tộc, nghi lễ Phật giáo đã tạo thành những dấu ấn tín ngưỡng văn hóa góp phần lớn trong việc thiết lập nền đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Nhằm phát huy tốt những giá trị và chức năng của nghi lễ Phật giáo trong thời hiện đại, giáo hội cần giữ gìn và uyển chuyển thay đổi những gì phù hợp hay không, từ đó nghi lễ Phật giáo vẫn mang văn hóa đẹp của kho tàng dân tộc mà không mất đi nét cốt tủy văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc.

Thích Nữ Huệ Nhật
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
[1]: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012, tr. 256.
[2]: Nguyễn Lang, sđd, tr. 266.
[3]: Nguyễn Lang, sđd, tr. 226.
[4]: Thích Nhật Từ, Nghi thức sám hối sáu căn và hồng danh, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
[5]: Trần Thái Tông hoàng đế, Khóa hư lục, sa môn Trí Hải dịch, Nxb Tôn giáo, 2015, tr. 63.
[6]: Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 306.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường